Chuyên ngành

Cha Mẹ Pháp Không Đầu Hàng

sach-cha-me-phap-khong-dau-hang-ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Pamela Druckerman

Download sách Cha Mẹ Pháp Không Đầu Hàng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Nuôi dạy con

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời nói đầu

Khi viết cuốn sách đầu tiên về những gì tôi quan sát và ghi chép được trong quá trình sinh nở và nuôi dạy ba đứa trẻ ở Paris, tôi không chắc là có ai ngoài mẹ tôi quan tâm mà đọc đến. Thực ra, tôi cũng không chắc là mẹ tôi đủ kiên nhẫn đọc hết (vì mẹ tôi thích đọc tiểu thuyết hơn).

Nhưng tôi đã thực sự kinh ngạc khi thấy rất nhiều người không thân thiết với mình cũng tìm và đọc sách. Và sau đó là một chuỗi những bài báo, xã luận giận dữ với nội dung cuốn sách. Hẳn tôi đã xúc phạm đến cái được gọi là “Nuôi dạy con kiểu Anh – Mỹ”, nếu thực sự trên đời tồn tại khái niệm đó? Hay là trên đời có quá nhiều đứa trẻ Pháp hư đốn? Hẳn tôi chỉ quan sát kiểu nuôi dạy của những gia đình giàu có ở Paris? Hay là tôi có ý cổ xúy cho việc xã hội hóa trong nuôi dạy trẻ hoặc tệ hơn, việc cho trẻ bú bình?

Tôi là tuýp người mà mỗi khi nghe được những lời chỉ trích, phê phán mình, sẽ lập tức tự vấn bản thân: hẳn mọi người đã nói đúng. Tôi rơi vào hố sâu sợ hãi. Nhưng rồi niềm vui đã quay trở lại khi tôi nhận được thư từ rất nhiều người không nghĩ là tôi đã buộc tội một cách mù quáng rằng những cha mẹ khối nói tiếng Anh đang áp dụng cách nuôi con tiềm ẩn nhiều vấn đề. Họ cũng như tôi, đang háo hức muốn tìm một giải pháp khác cho những bế tắc mình đang phải đương đầu.

Một số cha mẹ khác thổ lộ rằng cuốn sách của tôi như một lời khẳng định tích cực về những gì mà họ đã và đang nuôi dạy con ở nhà, có điều là họ làm trong vòng bí mật và cảm thấy tội lỗi. Một số khác lại nhắn nhủ rằng họ đã thử áp dụng những phương pháp trong cuốn sách và thực sự thấy hiệu quả (Hơn ai hết, tôi cảm thấy yên lòng khi nhận được lời khẳng định này). Rất nhiều cha mẹ muốn tôi viết thêm về các bí kíp, các mẹo cụ thể hay tóm tắt lại một cách súc tích và cô đọng hơn những gì đã nói ở cuốn Trẻ em Pháp không ném thức ăn (lược bỏ hết những phần tiểu sử gia đình dài dòng và những hành trình khám phá của tôi), để họ dễ dàng truyền đạt lại cho ông bà, bạn đời và cô bảo mẫu của gia đình.

Đây chính là nó, cuốn sách tóm tắt lại của Trẻ em Pháp không ném thức ăn – cuốn sách đầu của tôi. Cha mẹ Pháp không đầu hàng là 100 bí quyết quan trọng nhất mà tôi đã học được từ các cha mẹ và các chuyên gia giáo dục trẻ tại Pháp. Người đọc không nhất thiết phải sống giữa lòng Paris mới có thể áp dụng những bí quyết này. Thậm chí, cha mẹ cũng chẳng cần phải thích phô mai mới dạy được con cách yêu phô mai của người Pháp. (Tuy vậy, tôi khuyên bạn nên ngó qua những thực đơn ở phần cuối cuốn sách. Đó là thực đơn mẫu mà trẻ em ở các nhà trẻ tại Paris được ăn, hơn nữa những món đó không phải dành riêng cho trẻ nhỏ mà còn là những món ngon cho cả người lớn nữa).

Tôi tin tưởng vào cả 100 bí quyết trên. Nhưng đây không phải là những bí quyết tôi tạo ra hay tự nhận là của mình. Và không phải tất cả những bí quyết này đúng với tất cả mọi nhà. Người Pháp quan niệm rất rõ ràng rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập và không tồn tại bất cứ một công thức chung nào khi nuôi dạy trẻ. Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ nhận thấy đằng sau những bí quyết đơn lẻ luôn là một số những nguyên tắc chung. Một trong những nguyên tắc nền tảng trụ cột với tôi, với tư cách một người Mỹ, đó là: Nếu toàn bộ cuộc sống sinh hoạt của gia đình chỉ xoay quanh những đứa trẻ, điều đó không có lợi cho bất cứ ai, kể cả cho chính đứa trẻ trung tâm đó!

Bản thân tôi nghĩ rằng cha mẹ Mỹ đã dần dần nhận ra chân lý này. Số liệu thống kê cho thấy 20 năm trở lại đây xuất hiện cái được gọi là phong cách nuôi dạy lấy trẻ làm trọng tâm. Phong cách này càng được củng cố thì sự thỏa mãn trong hôn nhân càng đi xuống. Các cặp vợ chồng có con càng ngày càng ít hạnh phúc hơn các cặp đôi chưa là cha mẹ, tệ hơn, hạnh phúc lứa đôi càng giảm sút sau mỗi lần sinh thêm con. Và số liệu đáng lo nhất từ một cuộc điều tra khảo sát trên diện rộng các gia đình trung lưu Mỹ đã mô tả hiện tượng mà các cha mẹ, từ chỗ là người quyết định và nắm quyền kiểm soát cuộc sống gia đình, đang chuyển dần sang thành người “phục vụ riêng” cho những ước muốn của con (bài khảo sát dùng từ “người hầu, đày tớ”). Thực tế phũ phàng là chúng ta, những cha mẹ Mỹ, cũng đang bắt đầu nghi ngờ kiểu nuôi dạy chiều chuộng theo yêu cầu của trẻ có thực sự tốt cho trẻ. Những phương tiện giáo dục tưởng chừng ưu việt, đầy thiện ý như những video hay những cuốn sách giúp phát triển trí não sớm cho trẻ để mai kia con sẽ có một chỗ trong trường đại học tốt nhất, trở nên quá mơ hồ. Các chuyên gia gọi thế hệ đầu tiên được nuôi dậy theo phong cách này là những đứa trẻ “thủy tinh”, bởi chúng mong manh dễ vỡ vô cùng, và cảnh báo rằng khái niệm về thành đạt của cha mẹ sẽ làm các con vô cùng khổ sở.

Hiển nhiên rằng không phải những gì cha mẹ Pháp làm cũng đúng. Và họ không hành động giống hệt nhau. Những bí quyết trong cuốn sách này chỉ là những quan niệm và kiến thức tổng quát, là những gì mà sách báo, tivi, loa đài và các phương tiện truyền thông Pháp khuyên các bậc cha mẹ nên áp dụng. Và thực tế đây là những bí quyết mà hầu hết các gia đình trung lưu thực hiện, hoặc ít nhất cũng biết là sẽ phải tuân theo.

Rất nhiều kiến thức giáo dục của Pháp là những kiến thức thường thức cơ bản. Tôi nhận được rất nhiều thư từ độc giả mô tả sự giao thoa giữa kiến thức nuôi dạy con của Pháp với phương pháp giáo dục Montessori hay của nhà nữ giáo dục người Hungary có tên Magda Gerber. Một số đông các độc giả khác khẳng định rằng nước Mỹ đã từng nuôi nấng và giáo dục con theo những quan điểm và kiến thức trên cho đến những năm 1980, khi nước Mỹ bùng nổ số lượng các nhà tâm lý học và các nghiên cứu cho rằng trẻ em từ các gia đình nghèo của nước Mỹ không được khích lệ đủ khi còn nhỏ để cố gắng vươn lên.

Tuy vậy, một số kiến thức giáo dục của Pháp thực sự sáng suốt và tinh túy. Cha mẹ Pháp đồng loạt tin tưởng rằng trẻ sơ sinh là các cá thể biết suy nghĩ và khi nuôi dạy con, cha mẹ cần kết hợp một chút nghiêm khắc với rất nhiều tự do, cha mẹ cần lắng nghe con thật kỹ nhưng không có nghĩa là sẽ phụng sự y như những gì con muốn. Cách cha mẹ Pháp chuyển cho con từ ăn dặm sang ăn đồ ăn như người lớn thực sự đáng kinh ngạc. Quan trọng hơn cả, họ tuyệt đối tin tưởng rằng trí khôn và sự nuôi dạy con sáng suốt nhất chỉ đến khi cha mẹ bình tĩnh và thư thái. Cái hay là ở Pháp, họ có cả một dân tộc với tất thảy các bậc cha mẹ đều đồng thời áp dụng phương châm này, như một nhóm khổng lồ và thống nhất bao gồm các bậc cha mẹ cùng chí hướng. Hãy đến đây mà xem. Bạn sẽ thấy kinh ngạc.

Chúng ta, các bậc cha mẹ từ các nước nói tiếng Anh, tin rằng mình cần phải dạy con kỹ năng nhận thức, ví dụ như dạy con biết đọc sớm nhất có thể; người Pháp không như vậy, ngay từ rất sớm, họ dạy trẻ các “kỹ năng mềm” như cách sống trong tập thể và sự đồng cảm với người khác. Cha mẹ Anh – Mỹ muốn con được kích thích và vận động, cha mẹ Pháp thì nghĩ thời gian con được yên lặng và bình tĩnh là cực kỳ quan trọng. Cha mẹ Anh – Mỹ sợ và tránh làm con tức giận hay tuyệt vọng; ngược lại cha mẹ Pháp nghĩ những đứa trẻ không biết cách vượt qua sự tức giận và tuyệt vọng của bản thân sẽ rất khổ sở khi lớn lên. Cha mẹ Anh – Mỹ quan tâm đến kết quả của quá trình nuôi dạy trong khi đó cha mẹ Pháp nghĩ rằng chất lượng cuộc sống chung của 18 năm con nằm trong vòng tay gia đình cũng quan trọng không kém. Cha mẹ Anh – Mỹ tin rằng mất ngủ trường kỳ, sự đảo lộn nếp sinh hoạt gia đình, những trận ăn vạ cực điểm, tính kén ăn và những cuộc trò chuyện liên tục bị ngắt quãng là những điều không thể tránh được khi có con nhỏ. Người Pháp thì tin rằng, những điều kể trên (hay tưởng tượng tôi nói với đúng giọng điệu của người Pháp) là… không thể chấp nhận được!

Tôi là một nhà báo, không phải là một chuyên gia nuôi dạy trẻ. Vì thế những gì thực sự có thể thuyết phục tôi về các nguyên tắc của Pháp là những con số thống kê, kết quả nghiên cứu và số liệu điều tra. Rất nhiều điều cha mẹ Pháp làm là do bản năng ngấm lại từ truyền thống giáo dục ăn sâu vào trong họ hay do nhiều lần “thử sai sửa chữa – áp dụng lại”, và cũng trùng hợp với những gì mà các nghiên cứu gần nhất khuyên các cha mẹ các nước Anh ngữ áp dụng. Người Pháp tin tưởng rằng đương nhiên cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ sơ sinh ngủ qua đêm mà không dậy đòi ăn, rằng trẻ em có thể học được tính kiên nhẫn, rằng thừa thãi lời khen không cho lợi cho con trẻ, rằng cha mẹ có thể và nên kết nối với nhịp điệu sinh hoạt của bé, rằng bằng việc con học và chấp nhận nếm thử sẽ đưa đến sự yêu thích các món ăn. Đương nhiên, khoa học luôn đứng sau và khẳng định lại rằng những điều đó là đúng.

Hãy coi cuốn sách này như một gợi ý tạo ý tưởng chung, chứ không phải sách giáo khoa. Hãy linh động và mềm dẻo. Một trong những câu nói nổi tiếng của Pháp mà tôi rất thích đó là “Luôn luôn thay đổi khi cuộc sống thay đổi”. Trẻ học và phát triển rất nhanh. Và khi trẻ thay đổi, mặc dù cha mẹ vẫn giữ những nguyên tắc giáo dưỡng chủ đạo nhưng cách áp dụng lại có thể khác đi ở những trường hợp khác nhau. Tôi hy vọng rằng, cuốn sách này mang đến cho người đọc khả năng linh hoạt đó. Cuốn sách này, thay vì đưa ra luật lệ cứng nhắc và sẵn có, lại cung cấp cho độc giả những công cụ để có thể tự mình nuôi dạy con theo cách của riêng mình. Như một câu ngạn ngữ có nói rằng: đừng cho tôi cá mà hãy dạy tôi cách đi câu.

SERGIO ZYMAN

ĐỌC THỬ

Chương 1 Chiếc bánh sừng bò nướng trong lò

Tất cả phụ nữ khi mang thai đều lo lắng. Dù gì đi chăng nữa thì họ cũng đang mang trong mình một sinh linh bé bỏng. Ở Mỹ và Anh, lo lắng trở thành một căn bệnh phổ biến, như một cuộc chạy đua Olympic xem ai lo lắng nhiều hơn ai. Chỉ vừa mang thai thôi, các mẹ đã lo chuẩn bị phương pháp nuôi dạy con, thậm chí nghiên cứu từng miếng ăn mẹ nạp vào người xem có lợi/hại gì cho con không.

