
Yêu Thương Mẹ Kể
Thể loại | Kỹ năng – Sống Đẹp |
Tác giả | Phan Thị Hồ Điệp |
NXB | NXB Lao Động |
Công ty phát hành | Thái Hà |
Số trang | 278 |
Ngày tái bản | 06-2015 |
Giá bán | Xem giá bán |
Giới thiệu sách
“Mình là mẹ của một cậu bé con tròn trĩnh, tình cảm, hay ríu ra ríu rít kể cho mẹ nghe những chuyện không đầu không cuối. Chỉ bấy nhiêu thôi đủ làm mình thấy mình là người Hạnh phúc nhất trần đời. Mỗi ngày nuôi con, nhìn con lớn lên, mình ngập chìm trong thứ tình cảm mênh mông của tình mẫu tử.
Và mình mong muốn ghi lại thứ cảm xúc “ma mị” đầy men say đó qua những trang Facebook. Mình không ngờ là có nhiều bà mẹ yêu thích những bài viết của mình. Chắc mọi người tìm được trong đó sự gắn kết của những trái tim làm mẹ.
Những trang viết như một lời kể về quá trình lớn lên của Nam, về những câu chuyện tản mạn dọc đường. Đôi khi là viết cho con khi con ở gần hay khi con đang cách xa ngàn dặm. Đôi khi là nói chuyện với các bà mẹ về cách nuôi dạy con từ khi con còn trứng nước. Đôi khi là tự nói với chính mình về cách sống ở đời. Bởi vậy, xin bạn đọc lượng thứ nếu đại từ nhân xưng không thống nhất.
Mình cũng không hề chau chuốt về câu chữ. Chỉ là những lời thủ thỉ từ tâm.
Được các cô chú trong Công ty CP sách Thái Hà thương mến và động viên, mình chuyển những bài viết đó thành cuốn sách bạn đang cầm trên tay. Mình không muốn sửa chữa gì nhiều so với những bài đã đăng, vì mình nghĩ, yêu thương thật thà dễ làm rung động những tấm lòng.
Cảm ơn bạn đã mang “yêu thương thật thà” của mình về trong lòng bạn.’
(Phan Thị Hồ Điệp)
[taq_review]
Trích đoạn sách
Chuyện của ngày hôm qua
Chuyện thứ nhất: Tỉnh dậy từ tinh mơ, mắt nhắm mắt mở xách xe đi chợ. Ôi chao, mùa này bằng lăng nở đẹp thế! Tím ngắt một dọc con đường tắt từ nhà mình ra chợ Nghĩa Tân:
Hoa bằng lăng đã nở hết mình
Mà chưa nói những điều muốn nói
Màu hoa tím đã qua thì nông nổi
Chưa bằng lòng nên hoa vẫn cứ bằng lăng…
Đất trời dịu mát hoa xoan nữa chứ. Mình liu điu, vừa đi vừa hít hà, vừa đi vừa gà gật. Bỗng nhìn thấy một anh chở xe đầy cây hoa cảnh đứng bên đường. Anh nhìn mình mời mọc. Mình sà vào. Những bụi nhài xinh ơi là xinh và một cây mai chiếu thủy đầy hoa, vồng lên thành tán, đẹp ngây ngất. Mình thích cây này từ lâu rồi mà chỉ thấy bán vào dịp Tết. Mình thích sự mỏng manh của cánh hoa. Nhìn cây như thấy tuyết mùa hè.
Anh mời chào nhiệt tình, nói “Em mua đi, anh đánh từ vườn nhà, tươi nguyên.” Mình hỏi: “Cây này chăm khó không anh, hoa nở được đến khi nào?” Anh hùng hồn: “Em vô tư, cây này sẽ ra hết đợt này đến đợt khác, khoảng tháng Mười mới hết hoa.” Mình mừng húm, nói: “Nhưng em sợ nặng, không chở về nhà được.” Anh bảo: “Em vô tư, anh buộc cho em, em có đi lên mây cũng không sợ đổ.” Mình vẫn ngần ngại: “Em chỉ sợ không biết sân thượng nhà em ít nắng, cây có sống được không?” Anh trợn mắt: “Em vô tư, cây này em để trong buồng ngủ nó cũng sống.”
