Review

Võ Nguyên Giáp

Thể loại Sách chính trị
Tác giả Georges Boudarel
NXB NXB Thế Giới
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 300
Ngày tái bản 12-2012
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Đây là cuốn sách được giới sử học Pháp đánh giá là một trong những cuốn sách giá trị nhất viết về Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự lỗi lạc, vị tướng lĩnh tài ba, nhân vật nổi bật của lịch sử hiện đại Việt Nam và thế giới thế kỷ 20.

Tác giả đã khắc họa rõ nét, sinh động chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ khi còn là một cậu bé cho tới khi trở thành vị chỉ huy của quân đội Việt Nam, trong sự tham chiếu, so sánh giữa nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Ngoài những chi tiết nói về những chiến tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không có gì khác biệt so với các cuốn sách khác của các tác giả phương Tây, còn có những chi tiết rất thú vị cho chúng ta biết về năm sinh của Đại tướng, những đoạn viết nói rõ âm mưu hiểm độc của thực dân Pháp có ý định mua chuộc cậu học sinh trung học Võ Nguyên Giáp, nhưng kết quả ngược lại, Võ Nguyên Giáp đã trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã chỉ huy toàn quân dân đánh bại ba đế quốc lớn và các thế lực phản động khác. Có những hiểu lầm về vị Đại tướng huyền thoại đã được tác giả làm rõ và tìm ra sự thật bằng những tài liệu phong phú và xác thực.

[taq_review]

Review

Gió Chở Mùa Về

Ngay từ thuở nhỏ cấp 1 khi học những bài lịch sử chiến đấu của nhân dân ta, tôi đã nghe văng vẳng bên tai lời dạy của cô giáo về một vị tướng thiên tài của đất nước Việt Nam – Võ Nguyên Giáp. Nhưng thuở ấy, với bộ óc của một đứa nhóc con tiểu học, ấn tượng của tôi về ông không nhiều ngoài hai chữ “tướng tài”. Cho đến những năm cấp ba, được dịp tìm hiểu sâu hơn về các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của dân tộc, tôi mới có điều kiện tìm hiểu thêm về con người ông. Và cho đến hiện tại, ông vẫn là một trong những con người làm tôi tôn kính, và ngưỡng mộ nhất. Tôi ngưỡng mộ bởi tài trí của ông, bởi sự anh minh lỗi lạc. Dưới ánh sáng đường lối kháng chiến của Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đằng sau những thắng lợi mang tính thời đại của nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Võ Nguyên Giáp là một động lực. Những chiến tích vĩ đại mà ông đã góp phần cống hiến xuất sắc, ít người sánh kịp, đã nâng ông lên tầm một vị tướng huyền thoại, để lại một dấu son rực rỡ trong lịch sử quân sự thế giới. Bởi vậy, ngày hôm nay khi cầm được quyển sách này trên tay, tôi trân trọng nó vô cùng. Nó giúp tôi biết nhiều thêm về một trong những anh hùng lỗi lạc của dân tộc, cũng như thêm tự hào và yêu quý đất nước mình hơn.

Đoàn Hồng Thủy

Tôi mua tác phẩm Võ Nguyên Giáp của tác giả Georges Boudarel vào dịp Đại tướng qua đời. Với riêng cá nhân tôi, cuốn sách này là một tư liệu lịch sử quý giá, cung cấp khá đầy đủ và chi tiết về cuộc đời cá nhân cũng như sự nghiệp chính trị cách mạng của đại tướng. Tuy nhiên có lẽ là do một tác giả Pháp viết nên cuốn sách còn nhiều sơ sót cần đính chính khiến độc giả bối rối. Về chất lượng in ấn thì cuốn sách có phần nhìn tức là tranh ảnh trông khá đẹp, giấy cũng khá trắng và mịn đẹp.

Thới Ngọc Nhuận

Tôi rất ngưỡng mộ và kính trọng ông, một con người tài ba, một người anh hùng của dân tộc, một thiên tài quân sự.

Điều làm tôi ngạc nhiên và hứng thú khi đọc cuốn sách này đó chính là người viết tác phẩm này là một tác giả người nước ngoài, tôi đọc với sự tò mò không biết người nước ngoài nghĩ gì về ông, viết gì về ông. Và tôi thực sự xúc động khi biết được tình cảm sâu săc mà tác giả Georges Boudarel dành cho tướng Võ Nguyên Giáp khi viết tác phẩm này.

Càng đọc tôi càng cảm thấy tự hào về dân tộc mình, càng thêm kính trọng tướng Giáp, càng yêu quê hương nhiều hơn. Dân tộc ta nhỏ bé so với Mỹ, Pháp nhưng chúng ta có tinh thần kiên cường, bất khuất. Đất nước ta đã sinh ra bao người con ưu tú, những vị anh hùng dân tộc, những thiên tài quân sự,..

Cuốn sách rất có ý nghĩa! Hay!

Trích đoạn

Nhà chiến lược đối mặt với Hoa Kỳ

1. “Chiến tranh đặc biệt”

Một ngày bình thường như bao ngày khác, ngọn lửa tí tách reo vui dưới đáy nồi kê trên bếp. Dưới sàn nhà tre, tiếng vù vù nặng nề của chiếc cối xay lúa đang quay đều đều theo nhịp chiếc biên gỗ. Từ nhà hàng xóm vang lên tiếng cối giã gạo đinh tai nhức óc. Một tia sáng lóe lên ở chân trời. Lát nữa thôi khi mặt trời nhô lên rọi chiếu khắp các lùm cây, đàn ông trong làng sẽ đi làm đồng hoặc đi săn… Bất chợt tiếng chó sủa râm ran, lính Sài Gòn ùa vào trong thôn. Ba tiếng sau khi chúng ra đi, những thanh gỗ cụt cuối cùng vừa cháy hết, xóm Tân Lập đã bị xóa tên trên bản đồ: 37 xác chết nằm còng queo trên mặt đất, chỉ có hai thanh niên chạy thoát. Cũng đơn vị lính Sài Gòn đó lại xông vào làng Tân Hiệp[1]: 15 phụ nữ bị cắt cổ gục bên rãnh nước. Thống kê cuối cùng: 92 người chết. Ngày tháng? Không phải là năm 1964 cũng không phải là năm 1965 mà là năm 1955. Chính xác là ngày 8 tháng 7. Những kiểu thảm sát như thế đã bắt đầu xảy ra như cơm bữa từ một năm nay trong khuôn khổ “chiến dịch tố cộng” nhằm vào những người kháng chiến cũ còn ở lại, bất chấp những điều khoản ghi rành rành trong hiệp định Genève tuyệt đối cấm mọi hành động tàn sát.

[1] Thôn Tân Hiệp và Tân Lập thuộc xã Hướng Điền (nay là xã Tà Rụt, huyện Đakrông) (BT).

Nhân danh Quân đội nhân dân Việt Nam, từ cuối năm 1954 tướng Giáp không ngừng tố cáo những tội ác đó. Từ ngày 4 tháng 9 quân đội quốc gia đã nổ súng ở chợ Được, 39 người chết. Rồi ngày 7 ở Ngân Sơn – Chí Thạnh: 80 người chết. Ngày 13 ở Mỏ Cày: 17 người chết. Ngày 25 ở Vĩnh Xuân, 40 người chết. Về vụ thảm sát Ngân Sơn, một trong những vụ hiếm hoi được Ủy ban Kiểm soát Quốc tế (CIC) để mắt đến và tiến hành điều tra, kết quả là một bản báo cáo đưa ra nhận xét: “Đây là một vụ việc nghiêm trọng làm khoảng 80 người chết và 46 người bị thương. Để chống lại khoảng 300 người dân, quân đội quốc gia đã triển khai 300 lính của tiểu đoàn 10 được trang bị súng trường và súng tự động…”.

Ủy ban Kiểm soát Quốc tế không bao giờ đến Tân Lập cũng như Tân Hiệp. Thực tế các tổ điều tra lưu động của họ không thể đi đâu được từ tháng 6 năm 1955. Trên 295 vụ việc mà Ủy ban Kiểm soát Quốc tế nắm được, Ủy ban chỉ đưa ra ánh sáng được 30 trường hợp. Tờ Marchés coloniaux (Thị trường thuộc địa) ra ngày 17 tháng 12 nhận định: “Những phương pháp áp dụng ở miền Nam Việt Nam giống chủ nghĩa phát-xít chính thống nhất”. Sắc lệnh ban hành ngày 16 tháng 1 năm 1956 về giam giữ và quản thúc tại nhà vì tội “xâm phạm an ninh quốc gia” xác nhận về phương diện pháp lý thực trạng đó. Vận dụng sắc lệnh này, sáu vị lãnh đạo Phong trào bảo vệ Hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn mà trước đó người ta không thể đưa ra tòa xử được vì thiếu chứng cứ hợp pháp đã bị giam giữ tại một vùng khí hậu độc ở Sơn Hòa miền Trung Việt Nam. Tháng 10 năm 1961, một người trong bọn họ đã vượt ngục, đó là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, người cổ động học sinh, sinh viên biểu tình trên đường phố Sài Gòn phản đối chuyến thăm của mấy đơn vị đầu tiên của hải quân Mỹ đến cảng Sài Gòn tháng 3 năm 1950. Sau này ông sẽ làm Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng.

Ngày 27 tháng 9 năm 1954, một phái đoàn của Pháp, do tướng Ely dẫn đầu đến Washington, đã xác nhận chính sách của Hoa Kỳ. Nước Pháp chấp nhận chuyển giao trách nhiệm cho Mỹ và ngày 28 tháng 4 năm 1956 người lính Pháp cuối cùng sẽ rời khỏi Việt Nam. Các nhà đương cục Pháp lần lượt chuyển giao mọi thẩm quyền cho Chính phủ Diệm để đổi lại sự đảm bảo về lợi ích kinh tế và thương mại. Từ tháng 2 năm 1956, Sài Gòn đưa tin cho biết tướng O’Daniel chịu trách nhiệm huấn luyện quân đội Nam Việt Nam. Các phù hiệu Pháp sẽ bị đốt và thay thế bằng phù hiệu Mỹ. Ngày 25 tháng 4, phái đoàn viện trợ và cố vấn Mỹ (M.A.A.G – Military Aid and Advisory Group) đặt tại Đông Dương từ năm 1950, đảm nhiệm “mọi trách nhiệm tổ chức và huấn luyện quân đội Nam Việt Nam”.

Dưới sự che chở của tấm chắn bảo vệ vĩ tuyến 17, Chính phủ thân Mỹ của Diệm khẳng định một chính quyền ngày càng độc tài. Với sự ủng hộ của các “cố vấn Mỹ”, từ mùa đông năm 1954, Diệm nắm quyền chỉ huy quân đội và từ mùa xuân năm 1955, Diệm giáng một đòn mạnh vào phe đối lập thân Pháp bằng mưu toan lập “Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia”.

Tung 7 tiểu đoàn để chống lại phe ly khai Bình Xuyên, Diệm cắt đứt mọi quan hệ với lực lượng Bình Xuyên ngày 8 tháng 3 năm 1955. Nhiều trận giao chiến ác liệt xảy ra giữa trung tâm Sài Gòn – nơi lực lượng Bình Xuyên nắm cảnh sát, an ninh cách Dinh Tổng thống 300 mét. Được CIA trợ lực, Diệm lần lượt đè bẹp từng đối thủ một, yếu hơn và không đủ tầm cỡ chống lại quân đội của chính phủ.

Đồng thời Diệm tổ chức trưng cầu dân ý ngày 23 tháng 10 năm 1955 để phế truất Bảo Đại. Tổng thống họ Ngô đến Washington tháng 5 năm 1957 đã có thể tuyên bố: “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”. Tại Sài Gòn, tổng tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ phát biểu gọn lỏn: “Lấp sông Bến Hải và Bắc tiến”.

Từ năm 1954, tướng Giáp đã nhiều lần phản đối những vi phạm hiệp định Genève ở miền Nam. Tại đây những người kháng chiến cũ và các đảng viên cộng sản được lệnh không đánh trả bằng vũ lực đều bị bắt hoặc sát hại. Trong suốt ba năm, Chính phủ Hồ Chí Minh đã hy vọng, bất chấp mọi trở ngại, đi đến việc thực hiện hữu hiệu hiệp định Genève và thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử. Tình hình buộc chính phủ miền Bắc phải xem xét lại quan điểm ấy. Bằng cách đề nghị cả hai miền gia nhập Liên hiệp quốc cuối năm 1956, Matxcơva chấp nhận về thực tế tình trạng chia cắt gần như vĩnh viễn. Trung Quốc lúc này còn chịu chi phối của tinh thần hội nghị Bandoung nên phản đối chủ trương của Liên Xô nhưng sự phản đối này nặng về ngoại giao hơn là dứt khoát. Tại miền Bắc Việt Nam, việc phát hiện sai lầm của cải cách ruộng đất từ cuối năm 1956 đã tạm thời chiếm lĩnh sự chú ý của chính phủ. Lê Duẩn sau năm 1954 vẫn bí mật ở lại miền Nam Việt Nam, sau đó ra Bắc, trở thành Tổng bí thư Đảng Lao động. Ông tiến hành đánh giá lại tình hình. Thay mặt những chiến sĩ miền Nam, ông nhấn mạnh quy mô của những vụ đàn áp và sự cần thiết phải chuyển sang hành động bạo lực. Hội nghị toàn quốc Ban chấp hành Trung ương lần thứ XV đã quyết định đấu tranh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, sự ủng hộ của miền Bắc đối với miền Nam vẫn còn rất khiêm tốn cho đến khi Mỹ leo thang chiến tranh, kém hơn – rất nhiều – so với viện trợ của Washington cho Sài Gòn theo ý kiến của CIA.

Hai tháng trước quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, các lực lượng Nam Việt Nam do Mỹ huấn luyện đã phát động một cuộc chiến tranh thật sự chống lại vùng nông thôn. Tại đây đã tự phát hình thành những khu du kích mới. Ngày 18 tháng 3 năm 1959, 10 chiếc máy bay ném bom ấp Tu Lai. Lần đầu tiên máy bay được sử dụng đánh vào dân thường ở miền Nam. Ngày 4 và 22 tháng 4, các cuộc bắn phá bằng máy bay lại tiếp diễn trong khuôn khổ một cuộc hành quân càn quét trong vùng chiến khu D, xưa kia là căn cứ kháng chiến chống Pháp, cách Sài Gòn khoảng 50 kilômét về phía bắc. Chính quyền Sài Gòn điều động lực lượng từ một đại đội đến một tiểu đoàn từ đầu tháng 2 rồi đến cuối tháng 2 đã phải tăng quân số lên tới 10.000 người. Đại tướng Dương Văn Minh có đại tá Mỹ Leister đi kèm, đã đích thân chỉ huy cuộc hành binh này. Chính Diệm tuyên bố với phóng viên Figaro: “Nam Việt Nam đang trong tình trạng chiến tranh”.

Một phong trào kháng chiến tự phát của nhân dân miền Nam đã nổ ra trên toàn lãnh thổ. Đầu năm 1959, các tù nhân chính trị ở nhà tù Phú Lợi đã bị đầu độc. Người ta ghi nhận biểu hiện đầu tiên của một cuộc kháng cự vũ trang. Một đồn binh bị diệt. Những phong trào khác thường do những người thoát nạn của các giáo phái tôn giáo – chính trị chỉ huy đã công khai chống lại quân đội Diệm, nhất là ở phía tây đồng bằng sông Cửu Long, trong các đồn điền cao su. Tại miền Trung Việt Nam cũng hình thành những khu kháng chiến, nhưng không có tiếp xúc gì với miền Bắc. Đặc biệt điển hình là đồng bào dân tộc Kor sinh sống ở vùng cao tỉnh Quảng Ngãi đã có phong trào đấu tranh vũ trang phát triển khá rộng[2].

[2] Cụ thể là đồng bào dân tộc Kor ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi (BT).

Trong năm 1960, các phong trào đấu tranh tăng cường liên hệ, móc nối với nhau và đến tháng 12 cùng năm đó, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, công bố chương trình 10 điểm nhằm mục tiêu căn bản là lật đổ chế độ thuộc địa trá hình và độc tài Ngô Đình Diệm do đế quốc Mỹ dựng nên, thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc dân chủ. Mặt trận khẳng định chính sách mở cửa và cụ thể hóa chính sách đó bằng cách để trống 20 ghế trong Ban chấp hành Trung ương Mặt trận và ba ghế Phó chủ tịch để thu nhận ngay lập tức những cá nhân hay nhóm tham gia Mặt trận sau đó.

Đến thời điểm đó, trong Mặt trận đã có Đảng Dân chủ mà đại diện là ông Huỳnh Tấn Phát sau này sẽ được Đại hội II bầu làm Tổng thư ký, Đảng Xã hội cấp tiến (đại biểu là ông Nguyễn Văn Hiền, lúc đầu là Tổng thư ký Đảng), Đảng Nhân dân Cách mạng (đại biểu là Võ Chí Công, đảng viên cộng sản), Phong trào tự trị của các bộ tộc Tây Nguyên, đại diện của dân tộc thiểu số Khmers Nam Bộ và các hội Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và các tổ chức quần chúng (công đoàn, thanh niên, phụ nữ, các nhà văn…).

Đảng Cộng sản không có đại biểu tham dự với danh nghĩa cộng sản, cũng không giữ vị trí chủ chốt vì lý do chiến thuật, thực tế kiểm soát các lực lượng vũ trang khởi nghĩa qua sự có mặt của các quân nhân như Trần Văn Trà và bà Nguyễn Thị Định. Người ta nhận ra phương pháp quen thuộc của Hồ Chí Minh cho con đường đấu tranh vũ trang đã đưa ra từ những năm 1940. Chính trị được đặt lên hàng đầu để mở đường cho đấu tranh vũ trang phát triển, phong trào chống đế quốc giải phóng dân tộc ở miền Nam lúc này phải đặt lên trên hết, đi trước phong trào xã hội. Nhưng bên trong sự tập hợp rộng rãi đó, Đảng Cộng sản không ngừng tự khẳng định.

Ở phe đối diện, Hoa Kỳ đi vào con đường hoàn toàn trái ngược, đi từ quân sự đến chính trị, không kể đến những nhân tố văn hóa dân tộc. Thượng nghị sĩ trẻ tuổi và nổi bật của bang Massachusett là John F. Kennedy năm 1954 tuyên bố trước Thượng viện Mỹ: “Tôi tin rằng viện trợ Mỹ dù to lớn đến đâu cũng không thể đè bẹp đối thủ có mặt ở khắp nơi đồng thời cũng không thấy xuất hiện ở đâu hết, một “kẻ thù hòa mình trong nhân dân” được sự đồng tình và ủng hộ của toàn dân… Đối với Hoa Kỳ, can thiệp đơn phương và gửi quân đội đến một lãnh thổ khó khăn nhất thế giới tạo nên một tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều so với tình hình chúng ta đã biết ở Triều Tiên.” Trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu năm 1961, ông đã phải tiếp nhận (Jacques Decornoy, Le Monde, 1973) mớ bòng bong Đông Dương từ các nhiệm kỳ tổng thống trước để lại. Quên bẵng những lời tuyên bố trước đây, dưới sức ép của các cố vấn thân cận, ông quyết định chơi con bài quân sự ở Việt Nam.

Với việc McNamara được cử giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và tướng Taylor làm Tham mưu trưởng liên quân, Hoa Kỳ đã từ bỏ chiến lược trả đũa ồ ạt. Người ta hướng về “trả đũa linh hoạt” với việc trở lại sử dụng vũ khí quy ước và phân chia từng cấp độ các đòn giáng trả đối phương trong khuôn khổ “chiến tranh cục bộ” được Lầu Năm Góc đặt thành mối quan tâm hàng đầu, từ năm 1961. Các máy tính cho phép xếp loại và quy định các bước leo thang, các phương tiện sử dụng mà theo đó đến một lúc nào đấy sẽ đạt đến “ngưỡng hạt nhân”. Một công trình lô-gic không thể lay chuyển, nhưng không bao giờ đếm xỉa đến nhân tố con người. Trong hệ thống giá trị về chiến tranh của McNamara, cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1961 ở vào cấp dưới “chiến tranh cục bộ”. Người ta đặt cho loại chiến tranh “chống nổi loạn” được tiến hành bằng lực lượng vũ trang của chính quyền địa phương, Hoa Kỳ chỉ tự giới hạn vào việc cung cấp vũ khí, hậu cần và chỉ đạo cho đến cấp chiến thuật thông qua hệ thống cố vấn là “chiến tranh đặc biệt”. Miền Nam Việt Nam năm 1961 trở thành bãi thử một chiến thuật cần áp dụng ở nước khác, như một nước Mỹ La-tinh chẳng hạn. Miền Nam Việt Nam cũng được Lầu Năm Góc nâng lên là bãi tập bắn cấp quốc tế. Người ta sẽ thấy tất cả các kiểu vũ khí mới ra lò lần lượt được đưa đến Việt Nam để thử công dụng nhằm dập tắt các phong trào giải phóng. Và, trước hết là trực thăng sẽ phải bổ sung một chiều thứ ba vào cuộc chiến tranh chống lại du kích bằng cách thực hiện chiến thuật “bủa vây theo chiều thẳng đứng” được coi như “thuốc bách bệnh” chống các cuộc phục kích từng là “nỗi đau thường trực khôn nguôi” của đội quân viễn chinh Pháp trước đây. Đó là trực thăng H.21 được mệnh danh “quả chuối bay”, rồi trực thăng phản lực HU.1A được trang bị mười sáu hỏa tiễn và hai súng liên thanh bắn đạn cỡ lớn, cuối cùng là loại trực thăng có tên là Bell được trang bị hỏa tiễn và súng liên thanh hạng nặng. Ngoài ra còn có các loại xe lội nước M.113 mà người ta hy vọng sẽ làm nên chuyện kỳ diệu ở các xứ bằng phẳng, nhiều đầm lầy, đất đai chỉ gồm hai thành phần tạo nên là bùn và nước.

Trong suốt cả năm 1961, các phái đoàn Mỹ đua nhau đến Sài Gòn. Giữa tháng 4, Phó Tổng thổng Johnson, rồi từ tháng 5 đến tháng 7, giáo sư Staley đã để lại tên ông cho một kế hoạch tuyệt vời là “bình định trong 18 tháng”, đến tháng 9 là tướng Taylor, Tham mưu trưởng liên quân đem đến một vài bổ sung cho các kế hoạch trước đó. Tất cả các chuyến tới lui của các “quan khâm sai” đó được đúc kết trong việc ký thông báo chung Johnson –

Diệm vào tháng 5, đánh dấu việc phát động chiến tranh không tuyên bố của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam và có giá trị như một điều ước quân sự: viện trợ quân sự sẽ được tăng lên cũng như quân số lực lượng ngụy quân Sài Gòn, cố vấn quân sự sẽ được gửi đến để giúp thực hiện các mục tiêu. Máy bay, nhất là trực thăng, sẽ là những vũ khí thần kỳ trong khuôn khổ gọi là chiến lược COIN (Counter Insurgency – Chống nổi loạn). Từ tháng 11 năm 1961, 200 biệt kích của không lực Hoa Kỳ ăn mặc thường phục hạ cánh xuống Biên Hòa với 12 máy bay để tiến hành một phi vụ bí mật. Con số này không ngừng tăng lên, và vào tháng 1 năm 1964 có 16.000 “cố vấn” thuộc loại này (chỉ một phần ba trong số này hoạt động cho không quân) sẽ tham gia trực tiếp các cuộc hành quân. Ngày 8 tháng 2 năm 1962, Mỹ xây dựng xong khu vực chiến lược bao gồm Nam Việt Nam – Thái Lan được thành lập dưới quyền chỉ huy của tướng Paul Harkins nguyên là Tham mưu trưởng tại Tokyo.

Đối mặt với “chiến tranh nhân dân” của các học trò của tướng Giáp, sự thất bại của chính sách đó sẽ nhanh chóng trở thành hiển nhiên. Nam Việt Nam hơn bao giờ hết trở thành việc “rối rắm” của các chuyên gia Lầu Năm Góc và ngay từ ngày 12 tháng 12 năm 1962, Kennedy đã thú nhận: “Cuộc đấu tranh chống chiến tranh du kích là một công việc cực kỳ khó khăn. Chúng ta phải đưa mười hay mười một người mới đánh lại được một du kích…, vì vậy chúng ta chưa nhìn thấy đoạn cuối của đường hầm”. Cũng như tướng Giáp đã không ngừng nhấn mạnh thắng lợi của vũ khí trước hết dựa vào người sử dụng nó. Thế mà người sẽ sử dụng những vũ khí, khí tài hiện đại của Mỹ lại là những người Việt Nam bị cưỡng bức đi lính cho nên họ không muốn đánh nhau. Báo chí Mỹ thường nói đến nhiều trường hợp các “cố vấn” Mỹ bị các “đồng nghiệp” Việt Nam bỏ rơi trên chiến trường. Các cuộc hành quân còn lâu mới dập tắt được chiến tranh du kích, trái lại càng thúc đẩy chiến tranh du kích tiến lên một quy mô rộng lớn hơn. Bộ đội “chính quy” của mặt trận được Lầu Năm Góc ước tính là 20.000 người năm 1962 sẽ vào khoảng 40.000 người năm 1964. Và điều này diễn ra trong lúc quân đội “quốc gia” không còn có thể làm được gì khác hơn là những cuộc đảo chính.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button