Review

Trưởng Thành Sau Ngàn Lần Tranh Đấu

Thể loại Kỹ năng – Cuộc sống
Tác giả Kim Ran Do
NXB NXB Hà Nội
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 560
Ngày xuất bản 03-2016
Giá bánXem giá bán

Không chao đảo thì không phải là người lớn, phải ngàn lần tranh đấu mới có thể trưởng thành. Có đau đớn mới là tuổi trẻ? Nếu vậy thì có chao đảo mới trở thành người lớn. Đúng vậy, có chao đảo một chút cũng không sao, sự dao động của bạn và của tôi là hành trình hết sức tự nhiên mang tên “trưởng thành”.

“Cuốn sách này được viết cho bạn – người đang chao đảo bên ngưỡng cửa trưởng thành. Tôi trưởng thành sớm hơn bạn một chút, đôi khi vẫn còn hành xử chưa ra dáng người lớn lắm, tôi viết cuốn sách này để ‘lắng nghe’ câu chuyện của bạn. Hẳn bạn sẽ lấy làm lạ, sách là phương tiện để ‘nói’, vậy mà tôi lại muốn thông qua sách để ‘lắng nghe’? Đúng vậy, tôi không muốn đơn phương lên lớp về những bí quyết trưởng thành. Tôi chỉ muốn làm một thính giả chân tình và cởi mở, giúp bạn đích thân cất lời, nói ra những vấn đề của bản thân. Đọc chỉ giúp bạn rút ra kết luận mà thôi, nhưng một khi nói ra, bạn sẽ tìm ra cách chữa trị cho chính mình. Vậy nên, cùng với cuốn sách này, bạn hãy bắt đầu câu chuyện đè nén, chất chứa trong lòng bấy lâu nay…”

[taq_review]

Trích dẫn


KHÚC DẠO ĐẦU

Gửi bạn – Người lúc này đang chao đảo bên ngưỡng cửa trưởng thành

Mùa đông vừa rồi dai dẳng một cách lạ thường. Cho tới tận lúc buộc phải nhường chỗ cho mùa xuân, mùa đông vẫn cứ gan lì cầm cự. Phải đến cuối tháng Tư, sau khi bị cơn mưa rào xối xả đổ xuống dọa cho một trận, mùa đông cuối cùng mới chịu rút lui. Trong lúc mùa xuân già nua còn lóng ngóng ngập ngừng, không sao tìm được chỗ của mình, mùa hè trẻ trung đã nhanh chóng chiếm lĩnh thành phố. Giữa trận chiến của của hai mùa, tạo vật đã lụi tàn lại đơm bông trổ lá. Mùa xuân năm nay, hoa mai, liên kiều, đỗ quyên, mộc lan, anh đào… không còn giữ được đúng thứ tự trổ bông nữa, mà tất cả đồng loạt bung nở.

Mùa đông vừa qua đi, trời như đã chớm hạ tự lúc nào.

Chúng ta đã lạc mất mùa xuân.Phải chăng xã hội này cũng giống như tự nhiên? Thiên nhiên đã mất đi mùa xuân thư thái, xã hội cũng đang lạc mất tuổi thanh xuân tươi trẻ. Thời niên thiếu gần như bị chôn vùi trong những kỳ thi khốc liệt, những con người trẻ tuổi đáng ra phải đắp xây những giấc mộng đời thắm xanh cao đẹp thì lại bị cuốn vào cuộc chiến thành tích ngày càng khắc nghiệt hơn, và rồi một ngày nọ, thoắt một cái, đã bị đẩy tới ngưỡng cửa trưởng thành. Kiếm tiền, đóng thuế, kết hôn, sinh con… chúng ta phải đối mặt với những trách nhiệm chẳng mấy thích thú của người lớn như vậy. Dù đã sẵn sàng hay chưa, chúng ta vẫn phải ra vẻ mình đã trưởng thành.

Đất trời đã lạc mất mùa xuân, cuộc đời đã lỡ hẹn với tuổi trẻ.

Mới đầu, tưởng rằng chỉ cần kiếm được việc làm thì mọi việc thế nào cũng ổn. Vậy nhưng đột nhiên ta đâm sầm phải gánh nặng trách nhiệm ngày càng chồng chất, quay cuồng chiến đấu đến quên đường lạc lối rồi mới nhận ra một điều: Trưởng thành không phải thứ tự nhiên mà có được. Có thể thời thanh xuân mang tới tuổi trẻ một cách thật tự nhiên, nhưng trưởng thành thì lại khác. Không phải cứ thêm tuổi, cứ tốt nghiệp ra trường là nghiễm nhiên trở thành người lớn. Phải lặp lại bao phép thử-sai, chập chững học từng chút một về cuộc đời, học đến đâu, dần dần trưởng thành từng chút một đến đó.

Chúng ta trở thành người lớn một cách khó khăn như thế đó.Thời buổi bây giờ thật chẳng dễ dàng gì. Cạnh tranh ngày càng khốc liệt, hơn tất cả các thời kỳ trước trong quá khứ. Giữa màn đêm tăm tối ngột ngạt không lối thoát, tất cả cứ lao đi như con thiêu thân mà chẳng hề biết đích đến ở nơi đâu. Trong cuộc chạy đua dị thường này, thật khó lòng tìm được người chiến thắng. Khoảng cách tư tưởng, giàu nghèo, khoảng cách giai cấp, thế hệ, khoảng cách vùng miền ngày càng rộng hơn, xã hội mất đi lực hướng tâm, còn lực ly tâm thì ngày một lớn. Những người đáng ra phải hàn gắn những xung đột này thì lại kích động và lợi dụng thời cơ hòng tư lợi, trong khi đó, đối với người dân bình thường, mùa giải thất bại vẫn ngày một kéo dài.

Kinh tế trì trệ, chính trị èo uột, rồi ngay đến cả tương lai cũng mịt mờ. Xã hội càng tự do thì lại càng trở nên bức bối như bị bóp nghẹt, thật là kỳ lạ. Dưới sự bảo hộ của công ty và chính phủ, chúng ta chỉ càng thêm bất an, bất an tới mức nghẹt thở, chuyện này cũng thật không sao hiểu nổi.

Giữa cơn rung chấn mang tính thời đại ấy, người chao đảo nhiều nhất chính là những “tân binh mới vào đời” – những người lúc này đây đang chuẩn bị bước chân ra ngoài xã hội. Những người chưa thể gọi là người lớn, nhưng cũng không thể coi là trẻ con được nữa, tôi muốn gọi họ là những “tân binh mới vào đời”. Họ đã qua rồi thời kỳ còn là những cô, cậu học trò được chở che, vậy nhưng vẫn chưa được đối xử như người lớn. Những con người đó, tôi sẽ gọi họ là “tân binh mới vào đời”. Họ vẫn đang ngập ngừng, loanh quanh bên lề thế giới của người lớn. Rời ghế nhà trường, háo hức đặt chân vào đời, nhưng rồi bỡ ngỡ trước những luật đời lạ lẫm, hành trang trong tay lại chẳng nhiều nhặn gì, cuộc cạnh tranh vì thế mà chẳng dễ dàng chút nào. Xã hội lạnh lùng này sẽ chẳng dành sự khoan dung cho những kẻ non nớt mới ra ràng. Vốn quen với sự thoải mái sau hàng rào của chiếc nôi trường học, để những tân binh mới vào đời quen dần với những nguyên lý khắc nghiệt đang hiện hữu, sẽ cần thêm rất nhiều phép thử-sai.

Thế gian càng lúc càng trở nên cô độc. Ai ai cũng mải miết với những mối lo riêng mình. Chẳng phải điều này thật mỉa mai sao? Các phương tiện liên lạc, giao tiếp như điện thoại di động hay Internet phát triển nhanh chóng, nhưng những cuộc đối thoại đúng nghĩa và sự đồng cảm đang dần biến mất. Ngày xưa, không có những phương tiện trung gian như Twitter hay Facebook, nhưng thay vào đó, có “con người”. Chúng ta có thể trò chuyện với gia đình, gặp gỡ với bạn bè, quan tâm lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ nỗi đau. Khi ấy, luôn có một ai đó sẵn lòng lắng nghe câu chuyện của mình.

Người ta bảo tuổi thanh xuân thật nhiều đau đớn, nhưng có lẽ so với giai đoạn trưởng thành thì thời kỳ đó vẫn còn là hạnh phúc. Tuy nhiên, nói đúng ra thì đó là hạnh phúc trong bể cá cảnh, khi chúng ta có đèn chiếu sáng ổn định, nhiệt độ ấm áp, gia đình, bạn bè quây quần, thức ăn rắc xuống đúng giờ… Vậy nhưng, cái giá của sự bình yên đó là bức tường thủy tinh dày cộp bao quanh. Những muốn thỏa sức trải nghiệm thế giới ngoài kia, nhưng có lẽ với không ít những con người trẻ tuổi, đó vẫn chỉ là “thế giới để ước ao” từ sau bức màn bảo vệ mang tên gia đình và trường học.

Giờ thì bạn đã trở thành người lớn rồi. Bức tường thủy tinh đã vỡ. Bạn như con cá bị ném ra khỏi bể, khó nhọc, hổn hển hớp lấy từng chút không khí. Giờ thì chẳng còn làn nước ấm áp, chẳng còn ánh đèn chiếu sáng, cũng chẳng còn được cho ăn nữa. Và quan trọng nhất là… bạn chỉ có một mình. Gia đình, bạn bè cùng một bể cá khi xưa, giờ chẳng thấy đâu nữa cả.

Trở thành người lớn, bỗng chốc ấy là lý do để bao nỗi trăn trở không lời giải đáp của ta về cuộc sống chẳng thể bày tỏ cùng ai, đành cứ thế nuốt vào lòng. Đau mà không thể nói rằng đau, đó mới là đau đớn tột cùng. Nghiêm trọng hơn nữa là cứ mải mê bươn chải với cuộc đời rồi nhiễm luôn thói tật thế gian, mặc nhiên coi nỗi đau đó là chuyện đương nhiên. Để cho vết thương lòng đóng vảy thời gian, người ta cũng dần mất đi cảm giác đau. Sợ rằng giây phút cất lời kêu đau sẽ lập tức bị coi là trẻ con, chúng ta cứ thế nín lặng một mình ôm tâm bệnh.

Người lớn đôi khi nhìn thanh niên rồi phàn nàn đầy bất mãn: “Ngày xưa chúng ta đâu có vậy, bọn trẻ bây giờ làm sao thế không biết?” Ấy nhưng tôi lại nghĩ: “Có khi người lớn ngày xưa đúng là không như thế, nhưng người lớn bây giờ rốt cuộc sao lại thế này?” Người lớn bây giờ dường như vẫn chẳng “người lớn” chút nào.

Người lớn thì vẫn cứ vấp ngã, vẫn cứ đau đớn. Tại sao vậy?

Theo tôi, lý do là ở chỗ, nếu như nỗi đau của tuổi thanh xuân xuất phát từ sự bất an, thì nỗi đau của người lớn xuất phát từ sự chao đảo trong lòng.

Thuở niên thiếu, nhìn người lớn, tôi thấy họ sao mà vững chãi đến vậy. Trên đường, chạm mặt vô số người lớn, thấy vẻ mặt kiên định của họ, tôi lại nghĩ, sau này đi làm, thêm tuổi, trở thành người lớn rồi, mình cũng sẽ có được thái độ sống vững vàng như vậy. Thế nhưng, đến khi bước vào tuổi đó rồi, tôi mới nhận ra rằng không phải là như vậy. Những con người đó, họ cũng lặng lẽ chao đảo trong lòng đấy thôi.

Trưởng thành cũng có nghĩa là sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc sống của chúng ta ngày một ít đi. Giờ thì không còn bất cứ người thầy nào cầm tay chỉ dẫn ta cách học tập, cách sống nữa. Về mặt tài chính, cũng có thể tự lập ở một mức độ nào đó, thời gian sống xa gia đình cũng ngày một nhiều hơn. Thật là tự do, đúng không? Vậy nhưng, tự do cũng đồng nghĩa với trượt dốc không phanh nếu không làm chủ được mình.

Mọi thứ đều chao đảo. Nhiều nguyên tắc sống ta vun đắp bấy lâu giờ bỗng chốc dao động. Trên sân khấu cuộc đời, thay vì tạo ra những mối nhân duyên mới, thì mọi mối quan hệ đều bị lung lay. Nguyên tắc cân đối giữa thu nhập và chi tiêu cũng bị xáo trộn. Những việc hồi đi học được khen là tốt là giỏi, thì trong thế giới của người lớn không còn được gọi là việc đáng khen nữa. Thế rồi đến lúc bước vào nơi làm việc bấy lâu hằng khao khát thì trái lại, mọi thứ chỉ càng thêm mờ mịt. Quan hệ khác giới không còn được cắt nghĩa đơn thuần chỉ bằng tình yêu thời trẻ dại nữa. Phải suy tính chuyện sex, phải cân nhắc chuyện kết hôn. Sau cùng, những đớn đau, tuyệt vọng mà cuộc đời trút xuống như bão tố làm lung lay cả chút tự tôn căn bản, khiến ta tự hỏi đời mình có giá trị gì để sống tiếp hay không?

Cuốn sách này được viết cho bạn – người đang chao đảo bên ngưỡng cửa trưởng thành. Tôi trưởng thành sớm hơn bạn một chút, đôi khi vẫn còn hành xử chưa ra dáng người lớn lắm, tôi viết cuốn sách này để “lắng nghe” câu chuyện của bạn. Hẳn bạn sẽ lấy làm lạ, sách là phương tiện để “nói”, vậy mà tôi lại muốn thông qua sách để “lắng nghe”? Đúng vậy, tôi không muốn đơn phương lên lớp về những bí quyết trưởng thành. Tôi chỉ muốn làm một thính giả chân tình và cởi mở, giúp bạn đích thân cất lời, nói ra những vấn đề của bản thân. Đọc chỉ giúp bạn rút ra kết luận mà thôi, nhưng một khi nói ra, bạn sẽ tìm ra cách chữa trị cho chính mình.

Vậy nên, cùng với cuốn sách này, bạn hãy bắt đầu câu chuyện đè nén, chất chứa trong lòng bấy lâu nay.

Thêm vào đó, tôi hy vọng cuốn sách này sẽ trở thành một tấm gương để bạn soi mình vào đó.

Lên đường với một tấm bản đồ, xin hỏi, thứ đầu tiên bạn tìm kiếm là gì? Ắt hẳn, trước tiên, bạn sẽ đưa mắt tìm kiếm vị trí hiện tại được viết dưới dạng “You are here” trên bản đồ. Một tấm bản đồ chỉ dẫn chi tiết đến mấy cũng trở nên vô dụng, nếu như không cho biết tọa độ hiện tại của bạn. Cuộc đời cũng giống như vậy. Tôi đang đứng đâu, nếu như không thể xác định được điểm “I am here” đó, thì cả mục tiêu, cả kế hoạch thực hiện cũng đều thành ra vô nghĩa. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ trở thành một tấm gương phản chiếu vị trí “You are here” cho bạn – người mới trở thành người lớn, vừa bỡ ngỡ bước vào đường đời giữa một xã hội còn xa lạ.

Có lẽ cuốn sách này sẽ trở thành một chiếc gương hơi đặc biệt một chút. Đó là chiếc gương mà nếu bạn hỏi “Gương kia ngự ở trên tường, thế gian ai đẹp được dường như ta?”, nó sẽ trả lời “Bạn là người đẹp nhất thế gian.” Đó là chiếc gương sẽ dịu dàng nói với bạn rằng, dù cho bây giờ bạn đang trải qua thời kỳ hỗn loạn, nghiệt ngã, thì những triển vọng tốt đẹp nhất vẫn đang chờ đợi bạn ở phía trước.

Vậy nên, tôi mong bạn sẽ không đọc một mạch hết cả cuốn sách này, mà sẽ thỉnh thoảng lấy cuốn sách ra, như thể rút một chiếc gương nhỏ cầm tay, từ tốn đọc từng chút từng chút một. Điều tôi thực sự mong muốn là có thể trở thành công cụ hữu ích cho một ai đó.

Khi viết cuốn sách này, tôi nghĩ có lẽ cái gọi là “trưởng thành” không phải để chỉ một thời điểm đặc biệt trong hành trình phát triển con người, mà là để chỉ quá trình tự mình xoay xở chiến đấu với những dao động, chao đảo trong cuộc sống. Chúng ta chao đảo dữ dội như thế, nhưng từng chút một, chúng ta dần đứng vững, như vậy gọi là “trưởng thành”. Chính bản thân tôi cũng đã trưởng thành như thế.

Tôi sẽ hỏi bạn một câu. “Thế nào, bạn đã trưởng thành chưa?”

Cuốn sách này bàn về sức nặng của câu hỏi này, sức nặng mà bạn – người đã được gọi là “trưởng thành”, đang gánh trên vai.

Khi con trai tôi vào đại học, tôi đã viết tặng con cuốn Tuổi Trẻ – Khát vọng và Nỗi đau, phần Lời bạt với tựa đề “Gửi bạn khi rời ghế nhà trường” đã khép lại cuốn sách như thế này.
Gửi người trẻ tuổi, người bạn trẻ mới rời ghế nhà trường,

Chúc mừng bạn đã tốt nghiệp ra trường.

Và mong bạn sẽ chiến đấu hết mình.

Giờ đây, tôi sẽ bắt đầu câu chuyện từ vị trí đó. Tôi sẽ nói về nỗi niềm chao đảo của các bạn khi vừa mới ra trường, bước vào đời và bắt đầu “trở thành người lớn”. Vậy nên, tôi muốn bắt đầu cuốn sách này như sau:

Gửi bạn, người lúc này đang chao đảo bên ngưỡng cửa trưởng thành,

Cảm thương chào mừng bạn bước vào cuộc đời thực.

Và mong bạn sẽ chiến đấu hết mình.

Tháng 8 năm 2012

Xa ngắm núi Umyeon xanh ngắt một màu

Rando Kim

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button