Chuyên ngành

Collapse – Sụp Đổ

collapse sup do sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK SỤP ĐỔ

Tác giả : Jared Diamond

Download sách Sụp Đổ ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH CHUYÊN NGÀNH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

JARED DIAMOND VÀ VẬN MỆNH CÁC XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI

Jared Mason Diamond (10/9/1937) là nhà khoa học Mỹ và tác giả nổi tiếng với các tác phẩm: Loài tinh tinh thứ ba; Súng, vi trùng và thép; Sụp đổ; Thế giới cho đến ngày hôm qua, v.v… Tuy theo học và có bằng tiến sĩ về sinh lý học, nhưng kiến thức của ông bao trùm hầu như mọi ngành, từ kiến trúc, ngôn ngữ, khảo cổ, đến động vật học, y học. Ông cũng không phải là một học giả “tháp ngà” khi từng chu du nhiều châu lục, thậm chí sống nhiều năm ở những nơi “tận cùng thế giới” (như đảo Tân Ghi-nê, đảo Phục Sinh). Ông cũng được xếp vào hàng ngũ những nhà tư tưởng hiện đại có nhiều ảnh hưởng nhất ở Mỹ.

Từ khoảng đầu thập niên 90 đến nay, Jared Diamond luôn nung nấu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Sau hơn 13.000 năm lịch sử, tại sao sự phát triển của các giống dân trên thế giới đã trở thành quá khác nhau như ngày nay? Theo Diamond, các nhà viết sử (đơn cử ở phương Tây) đã phạm một lỗi lầm vì họ đã nhìn không đúng khuôn mặt lịch sử của loài người. Cụ thể, họ chỉ chú trọng vào các xã hội tương đối văn minh (ít nhất là có chữ viết) ở Âu Á (Eurasia) và Bắc Phi, và ngay trong dòng sử của lục địa Âu Á, họ lại chỉ tập trung vào phía Tây, ít chú ý đến các quốc gia phía Đông (nổi bật là Trung Quốc, rồi đến cả Nhật Bản và Đông Nam Á). Hơn nữa, phần lớn sử ký hiện nay chỉ nhìn vào khoảng 3.000 năm sau này, dù rằng khoảng thời gian đó chỉ là 0,1% trong chiều dài 5 triệu năm loài người có mặt trên trái đất. Theo Diamond, nhờ những tiến bộ như sinh vật học phân tử, di truyền học, sinh địa lý, khảo cổ học, và ngôn ngữ học đã đến lúc chúng ta có thể giải thích sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các nước. Và những tác phẩm của ông lần lượt xuất bản qua các năm đã làm sáng tỏ vấn đề đó.

Trong Súng, vi trùng và thép: Định mệnh của các xã hội loài người – tác phẩm đoạt giải Pulitzer năm 1997 và giải Phi Beta Kappa về khoa học – Jared Diamond đã đưa ra những minh chứng để giải thích việc tại sao các dân tộc ở một số lục địa đã có thể xâm chiếm, chinh phục hoặc chiếm chỗ những dân tộc đã có mặt từ trước ở các lục địa. Với cuốn sách này, ông đã tạo nên cuộc cách mạng về nghiên cứu lịch sử nhân loại.

Cuối năm 2004, Jared Diamond xuất bản cuốn Sụp đổ: Cách xã hội chọn thất bại hoặc thành công, vẫn với góc tiếp cận của cuốn trước, tức là dựa vào những yếu tố môi trường và cơ cấu xã hội để giải thích lịch sử của xã hội ấy. Tuy nhiên, trong khi cuốn trước tìm cách lí giải sự thống trị của văn minh Tây phương trên phần lớn thế giới, thì trong tác phẩm này, Diamond nghiền ngẫm nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của một số nền văn minh.

Thế giới cho đến ngày hôm qua: Chúng ta học được gì từ những xã hội truyền thống? Là cuốn sách mới nhất được xuất bản của Jared Diamond, tiếp tục phát triển các lý thuyết và nghiên cứu của ông về vận mệnh các xã hội loài người. Cuốn sách cung cấp một bức tranh trực diện đầy mê hoặc về quá khứ nhân loại tồn tại hàng triệu năm, một quá khứ hầu như đã biến mất, và xem xét những khác biệt giữa quá khứ và hiện tại… để trả lời câu hỏi: Chúng ta có thể học được gì từ các xã hội truyền thống để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.

