Review

Tuổi 20 – Những Năm Tháng Quyết Định Cuộc Đời Bạn

Thể loại Kỹ Năng – Chuyên Ngành
Tác giả Meg Jay
NXB NXB Lao Động Xã Hội
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 315
Ngày xuất bản 11-2014
Giá bánXem giá bán

Xin đừng hoang phí tuổi 20!

20 – lứa tuổi của tự do, khát khao kiếm tìm những điều mới mẻ, những cuộc gặp gỡ, những khám phá thú vị; 30 – lứa tuổi của công việc, hôn nhân và cuộc sống gia đình. Đó là quan niệm thường thấy ở rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Và thế là, suốt những năm tháng tuổi 20, bạn mải mê vui chơi, mải mê khám phá mà không có chút định hướng nào cho công việc và cuộc sống của mình sau này. 30 tuổi – bạn chợt giật mình nhìn lại và cảm thấy hoang mang về mọi thứ. Bạn chưa có bất cứ thứ gì trong tay − sự nghiệp, tài sản và một gia đình hạnh phúc của riêng. Lúc này bạn mới vội vàng tìm kiếm một công việc, yêu và cưới vội lấy một người mà tình cảm chẳng hề sâu sắc, tích góp để đến gần cuối đời mới đủ tiền làm nhà – một cuộc sống vội vàng, buồn tẻ và thiếu định hướng cho tương lai. Lúc này, bạn mới ngoái nhìn lại, hối hận và tự nhủ: “Mình đã làm gì? Mình đã nghĩ gì lúc đó nhỉ?”, “Mình thật sự muốn thay đổi lại những điều mà mình đã nghĩ và đã làm ở tuổi 20”.

Cuốn sách Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời bạn là một cẩm nang hướng dẫn tâm hồn cho các bạn trẻ lứa tuổi 20 để vượt qua những quan niệm sai lầm rằng, “ta có thể làm bất cứ điều gì”, “ta còn rất nhiều thời gian”, hay “đến 30 tuổi rồi hãy cưới vợ, tậu trâu, làm nhà”.

Cuốn sách được chia thành ba phần: công việc, tình yêu, trí não và cơ thể. Trong từng phần, bạn sẽ được trải nghiệm các tình huống cụ thể, những cách thức suy nghĩ của những con người trong độ tuổi 20. Trong phần “Công việc”, bạn sẽ thấy rằng công việc trong độ tuổi 20 gần như là những công việc mang tính hệ quả nhất về nghề nghiệp mà bạn sẽ có. Bạn sẽ hiểu vì sao những mối quen sơ lại có thể có tác động mạnh mẽ đến sự nghiệp của mình đến thế hay việc tích lũy vốn sống quan trọng đến nhường nào để giúp bạn tìm kiếm được những công việc tốt hơn và đúng với mong muốn hơn. Trong phần “Tình yêu”, bạn sẽ hiểu được vì sao các lựa chọn quan hệ tình cảm trong những năm tháng tuổi 20 có lẽ còn quan trọng hơn các lựa chọn công việc. Bạn sẽ có những khám phá thú vị về việc sống thử chưa chắc đã là một quyết định đúng đắn dành cho hai người sắp kết hôn, hay việc bạn hoàn toàn có thể tự lựa chọn gia đình cho bản thân mình chứ không phải như quan niệm sai lầm mặc định rằng: “bạn không thể chọn gia đình cho mình mà chỉ có thể chọn bạn bè”. Trong phần “Trí não và cơ thể”, bạn sẽ hiểu được bộ não vẫn tiếp tục phát triển trong những năm 20 tuổi của mình vẫn đang nhào nặn bạn thành người lớn như thế nào, cũng như khi cơ thể bạn trong giai đoạn này bắt đầu bước vào những năm tháng tràn trề nhựa sống nhất. Những gì bạn học được và trải nghiệm trong độ tuổi 20 sẽ gắn chặt vào trí não của bạn và quãng thời gian này chính là cơ hội tốt nhất để bạn điều chỉnh trí não, thay đổi cách bạn suy nghĩ và phản ứng trước các sự vật, sự việc.

