Chuyên ngành

Dạy Con Đôi Khi Thật Đơn Giản

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Trần Bích Hà

Download sách Dạy Con Đôi Khi Thật Đơn Giản ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Nuôi dạy con

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                       Xem giá bán

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Giới thiệu

Nếu các bạn đang đọc những dòng này thì chắc đã biết trang Facebook của chị Bích Hà. Cùng với hình ảnh bà mẹ lạc quan, yêu đời, bàn luận sôi nổi và nhiệt tình đưa các lời khuyên về giáo dục con cái – là tâm điểm của câu chuyện, cô bé Minh Thu (tên gọi khác là Minty), cũng được biết đến với những nhận xét trên Facebook:

“Mừng chị có người con gái thật tuyệt! Không uổng công Mẹ, phải không chị.”

“Chúc mừng chị và Minty, giỏi như Minty thì con em và mấy đứa bạn nó gọi là “Quái vật” đấy chị.”

“Chị ơi, Minh Thu giỏi quá. Nàng trưởng thành sớm… hiểu chuyện và rất tự hào về mẹ Hà… chị thật là hạnh phúc.”

Chính thống hơn là những nhận xét của giáo viên ở trường Cate, California – nơi cháu đang học năm cuối phổ thông trung học:

Toán nâng cao: Minty đặt ra chuẩn mực cao hiếm có cho học lực xuất sắc. Đơn giản là 100%. Tôi có nhiều học sinh điểm A; nhưng trong 29 năm dạy toán, chỉ có vài em liên tục đạt 100%. Bài làm thật mạch lạc, triệt để mà rất ngắn gọn và chính xác, làm tôi luôn có cảm giác đang đọc lời giải mẫu khi chấm bài của Minty.

Văn học: Câu chuyện của em thật gợi mở, thấm thía, bâng khuâng, chua xót, sâu sắc mà hài hước – tất cả các vị đều vừa đủ… Có tài thẩm thấu ngôn ngữ tuyệt vời, cùng với vốn từ sống đáng nể làm Minty luôn tìm được từ ngữ vừa vặn trong mọi tình huống. Như tôi luôn nhận xét, các bài luận của em thật thanh tú, tinh tế, ở tầm mức mà sinh viên tốt nghiệp đại học (từ những trường danh tiếng) mong muốn viết ra được.

Lịch sử: Mãi mà tôi không nghĩ ra Minty phải cố thêm thế nào cho môn Lịch sử Hoa Kỳ (nâng cao). Em thực sự đã là học sinh tuyệt đỉnh cho môn sử – ham hiểu biết, sẵn sàng học hỏi và khả năng nhận biết vấn đề là điều bất cứ giáo viên nào mong mỏi ở mỗi học sinh. Minty làm sử luận tuyệt vời – hết sức rõ ràng, chi tiết và tinh tế trong suy nghĩ; tinh thông trong phân tích các văn kiện lịch sử để nêu bật quan điểm của mình.

Nhạc jazz: Minty tiếp tục đẩy ban nhạc jazz đến thành công. Với kỹ năng nhạc cổ điển trên piano và viola tuyệt vời, Minty làm quen rất nhanh với jazz, học chuyển gam và đảo hợp âm thành thục để trở thành soloist cho mỗi bản nhạc.

Dàn đồng ca (Camerata): Chuẩn bị cho hai buổi biểu diễn, học sinh đang trở thành nghệ sỹ. Với giọng hát mượt mà, khả năng đọc nốt nhạc rất tốt để luôn thúc đẩy và tiếp sức cho cả bè, Minty là ngôi sao trong dàn. Mỗi ngày tôi đều trông ngóng Minty để được cảm nhận nhiệt tình, tài năng cùng lòng say sưa âm nhạc của em. Thật buồn khi nghĩ đến việc sắp phải xa nhóm học sinh này – giá mà có thể gói ghém chúng lại và giữ mãi bên mình.

Năm 14 tuổi, Minty học ở trường Wycombe Abbey bên Anh, chắc chân top 3, nhiều học kỳ đứng nhất khóa. Minh Thu tâm sự: “Con có điểm cao là nhờ chăm chỉ và học có phương pháp, chứ nói về trí tuệ trời phú thì trong top 3 có một bạn người gốc Phi, không phải học nhiều nhưng có trí nhớ siêu phàm và thông minh bẩm sinh không ai sánh được”.

