Chứng khoán

Trò Bịp Trên Phố Wall

tro bip tren pho wall sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK TRÒ BỊP TRÊN PHỐ WALL

Tác giả : Michael Lewis

Download sách Trò Bịp Trên Phố Wall ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH CHỨNG KHOÁN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời nói đầu

Tôi là dân buôn trái phiếu ở Phố Wall và London, làm việc bên cạnh những tay giao dịch tại công ty Salomon Brothers – trung tâm của một trong những sự kiện quan trọng của cả một thời đại. Những tay giao dịch là bậc thầy về chém giết nhanh gọn, và quả thực có rất nhiều cuộc chém giết đã diễn ra rất nhanh gọn trong khoảng mười năm qua. Còn Salomon Brothers là ông vua của những tay giao dịch đó. Những gì tôi cố gắng làm trong cuốn sách này, ngoại trừ việc rời khỏi sàn giao dịch Salomon, là mô tả và giải thích chuỗi sự kiện và thái độ đã làm nên “cá tính” của một kỷ nguyên; một câu chuyện đôi khi lan man, nhưng dù sao vẫn là câu chuyện của tôi từ đầu chí cuối. Số tiền mà tôi đã không kiếm được, những lời nói dối mà tôi đã không nói ra, tôi vẫn hiểu, với tư cách cá nhân, tất cả là vì vị trí công việc của tôi.

Đâu đó gần trung tâm của cuộc đổ xô tìm vàng hiện đại. Chưa bao giờ có nhiều thanh niên ở độ tuổi 24, không hề được trang bị bất kỳ kỹ năng hay chuyên môn gì lại kiếm được rất nhiều tiền trong một thời gian cực kỳ ngắn như chúng tôi đã làm suốt thập kỷ qua ở New York và London. Chưa bao giờ có một ngoại lệ nào làm chủ quy luật thị trường, rằng một người có thể lấy ra ít hơn là bỏ vào. Không phải tôi phản đối tiền. Hiển nhiên tôi thích có nhiều tiền hơn là ít tiền. Nhưng tôi không thể nín thở chờ một cơn bão khác ập đến. Những điều xảy ra là rất hiếm hoi và thật đáng kinh ngạc – một giai đoạn lịch sử khá dễ dàng tiên đoán về việc kiếm tiền và xài tiền.

Có thể nói rằng theo tiêu chuẩn tự đánh giá của chúng tôi thì tôi đã thành công. Tôi kiếm được rất nhiều tiền. Những người quản lý công ty nói rằng một ngày nào đó tôi sẽ gia nhập bọn họ trên đỉnh cao sự nghiệp. Tôi không muốn đón nhận một niềm kiêu hãnh sớm như vậy. Nhưng bạn đọc cần phải hiểu rằng tôi hoàn toàn không có lý do nào để cảm thấy cay đắng hay ghẻ lạnh với người chủ trước của mình. Tôi viết cuốn sách này chỉ bởi kể ra một câu chuyện thì sẽ tốt hơn là tiếp tục sống trong câu chuyện đó.

Salomon Brothers − Huyền thoại nhấn chìm Phố Wall và Trò bịp trên Phố Wall

Cội nguồn

Salomon Brothers, thành lập năm 1910, là một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất Phố Wall trong thập niên 1980. Năm 1984, tổng tài sản của ngân hàng này đạt mốc 34 tỷ đô-la. Đây là nơi khai sinh cụm từ “chứng khoán hóa” − mầm mống của đại khủng hoảng tài chính.

Cuối thập niên 1970, các ngân hàng Mỹ không còn muốn liều lĩnh tài trợ cho vay mua bất động sản dài hạn bằng nguồn tiền gửi ngắn hạn đầy bấp bênh. Nếu những người đi gửi tiền bỗng dưng thích giấu tiền dưới gối hơn là để nó ở nhà băng, các ngân hàng sẽ chẳng biết lấy đâu ra tiền mà trả cho khách, sụp đổ là điều khó tránh khỏi. Cung giảm nhưng nhu cầu mua nhà lại tăng do số người đến tuổi trưởng thành ngày càng nhiều. Áp lực tài chính đè nặng lên “giấc mơ Mỹ”. Vì thế, hoặc là có một bước đột phá, hoặc là người Mỹ nên tập quen với những căn nhà tùng tiệm hơn.