Nhưng người Pháp không đồng tình với cảm giác hoang mang, lo lắng thái quá này. Thay vào đó, cẩm nang thai nghén dành cho phụ nữ Pháp xuất hiện rất nhiều từ như “bình tĩnh”, “cân bằng” và “tĩnh tại”, “thiền”. Những bà mẹ tương lai chứng tỏ sự trưởng thành và sẵn sàng làm mẹ bằng cách thể hiện sự bình tâm, tự tại và vẫn hưởng thụ nhiều thú vui khác của cuộc sống ngay cả khi đang mang bầu. Chỉ một sự thay đổi nho nhỏ trong tư duy có thể tạo nên một sự khác biệt khổng lồ.

1. Mang thai không phải là một công trình nghiên cứu

Khi mang bầu, phụ nữ Pháp có đọc một vài cuốn sách nhưng không đến mức thay đổi toàn bộ nội thất bên trong nhà vì em bé, họ cũng không nghiên cứu chọn xe đẩy kỹ như chọn chồng! Biết nhìn xa trông rộng và chuẩn bị trước cho con rất khác với việc bị ám ảnh về việc có thai, đến mức có thể liệt kê tất thảy các bệnh rối loạn gen trong thai kỳ ở mọi lúc, mọi nơi.

Đương nhiên, thai nghén và quá trình tạo ra những đứa trẻ là điều kỳ diệu và bí ẩn nhất mà mẹ đã từng làm (trừ khi mẹ đã từng sinh con). Mẹ có thể nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giai đoạn đặc biệt này nhưng cũng không nhất thiết phải cẩn thận cân, đo, đong, đếm, soi tính từng li từng tí mọi thứ xung quanh thai kỳ của mình dưới ống kính hiển vi hay thỉnh giáo đến các bậc thầy tâm linh. Lời khuyên quan trọng nhất đó là mẹ hãy lắng nghe chính cơ thể mình.

2. Bình tâm có lợi cho con

Bình tĩnh, tự tại không chỉ có lợi cho mẹ mà còn vô cùng quan trọng với con. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thai nhi có thể cảm nhận được trạng thái tình cảm của mẹ. Thai cử động co bóp nhiều khi mẹ căng thẳng và sẽ nằm yên thư thái khi các hóc-môn hưng phấn, hạnh phúc từ mẹ truyền qua nhau thai. Vì vậy, khi mang thai, mẹ cố gắng đừng để mình rơi vào trạng thái tâm lý căng thẳng, khó chịu và nên tìm niềm vui từ những hoạt động mình yêu thích như: sơn móng chân, móng tay, hẹn hò lãng mạn cùng chồng hay gặp gỡ bạn bè. Theo các chuyên gia Pháp, các mẹ thư thái sẽ sinh ra các bé thư thái và một chu kỳ thai nghén tĩnh tại chính là sự khởi đầu tốt đẹp cho một quá trình nuôi dạy con êm ả sau này.

3. Không nhất thiết phải nói không với sushi

Mẹ Pháp có biết về những rủi ro trong thai kỳ. Họ hiểu rằng có một số thứ, như thuốc lá hay rượu nặng, là nguy hại đến thai nhi. Bác sỹ Pháp khuyên bà bầu không sử dụng những thứ này trong toàn bộ thai kỳ (mặc dù một số bà bầu vẫn thưởng thức một chút sâm-panh vào những dịp đặc biệt). Một số thức ăn chỉ có thể gây nguy hại đến mẹ bầu nếu bị nhiễm bẩn hoặc nhiễm độc. Sushi, xúc xích, thịt nguội, các loại hàu sống, cá sống, trứng sống hay phô mai không thanh trùng nằm trong nhóm thực phẩm này.

Điều này không có nghĩa là tôi khuyên bạn thoải mái ăn hàu sống. Hãy lắng nghe lời khuyên của bác sỹ. Có điều, xin hãy nhớ rằng chẳng may, một ngày nào đó mẹ bầu có ăn phải một chút phô mai chưa thanh trùng trong món mỳ ống ở ngoài hàng, thì cũng không cần phải lo lắng thái quá.