Đã trúng tuyển sớm (early decision) vào trường Đại học Brown trong nhóm Ivy League tại Mỹ, con đường của Minh Thu đang rộng mở và tôi tin cháu sẽ thành công trong bất cứ lĩnh vực nào. Nền móng của thành công đó đã được chị Bích Hà xây trong 18 năm từ khi sinh con (thực ra trước đó cả năm). Thu miêu tả quá trình đó thế này, khi trả lời một câu hỏi của trường Brown:

Hỏi: Chúng ta đều tồn tại trong những cộng đồng khác nhau về số lượng thành viên, nguồn gốc và mục đích; hãy kể về một cộng đồng của bạn, tại sao nó quan trọng và ảnh hưởng tới bạn thế nào?

Đáp: Tôi là con một, trong gia đình của mẹ đơn thân, nhưng chẳng bao giờ cảm thấy cô đơn. Mẹ và tôi thành cộng đồng hai người vô cùng khăng khít. Bằng chính cách mình sống, mẹ dạy tôi lòng dũng cảm. Mẹ rèn cho tôi tinh thần bền bỉ không giới hạn, rằng trong khó khăn cần nghiến răng lại, ngẩng đầu lên mà tiến về phía trước; rằng tôi có thể thất bại tanh bành, nhưng hãy nhặt nhạnh từ hoang tàn để chắp lại con người mình. Mẹ và tôi cùng nhau cười và khóc; cùng nhau bàn cãi; cùng nhau chu du để khám phá những bí ẩn trên đời. Cùng nhau, chúng tôi biến cộng đồng nhỏ bé của hai người thành điều có nghĩa hơn bản thân cuộc đời.

Không ai sinh ra đã là cha mẹ, chị Bích Hà cũng vậy. Mà không biết thì phải học, thế là chị quyết tìm hiểu thấu đáo. Khi đó chưa có Internet và tài liệu còn hạn chế, chị Hà “ôm” rất nhiều sách tiếng Anh về nuôi dạy trẻ mỗi lần đi công tác nước ngoài. Nhiều đến mức tôi thắc mắc sao có lắm sách đến thế về chủ đề này và sao phải đọc ngần ấy sách mới chuẩn bị được cho một đứa trẻ sắp chào đời? Tôi được chị giải thích rằng có nhiều quan điểm khác nhau trong nuôi dạy trẻ em, một cuốn sách có khi rất dày nhưng chỉ tìm được một vài điều bổ ích. Nhiều sách chỉ bàn luận chung chung nhưng không chỉ ra cụ thể mình phải làm gì. Do vậy, chị phải đọc tuốt, để rút ra cách ứng xử cụ thể cho những tình huống đa dạng và đủ nền kiến thức cho những khuynh hướng có thể phát triển khác nhau của con mình.

Nhiều người than phiền đi làm vất vả bao nhiêu cũng không khổ bằng trông và chơi với trẻ. Thế nhưng chị Bích Hà quyết định nghỉ việc, chuyên tâm nuôi con cho đến khi cháu 2 tuổi và bắt đầu đi nhà trẻ. Cả căn nhà biến thành trường mẫu giáo với thư viện, phòng soạn giáo án, phòng ăn, phòng ngủ, phòng chơi. Hiệu trưởng mầm non, kiêm cô nuôi dậy hổ, kiêm mẹ bỉm lên chương trình đến từng 15 phút, dịch hàng chục quyển sách ra tiếng Việt để đọc cho con, khi sách thiếu nhi hồi đó còn hiếm. Chị Hà cặm cụi tự chế rất nhiều đồ chơi, cùng ăn, cùng chơi, cùng sinh hoạt với con nhiều giờ mỗi ngày. Để thực hiện được triệt để kế hoạch của mình, chị thay đổi toàn bộ nếp sống trong gia đình. Giờ giấc sinh hoạt, chế độ ăn uống, bao giờ được xem TV, thậm chí quan niệm về lẽ công bằng, khi nào thì người lớn tuổi nhất trong nhà vẫn phải xin lỗi hay cám ơn – tất tật được sắp đặt để tạo ra môi trường vừa là nhà, vừa là trường thuận lợi nhất cho con gái.

Nếu một đứa trẻ 10 tháng đã tự xúc lấy mà ăn thì đến 3 tuổi đã có thể vì không thích cô giáo ở trường mẫu giáo Fundino mà quyết chuyển sang Kinderworld. Đến năm 8 tuổi, Minh Thu quyết định sang Anh học vì qua một kỳ đi trại hè thấy học bên đó tốt hơn. Năm 11 tuổi, Thu chọn Wycombe Abbey chứ không muốn vào Cheltenham Lady College vì đồng phục ở đó không đẹp, dù được học bổng. Tất nhiên đến năm 16 tuổi, Minh Thu đã hoàn toàn tự tin để so sánh các hệ thống giáo dục và chuyển trường từ London sang bờ Tây nước Mỹ, với lý do rất xác đáng: học kiểu Mỹ hợp với con hơn.

