Review

Trái Tim Em Thuộc Về Đất

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Mary Webb
NXB NXB Hồng Đức
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 376
Ngày xuất bản 01-2014
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Cho dẫu trẻ trung và trinh nguyên, Hazel Woodus dường như vẫn có cội rễ từ trái tim già nua và tối tăm của quả đất, nơi tràn ngập những niềm đau không đếm xuể. Trái tim hoang dại của nàng thuộc về những tán thông non đêm ngày rì rào nơi vùng đồi Callow… Những kẻ say đắm Hazel chẳng ai nhìn thấu bản chất của nàng và đó chính là nơi bi kịch bắt đầu…

[taq_review]

Trích dẫn

Khi Edward trở về nhà, mẹ chàng đang gà gật trên ghế tựa. Cả người bà nâng lên rồi hạ xuống như biển nhiệt đới. Đôi mắt đang nhắm tịt lại của bà giống đôi mắt của một bức tượng, đôi mắt mà người ta ngờ rằng đằng sau mí mắt không có con ngươi. Lông mày của bà hơi nhướn lên, như thể đang phản đối việc bà bắt buộc phải thở. Hình hài của bà cho thấy phẩm cách của tuổi già, một phẩm cách có thể do hoặc cũng có thể không do bệnh thấp khớp tạo nên.

Nhìn mẹ mình Edward có cảm giác của một cậu bé đang đọc một mẩu truyện cổ tích thì bị gọi ra ăn cơm. Tất cả những điều chàng muốn nói, những điều mà lúc trước có vẻ rất hùng hồn, giờ trở thành ngớ ngẩn. Chàng vội đánh thức mẹ bởi chàng sợ lòng can đảm trong chàng có thể sẽ tiêu tan trước rào cản khó vượt qua nhất – bầu không khí bất cảm thông.

“Mẹ ơi, con có điều muốn nói với mẹ.”

“Không phải chuyện không vui đấy chứ, con?”

“Không, chuyện vui mẹ ạ. Nó khiến con rất hạnh phúc.”

“Điều tốt đẹp luôn khiến chúng ta hạnh phúc,” bà Marston quả quyết.

Bản thân sự mỉa mai dường như cũng phải dịu đi trước lời bình luận có phần thờ ơ này.

“Con đã đính ước, mẹ ạ.”

“Con nói gì cơ?”

“Con sẽ cưới vợ mẹ ạ.”

Mẹ chàng vốn nặng tai và chưa tỉnh ngủ hẳn.

“Con nợ nần gì ai, hả con?” bà hỏi.

“Con sẽ cưới Hazel Woodus làm vợ.”

“Con yêu, con không thể làm thế được,” bà nói bằng giọng điềm tĩnh không chút bối rối, như thể Edward vẫn còn là đứa trẻ ba tuổi.

“Con có thể mẹ ạ, và con sẽ cưới cô ấy.”

“Ừ, sẽ còn lâu, lâu lắm,” bà lẩm bẩm đọc ý nghĩ của mình theo thói quen, rồi thêm vào đó chút nhẫn tâm – vốn không nảy sinh từ sự cứng rắn mà từ sự hao mòn cảm xúc đôi khi đến cùng với tuổi già – “và, dĩ nhiên, đến lúc ấy có khi con bé ngoẻo rồi ấy chứ.”

“Chết ư!” Âm sắc giọng Edward khiến chính chàng cũng phải ngạc nhiên, và nó khiến mẹ chàng giật mình.

“Người trẻ cũng chết mà,” bà tiếp tục; “tất cả chúng ta đều phải chết. Ông bố tội nghiệp của con ngủ rồi. Mẹ cũng sẽ ngủ.”

Và bà lại bắt đầu ngủ. Nhưng những lời tiếp theo của chàng khiến bà một lần nữa choàng tỉnh.

“Con sẽ cưới vào tháng Năm, tháng tới đấy mẹ ạ.”