Nhận thấy tầm vóc và những giá trị to lớn mà bộ sách mang lại, Alpha Books tiến hành tái bản các cuốn Súng, vi trùng và thép; Sụp đổ – từng được Nhà xuất bản Tri thức xuất bản năm 2007 trong “Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới” với sự bảo trợ của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh; xuất bản và giới thiệu tới độc giả Việt Nam cuốn Thế giới cho đến ngày hôm qua. Mong nhận được sự đón nhận và đóng góp ý kiến của bạn đọc!

ĐỌC THỬ

CÂU CHUYỆN VỀ HAI TRANG TRẠI

Hai trang trại – Sự sụp đổ, quá khứ và hiện tại – Vườn Eden đã mất? – Khung năm điểm – Kinh doanh và môi trường – Phương pháp so sánh – Bố cục của cuốn sách.

Cách đây vài mùa hè, tôi tới thăm hai trang trại sản xuất bơ sữa là Huls và Gardar. Mặc dù nằm cách nhau hàng ngàn kilômét nhưng chúng vẫn có những điểm chung rõ rệt về lợi thế và bất lợi. Khi đó, cả hai đều là những trang trại lớn nhất, thịnh vượng nhất và tiên tiến nhất trong địa phương của mình. Bao quanh trang trại là khu chăn nuôi, vắt sữa bò hiện đại và rộng lớn. Những dãy chuồng bò được tổ chức gọn gàng, quay mặt vào nhau làm lu mờ các trang trại chăn nuôi khác trong vùng. Mùa hè, cả hai trang trại đều thả bò trên những đồng cỏ bao la, đồng thời trồng cỏ để cuối hè thu hoạch tích trữ cho bò ăn trong suốt mùa đông, và tăng sản lượng trồng cỏ trong mùa hè và cỏ khô cho mùa đông bằng cách tưới tiêu cho các cánh đồng. Với diện tích (khoảng vài kilômét vuông) và quy mô chuồng trại như nhau, nhưng số lượng bò của trang trại Huls nhỉnh hơn trang trại Gardar một chút (một trang trại có 200 con và trang trại kia là 165 con). Chủ của hai trang trại đều là những người có uy tín ở địa phương và là những người mộ đạo. Hai trang trại đều nằm trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp thu hút du khách ngay từ xa, trên nền những đỉnh núi cao đầy tuyết phủ với những dòng suối đầy cá đổ ra một con sông nổi tiếng (bên dưới trang trại Huls) hay một chiếc vịnh nhỏ (dưới trang trại Gardar).

Đó là những lợi thế chung của hai trang trại. Còn những bất lợi chung của chúng là cả hai đều nằm ở các địa phương có điều kiện trồng trọt không thuận lợi cho sản xuất bơ sữa, bởi chúng nằm tại vị trí vĩ độ Bắc cao nên vụ hè trồng và sản xuất cỏ khô cho gia súc rất ngắn ngủi. Bởi khí hậu không thuận lợi, kể cả trong những năm ôn hòa nhất, so với những trang trại bơ sữa ở vĩ độ thấp hơn nên cả hai trang trại rất dễ bị thiệt hại mỗi khi thay đổi thời tiết; hạn hán và giá rét là những vấn đề lớn đối với cả Huls và Gardar. Về tiêu thụ sản phẩm, cả hai vùng đều nằm xa các trung tâm dân cư nên chi phí vận tải và những khó khăn trên đây trở thành điểm bất lợi của họ trong cạnh tranh với các địa phương ở gần trung tâm hơn. Bên cạnh đó, còn có những biến động nằm ngoài tầm kiểm soát của các chủ trang trại, như biến động về số dân địa phương hay khẩu vị của khách hàng và sự thay đổi của các khu vực lân cận gây ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của trang trại. Xét trên quy mô lớn, nền kinh tế của hai quốc gia nơi có hai trang trại này có thể phát triển hay suy sụp tùy thuộc vào mức độ của các hiểm họa từ những đất nước thù địch xa xôi.