Vốn đầy nhiệt tình trao đổi với bất cứ ai quan tâm đến vấn đề nuôi dạy con cái, trong 2 năm gần đây được Facebook “tiếp sức”, chị Bích Hà càng hăng hái chia sẻ với cộng đồng. Những bài viết của chị rất súc tích và thực tiễn. Phần lý thuyết, được đúc kết từ hàng trăm cuốn sách và báo chí mà chị đã từng đọc, xuất hiện thấp thoáng đâu đó, nhưng phần lớn những điều chị chia sẻ đều hết sức dễ hiểu, được miêu tả thành những hành động cụ thể, dễ thực hiện và kèm minh họa bằng những ví dụ hàng ngày. Cứ như ta đang đọc cuốn cẩm nang hay sổ tay làm cha mẹ vậy.

Xin trân trọng giới thiệu những hun đúc của chị Bích Hà với những người sẽ hay đang làm cha mẹ, sẽ hay đang là ông bà, mong muốn cho con cháu mình trưởng thành một cách độc lập, tự do và trên tất cả, hạnh phúc. Có khó không? Khó lắm chứ. Nhưng cũng thật đơn giản, nếu chúng ta đủ kiên trì để tạo dựng tính cách cho con cháu, đủ dũng cảm để chúng tự quyết định cuộc đời mình và đủ phương pháp trong truyền tải tình thương yêu vô điều kiện để chúng luôn hướng về nhà.

Nguyễn Hải
Chủ tịch Hội đồng Quản trị
Công ty Du lịch TransViet

ĐỌC THỬ

PHẦN I:Quan điểm chung

Xác định quan điểm nuôi dạy con và sự chuẩn bị

Theo quan điểm của tôi, việc “trồng người” là trách nhiệm của toàn xã hội.

Trong bài viết này, tôi sẽ nêu vai trò của gia đình.

Từ thời điểm trẻ được sinh ra cho đến khi bắt đầu đi học, vai trò của gia đình là quan trọng nhất. Không ai có thể tác động đến các bé, nếu gia đình không cho phép. Như tôi quan sát, ở Việt Nam, ít ai coi trọng việc giáo dục con cái ngay từ thời điểm bé được sinh ra đến 3 tuổi – nhưng đó chính là giai đoạn “bản lề” trong việc định hình tính cách của một con người. Trong giai đoạn này, mọi điều diễn ra xung quanh được các bé chụp ảnh và tiếp nhận không điều kiện. Giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi, các em đã bắt đầu biết suy nghĩ, đánh giá sự việc, khả năng tiếp thu kiến thức và kỹ năng có ý thức được định hình, từ từ thay thế cho sự tiếp thu vô thức.

Tương tự như vai trò của Bộ Giáo dục đang làm là đặt bài toán “vĩ mô” cho giáo dục của đất nước, từng gia đình cũng phải đặt bài toán về giáo dục con cái, tốt nhất là trước khi các cháu được sinh ra. Mục đích của bài toán là thống nhất được quan điểm chủ đạo giữa các thành viên trong gia đình về các vấn đề cơ bản, liên quan đến việc nuôi và dạy con. Trên cơ sở quan điểm chủ đạo này, sẽ phải lập ra một kế hoạch chi tiết cho việc thực hiện, chia ra các giai đoạn từ khi đứa trẻ được sinh ra, cho đến khi trưởng thành (18 tuổi theo tiêu chuẩn các nước phương Tây, còn ở Việt Nam hiện đang trễ hơn nhiều).

Trong phần này, tôi xin được nêu cách xác định quan điểm nuôi dạy con:

Bố mẹ phải xác định muốn con trở thành người thế nào, nói rõ hơn là xác định mục đích bố mẹ muốn đạt được về việc nuôi dạy con.

  1. Về đạo đức và cá tính: Ví dụ, lúc sắp sinh con, tôi xác định các cá tính TÔI MUỐN con tôi sẽ có, đó là:
  • Trung thực, thẳng thắn và chân thành.
  • Nhạy cảm, biết thông cảm và chia sẻ, giúp đỡ những người kém may mắn nhưng không để những người lười biếng lợi dụng.
  • Quyết tâm, kiên trì, có bản lĩnh để thực hiện những điều mình mong muốn và thực hiện đến cùng.
  • Vui vẻ, biết tìm và hưởng thụ những niềm vui lành mạnh…

Danh sách này của tôi kéo dài độ 10 dòng, có thể được bổ sung hoặc lược bớt theo thời gian.

