Chuyên ngành

Ám Ảnh Từ Kiếp Trước: Bí Mật Của Sự Sống Và Cái Chết

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Brian L. Weiss

Download sách Ám Ảnh Từ Kiếp Trước: Bí Mật Của Sự Sống Và Cái Chết ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Tâm linh – Tôn giáo

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời nói đầu

Tôi biết rằng mọi chuyện đều có lý do. Có lẽ tại thời điểm một sự kiện nào đó xảy ra, chúng ta chưa có được sự thấu hiểu cũng như khả năng nhìn xa trông rộng để hiểu hết lý do đó, nhưng theo thời gian và lòng kiên nhẫn, mọi chuyện sẽ trở nên sáng rõ.

Đó là trường hợp của Catherine. Tôi gặp cô ấy lần đầu tiên vào năm 1980 khi cô 27 tuổi. Cô đến văn phòng của tôi để chữa trị chứng hồi hộp, những cơn hoảng hốt và chứng khiếp sợ. Dù những triệu chứng này cô đã có từ nhỏ nhưng gần đây chúng trở nên tệ hại hơn hẳn. Mỗi ngày cô càng cảm thấy tê liệt hơn và khó khăn hơn về cảm xúc. Cô bị khủng hoảng và trầm cảm rõ rệt.

Trái ngược với sự hỗn độn đã xảy ra trong đời cô ấy vào lúc đó, cuộc đời tôi trôi qua êm đềm. Tôi có một cuộc hôn nhân tốt đẹp và bền vững, có hai con nhỏ và một sự nghiệp đang trên đà thăng tiến.

Từ lúc khởi đầu, cuộc đời tôi dường như luôn thuận buồm xuôi gió. Tôi sinh trưởng trong một gia đình tràn đầy tình yêu thương. Thành công về học thuật đến dễ dàng và vào năm thứ hai đại học, tôi quyết định trở thành bác sỹ tâm thần.

Tôi tốt nghiệp hạng ưu, là thành viên của Phi Beta Kappa(1), trường đại học Columbia, New York vào năm 1966. Sau đó tôi đã vào trường y khoa của đại học Yale và nhận bằng tiến sỹ y khoa vào năm 1970. Tham dự chương trình nội trú tại Trung tâm Y khoa Bellevue, đại học New York, tôi quay lại Yale để hoàn tất chương trình nội trú ngành tâm thần học của mình. Hoàn thành chương trình, tôi được nhận vào đội ngũ giảng viên của đại học Pittsburgh. Hai năm sau, tôi gia nhập đội ngũ giảng viên đại học Miami, lãnh đạo khoa Dược học tâm thần (Psychopharmacology). Ở đó tôi đã gặt hái những thành quả mang tầm vóc quốc gia trong các lĩnh vực tâm thần sinh học và lạm dụng chất gây nghiện. Sau bốn năm ở đại học này, tôi được thăng tiến vào vị trí trợ lý giáo sư tâm thần học của trường y và được bổ nhiệm làm lãnh đạo khoa tâm thần tại một bệnh viện lớn thuộc trường đại học ở Miami. Vào lúc đó, tôi đã xuất bản được 37 công trình khoa học và các chương sách trong lĩnh vực của mình.

Nhiều năm nghiên cứu nghiêm ngặt đã rèn luyện cho trí óc của tôi suy nghĩ như một nhà khoa học và bác sỹ trị liệu, hun đúc tôi theo những quỹ đạo hẹp của chủ nghĩa bảo thủ trong nghề nghiệp của mình. Tôi ngờ vực bất kỳ thứ gì không thể chứng minh được bằng những phương pháp khoa học truyền thống. Tôi có biết một vài nghiên cứu trong lĩnh vực cận tâm lý đang được thực hiện tại những trường đại học lớn trên khắp cả nước (Mỹ) nhưng chúng chẳng làm tôi quan tâm. Với tôi, chúng có vẻ gì đó rất khó tin.