Sự khác biệt lớn nhất giữa trang trại Huls và trang trại Gardar chính là hiện trạng của chúng. Trang trại Huls, một doanh nghiệp gia đình thuộc sở hữu của năm cặp vợ chồng là anh em ruột tại thung lũng Bitterroot thuộc bang Montana, phía Tây nước Mỹ, hiện đang rất thịnh vượng, trong khi quận Ravalli của trang trại Huls lại là một trong những quận có tỷ lệ tăng dân số cao nhất nước Mỹ. Tim, Trudy và Dan Huls, ba trong số những chủ sở hữu của trang trại Huls, đã đích thân đưa tôi đi thăm một khu chuồng trại công nghệ cao mới xây và kiên nhẫn giải thích cho tôi những hấp dẫn và khó khăn của ngành sản xuất bơ sữa Montana. Khó có thể tưởng tượng được rằng nước Mỹ nói chung, và trang trại Huls nói riêng sẽ sụp đổ trong một tương lai không xa. Còn trang trại Gardar, nguyên là trang viên của một cha xứ vùng Norse, nằm ở phía tây nam Greenland, từng bị bỏ hoang cách đây hơn 500 năm. Khi đó, xã hội Norse của Greenland đã sụp đổ hoàn toàn: hàng ngàn cư dân bị chết đói, bị giết trong những cuộc nội chiến hoặc trong những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, hay đã di cư cho tới khi không còn ai sống ở đó nữa. Trong khi đó, những bức tường đá vững chãi của trang trại Gardar và nhà thờ Gardar ở gần đó vẫn đứng sừng sững, nhờ vậy tôi có thể đếm được từng cái chuồng bò, tuy nhiên giờ đây không một ai nói với tôi về những điểm hấp dẫn và thăng trầm trước kia của trang trại Gardar. Nhưng khi trang trại Gardar và xứ Norse của Greenland đang trong thời kỳ cực thịnh thì dường như không ai có thể tưởng tượng được rằng nó sẽ bị suy tàn cũng như sự suy tàn sau này của trang trại Huls và nước Mỹ ngày nay.

Hãy để tôi giải thích rõ hơn: Khi so sánh hai trang trại Huls và Gardar, tôi không cho rằng trang trại Huls và xã hội Mỹ sẽ phải chịu số phận bi đát suy tàn. Hiện tại, sự thực tương đối trái ngược: trang trại Huls đang trong quá trình mở rộng, công nghệ tân tiến của nó hiện đang được nghiên cứu để áp dụng cho những trang trại lân cận, và nước Mỹ hiện cũng là nước mạnh nhất thế giới. Nhưng tôi cũng không cho rằng các trang trại hay các xã hội nói chung dễ bị sụp đổ: trong khi thực tế một số đã sụp đổ như trang trại Gardar, số khác vẫn tồn tại liên tục trong hàng ngàn năm. Thực ra, hai chuyến đi của tôi tới trang trại Huls và trang trại Gardar diễn ra trong cùng một mùa hè, dù chúng cách nhau hàng ngàn cây số, đã thành công mỹ mãn khiến tôi đi đến kết luận rằng thậm chí ngay cả những xã hội giàu nhất, hiện đại nhất hiện cũng đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế và môi trường ngày càng nghiêm trọng và không thể coi thường. Nhiều vấn đề của chúng ta hiện nay rất giống với những gì đã tàn phá trang trại Gardar và xứ Norse của Greenland, và cũng là những vấn đề mà nhiều xã hội trước đây từng phải vật lộn tháo gỡ. Một số xã hội trước đây đã sụp đổ (như xứ Norse của Greenland) còn số khác thì thành công (như người Nhật và người Tikopia). Quá khứ đem lại cho chúng ta một cơ sở dữ liệu phong phú để chúng ta có thể học tập và tiếp tục thành công.

