Chuyên ngành

Chủng Tộc Technion

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Ammon Frekel, Ilana DeBare, và Shlomo Maital

Download sách Chủng Tộc Technion ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Chuyên Ngành

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời nói đầu

Chủng tộc Technion là cuốn sách thứ hai được chuyển ngữ đến bạn đọc Việt Nam của Giáo sư Shlomo Maital, người Thầy kính yêu của tôi tại Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ, mà tôi có vinh dự được hiệu đính sau cuốn Kinh tế học dành cho Doanh nhân – 10 công cụ quản lý kinh doanh thiết yếu, một trong những cuốn sách kinh doanh bán chạy nhất Việt Nam trong vài năm qua. Ông cũng là giáo sư lâu năm của Đại học Technion được nói đến trong cuốn sách này.

Một lần nữa, tôi lại được hân hưởng những dòng suy tưởng đầy trí tuệ và nhiệt huyết của Giáo sư Shlomo về kinh tế, sáng tạo, khởi nghiệp, và về lòng yêu nước, yêu dân tộc của ông, cũng như của những người được nhắc tới trong cuốn sách này.

Chắc hẳn đã có nhiều bạn biết đến cuốn Quốc gia khởi nghiệp và âm hưởng của nó tại Việt Nam hơn ba năm qua. Phải chăng, tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam trong những năm này được khích lệ phần nào từ tinh thần Do Thái mà các bạn khám phá được từ cuốn sách đó? Hôm nay, trên tay các bạn là một cuốn sách tuyệt vời như thế, cho tất cả các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, của các trường đại học.

Được cùng học với những người bạn Do Thái thời Liên bang Xô Viết, tôi thực sự kinh ngạc trước trí tuệ siêu việt và sự bền bỉ, kiên gan của họ: Luôn đứng đầu tất cả các môn học một cách lặng lẽ, bất chấp sự phân biệt đối xử hay kỳ thị ở những nơi họ học tập. Tinh thần Do Thái có mặt ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là trong môi trường đại học, và Technion chính là trường đại học thể hiện rõ nhất tinh thần đó, qua những thành tựu to lớn của nhiều thế hệ, từ thế hệ sáng lập đến các thế hệ giảng viên, sinh viên tiếp theo.

Những con người của Technion, trường đại học hàng đầu Israel, được các tác giả nhắc đến trong cuốn sách này như một “chủng tộc” riêng, khác biệt, là tinh hoa của trí tuệ khoa học công nghệ tại quốc gia nhỏ bé nhưng có tầm ảnh hưởng toàn thế giới này.

Chủng tộc Technion cho thấy khoa học công nghệ chính là động lực phát triển quan trọng hàng đầu của các quốc gia, nhất là những quốc gia nhỏ bé và đơn độc như Israel.

Họ hiểu rõ tinh thần khởi nghiệp trong trường đại học bằng cách đưa các nghiên cứu khoa học công nghệ vào cuộc sống thực tế để phát triển kinh tế, chăm lo cho con người, bảo đảm an ninh quốc gia… thông qua các doanh nghiệp – yếu tố cốt lõi cho sự thành công và đóng góp của một trường đại học đối với đất nước.

Chủng tộc Technion đã chỉ ra rằng những thành tựu khoa học công nghệ của họ dành cho đất nước Israel là chưa đủ. Họ luôn giữ tinh thần đóng góp trí tuệ và tài năng của mình cho sự an toàn và phồn vinh của nhân loại.

Technion xứng đáng là tấm gương cho bất kỳ trường đại học nào trên thế giới với ý chí vươn lên mọi thử thách, tinh thần sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, tinh thần phụng sự cho Tổ quốc và nhân loại.

Kỷ niệm khó quên của tôi với Giáo sư Shlomo Maital trong những ngày tháng còn học tập ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) là sau khi chấm một bài luận về kinh tế Việt Nam của tôi, ông mời tôi đi ăn trưa và nói rằng: Bài làm của anh khiến tôi thấy sao Việt Nam lại có nhiều điểm tương đồng với Israel thế! Hai dân tộc đều trải qua những cuộc chiến tranh liên miên, đều thông minh, sáng tạo, có ý chí vươn lên vì độc lập, tự do.

Với tôi, phải chăng Việt Nam còn những điều căn bản khác mà chúng ta cần học hỏi từ đất nước và con người Israel?

Chủng tộc Technion sẽ cho chúng ta một phần của câu trả lời.

Tiến sĩ Trần Lương Sơn

Lời giới thiệu cho bản tiếng Việt

Guy Kawasaki, Giám đốc tiếp thị cho dòng máy tính Macintosh của công ty Apple, khuyên rằng: Hãy làm điều ý nghĩa, chứ không phải là tiền. Ông hàm ý rằng: Các doanh nhân cần có đam mê trong việc tạo ra giá trị cho người khác, và khi làm như vậy, họ sẽ tìm thấy ý nghĩa to lớn cho cuộc sống của mình. Nếu chỉ tập trung vào việc kiếm tiền, họ có thể sẽ thất bại.

Qua người bạn thân thiết đồng thời là cựu sinh viên Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Tiến sĩ Trần Lương Sơn, tôi đã tìm thấy ý nghĩa của việc đem đến thông điệp cho các doanh nhân về khởi nghiệp công nghệ từ đất nước Israel của chúng tôi tới các nước khác, đặc biệt là Việt Nam. Tôi luôn ngưỡng mộ Việt Nam, bởi con người của đất nước này có nhiều phẩm chất tiêu biểu như con người Israel – tính kiên định, sự quyết tâm, ý chí mãnh liệt khi đối mặt với nghịch cảnh. Đó cũng chính là tất cả những phẩm chất đặc trưng của các doanh nhân khởi nghiệp.

Tôi từng thực hiện khảo sát một nhóm 50 nhà thiết kế chip của Israel, và cho họ một danh sách các động lực của sự đổi mới. Ở phía trên cùng của danh sách là tính kiên định, tiếp theo là sự quyết tâm. Giàu có, danh vọng, v.v. nằm xa ở cuối danh sách. Tính kiên định là khả năng đứng dậy từ nghịch cảnh và khủng hoảng. Tất cả các doanh nhân khởi nghiệp đều từng gặp khủng hoảng và tất cả họ đều cần sự kiên định để vượt qua. Và có rất ít quốc gia trên thế giới đã phải trải qua những cuộc hồi sinh lịch sử như Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Lương Sơn và tôi đã trở nên thân thiết bởi chúng tôi cùng có niềm đam mê sâu sắc đối với khởi nghiệp và tình yêu lớn đối với MIT. Giáo sư Edward Roberts của MIT, người khởi xướng chương trình Quản trị Công nghệ (Management of Technology – chương trình đã đưa Tiến sĩ Trần Lương Sơn tới MIT) đã nghiên cứu tác động của MIT đối với bang Massachusetts và thế giới. Với quy mô nhỏ chỉ 1.500 sinh viên tốt nghiệp hàng năm, các cựu sinh viên MIT đã tạo ra khoảng 30.000 doanh nghiệp, với doanh thu gộp đủ lớn để trở thành một nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới.

Đại học Technion là một câu chuyện tương tự. Được thành lập vào năm ١٩١٢, ٣٦ năm trước khi nhà nước Israel được thành lập, Technion đã khai sinh ra ngành công nghiệp công nghệ cao của Israel, thông qua các giảng viên và sinh viên tốt nghiệp của mình. Cứ bốn sinh viên tốt nghiệp Technion thì có một người là doanh nhân khởi nghiệp. Hiện nay, bình quân GDP đầu người của Israel là gần 40.000 đô-la, chủ yếu thông qua lĩnh vực công nghệ cao, với động lực là khởi nghiệp và công nghệ cao, tạo ra một nửa lượng xuất khẩu và đóng góp 40% tăng trưởng kinh tế của Israel.

Trong chuyến thăm gần đây của chúng tôi tới Việt Nam, do Tiến sĩ Trần Lương Sơn khởi xướng và tổ chức, tôi đã mang tới cho các bạn một thông điệp đơn giản: “Hãy vượt hàng!”. Hôm nay, Việt Nam đứng thứ 52 trên thế giới về đổi mới. Nhưng trong số các quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình, Việt Nam đứng thứ hai!

Việt Nam không nhất thiết phải đi theo mô hình tiến từng bước như các nước có thu nhập thấp, bằng cách chuyển lên cao theo chuỗi giá trị, từ gia công may mặc cho tới các sản phẩm có giá trị cao hơn. Việt Nam có thể nhảy vọt lên phía trước, bằng cách chuyển hóa tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho họ khởi nghiệp và kinh doanh, hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm, tài chính, và trên hết là loại bỏ bớt quan liêu. Hiện Việt Nam đứng thứ 102 trên thế giới (trong số 141 quốc gia) về “môi trường khởi nghiệp kinh doanh”. Việt Nam phải là số một. Một chuyến thăm ngắn đến Singapore sẽ cho bạn thấy điều đó có thể thực hiện như thế nào.

Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ – đứng thứ chín trên thế giới về “hiệu quả đổi mới” (khả năng chuyển đầu vào đổi mới như nghiên cứu và phát triển, thành đầu ra của đổi mới như đầu tư, xuất khẩu công nghệ cao). Việt Nam đầu tư mạnh vào giáo dục và đứng thứ 24 thế giới trong chi tiêu giáo dục theo % GDP. Việt Nam cần đòn bẩy kỹ năng, sự sáng tạo và hiệu quả chi phí của nhân công công nghệ, để thu hút đầu tư nghiên cứu và phát triển từ nước ngoài, như Israel từng thực hiện, với 200 trung tâm nghiên cứu và phát triển quốc tế đặt trụ sở tại đây.

Việt Nam thực tế đang là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới. Con đường từ Made in Vietnam (Sản xuất tại Việt Nam) đến Invented in Vietnam (Sáng tạo tại Việt Nam) tuy ngắn, nhưng không phải là dễ dàng.

Tôi hy vọng rằng cuốn sách Chủng tộc Technion này một ngày không xa sẽ dẫn tới một cuốn sách tương tự, với đầy ắp những câu chuyện về các doanh nhân Việt Nam, như người bạn của tôi, Tiến sĩ Trần Lương Sơn, người đã khởi nghiệp với một công ty phần mềm tại thời điểm mà các điều kiện đều rất khó khăn.

Hãy để người Israel chúng tôi hợp tác chặt chẽ với nhân dân Việt Nam, vì tình hữu nghị và lợi ích chung của chúng ta. Và khi làm như thế, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa mới trong cuộc sống của mình.

Giáo sư Shlomo Maital,
Đại học Technion, Haifa, Israel
Tháng 6 – 2016

ĐỌC THỬ

Chương 1 Đặc điểm di truyền của “chủng tộc” Technion

Nhà văn Arthur Koestler từng viết: “Quốc gia là mái nhà do một dân tộc gây dựng nên, và người Do Thái từng là một dân tộc không nhà trong suốt 2000 năm.” Ngày nay dân tộc Do Thái đã có mái nhà của riêng mình, một mái nhà vững chãi mang tên Israel. Thế nhưng, 36 năm trước khi quốc gia ấy ra đời, nền móng của một trường đại học khoa học và công nghệ đã được dựng nên, và những con người từng được đào tạo từ ngôi trường đó giờ đây cũng tạo thành một cộng đồng, một chủng tộc của riêng mình.

Ngày hôm nay – 100 năm sau khi ra đời – “chủng tộc” Technion – Học viện Công nghệ Israel – đã có trên 80.000 học viên tốt nghiệp, là chủ nhân của hơn 100.000 bằng cấp thuộc các chuyên ngành đào tạo khác nhau. Trong đó, gần 60.000 người vẫn đang trong độ tuổi lao động; ٢٥% đang là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc điều hành, và khoảng 41% nữa đang nắm giữ các vị trí quản lý. Gần 11.000 cựu học viên Technion đang hoặc từng làm việc trong các công ty khởi nghiệp, và 1/4 cựu học viên Technion từng ít nhất một lần khởi tạo một doanh nghiệp. Những doanh nhân này gồm cả nam lẫn nữ: 15% nữ học viên tốt nghiệp Technion từng thành lập công ty. Trên 33% cựu học viên Technion hiện đang làm việc trong ngành công nghiệp, và 12% làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Như vậy, gần một nửa dân số Technion hiện đang sản xuất, sáng tạo hoặc thiết kế ra các sản phẩm và dịch vụ. 42 trong số 72 công ty Israel niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ được thành lập hoặc đang được dẫn dắt bởi các cựu học viên Technion(1). Trung bình, một lớp học của Technion tạo ra lợi tức xã hội nhiều gấp hai lần số vốn đầu tư cần thiết dành cho nó. Chúng tôi ước tính rằng tổng sản phẩm đầu ra hàng năm của cộng đồng những người tốt nghiệp Technion trong riêng các lĩnh vực công nghệ cao, truyền thông, nghiên cứu và phát triển đã vượt quá con số 20 tỷ đô-la Mỹ, xếp trên khoảng 85 quốc gia nếu xét về giá trị tổng sản phẩm quốc nội.

