Review

Tôi Bị Bố Bắt Cóc

Nội dung

Tôi bị bố bắt cóc đạt giải Văn học Robo no ishi năm 2000 (Totto- chan: Cô bé bên cửa sổ cũng đạt giải thưởng này năm 1983).

Tôi bị bố bắt cóc viết về một chuyến nghỉ hè.

Đây là một chuyến nghỉ hè “lạ lùng” – bởi người ta đi nghỉ cùng tên bắt cóc!

Đây là một chuyến bắt cóc “lạ lùng” – bởi kẻ bắt cóc là bố, “một người lớn không tốt!” và người bị bắt cóc là con gái “còn không biết là mình yêu hay ghét bố nữa” (vì người ta phải gặp nhau thì mới biết yêu, hay ghét).

Thế nhưng, chuyến đi của hai người – thủ phạm Takashi và nạn nhân Haru, hay chính xác là bố và con – không hề mất đi tính gay cấn, hồi hộp của một chuyến “bắt cóc” và cũng không thiếu những thú vị, trong trẻo, yêu thương của một chuyến “du lịch gia đình”.

Hơn tất cả, đây là “một chuyến đi sẽ nối liền trái tim đứa bé và cha mẹ vì lý do nào đó phải sống xa nhau”.

Nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Shigematsu Kiyoshi nhận xét: “Cuốn sách cần thiết cho những người lớn đang chật vật với những khó khăn của việc làm cha, làm mẹ”.

Thể loạiSách Nhật Bản
Tác giảMitsuyo Kakuta
NXBDân Trí
Số trang179
Năm2015

Review

Hoàng My

Mình mua cuốn sách này 2 năm trước, vào lúc mình cãi nhau với ba rất nhiều về chuyện học và ra trường làm gì. Sau đó mình rất giận ba và bảo rằng ba chẳng hiểu con gái gì cả. Sau khi đọc cuốn sách này mình đã ngẫm lại rất nhiều thứ. Mình tìm thấy rất nhiều thứ tương đồng giữa mình và ba mình với cô bạn nhỏ và bố bạn ấy trong câu chuyện này. Ngày bé mẹ mình rất bận rộn nên gần như thời bé toàn thời gian mình đều ở với ba, đa phần đi học về mình kể rất nhiều cho ba nghe. Nhưng từ khi có em trai mình thì mẹ bắt đầu nghỉ việc ở nhà và ba trở nên rất bận rộn, lúc đó mình ở tuổi dậy thì và mình cũng không còn thói quen tâm sự với ba mẹ nữa. Dần dần bản thân lại cảm giác ba thật xa cách. Đến ngày mình cãi nhau to với ba và nhận ra khoảng cách giữa mình và ba thật lớn… Đó cũng là câu chuyện của mình 2 năm trước. Cảm giác bây giờ đọc lại cuốn sách này thật tốt. Cả mình và cô bạn nhỏ trong sách này đều thừa nhận dường như giữa bố và con gái bao giờ cũng có sự gắn kết rất kì diệu, nếu không thì làm sao có câu “con gái là người tình kiếp trước của bố”.

Ngọc Vi

“Tôi bị bố bắt cóc” là một cuốn sách thú vị, thật đấy, tên cuốn sách đã thú vị rồi. Cuốn sách viết cho bất cứ ai trong cuộc đời này đang cố gắng cắt đứt sợi dây dàng buộc mình với người thân…Cô bé Haru đã từng nghĩ rằng bố là 1 sinh vật xa lạ, cô còn chẳng biết mình có yêu bố hay không? Rồi xuyên suốt tác phẩm thứ mà bố Haru cho cô bé không phải những bộ quần áo đẹp, không phải kim cương đá quý mà là cuộc sống. Haru cho bố mượn những ngày nghỉ của mình và cô nhận được cả tương lai phía trước…Kết chuyện Haru học được cách tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình, bố cô bé đã dạy cho cô biết cách không đổi lỗi cho người khác và Haru dù sẵn sàng đem tất cả những gì mình có, chỉ để lấy thêm thời gian ở bên bố cũng không được nữa… (Thực trạng cuộc sống hiện nay) Trước khi bị bắt cóc Haru chỉ là cô nhóc ngây ngô, sau chuyến bắt cóc đó Haru đã trưởng thành… Nếu được hỏi “Tôi bị bố bắt cóc” có đáng đọc hay không thì câu trả lời là “Đáng”

Thu Trang

Mình mua quyển sách từ ấn tượng với cái tên của nó, nghe đã thấy thú vị, là phiêu lưu, là hài hước. Cũng bất ngờ vì nhân vật cô bé Haru không phải đứa con gái được sống hạnh phúc cùng bố mẹ. Chuyến du lịch ấy thật lắm phiền toái, thật lắm khác lạ, lại chẳng tiện nghi như thành phố, nhưng lại là chuyến đi của tình cha con. 11 tuổi, không phải là ở cái tuổi Haru quá ngây ngô nữa, nhưng cũng là cái tuổi để cô bé phải à ồ trước những trải nghiệm lần đầu tiên có được hay có được những bài học nhân sinh giản dị mà thấm thía.

Hóa ra, xa nhau không có nghĩa không có tình cảm hay rũ bỏ trách nhiệm. Họ có lý do để xa nhau, nhưng cũng có những lí lẽ để yêu thương nhau thật nhiều.

Trích đoạn

Buổi sáng, đương nhiên không có quản gia bưng mâm bạc đến. Một giọng nói phát ra từ cái loa rè sẹ như tiếng phát thanh thông báo giờ ăn trưa trong trường đã đánh thức chúng tôi dậy. “Đã đến giờ ăn sáng. Mời quý khách tập trung xuống phòng ăn. Đã đến giờ ăn sáng.”

Ánh nắng mặt trời nhuộm hồng tấm màn cửa, ánh sáng lọt cả qua những lỗ thủng đây đó như bị sâu ăn. Tôi tỉnh dậy, gấp chăn nệm và thay bộ quần áo “rẻ tiền” bố mua hôm qua. Cái áo thun đỏ chen vàng loạn xạ. Và cái quần đầy túi là túi. Tôi nhìn mình từ trên xuống dưới (cứ như quần áo mặc tôi thì đúng hơn) rồi ra rửa mặt. Từ bồn rửa mặt, tôi vươn cổ nhìn bố chỉ mới nhổm nửa người dậy, mắt hãy còn nhắm tịt, thu lu một đống. Tóc tai bù xù, sắc mặt lợt lạt, cứ như một cái xác không hồn. Tôi mở toang cửa, bật ti vi mà bố cũng chẳng mảy may cử động. Phải nói “ăn sáng kìa” đến ba lần, bố mới chịu đứng dậy. Bố chẳng buồn nhìn tôi, cứ thế ra khỏi phòng như một con gấu mắc bệnh mộng du.

Đã có vài người ngồi dùng điểm tâm trong nhà ăn. Ba phụ nữ ăn diện chẳng hợp tí nào với cái quán trọ tồi tàn, một cặp nam nữ người đầu vàng kẻ tóc nâu, và hai cặp ông già bà lão đầu tóc bạc phơ. Toàn bộ nhà ăn được lắp cửa kính nên ánh nắng mặt trời rọi thẳng vào phòng, đến phát ghét. Bên ngoài cửa sổ, cây cối rậm rạp lá, lấp loáng, long lanh.

Bố ngồi đối diện tôi, đầu tóc y như tổ quạ, nhìn lơ đãng đâu đâu và tách đôi đũa tre. Cặp đầu vàng tóc nâu thỉnh thoảng lại liếc nhìn chúng tôi. Họ thấy chúng tôi thế nào nhỉ? Một người đàn ông như con gấu mới bệnh dậy, mặt mũi bơ phờ húp canh miso. Một con nhóc ăn vận hoa lá cành, màu mè sặc sỡ. Mà họ muốn nhìn sao cũng được, có điều tôi đang rất không muốn bị họ nghĩ người đàn ông đầu bù tóc rối vụng về đến nỗi không đập vỡ được quả trứng, còn làm đổ cả lòng trắng ra bàn kia là bố tôi. Sáng nào ông cũng xấu xí đến vậy sao? Tôi gắng hết sức mình để giả vờ như không biết gì, đập trứng đàng hoàng, dùng đũa đúng cách, ăn uống nghiêm chỉnh.

Mãi đến khi ăn sáng xong xuôi, đi mua lon cà phê và ngồi uống trên sofa phòng khách, bố mới trở về trạng thái bình thường. Bố nói bằng một giọng nặng trịch như đội trưởng:

– Bây giờ công bố lịch làm việc hôm nay.

– Còn có lịch làm việc nữa hả?

– Có. Trước tiên, đi trả xe. Sau đó, đi xe điện ra biển. Chiều tối là đến.