Xứ Norse của Greenland chỉ là một trong nhiều xã hội trước đây đã sụp đổ hoặc biến mất, để lại những tàn tích vĩ đại như nhà thơ Shelley đã hình dung trong bài thơ Ozymandias. Dùng từ sụp đổ, tôi muốn nói tới sự suy thoái mạnh mẽ về quy mô dân số, về tiến bộ xã hội, kinh tế và chính trị trong một khu vực rộng lớn và trong một thời gian dài. Vì vậy, hiện tượng sụp đổ là đỉnh điểm của một số hình thái suy tàn nhẹ, và nó là tiêu chuẩn để xác định một xã hội bị suy thoái mạnh tới mức nào trước khi bị coi là sụp đổ. Một số hình thái suy tàn nhẹ hơn này bao gồm sự tăng trưởng và suy thoái nhẹ của nền kinh tế, những hoạt động nhỏ nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, chính trị và xã hội của bất kỳ xã hội nào; một cuộc xâm lược của nước láng giềng, hay sự suy tàn của nó có liên quan tới sự phát triển của một nước láng giềng khác mà không làm thay đổi quy mô dân số tổng thể hay sự phát triển của cả vùng; và sự thay thế hay lật đổ một chế độ bằng một chế độ khác. Dựa trên những tiêu chuẩn này, đa phần mọi người sẽ cho rằng những xã hội sau đây bị sụp đổ hoàn toàn chứ không phải chỉ là suy tàn nhẹ, đó là: Anasaki và Cahokia trong lãnh thổ nước Mỹ hiện nay, các thành phố Maya ở Trung Mỹ, Moche và các xã hội Tiwanaku ở Nam Mỹ, nền văn minh Mycenae của Hy Lạp và Minoan của đảo Crete ở châu Âu, vùng Đại Zimbabwe ở châu Phi, Angkor Wat và các thành phố Harappan ở lưu vực sông Ấn ở châu Á và đảo Phục Sinh ở Thái Bình Dương (xem hình 1 và 2).

Những tàn tích vĩ đại mà các xã hội đó để lại có sức cuốn hút lạ kỳ đối với tất cả chúng ta. Lúc bé, khi lần đầu nhìn thấy chúng qua các bức ảnh, chúng đã khiến ta kinh ngạc. Lớn lên, nhiều người trong chúng ta mong muốn trở thành du khách tới tận nơi để thám hiểm. Chúng ta bị cuốn hút không chỉ bởi vẻ đẹp lạ kỳ và ma quái mà còn bởi những bí ẩn của chúng. Quy mô của những tàn tích chứng tỏ sức mạnh và sự thịnh vượng trước đây của những người dựng lên chúng, như câu thơ “Hãy nhìn những công trình của tôi, bạn sẽ thấy sức mạnh và sự tuyệt vọng” của nhà thơ Shelley. Nhưng những chủ nhân đã biến mất, bỏ lại các kiến trúc vĩ đại mà họ đã gắng sức dựng lên. Tại sao một xã hội từng hùng mạnh như vậy lại có thể kết thúc trong đổ nát? Số phận mỗi công dân của nó như thế nào? Họ đã di cư, và (nếu đúng vậy) thì tại sao, hay họ đã chết trong đau khổ? Đằng sau những bí ẩn lãng mạn này là ý nghĩ luôn ám ảnh: Liệu xã hội tốt đẹp mà chúng ta đang sống có phải chịu chung số phận với những xã hội này không? Liệu rồi một ngày nào đó các du khách có tò mò nhìn ngắm những khối nhà chọc trời mốc thếch của New York giống như chúng ta ngày nay đang nhìn ngắm tàn tích của các thành phố Maya trong những cánh rừng già không?

Từ lâu đã có những ý kiến ngờ rằng nguyên nhân của những kết thúc bí ẩn đó ít nhất một phần là do vấn đề sinh thái: Con người vô tình tàn phá các nguồn tài nguyên môi trường mà xã hội của họ phụ thuộc. Những nghi ngờ về hiện tượng tự sát sinh thái không lường trước được – gọi là ecocide – đã được các nhà khảo cổ học, khí tượng học, lịch sử, cổ sinh vật học và các nhà khoa học nghiên cứu phấn hoa khẳng định qua những khám phá trong các thập kỷ gần đây. Các quá trình tự hủy hoại mà các xã hội trước đây đã trải qua khi tàn phá môi trường được chia làm tám loại, với tầm quan trọng khác nhau tùy từng trường hợp cụ thể, đó là: phá rừng và môi trường sống, các vấn đề về đất đai (xói mòn, mặn hóa và bạc màu), các vấn đề về quản lý nguồn nước, săn bắn quá nhiều, đánh cá vô độ, ảnh hưởng từ các loài sinh vật ngoại lai tới các loài sinh vật bản địa, tăng trưởng dân số và mức độ tác động tới thiên nhiên của mỗi người dân ngày càng tăng.