Rồi tôi gặp Catherine. Trong 18 tháng, tôi đã dùng những biện pháp trị liệu truyền thống để giúp cô khắc phục các triệu chứng của mình. Khi mọi thứ dường như không có tác dụng, tôi đã thử thôi miên. Trong một loạt những trạng thái xuất thần sâu, Catherine nhớ lại những ký ức “kiếp trước” được chứng tỏ là nhân tố gây ra những triệu chứng của cô ấy. Cô còn có thể đảm nhận vai trò là kênh truyền thông tin từ “những bản thể tâm linh” đã tiến hóa cao và qua họ, cô ấy tiết lộ nhiều bí mật của sự sống và cái chết.

Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, những triệu chứng của cô biến mất và cô tìm lại được cuộc sống của mình, hạnh phúc hơn và an lành chưa từng có.

Nền tảng tri thức của tôi hoàn toàn không được chuẩn bị gì cho điều này. Tôi vô cùng sửng sốt khi những sự kiện này hiển lộ.

Tôi không có được bất kỳ sự giải thích khoa học nào cho những gì đã xảy ra. Có quá nhiều điều về trí óc con người vượt xa sự hiểu biết của chúng ta. Có lẽ, khi bị thôi miên, Catherine có khả năng tập trung vào phần tiềm thức lưu trữ những ký ức thật sự của kiếp trước, hay có thể cô ấy kết nối được tới cái mà nhà phân tâm học Carl Jung gọi bằng thuật ngữ “vô thức tập thể” – nguồn năng lượng bao quanh chúng ta và chứa đựng ký ức của toàn bộ loài người.

Các nhà khoa học đang tìm kiếm những câu trả lời. Chúng ta, trong vị thế của một xã hội, sẽ hưởng lợi rất nhiều nhờ những nghiên cứu về những bí ẩn của trí não, tâm hồn, sự tiếp diễn của sự sống sau khi chết và ảnh hưởng của những trải nghiệm trong kiếp trước lên hành vi trong cuộc đời hiện tại. Rõ ràng, sự phân nhánh là vô hạn, đặc biệt là trong lĩnh vực y khoa, tâm thần, thần học và triết học.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu nghiêm ngặt về mặt khoa học trong lĩnh vực này vẫn còn ở giai đoạn non trẻ. Chúng ta đang đạt được những tiến triển trong việc khám phá thông tin, nhưng tiến bộ chậm chạp và vấp phải nhiều sự chống đối của các nhà khoa học và những người thiếu chuyên môn.

Lịch sử cho thấy con người từng chống lại sự thay đổi cũng như chấp nhận những ý tưởng mới. Toàn bộ tri thức và truyền thuyết lịch sử đầy rẫy những dẫn chứng điển hình. Khi Galileo khám phá ra những mặt trăng của sao Mộc, các nhà thiên văn thời đó đã không chấp nhận hay thậm chí còn không nhìn vào những vệ tinh này vì sự tồn tại của chúng mâu thuẫn với tín điều mà họ tin tưởng. Và giờ đây, điều đó lại xảy ra với những nhà tâm thần học và bác sỹ trị liệu khác, họ từ chối xem xét và đánh giá những chứng cứ rõ ràng đang được thu thập về những trường hợp sống lại sau khi thể xác chết đi và những ký ức về kiếp trước. Đôi mắt họ vẫn nhắm tịt.

Cuốn sách này là đóng góp nhỏ nhoi của tôi vào những nghiên cứu vẫn đang được tiến hành trong lĩnh vực cận tâm lý, đặc biệt là ngành liên quan đến những trải nghiệm của chúng ta trước khi sinh và sau khi chết. Từng từ mà bạn sẽ đọc là sự thật. Tôi không thêm vào bất kỳ điều gì và chỉ xóa đi những phần bị trùng lặp. Tôi cũng đã thay đổi phần nào danh tính của Catherine để bảo vệ sự riêng tư của cô.

Tôi mất bốn năm để viết về những gì đã xảy ra, bốn năm thu góp lòng can đảm để có thể đối mặt với nguy cơ nghề nghiệp khi tiết lộ thông tin không chính thống này.

