Review

Trúng Số Độc Đắc

Thể loại Văn học trong nước
Tác giả Vũ Trọng Phụng
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Minh Long
Số trang 320
Ngày xuất bản 01-1970
Giá bánXem giá bán

Trúng số độc đắc là tác phẩm cuối đời của Vũ Trọng Phụng. Khác với lối viết tiểu thuyết trước, cứ đến ngày báo ra mới viết một chương, đưa in xong hết mới mới thành sách, Trúng số độc đắc được Vũ Trọng Phụng viết một mạch đến khi hoàn thành, tự tay đi đóng thành quyển rồi mới đưa cho nhà xuất bản. Người bạn cố trị của Vũ Trọng Phụng là Ngọc Giao kể lại rằng mấy hôm trước khi qua đời, Vũ Trọng Phụng đã nhờ mình dìu đến tận nhà in, xin mấy tờ bản thảo đã xếp chữ rồi, vẫn còn lấm lem mực in và dấu ta thợ in, đưa và dặn Ngọc Giao giữ lại để lót đầu cho mình khi đăt thi hài mình vào áo quan.

Không đậm chất trào phúng khiến người ta phải vỗ đùi bôm bốp, phá lên mà cười như Số đỏ, mà nhiều lý lẽ sâu sắc, thăng trầm hơn, nhưng vẫn mang giọng kể tự nhiên, châm biến hài hước của Vũ Trọng Phụng.

Cả tiểu thuyết chỉ tập trung vào nhân vật Phúc (nhân vật chính trúng số). Không có trang nào mà không có Phúc, tất cả chỉ để biểu đạt tâm tư suy nghĩ của anh, cả ngoại hình anh cũng chỉ được phác họa vài dòng ngắn gọn. Vũ Trọng Phụng mượn nhân vật Phúc để kể về về nhân tình thế thái, về thói đời, lòng người đổi trắng thay đen. Và cả chính Phúc, được dịp may đổi đời, rồi có cơ hội chứng kiến, hiểu và cười lòng người thế, cũng không tránh khỏi việc bản thân thay đổi theo hoàn cảnh, thời thế. Bởi vì Phúc cũng là con người.

Truyện của VTP, thường nhìn vào mặt trái cuộc sộng, mặt trái con người nhiều hơn. Thì bên cạnh đưa những cái tốt đẹp lên để người ta học tập và làm việc theo, thì cũng cần phơi mặt trái ra để tự từng người tự nhột, tự tránh, thông cảm chính mình, thông cảm cho nhau. Bởi vì chúng ta là con người.

[taq_review]

Trích dẫn


 NGÀY ĐẦU TRÚNG SỐ

Hai tuần lễ sau…
— Bốn trăm mười tám nghìn, bảy trăm sáu mươi nhăm.
Phúc vừa lẩm bẩm khẽ đọc những con số mà anh đã thuộc lòng tức là số vé của anh, vừa điềm nhiên bóc tờ Đông Phương nhật báo.
Anh rất lấy làm kinh ngạc, khi thấy trên mặt tờ báo mở rộng, tất cả sáu con số ấy, đứng theo cái trật tự ấy, dưới dòng chữ ghê gớm này: Trúng độc đắc mười vạn! Hốt nhiên anh thấy như hoa mắt, như ù tai… Anh tự hỏi: “Có lẽ nào? Có lẽ nào lại thế được? ” Y như một người đứng trước một sự quái gở nó đã xảy ra, khi tưởng rằng chẳng có đời nào nó lại xảy ra được. Tức thì anh đứng lên, đem tờ báo theo định lên gác để lấy trong tủ ra cái vé số của anh, rồi đối chiếu xem mình có nhớ nhầm hay không.
Giữa lúc sắp lên gác, anh gặp vợ anh, nên vội vàng làm cho nét mặt thản nhiên như không. Vợ anh trông thấy tờ báo, liền hỏi không sốt sắng mấy:
— A, có báo rồi đấy hả? Thế có trúng số không? Nghe đâu hôm nay có cuộc xổ số thì phải! Cậu xem xong, tôi mượn một lát nhé! Tôi cũng có mua một vé.
Anh rất mừng, tuy anh không hiểu vì sao, rằng vợ không để ý kỹ đến cái tinh thần khác thường của mình, rồi thản nhiên đáp sau một cái tặc lưỡi.
— Mình thì có đời nào lại trúng số được!
Nói xong, anh thấy hối hận vô cùng. Anh biết rằng mình nói thế có lẽ là phụ cái lòng Giời phù hộ cho mình, vì anh có trúng số thật không, điều ấy chỉ còn đợi đem vé số ra kiểm lại, thì là chắc chắn. Mà anh đã chắc chắn chín phần mười rồi! Nếu có còn nghi hoặc, ấy là ghi hoặc cho phải phép cái hạnh phúc đột ngột mà thôi, chứ xưa nay, thiên kinh vạn quyển cũng vậy, nếu đọc qua là anh nhớ như chôn trong ruột, huống hồ nay chỉ có sáu con chữ số, mà lại là chữ số anh đọc nhẩm luôn mồm những lúc nhàn rỗi hy vọng vẩn vơ nữa! Ấy thế mà anh cũng lo. Anh lo nói phụ thần tài như thế, thì dễ thường những con số ấy nó sẽ thay đổi đi chăng? Tuy biết lo thế là lẩn thẩn, Phúc cũng cứ lo.
Anh mở tủ, mở hộp, tìm vé số mãi mới thấy, chân tay run bắn lên như người bắt đầu hành động một tội ác. Đến lúc thấy sáu con số trên cái vé, ở cả hai khung hai bên, đều đúng với con số trên báo, anh mới dám tin hoàn toàn. Anh nhịn thở để mong trấn tĩnh cái linh hồn của anh lúc ấy nó lao đao xao xuyến như một trận bão, anh nhìn trước nhìn sau, lo sợ có ai nhìn thấy mình chăng, rồi lại anh cất cái tính mệnh của anh vào hộp, bỏ hộp vào tủ, khóa tủ hai vòng. Cuối cùng anh dấu cái chìa khóa tủ vào một chỗ rất kín đáo, dám chắc không ai sờ mó tới.
Thế rồi… anh ngồi đờ mặt ra.
Óc anh lúc ấy rối loạn quá, anh không biết biết nghĩ gì nữa, cũng chẳng biết làm gì nữa. Mà dầu muốn thế nào cũng chẳng được, cả thân thể anh cứ run lên lật bật, tựa hồ như anh vừa giết người vậy.
Bỗng một ý nghĩ đáng kinh hoàng đến với cái trí não rối loạn của anh như một tia nắng lọt vào phòng tối. Hay nhà báo đã in nhầm? Anh lại nhìn vào nhật trình[37] và thấy con số ấy đều to bằng những ngón tay cái, anh mới thật là yên tâm. Tuy nhiên anh cũng định cứ xuống cửa mua một tờ báo khác nữa xem cho kỹ lưỡng. Anh nhớ đến chuyện “thằng ngọng bắt được cái đanh” ngày xưa.
Anh xuống thang bằng những bước rụt rè, chắc chắn, tay nắm vào bao lơn rất chặt chẽ, chỉ sợ ngã chết. Nhớ khi xưa, lên xuống cũng cái thang ấy bằng những bước từng ba bực một, anh lại rợn cả người, rồi tự nhủ, thận trọng thiên kim[38].
— Này mợ, cho tôi xin ba xu.
Thấy trẻ con đang rao báo như rươi, anh ra bậu cửa gọi:
— Đông Pháp! Đông Pháp!
— Có báo rồi, còn mua báo khác làm gì nữa!
— Cứ đưa tiền đây. Có một tin hệ trọng mà không thấy Đông Phương nó đăng gì cả.