  1. Về trí tuệ: Những điều tôi muốn con phải có:
  • Phải có logic tốt để có thể phân biệt đúng – sai – phải – trái trong mọi trường hợp, dựa trên những chuẩn mực tri thức và đạo đức để phân tích, chứ không chạy theo ý kiến số đông.
  • Luôn xem xét mọi vấn đề xảy ra một cách trình tự, để hiểu rõ nguyên nhân và hậu quả.
  • Ham hiểu biết, không chấp nhận sự trì trệ và việc suy nghĩ theo lối mòn.
  1. Về học vấn: Bố mẹ muốn con học thế nào, học cái gì và mong đợi kết quả ra sao? Tôi muốn con tôi:
  • Được học trong môi trường mà ở đó, con được tôn trọng như một cá nhân lành mạnh.
  • Được học những môn giúp con phát triển trí tuệ và thể chất một cách hợp lý.
  • Được phát hiện và phát huy tối đa khả năng của mình.
  • Tôi tự nhủ: TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ ÉP CON HỌC để lấy thành tích, học chỉ để tôi được tự hào vì con.
  1. Về cuộc sống: Bố mẹ muốn cho con sau này có cuộc sống ra sao?
  • Thành đạt: Cụ thể ta hiểu thành đạt là thế nào. Ví dụ, rất nhiều ông bố bà mẹ Việt Nam muốn con học giỏi để sau này tìm được việc làm lương cao, giàu có và coi đó là điều kiện tiên quyết để được coi là thành đạt. Riêng tôi, tôi muốn con học để trang bị cho bản thân những kiến thức có ích (cho mình và cho xã hội). Tôi mong con sử dụng những kiến thức đó để nuôi sống mình và gia đình, giúp đỡ mọi người và góp phần cống hiến cho xã hội.
  • Hạnh phúc: Bố mẹ hiểu thế nào là hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống thì mới có thể giúp con trở thành người như thế.
  1. Về ăn uống:

Hầu hết các ông bố bà mẹ đều muốn con lớn lên khỏe mạnh về thể lực, thông minh về trí tuệ, tôi cũng vậy. Nhưng vấn đề là không phải ai cũng có hiểu biết đúng, có kiến thức đầy đủ về dinh dưỡng và hiểu rõ thế nào là lối sống lành mạnh. Hiện nay, sách, tài liệu về dinh dưỡng trẻ em, trong đó các quan niệm có thể trái chiều, thậm chí đối nghịch nhau, làm cho các bậc bố mẹ bị “rối mù”. Riêng về ăn uống và chế độ dinh dưỡng từ lúc con mới sinh, tôi mắc khá nhiều sai lầm, tuy không để lại hậu quả trầm trọng, nhưng cũng gây một số tác động tai hại về sức khỏe lâu dài của con. Tôi đang cố gắng cùng con khắc phục những hậu quả đó.

Tóm lại, nếu ai thực tâm muốn nuôi dạy con và kiểm soát được quá trình đó, thì phải làm bài tập của mình trước: xác định mục đích và quan điểm nuôi dạy con.

Tôi vẫn hay trăn trở cái gì đang xảy ra với nền giáo dục Việt Nam? Các bậc phụ huynh thì nghĩ trách nhiệm gia đình là chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, còn việc học hành là trách nhiệm của xã hội, cụ thể là của Bộ Giáo dục. Tôi thì nghĩ:

  • Hãy tự trách mình, trước khi trách người khác.
  • Hãy tự cứu con mình, trước khi ai đó có thể cứu.

Trong một bài viết, anh Lương Hoài Nam(1) đã nói về thực trạng nền giáo dục “ảo và dối trá” của Việt Nam. Vậy cái gì gây nên tình trạng này?

Nếu mổ xẻ thật sâu về quá khứ, thì nguồn gốc của tình trạng này bắt nguồn từ một số truyền thống trước đây được coi là tốt đẹp của dân tộc ta:

  • Quá coi trọng sự học, mà về bản chất là học gạo, học lý thuyết, học để mong được làm thầy, để đứng trên đầu thiên hạ. Truyền thống thi cử để được làm quan bắt nguồn từ bao đời nay trở thành “lý tưởng” trong cuộc sống của nhiều thế hệ. Những người thế hệ tôi hoặc sau đó một chút, không thể quên những tác phẩm nhưLều chõng, Sống mòn và cũng thuộc lòng những lời nói được truyền từ đời này sang đời khác: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, hoặc đưa hình ảnh mẫu mực của sự tự hào khi người vợ có chồng đỗ đạt làm quan “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau”… Ở một xã hội mà vai trò các thầy đồ được đề cao quá đáng, mặc dù họ không làm được việc gì cho ra cơm ra gạo, để cho vợ tất bật, tần tảo kiếm miếng ăn nuôi cả nhà, hàng ngày cơm bưng nước rót hầu hạ. Còn việc của các thầy là chỉ ngồi “rung đùi” đọc sách “thánh hiền”?
  • Xã hội quá coi trọng nề nếp phong kiến: Tôi trung phải phụng sự vua, con cái phải tuyệt đối nghe lời bố mẹ, học trò luôn nghe lời thầy cô giáo, bất kể đúng sai.

Những quan niệm đó đã ăn sâu vào suy nghĩ của mọi tầng lớp dân cư trong xã hội : khi mà đa số đều muốn con mình được “ngồi ghế trên” trong “canh bạc” cuộc đời.

Còn nhớ, lúc tôi tầm 11 hay 12 tuổi, chị gái tôi (lúc đó khoảng 25 tuổi), từng ao ước: “Ước gì sau này cái Hà lấy được thằng nào làm to, để cho bố mẹ và chị được đi nhờ ô tô cho oai”. Đang nằm đọc sách, tôi ngồi bật dậy: “Em chẳng cần lấy ai để đi ô tô. Nếu đi ô tô, thì đó là ô tô của em”.

Cả một xã hội với đa số suy nghĩ như vậy mà có nền giáo dục lành mạnh mới là sự làm ta phải ngạc nhiên.

Nhưng ngạc nhiên hơn là lớp bố mẹ trẻ của ngày hôm nay (đang ở lứa tuổi dưới 40), cũng tự nguyện chấp nhận hệ tư tưởng đó và tiếp tục “nhồi nhét” cho thế hệ sau bằng chính những lý luận tương tự. Dĩ nhiên, theo quy luật cung – cầu, thì “Thượng đế là khách hàng” muốn gì, sẽ có ngay các “nhà cung ứng” sẵn sàng bán những sản phẩm, dịch vụ đó. Tôi đã nghe những ông bố bà mẹ ca cẩm về việc con bị ép học quá tải ở trường Việt Nam, chuyển con sang học trường quốc tế. Rồi một năm sau, nhiều người trong số đó lại than phiền: con học trường quốc tế nhàn quá, chẳng thấy có bài tập về nhà? Thế là những ông bố bà mẹ này lại hí hoáy đi tìm giáo viên để “nhồi” thêm cho con vào buổi chiều và tối để cho “yên tâm”???

Với các gia đình mà bố mẹ có chủ ý đẻ con ra để sau này có người “trả công sinh thành” và “báo hiếu”, tôi xin không có ý kiến. Họ có mục đích rõ ràng của họ: đẻ con ra để sau này có người phụng dưỡng suốt đời, hoặc để cưới vợ về làm người giúp việc. Với các ông bố bà mẹ này, nuôi dạy sao cho con phải phụ thuộc vào mình, cả về tình cảm lẫn vật chất, là mục đích rõ ràng. Họ có thể sử dụng tình thương và của cải vật chất để ràng buộc con cái trong mớ bòng bong của đạo đức và lễ nghĩa, luôn muốn con cái ở bên cạnh để “mua vui” cho bố mẹ, nấp dưới danh nghĩa “báo hiếu”. Nhiều người cố tưởng tượng rằng con cái cũng lấy việc báo hiếu suốt đời là niềm vui và niềm hạnh phúc vô tận của chúng.

Tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn trẻ và không còn trẻ lắm, những người thật sự yêu thương con vì bản thân chúng, thực lòng muốn con hạnh phúc, thành đạt, có trách nhiệm với bản thân và gia đình riêng của chúng sau này nhưng chưa biết phải làm gì. Các bạn hãy biết rằng: tiền bạc cần cho cuộc sống, nhưng không bao giờ được là mục đích chính hoặc duy nhất. Nếu quá nghèo, sẽ không có hạnh phúc. Nhưng cũng rất ít người giàu được biết đến niềm hạnh phúc thực sự. Con bạn có thể không giàu có, nhưng sẽ không bao giờ nghèo, nếu chúng được dạy dỗ để có lòng tự trọng, biết suy nghĩ và suy nghĩ có logic bằng chính cái đầu của mình, biết dùng bàn tay và khối óc làm việc một cách cần cù, trung thực. Liệu bao nhiêu tiền để bạn coi là mình giàu, nếu đồng tiền được chi cho những bữa tiệc tùng với rượu ngoại chất đống, mỗi chai giá hàng chục triệu? Biết bao nhiêu là đủ, nếu vài chục cái túi, vài trăm đôi giày, rồi váy áo hàng hiệu chất đầy nhà?