Thông điệp xuyên suốt cuốn sách này là hãy bắt đầu sống cuộc sống của bạn và tự chịu trách nhiệm về nó ngay từ bây giờ. Đừng tin vào những lời nói dối rằng tuổi 20 của bạn là độ tuổi của tự do và mơ mộng, mọi thứ đều sẽ diễn ra một cách êm đềm. Một công việc vô nghĩa và các kết nối ngẫu nhiên sẽ không mang lại điều kiện cần thiết để xây dựng danh tiếng của bạn, xác lập những gì bạn quan tâm hay nhớ đến trong tương lai.

Xin đừng lãng phí những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời bạn để làm những điều vô nghĩa. Vì vậy, nếu bạn vẫn đang trong độ tuổi này, hãy bắt đầu chuẩn bị trau dồi và bồi đắp những thiếu sót cũng như kinh nghiệm cần có ngay từ bây giờ. Nếu đã trải qua giai đoạn này, xin hãy giúp những người đang và sẽ bước vào giai đoạn này định hướng được trước những “ngã tư đường đời” đầy thông tin nhiễu động và sự bối rối khi phải lựa chọn và bước tiếp. Bởi những điều này sẽ có sức ảnh hưởng vô cùng lớn trong sự nghiệp, hôn nhân và hạnh phúc sau này của bạn – những con người của độ tuổi 20.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả cuốn sách vô cùng bổ ích này!

Tháng 9 năm 2014
Công ty Cổ phần Sách Alpha

[taq_review]

Trích dẫn

Gửi thế hệ Y1 1

Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời bạn là cuốn sách dành cho những người trong độ tuổi 20. Các bậc phụ huynh cho rằng cuốn sách này là dành cho họ. Đồng nghiệp nghĩ rằng tôi viết cuốn sách này cho những nhà trị liệu và học giả khác. Khi những người trong độ tuổi 20 hỏi tôi, “Độc giả của cô là ai?”, họ có vẻ thực sự ngạc nhiên, nhưng cũng rất thích thú, khi tôi trả lời, “CHÍNH LÀ BẠN!”

Nhiều người có vẻ ngạc nhiên bởi thay vì nói về những người trong độ tuổi 20, tôi thích nói chuyện với họ hơn. Tôi đã chán cảnh người lớn xúm lại bàn luận về những người ở độ tuổi dưới 30. Những người trong độ tuổi 20 cũng là người trưởng thành và họ xứng đáng được tham gia vào cuộc nói chuyện về chính cuộc đời họ. Văn hóa đại chúng khiến ta tin rằng thanh niên tuổi 20 quá ngầu, quá khù khờ, lười nhác hoặc quá tẻ nhạt để tham gia vào cuộc nói chuyện kiểu này, nhưng điều này không đúng. Văn phòng của tôi, các khoá học đại học và cao học của tôi đầy những người trong độ tuổi 20 tha thiết muốn có ai đó cùng họ thảo luận về cuộc đời của mình một cách đích thực và hiểu biết. Trong cuốn Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời bạn, tôi sử dụng các nghiên cứu và kinh nghiệm điều trị để xua tan những ngộ nhận về độ tuổi 20: rằng 30 là độ tuổi 20 mới, rằng ta không thể chọn gia đình cho mình, rằng làm gì đó muộn hơn nhất thiết là phải làm nó tốt hơn. Nhưng có lẽ điều hoang đư ờng nhất chính là quan niệm những người trong độ tuổi 20 chưa đủ hiểu biết để quan tâm đến những thông tin này hay khả năng thay đổi cuộc sống của họ.

Những người trong độ tuổi 20 ở thế kỷ XXI – thế hệ Y – không phải là những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số, lập gia đình và được đảm bảo sự nghiệp sớm và nhanh chóng. Họ đang làm những công việc bấp bênh nhất và về nhà vào tối muộn, ở chung với những bạn cùng phòng khó đoán thay vì những người thân yêu. Và thế hệ Y không phải là thế hệ X – thế hệ đầu tiên trì hoãn toàn bộ chuyện gia đình và sự nghiệp. Họ đang học được từ anh chị em và đồng nghiệp thuộc thế hệ X rằng có những mặt trái của việc đẩy lùi quá xa những mốc quan trọng trong cuộc đời sang tuổi 30 và 40. Họ thấy được những áp lực mà nhiều người thuộc thế hệ X đang phải gánh chịu – và họ muốn có những lựa chọn khác.

Xu hướng đã chuyển từ “Tôi ổn định quá sớm” sang “Tôi bắt đầu quá muộn” và thế hệ Y đang tìm cách đi đúng hướng. Tuy nhiên, khi những mong đợi quá lớn gắn với thế hệ Y gặp phải cuộc Đại Suy thoái, “việc đi đúng hướng” đã trở nên quá xa vời. Tuy vậy, thay vì luyến tiếc những gì mà nền kinh tế – hay cha mẹ – đã làm cho mình, thế hệ Y đã sẵn sàng và đang chờ đợi ai đó hỏi họ. “Bạn sẽ làm gì?”

Từ khi cuốn Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời bạn được xuất bản vào tháng 4 năm 2012, số độc giả đông đảo nhất và tốt nhất của cuốn sách là những người trong độ tuổi 20 thuộc thế hệ Y. Tôi đã nhận được nhiều tin nhắn cảm động từ các bậc cha mẹ, chẳng hạn như “Điều duy nhất tôi mong muốn trong Ngày của mẹ 2 năm nay là con tôi sẽ đọc cuốn sách của cô.” Hay từ những người trong độ tuổi 30, “Tôi ước rằng sách của cô được xuất bản khi tôi vẫn đang tuổi đôi mươi.” Nhưng những lời thổ lộ thẳng thắn nhất và nhiều nhất đến từ những người trong độ tuổi 20, qua e-mail, Facebook hay Twitter đã cho tôi biết rằng một cuốn sách dành riêng cho họ có ý nghĩa đến thế nào. Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao những người trong độ tuổi 20 này lại chưa từng có cảm giác được trò chuyện cùng?

Chúng ta có thể quy trách nhiệm cho các điều kiện văn hóa hiện tại, ở đó những người trong độ tuổi 20 phần lớn được bảo trợ và bị “ra rìa”, nơi danh tính của họ thường là con của những người thuộc thời kỳ bùng nổ dân số hơn là chính bản thân con người họ. Nhưng có lẽ cũng là do tôi được thấy một khía cạnh của những người trong tuổi 20 mà phần lớn mọi người không thấy được.

Tôi làm việc với khách hàng trong độ tuổi 20 đầu tiên muốn tham gia tâm lý liệu pháp vào năm 1999 và trong hơn 10 năm tôi gần như không làm gì ngoài việc lắng nghe những người thuộc thế hệ Y nói hàng ngày, sau những cánh cửa đóng kín. Những người trong tuổi 20 ngày nay có thể bị coi là những kẻ chia sẻ quá nhiều, nhưng những gì họ viết trên blog, Facebook và Twitter còn đầy đủ hơn những gì họ nói khi đến văn phòng tôi. Vì vậy tôi biết những điều mà phần lớn mọi người không biết về những người trong độ tuổi 20 – và tôi thậm chí còn biết những điều mà những người ở độ tuổi này không hề biết về bản thân họ.

Nghe có vẻ khác thường, nhưng những người thuộc thế hệ Y cảm thấy nhẹ nhõm và thậm chí là mạnh mẽ hơn, khi ai đó có can đảm mở đầu một cuộc nói chuyện về bản thân họ và về thực tế mà họ sợ phải đề cập đến. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng các khách hàng – và độc giả – không sợ bị hỏi những câu hỏi khó; điều họ thật sự sợ hãi là họ sẽ không bị hỏi những câu hỏi khó ấy. Khi những người trong độ tuổi 20 nghe tôi nói, phản ứng thường thấy nhất không phải là “Không thể tin được là cô lại nói vậy,” mà là “Tại sao không ai nói với tôi điều này sớm hơn?”
Những năm tháng tuổi 20 của bạn có ý nghĩa rất quan trọng. 80% những thời điểm có tính định hình nhất cuộc đời là trước năm 35 tuổi. 2/3 tăng trưởng lương cả đời diễn ra vào 10 năm đầu sự nghiệp. Hơn một nửa trong chúng ta sẽ kết hôn, hoặc đang hẹn hò, hoặc sống với bạn đời tương lai trước năm 30 tuổi. Tính cách thay đổi nhiều nhất trong những năm tháng tuổi 20, hơn bất kỳ giai đoạn nào trước hoặc sau đó. Não bộ kết thúc giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất vào độ tuổi 20. Khả năng sinh sản của phụ nữ mạnh nhất ở tuổi 28.

Thế hệ Y và cha mẹ, nhà lãnh đạo hay giáo viên hoặc bất cứ ai quan tâm đến vấn đề này, cuộc trò chuyện này thì cuốn sách này là dành cho bạn.

Lời tựa

Trong một nghiên cứu hiếm hoi về sự gia tăng của tuổi thọ, các nhà nghiên cứu ở Đại học Boston và Đại học Michigan đã tìm hiểu hàng tá những câu chuyện đời được những người thành đạt và nổi tiếng viết lúc cuối đời. Họ quan tâm đến “các trải nghiệm hệ quả trong suốt cuộc đời”, hay những tình huống và con người có ảnh hưởng mạnh nhất đến cuộc đời về sau. Mặc dù các sự kiện quan trọng xuất hiện trải dài từ khi con người sinh ra đến khi chết đi, nhưng những sự kiện quyết định những năm tháng phía trước tập trung nhiều nhất trong giai đoạn tuổi 20.

Khi ta rời gia đình hay trường học, trở nên độc lập hơn cũng là lúc xuất hiện sự tự sinh, thời kỳ mà những gì ta làm sẽ quyết định ta trở thành người như thế nào. Thậm chí có vẻ như thời kỳ trưởng thành là khoảng thời gian kéo dài của các trải nghiệm hệ quả tự truyện – nên càng nhiều tuổi, ta càng định hướng cuộc đời nhiều hơn. Điều này không đúng.

Ở độ tuổi 30, các trải nghiệm mang tính hệ quả bắt đầu chậm dần. Quá trình học hỏi đã kết thúc, hoặc gần kết thúc. Ta đã đầu tư thời gian vào sự nghiệp hoặc không. Ta, hoặc bạn bè của ta, có thể đang xây dựng các mối quan hệ và lập gia đình. Ta có thể đã sở hữu nhà cửa hoặc có những trách nhiệm khác khiến việc chuyển hướng trở nên khó khăn. Với khoảng 80% những sự kiện quan trọng nhất trong đời xảy ra trước năm 35 tuổi, ở độ tuổi 30 hoặc hơn chúng ta phần lớn tiếp tục hoặc sửa chữa những bước đi của mình trong những năm độ tuổi 20.

Điều trớ trêu là độ tuổi 20 có thể không cảm nhận được tất cả những ảnh hưởng mang tính hệ quả đó. Ta dễ dàng cho rằng những trải nghiệm quan trọng của cuộc đời bắt đầu bằng những thời điểm quan trọng và những cuộc gặp gỡ thú vị, nhưng sự thật không phải thế.

Các nhà nghiên cứu trong cùng đề tài này tìm ra rằng phần lớn những sự kiện quan trọng và bền vững – những sự kiện dẫn đến việc có hay không có thành công trong sự nghiệp, của cải cho gia đình, hạnh phúc cá nhân – phát triển qua nhiều ngày, nhiều tuần hay nhiều tháng chứ ít có tác động mạnh tức thì nào. Tầm quan trọng của những trải nghiệm này vào thời điểm đó chưa hẳn đã rõ ràng, nhưng khi ngẫm lại, các đối tượng nhận ra rằng những sự kiện này đã định hình tương lai của họ một cách mạnh mẽ. Cuộc đời của chúng ta được quyết định phần lớn bởi những khoảnh khắc có ảnh hưởng sâu rộng ở độ tuổi 20 mà có khi ta còn không nhận ra được.

Cuốn sách này viết về việc nhận ra những khoảnh khắc mang tính định hình ở độ tuổi 20 ấy. Nó viết về lý do tại sao tuổi 20 của bạn lại đóng vai trò quan trọng và làm thế nào để tận dụng tối đa khoảng thời gian này.

Khi Kate bắt đầu tham gia trị liệu tâm lý, cô đang làm công việc phục vụ bàn, đã sống chung – và cãi nhau – với bố mẹ cô được hơn một năm. Bố cô đã gọi đến để đặt lịch cuộc hẹn trị liệu đầu tiên cho cô. Cả hai đều đoán rằng các vấn đề rắc rối giữa cha và con gái sẽ nhanh chóng được đưa lên thảo luận trước tiên. Nhưng điều khiến tôi chú ý nhất là Kate đang lãng phí những năm tháng tuổi 20 của mình. Lớn lên ở thành phố New York, 26 tuổi và đang sống ở Virginia, cô vẫn chưa có bằng lái xe, dù điều này hạn chế các cơ hội việc làm dành cho cô và khiến cô cảm thấy mình chỉ là một hành khách trong chính hành trình của đời mình. Việc Kate thường xuyên muộn giờ hẹn với tôi cũng liên quan một phần đến chuyện đó.

Khi tốt nghiệp đại học, Kate đã hy vọng được trải nghiệm những năm tháng rộng mở của độ tuổi 20, điều mà bố mẹ đã luôn tích cực khuyến khích cô. Bố mẹ cô kết hôn ngay sau khi tốt nghiệp đại học vì họ muốn cùng nhau đi châu Âu và trong những năm đầu thập niên 1970, đối với gia đình hai bên, điều này là không thể tha thứ. Họ đi hưởng tuần trăng mật ở Ý và quay trở lại khi mẹ cô mang thai. Bố Kate dùng tấm bằng kế toán để mưu sinh trong khi mẹ cô bận rộn nuôi dưỡng 4 đứa trẻ và Kate là đứa nhỏ nhất trong số đó. Cho đến thời điểm này, Kate đang dành những năm tháng tuổi 20 để bù lại những gì bố mẹ cô đã bỏ lỡ. Cô cho là mình nên tận hưởng khoảng thời gian đẹp nhất cuộc đời này, nhưng ng ược lại, cô hầu như chỉ cảm thấy căng thẳng và lo âu. “Những năm tháng tuổi 20 của tôi thật đáng sợ”, cô nói “Không ai bảo cho tôi biết rằng nó sẽ khó khăn đến thế này.”.

Kate lấp đầy tâm trí mình bằng những bi kịch của độ tuổi 20 nhằm sao lãng bản thân khỏi tình hình thực tại của cuộc đời mình và có vẻ cô cũng muốn điều tương tự trong những giờ trị liệu tâm lý. Khi đến các buổi trị liệu, cô tháo đôi giày Toms, xắn ống quần jeans và cập nhật cho tôi về dịp cuối tuần. Các cuộc trò chuyện của chúng tôi thường rất “đa phương tiện” khi cô lôi e-mail và ảnh ra để khoe với tôi và tiếng chuông tin nhắn luôn xuất hiện trong các buổi trị liệu của chúng tôi với những tin tức thời sự nóng hổi nhất. Đâu đó giữa các cập nhật cuối tuần của Kate, tôi phát hiện ra rằng: Cô nghĩ mình có thể thích làm công việc gây quỹ và hy vọng sẽ tìm ra được thứ mình muốn làm vào tuổi 30. “30 tuổi là tuổi 20 mới,” cô nói.

Tôi quá tâm huyết với độ tuổi 20 để có thể khiến Kate, hay bất kỳ người nào khác trong độ tuổi này, lãng phí thời gian của họ. Là một chuyên gia trị liệu tâm lý lâm sàng với chuyên môn trong lĩnh vực phát triển của người trưởng thành, tôi đã thấy vô số những người trong độ tuổi 20 dành quá nhiều năm sống mà không có tầm nhìn. Điều tệ hơn nữa chính là những giọt nước mắt của những người trong độ tuổi 30 hay 40 vì họ đang phải trả một cái giá quá đắt – trong sự nghiệp, tình cảm, con cái, kinh tế – vì đã thiếu tầm nhìn trong những năm tháng tuổi 20. Tôi yêu mến Kate và muốn giúp đỡ cô, nên tôi đề nghị cô phải đến đúng giờ. Tôi cắt ngang những câu chuyện về cuộc hẹn hò mới nhất để hỏi thăm tình hình bằng lái xe và tìm việc làm của cô. Có lẽ điều quan trọng nhất là Kate và tôi đã tranh cãi rằng việc trị liệu tâm lý – và những năm tháng tuổi 20 của cô – nên diễn ra như thế nào.

Kate tự hỏi liệu cô có nên dành vài năm trị liệu tâm lý để giải quyết mối quan hệ với bố mình hay không, hay là sử dụng số tiền và thời gian đó cho tấm vé tàu lửa Eurail xuyên châu Âu trên hành trình tìm kiếm bản thân mình. Tôi chẳng bầu chọn cho ý tưởng nào cả. Tôi bảo Kate rằng trong khi hầu hết các chuyên gia tâm lý đều đồng tình với Socrates rằng “Cuộc đời chưa được tìm hiểu thì chẳng đáng sống”, thì có một câu trích dẫn ít nổi tiếng hơn của chuyên gia tâm lý người Mỹ tên là Sheldon Kopp có lẽ lại quan trọng hơn: “Cuộc đời chưa sống qua thì chẳng đáng tìm hiểu.”

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button