Vợ anh cố nhiên là lườm anh, rồi mới đưa ra mấy xu, và giật ngay tờ Đông Phương ở tay anh, hình như có thế mới đỡ thiệt vậy. Mở tờ Đông Pháp, anh cũng lại thấy dòng số quý hóa này: 418765.
Sướng đến hóa điên, bây giờ thì chắc chắn lắm rồi, anh vui vẻ, thổn thức gọi vợ để khoe:
— Này mợ này!
Nhưng vợ anh cứ cúi gầm mặt trên tờ báo trải rộng dưới chiếu, hỏi lại bằng giọng khó chịu:
— Gớm, lại cái gì nữa thế?
Thế là anh tức khắc muốn chém chết ngay con vợ lăng loàn, đồ khốn nạn, đồ vô giáo dục, đồ ngu có mắt cũng như mù ấy! Anh nén giận, quay đi, nghĩ bụng: “Nó chẳng đặng hưởng cái sung sướng của mình tí nào. Và anh lại mừng nữa, cho rằng nếu buột mồm khoe vợ ngay là thất sách lắm.
Anh lại ung dung lên gác, nằm kềnh cái đã. “Mười vạn! Mười vạn tức là một trăm nghìn… một trăm nghìn đồng bạc! Thế đã là nhiều hay chưa? Số người có được món tiền ấy, ở nước ta độ là bao nhiêu, chắc là ít lắm? Anh tự hỏi thế rồi lại giật mình, chỉ sợ số người ấy quả là nhiều lắm.
Phúc ngồi lên, kiếm một mảnh giấy và cái bút chì… “Nào thử tính kỹ xem nào! Cứ cho là mỗi cái nhà, cả lớn lẫn nhỏ đổ đồng là năm nghìn bạc một… mười vạn tức là con số một và năm con số không, chia ra với dòng số một năm và ba con số không. Xem được bao nhiêu nào?… Hai mươi… Có lẽ nào? Hai trăm chứ? Ồ không, hai mươi thôi, phải chỉ đúng hai mươi thôi!
Anh thở dài, thất vọng một cách rất thành thực. Thế này là nghĩa lý gì? Mười vạn thì tậu được hai chục nóc nhà là cùng chứ đếch gì? Mà khi người ta có hai chục nóc nhà thì đã đáng gì gọi là giàu? Bất quá cái nhà tậu năm nghìn thì cho thuê mỗi tháng chỉ ba chục bạc chứ bao nhiêu? Vậy chỉ thu mỗi cái một năm ba trăm sáu, và tổng cộng cả hai chục cái cho thuê thì được bảy trăm nghìn hai chứ bao nhiêu! Chết chửa, thì ra thiên hạ nó ngu nó nhân bần khí đoản[39] thật đấy! Cả cơ nghiệp có mười vạn, mỗi năm niên bổng là bảy nghìn hai, thế thôi, thiên hạ nó đã cho là giàu to rồi. Đấy mà xem rồi chúng nó sẽ kêu la ầm lên, nếu mình không đem cái của hoạch phát ấy mà vứt bớt đi, thí hồ thí cháo cho chúng! Thì chúng sẽ dài mồm ra mà chửi mình là ích kỷ, là đểu, là chó! Chỉ chúng nó đi vay, đi xin, mới là người!
Phúc giận lắm. Anh rất lấy làm căm tức những sự ấy, dẫu là hãy còn vào lúc mới lo những sự ấy sẽ xẩy ra mà thôi. Anh cho rằng dẫu là trúng số đi nữa, dẫu là không phải vì bồ hôi nước mắt mà tự nhiên được hưởng mười vạn đi nữa, thì thiên hạ cũng không có quyền được nói gì vào đấy. Anh trúng số, thế là lòng giời muốn cho anh giàu là anh rất đáng hưởng phú quý hơn nhiều người khác, chỉ có thế thôi.
Anh lại nằm dài ra, để tay lên trán nghĩ ngợi, lo sợ… “Chứ lại gì! Ông đây, ông mà lại không đáng sung sướng hơn chúng mày à? Ông, ông chưa hề làm một điều gì là tội ác, là ác. Còn chúng mày, sở dĩ mà giàu, là vì tham lam, lường gạt, ăn cắp, bất nhân! Chúng mày có bất nhân chúng mày mới giàu! Vậy thì đừng có tưởng ông trúng số là chó ngáp phải ruồi, mà là không xứng đáng! Trái lại, về nhân phẩm, về học thức, có đứa chúng mày chỉ đáng xách dép cho ông thôi, ấy là chưa kể từ lúc ông còn hàn vi nữa! Vả lại, hai chục nóc nhà khốn nạn, có thể gọi được là giàu? Gọi là giàu thì phải thế nào kia chứ, thì phải bằng ba đời con cháu phá của cũng chẳng hết, thì phải có những gì khả dĩ gọi là phú gia địch quốc mới được chứ? Ta mà đã là giàu? Giàu giàu giàu giàu…?”
Anh bĩu mồm vì nhớ rằng chính anh đã mục kích một vài người xưa kia đã có vài chục nóc nhà, mà bây giờ cũng lại chỉ là người tự tri, biết phận mình, dẫu mới hai bàn tay không. Anh mừng rằng anh chỉ trúng số mười vạn mà cũng đã hiểu cái gì là lo xa chứ không ngông rởm, vì rằng mườn vạn, thế cũng chưa gọi là có sự gì bảo đảm cho tương lai đâu, nhỡ ra thì lại có thể khổ sở, đói khát lắm được. Thêm nữa, tuy anh sẽ có hai chục nóc nhà, nhưng mà trong thiên hạ cái số nghiệp chủ có vài chục nóc nhà thì lại hằng hà sa số, nhiều lắm, nhiều lắm, và số người giàu hơn thế lại cũng nhiều lắm, cho dẫu là ở xã hội Việt Nam. Như vậy thì anh trông lên cũng chưa bằng ai, và có thể bị nhiều người cậy của bắt nạt anh được lắm, chứ anh chưa phải là trung tâm điểm của vũ trụ đâu! Có mười vạn thế chỉ là thường lắm, xoàng lắm, khổ lắm.
Cuối cùng, muốn được yên trí bằng mình hãy còn nghèo, anh cười nhạt kết luận: “Chứ gì! đến cái lúc nó xuống, thì ốm một trận, hoặc vợ ốm, con chết hoặc tai nạn, hoặc kiện tụng, hoặc buôn thua bán lỗ, hoặc bị lừa, chỉ vài ba cái chẳng ra gì nó xảy đến, thì là tay không lại hoàn tay không ngay cho mà xem! Đừng bặng nhặng vội!