Mình nghe thấy hơi phản khoa học nhưng thái độ có vẻ “vô tư” của anh lại rất thuyết phục. Lại nữa, anh nói: “Em mua một lần, lần sau lại muốn mua hoa của anh, anh tên là Khải, chuyên bán hoa.”
Mình hí hửng mang cây về nhà, gọi cả nhà ra xem, giải thích như một nhà sinh vật học trước ánh mắt hơi nghi ngại của mọi người.
Không sao, mình đặt cây trên sân thượng, cứ một chốc lại chạy lên, cúi xuống hít hà. Hoa thơm quá, đẹp mê tơi. Chiều tối, bỗng nhiên thấy hoa rụng ào ạt. Ban đầu mình tự nhủ, chắc tại hoa rụng lứa này để ra lứa khác. Nhưng vẫn thấy rụng nhiều quá. Mình chạm tay vào mấy bông hoa còn lại trên cây. Rơi ngay. Nhựa keo vẫn dính vào cuống hoa. Mình bần thần. Từ đó đến tận giờ vẫn cứ băn khoăn tự hỏi: “Sao cái anh tên là Khải ấy lại có thể ngồi tỉ mẩn gắn từng đấy bông hoa lên cây? Ối anh Khải ơi là anh Khải ơi!”
Chuyện thứ hai: Cả nhà thích ăn cá nấu mẻ. Mua mẻ ở ngoài thì hơi sợ. Mình quyết định làm mẻ. Nghe bố chồng hướng dẫn thấy cũng đơn giản. Mình mua chai thủy tinh, cho cơm nguội vào, nút chặt. Xong xuôi. Chiều qua, mình thử sản phẩm tự tạo. Lấy chai ra, lắc lắc. Bỗng “Bùm”. Mẻ bay tung tóe. Cảnh tượng đẹp ngang với pháo hoa ở Đà Nẵng. Mình lặng lẽ đi thu dọn chiến trường. Ối mẻ ơi là mẻ!
Thể nào mà ai cũng thích: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui! Chúc mọi người một ngày vui nhé!
Họp phụ huynh
Mình có quãng thời gian không dài dạy ở trường phổ thông nhưng ngần ấy thời gian cũng đem lại cho mình nhiều trải nghiệm thú vị, trong đó có việc họp phụ huynh.
Hồi đó, mới ra trường, trẻ đến nhức cả răng, nên nghĩ đến việc phải họp phụ huynh là cũng sợ lắm. Bố mình luôn động viên: “Con cứ đặt mình vào tâm trạng của phụ huynh để hiểu mình cần nói gì là được.” Mình cũng hỏi ý kiến của nhiều chị đồng nghiệp trong trường, ai cũng nhiệt tình bày cách, chỉ dẫn. Và đây là cách mình thường làm: Trước buổi họp phụ huynh, mình thường dành cho học sinh một khoảng thời gian để được phép ghi vào một mảnh giấy “Những điều con muốn nói” với bố mẹ. Đảm bảo là sẽ tuyệt đối bí mật, chỉ con và bố mẹ biết. Học sinh được viết thì hào hứng, viết xong mình chuẩn bị sẵn phong bì để các em bỏ vào, ghi tên bố mẹ ngoài phong bì và đặt trong ngăn bàn. Giờ họp, mình có sơ đồ để phụ huynh được ngồi vào đúng chỗ của con mình.