Điều đầu tiên và cơ bản trước khi quyết định dạy con thế nào, hai vợ chồng bạn phải xác định rõ ràng về tư tưởng và tâm lý của chính mình: đừng dồn mọi mong ước về tương lai của con vào hai chữ THÀNH ĐẠT (mà ý nghĩa thực sự là kiếm được nhiều tiền). Hãy cho con nếm trải (và qua đó, dạy chúng) những niềm vui khác trong cuộc sống. Hãy nén những bực bội của một ngày làm việc, ngồi cạnh con, bình tĩnh, vui vẻ giúp chúng giải một bài toán khó (tôi nhắc lại là phải vui vẻ, chứ thường thì các bậc phụ huynh quát tháo con om sòm khi kèm chúng học), hoặc cùng đọc một cuốn truyện hay. Đã bao giờ bạn bật nhạc lên, rồi cả nhà ôm nhau nhảy múa, hát hò vui vẻ? Mỗi ngày hãy dành ít nhất một tiếng để trở lại, hòa vào với tuổi thơ của con – rồi chính bạn cũng sẽ thấy quên bớt mệt mỏi – đó có phải là hạnh phúc? Tôi tin cái hạnh phúc, niềm vui đơn sơ đó sẽ theo con bạn suốt cuộc đời, sẽ cho chúng hiểu rằng: không chỉ có tiền mới có niềm vui và hạnh phúc. Và niềm vui đó sẽ được chúng truyền cho con cái chúng, từ đời này sang đời khác. Sự thay đổi tích cực của xã hội cũng bắt nguồn từ đây.

Tôi thấy rất nhiều người kêu ca về việc dạy và học thêm: ai bắt được con bạn học thêm, nếu không phải là chính bạn? Nếu ai cũng dành thời gian học cùng con (có sách giáo khoa mà) và từ chối cho con đi học thêm thì thầy cô giáo cũng không thể ép, chẳng lẽ lại đi “trù úm” và cho điểm kém tất cả học sinh trong lớp? Chính thầy cô cũng phải bảo vệ thành tích của mình nên sẽ chẳng dám làm vậy. Chỉ vì đông phụ huynh đồng ý cho con đi học thêm, thầy cô giáo mới dám ép uổng “thiểu số”. Vậy chính các bạn vì lười dành thời gian cho con, vì thiếu kiên trì, vì tâm lý “bỏ tiền mua tiên cũng được nữa là mua kiến thức”, và một số người vì muốn “dĩ hòa vi quý”, mọi người sao tôi vậy, cho khỏi mất lòng thầy cô giáo, cho các phụ huynh khác không chê bai mình “keo kiệt” đã, nhắm mắt mặc “thế sự xoay vần” với việc học hành, nuôi dạy con cái của chính mình.

Vậy thì xin đừng ngồi đó mà kêu trời kêu đất, hãy tự cứu lấy con của mình, trước khi nhờ ai đó cứu. Nếu số đông chúng ta xác định: TRỒNG NGƯỜI – TRƯỚC TIÊN LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH, CỦA BỐ MẸ, chắc chắn quy luật thị trường sẽ đào thải những gì không phù hợp, chắc chắn sẽ ra đời những tổ chức giáo dục lấy học sinh làm trung tâm: dạy các em thành người, chứ không phải thành cái máy kiếm tiền, dạy các em biết phân biệt thế nào là đúng sai, phải trái; biết tìm kiếm hạnh phúc và niềm vui chân chính cho mình, cho gia đình và xã hội.

Để các ông bố bà mẹ dễ thực hiện, tôi xin chia sẻ chi tiết hơn cách khắc phục như sau:

  1. Sự đàn áp: Nếu bố mẹ không muốn là những “kẻ đàn áp” thì trước tiên, phải xác định rõ mình muốn con trở thành người như thế nào trong tương lai, rồi thống nhất thành những giá trị cốt lõi của gia đình, sau đó đưa ra các bước cụ thể để các thành viên trong gia đình phải tuân thủ thì mới có thể thực hiện được một cách lâu dài và nhất quán. Ví dụ:

Về đạo đức: Tôi muốn con gái thành người trung thực, có bản lĩnh, tôn trọng người xung quanh, biết phân tích và phân biệt đúng – sai trong mỗi trường hợp để quyết định hành động cá nhân. Con phải là người tự lập, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Con cũng phải hiểu giá trị của tri thức và kiến thức do học vấn mang lại, hiểu giá trị của lao động, giá trị của đồng tiền – biết cách sử dụng đồng tiền để đem lại cho cuộc sống những điều tốt đẹp.