Toàn bộ sức nặng của sự phản kháng thụ động được bà dựng lên để chống lại mục đích của chàng.

“Hấp tấp quá!” bà lẩm bẩm. “Cưới vội vàng như thế – thật quá hấp tấp!”

Nhưng, động cơ của Edward vẫn không lay chuyển, chàng có thể chống đỡ được.

“Giáo đoàn sẽ nghĩ gì?”

“Con không quan tâm!”

“Đây là lần thứ hai con nói thế rồi đấy, Edward ạ. Mẹ sợ rằng con càng ngày càng tệ hơn đấy.”

“Không. Con chỉ cưới vợ thôi mà mẹ, con có làm gì sai trái đâu.”

“Nhưng ít nhất một năm sau khi đính ước người ta mới làm đám cưới, ít nhất đó cũng là thời hạn mẹ có thể chấp nhận được,” bà van vỉ, “và vèo một cái là hết một năm thôi. Con người ta cứ ăn rồi ngủ, ăn rồi ngủ, và Ngày của Chúa lại bắt đầu một tuần mới, và thời gian sẽ trôi qua nhanh thôi.”

“Ôi, mẹ không hiểu được sao, mẹ?” Chàng cố gắng minh họa. “Thử tưởng tượng mẹ nhìn thấy một chiếc khăn đẹp phơi trên hàng rào dưới trời mưa, mẹ có muốn cất chiếc khăn đó vào nhà không?”

“Chắc chắn là không. Đó là việc ngu xuẩn nhất. Vả lại mẹ đã có những bảy cái khăn rồi.”

“Ôi, nhưng dù sao, con cũng không thể hoãn được. Thậm chí ngay cả lúc này đây điều gì đó có thể đã xảy đến với cô ấy rồi.”

Chàng nói trong ý thức rõ ràng về sự thù địch của cuộc sống mà tất cả những người đang yêu đều cảm thấy.

“Nhưng sẽ phải sắm sửa vô số thứ,” bà bất lực nói, “và sẽ có vô số việc phải tiến hành.”

“Còn mấy tuần nữa cơ mà mẹ, có thừa thời gian mà. Vả lại,” chàng gợi ý một cách khôn khéo, “mẹ không quan tâm đến việc sắm sửa váy áo cho Hazel sao? Cô ấy nghèo đến nỗi chẳng mua nổi váy áo cho mình. Mẹ sẽ không tiêu một khoản tiền nào vì con sao, mẹ?”

“Mẹ nghĩ là có,” bà nói, bắt đầu khôi phục lòng nhân từ – “mẹ nghĩ mẹ có thể chi ra một khoản tiền.”

Bà Marston đã “không chợp mắt tí tẹo nào” – nói vậy chứ thực ra sau khi lên giường bà chỉ thức được độ nửa tiếng. Quan niệm về cưới xin, mặc dầu có hơi phiền phức vì mỗi ngày mỗi khác, vẫn khá thú vị. Đám cưới sẽ là cơ hội để sử dụng vô số thứ được cất giữ trong các tủ đựng đĩa bát cốc chén, những thứ chưa bao giờ được đem ra dùng bởi vì chúng quá đẹp để dùng cho ngày thường. Bà Marston là một trong những người có nhiều vật sở hữu chẳng mấy khi được dùng tới. Thật lạ là hết thế hệ này đến thế hệ khác dành những năm tháng phù du của mình cho cái nơi thờ phụng tôn kính này mà chẳng bao giờ dám làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn bằng cách sử dụng những món đồ đẹp đẽ hằng ngày nhưng lại cứ phải bận rộn với chúng suốt.

Đồ sứ của bà Marston sáng bóng, không một vết bụi, nguyên vẹn đến nỗi cứ như thể cuộc đời của tất cả những phụ nữ xinh đẹp trong gia đình Marston đã phải hy sinh vì chúng.

Những người phụ nữ ấy đã khuất từ lâu và vẻ đẹp của họ đã bị phá hủy, bị xóa nhòa; nhưng những món đồ sứ cổ đẹp đẽ thì vẫn còn nguyên vẹn. Vẫn còn đó hai tá cốc và đĩa lót, bình đựng kem, âu đựng đường và những chiếc đĩa to của bộ chén đĩa trang trí họa tiết hình lông chim, tất cả còn mới tinh hệt như khi chúng được mua về. Lớp mạ vàng phủ kín mặt ngoài hầu như chưa hề bị bong tróc, cả những họa tiết lông chim sáng lóng lánh cùng những bông hoa màu hồng cũng vậy. Sẽ thật thú vị khi lại được đem chúng ra dùng, bà Marston bâng khuâng nghĩ. Còn cả mấy bình trái cây ngâm, rồi mấy lọ mứt, lọ thạch nữa chứ; đám cưới cũng sẽ là dịp thích hợp và thú vị để bà làm một trong những loại bánh nổi tiếng của mình, và cũng là dịp để bà mặc chiếc váy lụa màu mận chín. Hòa cùng những ý tưởng ấy là nhận thức rõ ràng rằng Edward muốn đám cưới ấy, rằng chàng sẽ “phật ý” nếu nó bị hoãn lại. “Mình chưa từng thấy nó hấp tấp như vậy bao giờ,” bà thầm nghĩ. “Tuy nhiên, cưới vợ rồi nó sẽ lại ổn thôi. Còn con bé kia cũng sẽ chín chắn hơn, khi nó có con. Bọn chúng mà có con thì thật tuyệt. Một người bà sẽ có đủ mọi niềm vui của một người mẹ mà chẳng phải chịu đựng đau đớn gì. Vả lại, con bé kia sẽ chẳng muốn giữ vai trò điều khiển đâu. Edward nói vậy. Mình đương nhiên không ưa một đứa con dâu thích nhúng mũi vào chuyện này chuyện nọ. Kể ra thì Edward lựa chọn cũng khôn ngoan đấy chứ. Bởi vì dù con bé đó có ồn ào thật đấy, nhưng mỗi lần sinh con xong nó sẽ trầm tính hơn, mà bọn chúng thì sẽ sinh nhiều con lắm, mình nghĩ vậy và hy vọng như vậy.”

Đặc điểm tầng lớp và tín ngưỡng của bà Marston (cộng với thực tế rằng bà là mẹ Edward) khiến bà không xem Hazel là vấn đề. Đối với bà, quan điểm của Hazel, tính cách, niềm hy vọng, nỗi sợ hãi của nàng không tồn tại. Hazel sẽ hòa nhập vào gia đình Marston giống như một món đồ nội thất mới. Nàng sẽ được chu cấp mà không được hỏi ý kiến; nàng sẽ thực hiện bổn phận của nàng mà không được bày tỏ quan điểm. Như bao người đàn bà trong gia đình này và những gia đình khác trên thế giới, nàng sẽ trở thành đầy tớ của các món đồ sứ, những chiếc đĩa mạ vàng và những món đồ nội thất, và nàng sẽ là phương tiện để những đứa con của Edward chào đời. Khi không còn sinh đẻ được nữa thì nàng sẽ đan khăn. Lúc nào nàng cũng sẽ nói, “Vâng, chồng thân yêu,” hoặc “Như chàng muốn, Edward ạ.” Với tất cả những bổn phận trước mắt đó thì thử hỏi nàng cần cá tính và quan điểm để làm gì? Hiển nhiên là không cần. Nếu nàng sinh cho bà những đứa cháu nội khỏe mạnh với đầy đủ chân tay mắt mũi, thì nàng sẽ trở thành một món tài sản ưng ý. Tuy nhiên, trong các phép tính toán này, bà Marston đã quên tìm hiểu xem Hazel quan tâm đến Edward hơn hay quan tâm đến tự do của nàng hơn.

Bà Marston xuống ăn sáng với vẻ nhượng bộ.

“Mẹ đã quyết định chấp nhận hoàn cảnh, Edward yêu quý ạ,” bà nói; “tất nhiên, mẽ đã hy vọng rằng sẽ chẳng bao giờ có bất cứ ai ngoài hai mẹ con ta. Nhưng điều đó không thành vấn đề. Mẹ sẽ chi tiền cho đám cưới và sẽ trở thành một người bà tốt nhất có thể. Còn bây giờ, con ạ” (bà nói với vẻ dửng dưng, chuyển trách nhiệm sang vai Edward) – “còn bây giờ, con sẽ đưa mẹ tới thị trấn chứ?”

Rắc rối rồi đây. Cái nhà ga nhỏ của hạt cách đó vài dặm, xa vượt ngoài khả năng đi bộ của bà, và không người nông dân nào ở quanh đó có một con ngựa biết giữ im lặng đủ để làm vừa lòng bà.

“Con ạ, vào thời của mẹ, mẹ nhớ là lũ ngựa không gây ồn ào, chúng được nuôi nấng tử tế, được huấn luyện tốt, và trên hết là béo tốt đến nỗi chẳng có vụ tai nạn nào xảy ra ngoài những vụ xảy ra theo ý Chúa. Ngày đó ông ngoại của con còn đi mua trà xanh của hãng Jeremy (và đó là loại trà rất ngon, có hương vị rất tuyệt, có in ảnh một người đàn ông da đen trên vỏ hộp). Mẹ kể đến đâu rồi nhỉ? Ồ phải; hồi đó ông luôn đi một ngày mười dặm. Rất thú vị, nhưng ngựa nghẽo hồi đó không…”

Bạn đọc cảm nhận

Quinn

Nếu so sánh với những cuốn sách văn học Anh khác được viết vào cùng khoảng thời gian này thì Trái Tim Em Thuộc Về Đất có lẽ là tác phẩm dễ đọc nhất tuy nhiên có nhiều chỗ khiến tôi khó “nuốt” vì lời văn tác giả mang đậm tính triết lý. Bên cạnh đó mọi sự vật, phong cảnh trong truyện đều được miêu tả rất nhiều nên đôi khi làm tôi cảm thấy chán. Nhưng cái hay của tác giả chính là lột tả được tâm lý của từng nhân vật trong truyện đặc biệt là Hazel, từ một cô gái trong sáng, yêu đời, yêu thiên nhiên cho đến một người phụ nữ mang nỗi đau trong tình yêu, những trái ngang trong cuộc sống. Tất cả đều được tác giả diễn đạt vô cùng sâu sắc và tinh tế, đây rõ ràng là điểm duy nhất khiến tôi ấn tượng với cuốn sách này.

Nguyễn Thảo Nguyên

Mình đã phải lòng cuốn sách này ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy cái bìa sách, và đây là một trong số ít những cuốn mình quyết tâm phải mua về ngay khi nhìn thấy. Quả thật mình đã không phải thất vọng. “Trái tim em thuộc về đất” là một khúc ca trầm bổng du dương, vừa dịu êm vừa dữ dội, vừa ngọt ngào vừa đau thương giống như chính những khúc ca mà Hazel hát trên tiếng đàn hạc của bố mình. Một khúc ca ám ảnh người đọc mãi không thôi!

Mình là một người vô cùng yêu thiên nhiên và ưa sự lãng mạn, cho nên cuốn sách này là một sự lựa chọn tuyệt vời. Mình say sưa lối viết văn phóng khoáng, đầy xúc cảm và những so sánh rất sắc sảo của Mary Webb. Mình mê mẩn cách bà miêu tả phong cảnh, những cánh rừng, những trảng thông, đủ loại hoa muôn màu sắc, chim muông và côn trùng. Bà đã vẽ ra trước mặt mình một thế giới thần tiên sống động tràn ngập ánh sáng, màu sắc và âm thanh, một thế giới tuyệt vời mà mình luôn luôn mong muốn được đặt chân đến. Đồng thời Mary cũng gợi ra được không khí cổ điển, xưa cũ và hoang dại của một vùng quê Anh những năm 1900. Trong cách viết của bà vẫn có những đoạn triết lý mà một người trẻ như mình khó mà hiểu được, nhưng nhìn chung, hiếm có tác giả nào khiến cho mình hài lòng như thế về văn phong.

Mình rất thích Hazel bởi sự hoang dại, phóng khoáng trong tính cách nàng và cũng bởi tâm hồn ban sơ, lương thiện của nàng. Ở nàng tồn tại một bản năng con người mãnh liệt, điều đó giúp nàng trở nên chân thật vô cùng. Nhưng đồng thời, ở nàng cũng có cả cội rễ của đất – bởi vậy nàng yêu say đắm thiên nhiên, cây cỏ, và các loài vật nhỏ bé, những đứa con của đất mẹ. Nàng hồn nhiên và ngây ngô như cây cỏ, có lẽ chính điều đó đã đẩy nàng vào bi kịch. Mình thích cả Edward bởi sự tốt bụng của chàng, bởi khao khát rất đàn ông trong chàng và cũng bởi cái cách chàng kìm lại nó vì tình yêu với Hazel. Chàng đã sai lầm, dù thế tâm chàng trong sạch, lương thiện hơn bất cứ ai. Chỉ có Edward mới có thể yêu Hazel chân thành, say đắm và cao thương như vậy. Về phần Reddin, mình thực sự không thích ông ta một chút nào.

Đọc những trang đầu tiên, mình những tưởng đây là một câu chuyện êm đềm, lãng mạn, lung linh trên cái phông nền ban sơ, tươi đẹp. Đến giữa truyện, mình nhận ra đây còn là một câu chuyện thực tế, mang không ít những niềm đau. Và cái kết truyện khiến mình thật sự bàng hoàng. Thật không ngờ, kết thúc của mối tình tay ba rắc rối ấy lại đơn giản và bi kịch đến thế. Mình thực sự shock. Nhưng nghĩ lại, cái kết như thế gây ám ảnh hơn rất nhiều so với những cái kết hạnh phúc. Nó khiến mình nhớ mãi về câu chuyện, học được nhiều điều về bản chất con người, về sự nguy hiểm của dục vọng, sự tàn ác của con người, về tình yêu…

NGUYỄN THỊ KIM THOA

Một cuốn sách đầy sức sống,mang trong mình một sức hút kì lạ ,tựa như hơi thở của đất trời.Một đứa con tinh thần dành tặng cho tự nhiên .Hazel ,một người con của đất mẹ với vẻ ngoài hiện thân là một con người đã thể hiện khá thành công hai tính cách ,hai mâu thuẫn lớn trong một cuộc sống.Dữ dội qua mái tóc hoang dại,đôi mắt gợi tình ,đôi chân nhảy múa điên dại khiến cả Eward lẫm Reddin say đắm.Bình yên với đất trời , chỉ có thiên nhiên mới mang lại cho Hazel cảm giác dẽ chịu nhất ,là nơi chốn dành cho nàng như một sự thật hiển nhiên không thể chối cảI.

Tác phẩm mang rất nhiều từ tượng thanh và tượng hình tạo lợi thế trong việc miêu tả cảnh vật xunh quanh .Mọi cánh hoa ,cây cỏ đều được miêu tả một cách tỉ mỉ.Tuy tác phẩm khá trầm lắng nhưng việc tả cảnh vật tốt là một ưu điểm tốt không thể chối bỏ . Tác giả chắc hẳn phải yêu thiên nhiên nhiều như Hazel mới có thể viết hay như thế.

Một ưu điểm lớn tiếp theo không thể bỏ qua chính là bìa tác phẩm.Bìa đã truyền tải hầu như 90% thông điệp mà tác phẩm gửi gắm.Quả thật ,chỉ cần nhìn bìa là mình mua ngay,nghệ thuật trong từng nét vẽ.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button