Review

Tony Buổi Sáng – Trên Đường Băng

Nội dung

“Khi còn trẻ, hãy ra ngoài nhiều hơn ở nhà. Hãy nhào vô xin người khác “bóc hết, lột sạch” khả năng của mình. Chỉ sợ bất tài nộp hồ sơ “xin việc”, mà chả ai thèm cho, chả ai thèm bóc lột. Khi đã được bóc và lột hết, dù sau này đi đâu, làm gì, bạn đều cực kỳ thành công. Vì năng lực được trui rèn trong quá trình làm cho người khác. Sự chăm chỉ, tính kỷ luật, quen tay quen chân, quen ngáp, quen lười… cũng từ công việc mà ra. Mọi ông chủ vĩ đại đều từng là những người làm công ở vị trí thấp nhất. Họ đều rẽ trái trong khi mọi người rẽ phải. Họ có những quyết định không theo đám đông, không cam chịu sống một cuộc đời tầm thường, nhạt nhòa… rồi chết.

Còn những bạn thu nhập 6 triệu cũng túng thiếu, 20 triệu cũng đi vay mượn để tiêu dùng, thì thôi, cuộc đời họ chấm dứt giấc mơ lớn. Tiền nong cá nhân quản lý không được, thì làm sao mà quản trị tài chính một cơ nghiệp lớn?”. Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó.”

(Tony buổi sáng)

Trên đường băng là tập hợp những bài viết được ưa thích trên Facebook của Tony Buổi Sáng. Nhưng khác với một tập tản văn thông thường, nội dung các bài được chọn lọc có chủ đích, nhằm chuẩn bị về tinh thần, kiến thức…cho các bạn trẻ vào đời. Sách gồm 3 phần: “Chuẩn bị hành trang”, “Trong phòng chờ sân bay” và “Lên máy bay”, tương ứng với những quá trình một bạn trẻ phải trải qua trước khi “cất cánh” trên đường băng cuộc đời, bay vào bầu trời cao rộng.

Những bài viết của Tony sinh động, thiết thực, hài hước và xuất phát từ cái tâm trong sáng của một người đi trước nhiều kinh nghiệm. Anh viết về thái độ với sự học và kiến thức nói chung, cách ứng phó với những trắc trở thử thách khi đi làm, cách sống hào sảng nghĩa tình văn minh…truyền cảm hứng cho các bạn trẻ sống hết mình, trọn vẹn từng phút giây. Tuy đối tượng độc giả chính mà cuốn sách hướng đến là các bạn trẻ, nhưng độc giả lớn tuổi hơn vẫn có thể đọc sách để hiểu và có cách hỗ trợ con em mình một cách đúng đắn, chứ không “ủ” con quá kỹ để rồi tạo ra một thế hệ yếu ớt, không biết tự lập. Những người đi làm nhiều năm đọc sách cũng có thể nhìn lại con đường đi của mình, tự ngẫm đó đã phải là con đường mình muốn đi chưa, bởi thay đổi không bao giờ là quá muộn.

Thể loạiSách kỹ năng sống
Tác giảTony Buổi Sáng
NXBTrẻ
Số trang308
Năm2015

Review

Quốc Dân

Một quyển sách mang nội dung ý nghĩa lớn. Với giọng văn giản dị hài hước, dượng Tony đã mang đến một cuộc sống muôn màu muôn vẻ, cho một hướng nhìn khác, cách sống khác trong cuộc sống này. “Tôi là ai?” hay “Sứ mệnh của bạn là gì?” đều là những câu hỏi đã đang sẽ và luôn là thứ bạn kiếm tìm.

Le Hue

Đây là cuốn sách khi mình đọc xong mình rất muốn giới thiệu cho người khác để đọc. Một cuốn sách với 1 cái nhìn tổng quan về những thứ thực sự cần thiết trong cuộc sống, giúp mọi người có 1 định hướng, hành trình đúng đắn để cuộc sống trở lên ý nghĩa, trí tuệ, văn minh hơn. Sách phù hợp với hầu hết mọi lứa tuổi, đặc biệt là các em học sinh cấp 3 đang hoang mang trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Thanh Tuyền

Hài hước, dễ thương, tự nhiên mà sâu sắc. Cuốn sách mang tính đời thực, có châm biếm, có ngợi khen, đọc nhiều khi cũng thấy có mình trong đó, từ đó mà sửa chữa và phát huy.

Trích đoạn

Tôi Là Ai?

Hôm bữa dự thi mứt thanh long có 1 bạn gái nói con mới lớp 11 thôi, gia đình lo cho sang Mỹ học cấp 3 nhưng nửa đường thì hết tiền, nên con phải về. Nhưng bạn ý định xong 12 thì sang lại Mỹ, lần này quyết tâm lấy học bổng để gia đình khỏi lo lắng. Với các bạn muốn giật học bổng quốc tế, Tony giúp các bạn tí xíu. Nhưng chỉ là định hướng, còn lại các bạn tự lực nghen.

Ở Mỹ, nếu muốn vô ĐH nói chung (college), hạc sinh phải có điểm SAT 1, reasoning test, một số nước gọi là tú tài bán. SAT 1 sẽ kiểm tra khả năng suy luận, viết, toán cơ bản…để xem đứa đó có đủ trình độ nhận thức để làm sinh viên không. Bắt đầu làm, bài viết nó chạy ra, ví dụ 25 phút, đồng hồ cát trừ dần thời gian, xong thì bấm nút NỘP BÀI. Đề dễ ẹt, ví dụ: số tiếp theo là số mấy: 2,4,6,…nếu mình hẻm biết điền vào số 8 thì thiếu I-ốt quá, cho về quê bán phân phượng tím. Hoặc coi cái mẫu thư xin việc mà không biết có bao nhiêu lỗi chính tả trong đó, thì không làm sinh viên được, toàn là kiến thức nền, hầu như ai cũng biết nếu được học qua. Một năm thi SAT tới 6 lần, cứ 2 tháng 1 kỳ nên bạn nào chưa tự tin thì để đợt sau, chả căng thẳng gì. Nộp SAT1 và tiền, thế là trường nó nhận. Thường là các trường đào tạo theo hệ ứng dụng, nó chỉ cần như vầy.

Còn muốn vô ĐH hàn lâm, tức University, học sinh phải có thêm điểm SAT 2, subject test (tú tài toàn) là điều kiện cần. SAT 2 kiểm tra các kỹ năng toán lý hóa sinh sử địa, tới 18 môn, cũng trắc nghiệm online, độ khó tăng dần để phân loại. Để vô ĐH top, SAT 2 phải từ 2000 điểm trở lên, nhưng với sinh viên Việt Nam thì dễ như trở bàn tay, có bạn gì ở trường Trần Đại Nghĩa Tp HCM thi đạt 2390, còn thiếu 10 điểm nữa là tối đa. Rất nhiều nước bây giờ dùng kỳ thi SAT để tuyển sinh, vì thi online không tốn kém gác thi chấm thi này nọ.

Vô ĐH nổi tiếng hoặc muốn có học bổng để khỏi tốn tiền cha mẹ, HS phải có thêm bài luận, tức điều kiện đủ. Hồi xưa Tony cũng viết bài luận với nhan đề “Tony-không chỉ là đôi mắt đẹp” mà được Há Vợt nó nhận (có kèm theo hình bận quần bơi đỏ, cầm trái táo đỏ bên bờ hồ). Mình có lợi thế gì là phải trưng ra hết. Ví dụ biết chơi đàn, bơi lội, võ thuật, từng sản xuất kinh doanh, từng cứu

trợ, từng tham gia từ thiện xã hội, từng dạy cho trẻ em đường phố…nói chung là đứa nào sống đẹp là được nhận hết, nên muốn vô mấy ĐH nổi tiếng, các bạn trẻ phải sống đẹp với cộng đồng. Còn đứa nào chỉ Học và Học thì thôi, không có cửa vào ĐH top. Kiểu cha mẹ nói để mẹ rửa bát cho, con chỉ việc ngồi vào bàn giấy và học, thì dù SAT 2 có 2400, cánh cửa Harvard cũng hãy rất xa vời.

HS Trung Quốc hay xin tài liệu kiểu “500 bài luận vào trường X thành công” về tham khảo, nhưng tỷ lệ nhận thấp nhất vì câu nào cũng mang dấu ấn của ai đó. HS châu Âu được nhận với tỷ lệ cao nhất vì họ tự viết. Giám khảo họ có phần mềm anti-plagiarism (chống đạo văn), cập nhật liên tục. Bài của người nổi tiếng như Tony Tèo họ cũng dịch qua tiếng Anh, cập nhật. Mình mà bắt chước, kiểu “nước mắt lăn dài trên gương mặt thanh tú” thì họ biết ngay câu này là của Tony, nếu hẻm có ghi trích dẫn là quăng hồ sơ mình vô thùng rác. Nên các bạn phải soáng tộ. Nhớ nghen, phải soáng tộ.

Điểm thi SAT tới mấy ngàn điểm nên việc đánh giá chính xác hơn thang điểm 10 hay 20. Bây giờ SAT1, SAT2 nhiều nước áp dụng, mỗi nước có cục khảo thí sẽ xây dựng bộ đề riêng của mình. Các nước Sing, Mã, Phi, Thái…đều đã áp dụng cả. Giờ internet kéo về tận thôn xóm, bạn trẻ nào chả biết sử dụng máy tính, nên thi trắc nghiệm online kiểu vầy cho nhanh, từng huyện, từng tỉnh tổ chức luôn cho nó tiết kiệm. Khỏi có chuyện quay bài ném phao…vì riêng việc mở tài liệu hay nghe người khác chỉ bài, đồng hồ nó tự động chạy qua bài khác, điểm còn thấp hơn mình tự suy nghĩ, tự đánh máy. Trường ĐH lớn thì xét thêm bài luận để xem đứa trẻ này có chí lớn không, có thể gọi điện hay skype phỏng vấn online để tránh trường hợp ngáo ngơ bắt ớn mà bài luận thiệt hay do bố mẹ viết giùm.

Các bạn tự rèn luyện kỹ năng viết luận để áp-lai vô mấy trường nổi tiếng thế giới nhé. Tiêu chuẩn min 250 chữ, max 650 chữ. Chỉ một topic quen thuộc của mọi cánh cửa ĐH lớn “Tôi là ai. Who am I”.

Các hãng như Coca Cola, Boeing, P&G, Morgan, Citibank,…khi tuyển thực tập sinh quản trị (tức hạt giống lãnh đạo của hãng sau này) sẽ yêu cầu viết 1 bài mới “Who am I”. Họ sẽ xin lại bài luận cũ của năm 18 tuổi và xem dấu ấn đào tạo đã khiến bạn khác biệt như thế nào sau 4 năm.

Ở hãng Phượng Tím, mỗi đợt tuyển dụng, Tony phỏng vấn 10 bạn, tốt nghiệp toàn Bách Hóa, Ngại Thương, Kinh Tuế, thì đến 10 bạn không trả lời được câu hỏi “Tôi là ai”. Nói tưởng anh ra đề sin cos ô mê ga tê cộng phi thì tụi em giải được chứ hỏi vậy sao tụi em biết.

Ngồi phỏng vấn, tới câu hỏi “Tôi là ai”, cả chục đứa nhìn nhau “Ủa, tao là ai mậy?”

Thiết Kế Cuộc Đời

Có những con người, 60 tuổi vẫn loay hoay tìm lẽ sống

Có những con người, nhắm mắt xuôi tay khi ước mơ vẫn cứ còn dở dang

Có những con người, một ngày sống là một ngày vui. Buổi tối trước khi ngủ, nhìn lại một ngày, họ mỉm cười và giấc ngủ đến với họ thật bình yên. Sáng dậy, khi tung chăn và mở cửa sổ hít gió trời, họ lại tràn đầy năng lượng cho một ngày mới…

Vậy, cái gì khiến họ có được niềm vui đó?

1. Nói nôm na như vầy, đời người, mình phải có sứ mạng – the mission of life. Mình sinh ra trên trái đất này, rồi khi mình chết đi, điều gì khiến mình hạnh phúc nhất khi đạt được? Đó chính là sứ mạng (mission) của cuộc đời.

Có bạn chọn misssion đời mình là 1 nhà giáo dục. Thì con đường mình đi phải là con đường giáo dục, dù có lúc muốn buông xuôi. Đừng nghe lời rủ rê của người khác mà đi buôn, hay làm nghề khác. Ngay cả đi buôn thành công, thì mình cũng thấy số tiền mình kiếm được chẳng ý nghĩa gì. Bạn chỉ hạnh phúc khi thấy học trò mình thành đạt, biển rộng trời cao vẫy vùng….

Có bạn chọn mission cuộc đời mình là thầy thuốc. Thì cứ tập trung sự nghiệp ấy. Học xong bác sĩ, lên chuyên khoa cấp 1 cấp 2, rồi đi tu nghiệp nước ngoài, rồi về nước tham gia các chương trình giúp đỡ bệnh nhân vùng sâu vùng xa, có thể mở phòng mạch tư, bệnh viện tư… nhưng không được xem lợi nhuận là mục đích duy nhất. Đừng làm trình dược viên bán thuốc, dù kiếm nhiều tiền nhưng nó trái với mission của đời mình, sẽ khổ tâm. Hoặc mission đời mình là một người hoạt động giải trí (emtertainer) như ca sĩ, diễn viên, MC, bầu sô… nhưng vì học giỏi, rồi cha mẹ bắt thi Y Khoa chẳng hạn, cứ vừa mổ vừa hát vang, rồi lơ đễnh bỏ quên kéo trong bụng bệnh nhân.

Có bạn chọn mission cuộc đời mình là một thầy tu, thì hãy thật bình yên trong trái tim, tốt đời, đẹp đạo, bon chen chi ở thành phố lớn, sân si chi từng mét đường giao thông? Nếu chọn là một nhà khoa học, hãy khoác chiếc áo blouse vào gắn bó với phòng thí nghiệm nhiều hơn quán cafe hay vũ trường. Bạn chọn cuộc đời là một kiến trúc sư, luật sư, nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn, điện ảnh, môi trường, xã hội,… thì kiên quyết theo đuổi mission đó.

Có bạn mission cuộc đời mình là một doanh nghiệp thì hãy thông thoáng, hào sảng bao dung để làm doanh nhân lớn. Tony có một người bạn, xác định mission đời mình làm chủ doanh nghiệp, nhưng lại ham bằng cấp, học thạc sĩ cũng đi, học tiến sĩ cũng tham gia. Rồi lúc thì giảng dạy, lúc thì làm thuê tập đoàn nước ngoài, rồi lại đi du học, rồi dự định ở lại ở nước ngoài, rồi thấy không ổn, lại trở về. Sáu mươi tuổi mà mọi thứ đều dang dở, dù người ngoài nhìn vào ai cũng khen anh thành đạt, nhưng anh thì chẳng hài lòng. Vì anh đã thiết kế sai cuộc đời mình, không đủ bản lĩnh để từ chối cơ hội, không dám rẽ ngang để đi đúng mission của cuộc đời mình.

Lúc anh định mở chuỗi cửa hàng phở, thì tập đoàn nước ngoài mời anh làm với mức lương quá cao, anh lại tiếc, lại đi làm cho nước ngoài. Xong 2-3 năm, thấy không thú vị với việc làm nữa, nhưng khởi nghiệp thì anh sợ. Vì không dám đánh đổi một tháng mất cả chục ngàn đô tiền lương trước một việc kinh doanh chưa có thành công hay không. Cứ thế, anh khổ tâm mãi, dằn vặt mãi…

Có bạn mission của cuộc đời là có một gia đình bình yên, đặc biệt là các bạn nữ. Mình có mission vậy thì hãy vui thú trong việc học nấu ăn, thêu thùa, cắm hoa, làm vườn… chứ bon chen đấu trí chi để vo đại học Harvard. Chỉ tốn thời gian của các bạn, và lãng phí công đào tạo của xã hội nữa, ví dụ, học kĩ sư đã đời, ra trường bạn chỉ thích cắm hoa, thì thôi, xác định lúc đầu, đỡ phải gồng người năm năm trong trường suốt ngày gò đẽo phôi thép…

Nên các bạn trẻ phải xác định mission của cuộc đời mình càng sớm càng tốt, không vội vã để xác định nhầm, không có chuyện tháng này mission thế này, tháng sau thành cái mission khác. Bạn nào suy nghĩ như vậy là chưa trưởng thành, cần xác định lại.

Cuộc đời sẽ có bao nhiêu là ngã ba, ngã tư, buộc mình phải rẽ phải rẽ trái hay đi thẳng. Căng thẳng lắm, lo lắng lắm, tư duy thông thường là mình cứ thấy đường nào thông thoáng hơn, hào nhoáng hơn, ngon ăn hơn… thì đi vào đấy, sau đó mới thấy là đã đi sai đường. Quay lại cũng được nhưng tốn thời gian. Lại có con đường dẫn tới ngõ cụt, vực thẳm, tử lộ chứ không phải hoan lộ. Cũng có lúc chẳng có đường lui, cứ phải chịu đựng, cả đời đến lúc nhắm mắt cũng chẳng thấy có một ngày vui.

Các bạn học sinh sẽ không biết được mission của đời mình là gì nếu các bạn lớn lên trong tình thương “mù quáng Á Châu” của cha mẹ ông bà anh chị. Họ không cho bạn làm việc nhà, không cho nấu cơm giặt giũ lau nhà… chỉ bắt học để thành tài. Họ không cho bạn tham dự hoạt động xã hội nào, không cho bạn chịu bất cứ một vất ngã nào, một lỗi làm nào để não các bạn hằn lên nếp nhăn của sự trải nghiệm, óc già dặn. Và sau 18 tuổi, cha mẹ tiếp tục tài trợ tiền bạc nhà cửa, không cho thách thức hay áp lực nào để các bạn chiến đấu cả.

Mãi mãi bạn chỉ là một cây tầm gửi sống nhờ người khác, vì không biết tự đứng giữa đất trời, hút nước, chống chịu nắng mưa gió sương bão táp. Cứ bắt học để “thành tài”, cứ nghĩ có tấm bằng trong tay là “thành tài”. Tài đâu không thấy, chỉ thấy thất nghiệp về nằm sừng sững trên giường đó.

Một số khác thì bản chất là làm biếng, thích xin hơn tự chủ. Không chịu lao động chân tay hay động não để kiếm sống, không chịu va chạm với thế giới bên ngoài, cứ ru rú trong sự an toàn của gia đình. Thể loại đi hcoj cũng phải ép phải điểm danh mới học thì thôi, làm gì có mission? Đầu tư học hành làm gì mất công, nó có muốn học đâu?

Muốn có mission, hãy tự mình làm mọi việc cho cá nhân mình khi dưới 18 tuổi. Và sau 18 tuổi, hãy tự kiếm sống. Ắt tìm đúng mission. Còn 22 tuổi tốt nghiệp đại học rồi, đi làm bươn chải năm bảy năm mới biết mission của mình, thì rất vất vả. Kiểu đi học quản trị kinh doanh, ra trường đi làm đủ nghề, năm 30 tuổi mới biết mình thích làm kỹ sư điện lúc đó thi Toán, Lý Hóa lại có mà chết. Nhưng đi làm kinh doanh thì lại chẳng thấy vui, nên cứ “giá như”, giá như năm nay mình 18 tuổi, mình sẽ…

2. Khi xác định mission rồi, thì lên kế hoạch thực hiện. Chia thành 10 năm, gọi là objectives (mục tiêu dài hạn). Nguyễn Thị X của năm 2025, X của năm 2035, X của năm 2045… Lúc đó, X sẽ là, sẽ là…

Sau khi có objective rồi, mình làm kế hoạch (plan). Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, lần thứ 2. Ví dụ X có mission là một nhà giáo dục, thì kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là sẽ đi học cao lên. Rồi kế hoạch 5 năm lần thứ 2 là sẽ trở thành hiệu phó chuyên môn của một trường nào đó. Rồi X của năm 2055 là trở thành nhà giáo nhân dân, mặc áo dài đỏ ngồi trên cao để học trò tới mừng thượng thọ…

Kế hoạch 5 năm sau khi thành lập xong, mình chia thành các target (mục tiêu ngắn hạn) cho từng năm một, tức các cột mốc năm với chỉ tiêu cụ thể mình phải hoàn thành. Đến hết năm 2015, mình phải học để có bằng TOEFL 100, phải đi được hai nước, phải giúp được bao nhiêu người, phải có trong tài khoản x đồng…

Tony có anh bạn, mission của anh ấy là cua gái, cha mẹ để lại tài sản nhiều quá nên anh chỉ sung sướng khi có nhiều người yêu. Anh nói, Tony, mission of my life là một gẫ Don Juan phiêu bạt, đến lúc 80 tuổi, mục tiêu là có 100 nhân tình tôi mới nhắm mắt xuôi tay được. Giờ tôi đã 40 tuổi và đã có 20 nhân tình, vậy thì năm 2015 này, thì tôi phải kiếm cho được bao nhiêu người đẹp để hoàn thành target?

Toán gì khó vậy?

Người Nhật Học Hành Thế Nào?

Môn Nghiên cứu xã hội (Social Studies tức Đức Dục theo cách gọi hồi xưa) ở Nhật là môn quan trọng thứ 2 chỉ sau môn “Tiếng Nhật”, đứng trên mọi môn khác còn lại như toán lý hóa sinh kinh tế học…Và học sinh phải ôn thi môn này để tốt nghiệp các cấp, thậm chí thi vô công sở làm, thi bằng lái xe, các trò chơi trên truyền hình…cũng liên quan đề tài này. Ngoài lý thuyết, học sinh phải có hành động cụ thể thì mới được điểm cao. Môn này được dạy xuyên suốt từ lớp 3 đến hết đại học, năm nào cũng dạy, mức độ tư duy khó dần.

Các nội dung trong môn Đức dục được giáo viên triển khai cho học sinh thảo luận như sau:

– Bạn đã bao giờ ăn cắp và nói dối? Hãy ví dụ về việc nói dối mà khiến bạn xấu hổ

– Nếu ra nước ngoài, bạn sẽ làm gì để người Nhật chúng ta được coi trọng?

– Lòng nhân ái nghĩa là gì? Vì sao phải giúp đỡ người già, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật? Vì sao phải hỗ trợ giúp đỡ các quốc gia nghèo hơn chúng ta?

– Tính kỷ luật sẽ hạn chế thiệt hại do bất cẩn, đúng hay sai, bạn sẽ làm gì để có tính kỷ luật?

– Vì sao các cá nhân kỷ luật đều thành công? Các dân tộc kỷ luật đều thịnh vượng?

– Vì sao phải xếp hàng và tuân theo trật tự của xã hội?

– Vì sao phải nói nhỏ nơi công cộng? Vì sao phải có óc quan sát để hòa mình vào đám đông?

– Tập tục ăn thịt thú cưng và động vật hoang dã như chó mèo chim muông rắn rết của người Trung Quốc và các nước bị ảnh hưởng. Bạn có sẵn sàng thoát ra khỏi văn hóa này?

– Sau một ngày, bạn có tổng kết lại mình đã làm gì có ích cho xã hội, đã học gì có ích cho bản thân trước khi ngủ?

– Vì sao chúng ta phải tiết kiệm. Chỉ mua những gì cần thiết. Và ưu tiên hàng Nhật sản xuất?

– Vì sao chúng ta phải tập luyện thể dục, bạn dành bao nhiêu phút trong quỹ thời gian 24h của bạn cho thể dục thể thao?

– Vì sao phải đọc sách? Thói quen đọc sách, bạn có không?

– Bạn sinh ra để làm gì? Bạn đóng góp được gì cho xã hội trong mấy chục năm bạn sống trên trái đất này? Tại sao bạn lành lặn chân tay và đầu óc mà không làm việc?

– Bạn có dám từ chối trước 1 đề nghị bạn cho là xấu?

– Bạn có thấy việc đi trễ giờ ảnh hưởng thế nào đến người khác?

– Bạn nghĩ gì về tính cao thượng của 1 con người? Một ví dụ của người xung quanh mà bạn cho là cao thượng

– Bạn đã có bao giờ tiểu nhân chưa? Làm sao để thoát ra tư tưởng tiểu nhân này?….

– Tính tham lam và ích kỷ, bạn nêu một ví dụ người nào đó xung quanh bạn mà bạn cho là tham lam và ích kỷ?

– Tính tiểu nông và hẹp hòi. Bạn đã từng tiểu nông, hẹp hòi với người khác?

– Tính dũng cảm và chịu trách nhiệm, dàm làm dám chịu. Bạn có bao giờ hèn nhát không dám nhận trách nhiệm về việc mình làm chưa?

– Tính quảng đại và tha thứ. Vì sao con người văn minh cần tha thứ lỗi lầm của người khác cho lần đầu tiên. Nếu họ lặp lại thì có nên tha thứ nữa hay không? Vì sao phải cắt quan hệ với người lặp lại lỗi lầm từ lần thứ 3?

– Tính bảo thủ và kìm hãm sự phát triển bản thân thế nào? Vì sao chúng ta bảo thủ? Cái tôi cá nhân nghĩa là gì?

– Tính sáng tạo và ham học hỏi. Vì sao châu Á chúng ta luôn theo sau người phương Tây về công nghệ? Bạn làm gì để có tính sáng tạo? Bạn đã từng sáng tạo ra cái gì?

– Tính cầu thị và sửa sai. Vì sao mình lại giảy nảy lên khi người khác chỉ trích hay chỉ ra điểm sai của mình? Mình đã từng như vậy chưa? Mình sẽ sửa đổi như thế nào.

– Đức sẵn sàng hy sinh vì người khác. Vì sao chúng ta sẵn sàng hy sinh vì người khác? Người khác nào đáng để chúng ta hy sinh?

– Thói quen chỉ trích và phàn nàn.

– Thói đố ky, ghen tỵ và hệ quả.

– Giá trị thật sự ở một con người là gì? Bạn đánh giá một con người qua cái gì ? Tiền bạc, danh vọng, bằng cấp, chức vụ, đạo đức, trí tuệ, tính nhân văn, sự chia sẻ?

– Liệt kê các hành vi chúng ta không được thực hiện ở nơi công cộng?

– Tính sĩ diện là gì? Vì sao dân châu Á có tính sĩ diện cao? Tính sĩ diện sẽ dẫn tới trong việc nói dối ? Đúng hay sai?

– Trong một thất bại của tập thể, là một thành viên, bạn sẽ quy trách nhiệm cụ thể cho ai đó hay bạn sẽ nghĩ là trách nhiệm của mình trong đó?

– Thất bại cá nhân của một cuộc đời là do ai? Cha mẹ, thầy cô, xã hội hay do chính bản thân người đó?

– Theo bạn Fuzukawa nói: sự đói nghèo của một dân tộc là do mỗi công dân không có lòng tự trọng là đúng hay sai? Tại sao mỗi cá nhân tự chủ thì một tập thể sẽ tự cường?

– Thầy Fujita nói ” Bạn không nên tự hào vì bạn là người Nhật, bạn chỉ nên tự hào vì bạn là người tốt”. Bạn cho biết ý kiến của mình.

Hiện nay, rất nhiều trường học và công sở ở các nước Á Châu cũng mang các câu hỏi này cho học sinh và nhân viên của họ thảo luận (đặc biệt là Hàn Quốc, Singapore, các lãnh thổ Đài Loan Hồng Công, Thái Lan, và gần đây là Ấn Độ, Srilanca, Indonesia…cũng áp dụng), ví dụ bạn có làm xứng đáng với điểm số bạn có, bạn có làm xứng đáng với đồng lương được nhận?

Có bạn làm nhân sự một công ty rất lớn, sau khi đọc bài này đã áp dụng để tuyển dụng. Sau khi qua hết các kỹ năng khác, ứng viên sẽ viết 1 bài cảm nghĩ khoảng 500-1000 chữ về 1 trong các chủ đề trên (cho họ tự chọn, viết trong 2 tiếng), bạn cho rằng dù vị trí kỹ sư hay nhân viên văn phòng gì đều phải diễn đạt cho được ý kiến của mình bằng văn viết. Họ chấm ý, không chấm sự bóng bẩy trong câu từ. Và một khi đã ngồi nghĩ ra cách trả lời các câu hỏi này, thảo luận các đề tài này, thì đạo đức của họ cũng thay đổi ít nhiều.

Các bạn trẻ muốn tìm việc hoặc đổi việc thành công, nên nghiên cứu tự mình trả lời trước để không lạ lẫm khi phỏng vấn, ví dụ như câu “Bạn có bao giờ tiểu nhân”, nhiều bạn hay đứng hình vì không biết trả lời. Giáo viên giúp học sinh sinh viên. Các bạn phòng hành chính nhân sự có thể áp dụng các câu hỏi trên để tuyển nhân viên tốt. Mọi kỹ năng đều có thể đào tạo, nhưng đạo đức thì tự mỗi cá nhân phải tích lũy.

List

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button