Review

Yếm Đào Du Ký

Thể loạiSách du ký
Tác giảLam Linh
NXBPhụ Nữ
Số trang364
Năm2017
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Yếm Đào Du Ký là cuốn nhật ký nhỏ của một người phụ nữ dành hơn 10 năm tung tẩy trên những cung đường, những miền đất lạ mà quen.

Yếm là dân phượt thế hệ đầu, khi mà động từ này chưa được “chỉ mặt, gọi tên”. Yếm bắt đầu hành trình của mình khi đã gần 30. Yếm đi như kẻ cuồng chân, đi hết tận cùng mọi ngóc ngách trên dải đất hình chữ S. Yếm đã chinh phục hết bốn cực: cực Bắc Lũng Cú, cực Tây A Pa Chải, cực Nam mũi Cà Mau, cực Đông Đại Lãnh. Yếm đã chạy xuyên Việt đến vài lần, từ Lũng Cú đến mũi Cà Mau, xuyên Tây Nguyên, chinh phục cả những cung đường khó như Chế Tạo – Mường La, Hà Giang, Điện Biên Đông… Yếm chạy xe máy xuyên Lào – Cam – Thái. Cuốn hộ chiếu của Yếm đóng dấu hết đủ tất cả các cửa khẩu Lào – Việt từ Tây Trang của Điện Biên cho đến Bờ Y của Kon Tum.

Yếm Đào Du Ký sẽ dẫn bạn đến với những cuộc phiêu lưu không ngừng nghỉ. Đang say sưa ngắm mây bay ở Y Tý bỗng chốc đã đắm mình trong cánh rừng ngập mặn Trà Sư. Đang đổ đèo trên những khúc cua cạnh sườn núi cheo leo, lúc sau lại thong dong đi dạo trong con phố u tịch ở Vân Hạc trấn. Đang mải mê tung tăng giữa dòng nước trong xanh ở Bali, lúc sau đã ở trên chuyến xe muộn đến Bồ Đề Đạo Tràng linh thiêng.

Mạo hiểm đầy thi vị! Yếm mạnh mẽ, cá tính bởi Yếm là phượt thủ. Yếm dịu dàng, mơ mộng bởi Yếm là phụ nữ. Đọc Yếm, có cảm giác muốn quẳng công việc và cuộc sống bề bộn sang một bên ngay lập tức để được đi, được tự do và được yêu!

[taq_review]

Review

Văn Giang

Điều đầu tiên tôi ấn tượng khi đọc cuốn sách là số hành trình và điểm đến của tác giả. Thật khâm phục và ngưỡng mộ! Có cảm giác mỗi điểm đến đều được tác giả quan sát và tìm hiểu kỹ càng, không giống một số người bây giờ đi để checkin lấy thành tích. Mỗi điểm đến tác giả đều lựa chọn 1 điểm khác biệt, độc đáo để giới thiệu với mọi người.

Cảm ơn Yếm Đào đã truyền cảm hứng cho tôi và nhiều người phụ nữ khác để có thêm can đảm bắt đầu những chuyến đi của mình bởi không bao giờ là quá muộn để bắt đầu!

Một góc nhìn mới lạ và vô cùng độc đáo. Ai muốn biết đất nước ta thú vị, lạ, đặc biệt ra sao thì nên một lần đọc tác phẩm này

Bảo Hiếu

Sách viết về những chuyến đi. Nhưng với mình sách giống một cuốn tản văn hơn. Mô tả lang man. Mình kiên nhẫn đọc nhưng không thấy cảm hứng như mình nghĩ.

Trích đoạn

Cầm ô đi chợ Bắc Hà

Tháng Một, những đám mây đùng đục vẫn còn vương trên bầu trời, sương sớm vẫn phủ trắng núi trắng đồi và nơi cánh rừng hoa mận đã lấp ló bung cánh bên hiên nhà.