Thình lình một đêm nọ trong khi đang tắm, tôi cảm thấy một nỗi bức bách phải viết những trải nghiệm này ra giấy. Tôi cảm nhận sâu sắc rằng đây là thời điểm thích hợp và tôi không thể giữ kín thông tin này lâu hơn nữa. Tri thức đã truyền qua Catherine và giờ là truyền qua tôi. Tôi biết rằng việc không chia sẻ tri thức mà mình đã nhận được về sự bất tử và ý nghĩa thật sự của cuộc sống có tầm mức hủy hoại lớn hơn bất cứ hậu quả nào bản thân có thể phải đối mặt.

Tôi vội vàng tắm xong và ngồi vào bàn làm việc với chồng băng ghi âm đã thực hiện trong những phiên trị liệu với Catherine. Trong những giờ phút tinh mơ buổi sáng hôm đó, tôi nghĩ đến người ông gốc Hung già nua đã mất khi tôi vẫn còn niên thiếu. Bất cứ lúc nào tôi nói với ông rằng mình sợ phải mạo hiểm, ông cũng trìu mến khích lệ tôi bằng cách nhắc lại thành ngữ tiếng Anh yêu thích của mình: “Sợ quái rì chứ”(2), ừ ông sẽ nói, “sợ quái rì chứ”.

ĐỌC THỬ

Chương 1

Lần đầu tôi nhìn thấy Catherine là khi cô mặc bộ váy đỏ thắm và đang nôn nóng lật một cuốn tạp chí trong phòng chờ của tôi. Cô ấy đang thở gấp. Trước đó 20 phút, cô đã đi lại ngoài hành lang văn phòng khoa Tâm thần, cố thuyết phục mình không hủy cuộc hẹn với tôi và bỏ chạy.

Tôi đi ra phòng đợi chào cô và chúng tôi bắt tay nhau. Tôi nhận thấy tay cô ấy lạnh và ẩm ướt, thể hiện sự hồi hộp. Thực sự, cô đã mất hai tháng để lấy can đảm cho cuộc hẹn gặp tôi, ngay cả khi hai bác sỹ trong bệnh viện mà cô tin tưởng ra sức khuyên cô ấy nhờ tôi giúp. Cuối cùng thì cô cũng đã ở đây.

Catherine là một phụ nữ cực kỳ hấp dẫn với mái tóc vàng ngang vai và đôi mắt nâu. Vào lúc đó, cô là kỹ thuật viên phòng thí nghiệm của bệnh viện mà tôi là trưởng khoa Tâm thần và cô kiếm thêm thu nhập bằng việc trình diễn áo tắm.

Tôi dẫn cô ấy vào văn phòng của mình, đi ngang qua chiếc sô pha để đến chiếc ghế bành da lớn. Chúng tôi ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn hình bán nguyệt của tôi. Catherine ngã người trên ghế của mình, im lặng và không biết bắt đầu từ đâu. Tôi chờ đợi, mong cô ấy chọn được cách mở đầu, nhưng sau vài phút, tôi đành bắt đầu hỏi về quá khứ của cô ấy. Trong cuộc gặp đầu tiên đó, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu cô ấy là ai và tại sao cô lại đến gặp tôi.

Để trả lời những câu hỏi của tôi, Catherine đã kể chuyện của mình. Cô là con giữa, lớn lên trong một gia đình Công giáo bảo thủ tại một thành phố nhỏ của Massachusetts. Anh của cô – sinh trước cô ba năm – rất mạnh mẽ và vui thích với sự tự do mà cô không bao giờ được phép. Em cô ấy là con cưng của bố mẹ.

Khi chúng tôi bắt đầu nói về những triệu chứng của cô thì cô ấy hồi hộp và căng thẳng hơn thấy rõ. Cô nói nhanh, nghiêng người về phía trước và chống hai cùi chỏ lên bàn. Cuộc sống của cô luôn trĩu nặng những nỗi sợ hãi. Cô sợ nước, sợ ngạt đến mức không thể nuốt các viên thuốc, sợ máy bay, sợ bóng tối và khiếp hãi cái chết. Trong thời gian gần đây, nỗi sợ của cô trở nên tồi tệ hơn. Để tạo cảm giác an toàn, cô thường ngủ trong phòng chứa đồ của nhà mình. Cô bị trằn trọc khoảng hai đến ba giờ đồng hồ mới ngủ được. Giấc ngủ của cô nông, chập chờn và thường thức giấc. Ác mộng và tình trạng mộng du từng hủy hoại tuổi thơ của cô đang trở lại. Khi những triệu chứng đó và nỗi sợ ngày càng đè nặng, cô càng trở nên trầm cảm.

Khi Catherine tiếp tục nói, tôi có thể cảm nhận được cô ấy đã phải chịu đựng nhiều như thế nào. Trong nhiều năm, tôi đã từng giúp nhiều bệnh nhân như Catherine vượt qua nỗi thống khổ của sự sợ hãi và tôi cảm thấy tự tin rằng mình cũng có thể giúp cô ấy. Tôi quyết định là chúng tôi sẽ đi sâu tìm hiểu tuổi thơ, xác định nguồn gốc những vấn đề của cô. Thường thì sự thấu hiểu như thế có thể giúp giải tỏa sự kích động. Trong trường hợp cần thiết, nếu cô ấy có thể uống thuốc viên được, tôi sẽ kê một vài loại thuốc chống kích động loại nhẹ giúp cô dễ chịu hơn. Đây là biện pháp chữa trị thông thường theo giáo khoa cho những triệu chứng của Catherine, tôi cũng chưa bao giờ ngần ngại phải dùng thuốc an thần hay thậm chí thuốc chống trầm cảm để chữa trị chứng sợ hãi, hồi hộp trầm trọng mãn tính. Hiện thời tôi dùng những toa thuốc này một cách hết sức hạn chế và mang tính tạm thời nếu cần. Không có loại thuốc nào có thể chữa được tận gốc những triệu chứng này. Kinh nghiệm của tôi với Catherine và những người khác giống cô đã chứng tỏ điều đó. Giờ đây tôi biết rằng có những cách chữa trị chứ không chỉ là ngăn chặn hay che đậy các triệu chứng như thế.

Trong buổi chữa trị đầu tiên, tôi thử nhẹ nhàng đưa cô trở lại thời thơ ấu. Vì Catherine nhớ được rất ít sự kiện trong những năm đó nên tôi đã ghi chú về khả năng sử dụng biện pháp thôi miên để khắc phục tình trạng khó khăn này. Cô ấy không thể nhớ được bất kỳ sự kiện gây chấn thương đặc biệt nào trong tuổi thơ có thể giải thích được nỗi sợ hãi lan tràn này.

Khi cô cố gắng và căng óc để nhớ thì những mảnh ký ức rời rạc xuất hiện. Lúc khoảng năm tuổi, cô đã sợ đến đờ người khi có ai đó xô cô khỏi cầu nhảy xuống hồ bơi. Tuy nhiên, cô nói rằng ngay cả trước tai nạn này thì mình cũng chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi ở dưới nước. Lúc Catherine được bảy tuổi, mẹ cô bị trầm cảm rất nặng. Sự xa cách lạ lùng của bà mẹ với gia đình nghiêm trọng đến mức phải nhờ đến bác sỹ tâm lý và những liệu pháp trị liệu bằng sốc điện. Những đợt trị liệu này đã làm mẹ cô khó nhớ được mọi chuyện. Trải nghiệm của mẹ làm Catherine khiếp sợ nhưng khi tình trạng của bà khá lên và trở lại là “chính mình” thì Catherine cho biết là nỗi sợ của cô cũng dần biến mất. Cha cô có tiền sử nghiện rượu và thỉnh thoảng anh cô phải đến quán rượu để đưa ông về nhà. Cha cô ngày càng uống nhiều hơn và càng thường xuyên gây gổ với mẹ cô nên sau đó bà trở nên thất thường và khép kín. Tuy nhiên, Catherine coi đây là kiểu mẫu gia đình có thể chấp nhận được.

Mọi chuyện bên ngoài gia đình lại tốt đẹp hơn. Cô bắt đầu hẹn hò khi học trung học và dễ dàng hòa đồng với bạn bè của mình – những người hầu hết cô đã quen biết trong nhiều năm. Tuy nhiên, cô thấy khó tin tưởng người khác, nhất là những người không thuộc nhóm bạn thân cận của mình.

Tín ngưỡng của cô đơn giản và không có gì đáng ngờ. Cô được nuôi dạy để tin vào tập tục và tín điều công giáo, cô cũng chưa bao giờ mảy may nghi ngờ tính đúng đắn và hợp lý trong niềm tin của mình. Cô tin rằng nếu là một giáo dân tốt và sống hợp đạo bằng cách giữ đức tin và nghi lễ thì sẽ được tưởng thưởng bằng việc được lên thiên đàng; nếu không sẽ bị vào luyện ngục hay địa ngục. Đức Chúa cha và con sẽ phán xét sau cùng. Sau này tôi biết được rằng Catherine không tin vào tái sinh; thực tế, cô biết rất ít về khái niệm này dù cô có đọc một chút về Ấn Độ giáo. Tái sinh là ý tưởng trái ngược với niềm tin và hiểu biết của cô. Cô chưa từng đọc tác phẩm nào về siêu hình học hay huyền bí và cũng không có hứng thú với chúng. Cô an ổn trong đức tin của mình.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Catherine hoàn tất chương trình hai năm về kỹ thuật và trở thành kỹ thuật viên phòng thí nghiệm. Có nghề nghiệp và được anh trai khuyến khích chuyển đến Tampa, Catherine tìm được công việc tại Miami trong một bệnh viện có phối hợp đào tạo với trường Y của đại học Miami. Cô chuyển đến Miami mùa xuân năm 1974 lúc 21 tuổi.

Cuộc sống ở thành phố nhỏ của Catherine dễ chịu hơn cuộc sống ở Miami nhưng cô vui mừng vì đã thoát khỏi những vấn đề của gia đình mình.

Trong năm đầu tiên ở Miami, Catherine gặp Stuart. Theo đạo Do Thái, đã kết hôn và có hai con, anh ta khác hẳn những người đàn ông cô từng hẹn hò. Anh là một bác sỹ thành đạt, mạnh mẽ và tham vọng. Giữa họ có sự thu hút không thể cưỡng lại được nhưng cuộc tình cũng đầy trắc trở và nhiều cung bậc cảm xúc. Anh có một số điểm khiến cô đam mê và như thể bị bỏ bùa. Thời gian Catherine bắt đầu trị liệu, cuộc tình của cô với Stuart đã ở vào năm thứ sáu và hết sức nồng nàn, nếu không muốn nói là tuyệt vời. Catherine không thể cưỡng lại Stuart dù anh ta đối xử tệ với cô còn cô cũng từng giận dữ vì sự dối trá, thất hứa và thiếu thành thật của anh ta.

Một vài tháng trước cuộc hẹn với tôi, Catherine đã được yêu cầu phẫu thuật thanh quản vì u lành tính. Cô đã hồi hộp trước cuộc giải phẫu và trở nên hoàn toàn khiếp sợ khi tỉnh lại trong phòng mổ. Nhân viên điều dưỡng phải mất hàng giờ để giúp cô bình tĩnh trở lại. Sau cuộc giải phẫu ở bệnh viện, cô đã tìm bằng được bác sỹ Edward Poole. Ed là một bác sỹ nhi khoa tốt bụng mà Catherine đã gặp khi làm ở bệnh viện. Cả hai đều cảm thấy gắn bó ngay lập tức và đã phát triển một tình bạn mật thiết. Catherine trò chuyện thoải mái với Ed, kể cho anh nghe về nỗi sợ hãi, mối quan hệ với Stuart và cảm giác đang đánh mất khả năng kiểm soát cuộc đời mình. Anh ấy khẩn thiết yêu cầu cô xin một cuộc hẹn với tôi và chỉ với tôi chứ không phải với bất kỳ bác sỹ tâm lý nào khác trợ lý cho tôi. Khi Ed gọi để báo cho tôi đề nghị của mình, anh giải thích rằng vì một vài lý do nào đó anh nghĩ chỉ có tôi mới có thể thực sự hiểu Catherine, dù rằng những bác sỹ tâm lý khác cũng có kỹ năng và chuyên môn xuất sắc. Tuy nhiên, Catherine đã không gọi cho tôi.

Tám tuần trôi qua. Ngập trong những công việc bận rộn của trưởng khoa Tâm thần, tôi quên mất cuộc gọi của Ed. Sự sợ hãi và chứng hoảng loạn vô cớ của Catherine ngày càng tệ hơn. Bác sỹ Frank Acker – trưởng bộ môn giải phẫu – đã quen biết Catherine nhiều năm và thường trêu đùa thân thiện mỗi khi ông đến thăm phòng thí nghiệm mà cô làm việc. Ông ấy cũng nhận thấy tình trạng không vui và cảm nhận được sự căng thẳng của cô trong thời gian gần đây. Vài lần ông định nói với cô nhưng ngại ngần nên thôi. Một chiều nọ, Frank lái xe đến một bệnh viện nhỏ xa thành phố để giảng bài. Trên đường đi, ông trông thấy Catherine đang lái xe về nhà cũng ở gần bệnh viện đó và bất ngờ vẫy cô tấp vào vệ đường. Ông đã hét qua cửa xe “Tôi muốn cô đến gặp bác sỹ Weiss ngay”, “Không chậm trễ”. Mặc dù các bác sỹ giải phẫu thường hành động nhanh nhẹn nhưng Frank cũng cảm thấy ngạc nghiên về sự mạnh bạo quá mức của mình.

Những cơn hoảng hốt và lo lắng của Catherine ngày càng tăng cả về tần suất lẫn thời gian. Cô bắt đầu gặp đi gặp lại hai cơn ác mộng. Trong một cơn ác mộng, chiếc cầu sụp đổ khi cô lái xe ngang qua đó. Chiếc xe đâm xuống nước, cô bị kẹt trong đó và chết đuối. Trong ác mộng thứ hai, cô bị kẹt trong một căn phòng tối đen, vấp té lên đồ vật và không thể tìm được đường thoát ra ngoài. Cuối cùng, cô đến gặp tôi.

Vào thời điểm buổi trị liệu đầu tiên của tôi với Catherine bắt đầu, tôi không bao giờ nghĩ rằng đời mình rồi sẽ thay đổi hoàn toàn mà chất xúc tác là người phụ nữ sợ sệt, bối rối ngồi đối diện với mình qua chiếc bàn này và tôi sẽ không bao giờ trở lại như trước đây được nữa.

Chương 2

18 tháng trị liệu tâm lý tập trung đã xong, thời gian này Catherine gặp tôi một hay hai lần mỗi tuần. Cô ấy là một bệnh nhân tốt, hay nói, có khả năng thấu hiểu và hết sức nôn nóng lành bệnh.

Trong thời gian đó, chúng tôi đã tìm hiểu cảm giác, suy nghĩ và những giấc mơ của cô. Khả năng nhận biết kiểu hành vi lặp đi lặp lại giúp cô có được sự thấu hiểu. Cô nhớ lại rất nhiều chi tiết quan trọng trong quá khứ, chẳng hạn sự vắng nhà của người cha vốn là thủy thủ thuyền buôn và thỉnh thoảng là những cơn bạo lực bùng phát sau khi uống quá nhiều rượu. Cô cũng hiểu rõ hơn hẳn mối quan hệ đầy sóng gió với Stuart và thể hiện sự giận dữ thích đáng. Tôi cảm thấy giờ đây lẽ ra tình trạng của cô phải được cải thiện hơn. Hầu hết bệnh nhân luôn khá lên khi nhớ được những tác động không vui trong quá khứ, khi họ học được cách nhận biết và điều chỉnh những kiểu hành vi không phù hợp và khi họ thấu hiểu, nhìn nhận vấn đề của mình từ một quan điểm rộng và ít ràng buộc hơn. Nhưng Catherine thì không khá lên chút nào.

Nỗi lo âu và hoảng sợ vẫn tiếp tục tra tấn cô ấy. Những cơn ác mộng cũ vẫn sống động và cô vẫn sợ hãi bóng tối, nước và cảm giác bị nhốt kín. Giấc ngủ của cô vẫn chập chờn và không sâu. Cô gặp phải tình trạng tim đập dồn dập. Cô vẫn tiếp tục từ chối uống thuốc, sợ những viên thuốc sẽ gây ngạt thở. Tôi cảm thấy như mình đang gặp phải một bức tường cao tới mức mà dù có làm đủ mọi cách thì không ai trong hai chúng tôi có thể vượt qua. Tuy vậy, cùng với cảm giác dao động, tôi lại có thêm quyết tâm. Dù thế nào, tôi cũng sẽ giúp Catherine.

Và rồi một điều kỳ lạ đã xảy đến. Dù rất sợ đi máy bay và phải tiếp thêm dũng cảm bằng vài ly rượu khi ở trên không nhưng Catherine đã cùng Stuart đến tham dự một hội nghị y khoa ở Chicago vào mùa xuân 1982. Trong thời gian đó, cô đã nài ép anh ấy đi xem một cuộc triển lãm về Ai Cập tại một bảo tàng nghệ thuật, họ nhập vào một đoàn tham quan có người hướng dẫn.

Catherine luôn quan tâm đến cổ vật Ai Cập cũng như những bản sao cổ vật thời đó. Cô không thể là học giả và cũng chưa bao giờ nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này nhưng dường như những vật đó có vẻ quen thuộc với cô.

Khi người hướng dẫn bắt đầu giới thiệu một vài vật triển lãm thì cô thấy mình đang sửa lỗi cho anh ta và… cô đúng! Người hướng dẫn ngạc nghiên; Catherine cũng vô cùng kinh ngạc. Làm sao cô biết được những điều đó? Tại sao cô cảm thấy rất chắc chắn rằng mình đúng, tự tin đến mức dám đính chính lời người hướng dẫn trước đám đông? Có lẽ đây là ký ức từ nhỏ nhưng bị quên mất.

Ở buổi trị liệu tiếp theo, Catherine kể cho tôi nghe những gì đã xảy ra. Nhiều tháng trước, tôi đã gợi ý thôi miên cho cô nhưng Catherine sợ và từ chối. Với những gì xảy ra ở triển lãm về cổ vật Ai Cập, giờ đây cô miễn cưỡng đồng ý.

Thôi miên là một phương pháp tuyệt vời để giúp bệnh nhân nhớ lại những tai nạn mà họ quên từ lâu. Không có gì bí hiểm ở đây cả. Đó chỉ là trạng thái tập trung cao độ. Với sự hướng dẫn của những nhà thôi miên được đào tạo bài bản, cơ thể của bệnh nhân được thư giãn, nhờ thế mà trí nhớ trở nên bén nhạy. Tôi đã từng thôi miên hàng trăm bệnh nhân và thấy nó hữu hiệu trong việc giảm bớt căng thẳng, loại trừ chứng sợ hãi, thay đổi những thói quen xấu và giúp nhớ lại những điều bị kìm nén. Thỉnh thoảng tôi cũng thành công trong việc đưa bệnh nhân quay lại tuổi thơ, thậm chí lúc họ chỉ hai hay ba tuổi, nhờ vậy mà có thể tìm lại được ký ức về những sang chấn tâm lý bị lãng quên từ lâu, đang khiến cuộc sống của họ bất ổn. Tôi tin rằng thôi miên sẽ giúp được Catherine.

Tôi hướng dẫn Catherine nằm trên ghế sô pha với đôi mắt khép hờ và tựa đầu lên một chiếc gối nhỏ. Đầu tiên chúng tôi tập trung vào hơi thở của cô ấy. Mỗi hơi thở ra cô ấy lại giải phóng sự căng thẳng và hồi hộp tích tụ lâu nay; mỗi hơi hít vào cô còn giải phóng được nhiều hơn nữa. Sau vài phút như thế, tôi bảo cô hình dung những bắp thịt của mình từ từ thư giãn, bắt đầu từ cơ mặt và hàm, sau đó đến cổ và vai, cánh tay, cơ lưng và bụng, cuối cùng là đôi chân. Cô ấy cảm thấy toàn bộ thân mình như ngày càng chìm sâu vào ghế nệm.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button