Và thế là một phát minh vĩ đại ra đời. Thời cơ đến nhưng chỉ có Salomon Brothers cùng vị phó chủ tịch huyền thoại Lewis Ranieri là chộp được để ghi tên mình vào lịch sử. Năm 1977, liên kết với Bank of America, Salomon phát hành MBS (mortgagebacked securities) tư nhân đầu tiên. Đây là một trái phiếu được phát hành trên cơ sở đảm bảo bởi các khoản vay thế chấp mua nhà. Bằng cách phát hành các chứng khoán nợ này, “chủ nợ” của các khoản vay thế chấp chuyển từ ngân hàng sang nhà đầu tư. Ngân hàng có điều kiện quay vòng vốn nhanh hơn và thay vì phải huy động vốn tiền gửi với lãi suất cao và kỳ hạn ngắn, nay nó đã tiếp cận được một kênh huy động vốn dài hạn với lãi suất hấp dẫn hơn nhiều.

Không chỉ vậy, rủi ro không thanh toán cũng được chuyển trực tiếp từ ngân hàng sang các nhà đầu tư mua MBS. Vận may đã mỉm cười với Salomon, năm 1981, chính quyền Mỹ ban hành đạo luật hoàn toàn bộ thuế trong vòng mười năm trước đó cho các quỹ tiết kiệm và cho vay (S&L) không có nợ xấu.

Các quỹ này buộc phải bán các MBS thấp hơn giá trị thực rồi ngay lập tức mua lại các MBS khác để “làm sạch” bảng kết toán tài sản. Nhưng trên Phố Wall, chỉ duy nhất Salomon Brothers có bộ phận giao dịch MBS, vì thế, họ độc quyền. Các quỹ S&L chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài cách tìm đến với Ranieri. Ước tính đã có tới 1 nghìn tỷ đô-la MBS qua tay các tay giao dịch của Salomon Brothers. Nhà đầu tư tại London nay có thể tài trợ cho những căn nhà tại Los Angeles, Tokyo hay Frankfurt. Khi nguồn cung vốn vay được khơi thông, tất yếu đẩy lãi suất cho vay thấp xuống. Lãi suất hạ, số người đi vay mua nhà ngày càng tăng, thị trường MBS gần như là của riêng Salomon lại càng thêm sôi động.

Sáng tạo nối tiếp sáng tạo, sau nhà đất, các khoản vay mua ôtô, đi học, mua tivi, tủ lạnh cũng được đóng gói thành các chứng khoán bảo đảm bằng tài sản. Cụm từ “chứng khoán hóa” đăng ký nơi ra đời tại tầng 45 tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới, nơi đặt trụ sở của Salomon Brothers.

Sáng tạo đồng nghĩa với lợi nhuận, tiền cứ thể đổ vào túi họ. Năm 1984, lợi nhuận của Salomon Brothers còn lớn hơn tất cả các công ty ở Phố Wall cộng lại và con số 38 tỷ đô-la danh mục đầu tư của nó lớn gấp bốn lần bất kỳ đối thủ nào. Kế đến là quyền lực, ngay đến Bộ Tài chính cũng phải nhờ tới Salomon mới phát hành hết được 2,3 nghìn tỷ đô-la nợ chính phủ trong thập niên 1980, vì họ là người mua lớn nhất. Có nhiều lời đồn đại cho rằng Salomon điều khiển được cả lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.

Trong ngôi đền của những huyền thoại, cái tên Salomon Brothers đã trở thành bất tử.

Mặt trái của tấm huân chương

Salomon dẫn đầu, Salomon là vua, Salomon vượt mặt toàn bộ Phố Wall. Trong thập niên 1980, những lời tung hô che giấu đi phần nào mặt trái tại Salomon Brothers.

Trái với quan niệm trọng bằng cấp, bản thân Ranieri cùng nhiều nhân viên cao cấp tại Salomon chưa bao giờ có bằng đại học, một người mới chỉ học hết lớp 8. Nhưng đó là chuyện bình thường tại Salomon. Ranieri không yêu cầu nhân viên của mình phải có kiến thức chuyên sâu về tài chính, chỉ cần biết đánh vào điểm yếu của người khác, đe dọa để họ phải nghe lời, giăng bẫy người mua vướng vào mớ trái phiếu tệ hại − thế là đủ.