Món quà bí mật đầu tiên dành cho các phụ huynh khi bắt đầu họp là lùa tay vào ngăn bàn để nhận thư với cam kết, bí mật phải giữ nguyên là bí mật. Có phụ huynh đọc xong thì tươi như hoa nhưng có phụ huynh thì nước mắt giàn giụa bởi những câu nói ngây thơ kiểu như: “Mẹ ơi, mẹ đừng đi làm về muộn nữa nhé” hoặc “Bố mẹ ơi, đừng cãi nhau nữa nhé.” Phụ huynh được sống trong những cảm xúc rất yêu thương, tin cậy.
Tiếp đó, mình sẽ chọn cho mỗi phụ huynh một cuốn vở sạch đẹp nhất trong số các cuốn vở của con mình để “chiêm ngưỡng”. Mình cũng giải thích lý do tại sao lại chọn cuốn đẹp nhất mà không phải là những cuốn xấu hơn bởi điều đó cho thấy, các em hoàn toàn có thể đạt được mức như vậy, miễn là các em cố gắng. Ngay cả trong số những quyển vở đẹp, mức độ “đẹp” cũng khác nhau, điều đó cũng không sao, đối với mình đều là “đẹp” cả. Phụ huynh hãy hài lòng với cái “đẹp” riêng của con mình.
Mình cũng chia các em học sinh thành các nhóm khác nhau, em thì có thiên hướng về nghệ thuật, em thì có năng lực về Toán, về Tiếng Việt. Mình nêu đặc điểm của các nhóm, cả ưu điểm và nhược điểm, cách khắc phục cho từng em. Cũng có năm mình chia lớp theo “ban”. Ban A, B, C, D như kiểu xếp ban thi đại học, để từ đó có phương pháp hướng dẫn học cho từng ban.
Cuối cùng, cũng là phần mình mong đợi nhất, mình sẽ đọc cho phụ huynh nghe những câu nói, những việc làm dễ thương nhất của học sinh mà mình đã ghi chép được. Có năm khi mình đọc câu của một em học sinh được coi là “cá biệt” trong lớp: Cô ơi, nếu sau này em giàu có, em sẽ cho bất cứ người ăn xin nào em gặp ngoài đường 5.000 đồng (thời điểm đó, 5.000 đồng là số tiền khá lớn). Tất cả phụ huynh ngồi dự ai cũng bật cười rồi lại rơm rớm nước mắt.
Cứ thế, buổi họp phụ huynh trôi trong những cảm xúc rất ngọt ngào. Có năm mình còn chia phụ huynh ra thành các nhóm để họ ghi những điều mình mong muốn vào một tờ giấy đã chuẩn bị sẵn.
Được viết chứ không cần phát biểu công khai, mọi người cũng vui vẻ và tự nhiên hơn. Mình tập hợp những ý kiến đó để sau buổi họp viết thư cho từng nhóm ghi nhận những đóng góp của mọi người cũng như những thay đổi của mình, để tiệm cận gần nhất với mong muốn của phụ huynh.
Sau này, khi có con đi học, mình chưa bao giờ bỏ bất cứ buổi họp phụ huynh nào của con. Các cô giáo đã từng dạy Nam đều rất hiểu biết và tâm lý, không biến họp phụ huynh thành buổi chỉ nói về đóng góp. Thật mừng.
Mình mong phụ huynh sau khi đi họp về cảm thấy tin tưởng hơn vào con mình, biết được cách thức giúp con học hiệu quả hơn chứ không bị ám ảnh về các khoản đóng góp hay nhược điểm của con. Mình mong mỗi phụ huynh được đi họp cho con giống như đi đến một buổi lễ, ăn mặc đẹp, lịch sự, cầu thị. Không phải là đi dép lê loẹt xoẹt, đến ào ào hỏi vọng lên: “Cô ơi, đóng bao nhiêu tiền để tôi còn về!” Giáo viên và phụ huynh phải cùng chung niềm tin, chung tình yêu, đó là những đứa trẻ. Điều đó cũng có nghĩa là thêm nhiều niềm vui. Cho nhà trường và cho mỗi gia đình. Mình nghĩ là như thế!
Related Posts: