Xúc Tác Hoàn Hảo
Thể loại | Văn học nước ngoài |
Tác giả | Simone Elkeles |
NXB | NXB Lao Động |
Công ty phát hành | Thái Uyên |
Số trang | 500 |
Ngày xuất bản | 07-2014 |
Giá bán | Xem giá bán |
Giới thiệu sách
Brittanny là đội trưởng đội cổ vũ của trường trung học. Giàu có, xinh đẹp và hoàn hảo, cô nàng được coi là cô gái đáng mơ ước nhất trường. Alex lại đến từ khu nhà nghèo, là thành viên một băng nhóm xã hội đen, một kẻ du côn mà lũ học sinh “tử tế” luôn cố tránh xa nếu không muốn gặp phải rắc rối. Hai người họ không ngờ “được” cô giáo ghép chung thành một cặp thực hành ở lớp Hóa năm cuối trung học. Buộc phải song hành cùng nhau, họ dần nhận ra đối phương khác hẳn những gì thể hiện ở vẻ bề ngoài.
Đằng sau vẻ hoàn hảo của Brittanny là bao nỗi niềm muốn giấu kín về một gia đình không êm ấm. Đằng sau thái độ ngông nghênh, du côn của Alex là mong ước về một cuộc sống yên bình, không băng đảng, không bạo lực; là giấc mơ được học lên Đại học, được sống cho tử tế và có một người con gái để yêu thương… Xúc cảm hoàn hảo là cuốn sách dành cho teen rất được yêu thích tại Mỹ bởi lối viết gần gũi và nội dung đầy tính nhân văn.
Cuốn sách đã đưa nữ tác giả Simone Elkeles lên hàng tác giả có sách bán chạy nhất theo New York Times và USA Today, đồng thời cũng giúp bà chiến thắng tại giải RITA 2010, giải thưởng danh giá nhất dành cho tiểu thuyết lãng mạn.
“Em đã từng nói em yêu anh. Giờ còn không?”
“Em chưa bao giờ hết yêu anh. Ngay cả khi em cố gắng một cách tuyệt vọng để quên anh, em cũng chẳng thể làm được điều đó.”
[taq_review]
Trích dẫn
Alex
Tôi đã chờ trong thư viện cả tiếng đồng hồ. Được rồi, là một tiếng rưỡi. Trước mười giờ, tôi ngồi ngoài ghế đá. Sau mười giờ, tôi bước vào trong và dừng lại trước kệ trưng bày, vờ như quan tâm tới những sự kiện sắp tới trong thư viện. Tôi không muốn tỏ ra quá háo hức được gặp Brittany. Lúc mười giờ bốn mươi lăm, tôi ngồi trên ghế bành trong khu vực dành cho giới trẻ, đọc quyển sách Hóa của mình. Dù mắt cứ lướt đều đều qua từng trang, nhưng chẳng có từ nào chui vào đầu cả.
Giờ là mười một giờ. Con nhỏ ở đâu?
Lẽ ra tôi có thể đi chơi với lũ bạn. Quỷ quái, tôi nên đi chơi với bọn nó. Nhưng tôi muốn biết, một cách ngu ngốc, là tại sao Brittany không thèm đếm xỉa gì tới tôi. Tôi tự nhủ đó là vấn đề cái tôi thôi, nhưng tận sâu trong tâm khảm tôi đang lo lắng cho con nhỏ.
Brittany đã để lộ trong lúc bấn loạn trước phòng y tế là mẹ mình không phải một ứng cử viên cho giải thưởng Bà Mẹ Của Năm. Lẽ nào con nhỏ không nhận ra mình giờ đã mười tám tuổi và có thể bỏ nhà đi nếu muốn? Nếu nó quả thật tệ như vậy, tại sao còn ở lại?
Bởi vì bố mẹ con nhỏ là những người giàu có.
Nếu tôi bỏ đi, cuộc sống mới của tôi sẽ chẳng có mấy khác biệt so với trước. Song với một cô gái khu Bắc, cuộc sống thiếu đi những cái khăn hàng hiệu và người giúp việc theo sau có lẽ còn tồi tệ hơn cả cái chết.
Tôi đã đứng đây chờ Brittany đủ lâu rồi. Tôi sẽ đến nhà và đối mặt với con nhỏ, yêu cầu giải thích cho ra lẽ vì sao cho tôi leo cây. Khi ý nghĩ đó vụt qua, tôi nhận ra mình đã ngồi trên mô tô và thẳng tiến đến khu Bắc. Tôi biết con nhỏ sống ở đâu… trong một ngôi nhà đồ sộ màu trắng với những cột trụ phía trước.
Tôi đỗ xe vào đường xe chạy và bấm chuông, hắng giọng vì không muốn ngắc ngứ khi nói. Khỉ thật, tôi sẽ phải nói gì với con nhỏ đây? Và tại sao tôi lại có cảm giác bất an, như thể tôi cần gây ấn tượng với Brittany vì con nhỏ sẽ đánh giá tôi thế này?
Không có ai trả lời, tôi nhấn chuông lần nữa.
Người hầu hay quản gia chuyên mở cửa ở cái xó nào khi bạn cần vậy? Đúng lúc tôi định từ bỏ và tát cho mình một cái thật mạnh vì việc vớ vẩn này thì cánh cửa mở ra. Đứng trước tôi là một phiên bản già hơn của Brittany. Rõ ràng là mẹ con nhỏ. Khi nhìn thấy tôi, bà ta để lộ ra ánh mắt thất vọng rõ ràng.
“Tôi có thể giúp gì cho cậu?” Bà ta hỏi một cách không thoải mái. Chắc bà ta nghĩ tôi là một trong hai loại: thành viên của đội chăm sóc vườn hoặc kẻ chuyên đi gõ cửa từng nhà quấy rối. “Chúng tôi có chính sách “không xin đểu’ quanh khu vực này.”
“Cháu, ừm, không đến đây để xin đểu cái gì. Tên cháu là Alex. Cháu chỉ muốn biết liệu Brittany có, ừm, ở nhà không?” Ồ, tuyệt thật. Giờ thì tôi đang lầm bầm ngắc ngứ liên tục.
“Không.” Câu trả lời đanh thép xứng với cái nhìn trừng trừng lạnh lùng của bà ta.
“Bác biết bạn ấy đi đâu không?”
Bà Ellis khép hờ cửa, có lẽ đang hy vọng tôi không nhìn thấy vật gì giá trị bên trong và nổi lòng tham ăn cắp chúng. “Tôi không có nghĩa vụ phải báo cho cậu biết con mình đang ở đâu, giờ thì thứ lỗi nhé,” bà ta nói rồi đóng sập cửa trước mặt tôi.
Tôi bị bỏ lại ngoài cửa như một kẻ hoàn toàn ngu ngốc. Trăm phần trăm Brittany đã đứng sau cửa bảo mẹ đuổi tôi đi. Tôi sẽ không để con nhỏ chơi trò đó với mình.
Tôi ghét những trò chơi mà mình không thể chiến thắng.
Quay lại bên chiếc mô tô như con chó cụp đuôi, tôi tự hỏi bản thân nên cảm thấy mình là con chó bị đá hay con chó giận dữ.
Brittany
“Alex là ai?”
Đấy là câu đầu tiên mẹ hỏi tôi ngay khi tôi từ sân bay về nhà cùng bố.
“Cậu ấy là bạn cùng nhóm môn Hóa của con,” tôi chậm rãi trả lời. Chờ chút. “Sao mẹ biết Alex?”
“Nó đến đây sau khi con ra sân bay. Mẹ đuổi nó đi rồi.”
Não của tôi đang cố kết nối, và thực tế ào tới.
Ôi, không!
Tôi quên mất đã hẹn gặp Alex sáng nay.
Cảm giác tội lỗi kéo đến khi tôi nghĩ hắn đã chờ mình ở thư viện. Chính tôi là người không tin hắn sẽ đến, vậy mà tôi lại là người thất hứa. Hắn hẳn phải tức giận lắm. Ôi, tôi muốn phát ốm rồi đây.
“Mẹ không muốn nó lảng vảng gần nhà,” mẹ nói. “Hàng xóm sẽ nói ra nói vào về con.” Cũng giống như họ nói về chị con vậy, tôi biết mẹ đang nghĩ gì.
Một ngày nào đó, tôi mong sẽ được sống ở một nơi mà mình không phải bận tâm về những kẻ hàng xóm rỗi hơi. “Được rồi.” Tôi nói với bà.
“Con không thể đổi bạn cùng nhóm sao?”
“Không ạ.”
“Con đã thử chưa?”
“Rồi ạ. Con thử rồi. Cô Peterson không cho đổi người.”
“Có lẽ con chưa quyết liệt. Thứ Hai mẹ sẽ gọi điện đến trường và bảo họ…”
Tôi chuyển hướng chú ý sang mẹ, lờ đi cơn đau nhức nhối sau đầu, chỗ bị chị giật mất một lọn tóc. “Mẹ, con sẽ giải quyết. Con không cần mẹ gọi điện tới trường và làm như thể con là đứa trẻ lên hai.”
“Có phải thằng Alex đó dạy con cách nói chuyện với mẹ thiếu tôn trọng như vậy không? Bỗng nhiên con lại dám mở miệng ra với mẹ chỉ vì con là bạn cùng nhóm với thằng đó?”
“Mẹ…”
Tôi ước gì bố ở đây để can thiệp, nhưng ông đã đi ngay vào phòng làm việc để duyệt email sau khi về tới nhà. Ước gì ông hành động như một trọng tài thay vì chỉ ngồi trên ghế dự bị.
“Bởi vì nếu con bắt đầu giao du với thứ rác rưởi như thế, mọi người sẽ coi con như rác. Đó không phải cách bố mẹ giáo dục con.”
Ôi, không. Một tràng rao giảng đến nữa rồi. Tôi thà ăn cá sống, ăn luôn cả vảy, còn hơn phải nghe những điều này vào lúc này. Tôi biết ẩn ý sau lời nói của bà. Shelley đã không hoàn hảo, vậy tôi phải là người thay thế.
Tôi hít một hơi thật sâu, cố gắng giữ bình tĩnh. “Mẹ, con hiểu rồi. Con xin lỗi.”
“Mẹ chỉ cố gắng bảo vệ con,” bà nói, “mà con lại ném trả những lời đó vào mặt mẹ.”
“Con biết. Con xin lỗi. Bác sĩ Meir đã nói gì về Shelley?”
“Ông ấy muốn con bé được đưa đến đó để kiểm tra hai lần một tuần. Mẹ sẽ cần con giúp đưa nó đi.”
Tôi không nói với mẹ về chính sách của cô Small nếu bỏ lỡ các bài tập cổ vũ, vì điều đó chẳng tác dụng gì trong việc giải quyết căng thẳng giữa chúng tôi. Hơn nữa, tôi cũng muốn biết tại sao Shelley lại cáu giận đến cỡ đó.
May thay, chuông điện thoại reo và mẹ quay sang nghe. Tôi vội vào phòng Shelley trước khi mẹ có thể gọi tôi quay lại để tiếp tục bàn cãi. Shelley đang ngồi cạnh chiếc máy tính được cài đặt cho riêng chị trong phòng, và đang gõ bàn phím.
“Chào chị,” tôi nói.
Shelley ngước lên. Chị không cười.
Tôi muốn chị biết tôi không khó chịu với chị, bởi tôi biết chị không cố ý làm tổn thương tôi. Shelley thậm chí còn không hiểu động cơ khiến chị làm điều đó. “Muốn chơi cờ ca-rô không?”
Chị lắc đầu.
“Xem ti vi nhé?”
Lại lắc.
“Em muốn chị biết em không giận chị.” Tôi lại gần, cẩn thận không để tóc mình trong tầm với, và xoa lưng chị. “Em yêu chị, chị biết mà.”
Không trả lời, không gật đầu, không biểu lộ nào khác. Không gì cả.
Tôi ngồi xuống mép giường, xem chị chơi với cái máy tính của mình. Thỉnh thoảng tôi đưa ra những lời nhận xét, để chị biết tôi ở đây. Chị có thể không cần đến tôi vào lúc này, nhưng tôi ước chị sẽ cần. Biết đâu sẽ đến lúc chị cần tôi mà tôi lại không thể có mặt. Điều đó khiến tôi sợ hãi.