Khi giá đã ổn định, MBS không còn gì hơn các loại trái phiếu trên thị trường cũng như Salomon không còn gì hơn các đối thủ khác. Từ đây, như một quả báo, vận rủi và tai tiếng cứ liên tiếp ập xuống Salomon. Năm 1991 là khoản phạt 290 triệu đô-la vì gian lận đấu thầu chứng khoán và cáo buộc thao túng thị trường. Danh tiếng tiêu tan và công ty suýt bị thôn tính.

Thói gian lận có lẽ đã ám ảnh Salomon. Năm năm sau ngày trở thành một bộ phận của Citigroup năm 1998 với cái tên Salomon Smith Barney, công ty lại là trung tâm trong vụ án mâu thuẫn lợi ích “Global Settlement”, với cáo buộc phát hành báo cáo nghiên cứu gian lận và hối lộ lãnh đạo doanh nghiệp.

Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay nhen nhóm từ MBS rồi bùng phát dữ dội vì CDO (collateralized debt obligation), một “sáng tạo” nữa của Ranieri thời còn gắn bó với Salomon. Chính Citigroup cũng vì MBS và CDO mà suýt nữa rơi vào cảnh phá sản, nếu không nhận được sự cứu trợ từ chính phủ Hoa Kỳ.

Về phần mình, Ranieri giúp ngân hàng Franklin Bank của mình tránh khỏi mớ bòng bong của MBS và CDO, nhưng tránh “vỏ dưa gặp vỏ dừa”, tháng 11 năm 2008, Franklin Bank vẫn sụp đổ vì nợ xấu của các nhà thầu xây dựng!

Trò bịp trên Phố Wall

Tất cả những sự kiên, diễn biến ở Phố Wall và Salomon được kể lại đầy lôi cuốn và hấp dẫn qua cuốn tự truyện của Michael Lewis. Liarʹs Poker (Trò bịp trên Phố Wall) mô tả kinh nghiệm của tác giả trong vai trò một tay buôn trái phiếu trên Phố Wall trong suốt thập niên 1980. Cuốn sách chính là một “bản báo cáo nội gián” soi rõ từng chân tơ kẽ tóc giới giao dịch chứng khoán.

Vào thập niên 1980, Michael Lewis là tay kinh doanh trái phiếu tập sự cho Salomon Brothers ở New York và London trong suốt bốn năm. Poker – Bài nói dối – là một trò chơi mang tính lừa bịp và đặt cược cao mà các thương nhân, các tay buôn cổ phiếu và giới ngân hàng đầu tư thường chơi mỗi buổi chiều, nhưng nó cũng là một ẩn dụ cho các nền văn hóa của Salomon đầy mạo hiểm, rủi ro và bịp bợm. Đó là một cuộc chơi không khoan nhượng.

Lewis kể về câu chuyện thực của Phố Wall trong cả những ngày vinh quang và giai đoạn sụp đổ với giọng văn đầy hài hước, châm biếm. Những nhân vật đầy màu sắc và nổi tiếng ở Phố Wall như Michael Milken, người đã phát triển loại trái phiếu có lãi suất cao nhưng đầy rủi ro (high-yield debt/junk bond), nhà đầu tư Warren Buffett, nhà phân tích chứng khoán Bill Simon, Lewis Ranieri − người đứng đầu phòng thế chấp của Salomon Brothers và John Gutfreund − giám đốc điều hành Salomon đều xuất hiện sống động trong cuốn sách này.