4. Bào thai không cần đến bánh kem

Việc có thai chưa bao giờ được coi là cái cớ để phụ nữ Pháp ăn thả cửa những gì mà bình thường họ không dám ăn vì cảm thấy tội lỗi và hay kiêng cữ. (Phụ nữ Pháp, từ tuổi thanh thiếu niên, đã rất có ý thức hạn chế ăn đồ ngọt, đồ béo và các món tăng cân nhanh). Nếu bà bầu quá thèm bánh kem, hãy hạn chế cơn thèm bằng cách ăn một quả táo hay một miếng phô mai. Chiến lược giữ dáng lâu dài của phụ nữ Pháp đó là không kiêng khem một cách quá mức, không để mình quá thèm một thứ gì, lưu ý những gì mình ăn, và cho mình cơ hội thăng hoa cảm xúc ẩm thực vào những dịp đặc biệt. Điều này làm xoa dịu “con quỉ” ham muốn trong mỗi người, do đó tránh được tình trạng ăn thả phanh đồ ngọt khi buồn chán hay thèm muốn thái quá. Chính việc ăn uống điều độ có kiểm soát này, chứ không phải thói quen ăn kiêng kìm hãm bản thân, là lý do tại sao cuốn sách về thai nghén mới nhất ở Pháp lại có tên là: Cấp cứu, cô ấy nghén dâu tây.

5. Mang thai, mẹ ăn cho một người (và thêm một chút)

Phụ nữ Pháp lên kế hoạch để trở lại sau khi sinh với vóc dáng và sự hấp dẫn nữ tính còn nguyên vẹn. Để làm được điều đó, họ tuân thủ chặt chẽ lời khuyên của bác sỹ về mức tăng cân tối đa vì nếu không bị tăng cân quá nhiều thì mẹ sẽ dễ dàng tìm lại vóc dáng ban đầu của mình. Mốc tăng cân tối đa mà bác sỹ dành cho phụ nữ thai nghén ở Pháp thấp hơn nhiều so với ở Anh – Mỹ và phụ nữ Pháp dùng chỉ số này như kim chỉ nam trong suốt quá trình mang thai. Một trong những hướng dẫn của Pháp chỉ ra rằng: một phụ nữ mang thai, với mức hoạt động thể chất trung bình, cần thêm 200-500 calo mỗi ngày và cảnh báo nếu ăn trên mức đó “chắc chắn sẽ chuyển hóa thành chất béo”. Tuy nhiên kiểu lưu ý kỹ lưỡng trong ăn uống này không nhất thiết phải trở thành một thứ kham khổ và nghiệt ngã. Quan trọng hơn cả, phụ nữ Pháp không ăn chỉ để chăm chăm nuôi dưỡng bào thai, họ còn ăn để thưởng thức thú vui ẩm thực của riêng mình nữa.

6. Đừng mượn áo của chồng

Ăn mặc như một củ khoai lang tròn ung ủng, không đường cong thực sự chẳng có lợi cho tinh thần của mẹ, của chồng (và thậm chí của em bé trong bụng mẹ nữa). Đừng lấy “mang thai” làm lí do để phụ nữ đánh mất đi phong cách thanh lịch của chính mình. Hãy đầu tư một vài bộ đồ tạo dáng dành cho phụ nữ mang thai. Sau đó bạn có thể chuyển những chiếc áo rộng rãi và quần legging có sẵn trong tủ thành đồ bầu, tô đôi môi thêm tươi tắn và đừng quên quàng lên mình một chiếc khăn thật tinh tế. Tất cả những chi tiết nhỏ này đánh dấu rằng bạn không chuyển mình từ “phụ nữ” sang làm “mẹ”. Bạn có thể là cả hai: là phụ nữ quyến rũ và là MẸ.

7. Đừng bỏ quên đi sự quyến rũ của mình

Các tạp chí về mang thai của Pháp không những nói rằng phụ nữ có thể quan hệ tình dục khi mang thai mà còn đưa ra một danh sách các “đồ chơi tình dục” có thể sử dụng an toàn khi có thai, các mùi vị kích thích yêu đương (mù tạc, quế, sô-cô-la) cũng như những hướng dẫn cụ thể các tư thế để phụ nữ có thể vẫn thưởng thức khoái lạc đến hết 3 tháng cuối của thai kỳ. Thêm vào đó là giới thiệu một loạt các loại đồ ngủ gợi tình đặc biệt dành riêng cho các mẹ bầu. Phụ nữ bầu Pháp không phải là biểu tượng nữ thần tình dục, họ cũng như chúng ta có nhu cầu giao động lên xuống. Nhưng họ không làm như mình đã bước sang một thế giới khác và dừng quan hệ tình dục ngay khi nhận kết quả thử thai. Họ hiểu rằng, nếu cố gắng chôn chặt và kìm hãm ham muốn tình dục, sau này rất khó có thể tìm lại những gì đã bị bỏ quên.