Tôi ngồi dưới mái hiên ngồi nhà nghỉ sát chợ Bắc Hà, vừa xoay xoay tách trà nóng cho ấm đôi bàn tay vừa nhâm nhi vị trà thơm dịu… Từ đây, có thể nhìn thấy toàn cảnh khu chợ phiên lớn nhất đất Lào Cai họp mỗi sáng Chủ nhật hằng tuần, thế nên lần nào đến Bắc Hà, tôi cũng vào nghỉ ở khách sạn này, chọn đúng căn phòng tầng hai nhìn xuống phố này vào đúng ngày thứ Bảy. Quen mặt đến nỗi, chủ khách sạn cứ thấy tôi là biết nghỉ phòng nào, không cần phải hỏi. Chỉ thắc mắc sao không đi từ Lào Cai xuống vào buổi sáng Chủ nhật để đi chơi chợ mà cứ nhá nhem chiều thứ Bảy là mò về đây ngủ rồi sáng đi chợ từ rất sớm và lại rời đi luôn vào buổi chiều cùng ngày. Chỉ một đêm mà thôi và lần nào cũng vậy.

Lịch trình của tôi cho chuyến đi Lào Cai lần nào cũng mặc định hai con đường. Một là lên Lào Cai rồi vòng qua Y Tý, xuống Sa Pa sau đó lại về Lào Cai, lên tàu để thứ hai vẫn đi làm bình thường. Dài ngày hơn thì Lào Cai – Sa Pa vòng Ô Quy Hồ sang Tam Đường, Mù Cang Chải rồi về Hà Nội. Còn vòng cung thứ hai thì Lào Cai – Mường Khương đến Si Ma Cai về Bắc Hà rồi chạy về. Cung đường chạy là thế và không thay đổi suốt mấy năm trời. Bởi vì tôi say mảnh đất Tây Bắc này, say những con đèo ngoằn ngoèo trong mây đến nỗi, sẵn sàng chạy 300 cây số đường từ Hà Nội lên đây bằng tàu hỏa một đêm rồi ngồi vắt vẻo trên yên xe máy mà làm một vòng cung trên mây.

Đường Hà Nội đi Lào Cai giờ có nhiều tuyến chạy bằng tàu, bằng xe khách giường nằm chất lượng cao, chạy đường cao tốc chỉ mất năm tiếng rất nhanh. Thế mà cứ nghĩ đến Lào Cai là lại đi mua vé xếp hàng đi tàu vì còn chiếc xe máy muốn vác theo. Tốn kém thêm một khoản tiền gửi xe nhưng vẫn nhất định vác đi cùng. Tàu thì có thể chọn LC1, LC3 hay SP1, SP3 đi từ 9 giờ 30 tối hay 10 giờ 30 tối, ngủ một giấc là sáng sớm đến Lào Cai. Trên toa tàu rung rinh, xình xịch, lắc lư thấy mình đúng là đang được đi chơi rồi, vui lắm! Khi đến Phố Lu đã tang tảng sáng, trời đã lạnh thấu xương. Xuống đến ga Lào Cai tầm 6 giờ sáng, thể nào tôi cũng ăn ngay một bát cuốn sủi1 nóng hổi rồi mới đổ xăng, lên xe vượt đèo mà đi Mường Khương, sau đó là Si Ma Cai để rồi xế chiều ghé lại Bắc Hà ngủ đêm. Và thế là đêm thứ Bảy, sau bữa lẩu ngon tuyệt, thể nào tôi cũng đã ngồi trên ban công tầng hai của khách sạn vừa nhâm nhi trà vừa ngó xuống cái chợ vắng đằng xa.

1. Cuốn sủi hay còn gọi là phở khan, khá giống với món phở Tíu, là món ăn đặc trưng của Lào Cai. Cũng là bánh phở trắng mềm dưới bát, phía bên trên lớp phở được rắc chút mỳ bằng củ dong rang giòn cùng thịt bò, gia vị được nấu sền sệt thành nước sốt. Trên cùng của bát cuốn sủi là hạt tiêu, lạc, rau thơm và vài lát ớt.

Chợ phiên Bắc Hà sáng Chủ nhật nào cũng họp. Từ tờ mờ đất, khi chợ vẫn còn chìm trong mây đã nghe tiếng lạch cạch dọn dẹp đồ đạc. Chợ đã thương mại hóa từ lâu để dành cho khách du lịch từ Sa Pa ghé tham quan. Những thứ phục vụ khách du lịch đều được bày biện đẹp mắt ở những sạp hàng phía ngoài, còn bản sắc của một khu chợ phiên dân dã thì nằm bên trong. Khách du lịch xem việc đến chợ vào ngày Chủ nhật như một chuyến tham quan, còn bà con dân tộc vùng cao xứ này chỉ có một ngày Chủ nhật để được đi chơi, xuống chợ mua sắm đồ đạc cần thiết cho cả tuần. Vì thế mà chợ phục vụ khách du lịch chỉ là một phần rất nhỏ chủ yếu vẫn là khu chợ cho dân bản xa gần.

5 giờ sáng, trời vẫn còn nặng mây, chưa nhìn tỏ đã thấy có người xuống chợ. Người ta đi chợ từ rất sớm vì nhà xa mấy núi mấy đồi mà đa phần là đi bộ. Nhà nào khá giả thì hai vợ chồng gùi theo đứa con nhỏ sau lưng, chạy xe Win xuống chợ. Nhà nào có ngựa thì dắt theo con ngựa thồ đủ thứ hàng đi xuống. Có người còn đi xe khách. Còn lại thì đi bộ. Tốp năm, tốp ba xúng xính váy áo. Tất cả các ngả đường về Bắc Hà nhộn nhịp người đi chợ phiên. Tiếng nói tiếng cười ríu rít khắp xa khắp gần.

Cái chợ rộng thế chẳng mấy chốc đã chật kín những người với người. Bà con dân tộc Mông, Lô Lô, Dao Đỏ xúng xính váy áo đủ sắc màu sặc sỡ. Chủ nhật chợ phiên, các bà, các mẹ mặc những bộ váy áo đẹp nhất, các cô gái tuổi cập kê cũng diện váy đẹp còn các cô bé, cậu bé má đỏ hây hây vì lạnh cũng được mặc đẹp. Cả một tuần mới xuống chợ, ai cũng muốn được khoe những chiếc váy do chính đôi bàn tay khéo léo của mình làm ra. Cả chợ biến thành một vườn hoa rực rỡ.

Tôi ngồi ở đầu cổng chợ, cạnh các mế bán rượu ngô Bản Phố từ tờ mờ sáng. Chẳng cần uống rượu, chỉ cần hít hơi cũng đã đủ ấm người. Trời sương nặng hạt hóa mưa phùn bay bay. Từ đây, có thể thấy lẩn khuất trong mây sớm, những bóng ngựa phi, những váy áo, những nụ cười. Đẹp lắm! Rồi trời dần quang, tôi cầm chiếc ô sặc sỡ, lẫn mình vào đám đông ồn ào, đi chợ.