Sự sụp đổ của các xã hội trước đây dường như tuân theo một quy trình nào đó tương tự những biến tấu trên một bản nhạc. Tăng trưởng dân số buộc con người phải sử dụng các biện pháp nâng cao sản lượng nông nghiệp (như làm thủy lợi, tăng vụ hay làm ruộng bậc thang), và mở rộng canh tác từ các vùng đất tốt đã chọn lúc đầu sang cả các vùng đất khó trồng trọt hơn nhằm đáp ứng đủ lương thực cho số miệng ăn đang ngày càng tăng. Những hoạt động sản xuất không bền vững khiến môi trường bị tàn phá dưới một hay nhiều hình thức trong số tám loại vừa nêu, khiến những vùng đất khó trồng các loại cây nông nghiệp lại một lần nữa bị bỏ hoang. Hậu quả là xã hội phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nạn đói, chiến tranh xảy ra liên miên do quá nhiều người giành giật nguồn tài nguyên ít ỏi và các vụ lật đổ chính quyền do những đám đông vô vọng gây ra. Cuối cùng, số dân sẽ giảm sau những thảm họa đói kém, chiến tranh hay dịch bệnh và xã hội cũng mất đi một số tiến bộ về văn hóa, kinh tế và chính trị mà nó đã đạt được ở giai đoạn cực thịnh. Các học giả rất muốn chỉ ra những điểm tương đồng giữa quỹ đạo phát triển của xã hội với cuộc sống của con người, rằng xã hội cũng sinh ra, lớn lên, đạt tới sung mãn, già yếu rồi chết – để giả thiết rằng giai đoạn già yếu kéo dài mà đa số chúng ta phải trải qua trong thời kỳ từ sung mãn cho tới khi qua đời cũng áp dụng với xã hội. Nhưng phép ẩn dụ này chứng tỏ những sai lầm của nhiều xã hội trước đây (và hệt như Liên bang Xô Viết hiện đại): chúng suy tàn nhanh chóng sau khi đạt tới tột đỉnh về số lượng và sức mạnh, sự suy tàn này nhanh tới mức khiến người dân kinh ngạc và bàng hoàng. Trường hợp tồi tệ nhất là sụp đổ hoàn toàn, tất cả cư dân trong xã hội sẽ phải di cư hay bị tuyệt diệt. Dù vậy, hiển nhiên hành trình tàn nhẫn này không phải là hành trình mà tất cả các xã hội trước đây đều trải qua giống nhau tới khi kết thúc: Những xã hội khác nhau sụp đổ ở những mức độ khác nhau và theo những hình thức khác nhau, trong khi nhiều xã hội không hề sụp đổ.