Cuốn sách này là câu chuyện về Chủng tộc Technion, những con người tuyệt vời trong đó và những cách thức rất khác nhau mà họ đang sử dụng để khiến Israel và cả thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Chúng tôi chọn cách kể lại những thành tựu xuất sắc này thông qua các câu chuyện chứ không phải tập hợp các dữ liệu thống kê thuần túy. Trong chương này cũng như những chương tiếp theo, chúng ta sẽ cùng sống lại với những thành tựu phi thường mà các học viên tốt nghiệp cũng như các giảng viên của Technion đã đạt được.

Câu chuyện chúng tôi chọn để mở đầu là về một doanh nhân 73 tuổi với phương pháp chữa trị bệnh ung thư mang tính cách mạng và một chàng trai trẻ tuổi thuộc dòng Do Thái chính thống đến từ Bnei Brak với xuất phát điểm tại Technion chỉ là chút kiến thức toán học cơ bản, nhưng giờ đây đã sắp nhận bằng kỹ sư xây dựng dân dụng. Theo một nghĩa nào đó, Yoram và Aharon chính là hai đại diện điển hình cho sự đa dạng về tuổi tác trong Chủng tộc Technion.

***

Câu chuyện của Yoram:

Theo Giáo sư Noam Gavrieli, cựu Phó Hiệu trưởng trường Y Ruth và Bruce Rappaport của Technion thì rất có thể một ngày nào đó, nhà vật lý học 73 tuổi Yoram Palti sẽ đoạt giải Nobel nhờ phát minh ra một phương pháp chữa bệnh ung thư mang tính cách mạng. Nếu điều đó trở thành hiện thực thì một phần là nhờ trí thông minh và sức sáng tạo của bản thân ông, nhưng một phần là nhờ tinh thần doanh nhân mà ông tiếp thu được – cũng là một phẩm chất cốt yếu và phổ biến của các học viên cũng như giảng viên Technion.

Palti là giáo sư danh dự môn sinh lý và lý sinh học, khác xa so với hình mẫu doanh nhân thành đạt ở tuổi ٢٥ như trong mường tượng của nhiều người. Ông nói với chúng tôi rằng, nhiều năm trước đây, luận văn tiến sĩ của ông là một nghiên cứu khoa học tập trung tìm hiểu sự phân bổ điện trường trong các tế bào của con người. Một thời gian rất lâu sau đó, vào năm ٢٠٠٠, từ nghiên cứu cơ bản ban đầu của mình, ông phát hiện ra rằng có thể tạo ra các điện trường giúp phá hủy các tế bào đang phân chia.

“Hầu hết các tế bào bình thường của con người trưởng thành rất hiếm khi phân chia,” Palti giải thích. “Nhưng quá trình đó lại diễn ra liên tục ở các tế bào ung thư.” Và ông nhận ra rằng “Đó có thể là một công cụ giúp chống lại các tế bào ung thư đang sinh sôi nảy nở một cách nhanh chóng.” Đây là một hướng đi hoàn toàn mới trong việc điều trị bệnh ung thư, rất khác so với các phương pháp hóa trị và xạ trị hiện nay.

Palti thành lập một công ty có tên gọi NovoCure, đặt trụ sở ngay tại tầng hầm nhà mình để tiếp tục nghiên cứu. Ngày nay thiết bị của ông mang tên NovoTTF đang trải qua giai đoạn 3 của quá trình thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ và đã cho thấy kết quả rất khả quan trong việc ngăn chặn sự phát triển của các khối u não glioblastoma, chính là thứ đã giết chết Thượng nghị sĩ Ted Kenedy và nhà soạn nhạc George Gershwin.

Vậy phát minh của Palti được áp dụng như thế nào trong thực tế? Các bệnh nhân có khối u não glioblastoma sẽ đội một chiếc mũ đặc biệt tạo ra điện trường, điện trường này phá hủy các tế bào ung thư trong khi chúng phân chia dựa trên hình dạng hình học đặc thù của chúng trong giai đoạn này.

Palti phát biểu trên tờ MIT Technology Review (Điểm tin công nghệ MIT) rằng: “Một tế bào đang phân chia có hình giống như một chiếc đồng hồ cát chứ không phải hình tròn như một tế bào không phân chia.” Điện trường do chiếc mũ NovoCure tạo ra sẽ truyền đồng dạng qua các tế bào không phân chia. Nhưng tại các tế bào ung thư đang phân chia, nút thắt ở phần giữa của chúng sẽ đóng vai trò giống như một thấu kính. Điện trường tập trung tại điểm đó và xé tan cấu trúc tế bào. Khối u sẽ ngừng phát triển.

Thiết bị của Palti cho thấy tiềm năng trong việc chữa trị một số bệnh ung thư phổi cũng như ung thư não. Chúng tôi đã hỏi ông về bí mật giúp ông duy trì sức sáng tạo bền bỉ của mình.

“Trí tò mò và lòng quyết tâm tìm ra giải pháp cho những vấn đề quan trọng có thể là chìa khóa giúp tôi thành công,” Palti nói. “Các năng lực sẵn có có thể được khai thác tốt hơn nhờ sự khôn ngoan và cách nhìn nhận thấu suốt [có được cùng tuổi tác]. Cái chính là phải tận dụng được lợi thế này và kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng.”

Ngày 15 tháng Bảy năm 2014, NovoCure bắt đầu chào bán thương mại phương pháp chữa trị bằng thiết bị NovoTTF tại châu Âu và Israel; 18 chuyên gia giải phẫu thần kinh và bác sĩ chuyên khoa ung thư thần kinh hàng đầu hiện đang chỉ định phương pháp chữa trị bằng NovoTTF cho các bệnh nhân có khối u glioblastoma (u não) tại các trung tâm y tế ở khắp châu Âu và Israel.

Câu chuyện của Aharon:

Aharon D. rảo bước qua tòa nhà của Khoa Kỹ thuật Dân dụng và Môi trường Yitzhak Rabin, đưa mắt nhìn vào từng lớp học cho đến khi tìm thấy một góc khá yên tĩnh để tiếp chuyện với các vị khách. Đôi mắt kính không vành, chiếc mũ chỏm kippa trên đầu cùng ánh mắt vui vẻ, trìu mến, trông anh hoàn toàn giống như tất cả các sinh viên bình thường khác tại bất cứ một trường cao đẳng hay đại học nào của Israel.

Nhưng hóa ra Aharon lại không bình thường chút nào. Lớn lên trong một gia đình Do Thái chính thống cực đoan có 12 người con tại Bnei Brak. Anh từng dành 10 đến 11 giờ mỗi ngày chỉ để học các giáo trình tôn giáo thuần túy tại một chủng viện Do Thái giáo – không toán, không khoa học, không tiếng Anh mà chỉ tập trung vào kinh Torah và sách Talmud. Cha mẹ anh luôn mặc định rằng anh sẽ trở thành một giáo sĩ.

Nhưng rồi, ở tuổi 25, khi đã có vợ, hai con và một đứa thứ ba sắp chào đời, Aharon nhận ra rằng anh sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng khi chỉ học kinh Torah và sùng kính Chúa Trời. Anh rời trường đạo và đăng ký vào đại học.

Nhưng cánh cửa mà anh chọn không phải là một trường đại học bình thường – nó là Technion – Học viện Công nghệ Israel, cơ sở đào tạo khoa học và kỹ thuật hàng đầu của đất nước.

Trải dọc theo sườn dốc của ngọn núi Carmel thuộc thành phố Haifa, các tòa nhà ốp đá và kính hiện đại xen giữa những quảng trường thoáng rộng và rừng cây phủ đầy bóng mát mang lại cho Technion một khung cảnh hiện đại viễn tưởng giống như Học viện Starfleet trong tập phim The next generation (Thế hệ mới) của sê-ri phim Star Trek (Du hành giữa các vì sao). Một sự so sánh thực ra không hề khập khiễng chút nào. Aharon đã chọn đúng nơi hội tụ của các nhà khoa học tên lửa, các nhà hóa học đoạt giải Nobel và các kỹ sư thiết kế những phần mềm tiên tiến nhất.

Và đến tận lúc đặt chân tới Haifa, anh còn chưa bao giờ giải một phương trình đơn giản kiểu như 2x + 4 = 24.

“Tôi có được học phép tính cộng và trừ, nhưng môn đại số thì không,” Aharon hồi tưởng lại sau khi đã tìm được một góc yên tĩnh trên tầng bốn của tòa nhà. “Tôi không hề có ý niệm gì về ngành kỹ thuật. Nhưng tôi nhận ra rằng mình phải học để hiểu toán học giống như tôi đã học để hiểu Talmud.”


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button