Chợ Bắc Hà bán đủ mọi thứ phục vụ nhu cầu khách mua. Những sạp hàng thổ cẩm bày biện ngoài chợ, bên trong là thế giới của vô số sắc màu. Màu của ớt đỏ tươi, màu của rau xanh mướt, màu của sáp ong vàng nghệ, màu của cuốc xẻng đen đậm, màu của những chiếc váy chiếc khăn nhóng nhánh đủ sắc. Trời lạnh cắt da cắt thịt, mây mờ đứng xa chẳng tỏ mặt nhau mà bỗng ấm lên vì màu sắc của chợ. Khu bán vải chật kín các chị đang ngắm mua những xấp vải mới cho chiếc váy Tết. Thấy tôi giơ máy ảnh họ lại ngượng ngùng giấu mặt sau tấm khăn. Còn bốn lần chợ phiên thế này nữa là Tết thế nên chợ hôm nay đông hơn hẳn mọi phiên vì ai cũng chuẩn bị rục rịch cho cái Tết đến gần. Hàng bánh rán đông trẻ con, đứa nào cũng thích thú với chiếc bánh ngon. Quán phở bốc khói nghi ngút, tiếng xì xụp ngon miệng. Cánh đàn ông thì đã quây tụ với nhau khề khà bên bát rượu ngô, nhậu cùng thắng cố ngựa bốc mùi đặc trưng. Ai đã biết về cách làm thắng cố chắc không dám ăn, chỉ ngửi mùi thôi cũng đã thấy khó mà nuốt được. Thắng cố bây giờ đã biến tấu đi nhiều để phù hợp với khách hơn.

Hửng trời, chợ đông nghịt. Tôi nghe tiếng Mông mà chẳng hiểu gì, thấy mọi người cứ líu lo như tiếng chim vui tai. Tôi sà vào hàng bún ăn sáng rồi rẽ sang hàng bánh rán làm một chiếc cho no. Lăm lăm chụp ảnh được một lúc thì không muốn chụp nữa. Tôi cất máy ảnh vào túi, đi lang thang khắp chợ với niềm vui reo vang trong lòng. Người lớn, trẻ nhỏ rộn rã khắp nơi. Từ quầy bán nông sản đến quầy bán đồ ăn thức uống, từ hàng tạp hóa cho đến khu mua bán trâu bò lớn ở đằng sau, chỗ nào cũng huyên náo, cũng rộn rã tiếng nói tiếng cười vui vẻ vô cùng.

Chợ Bắc Hà họp phiên từ khoảng 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều thì dần tan. Khi nắng lên đến con sào, người mua vãn dần. Những chiếc váy sắc màu tỏa khắp các con đường, biến thành những con đường hoa lung linh khoe sắc. Góc chợ, anh chàng Mông say ngật ngưỡng, nằm vắt trên con ngựa già, người vợ lầm lũi theo sau đuôi ngựa, tay vẫn không ngừng xe đay. Tình lắm! Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh tình yêu bình dị ấy, lần nào về cũng kể cho bạn nghe mà không có lấy một tấm ảnh bởi những gì được thấy bằng mắt trong khoảnh khắc sẽ chẳng có máy ảnh nào chụp lại được.

Trời đã về chiều! Tôi ra về với một túi đồ nặng đầy. Con xe lướt qua những người vừa xuống chợ. Tôi rúc đôi tay vào túi áo người đằng trước, rúc đầu vào tấm lưng rộng ấm áp sẽ cùng tôi đi tiếp những chặng đường dài. Tiếng ríu rít xa đến cả cây số như thoảng một cơn mơ.

Thái Lan – Đi mãi không chán

Sau Campuchia và Lào, điểm đến tiếp theo tôi nuôi ý định đi là Thái Lan. Nghe mãi về nơi này, nhất là các tour du lịch đang rất rầm rộ về Băng Cốc – Pattaya nên cũng thấy tò mò. Cả nhóm cùng nhau đi vào dịp Tết 2008. Vì đã đi nước ngoài rồi nên tôi cũng không lo lắng nhiều. Mà tôi, sau hai năm “quăng quật” lê la cũng khá tự tin, tiếng Anh bồi thoải mái dùng nên không ngại ngần gì. Vé máy bay đã đặt từ nửa năm trước. Nok Air giá siêu rẻ. Giờ chỉ cần găm đô la và lên đường. Sau chuyến đầu tiên thì Thái Lan trở thành đất nước tôi hay đến nhất vì rẻ và thuận tiện, du lịch chuyên nghiệp, người dân dễ thương. Thậm chí còn rẻ hơn cả đi Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng khoản đi mua sắm thì thích vô cùng. Hàng hóa ngập tràn, rẻ và đẹp. Đấy là còn chưa kể các chuyến bay đi các nước đều transit1 ở Băng Cốc và Kuala Lumpur (Malaysia) khiến lần nào cũng quá cảnh vào Thái Lan. Mà đã quá cảnh thì tội gì không ở thêm vài ngày chơi nên đi Thái Lan dễ như đi chợ vậy.

