Review

Vợ Phi Công

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Anita Shreve
NXB NXB Thời Đại
Công ty phát hành Phương Nam
Số trang 348
Ngày xuất bản 01-2013
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Kathryn Lyons có một cuộc sống hạnh phúc với Jack – người chồng là phi công và cô con gái nhỏ 15 tuổi Mattie thông minh, đáng yêu. Một ngày nọ, bất ngờ nhận được tin Jack bị tai nạn máy bay trên biển ngoài khơi của Ireland, thế giới như sụp đổ dưới chân cô.

Trong khi vật lộn với nỗi đau mất mát, Kathryn còn phải đối mặt với tin đồn Jack tự sát trên máy bay. Điều đó đã mở ra trong cô một nỗi nghi ngờ về người chồng hơn chục năm chung sống. Sau khi tìm thấy những ghi chú khó hiểu của Jack tại nhà, Kathryn không thể ngồi yên được nữa, cô quyết định làm một cuộc điều tra về đời tư thực sự của chồng.

Cùng Robert Hart, nhân viên của liên đoàn bay, Kathryn đã tới London, lần theo dấu vết một người phụ nữ trong đoàn bay của Jack. Ngay từ khi mở cửa bước vào nhà người phụ nữ này, cô đã choáng váng khi nhìn thấy những phiên bản sống động của Jack. Thì ra trong suốt những năm qua, chồng cô đã có một cuộc sống gia đình khác, song song cùng với cuộc sống hôn nhân hợp pháp của cô. Anh yêu thương cả hai mái ấm và cố gắng san sẻ tình cảm cho cả hai người phụ nữ và các con mình. Anh đã gián tiếp tiếp tay cho một tổ chức chính trị mà người tình của mình tham gia, và vụ nổ trên máy bay là một kịch bản mà Jack không lường trước được.

Khám phá ra đời tư thật sự của Jack, Kathryn mới biết mình hoàn toàn không hiểu gì về người chồng sống bên cạnh cô bao năm qua, từ chuyện anh cải đạo cho tới chuyện người mẹ đẻ mà anh nói rằng đã mất từ khi anh còn nhỏ, nay vẫn sống trong viện dưỡng lão.

Và từ hành trình khám phá sự thật về Jack, một ngọn lửa yêu thương mới được nhen nhóm lên giữa cô và Robert Hart…

[taq_review]

Trích dẫn

Cắm cúi bước đi trên bãi cỏ, cô cúi đầu xuống để tránh gió, chân in dấu rời rạc lên lớp băng tuyết trên cỏ. Chỉ vài phút sau, cô đã đến bờ kè biển, lớp đê chắn sóng bằng đá granite bị nước biển quét nhẵn bóng. Cô nhảy lên ngồi trên một tảng đá to bằng bồn tắm, cảm thấy người bị trượt, và nhận ra cách duy nhất để đứng thẳng là liên tục di chuyển, dừng bước không quá lâu trên mỗi tảng đá rồi lập tức nhảy sang tảng cạnh bên. Cứ như vậy, cô đến được “tảng đá phẳng”, tên mà Mattie đã đặt khi nó mới năm tuổi và lần đầu tiên tìm được cách giữ thăng bằng trên bãi đá ven biển. Kể từ đó, tảng đá phẳng trở thành điểm dã ngoại yêu thích của hai mẹ con vào những ngày nắng đẹp. Kathryn nhảy từ mép tảng đá xuống bãi cát rộng nửa mét vuông nép mình dưới những tảng đá – một căn phòng lộ thiên, một nơi tránh gió, một chốn ẩn nấp. Cô quay lưng về phía ngôi nhà và ngồi xuống mặt cát ướt. Cô thò tay ra khỏi tay áo rồi vòng tay ôm ngực trong lớp áo lông vịt kéo kín.
“Mẹ kiếp,” cô nói, nhìn xuống chân.
Cô để tiếng ồn trắng của nước biển lấp đầy đầu óc, tống khứ những giọng nói và khuôn mặt trong nhà đi, những khuôn mặt đeo một lớp mạng thương hại mỏng bên trên tham vọng tột độ, những khuôn mặt với những cái miệng nghiêm nghị bên dưới những đôi mắt diều hâu. Kathryn lắng nghe tiếng sỏi đá kêu lạo xạo dưới những con sóng rút về biển cả. Trong những viên sỏi có một kí ức, nó đang mơn trớn cô, trêu ngươi cô. Cô nhắm mắt lại, cố gắng tập trung, nhưng rồi bỏ cuộc, và vào khoảnh khắc từ bỏ đó, cô tìm ra nó. Một kí ức về bố cô và cô, hai người mặc đồ bơi, ngồi trên những viên sỏi, để cho sóng biển len vào dưới chân, đẩy lăn những hòn đá nhỏ dưới đùi và bắp chân họ. Đó là mùa hè, một ngày nóng bức, lúc đó cô được chín hay mười tuổi. Họ đang ở Fortune’s Rocks, cô nhớ, và những viên sỏi cù lên da cô. Nhưng tại sao cô và bố lại ngồi trên biển mà không có bà Julia hay mẹ của cô ở đó? Có thể Kathryn nhớ đến khoảnh khắc này vì đó là một sự kiện hiếm hoi, khi chỉ có hai bố con cô vui đùa với nhau. Ông đang cười to, cô còn nhớ, cười to với một niềm vui chân thật, không màu mè, như một đứa trẻ, trong khi ông vốn dĩ hiếm khi cười như thế. Và cô nghĩ cô cũng sẽ cười với ông và quên đi tất cả, nhưng cô bị choáng ngợp trước hình ảnh bố cô vui vẻ – vui vẻ trước mặt cô – đến nỗi cô cảm thấy lòng dâng lên một niềm tôn kính hơn là cảm giác thoải mái, và kết cục là, cô cảm thấy bối rối. Khi ông quay sang hỏi cô có chuyện gì, cô chợt mơ hồ cảm thấy mình đã làm ông thất vọng. Thế là lúc đó cô cũng cất tiếng cười, thật to, thật chân thành, hi vọng ông sẽ quên đi nỗi thất vọng, nhưng khoảnh khắc đó đã trôi qua, và ông đã nhìn ra biển tự lúc nào. Cô nhớ tiếng cười của mình nghe thật rỗng tuếch và giả tạo, cô nhớ cái quay mặt đi của bố cô, sự chìm đắm trong hồi tưởng của ông, đến nỗi cô phải gọi to lên để khiến ông chú ý.
Kathryn vẽ những vòng xoắn ốc trên cát ướt. Đó là một trong những điểm chung giữa cô và Jack, cô nghĩ: Họ là trẻ mồ côi. Không phải mồ côi theo nghĩa đen, và không phải trong suốt thời thơ ấu, nhưng họ đều bị bỏ rơi khi còn quá nhỏ để biết chuyện gì đang xảy ra với mình. Trong trường hợp của Jack, anh đã trở thành trẻ mồ côi theo nghĩa bình thường hơn. Mẹ mất khi anh chín tuổi, còn bố anh, người chưa bao giờ biểu lộ cảm xúc của mình, dường như đã khép lòng lại sau cái chết của vợ đến nỗi Jack có cảm giác mơ hồ rằng anh chỉ còn sống một mình trên cõi đời này. Trong trường hợp của Kathryn, bố mẹ cô luôn hiện diện về mặt cơ thể nhưng vắng bóng về mặt tình cảm, thậm chí không thể làm được những việc cơ bản để chăm sóc một đứa trẻ. Trong gần như suốt tuổi thơ của mình, Kathryn và bố mẹ sống với bà Julia trong ngôi nhà đá chật hẹp cách thị trấn năm cây số về phía Tây Nam. Chính bà Julia là người đùm bọc bố mẹ cô, họ bị tinh giảm biên chế khi các xí nghiệp ở Ely Falls bắt đầu đóng cửa. Ông nội Kathryn mất khi cô mới ba tuổi, và bà Julia đã cưu mang bố mẹ cô bằng tiền buôn bán ở cửa hàng đồ cổ. Sự thỏa thuận khác thường này chẳng cải thiện được mối quan hệ giữa mẹ của Kathryn và bà Julia là bao, và đặt bà Julia ở vị thế kiểm soát mọi việc từ trong ra ngoài, điều này khiến bố của Kathryn đôi khi cũng không chịu nổi. Nhưng khi Kathryn còn bé, cô không hề nghĩ rằng gia đình mình có gì khác thường. Trong lớp học của cô, với sĩ số ba mươi hai từ lớp một rồi giảm dần từng năm cho đến khi chỉ còn lại mười tám học sinh tốt nghiệp, hầu hết những đứa trẻ khác dường như đều sống bên lề xã hội. Kathryn có những đứa bạn sống trong xe đầu kéo, hoặc không có lò sưởi vào mùa đông, hoặc nhà cửa lúc nào cũng tối om hoặc cửa chớp đóng kín suốt ngày để bố hoặc chú bác của chúng có thể ngủ ngon. Bố mẹ của Kathryn thường cãi nhau và ngày nào cũng uống rượu, mà ngay cả chuyện này cũng chẳng có gì bất thường. Điều bất thường nằm ở chỗ họ không xử sự như người trưởng thành.
Trong nhiều năm, bà Julia là người chăm lo cái ăn cái mặc cho Kathryn, dạy cô biết đọc và chơi piano, dắt cô đi học mỗi ngày. Vào buổi chiều, Kathryn thường giúp bà trông cửa hàng hoặc được đưa ra ngoài để chơi đùa. Họ cùng nhau chứng kiến những màn bi hài kịch của cuộc đời bố mẹ cô lần mở – có lẽ không phải lúc nào cũng từ xa, mà từ một nơi an toàn trong ngôi nhà cao và có hình thù kỳ dị của Julia. Trong gần suốt tuổi thơ của Kathryn, bà Julia và cô đã bị tuyển vào vai bố mẹ bất đắc dĩ của hai người là bố mẹ cô.

Khi Kathryn đi học cao đẳng và trong những lúc ngồi nghĩ ngợi ở ký túc xá tại Boston, cô đã đôi lần đinh ninh rằng mình sẽ không bao giờ có thể quay trở lại Ely được nữa, rằng cô không bao giờ còn muốn chứng kiến những cảnh say xỉn lặp đi lặp lại không ngớt giữa bố và mẹ cô. Nhưng vào một buổi chiều ấm áp bất thường của tháng giêng khi Kathryn đang học năm thứ nhất, bố mẹ cô đã rơi xuống thác Ely Falls, hình như họ đã tìm cách băng qua đó, không hiểu vì sao, và chết đuối. Kathryn bất ngờ phát hiện ra rằng cô đã bị đau thương vây kín – như những đứa con của mình đã chết – và khi phải quay lại Boston sau đám tang kép, cô không thể rời Ely hay bà Julia được nữa.
Giờ đây Kathryn nghĩ bà Julia ít nhất đã làm tốt vai trò bố mẹ, và đó là điều may mắn cho cô.
Cô điếng người trước tiếng bước chân trên một tảng đá ở sau lưng cô. Tóc Robert bị gió thổi tung, anh đang nheo mắt.
“Tôi cứ hy vọng cô sẽ chạy trốn,” anh nói, nhảy xuống khoảnh đất được che chắn.
Cô đút tay vào túi áo khoác và cố giữ tóc khỏi bị gió thổi bay để có thể nhìn thấy mặt Robert.
Anh tựa lưng vào một tảng đá rồi vuốt tóc lại ngay ngắn. Anh lấy ra một chiếc bật lửa và một gói thuốc từ túi áo măng tô. Anh xoay người tránh gió, nhưng ngay cả ở nơi trú ẩn giữa những tảng đá, anh vẫn khó khăn lắm mới châm lửa được. Cuối cùng, điếu thuốc cũng bắt lửa, và anh rít một hơi sâu, đóng chiếc bật lửa lại. Anh cho nó vào túi, và lập tức gió thổi bay đóm lửa từ điếu thuốc của anh, dọa làm nó tắt ngóm.
Liệu Robert Hart có nói thật không? cô tự hỏi. Anh ta có lấy làm vui vì cô đã bỏ chạy không? “Họ đi chưa?” cô hỏi.
“Chưa.”
“Thì sao?”
“Họ sẽ ổn thôi. Họ phải làm việc này. Tôi nghĩ thật sự họ không hy vọng cô sẽ tiết lộ chuyện gì.”
Cô tựa cùi chỏ lên hai đầu gối, cột tóc lại.
“Chúng tôi cần phải tổ chức đám tang,” cô nói.
Anh gật đầu.
“Mattie và tôi cần tưởng nhớ Jack,” cô nói. “Mattie cần tưởng nhớ bố nó.”
Và cô chợt nghĩ chuyện này đúng là như vậy. Jack cần được tưởng nhớ.
“Đó không phải là tự sát,” cô nói. “Tôi chắc chắn điều đó.”
Một con mòng biển kêu rít lên và bay về phía họ. Họ nhìn lên con chim đang chao lượn trên đầu.
“Khi tôi còn nhỏ,” cô kể, “tôi thường nghĩ rằng kiếp sau mình muốn làm mòng biển. Cho đến khi bà Julia bảo với tôi rằng chúng bẩn lắm.”

“Loài chuột của biển,” Robert nói, dùng chân gí điếu thuốc xuống cát. Anh đút tay vào túi và trông như rúc mình sâu hơn vào lớp áo măng tô. Anh đang lạnh, cô nhận thấy điều đó. Vùng da quanh mắt đã trở nên trắng bệch.
Cô vén một lọn tóc khỏi miệng mình.
“Người dân ở Ely,” cô tiếp lời, “họ nói rằng đừng bao giờ sống gần bãi biển. Vào mùa đông sẽ rất buồn thảm. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy trầm cảm.”
“Tôi ganh tị với cô đấy,” anh nói.
“Thật ra thì, tôi đã từng trầm cảm, nhưng không phải vì biển.”
Bây giờ cô mới nhận ra dưới ánh sáng ban ngày, mắt anh có màu nâu đỏ chứ không phải màu nâu.
“Nhưng với những cánh cửa sổ thì sống gần biển là địa ngục,” cô nói thêm, nhìn về hướng ngôi nhà. “Muối biển làm mòn hết.”
Anh cúi người thấp xuống cát, nơi đó ấm hơn.
“Khi Mattie còn nhỏ, tôi rất sợ phải sống quá gần biển. Tôi phải trông chừng nó suốt ngày.”
Kathryn nhìn ra biển, nghiền ngẫm về mối nguy hiểm ngoài đó.
“Mùa hè hai năm trước, một bé gái đã chết đuối cách đây không xa. Một bé gái năm tuổi. Cô bé ở trên tàu với bố mẹ và bị sóng đánh rơi xuống biển. Tên cô bé là Wilhemina. Tôi nhớ mình đã nghĩ đó là một cái tên con gái thật cổ điển.”
Anh gật đầu.
“Khi chuyện đó xảy ra, tôi chỉ nghĩ rằng biển thật nguy hiểm, nó có thể tóm gọn một người trong tích tắc. Chuyện đó xảy ra quá nhanh, đúng không? Mới phút trước cuộc sống còn bình thường, phút sau đã không được như vậy nữa.”
“Cô là người hiểu rõ điều đó hơn ai hết.”
Cô ấn gót giày xuống cát.
“Anh đang nghĩ rằng chuyện còn có thể tồi tệ hơn nữa, phải không?” Kathryn hỏi.
“Đúng.”
“Có thể người trên máy bay là Mattie.”
“Đúng.”

Bạn đọc cảm nhận

Nguyễn Thị Vy

Một tác phẩm lôi cuốn bất ngờ đã khiến mình không thể đặt xuống giữa chừng. “Vợ phi công” không phải là một tác phẩm ngọt ngào lãng mạn, dù tình yêu có xuất hiện trong câu chuyện nhưng cũng chỉ đóng vai trò thứ yếu mà thôi. Anita kể một câu chuyện hấp dẫn tột độ với tính trinh thám và hành động cao, mỗi tình tiết lại dẫn dắt đến một tình tiết có tính bước ngoặt khác. Một thảm kịch rơi mơi bay khủng khiếp, đã khiến Kathryn Lyons vợ người phi công của chuyên bay đó, phải vào cuộc để tìm hiểu sự thật. Từng con chữ của tác giả đã lột tả chân thực sự đau đớn, dằn vặt, và cả lòng dũng cảm của một người phụ nữ như Kathryn khi dấn thân vào một cuộc điều tra về cái chết của chồng mình. Truyện có nhiều tình tiết khó có thể suy đoán, vì người đọc cũng như nhân vật chính, đã bị cuốn vào một hành trình bí ẩn không định trước. Một tác phẩm hấp dẫn, với những tình tiết khá gây shock về những bí ẩn rợn người đằng sau những thứ tưởng chừng rất yên bình và an toàn.

Phuong Anh

Đầu tiên là mình có một sự thích thú không hề nhỏ với chủ đề máy bay, không biết tại sao, nên khi xem phần giới thiệu này phải nhờ chị mua luôn cho. Khi đọc xong tác phẩm mình thấy cực thỏa mãn bởi vì mình cũng thích hình ảnh những người phụ nữ mạnh mẽ, bản thân mình thấy người vợ trong truyện là người rất mạnh mẽ khi quyết tâm đi tìm ra sự thật về người chồng của mình. Hình ảnh của cô ấy làm mình nghĩ đến những phụ nữ trong tác phẩm của sydney sheldon, họ xinh đẹp , mạnh mẽ, dám yêu dám hận

Quinn

Đọc xong tác phẩm này tôi có thể nói rằng đây là một bi kịch, một bi kịch mà nhiều người mắc phải, chồng chết trong một tai nạn và sau đó là những bí mật đời tư được khám phá ra đã làm cho không ít trái tim những người vợ phải tan vỡ. Cuốn sách được tác giả viết rất thật, rất sâu sắc, đan xen giữa hiện thực và những hồi ức tươi đẹp trong quá khứ của Kathryn đồng thời cũng mang những nỗi đau không thể diễn tả được đối với Kathryn, một người vợ chung thuỷ hết lòng nhưng trái tim cô đã cùng lúc hứng chịu 2 tổn thương lớn nhất mà cả cuộc đời cô không bao giờ có thể quên được đó là chồng cô Jack Lyons tử nạn trong một tai nạn máy bay và sự thật về sự thiếu chung thuỷ của anh ta đối với vợ mình được hé lộ, những mặt tối trong người Jack mà suốt bao nhiêu năm chung sống Kathryn chưa bao giờ khám phá ra.

Có lẽ do được sinh ra trong gia đình có cha là phi công mà A.Shreve đã viết cuốn sách này rất hay, rất thực về cuộc sống bên ngoài buồng lái của những phi công, tiếp viên. Quả thật đó là những thử thách lớn cho những ai muốn xây dựng gia đình đối với những người làm trong nghề này. Sự mất mát mà Kathryn gánh chịu cũng chính là nỗi đau mà nhiều người đang gặp phải. Chỉ vì sự ích kỉ mà những người chồng đã vô tình làm tổn thương cho chính vợ và các con mình mà chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là những đứa trẻ, liệu chúng sẽ cảm thấy thế nào khi chúng lớn lên?

Gia đình có hạnh phúc hay không là khi ta giành trọn vẹn tình yêu của mình để vun đắp nó chứ không thể có chuyện san sẻ tình yêu đó cho một gia đình thứ hai khác, điều đó chẳng giúp ích được gì mà chỉ để lại những tổn thương và nỗi đau cho cả hai bên điển hình là ai người phụ nữ mà Jack lấy làm vợ trong truyện được tác giả miêu tả rất rõ ràng và đáng tội nghiệp hơn cả chính là những đứa con của anh ta.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button