Hiện nay, những nguy cơ sụp đổ kiểu này đang trở thành vấn đề ngày càng được quan tâm; thực tế, sụp đổ đã trở thành hiện thực ở Somalia, Rwanda và một vài nước Thế giới thứ ba. Nhiều người lo ngại rằng hiện nguy cơ tự sát sinh thái đang trở thành hiểm họa lớn đối với nền văn minh toàn cầu, tới mức át cả chiến tranh nguyên tử và những loại dịch bệnh mới xuất hiện. Các vấn đề môi trường mà hiện nay chúng ta đang phải đối mặt cũng bao gồm tám loại đã hủy hoại các xã hội trước đây, cộng thêm bốn vấn đề mới là: thay đổi khí hậu do con người gây ra, sự tích tụ các hóa chất độc hại trong môi trường, thiếu năng lượng và sự tận dụng của con người với khả năng quang hợp của Trái đất. Chỉ trong vài thập kỷ tới, phần lớn 12 hiểm họa này sẽ trở thành những vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu: hoặc tới lúc đó chúng ta mới tìm cách xử lý, hoặc chúng sẽ hủy hoại không chỉ Somalia mà còn cả Thế giới thứ nhất. So với kịch bản ngày tận thế liên quan tới sự tuyệt chủng của con người hay một sự sụp đổ đã được báo trước của nền văn minh công nghiệp thì nhiều khả năng trong tương lai sẽ chỉ xảy ra sự suy thoái nghiêm trọng về mức sống, những nguy cơ lớn hơn sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, và hủy hoại những cái mà hiện chúng ta đang coi là một số giá trị cơ bản. Một sự sụp đổ như vậy có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như dịch bệnh hay những cuộc chiến lan tràn khắp thế giới chỉ vì lý do duy nhất là thiếu các nguồn tài nguyên môi trường. Nếu lý do này là đúng thì những nỗ lực hiện nay của chúng ta sẽ quyết định tình trạng của thế giới tương lai mà sau này các thế hệ trẻ em và thanh niên của chúng ta sẽ sống.

Nhưng mức độ nghiêm trọng của những vấn đề môi trường hiện nay vẫn đang gây tranh cãi kịch liệt. Liệu những nguy cơ này có bị phóng đại quá không, hay ngược lại có bị đánh giá thấp? Có phải chúng ta, với dân số gần bảy tỷ người hiện nay cùng với nền công nghệ hiện đại hùng mạnh, đang nghiền nát môi trường toàn cầu với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với khi Trái đất mới chỉ có vài triệu người cùng những công cụ thô sơ bằng gỗ và đá nhưng cũng đã làm tổn hại đến môi trường bản địa của họ? Liệu công nghệ hiện đại có giúp chúng ta giải quyết các vấn đề này, hay nó lại gây ra những vấn đề mới còn nhanh hơn là giải quyết các vấn đề cũ? Khi một nguồn tài nguyên (như gỗ, dầu lửa hay cá biển) cạn kiệt, liệu chúng ta có thể trông mong vào các nguồn tài nguyên khác thay thế hay không (như nhựa, gió, năng lượng mặt trời hay cá nuôi)? Chẳng phải tốc độ tăng trưởng dân số thế giới đang giảm đi và chúng ta đã sẵn sàng chấp nhận điều chỉnh để nó giảm xuống tới mức nào đó có thể kiểm soát được đó sao?

Tất cả những câu hỏi này cho thấy rõ tại sao sự sụp đổ của các nền văn minh nổi tiếng trước đây có ý nghĩa hơn nhiều chứ không đơn thuần chỉ là một bí ẩn lãng mạn. Có lẽ chúng ta có thể rút ra một số bài học thực tế từ những xã hội sụp đổ trước đây. Chúng ta biết rằng trước đây, một số xã hội sụp đổ trong khi những xã hội khác thì không; điều gì khiến một số xã hội nhất định đặc biệt dễ bị hủy hoại? Chính xác thì các xã hội trước đây rơi vào tình trạng tự sát sinh thái đã trải qua những giai đoạn nào? Tại sao một số xã hội trước đây không thấy được tình trạng hỗn độn mà họ đang lâm vào, và đó (mọi người sẽ cho rằng đó là sự hồi tưởng quá khứ) có phải là điều hiển nhiên? Những giải pháp nào đã áp dụng thành công trong quá khứ? Nếu trả lời được những câu hỏi này thì chúng ta có thể xác định được hiện những xã hội nào đang có nguy cơ sụp đổ cao nhất và những biện pháp nào có thể giúp đỡ họ một cách tốt nhất để không xảy ra những vụ sụp đổ như trường hợp Somalia.

Nhưng cũng có những khác biệt giữa xã hội hiện đại và các vấn đề của nó với các xã hội trước đây. Chúng ta cũng không nên khờ khạo khi nghĩ rằng nghiên cứu quá khứ sẽ tìm ra các giải pháp đơn giản và có thể áp dụng trực tiếp với xã hội hiện nay của chúng ta. Chúng ta khác các xã hội trước đây ở một số mặt khiến chúng ta có ít nguy cơ hơn họ; như công nghệ cao (với những tác động tích cực của nó), toàn cầu hóa, y học hiện đại và hiểu biết nhiều hơn về các xã hội trước đây cũng như những xã hội hiện đại. Nhưng cũng có một số mặt khiến chúng ta có nhiều nguy cơ hơn họ: vẫn là công nghệ phát triển mạnh mẽ (với những ảnh hưởng tiêu cực không lường trước được), toàn cầu hóa (bởi vậy một vụ sụp đổ ở tận Somalia xa xôi cũng ảnh hưởng tới nước Mỹ và châu Âu), sự phụ thuộc của hàng triệu (và sẽ sớm thành hàng tỷ) người vào y học hiện đại để tồn tại và dân số cũng đông hơn nhiều. Có lẽ chúng ta vẫn có thể học từ quá khứ, nhưng chỉ khi nếu chúng ta suy nghĩ cẩn thận về những bài học đó.

Nỗ lực tìm hiểu những vụ sụp đổ trước đây đang lâm vào một cuộc tranh luận lớn với bốn rắc rối. Cuộc tranh luận diễn ra xung quanh ý kiến cho rằng chính con người trước đây (trong đó một số người được biết là tổ tiên của con người hiện đại) là thủ phạm khiến xã hội của họ suy thoái. So với vài thập kỷ trước đây, hiện chúng ta đã nhận thức rõ hơn nhiều về những tác hại do hủy hoại môi trường. Thậm chí giờ đây, ngay cả trong các khách sạn cũng có những dấu hiệu khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường, khiến chúng ta cảm thấy hổ thẹn nếu đòi một chiếc khăn tắm mới hay để nước chảy tràn lan. Phá hoại môi trường hiện bị coi là một hành vi thiếu đạo đức.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi những thổ dân Hawaii và Maoris không muốn nghe các nhà cổ sinh vật học nói rằng tổ tiên họ đã tàn sát một nửa số các loài chim sinh sống tại Hawaii và New Zealand, cũng như thổ dân châu Mỹ không thích khi các nhà khảo cổ học nói rằng người Anasazi đã tàn phá những cánh rừng ở phía tây nam nước Mỹ. Đối với một số người, những điều được cho là phát hiện của các nhà cổ sinh vật học và khảo cổ học nghe như một lý lẽ phân biệt chủng tộc do người da trắng viện ra để giành giật đất đai của dân bản địa. Nó giống như các nhà khoa học khẳng định: “Tổ tiên của các ông làm chủ không tốt mảnh đất của họ nên họ đáng bị tước quyền sở hữu.” Thực tế, một số người Mỹ và người Australia da trắng, bất mãn với việc chính phủ trả tiền và cấp lại đất cho thổ dân châu Mỹ và Australia, đã lợi dụng những phát hiện này để đẩy chúng thành cuộc tranh cãi gay gắt ngày nay. Không chỉ thổ dân mà cả một số nhà nhân chủng học và khảo cổ học nghiên cứu về họ và đồng cảm với họ cũng coi những phát hiện giả tưởng này là những điều dối trá mang tính phân biệt chủng tộc.

Một số thổ dân cùng các nhà nhân chủng học đồng cảm với họ cực lực phản đối ý kiến này. Họ khẳng định những thổ dân trước đây (và cả những thổ dân hiện đại ngày nay) là những con người thông minh và thân thiện với môi trường, biết rõ và tôn trọng thiên nhiên, sinh sống vô tư trong Vườn địa đàng Eden và có thể chưa bao giờ làm điều gì xấu. Như một thợ săn người New Guinea từng nói với tôi: “Nếu một ngày tôi bắn phải một con chim cu lớn bay ra từ phía làng tôi, tôi sẽ nghỉ một tuần trước đợt đi săn chim tiếp theo, và khi đó tôi sẽ đi về hướng khác.” Chỉ có những cư dân thuộc Thế giới thứ nhất hiện đại và xấu xa đang phớt lờ thiên nhiên, không tôn trọng môi trường và phá hủy nó.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button