8. Thuốc giảm đau khi sinh, không phải là ác quỷ

Người Pháp không coi quá trình sinh nở là một dịp thử thách lòng quả cảm và đức hy sinh của người mẹ qua khả năng chịu đựng đau đớn hay minh chứng khả năng vượt qua những thử thách vì con cái. Phụ nữ Pháp không có ý định sinh con ra với những tính toán chi li cụ thể về ánh sáng, tiếng ồn, cơn đau, những người có mặt hay ai sẽ là người đầu tiên bế đứa trẻ.

Người Pháp tôn trọng quyết định sinh con như thế nào của các cặp vợ chồng, họ thấy chẳng có gì sai khi một cặp vợ chồng quyết định sinh con tại nhà. Với họ, quan trọng nhất là đứa trẻ được đưa ra khỏi bụng mẹ một cách an toàn cho cả mẹ và bé. Bên cạnh những thứ mà tốt nhất là cứ tuân theo lẽ tự nhiên “au naturel” (trong đó có nuôi con bằng sữa mẹ), một số thứ khác có lẽ tối ưu là cần có (rất nhiều) thuốc. Nhiều mẹ Pháp nhất định phải ăn rau trồng hữu cơ hay kiên định cho con bú đến tận hết mẫu giáo, nhưng vẫn vui vẻ và cảm thấy được giải thoát khi chờ thuốc giảm đau bắt đầu tác dụng lên cơ thể mình trong phòng hộ sinh.

9. Các bố, đừng đứng phía cuối giường!

Nếu bố không trực tiếp đỡ đẻ cho mẹ, đừng đứng ở cuối giường vào những giờ phút cuối cùng của việc sinh nở. Vâng, vẫn biết đó là sự kỳ diệu của cuộc sống mà bố cần chứng kiến. Và đương nhiên bố muốn có mặt ngay ở “phía cuối đường hầm” đó để chào đón đứa con của mình. Nhưng hãy cố gắng trì hoãn cuộc gặp mặt này nửa phút và giúp vợ mình bảo toàn sự bí ẩn nữ tính của người phụ nữ. Ở dưới đó, thời khắc này, mọi thứ có thể rất không đẹp đẽ. Và như một câu ngạn ngữ của Pháp có nói: không phải mọi sự thật đều cần được phơi bày.

Chương 2 Em bé thông minh

Người Pháp cư xử với các em bé sơ sinh như thể các bé là những cá thể, những con người tuy bé nhỏ về hình dáng nhưng có đầy đủ cảm xúc, suy nghĩ; có khả năng hiểu ngôn ngữ, có thể hấp thụ thông tin và tiến bộ (nếu được cha mẹ hướng dẫn từ từ và thuận theo sự phát triển tự nhiên của con). Thực ra điều này không quá hoang đường như bạn tưởng. Các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh rằng trẻ sơ sinh không phải là những chiếc đĩa trống, các con có suy nghĩ, có khả năng xem xét và đưa ra quyết định, thậm chí con còn có thể làm một số phép toán cơ bản nữa. Và ai có thể biết được những sức mạnh vô song của các bé sơ sinh, những khả năng vẫn còn tiềm ẩn mà các nhà khoa học chưa phát hiện ra. Nhưng một điều tối thiểu các cha mẹ cần lưu ý đó là: khi chúng ta cất tiếng nói, con – dù bé bỏng đến đâu đi chăng nữa – vẫn có thể nghe.