Là sinh viên Đại học Princeton, Lewis muốn bước chân vào Phố Wall nhưng đều bị mọi công ty mà ông nộp đơn từ chối. Không kiếm được việc, ông phải xin vào Trường Kinh tế London (LSE) để kiếm một tấm bằng Thạc sỹ Kinh tế. Tình cờ Lewis có dịp ngồi cạnh bà vợ của hai nhà quản lý Salomon Brothers và nhờ đó tìm được việc làm đầu tiên của mình ở Salomon. Ở New York, Lewis đã học những bài bọc đầu tiên về nền văn hóa tiền bạc của Salomon và Phố Wall trong một chương trình đào tạo của công ty này. Sau đó, Lewis chuyển tới văn phòng Salomon Brothers ở London. Mặc dù là tay kinh doanh thiếu kiến thức và kinh nghiệm song ông sớm được giao quyền xử lý hàng triệu đôla trong các tài khoản đầu tư. Năm 1987, ông đã chứng kiến sự mua bán liều mạng và đầy thù địch của Salomon Brothers, nhưng vẫn tiếp tục trụ lại công ty. Giao dịch và kinh doanh trái phiếu − tưởng chừng đó là loại công việc cần trình độ và tư duy tài chính, song thực tế lại đòi hỏi những kỹ năng khác hẳn: khai thác những điểm yếu và đe dọa người khác, tận dụng sự thiếu hiểu biết của những “kẻ khờ” để kiếm tiền và nhờ đó trở nên cực kỳ giàu có. Lewis đã gọi đó là thế giới của “Luật rừng”. Năm 1988, khi ngày càng trở nên thất vọng với công việc, Lewis từ bỏ công việc mà ông đang ở trên đỉnh cao để viết cuốn sách này, bắt đầu sự nghiệp một nhà báo tài chính. Cuốn sách đã vạch trần toàn bộ mọi sự vụ ở Phố Wall, về văn hóa Phố Wall, về giới giao dịch trái phiếu, về niềm tin của họ và công việc thật sự của họ. Khi kể về những tháng ngày tại Salomon, Lewis đã viết: “Salomon là khu rừng hoang dại đầy những con thú khát máu gắn mác giao dịch viên”.

Với mức độ thâu tóm và nhận diện chính xác cả một thời kỳ, Trò bịp trên Phố Wall chính là bản dự báo cho hai cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay và một số yếu tố trong sự sụp đổ của Enron hay nhiều vụ bê bối tài chính khác, bởi gốc rễ lịch sử của chúng khởi phát mầm mống từ chính những trò lừa đảo của Phố Wall, mà Salomon là đại diện tiêu biểu.

Cùng với những cuốn sách mà Alpha Books đã xuất bản như Trên đỉnh Phố Wall của Peter Lynch và John Rothchild, Hồi ức của một thiên tài đầu tư chứng khoán của Edwin Lefèvre, Bước đi ngẫu nhiên trên Phố Wall của Burton G. Malkiel, Đánh bại Phố Wall của Peter Lynch…, Trò bịp trên Phố Wall của Michael Lewis là cuốn sách kinh điển, được xem như là “gối đầu giường” của giới giao dịch chứng khoán và những người tham vọng gia nhập vào thế giới này.

ĐỌC THỬ

Chương I – Bài nói dối

Đó là vào khoảng đầu năm 1986, năm đầu tiên trong giai đoạn đi xuống của Salamon Brothers. Ngài John Gutfreund – chủ tịch hội đồng quản trị, rời khỏi bàn của mình ở lối vào của sàn giao dịch và đi dạo quanh. Tại bất cứ thời điểm nào trên sàn, hàng tỷ đô-la luôn phải đối mặt với rủi ro bởi dân buôn trái phiếu. Gutfreund thường hay dạo quanh và hỏi han tình hình mọi người. Giác quan thứ sáu hướng ông ta tới bất cứ nơi nào khủng hoảng đang nảy sinh. Gutfreund dường như có thể ngửi thấy tiền đang bị mất.

Ông ta là người cuối cùng mà một tay giao dịch có thần kinh thép muốn nhìn thấy. Gudfreund (đọc là Good Friend – tiếng Anh nghĩa là “người bạn tốt”) rất thích rón rén đằng sau và làm bạn ngạc nhiên. Đó là thú vui của ông ta nhưng với bạn thì không. Bởi luôn bận rộn nói chuyện với cả hai cái điện thoại cùng một lúc hay cố gắng đẩy lùi thảm họa, bạn không còn thời gian để quay lại mà nhìn. Bạn cũng không cần làm vậy. Bạn có thể cảm nhận thấy ông ấy. Không gian xung quanh bắt đầu rung chuyển. Những người khác đều làm ra vẻ bận rộn điên cuồng trong khi đó thực ra đang chăm chăm vào một điểm ngay trên đầu bạn. Bạn cảm thấy một luồng khí lạnh đến tận xương tủy, giống như cảm giác con thỏ đang co quắp lại khi một con gấu xám lẳng lặng tiến đến. Tiếng báo động rít lên trong đầu: Gutfreund! Gutfreund! Gutfreund!

