Chứng khoán

Cuộc Nổi Dậy Ở Phố Wall

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Michael Lewis

Download sách Cuộc Nổi Dậy Ở Phố Wall ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH CHỨNG KHOÁN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Những cánh cửa nhìn ra thế giới

Đối với tôi, cuốn sách này đã bắt đầu ngay từ khi tôi nghe được câu chuyện về Sergey Aleynikov, anh chàng chuyên gia lập trình máy tính người Nga từng làm việc cho Goldman Sachs. Vào mùa hè năm 2009 sau khi nghỉ việc, anh ta bị FBI bắt giữ và bị chính phủ Mỹ buộc tội trộm mã máy tính của Goldman Sachs. Lúc đó, tôi thấy chuyện này thật quái đản. Sau cuộc khủng hoảng tài chính mà Goldman góp vai trò quan trọng đến thế, nhân viên duy nhất ở Goldman Sachs bị buộc tội lại là người đã lấy đi thứ gì đó của Goldman Sachs. Tôi thấy còn quái đản hơn nữa khi các công tố viên của chính phủ cho rằng không nên để anh chàng người Nga này được đóng tiền tại ngoại, vì mã máy tính của Goldman Sachs, khi rơi vào tay kẻ xấu, có thể được sử dụng để “thao túng thị trường bằng các chiêu trò gian lận”. (Nói vậy thì Goldman là tay tử tế ư? Nếu Goldman Sachs có thể thao túng thị trường, các ngân hàng khác cũng có thể làm việc đó, đúng không?) Nhưng có lẽ khía cạnh quái đản hơn cả của vụ việc này là dường như thật khó có thể giải thích việc mà anh chàng người Nga kia đã làm. Ý tôi không phải chỉ là những việc anh ta đã làm sai mà là công việc của anh ta. Anh ta thường được mô tả là “lập trình viên giao dịch cao tần” nhưng đó không phải là lời giải thích. Đó chỉ là một biệt ngữ của ngành, mà mùa hè năm 2009, phần lớn mọi người, kể cả người của Phố Wall, cũng chưa từng nghe nói đến. Vậy giao dịch cao tần là gì? Tại sao đoạn mã cho phép Goldman Sachs thực hiện nó lại quan trọng đến độ khi phát hiện ra một nhân viên sao chép mã, Goldman Sachs đã phải gọi ngay cho FBI? Nếu đoạn mã này vừa có giá trị lớn, vừa nguy hiểm với thị trường tài chính đến thế, làm sao một anh chàng người Nga mới chỉ làm việc cho Goldman Sachs được hai năm lại có thể động vào nó?

Cuối cùng, tôi bắt tay vào việc tìm kiếm người có thể giải đáp được những câu hỏi này. Cuộc tìm kiếm của tôi kết thúc ở một căn phòng trông ra khu Trung tâm Thương mại Thế giới, thuộc tòa nhà One Liberty Plaza. Tụ họp trong căn phòng này là một nhóm nhỏ những nhân vật cực kỳ thạo tin, đến từ đủ mọi ngóc ngách của Phố Wall − các ngân hàng tên tuổi, các sàn giao dịch chứng khoán lớn và các hãng giao dịch cao tần. Nhiều người trong số họ đã bỏ những công việc lương cao để tuyên chiến với Phố Wall và điều này, cùng với những điều khác, đồng nghĩa với việc đánh thẳng vào vấn đề mà anh chàng lập trình viên máy tính người Nga được Goldman Sachs tuyển về để tạo ra. Không chỉ có vậy, họ đã trở thành chuyên gia giải đáp những câu hỏi của tôi, cũng như nhiều câu hỏi khác mà lúc đó tôi chưa nghĩ đến. Chúng hóa ra lại lý thú hơn cả mong đợi của tôi.