1. Transit trong tiếng Anh có nghĩa là quá cảnh. Bay transit được hiểu là chuyến bay quá cảnh có một hoặc nhiều điểm dừng giữa hành trình bay từ điểm đi đến điểm đến. Điểm dừng này dùng cho việc tiếp nhiên liệu, đón hành khách hoặc hàng hóa. Trong thời gian này, hành khách có thể ngồi trên máy bay hoặc di chuyển ra khu vực quá cảnh tại sân bay.

24 giờ nhộn nhịp trên phố Tây đất Thái Lan

Mỗi lần đến Thái Lan, tôi đều ghé Khao San. Giới phượt thủ chúng tôi thường rỉ tai nhau rằng “Đến Băng Cốc mà không ở lại một đêm trên Khao San, con phố đông khách nhất thành phố với đủ gương mặt đến từ khắp nơi trên thế giới là một điều đáng tiếc trong cuộc đời”.

Con phố chỉ dài vài trăm mét nhưng tấp nập từ 10 giờ sáng hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau. Mọi du khách khi đến Băng Cốc đều tập trung ở quanh con phố này để tận hưởng không khí vui nhộn và tiệc tùng từ sáng đến khuya với âm nhạc không dứt.

8 giờ sáng, Khao San im lìm với những cửa hàng cửa đóng then cài, những biển hiệu cửa hàng nằm trong góc bậc tam cấp. Đường phố vắng tanh, ít người qua lại, chỉ có các cửa hàng bán đồ 24/7 là mở cửa.

10 giờ sáng, lác đác một vài cánh cửa được kéo mở với khuôn mặt vẫn còn ngái ngủ cùng những chiếc ngáp dài của nhân viên. Rất nhanh chóng, những chiếc bàn dài với các mặt hàng lưu niệm được bày. Các cửa hàng quần áo treo đồ lên móc để bày bán và một vài chiếc xe lưu động bán nước hoa quả, pad Thai1, nước quýt đã được đẩy đến các điểm dừng trên phố.

1. Pad Thai là món ăn đặc trưng của Thái Lan gồm sợi mì gạo tươi với nước xốt cùng vài thành phần hải sản khác.

12 giờ trưa, trên phố đông đúc hơn, một vài vị khách lang thang tìm đồ ăn. Các cửa hàng dọc phố đã mở cửa hết, quầy bàn bán đồ được đặt trên khắp các vỉa hè. Các quán bar và cà phê đã bật nhạc, xếp ghế ngoài vỉa hè để chuẩn bị đón khách.

2 giờ chiều, những vị khách từ khách sạn nằm trong các ngõ nhỏ của Khao San ùa ra đông đúc. Chỉ một quãng đường ngắn nhiều ngõ ngang dọc nhưng Khao San có đến hàng trăm khách sạn và nhà nghỉ với đủ mức giá khác nhau. Đa phần là kiểu nhà nghỉ hoặc các dorm1 dùng chung nhà tắm, khách ở trong các khu này đều là những người đi du lịch bụi trẻ tuổi. Ngày nào tại đây cũng có những vị khách đến và đi với cùng chiếc ba lô to tướng trên vai. Nếu nhà nghỉ trong khu Khao San hết phòng, chỉ cần qua đường là bạn có thể đến một khu nghỉ khác yên tĩnh hơn và giá rẻ hơn.

1. Viết tắt của từ dormitory hay còn được gọi là hostel, là khu lưu trú trong một tòa nhà, căn hộ hoặc phòng ngủ tập thể chủ yếu cung cấp các tiện nghi căn bản để ở và ngủ cho một nhóm người nhất định.

4 giờ chiều, một vài gian hàng di động đã bắt đầu đổ về phố. Đó là những gian hàng bán quần áo lưu động với mức giá phải chăng, được khách nước ngoài ưa chuộng. Với mức giá chỉ khoảng 5 USD (hơn 100.000 VND), bạn đã có ngay một chiếc áo mới hay những chiếc váy xinh mặc đi chơi phố, dễ chọn dễ mặc, nhẹ hành lý. Các kiểu áo phông in hình thú vị, khỏe khoắn, trẻ trung, hợp với nhiều phong cách.

6 giờ tối, thành phố bắt đầu lên đèn, các biển hiệu cũng được bật sáng. Giờ mới thấy hàng trăm biển hiệu lớn nhỏ trên khắp phố. Dãy hàng quần áo đã ổn định vị trí, các xe bán đồ ăn nhanh cũng được đẩy vào phố, chen lẫn với dòng người đi bộ đang đông dần. Xe bán pad Thai, xe bán hoa quả, xe bán món bọ cạp, châu chấu chiên cùng các xe nước quýt tấp sát bên lề đường. Giờ này khu phố cấm các phương tiện xe qua lại ở hai đầu, chỉ còn được phép đi bộ. Các xe cảnh sát đã đỗ ở hai bên đường, đảm bảo trật tự cho khu vực bán hàng đông đúc và sầm uất này.

8 giờ tối, tiếng nhạc nổi lên từ khắp các quán bar. Người trên phố đông nghịt. Khách du lịch từ khắp các ngả đổ về Khao San sau một ngày đi chơi. Nhân viên các quán ăn chạy bàn liên tục. Các cửa hàng ăn xung quanh phố Khao San nườm nượp khách. Nếu không thích ăn đồ Thái, khách có thể chọn các món ăn khác bởi ẩm thực ở khu này khá đa dạng.

10 giờ đêm, phố huyên náo bởi những tiếng rao bán hàng, tiếng mời khách từ khắp các phía. Tiếng nói cười đủ mọi ngôn ngữ. Vài vị khách ngồi tết tóc và sơn móng tay. Những chiếc ghế mát xa chân trên phố đã có khách. Vừa uống nước quả, vừa mát xa đôi chân mỏi và ngắm dòng người qua lại ngày càng đông là một trải nghiệm bạn nên thử. Vài vị khách mua đồ uống trong các cửa hàng bán đồ 24/7 và ngồi bệt ngay trên vỉa hè để thưởng thức ly bia mát lạnh trong cái nóng mùa hè.

12 giờ đêm, tiếng nhạc vẫn không ngừng trên phố. Những vị khách thích xăm đã lui vào một cửa hàng nơi góc phố. Các bữa tiệc đồ uống mới chỉ bắt đầu. Người ta uống, người ta nhảy múa, người ta hát. Nếu không vào quán, bạn có thể ngồi ngay góc vỉa hè tán chuyện.

2 giờ sáng, các cửa hàng lưu niệm chuẩn bị dọn dẹp, đóng cửa. Những người lao công bắt đầu làm việc vất vả với những thùng rác lớn trên phố. Còn vài xe lưu động bán đồ ăn đêm cho khách. Những vị khách cuối cùng trong quầy bar vui vẻ bá vai nhau ra về. Một vài vị khách vừa đến chưa tìm được phòng vẫn lăm lăm tấm bản đồ trên tay.

4 giờ sáng, quán xá đã đóng cửa, chỉ còn lại các cửa hàng 24/7 vẫn sáng đèn với vài vị khách ghé mua nước uống. Khao San chìm trong giấc ngủ sau một ngày làm việc hết công suất để sáng hôm sau lại bắt đầu một ngày mới lúc 10 giờ với những vị khách mới đến.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button