Còn thông thường, ngài chủ tịch chỉ yên lặng lướt qua chút xíu và đi tới chỗ khác. Bạn cũng hiếm khi nhìn thấy ông ta. Dấu hiệu duy nhất mà tôi thường thấy là mẩu tàn xì-gà rớt trên sàn, ngay kế bên ghế tôi. Tàn xì-gà của Gutfreund thường dài hơn và không bị vỡ vụn ra so với tàn xì-gà của các sếp khác ở công ty. Tôi luôn cho rằng ông ta hút loại xì-gà đắt tiền hơn nhiều so với những người khác, chúng được mua từ số tiền 40 triệu đô-la mà ông ta kiếm được trong vụ bán lại Salomon Brothers năm 1981 (hoặc từ khoản 3,1 triệu đô-la mà ông ta trả lương cho chính mình vào năm 1986, cao hơn bất cứ CEO nào ở Phố Wall).

Tuy nhiên, vào một ngày nọ của năm 1986, Gutfreund hành động thật kỳ lạ. Thay vì làm kinh hãi tất cả chúng tôi, ông ta đi thẳng tới bàn làm việc của John Meriwether, một trong những thành viên quản trị của công ty và là tay buôn trái phiếu cừ nhất của công ty. Ông ta thì thầm vài tiếng với John Meriwether. Những tay buôn xung quanh vểnh tai gắng nghe trộm. Điều mà Gutfreund nói đã trở thành huyền thoại tại Salomon Brothers và là một phần tên tuổi của công ty. Ông ta nói: “Một ván, một triệu đô, không được khóc.”

Một ván, một triệu đô, không được khóc. Meriwether bắt lấy ý nghĩa của câu nói đó ngay tức thì. “Ông vua của Phố Wall” – tức danh hiệu mà tuần báo Business Week đã phong tặng cho Gutfreund, muốn chơi một ván tay đôi trò “Bài Nói dối”. Hầu như vào tất cả các buổi chiều ông ta chơi trò này với Meriwether cùng sáu tay buôn trái phiếu trẻ khác dưới quyền Meriwether và thường bị lột sống. Vài người nói rằng Gutfreund thua thê thảm. Những người khác cũng không thể tưởng tượng John Gutfreund giống ai đó ngoại trừ là nhân vật có quyền lực tuyệt đối ở công ty – và rất nhiều kẻ cho rằng thách đấu như vậy là hoàn toàn không thích hợp với tác phong của ông ta. Nhưng chính xác, điều đó lại khiến sự việc trở nên huyền bí.

Điểm khác biệt của lần thách đấu này là số lượng tiền cược lớn hơn nhiều. Thông thường thì ông ta chỉ cá không hơn vài trăm đô. Một triệu thì chưa bao giờ nghe tới. Hai từ cuối cùng “không khóc” có nghĩa kẻ thua cuộc sẽ rơi vào cơn đau đớn tột cùng nhưng không được phép than vãn, chửi rủa hay rên rỉ. Anh ta bắt buộc phải gặm nhấm nỗi mất mát đó một mình. Nhưng tại sao? Có lẽ bạn sẽ hỏi vậy nếu bạn là bất kỳ ai đó ngoại trừ Ông vua của Phố Wall. Tại sao phải làm như vậy ngay từ đầu? Tại sao phải thách đấu với chính Meriwether mà không phải ai đó trong số các giám đốc quản lý khác? Nó giống như một hành động điên rồ. Bởi vì Meriwether là Ông vua trò chơi này – nhà vô địch “Bài Nói dối” của sàn giao dịch Salomon Brothers.

Mặt khác, có một điều mà bạn sẽ học được trên sàn giao dịch, đó là những người thành đạt như Gutfreund luôn có vài lý do cho điều ông ta làm. Đấy có thể không phải là lý do tốt nhất, nhưng ít ra đấy là một quan điểm. Tôi không thể đọc được những ý nghĩ sâu kín nhất của Gutfreund, nhưng tôi biết rằng tất cả mọi người trên sàn giao dịch đều máu mê bài bạc và ông ta khao khát là một người trong bọn họ. Cái tôi nghĩ Gutfreund có trong đầu ngay lúc này là ước ao chứng tỏ dũng khí. Ai có thể tốt hơn Meriwether cho mục đích này? Ngoài ra, Meriwether có lẽ là người duy nhất có đủ cả tiền lẫn thần kinh để chơi.

Tình cảnh trái khoáy này cần được đặt vào một bối cảnh. Trong sự nghiệp của mình, John Meriwether đã mang về hàng trăm triệu đô-la cho Salomon Brothers. Anh ta có một khả năng hiếm thấy ở người khác và là một đặc điểm quý giá đối với giới giao dịch: giỏi che giấu cảm xúc. Hầu hết các tay giao dịch đều lộ ra họ thắng hay thua trong cách nói chuyện và cử động. Họ sẽ rất mực sảng khoái hoặc quá căng thẳng. Với Meriwether, bạn không hề, không bao giờ nhận ra. Anh ta lúc nào cũng mang vẻ mặt nửa vui nửa buồn khi thắng và ngay cả lúc thua. Tôi nghĩ anh ta còn có khả năng kiểm soát hai loại cảm xúc thường giết chết giới giao dịch: lòng tham và nỗi sợ hãi, và nó giúp anh ta trở thành một người ưu tú trong thế giới tài chính quyết liệt này. Anh ta còn được mọi người trong công ty công nhận là tay buôn trái phiếu cừ nhất Phố Wall. Khi nhắc tới anh ta, bao trùm khắp công ty chỉ có một giọng điệu kính sợ mà thôi. Họ nói: “Anh ta là người làm ăn giỏi nhất ở đây” hoặc “người đối mặt với rủi ro giỏi nhất mà tôi từng gặp”, hoặc nữa: “người chơi Bài Nói dối cực kỳ nguy hiểm”.

Meriwether đã mê hoặc những tay giao dịch trẻ làm việc cho anh ta. Bọn họ chỉ khoảng từ 25 đến 32 tuổi (Meriwether lúc đó 40). Hầu hết đều mang học vị tiến sỹ về toán học, kinh tế học và vật lý học. Nhưng khi đến với phòng kinh doanh của Meriwether, họ rũ bỏ hết dáng vẻ trí thức và trở thành môn đồ của anh ta. Họ bị ám ảnh bởi trò chơi Bài Nói dối, quan tâm tới nó như là thể đó là trò chơi của chính mình, và quan trọng hóa nó lên tầm cao hơn.

John Gutfreund luôn là người ngoài cuộc đối với trò chơi này. Đành rằng Business Week đăng hình ông ta lên trang nhất và suy tôn là “Ông vua của Phố Wall”, nhưng điều đấy chẳng có nghĩa lý gì đối với bọn trẻ. Và tôi muốn nói, đó chính là vấn đề. Khi Gutfreund được giới truyền thông trao vương miện, bạn có thể nhận thấy ngay suy nghĩ của giới giao dịch: “Những cái tên và gương mặt ngu xuẩn thường xuất hiện nơi công cộng”. Công bằng mà nói, Gutfreund một thời từng là tay giao dịch, nhưng như vậy có khác gì một bà già tự cho rằng mình cũng một thời sắc nước hương trời!

Chính bản thân Gutfreund cũng thừa nhận như vậy. Ông ta rất thích giao dịch. So với hoạt động quản lý, giao dịch là công việc trực tiếp. Bạn đặt cược và rồi có thể thắng hoặc thua. Khi bạn thắng, tất cả mọi người từ dưới lên trên đều khâm phục, thèm muốn và sợ hãi bạn với lý do: Bạn điều khiển được đồng tiền. Khi quản lý công ty, tất nhiên bạn cũng nhận được sự khâm phục, thèm muốn và sợ hãi nhưng ở một khoảng nhất định. Song nói tóm lại, bạn không làm ra tiền cho công ty. Bạn không đối mặt với rủi ro. Bạn là “vật thế chấp” của những người sản xuất. Họ đối mặt với rủi ro. Họ chứng minh sự vượt trội mỗi ngày bằng cách giải quyết rủi ro tốt hơn bất kỳ ai trên thế giới. Tiền được đem về từ những người đối mặt với rủi ro như Meriwether và nếu nó có được mang về hay không đều nằm ngoài sự kiểm soát của Gutfreund. Đó là lý do tại sao rất nhiều người nghĩ rằng việc thách John Meriwether chơi một ván Bài Nói dối trị giá một triệu đô là cách để Gutfreund khoe khoang rằng mình cũng là kẻ máu me. Nếu muốn phô trương, Bài Nói dối là cách duy nhất. Trò chơi này có ý nghĩa đặc biệt đối với giới giao dịch. Những người như John Meriwether tin rằng Bài Nói dối có rất nhiều điểm chung với buôn bán trái phiếu. Nó kiểm tra tính cách và mài giũa bản năng của một tay giao dịch. Một tay giao dịch giỏi cũng là kẻ chơi bài cừ khôi và ngược lại. Tất cả chúng tôi đều hiểu điều đó.

Trong trò Bài Nói dối, một nhóm ít nhất là hai và nhiều là mười cùng vây lại thành một vòng tròn. Mỗi người chơi giữ một tờ đô-la ngang ngực. Nó tương tự như tinh thần của trò I Doubt It (Tôi không tin)(1). Mỗi người cố gắng lừa người khác về số sêri in trên tờ tiền mà mình đang cầm. Một người bắt đầu bằng cách đặt giá. Chẳng hạn anh ta nói: “Ba số 6”, nghĩa là số sêri của tất cả các tờ đô-la cộng lại – kể cả tờ của anh ta, đều có ít nhất ba số 6.

Khi lần ra giá đầu tiên được đặt, trò chơi quay vòng theo chiều kim đồng hồ. Chẳng hạn khi “Ba số 6” được ra giá, người chơi bên trái của người đặt giá có thể hành động theo hai cách, hoặc ra giá cao hơn (có hai loại ra giá cao hơn: cùng số lượng với con số lớn hơn [ba số 7, ba số 8 hay ba số 9] và nhiều hơn số lượng của bất kỳ số nào [ví dụ bốn số 5]), hoặc “thách” giống như là nói “Tôi không tin”.

Việc đặt cược sẽ leo thang cho đến khi tất cả những người chơi khác đều “thách” giá cược của một người duy nhất. Khi đó, và chỉ khi đó, tất cả họ cùng lật số sêri ra và xem xem người nào “tháu cáy” người nào. Đầu óc của người chơi luôn xoay vần với các xác suất. Đâu là khả năng xảy ra cho ba số 6 trong một xấp, chẳng hạn 40 số sêri? Tuy nhiên, với người chơi cừ khôi, việc tính toán chỉ là chuyện nhỏ, cái khó là “đọc” được nét mặt của người chơi. Và trò chơi càng phức tạp hơn khi tất cả người chơi đều biết cách tháu cáy và tháu cáy ngược lại.

Trò chơi chứa đựng một vài cảm giác của hoạt động giao dịch, cũng giống như đấu kiếm chứa đựng một vài cảm giác của chiến trận vậy. Những câu hỏi mà người chơi tự thắc mắc không khác gì những câu hỏi mà giới giao dịch đặt ra. Đây có phải là hành động khôn ngoan? Tôi có đang cảm thấy may mắn không? Đối phương xảo trá tới cỡ nào? Hắn ta có biết bản thân đang làm gì không, và nếu không, làm sao có thể khai thác điểm yếu này? Có phải hắn ta đang cố dụ mình, hay hắn ta thật sự có tứ quý? Mỗi người chơi đều tìm kiếm điểm yếu, khả năng phán đoán và dấu hiệu của người khác, đồng thời cố gắng tránh vấp phải nó. Giới buôn trái phiếu ở Goldman Sachs, First Boston, Morgan Stanley, Merrill Lynch và các hãng khác ở Phố Wall đều chơi vài phiên bản của trò này. Nhưng nơi mà tiền cược được đặt lớn nhất, xin cám ơn John Meriwether, là sàn giao dịch trái phiếu của Salomon Brothers ở New York.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button