Lúc mới bắt đầu, tôi không mấy hứng thú với thị trường chứng khoán, dù như đa phần mọi người, tôi thích xem nó bùng lên rồi sụp đổ. Lần thị trường này sụp đổ ngày 19 tháng 10 năm 1987 thật tình cờ làm sao lại diễn ra, đúng lúc tôi đang loanh quanh trên tầng 40 của tòa nhà One New York Plaza, chỗ phòng bán hàng và giao dịch chứng khoán của Salomon Brothers, công ty tôi đang làm khi đó. Đó là một vụ khá thú vị. Nếu cần bằng chứng chứng tỏ rằng ngay cả những người trong cuộc ở Phố Wall cũng chẳng hay biết chuyện gì sắp xảy ra ở đây, thì đây chính là bằng chứng đó. Mới phút trước mọi sự vẫn êm ả, thế mà chỉ sau chớp mắt, giá trị của toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ đã sụt giảm 22,61% mà không ai hiểu nổi tại sao. Trong suốt thời gian diễn ra cú sụt đó, để né tránh yêu cầu đặt lệnh bán từ các khách hàng, một số nhà môi giới Phố Wall đã lơ luôn chuyện nhấc điện thoại. Đây không phải là lần đầu tiên dân Phố Wall tự gây tai tiếng cho mình, nhưng lần này các nhà chức trách đã đáp lại bằng cách thay đổi quy định − tạo điều kiện cho máy tính thực hiện những công việc mà những con người bất toàn kia đang làm. Cú sụt thị trường chứng khoán năm 1987 đã tạo đà cho một tiến trình − lúc đầu còn yếu ớt, rồi mạnh dần theo tháng năm − kết thúc bằng việc máy tính thay thế hẳn con người.

Trong thập niên vừa qua, các thị trường tài chính đã thay đổi chóng vánh đến độ hình ảnh của chúng trong tâm trí chúng ta không còn đúng với thực tế nữa. Hình ảnh mà tôi cá là hầu hết mọi người vẫn giữ trong tâm trí về các thị trường này là hình ảnh con người giữ vai trò chủ đạo. Trong hình ảnh đó có dải băng chạy ngang chân màn hình một chương trình truyền hình cáp nào đó, và những tay cừ khôi trong bộ com-lê bóng bẩy đứng trên sàn giao dịch, gào vào mặt nhau. Hình ảnh đó đã lỗi thời; thế giới mà nó thể hiện đã chết. Từ khoảng năm 2007, những anh chàng cổ bự chảng trong những bộ com-lê bóng bẩy đã không còn đứng trên sàn giao dịch; hoặc nếu còn ở đó, thì họ cũng chỉ là những gã vô dụng. Vẫn có một số người làm việc trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York và nhiều sàn khác ở Chicago, nhưng họ không còn cầm trịch bất kỳ thị trường tài chính nào, hay có góc nhìn “đặc quyền” vào những thị trường đó nữa. Thị trường chứng khoán Mỹ lúc này đang giao dịch trong các hộp đen, nằm trong những tòa nhà được bảo vệ nghiêm ngặt ở New Jersey và Chicago. Thật khó nói điều gì đang diễn ra bên trong những chiếc hộp đen đó − những dải băng chạy ngang chân màn hình trong chương trình truyền hình cáp chỉ nắm bắt được một phần rất nhỏ của những gì đang xảy ra trên thị trường chứng khoán. Các báo cáo công khai về những chuyện xảy ra bên trong các hộp đen đều rối rắm và không đáng tin − ngay cả một chuyên gia cũng không thể nói chính xác chuyện gì đang xảy ra trong đó, hay khi nào thì nó xảy ra, hoặc vì sao. Một nhà đầu tư bình thường lẽ tất nhiên chẳng có hy vọng gì để biết, dù là chút ít những gì cần biết. Anh ta đăng nhập vào tài khoản TD Ameritrade, E*Trade hoặc Schwab của mình, nhập mã một cổ phiếu nào đó, rồi nhấn vào biểu tượng “Mua”. Có thể anh ta nghĩ mình biết chuyện gì sẽ xảy ra sau khi nhấn phím máy tính, nhưng tin tôi đi, anh ta không biết gì đâu. Nếu biết, anh ta hẳn sẽ suy nghĩ thêm lần nữa trước khi nhấn cái phím đó.