Về sinh hoạt: Tôi muốn con thành cô gái giản dị, coi trọng các giá trị thực chất thay vì sự phô trương bên ngoài. Mặt khác, con nên là người dễ tính và biết hòa đồng trong sinh hoạt. Điều rất quan trọng là tôi muốn con luôn sống chân thật và có nguyên tắc…

Tôi xác định trẻ con sinh ra không tự biết mọi điều và cũng không thể nhớ “nằm lòng” những bài giảng đạo đức của người lớn. Vậy thì nếu bạn muốn con làm gì, cư xử ra sao, hãy nói rõ với con một cách nhẹ nhàng và điều rất quan trọng là giải thích thật rõ tại sao bạn lại yêu cầu chúng làm vậy. Việc nêu rõ yêu cầu và lý do của yêu cầu đó phải được nhắc đi nhắc lại một cách kiên trì với thái độ vui vẻ và đúng lúc. Ví dụ cháu có ông bà nội hoặc ngoại khó tính, thay vì bắt cháu phải nghe lời ông bà, phải yêu ông bà, bạn nên thủ thỉ với con: “Mẹ biết ông (bà) khó tính, nhưng mẹ con mình phải tìm cách giải quyết vấn đề đó. Con muốn được ông bà đối xử thế nào?”. Sau đó, bạn cùng con liệt kê ra những gì mà con bạn coi là vô lý, giải thích cho con những gì đúng và những gì chưa đúng trong quan điểm của ông bà, bàn với con hướng giải quyết. Bằng cách này, bạn sẽ dạy con được rất nhiều điều: khả năng phân tích và phân biệt đúng, sai, cách xử lý vấn đề… Sau đó, hãy có những buổi làm việc rất nhẹ nhàng, nhưng cương quyết với các cụ về việc nuôi dạy con cái.

Bạn phải cương quyết sửa thói quen càu nhàu, quát tháo, lấy chuyện nọ xọ chuyện kia, ép buộc con một cách vô lý. Để làm được vậy, mỗi khi có gì đó không vừa ý với con, bạn hãy tự nghĩ: việc con làm có gì sai không, có gì vi phạm các quan điểm đã được nói rõ từ trước về đạo đức, sinh hoạt hay chỉ bất chợt là “sự ngứa mắt” của cá nhân bạn tại thời điểm đó? Nếu không nhất quán, mà luôn “ra chỉ thị” cho con một cách ngẫu hứng, bạn sẽ ở tư thế dùng quyền của bố mẹ để “đàn áp” con, bắt con làm theo. Thay vì ra rả suốt ngày bắt con học, bạn hãy cùng con bàn bạc và lên lịch (học, chơi, các sinh hoạt khác…) từng ngày trong tuần, giúp con kiểm soát việc thực hiện lịch đó. Và điều quan trọng nhất: hãy công bằng khi cư xử với con.