10. Hãy giới thiệu cho trẻ sơ sinh một vòng quanh nhà

Khi một vị khách đến thăm nhà, chủ nhà thường dẫn khách đi một vòng giới thiệu cơ ngơi. Hãy làm như vậy với em bé sơ sinh của bạn. Khi đưa con từ bệnh viện về (hay khi con vừa được đưa ra khỏi bụng mẹ trong bồn tắm sau cuộc lâm bồn tại nhà), hãy bế con đi một vòng quanh nhà, chỉ cho con các phòng và nơi con sẽ nằm ngủ hàng đêm. “Đây là nhà của mình, con yêu ạ! Đây là phòng của bố mẹ. Và đây là phòng dành cho con”. Nhiều cha mẹ Pháp có thói quen chào tạm biệt con, dù chỉ là một bé sơ sinh, mỗi khi bé đi ngủ hoặc mỗi lần ra khỏi nhà và hẹn con rằng cha mẹ sẽ quay trở lại. Cha mẹ giải thích và giúp con hiểu các mối quan hệ, giải thích bà nội là mẹ của bố và bà ngoại là mẹ của mẹ, hay âm thanh này mà con đang nghe là từ môi trường bên ngoài. Người Pháp tin rằng khi cha mẹ nói chuyện với con, họ không chỉ dùng giọng nói để dỗ dành và vỗ về an ủi xoa dịu con mà còn cung cấp và hé mở các thông tin quan trọng của cuộc sống. Họ cũng tin rằng khi nói chuyện với trẻ sơ sinh như một cá thể biết suy nghĩ, cha mẹ sẽ giúp con tự tin và khi con cáu giận, sợ hãi, cha mẹ có thể dễ dàng dỗ dành con hơn.

11. Quan sát trẻ sơ sinh

Khi được hỏi về triết lý hay phương pháp nuôi dạy con, người mẹ Pháp nhún vai như một lời phủ định và nói: “Đơn giản, tôi chỉ quan sát con mà thôi”. Ý của người mẹ đó là cô dành rất nhiều thời gian quan sát những gì trẻ sơ sinh làm, từ cử động cho đến nét mặt của con. Điều này thực tế rất quan trọng. Thông qua quan sát, người mẹ đã học được cách kết nối với những trải nghiệm của bé, học cách đọc hiểu và đáp ứng các tín hiệu cơ thể mà bé đưa ra. Mẹ sẽ luôn ở bên khi con cần mẹ, nhưng khi con đang tự chơi một mình trên thảm, tự trò chuyện, thậm chí chảy dãi nhưng nếu điều đó không làm phiền gì con, hãy để con một mình thưởng thức trò chơi của con. Chúng ta, những người Anh – Mỹ, đang cố gắng đạt được một phẩm chất mà người Pháp gọi là “complicité” – yêu thương vô điều kiện, là sự tin tưởng tuyệt đối và sự cảm thông với người khác, cho dù con người tí hon này có liên tục nôn ọe lên chúng ta.

12. Hãy nói sự thật, dù với trẻ sơ sinh

Nhà giáo dục học nổi tiếng của Pháp, Francoise Dolto, có nói rằng: Trẻ em không nhất thiết cần một cuộc sống gia đình hoàn hảo. Con cần sự minh bạch và rõ ràng hơn là những bí mật luôn luôn bị che giấu. Bà cũng khẳng định trẻ em có thể cảm nhận được khi gia đình có vấn đề và con cũng cần có sự vỗ về, an ủi và làm dịu đi nỗi buồn như tất cả những người lớn khác: “Con không nhầm lẫn gì cả, đúng là có chuyện không ổn đang diễn ra”. Trẻ có thể biết cha mẹ sắp li dị, từ 6 tháng tuổi. Khi có người thân qua đời, có thể giải thích cho con một cách nhẹ nhàng và cho con có mặt một lát trong đám tang. Một đứa trẻ được nhận làm con nuôi có thể được nghe về mẹ đẻ của mình, hoặc đơn giản người mẹ nuôi có thể giải thích: “Ngày xưa con đã từng biết đến cô ấy”. Người Pháp tin rằng họ cần tế nhị nói cho con sự thật từ khi con còn rất nhỏ tuổi để giúp con cảm thấy an toàn và tự tin.

13. Hãy lịch sự, dù với trẻ sơ sinh

Người Pháp không nói chuyện với trẻ sơ sinh theo ngữ điệu nựng nịu như hát. Tuy nhiên, họ rất lưu ý và thường không bao giờ quên nói với trẻ, dù bé đến thế nào đi chăng nữa, những từ “xin chào”, “làm ơn” và “cảm ơn”. Và đương nhiên, khi người Pháp nghĩ rằng trẻ em, dù còn bé, cũng có thể hiểu người lớn, họ sẽ thực hành phong cách sống lành mạnh càng sớm càng tốt, bắt đầu từ lời nói. Chính những từ ngữ lịch sự và nhã nhặn này là nền tảng cho mối quan hệ gia đình hòa thuận và tôn trọng lẫn nhau sau này.