Dẫu rằng những ý kiến của anh lúc ấy toàn là khổ sở, và chán phèo như thế cả, nhưng tự trong thâm tâm, Phúc cũng không chối được rằng mình không vui, không sướng. Anh chỉ nhận ra rằng sở dĩ anh đã nghĩ ra đến thế, là vì anh khôn khoan, thâm trầm, biết nghĩ xa xôi, không rực của không có thói khả ố của bọn giàu lòi khoe của, cậy tiền, lố lăng, nhặng xị, thế mà thôi. Chứ anh có thể yên trí ngay từ bây giờ, rằng anh đã thế này rồi, thì anh sẽ giữ được giàu có mãi mãi, cái lo sợ vu vơ kia chẳng qua là cái nghĩ phòng xa của con người lỗi lạc. Chứ như anh, có khi nào mà lại nghèo khổ được như mọi người! Nếu thế, đã chẳng hoạnh phát đến trúng số độc đắc… ắt hẳn cái số phận anh phải là một thứ số phận quý hóa ghê gớm, ắt là mồ mả tổ tiên kết phát chi đây, hoặc là vì anh bụng dạ cao thượng hơn đời thì là hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân, thế thôi. Người phu lục lộ, giữa lúc anh còn hàn vi, đã dám đoán rằng tướng mạo anh là tướng mạo của người giàu có bạc vạn, như vậy thì hẳn số anh đã giàu thì giàu bền, chẳng còn sợ cái sự hoạnh tán nữa.

Phúc kéo điếu, hút một hơi thuốc lào thật cực kỳ dài. Anh kéo dài quá, nên sặc ho, ho mãi. Anh ôm ngực thấy sợ hãi điều gì, sợ hãi lắm, đã muốn định bỏ ngay thuốc lào từ đấy, kẻo mà ho lao thì chí nguy.
Rồi anh nghĩ đến sự đi lãnh cái vé số ấy. Anh bỗng thấy một mối lo sợ, phân vân. Anh sẽ một mình đi lãnh số tiền mười vạn ấy chăng? Không phải nghĩ ngợ xa xôi gì nữa cũng biết, cái việc ấy thì không thể được rồi. Nếu anh chỉ đi một mình thì người ta sẽ cướp cái vé số của anh, hoặc không phát tiền cho anh, biết đâu! Phải, biết đâu ở cái thời buổi chẳng ra gì này, sự gì mà không có thể xảy ra được? Hoặc dẫu chẳng xảy ra sự khó khăn gì trong việc lĩnh tiền mười vạn, nhưng còn khi đã mang số tiền mười vạn ấy đi ra? Ồ, không! Anh không có thể dại dột thế được! Thế thì ngu ngốc lắm! Những quân kẻ cướp có súng lục ngày nay chẳng thiếu gì. Người ta phải đã hoàn toàn mất trí khôn mới có thể khinh suất như thế được. Vậy thì phải đi lĩnh với ông thân sinh và vợ anh mới xong.
Phúc thở dài vì biết rằng sẽ không thể nào giấu được xã hội và gia đình việc mình trúng số độc đắc. Nếu cố giấu giếm có gì nguy hiểm vào thân… Anh rất tiếc sự ấy, giả dụ anh có thể cứ lĩnh tiền, cứ tậu nhà, cứ hành động mãi trong bóng tối mà không ai biết là anh đã giàu thì còn khoái biết mấy? Nhưng mà … Thôi! Đời bây giờ có cái báo chí rầm rĩ và tọc mạch rồi, đã chẳng giấu được thì thà cứ khoe luôn ngay đi để cho nó ầm ĩ một thể.
Nhưng Phúc lại nghĩ: “Hay là ta cố giấu được ngày nào hay ngày ấy? Dẫu là trong một vài bữa mà thôi? Để xem bụng dạ thiên hạ đối với ta như thế nào?” Nghĩ thế xong, Phúc mới lại chợt nhớ ra rằng chẳng cần bưng bít để thử lòng thiên hạ là chi nữa, thì sự đời xưa nay ra sao, vốn dĩ nó đã đủ rành rành ra đấy!
Thế nào? Anh mà lại vẫn chưa rõ rằng chính vợ anh cũng vẫn nhờn anh, còn bố mẹ anh mà khinh bỉ anh, điều ấy đã cố nhiên? Anh mà lại chưa hiểu rằng anh ruột của anh, ông phán, xưa nay vẫn kính trọng anh gần bằng con chó? Anh mà lại dám tưởng rằng không ai khinh anh xưa nay?
Phúc cười nhạt, cay đắng, thấy mình quả thật là cũng đáng gọi là đồ mất trí khôn. Phải những sự thực xưa nay vẫn đã hiển nhiên, nếu mãi đến nay anh mới biết, ấy là bởi xưa kia anh vẫn mù. Vậy thì chỉ còn cần làm thế nào cho người ta mau mau biết sợ mình là hơn, và sớm phút nào hay phút ấy.
Phúc xuống thang.
Anh ngồi chễm chệ giữa sập, kéo cái điếu khảm vẫn để bầy trên tủ chè khảm xuống để cạnh đầu gối. Anh nghĩ không biết nên báo cái tin mừng dữ dội ấy với bố mẹ như thế nào cho khỏi xảy ra sự gì nguy hiểm : Một tin mừng như thế đủ cho bố mẹ anh sướng đến chết ngất đi. Rồi anh khoái chí lại kéo một mồi thuốc lào.
Ông bố lúc ấy vừa đi ra. Ông vừa thay lồng cho con chim sơn ca xong nên hai tay ông còn ướt át dưới hai cánh tay áo vén lên. Ông nhìn con ông, ngạc nhiên lắm, vì xưa nay, chỗ ấy vốn không phải chỗ ngồi của chính ông nữa, và cái điếu khảm thì là để tiếp những bậc thượng khách. Nhưng con ông hỏi ngay ông thế này:
— Thầy ơi, đẻ con đâu, thầy gọi ra đây đi!
— Có chuyện gì thế?
— Có cái này hay lắm, thầy cứ gọi đi.
Tuy chưa hiểu rõ là chuyện gì, ông cụ cũng đoán chắc hẳn con ông sắp nói chỉ có thể là tin mừng mà thôi. Ông bèn quay sang gọi to:
— Thằng nhỏ, mời cụ ra cậu hai bảo gì ấy nhé!
Rồi ông cụ ngồi ngay xuống một cái ghế kê gần sập thấp hơn sập nữa, không hiểu rằng sẽ có một đại sự, cụ bà bước ra đủng đỉnh như cái chĩnh trôi sông, cụ cũng ngạc nhiên về chỗ ngồi vắt vẻo của con, và cũng im lặng ngồi xuống ghế, y như cụ ông mà thôi. Thấy mãi ông con cũng không nói gì, hai cụ chỉ đành đưa mắt nhìn nhau, chứ vẫn chưa dám hỏi!

Phúc tự nghĩ: “Lạ thật! Sao chưa chi ta đã hưởng ngay sự kính trọng của bố mẹ thế này? Thần Tài có oai đến thế hay sao? Hay là vì miệng ta vừa mới có gang có thép? Đấy, thì nào ta đã kịp nói gì đâu? Lạ thật?” Rồi thì, chỉ vì muốn thí nghiệm, cái thứ oai linh vô hình mà có thế lực vạn năng của kim tiền mới ban cho anh, Phúc lại nói một cách xấc lấc:

— Này thầy, thầy thử trông xem con ngồi chỗ này có xứng đáng không?
Ông bố, mãi đến lúc ấy, cũng chỉ đáp bằng hai con mắt ngơ ngác thôi. Ông cụ già lỗi thời này tuy đã đoán rằng con mình hẳn nhờ một nguyên cớ gì to tát nên mới dám có thái độ và ngôn ngữ khác thường ấy, nhưng ông không hề nghĩ đến sự trúng số, vì ông cũng chẳng biết rằng hôm nay chính là một ngày mở sổ xố. Cũng như đa số các cụ phán cỗ đã hưu trí khác, ông không hiểu nổi một cái tin quốc tế, cho nên chỉ dăm thì mười họa mới ngó đến tờ nhật trình. Vả lại xưa thấy nói trúng số độc đắc toàn là những người Nam Kỳ và Cao Miên, ông cụ tin vững ngay rằng đó là một sự đùa nhả của Nhà nước, bịa đặt ra thế để lừa bịp lũ dân ngu Bắc Kỳ, chứ không dễ ai lại trúng được số mười vạn cả, mặc dầu ông cụ vẫn là viên chức trung thành lắm.
Thấy mình có lẽ đã quá đáng lắm, Phúc bèn đi dần đến sự tuyên bố việc trúng số của mình.
— Người ta vẫn bảo: Làm quan có giọng, làm dáng có hình, vậy thì thầy đẻ trông con liệu chừng có dáng hưởng sự giàu sang hay không?
Bà mẹ không chịu nổi nữa, nói mát:
— Đúng lắm, con ạ, con sắp to nhất nhà rồi!

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button