Thế giới vẫn bám rịt lấy hình ảnh cũ mèm về thị trường chứng khoán bởi nó mang lại cho người ta cảm giác yên ổn; bởi thật khó vẽ được hình ảnh của thứ đã thay thế nó; và bởi một số ít những người có khả năng vẽ được nó lại chẳng màng làm việc đó. Cuốn sách này là nỗ lực nhằm phác họa hình ảnh đó. Đó là bức tranh kết hợp một chùm những bức tranh nhỏ hơn − về Phố Wall thời kỳ hậu khủng hoảng; về những kiểu mánh lới tài chính mới; về những chiếc máy tính, được lập trình để hành động vô tư theo những cách mà bản thân kẻ lập trình không bao giờ làm được với tư cách một con người; về những nhân vật xuất hiện trên Phố Wall với ý tưởng về một thứ khiến thị trường hoạt động chỉ để nhận ra rằng thị trường hoạt động theo cách hơi khác so với những gì họ dự định. Một nhân vật trong đó − ngạc nhiên thay lại là một người Canada − đứng ở chính giữa bức tranh, sắp xếp các bức tranh nhỏ hơn thành bức tranh tổng thể. Đến lúc này, tôi vẫn không khỏi kinh ngạc trước việc anh chàng này sẵn lòng mở tung cánh cửa nhìn vào thế giới tài chính Mỹ và chỉ ra cho mọi người thấy thị trường đó đã thành ra như thế nào.

Và anh chàng lập trình viên giao dịch cao tần của Goldman, bị bắt giữ vì tội trộm mã máy tính của hãng này, cũng vậy. Khi làm việc cho Goldman Sachs, Sergey Aleynikov có một bàn làm việc ở tầng 42 của tòa nhà One New York Plaza, đúng chỗ sàn giao dịch trước đây của Salomon Brothers, cao hơn nơi tôi từng chứng kiến cú sụt của thị trường chứng khoán hai tầng. Anh chàng này cũng chẳng hứng thú với việc ở lại tòa nhà đó hơn tôi là bao, và vào mùa hè năm 2009, anh nghỉ việc để đi tìm vận may cho mình ở nơi khác. Ngày 3 tháng 7 năm 2009, anh hào hứng ngồi trên chuyến bay từ Chicago tới Newark, New Jersey, mà không ý thức được vị trí của mình trong thế giới rộng lớn này. Anh chẳng tài nào biết được chuyện gì sẽ xảy ra với mình khi máy bay hạ cánh. Anh cũng chẳng hề hay biết phần cược trong cuộc chơi tài chính mà anh giúp Goldman Sachs góp một chân đã cao đến nhường nào. Kỳ cục là, để thấy được tầm mức của phần cược ấy, anh chỉ cần nhìn ra cửa sổ máy bay, đưa mắt dõi xuống khung cảnh nước Mỹ bên dưới.