Mới hôm qua bố còn bày đặt nói “không biết đi đâu” vậy mà hôm nay có lịch đi biển! Chỉ mới nghe từ “biển” thôi là tôi đã muốn nhảy ùm xuống nước ngay lập tức rồi, cơ mà nếu đồng ý liền thì quê lắm.

– Trả xe là sao? Trả cho ai? Chứ không phải của người ta cho hả? Với lại, bố nói đi biển nhưng quyền chọn lựa là của con mà.

– Haru chỉ biết có mỗi siêu thị, nhà hàng nên xin lỗi nhé, để bố quyết. Và đừng có quên là Haru có chút quyền lựa chọn nhưng người nắm quyền chủ đạo vẫn là bố!

Bố nói với giọng điệu như ma vương trong phim hoạt hình rồi đứng dậy. Quấn lại vạt áo yukata, bố rảo những bước dài về phòng. Thật lòng mà nói, tôi bắt đầu thấy hứng khởi. Nếu không có ai nhìn chắc tôi đã chạy quanh hành lang, nhảy nhót tưng bừng cho hả cơn phấn khích trong lòng rồi. Hướng về phía bố đang đi thật nhanh, tôi hét to:

– Tên bắt cóc kia, sao cũng được nhưng làm ơn sửa lại cái đầu tóc khó coi đó rồi hẵng ra khỏi phòng. Thật xấu hổ làm sao khi phải đi chung với cái đầu đó!

Bố lật đật quay lại, đưa một ngón tay lên miệng khẽ “suỵt”.

Chúng tôi chạy xe khoảng một tiếng đồng hồ trên con đường ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp, hai bên đường đều là đồi núi. Khi thấy căn nhà nhỏ thuộc khu câu cá nhân tạo, bố liền cho xe vào bãi.

Bố xuống xe và nói “bố đi trả xe”. Tôi thu gom hành lý rồi cũng xuống theo. Bố biến mất sau lớp cửa kính, tôi ngồi thụp xuống vọc mấy viên đá sỏi lên chơi.

Xung quanh trở nên tĩnh lặng. Chỉ nghe tiếng sỏi tôi ném trúng một viên khác. Tôi ngẩng lên nhìn cánh cửa kính. Bên trong tối om, chỉ thấy bóng tôi ngồi phản chiếu mờ mờ. Tôi không vọc sỏi nữa thì không khí càng yên tĩnh hơn. Nghe tiếng lá cây xào xạc trong gió. Tự nhiên tôi thấy lo lắng nên đứng dậy định đi gọi bố thì cửa mở, bố bước ra. Có thêm một người đi theo sau. Dáng người cao lớn, đầu đội mũ bóng chày, trông trẻ hơn bố nhiều nhưng cũng không phải là con nít như tôi.

– Chào cháu. Chú là Kanbayashi.

Người đó lên tiếng và lịch sự cúi đầu chào. Lâu lắm rồi mới gặp được một người không xem tôi là con nít nên tôi đâm bối rối, cứ đơ người như rô-bốt và chỉ biết cúi đầu, thậm chí còn không biết đường giới thiệu tên mình.

Bố và chú Kanbayashi đó vừa đi về phía chiếc xe vừa nói chuyện. Tôi đứng như trời trồng nhìn dáng hai người từ phía sau. Họ khoác vai nhau cười nói vui vẻ giữa rừng cây cao lớn như giang tay hướng về bầu trời. Họ như hai người bạn cùng lớp. Bố thấp hơn chú Kanbayashi một cái đầu và cứ như thể một người xa lạ tôi chưa từng quen biết. Tôi không biết người cùng bố nói cười vui vẻ, vai rung khầng khậc vì thích chí, vỗ vai người bên cạnh bồm bộp đó. Tự nhiên tôi thấy yếu đuối, cô đơn như một đứa bé bị bắt cóc thực sự. Tôi lặng nhìn lòng bàn tay mình. Vì vọc sỏi nãy giờ nên nó lấm tấm trắng.

Sau khi cười một trận đã đời về một chủ đề nào đó mà tôi không được biết, hai người quay lại.

– Cháu uống cái gì lạnh lạnh rồi hẵng đi?

Chú Kanbayashi hỏi tôi với cái giọng ngọt ngào như… “tán gái”.

– Hay đi câu cũng được, tùy cháu!

– Sao hả?

Bố nhìn tôi hỏi. Tôi không đáp. Im lặng một lúc, bố lại bảo:

– Thôi, đi!

– Để tôi chở ra ga!

Chú Kanbayashi nói vậy rồi lục chìa khóa loẻng xoẻng, đi đến chỗ để xe. Tôi cứ đứng một cục ở đó nhìn lòng bày tay mình khiến bố lên tiếng hỏi:

– Haru, sao vậy? Đau bụng hả? Hay muốn đi toa-lét?

– Nhiều chuyện! Đừng có như nựng mèo vậy!

Tôi cố hết sức nói bằng một giọng cực thấp và nhỏ.

Bố nhún vai rồi đi tới chỗ chiếc xe.

Bố ngồi ghế trước, cạnh chú kia, còn tôi ngồi một mình phía sau. Bố tám chuyện với chú Kanbayashi suốt. Tôi cố tình dỏng tai lên nghe không sót một từ nào nhưng hoàn toàn chẳng hiểu hai người đang nói gì. Mỗi lần xe dừng đèn đỏ, chú Kanbayashi lại quay xuống bắt chuyện với tôi. Nào là:

– Mang tiếng nghỉ hè chứ khách đến câu cá cũng chẳng mấy. Lần tới cháu rủ bạn đến chơi nhé. Gần đó có con sông nước trong cực kỳ. Chưa biết câu thì chú chỉ cho, vui lắm.

Hay kể cả những chuyện như vầy:

– Chú từng gặp cháu rồi đấy chứ, lúc cháu còn nhỏ xíu, chưa biết bò nữa kìa. Chú mua bánh quy đến làm quà cho cháu thì bị mọi người cười quá trời, vì em bé đã ăn được đâu.

Mỗi lúc như vậy, bố đều giữ nguyên tư thế nhìn thẳng phía trước, thỉnh thoảng chêm vài câu vuốt đuôi “chỗ khỉ ho cò gáy như vậy, khách nào mà đến” hay “sao Haru nhớ mấy chuyện đó được”.

Tôi giả lơ hết thảy. Mặc cho hai người nói gì, tôi cứ quay mặt ra ngoài cửa sổ, nhìn con đường đang lùi dần về phía sau. Chính tôi cũng không rõ mình đang tức giận, đang căng thẳng hay đang muốn khóc. Chỉ biết rằng ngồi trong chiếc xe này, tôi không thấy dễ chịu chút nào. Cứ như có cái gì đó gai gai lạnh lạnh chạy rần rần trong người tôi với một tốc độ khủng khiếp. Cũng có thể là vì bố đã hỏi vô duyên “muốn đi toa-lét hả”, cũng có thể vì bố và chú Kanbayashi cười vụ gì đó mà tôi không biết, cũng có thể vì câu chuyện cứ tiến triển mặc cho tôi chưa hề nói muốn đi đâu, làm gì. Tôi không rõ lý do nhưng tóm lại, tình trạng của tôi hiện nay là “không được vui”, đến nỗi dần dần bực lây cả cách nói chuyện như với một người lớn của chú Kanbayashi, đồng thời tôi cũng giận cả bản thân mình khi hành xử bằng thái độ của một đứa con nít là lờ tịt chú ấy.

Vì tôi chẳng ư hử gì nên hai người ngồi phía trước cũng nản, họ lại nói chuyện riêng với nhau. Nhưng trong câu chuyện, thỉnh thoảng có động đến “Kyoko” (tên của mẹ) nên tôi liền giả vờ không quan tâm, kỳ thực là dỏng tai lên nghe, có điều, những chỗ quan trọng hai người bọn họ lại hạ giọng xuống nên rốt cuộc tôi chẳng nghe được gì.

Xe dừng ở một nhà ga, cái nhà ga im ắng như đang ngủ trưa, chúng tôi xuống xe. Chú Kanbayashi tiễn chúng tôi đến tận cửa soát vé. Trong lúc bố đi mua vé, tôi và chú Kanbayashi đứng bên trong nhà ga. Chắc vì tôi cứ làm mặt bơ nên chú cũng không bắt chuyện nữa. Bố đang nói gì đó với nhân viên nhà ga. Tôi muốn nói là mình đang bị bắt cóc, bây giờ phải làm sao nên ngẩng lên nhìn chú Kanbayashi thì bắt gặp ánh mắt của chú. Chú Kanbayashi nhìn tôi mỉm cười. Thình lình tôi chợt nhớ ra. Nhớ khung cảnh có bố, có mẹ, tôi thì nằm ngủ ở một nơi rất mát mẻ, êm ái, và có cả chú Kanbayashi. Bố và chú Kanbayashi nhìn tôi, đúng rồi, và cười như thế. Sau đó mẹ bế tôi lên. Trong khoảnh khắc, cảnh ấy vụt biến mất trước khi kịp kết nối các hình ảnh lại với nhau. Nó biến mất trước khi tôi kịp nhớ ra chuyện xảy vào lúc nào, ở đâu nên có thể nó không hẳn là ký ức của tôi. Cũng có thể là tôi tự dựng nên quang cảnh đó trong đầu khi nghe câu chuyện lúc nãy. Chứ làm gì có chuyện nhớ nổi những việc xảy ra thời còn bé tí xíu.

Bố quay lại, hai tay ôm hành lý và túi đồ mua hôm qua, còn cố “đèo bồng” mỗi tay một lon nước trái cây nữa.

– Cảm ơn cậu nhé. Tôi sẽ liên lạc sau.

Bố cảm ơn chú Kanbayashi và dúi lon nước cho tôi.

– Haru, khi nào có dịp hãy đến chỗ chú câu cá nhé!

Chú Kanbayashi cúi người, chừng ngang bằng tôi và nói. Trong lúc tôi còn đang cố tìm từ gì đó để trả lời chú, “dạ” cũng được, “hẹn gặp lại” cũng hay, dù chỉ một từ thôi vậy mà tiếng loa từ sân ga vang lên “Xe điện chuẩn bị vào đường ray số hai. Xin hãy lùi xuống dưới vạch trắng!” – giọng người phụ nữ trên loa nhắc đi nhắc lại ồn ào đến mức nuốt trọn những từ ngữ đã chạy tới đầu lưỡi trong miệng tôi.

Bố đẩy lưng tôi đi qua cổng soát vé, làm rớt cả lon nước, cúi xuống lượm rồi nhét vé vào túi, trông thật vụng về. Xe điện trờ tới sân ga, trước khi lên xe tôi quay lại nhìn, thấy chú Kanbayashi đang đứng ở cổng soát vé vẫy tay chào. Vòng xuyến trong tòa nhà của nhà ga lấp loáng trắng.

Khi cả vòng xuyến và sân ga đã khuất dạng, lúc này bố ngồi đối diện tôi, lôi từ túi xách ra nào Pokky(6), nào quýt đông lạnh… ra xếp trên bậu cửa sổ.

– Quá trưa một chút sẽ phải đổi tàu. Lúc ấy mình mua cơm hộp. Ở đó mấy món cơm cá nổi tiếng lắm nhưng sao cũng được, miễn đừng để bụng đói. Cho nên bố mua đủ thứ rồi đây. Thích ăn gì thì ăn.

Tôi nhìn những thứ bánh kẹo bố bày trên bậu cửa sổ y như người ta sắp xếp mẫu vật ở trường bắn: Pokky, bánh quy, sô-cô-la, quýt đông lạnh, mực khô, kẹo ca-ra-men. Chán. Bố đã quên rằng tôi không hề thích đồ ngọt. Hồi nhỏ xíu, có dạo phải “thăm khám” nha sỹ thường xuyên và bị cấm ăn đồ ngọt, thế là không biết từ lúc nào tôi chẳng còn thấy mấy thứ bánh kẹo ngọt đó ngon lành nữa. Có lần hai bố con đã cùng ăn khoai tây chiên và bố nói tôi là một đứa con nít khác biệt, sao lại quên được chứ.

– Chú Kanbayashi lúc nãy là bạn thời sinh viên của bố. Chú ấy nghỉ làm ở công ty rồi ra mở khu câu cá nhân tạo nơi cái xứ khỉ ho cò gáy vậy đấy. Thấy khác người không. Chẳng con cái gì nên không biết cách nói chuyện với con nít. Lúc Haru còn nhỏ xíu kìa, chú bế lóng ngóng đến độ mẹ phát cáu và không dám cho bế nữa. Mà nói gì thì nói, lâu lắm rồi mới lại được đi xe điện nhỉ. Ngồi đối diện vậy cũng hay. Cảm giác như đi đâu xa lắm ấy. Nghỉ hè rồi mà cũng vắng vẻ ghê!

Bố “phát thanh” liên tục. Bố càng nói thì cơn bực tức vô duyên vô cớ trong lòng tôi nãy giờ càng tăng lên gấp bội, cùng đó là một nỗi thất vọng tràn trề. Tôi vẫn ngậm chặt miệng, không nói lời nào. Như lúc còn trên xe hơi, tôi nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ. Lon nước trái cây bố đưa lúc nãy đã đổ mồ hôi lạnh đầy lòng bàn tay.

– Đến trưa mới đổi tàu, lại tiếp tục lắc lư chừng hai tiếng nữa nên cũng phải chiều tối mới ra tới biển. Thôi, coi như tối nay ngủ tạm rồi ngày mai xuống biển mặc sức mà bơi. Aaa, đồ tắm, áo tắm, quên mua áo tắm rồi. Mà không sao, thể nào ở quanh đó cũng bán.

Bố tiếp tục nói như thể đầu-óc-đang-có-vấn-đề. Tôi thử liếc ngang quan sát thái độ của bố. Bố vừa nói vừa sắp xếp, thay đổi vị trí của đống bánh kẹo với trái cây trên thành cửa sổ một cách vô thức. Và tôi hiểu ra. Không phải vì vui vẻ, phấn chấn mà bố “phát thanh”, thật ra là bố đang lúng túng. Bố lúng túng vì không hiểu nguyên nhân nào khiến tôi cau có, không chịu mở miệng.

– Không biết hút thuốc được không ta? Ừm, mà chẳng có ai hút cả, thôi để tí nữa hỏi nhân viên tàu. Mấy thứ này, ăn đi, đừng ngại. Bố không cấm cản khó chịu như mẹ đâu, nào không được ăn cái này, nào cái nọ không được xơi. À, mà lúc nãy bố có mua phiếu giờ tàu chạy rồi. Để tính đường đi sao cho gọn chứ lỡ xui xẻo đang mua cơm mà tàu chạy thì tiêu.

Đoạn sau bố gần như nói chuyện một mình và thôi sắp tới xếp lui bánh kẹo, thay vào đó bố lục lọi túi xách. Thành thử tôi lại thấy bố thật tội nghiệp làm sao, tôi biết chỉ cần mình mở miệng nói một tiếng thôi hẳn bố sẽ thấy dễ chịu hơn và chịu im lặng nhưng thật ra, chính tôi cũng không hiểu tại sao mình lại bực dọc thế này, tôi cũng thấy mệt mỏi khi phải im lặng lắm chứ, tôi cũng muốn nói là vẫn còn nhớ chú Kanbayashi nhưng rốt cuộc chỉ làm được mỗi cái việc là nhìn trân trân ra ngoài cửa sổ. Đâu đó trong lòng tôi muốn thử làm bố khó xử hơn xem sao. Muốn thấy bộ dạng thảm hại của bố thế nào.

Tôi tiếp tục ngậm chặt miệng, nhưng lúc lâu sau thì bố ngủ mất. Tôi bớt căng thẳng một chút, ngắm phong cảnh bên ngoài đang dần lướt qua. Trên cửa sổ, chẳng gói bánh kẹo nào được mở cả. Có hai người ngồi dãy ghế bên kia lối đi mặc kiểu váy tương tự nhau, đầu tóc cũng giống nhau, đang say sưa trò chuyện. Tôi muốn cho quách họ mớ bánh kẹo đó. Khi tàu điện chạy vào đường hầm, bóng họ in trên kính, hai khuôn mặt tiến gần nhau hơn để trò chuyện. Tôi thấy họ như chị em sinh đôi. Không biết họ thấy chúng tôi thế nào nhỉ? Đương nhiên không phải bạn bè rồi, chắc cũng không giống thầy giáo với học trò. Vậy chỉ còn một suy nghĩ là bố con mà thôi. Nhưng nếu là vậy thì tại sao thấy chúng tôi giống bố con? Do tuổi tác? Hay vì có nét nào đó giống nhau? Tôi muốn hỏi họ quá. Nếu nói giống nhau thì chúng tôi có điểm nào giống nhau nhỉ?

Tàu điện lắc mạnh khiến mấy hộp Pokky rơi xuống chân tôi. Hàng cây chạy dọc ngoài cửa sổ thình lình biến mất, mặt biển hiện lên trắng lóa dưới ánh nắng mặt trời. So với biển trong trí nhớ của tôi, biển ngoài cửa sổ rộng lớn gấp mấy lần khiến tôi ngạc nhiên quá, cứ thế gí mặt sát tấm kính để nhìn. “Biển kìa, đến biển rồi kìa!” – tôi đã không thể hét lên như vậy để đánh thức bố.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button