14. Cha mẹ Pháp không kích thích con thái quá

Cũng như tất cả chúng ta, các bậc cha mẹ Pháp biết rằng họ cần phải trò chuyện với con, chỉ cho con các trò chơi hay đọc sách cho bé. Nhưng họ biết rằng một bà mẹ không thể dành 8 tiếng trong ngày ngồi nói chuyện và chơi với con không ngừng nghỉ và trẻ con, nhất là trẻ sơ sinh, cần thời gian yên tĩnh.

Hãy để những hoạt động, những cuộc trò chuyện tuân theo qui luật và tiếng gọi của tự nhiên. Hãy để cho bé có cơ hội được tự chơi một mình trên thảm, tự học lẫy và hưởng tự do. Khi cha mẹ để trẻ chơi một mình, không phải họ đang thiếu kết nối với con hay bỏ lỡ những bước tiến lịch sử của con. Mà đơn giản, họ đang cho trẻ thời gian và không gian để hấp thụ hết những thông tin, khả năng mới mà con thu nhận được. Và cha mẹ cũng cần một chút thời gian nghỉ ngơi một mình nữa.

15. Hướng trẻ vào một lịch sinh hoạt nhất định

Trong một vài tháng đầu sau sinh, trẻ có thể được cho ăn theo nhu cầu. Nhưng sau đó, một số nguyên tắc cơ bản dần được áp dụng trong sinh hoạt hàng ngày của bé:

  • Bé được ăn vào một khoảng thời gian tương đối là ổn định mỗi ngày.
  • Bé ăn ít bữa nhưng ăn no, ăn hiệu quả còn hơn ăn nhiều bữa mà mỗi bữa không được bao nhiêu: ăn vặt.
  • Các bé có thể điều chỉnh và thích nghi với các bữa ăn của gia đình.

Với những ý tưởng chủ đạo này, cha mẹ Pháp dần dần giãn thời gian giữa các bữa ăn của các bé. Họ đánh lạc hướng những cơn thèm ăn nhất thời bằng cách cho trẻ đi dạo hoặc địu con. Ban đầu thời gian trì hoãn mỗi bữa ăn chỉ là vài phút, nhưng sau đó tăng dần lên thành 3 giờ rồi 4 giờ. Và khi các bữa ăn của con cách nhau 4 tiếng, con đã hoàn thành việc thiết lập nhịp sinh hoạt ăn uống và lịch này sẽ theo con suốt tuổi ấu thơ, đó là 4 bữa một ngày: bữa sáng, bữa trưa, bữa phụ (bữa xế) và bữa tối. (Khoảng thời gian tương ứng của các bữa ăn này thường là 8 giờ sáng, 12 giờ trưa, 4 giờ chiều và 8 giờ tối, mặc dù hầu hết các gia đình Pháp đều áp dụng ít nhiều lịch sinh hoạt như trên, nhưng không nhất thiết phải chính xác nghiêm ngặt từng giờ, từng phút như kỷ luật quân đội).

16. Sữa công thức không phải là thuốc độc

Các mẹ Pháp biết rằng sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho con. Nhưng họ không coi việc nuôi con bằng sữa mẹ như một thước đo khả năng và sự hy sinh của người mẹ. Nhiều mẹ khẳng định bản thân họ là những người hoàn toàn khỏe mạnh dù ở lứa tuổi sơ sinh các mẹ đó đã tiêu thụ không biết bao nhiêu là sữa công thức do thừa hưởng nền cơ sở vật chất và thói quen của thế hệ cũ (Đương nhiên có nhiều nhân tố khác tạo nên sức khỏe của các mẹ hôm nay, chứ không chỉ do uống sữa công thức khi sơ sinh). Mặc dù các luồng dư luận tạo cảm giác tội lỗi cho người mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ đang thâm nhập vào nước Pháp nhưng nhìn chung, các mẹ Pháp vẫn cho rằng nếu cho con bú bằng sữa mẹ mà người mẹ cảm thấy khiên cưỡng, phải cố gắng liên tục qua nhiều thất bại đau đớn và bất tiện thì không lành mạnh và không tốt cho mối quan hệ mẹ – con. Mẹ Pháp cho rằng việc cho con bú sữa mẹ như thế nào và bú mẹ trong bao lâu, là quyết định cá nhân chứ không phải là vấn đề chung của tập thể các mẹ khác. Lý do tuyệt vời nhất để nuôi con bằng sữa mẹ, theo các mẹ Pháp, là khi mẹ và con đều yêu thích và hưởng lợi từ nó.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button