Tội Ác Và Trừng Phạt
Thể loại | Văn học nước ngoài |
Tác giả | Fyodor Dostoevsky |
NXB | NXB Văn Học |
Công ty phát hành | Huy Hoang Bookstore |
Số trang | 747 |
Ngày xuất bản | 12-2012 |
Giá bán | Xem giá bán |
Giới thiệu sách
Tội ác và trừng phạt là tác phẩm nổi tiếng của một trong những cây bút tiểu thuyết bậc thầy của nước Nga F. Dostoevsky (1821-1881).
Chuyện kể về chàng sinh viên nghèo Raxkônnikốp vì quá lạc lối mà đã giết chết hai chị em bà lão cầm đồ.
Những ngày sau đó, Raxkônnikốp rơi vào một bi kịch mới, khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Anh càng cố gắng che giấu tội lỗi thì càng tỏ ra lúng túng. Tình yêu sâu sắc, sự hy sinh cao cả và tấm lòng nhân hậu của cô gái Xônya cùng sự quan tâm, yêu thương giúp đỡ của mọi người đã thức tỉnh Raxkônnikốp. Chấm dứt những giằng xé nội tâm, anh đưa ra quyết định: thà bị giam cầm về thể xác còn hơn bị tù đày về tâm hồn…
Với nội dung tư tưởng sâu sắc, Tội ác và trừng phạt đã được đánh giá là một kiệt tác chứa chan tình yêu thương giữa con người với con người.
[taq_review]
Trích dẫn
Song cũng không phải chàng hoàn toàn mê man trong thời gian ốm: đó là một trạng thái sốt nhiệt, có nói sảng và nửa mê nửa tỉnh. Về sau chàng nhớ lại được khá nhiều việc. