Review

Viết Cho Người Tôi Yêu

Nội dung

“Phụ nữ là để yêu, không phải để hiểu”.

Cuốn sách này viết về những người phụ nữ với những lứa tuổi khác nhau, những số phận khác nhau, nhưng tựu chung lại họ vẫn là những người phụ nữ xứng đáng được yêu.

Nếu bạn là con trai, là đàn ông, hãy đọc để hiểu phái yếu, và hạy tặng cuốn sách này cho người con gái của bạn, người phụ nữ của bạn để họ biết bạn trân quý họ đến nhường nào. Đó có thể là người yêu, người bạn đời, một người em gái, hay người chị, người mẹ…

Nếu bạn là con gái, là phụ nữ, hãy tặng cuốn sách này cho chính mình, để hiểu bản thân mình quý giá và đáng được yêu đến nhường nào!

Cuốn sách này là món quà tuyệt vời dành tặng những người con gái, những người phụ nữ trong dịp Lễ tình nhân Valentine và Quốc tế phụ nữ 8/3.

Nhận định

Viết cho người tôi yêu là tuyển tập hai mươi truyện ngắn của Lưu Quang Minh, hé lộ từng thân phận đa đoan của những người con gái, những người đàn bà; những thân phận mà người ta thấy cô đơn có, kiên định có, kiêu hãnh có, tàn nhẫn cũng có nhưng trên hết nó được miêu tả như những cánh hoa bất tử – sớm nở mà đêm cũng chẳng tàn. Từng câu chuyện anh viết trong cuốn sách này đều nhằm lột tả những chi tiết của cuộc sống thường nhật hối hả mà chúng ta thường vô tình lãng quên, nhưng lại quý giá biết nhường nào.

Và rồi chúng ta, những người đàn ông đang sống bên những mộng tưởng trên cao sẽ phải hỏi “Phụ nữ, họ là ai?”. Có phải là người ta yêu hay không? Mà yêu thì phải làm những gì, liệu có phải là đòi hỏi họ hy sinh, họ chung thủy, họ phải đẹp, phải sang, phải rực rỡ, phải dịu dàng trong mắt ta? Có phải thế không?

Nhà văn trẻ Lê Hữu Nam – (Tác giả Mật Ngữ Rừng Xanh, Con Đến Như Một Phép Màu)

Thể loạiSách tản văn
Tác giảLưu Quang Minh
NXBVăn Học
Số trang220
Năm2016

Review

Ngân Khánh

Cầm trên tay cuốn sách thật là vui,bìa sách làm mình cảm thấy nhẹ nhàng giống như điều tác giả muốn gửi vào…

Những câu chuyện trong đó lột tả hết những nỗi niềm sâu thẳm mà phụ nữ phải chịu,vui có, buồn có “dù mạnh mẽ đến đâu em cũng là con gái” Cũng cần lắm 1 vòng tay che chở và 1 bờ vai để tựa vào..

Đọc xong lại cảm thấy thương cho những người phụ nữ,hãy dành tình iu thương cho những người phụ nữ ở cạnh ta,vì họ xứng đáng được như vậy..Phụ nữ là để iu thương.không phải để hiểu

Công Minh

Sau khi đọc được 1/3 quyển sách thì mình có nhận xét nhanh thế này. Mỗi truyện ngắn đều có vẻ hời hợt và chưa giúp người đọc hòa mình vào nhân vật được, mạch truyện cứ chầm chậm rất dễ đoán và hoàn toàn không có đột phá gì, giống như đọc mấy truyện sáng tác tự do đâu đó trên mạng vậy. Ngoài ra, hình tượng nhân vật cứ khuôn mẫu thế nào, không thực tế.

Có lẽ một phần do tác giả còn trẻ tuổi, chưa đủ trải nghiệm để có thể chia sẻ điều gì đó sâu sắc hơn. Phần nữa là các nhân vật trong truyện đều (1) phụ nữ thì quá cam chịu, không biết đấu tranh, sống ưu tư (2) đàn ông thì cứ như những đứa con trai có râu, chỉ biết cun cút nghe lời mẹ. Nhìn chung là đọc chán.

Nhã An

Gần gũi và sâu sắc,tác giả Soái ca – Đó là những cảm nhận đầu tiên xuất hiện khi tôi đọc xong cuốn sách Viết cho người tôi yêu của tác giả Lưu Quang Minh.