ĐỌC THỬ

Chương 1. Ẩn giữa chốn đồng không

Đến mùa hè năm 2009, đường dây đã “có cuộc sống riêng”, khi đó có khoảng 2.000 người đang đào bới và khoan cắt chỗ trú ẩn kỳ quái mà nó cần để sinh tồn. Có 205 đội, mỗi đội 8 người, cộng thêm một đội các chuyên gia tư vấn và thanh tra đủ loại, dậy từ sớm để tìm cách đặt mìn làm đường dẫn xuyên qua một dãy núi vô tội nào đó, hoặc làm một đường hầm dưới một thềm sông nào đó, hay đào một con hào bên cạnh con đường quê còn chẳng có lề để đi − tất cả đều hì hụi làm mà chưa bao giờ trả lời câu hỏi rất đỗi hiển nhiên: Tại sao? Đường dây ấy chỉ là một ống nhựa màu đen, cứng, rộng gần 4cm, được thiết kế để che chắn 400 sợi thủy tinh mảnh như sợi tóc, nhưng ở nó toát ra những cảm giác về một sinh vật sống, một loài bò sát sống ngầm dưới mặt đất với những nhu cầu và mong muốn riêng. Nó cần chiếc hang của mình phải thẳng một mạch, mà có lẽ chưa có con đường nào nhất nhất phải thẳng một mạch như thế từng được đào bới trong lòng đất. Nó cần kết nối một trung tâm dữ liệu ở phía nam Chicago1 với một sàn giao dịch ở phía bắc New Jersey. Hẳn nhiên là, trên hết, nó cần phải được bảo mật.

Các công nhân chỉ được cho biết những gì cần biết. Họ đào hầm theo những nhóm nhỏ tách biệt và chỉ biết lờ mờ về điểm xuất phát hay đích tới của đường dây. Họ không được cho biết cụ thể về mục đích của đường dây − để đảm bảo rằng họ không tiết lộ mục đích đó cho kẻ khác. Một công nhân cho biết, “Mọi người lúc nào cũng hỏi chúng tôi: ‘Nó tối mật à? Có phải là chính phủ không?’ Tôi chỉ đáp: ‘Ừ’”. Các công nhân có thể không biết đường dây đó được dùng để làm gì, nhưng họ biết chắc nó có kẻ thù: tất cả bọn họ đều biết họ phải cảnh giác với những nguy cơ tiềm tàng. Chẳng hạn, nếu nhìn thấy ai đó đào bới gần đường dây, hoặc hỏi quá nhiều về nó, họ phải lập tức báo ngay những gì mình thấy cho trụ sở chính. Nếu không, thì phải giữ mồm giữ miệng hết sức có thể. Nếu mọi người hỏi họ đang làm gì, họ sẽ nói: “Chỉ là đặt cáp thôi”. Đó thường là câu chốt lại cuộc nói chuyện, nhưng nếu không phải vậy thì cũng chẳng hề gì. Các đội xây dựng cũng hoang mang như bất kỳ ai khác. Họ đã quen đào đường hầm nối thành phố này với thành phố kia, người ở nơi này với người ở nơi khác. Tuy vậy, đường dây này chẳng kết nối ai với ai. Mục đích duy nhất của nó, như những gì họ có thể thấy, là chạy thẳng hết sức có thể, dù phải nổ mìn phá núi, thay vì chọn đường vòng. Tại sao lại phải vậy?

Nhưng từ đầu đến cuối, hầu hết các công nhân, chẳng ai đặt ra câu hỏi này. Đất nước đang rập rình ở ngưỡng một đợt suy thoái khác và họ đơn giản là hạnh phúc vì có việc để làm. Đúng như Dan Spivey đã nói: “Chẳng ai biết tại sao. Mọi người bắt đầu bịa ra lý do của mình.”