  1. Tạo khoảng cách: Trong cuộc sống hiện đại, các bậc bố mẹ trẻ Việt Nam chưa được chuẩn bị tâm lý đủ để có trách nhiệm với việc sinh con, mà thường là đẻ con vì ông bà giục, vì thấy mọi người đều làm vậy… Rồi cuộc sống bộn bề với bao lo nghĩ và ý thích cá nhân làm họ quá bận bịu mà quên rằng: điều con cần nhất là thời gian và sự chia sẻ, hướng dẫn, dìu dắt đúng lúc và hợp lý của bố mẹ. Vậy thì trước tiên, hãy xác định rõ: có con là ý muốn của hai vợ chồng và chỉ nên thực hiện ý muốn đó khi mình có thời gian dành cho việc nuôi dạy con (bao gồm cả thời gian đọc và học cách nuôi dạy). Hãy dành thời gian đọc cho con nghe từ ngày đầu tiên ở bệnh viện phụ sản về thay vì chỉ tập trung vào việc nhồi nhét cho con ăn uống thật nhiều. Khi đọc, hãy đọc thật chậm, phát âm đúng và chỉ tay vào dưới từng từ mà bạn đọc. Con có nhìn vào đó hay không, không quan trọng. Khi con lớn lên một chút, hãy cùng chúng ca hát, chơi đùa, nhảy múa. Hãy tâm sự với con những suy nghĩ, niềm vui và nỗi buồn của bạn, bằng những từ ngữ dễ hiểu nhất. Hãy nhớ lại “thời thơ ấu” của chính bạn, để hiểu tâm tư, ước vọng, suy nghĩ của con.
  2. Tỏ ra tự phụ: Như trên đã trình bày, nếu bạn cùng gia đình xác định rõ những nguyên tắc về đạo đức và nhất quán làm theo những nguyên tắc cơ bản đó, bạn sẽ không gặp phải vấn đề này. Trừ khi các ông bố bà mẹ nhầm lẫn về đạo đức, nhầm tưởng khoe khoang là biểu hiện của thành đạt, coi thường người khác mới chứng tỏ mình “quan trọng và hơn người”, thì con cái thành như thế là chọn lựa của chính họ, họ không thể trách ai.
  3. Luôn độc đoán: Lại trở về điều 1 – “sự đàn áp”. Khi không định ra nguyên tắc và không công bằng trong cư xử với con, bạn sẽ thành kẻ độc đoán, coi mình luôn đúng và con phải nghe theo trong mọi trường hợp. Bạn đã thành kẻ đàn áp rồi.
  4. Dễ dãi đáp ứng các yêu cầu của con: Nếu bạn đặt ra một số quy định về các việc không được làm (ví dụ: không phá đồ đạc, không đánh người khác…), hãy đảm bảo là bạn kiểm soát được việc thực hiện. Trẻ rất tinh, chúng quan sát và biết cái gì làm cho bố mẹ sợ, để rồi dùng cách đó như một “vũ khí” kiểm soát mọi người, hoặc đạt được điều chúng muốn. Ngay từ lần đầu khi chúng ăn vạ, hãy rất nhẹ nhàng và cương quyết với chúng. Không dỗ, không an ủi, hãy nói rõ: “Con làm vậy không được gì đâu, đừng gây sức ép với bố mẹ”. Hãy bế con vào một phòng trống, để con ở đó và nói rõ: “Khi nào con chấm dứt việc la hét, khóc lóc, mẹ sẽ vào đón con ra”. Nếu bạn nhẹ nhàng nhưng cương quyết, con sẽ không bao giờ dám có thái độ ăn vạ.
  5. Mua chuộc con bằng quà cáp, lời hứa: Ở đây, có mấy vấn đề: dạy con có trách nhiệm với bản thân, giúp con hiểu rõ nguyên nhân, hậu quả các hành động của mình. Các ông bố bà mẹ Việt Nam hay nghĩ hộ, làm hộ con mọi thứ sẽ làm cho chúng hiểu những việc đó là việc của bố mẹ chứ không phải việc của chúng. Ví dụ, thay vì nói học cho tương lai của chính con, bố mẹ lại nói học giỏi để bố mẹ vui lòng… Mọi việc sẽ có xu hướng “rối lên như canh hẹ” nếu ta không xác định rõ đó là việc của ai, ai phải chịu trách nhiệm, ai là người hướng dẫn, động viên và giúp đỡ. Hãy giải thích rõ lý do, dạy con cách làm và chuyển giao “quyền và trách nhiệm” cho con khi chúng đủ “kỹ năng” về trí tuệ, tâm lý và sức khỏe để làm những việc đó. Bố mẹ hãy “lùi lại” để làm vai trò động viên, khuyến khích, nâng đỡ khi chúng sai lầm. Nếu bạn đã hứa điều gì, hãy cố thực hiện bằng được. Vì bất cứ lý do gì khiến bạn không thực hiện được lời hứa, hãy xin lỗi con và giải thích cặn kẽ lý do vì sao bạn thất hứa.

Vấn đề tiếp theo:

  1. Làm sao cho con trở thành người tự tin, kiên trì và quyết tâm
  2. Làm sao kiểm soát và giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử (xem TV, chơi điện tử trên máy tính hoặc điện thoại)?

Trước tiên, câu trả lời của tôi là: muốn rèn luyện cho con cá tính nào, bố mẹ phải làm các bước sau:

  • Đặt các mục tiêu rõ ràng cho những mong muốn của mình.
  • Lập kế hoạch thực hiện mục tiêu.
  • Thống nhất giữa các thành viên trong gia đình về mục tiêu và biện pháp, rồi phân công nhau thực hiện.

Tôi sẽ lấy ví dụ cụ thể của chủ đề 1: Bạn muốn con lớn lên trở thành người tự tin, kiên trì và quyết tâm. Trước tiên, hãy tự đánh giá mình một cách rất trung thực: mình có phải là người có những cá tính đó không?


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button