Với sự đồng cảm và tình yêu thương chân thành những câu chuyện được anh chia sẻ đã khắc họa chân thật thân phận của những những người phụ nữ trong cuộc sống mà nhiều khi chúng ta vô tình lãng quên,đó là người phụ nữ dịu dàng,khéo léo hết lòng chăm lo gìn giữ gia đình hay người đàn bà đa đoan kiên định làm mọi việc để kiếm tiền nuôi con,suy nghĩ trong từng hành động để giữ lấy một ông chồng chính chủ và cô gái đôi mươi xinh đẹp giỏi giang có những khát khao cho tình yêu và sự nghiệp !

Trích đoạn

NỢ

Cái ngày nó đến nhận má, cả họ hàng cô bác bên ngoại chẳng một ai trong lòng có ý chào đón thậm chí khó chịu ra mặt. Bao nhiêu năm trời không nhận, không một giây ngó ngàng… vậy thì bây giờ nó đến nhận để làm gì?

Để làm gì khi má nó đâu còn ở đây nữa? Má nó đã từ bỏ cuộc sống trần tục này rồi, cố gắng dứt bỏ hết rồi… thế mà nó lại mò đến!

Có thật là nó đến nhận chỉ vì tình máu mủ ruột rà thật sự?

“Má con đâu? Con muốn gặp má con…”

Do dự một hồi, cuối cùng họ hàng bên ngoại đành trả lời:

“Thôi được rồi, cháu muốn gặp phải không? Muốn gặp thì bọn ta cho gặp…”

* * *

Ngôi chùa ấy nằm cách xa thành phố, đi xe phải mất hơn bốn tiếng đồng hồ mới tới nơi. Am của sư cô Hạnh Huệ khiêm tốn nép trong một khoảnh đất của chùa. Cả nhà tìm đến, vừa trông thấy thấp thoáng tấm lưng sư cô trong áo nâu sồng, nó đã thốt lên:

“Má! Má ơi!”

Sư cô giật mình, quay người lại.

Ai? Là ai kia? Sao trông quen thế? Lẽ nào… lẽ nào lại là…

Trong khoảnh khắc hai đôi mắt một già một trẻ chạm nhau, sư cô rùng người trông thấy những hình ảnh, âm thanh cứ thế vùn vụt nhảy nhót trước mắt, bên tai…

Phút chốc, sư cô không còn ở đó trong chiếc áo nâu sồng mà tâm trí ngược dòng thời gian trở về là một thiếu nữ ở tuổi đôi mươi vừa chân ướt chân ráo bước về nhà chồng.

Chớp mắt mới đó mà đã 25 năm trôi qua rồi sao? Ôi! Thấm thoắt một kiếp người…

* * *

Nhung những tưởng cuộc sống hôn nhân của mình sẽ thuận buồm xuôi gió lắm vì trước khi cưới, Thành luôn tỏ ra mình yêu cô rất nhiều. Có yêu thì mới năn nỉ ba má anh cho phép lấy cô về làm vợ chứ, phải vậy không?

Ấy thế mà, ngay trong đêm tân hôn, Nhung đã vấp ngay phải một câu “phủ đầu” lạnh lùng từ má chồng:

“Này! Làm gì thì làm, không được làm con trai tao mệt nghe chưa!”

Nhung run người, nói lí nhí trong ấp úng: “Dạ… con, con… biết… rồi ạ…”

May mà… Nhung còn là con gái khi về nhà chồng, chứ nếu không đã chẳng thể yên thân sau đêm đó với má chồng.

Không! Thật ra thì chưa lúc nào Nhung được yên thân cả, kể từ sau cái ngày bước chân vào gia đình này.

Vĩnh biệt những tháng ngày cô được ngủ nướng đến tận trưa như còn ở nhà mình. Ngày nào cũng vậy, bất kể có là thứ bảy hay chủ nhật, đúng 5 giờ sáng, Nhung đều phải thức dậy chuẩn bị cơm nước cho cả nhà dưới sự giám sát chặt chẽ của má chồng. Chỉ cần có một biểu hiện mệt mỏi thôi, lập tức cô bị má chồng “chỉnh” ngay:

“Này! Ở trong nhà này tao không cho phép có cái thói lười biếng đâu nhé!”

Nhung mím chặt môi, cúi gằm mặt, miệng cố vâng vâng dạ dạ mà cuống họng đắng nghét.

Trong nhà còn có cô em chồng tên Ly đích thị là “giặc bên Ngô” – nỗi ám ảnh thường trực của Nhung bên cạnh má chồng.

Từ hồi còn yêu Thành, Ly đã luôn tỏ thái độ khó chịu với Nhung dẫu cô rất cố gắng xây dựng quan hệ tốt đẹp với nó.

“Chị không bao giờ bằng được chị Nga đâu! Chị chẳng là cái gì cả!” – Nhung vẫn nhớ như in câu nói “dằn mặt” của Ly dạo đó.

Nga là người yêu cũ của Thành. Trước khi đến với Nhung, có một thời hai người họ từng yêu nhau rất sâu đậm, tưởng rằng không sớm thì muộn cũng lấy nhau thôi. Ấy thế rồi Nga đi du học, dần dà xa mặt cách lòng, ở nhà Thành cô đơn quá không chờ đợi được mới quay sang quen Nhung. Dẫu có đến sau nhưng Nhung đã yêu Thành bằng cả trái tim mình. Nhung tin Thành cũng vậy… chứ không chỉ xem cô như người thay thế. Người ta gặp được nhau vì chữ “Duyên” nhưng có gắn bó thương yêu lâu dài rồi thành vợ thành chồng được hay không là bởi chữ “Nợ”. Vợ chồng lấy nhau là vì “nợ” nhau, phải vậy không? Rõ ràng “nợ” của Nhung với Thành lớn hơn Nga mà, sao con bé Ly không chịu hiểu?

Chắc có lẽ Ly nó cứ đinh ninh vì Nhung là kẻ thứ ba nhảy vào mà anh nó không thương Nga nữa. Nhung cũng hiểu được rõ ràng là trước đây, Nga giỏi cái việc lấy lòng cô em chồng hơn cô rất nhiều. Nên bây giờ nó mới luôn chỉ có Nga trong mắt… và đời Nhung cứ thế ngày một thêm khốn khổ.

Càng chung sống, Ly càng ghét Nhung ra mặt. Không những vậy, nó còn tìm mọi cách hại cô bằng được với lòng dạ lắm mưu hèn kế bẩn. Về sau, chỉ cần trông thấy nó thôi, Nhung đã có cảm giác khó thở. Một đứa con gái 17, 18 mà có thể hiểm ác, độc địa đến thế sao?

Tại sao em lại ghét chị đến vậy hả Ly?

Lần đó, Nhung chỉ biết khóc hết nước mắt chứ chẳng thể làm gì hơn, hệt như cô Tấm trong chuyện cổ tích ngày xưa. Hôm ấy như thường lệ, Nhung nấu canh cho bữa tối. Đang nêm nếm vừa miệng thì Nhung nghe thấy tiếng chuông di động đang được cắm sạc từ phòng của hai vợ chồng nên vội chạy lên lầu, không quên tắt bếp. Hóa ra cô bạn thân chơi với Nhung từ hồi còn bé xíu tới giờ gọi điện tâm tình vì mới giận người yêu. Nghe nó kể trong tấm tức, Nhung chỉ biết an ủi động viên bạn. Trong đám bạn thân thiết, Nhung là đứa lập gia đình sớm nhất. Bạn bè nhìn vào, ai cũng khen Nhung sướng vì lấy được tấm chồng tốt, vài đứa còn tỏ ý ghen tỵ. Ừ thì Thành đích thị là một người chồng ân cần chu đáo, lại giỏi giang nữa… Chắc là cô sướng thật… Hẳn vậy rồi, Nhung còn trông mong gì thêm nữa đây?

Nhưng có lẽ may mắn lấy được một người chồng tốt vẫn còn là chưa đủ…

“Thôi, dù gì cũng phải cố gắng lên mày ạ…” Nhung khuyên bạn hay đang tự khuyên mình?

Cái ngột ngạt sợ hãi khi ở trong căn nhà này từ bao giờ cứ vây lấy cô. Cõi lòng luôn thấy nơm nớp lo lắng, lắm khi giật bắn mình vì chẳng thể đoán được lúc nào má chồng sẽ xuất hiện đằng sau lưng. Gáy Nhung cứ thế thường trực trong trạng thái lạnh toát.

Khi Nhung bước xuống cầu thang thì thấy Ly từ trong bếp bước ra. Nó ngước lên liếc Nhung, nhếch mép một cái rồi bỏ đi.

Cái con bé này…

Nhung hít một hơi sâu vào lồng ngực để tìm lại cân bằng.

Bữa tối ấy mới thật kinh khủng.

“Mày nấu canh cho người ăn hay chó ăn vậy?” Nhung ríu người lãnh trọn cơn thịnh nộ của má chồng ngay trên bàn ăn. Món canh quả thật rất kinh khủng. Nó mặn chát như thể cho cả tấn muối vào vậy… Nhưng rõ ràng Nhung đã nêm rất vừa miệng rồi mà…

Trước khi nước mắt làm nhòa hoen đi tất cả, Nhung vẫn kịp trông thấy khuôn diện đắc ý của Ly với cái nhếch mép khinh khi ấy… Lẽ nào…

Chẳng bao giờ có thể tìm ra bất cứ bằng chứng gì để biết được sự thật.

Suốt gần một năm sau đó, Nhung cứ thế sống trong chịu đựng sự khắc nghiệt tột cùng của má lẫn nỗi ghẻ lạnh của em chồng. Có những đêm tấm tức nhưng Nhung cũng chẳng dám òa lên thành tiếng, dẫu chồng nằm kề bên. Thành quả là một người chồng tốt. Nhưng anh còn làm một người con tốt hơn. Anh răm rắp nghe lời má, chẳng một lời ý kiến. Nhung từng tâm sự với chồng, nhưng dần dà thưa dần rồi thôi. Anh không quan tâm nhiều đến chuyện trong nhà. Việc của anh là đi làm kiếm tiền về… đưa cho má.

“Vợ con nó làm gì mà biết giữ tiền? Cứ đưa hết cho má, cần tiêu xài gì thì má đưa lại cho!”

Không những đưa lại, má còn cho anh thêm. Nên Thành một mực làm người con trai hiếu thảo.

Tiếng nói vốn dĩ đã yếu ớt của Nhung trong căn nhà tù túng này mỗi lúc một nhỏ dần rồi tắt lịm. Nhung thu mình trong góc tường cô đơn, chẳng ai sẽ chia, chẳng ai thấu hiểu – kể cả người chồng ai nhìn vào cũng khen là tốt của mình.

Thế rồi, như một phép màu, đột nhiên Nhung được sống sung sướng trong hết mực yêu thương của cả nhà chồng.

Ấy là khi má hay tin Nhung đã có thai. Thái độ của má bỗng nhiên thay đổi hẳn và bắt đầu săn sóc cho Nhung từng ly từng tý. Những tháng ngày ấy có lẽ là những tháng ngày hạnh phúc nhất trong quãng đời làm dâu của Nhung.

“Bắt đầu từ giờ con không cần dậy sớm nấu nướng làm việc nhà nữa, cơm nước trong nhà để má lo. Việc của con là ăn đồ má nấu và nghỉ ngơi dưỡng thai, nghe chưa!”

Ngay cả cách xưng hô của má cũng khác trước… Con ơi, má vui lắm, cảm ơn con… hi vọng của má, tương lai của má… Nhung xoa bụng, nhủ thầm với sinh linh bé bỏng vừa mới hình thành trong cô.

Ly cũng không khinh khỉnh với Nhung nữa. Nó giống anh trai nó, nghe lời má răm rắp. Bây giờ thì vị trí trong nhà bị đảo ngược hoàn toàn. Ly là người phải dậy sớm phụ cơm nước với má chứ không được phép ngủ nướng vì ỷ lại đã có chị dâu. Dẫu vậy, nó cũng không càm ràm gì nhiều vì chỉ cần xòe tay xin tiền là má cho ngay, mà lại còn nhiều hơn trước đây. Chắc là việc có cháu nội khiến má thấy vui vẻ mà mở lòng hơn chăng?

Chín tháng mười ngày vụt trôi như một giấc mộng vàng mà cả đời Nhung sau này dẫu nhắm mắt lại bao nhiêu cũng chẳng thể tìm thấy được nữa. Đời người phải chăng cũng chỉ là một giấc mộng lớn, đến khi tỉnh mộng mới phũ phàng nhận ra thì đã muộn?

Nhung đâu biết cái ngày đứa con trai cô mang nặng đẻ đau cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc mọi khổ đau tìm về, tắp lự. Con vừa sinh ra đỏ hỏn nằm trong vòng tay Nhung còn chưa kịp ấm, má chồng đã bắt con đem qua nhà chị họ của chồng ở sát bên cũng đang nằm ổ. Con của mình mà lại bú sữa người ta. Nhung có được ôm con, cho con bú ngày nào đâu… Thay vào đó, má chồng ra lệnh cô phải thức sớm cơm nước việc nhà như trước đây, đẻ xong rồi thì phải làm, đâu có nằm chán rồi ăn không mãi thế được.

Hóa ra lâu nay má chưa hề thật lòng thật dạ yêu thương gì Nhung cả. Má chỉ xem cô như… cái “máy đẻ” thôi sao? Một khi cái máy ấy đã hết giá trị sử dụng, người ta sẽ ngay lập tức hắt hủi coi thường. Nước mắt đi xa nay đã quay trở lại cùng với màn đêm. Tại sao? Tại sao vậy? Con ơi, tại sao má lại khổ thế này? Con trai của má ơi…

* * *

“A-lô, Nhung hả, tao đang ở gần nhà mày nè… Giờ tao qua chơi với mày nhé, tiện thăm em bé luôn…”

“Ừ…”

Nhung chỉ biết ậm ừ trả lời cô bạn thân qua điện thoại vậy thôi. Nhưng chắc chắn có đến nó cũng chẳng thể gặp được con trai Nhung đâu – điều mà ngay cả chính bản thân cô cũng bất lực không làm được.

Vừa mở cổng đón bạn vào, Nhung đã bị Ly nhíu mày cau mặt hỏi:

“Ai vậy chị Nhung?”

“À… bạn chị qua chơi…”

Nhung lại thấy khó thở nhưng vẫn cố tươi cười với bạn.

“Mày khỏe không… À, cho tao xin lỗi, nhưng tao đi nhờ toilet đã được không?”

“Ừ, mày vào trong kia…”

Ly khó chịu liếc xéo Nhung một cái. Thế rồi, trong khoảnh khắc, Nhung thấy nó nhếch mép đầy ẩn ý.

Lúc Ly mở cổng chạy ra ngoài đường, Nhung đâu ngờ tai họa rồi sẽ đến chỉ chốc lát đây nữa thôi…

Đi toilet xong, cô bạn ngồi nói chuyện hỏi han rồi đòi gặp con trai Nhung, bí quá Nhung đành bảo:

“Má chồng mới bế qua nhà chị họ kế bên rồi mày, thôi để khi khác nhé…”

Chuyện phiếm một hồi thì cô bạn cũng phải về vì có việc. Bóng dáng bạn vừa khuất xa thì một âm thanh của thịnh nộ đã dội vào tai Nhung kèm theo cái tát đau điếng.

“Đồ mất dạy!”

Nhung choáng váng ngã xuống nền đất lạnh của khoảnh sân nhà chồng. Má chồng đứng đó, sừng sững trước mắt, ngón tay chỉ thẳng vào mặt cô:

“Cút! Cút khỏi nhà tao ngay! Đúng là nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà mà!”

Chuyện gì thế này? Nhung không hiểu, chẳng bao giờ hiểu được tại sao mình luôn là người phải chịu hết mọi uất ức. Hay là bởi cô vốn dĩ nợ những người này, gia đình này… không chỉ kiếp này mà từ nhiều kiếp trước… Cái nợ ấy lớn đến nỗi cô không bao giờ trả nổi, dẫu có đi hết cả kiếp này chăng nữa.

Phải không? Phải vậy không?

Sau lưng má chồng là Ly, vẫn cái nhếch mép quen thuộc ấy.

“Mày cho đứa nào vào nhà tao ăn cắp ăn trộm? Cút về nhà mày đi! Tao không có đứa con dâu như mày!”

Tai Nhung ù đi chẳng còn nghe thấy gì nữa. Hôm ấy, Thành không có nhà. Mà nếu có, chắc gì anh đã nói được dù là vài câu bênh vợ, hay chỉ răm rắp nghe lời má…

* * *

“Nam Mô A Di Đà Phật…”

“Là con, con đây má à…”

Sư cô nhắm mắt lại để tự trấn tĩnh mình. Nó… đã lớn thế này rồi ư?

Trong khoảnh khắc, sư cô lại thấy người con gái tên Nhung trong quá khứ đang lủi thủi bưng tô cơm ăn một mình trong góc phòng. Không phải là phòng của vợ chồng cô. Đó là căn phòng cô từng ở cùng với em gái ruột trước khi về nhà chồng.

Thoáng nhớ lại hôm đó, hai bàn tay Nhung đã run lẩy bẩy không thể bưng nổi tô cơm mà phải đặt xuống nền đất. Tại sao? Tại sao lại đối xử với tôi như vậy?

Nhung ôm đầu, mắt nhắm nghiền. Những câu hỏi cứ thế vang lên như tra tấn dày vò cô. Chẳng lẽ tôi phải chết thì mọi người mới vừa lòng? Tôi có chết mọi người cũng chẳng quan tâm đâu, phải không?

Con ơi! Con ơi…

“A-lô! Mấy người qua nhà dắt con về đi! Tôi trả dâu!” Những lời cay nghiệt độc địa của má chồng như mũi dao sắc lẹm đâm thẳng vào tim Nhung mấy nhát. Cô biết mình đã chết, đã bị họ sát hại… kể từ giây phút đó.

Dẫu ba má Nhung có đích thân sang nhà chồng nói chuyện cho phải lẽ, cuộc hôn nhân ấy cũng chẳng thể cứu vãn được. Nhung trở về nhà, một tuần sau thì nhận được đơn ly hôn có chữ ký của Thành. Ra vậy… ngay cả anh cũng chưa bao giờ thương yêu gì tôi…

Về nhà, cuộc sống vẫn chẳng thể yên ổn hơn với Nhung. Em gái Nhung khó chịu hệt như Ly vậy, vì chị về nhà chiếm chỗ không gian riêng của nó. Những bữa cơm của cả nhà chẳng bao giờ có sự hiện diện của Nhung. Bới xong tô cơm là Nhung lẳng lặng lên lầu chui vào góc phòng ăn một mình. Lắm khi nhìn xuống, tô cơm đã chan đầy nước mắt…

“Bà kia! Đem tô xuống cho người ta rửa… thứ gì…” – Giọng con em gái vọng lên.

Nhung nhai vội cho hết cơm, quệt nhanh hàng lệ trên mi rồi đem tô xuống.

Xuống đến nơi, Nhung chạm mặt chị dâu đang rửa chén. Cô chợt nhớ lại ngày xưa, lúc chị dâu mới về nhà chồng, Nhung cũng từng đối xử với chị tàn tệ chẳng khác gì con bé Ly. Trời ơi… là nhân quả báo ứng ư?

Lẽ nào…

Con ơi… Giờ con thế nào? Má nhớ con… Má nhớ con nhiều lắm…

Má chồng cấm tiệt Nhung bén mảng đến thăm con. Khi con bắt đầu chập chững đi nhà trẻ, Nhung vừa dò hỏi được nhà trẻ nào để tới nhìn con thì ngay lập tức ngày mai không thấy nó ở đó nữa. Má chồng chỉ cần nghe cô giáo nói lại là chuyển nhà trẻ cho cháu ngay.

Tuyệt vọng, Nhung lên chùa nghe kinh, một thời gian sau thì quyết định xuống tóc quy y, lập am ở chùa này.

* * *

Sư cô mở mắt ra. Thực tại trở về với đứa con trai đã trưởng thành đang hiển hiện trước mắt. Sư cô cố ngăn dòng lệ tuôn, nhưng không thể.

“Má… má ơi…”

“Con… con trai của má…”

Một già một trẻ ôm chầm lấy nhau đoàn tụ trong cõi thanh tịnh của cửa Phật.

Cứ thế, cách tuần là con trai lại lặn lội đến thăm sư cô một lần.

Thế rồi một hôm, đột nhiên nó cất tiếng hỏi:

“Con biết căn nhà mặt tiền ông bà ngoại để lại đang được cả họ hàng cho người ta thuê với giá cao… Má cho con phần tiền chia của má, được không?”

Bàng hoàng, giây phút đó sư cô chợt hiểu rằng món nợ đời của mình vẫn chưa hề chấm dứt.

Phật dạy chẳng sai:

Đứa con trai ở kiếp này, chính là chủ nợ của mình từ kiếp trước…./.

Lưu Quang Minh – 8/2015

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button