Spivey là người gần nhất có thể giải thích cho các công nhân về đường dây, hay về cái nền mà họ đã đào để đỡ nó. Mà về bản chất, Spivey lại là người kín như bưng, một tay miền nam thận trọng, không bận tâm tới việc chia sẻ vô vàn những suy nghĩ trong đầu. Spivey sinh trưởng ở Jackson, Mississippi và vào những dịp hiếm hoi mở lời, anh nói nghe như thể chưa bao giờ rời khỏi vùng đất đó. Anh vừa bước sang tuổi 40 nhưng vẫn giữ được thân hình rắn rỏi, với khuôn mặt của một anh tá điền trong ảnh chụp của Walker Evans2. Sau một vài năm không như ý khi làm môi giới chứng khoán ở Jackson, anh nghỉ việc để “làm gì đó thể thao hơn”. Hóa ra việc đó là thuê một chỗ trên Sàn Giao dịch Quyền chọn Chứng khoán của Chicago Board và mua bán cho tài khoản của mình. Giống như những nhà giao dịch khác trên Sàn Chicago, anh thấy có thể kiếm được bộn tiền khi lợi dụng mức giá hiện tại của các giao dịch cổ phiếu cá nhân ở New York và New Jersey để mua bán các hợp đồng kỳ hạn ở Chicago. Mỗi ngày, có hàng nghìn khoảnh khắc giá chênh lệch − khi mà chẳng hạn ta có thể bán các hợp đồng kỳ hạn với mức giá cao hơn giá cổ phiếu cấu thành nên nó. Để có lời, ta phải cùng lúc nhanh chân ở cả hai thị trường. Khái niệm thế nào là “nhanh” thay đổi chóng vánh. Trước đây, chẳng hạn, trước năm 2007, tốc độ thực thi của nhà giao dịch bị giới hạn bởi yếu tố con người. Con người làm việc trên các sàn giao dịch, và nếu muốn mua hay bán thứ gì, ta buộc phải thông qua họ. Đến năm 2007, các sàn giao dịch đơn giản là những cụm máy tính trong các trung tâm dữ liệu. Tốc độ diễn ra giao dịch không còn bị giới hạn bởi con người nữa. Hạn chế duy nhất là ở chỗ một tín hiệu điện tử có thể đi nhanh đến đâu giữa Chicago và New York, hay nói một cách chính xác hơn, giữa trung tâm dữ liệu ở Chicago, nơi Sàn giao dịch Chicago Mercantile đóng giữ, và trung tâm dữ liệu nằm cạnh sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq ở Carteret, New Jersey.

Đến năm 2008, Spivey nhận thấy có sự khác biệt rất lớn giữa tốc độ giao dịch khả dụng giữa các sàn giao dịch này với tốc độ giao dịch khả thi trên lý thuyết. Nếu xét về tốc độ ánh sáng trong đường truyền cáp quang, đáng lẽ một tay nhà giao dịch cần giao dịch cùng lúc ở cả hai nơi có thể gửi lệnh từ Chicago tới New York và ngược trở lại trong khoảng 12 mili giây, tức khoảng 1/10 thời gian mà ta cần để chớp mắt nhanh hết sức có thể. (Một mili giây là 1/1.000 giây). Đường truyền mà nhiều hãng dịch vụ viễn thông − Verizon, AT&T, Level 3, v.v… − cung cấp chậm hơn thế và không ổn định. Ngày hôm nay, họ mất đến 17 mili giây để gửi lệnh tới hai trung tâm dữ liệu; ngày hôm sau, họ chỉ mất 16 mili giây. Ngẫu nhiên, một số nhà giao dịch gặp đúng đường truyền do Verizon quản lý và chỉ mất 14,65 mili giây. “Đường truyền vàng”, các nhà giao dịch gọi nó như vậy, vì vào những dịp ta tình cờ thấy mình ở trên nó, ta sẽ là người đầu tiên khai thác được sự chênh lệch giá giữa Chicago và New York. Đối với Spivey, điều không thể tin nổi là các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông này lại không ở vào thế có thể hiểu được nhu cầu tốc độ đầy mới mẻ này. Verizon không chỉ không thấy rằng mình có thể bán đường truyền đặc biệt này cho các nhà giao dịch để kiếm một khoản kếch xù; mà có vẻ còn không nhận thức được rằng mình đang nắm trong tay bất cứ thứ gì có giá trị đặc biệt. “Anh sẽ phải đặt vài đường truyền và hy vọng mình vớ được nó,” Spivey nói. “Bọn họ không biết mình có cái gì”. Đến tận năm 2008, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn vẫn không nhận ra thị trường tài chính đã làm thay đổi, một cách triệt để, giá trị của một mili giây.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button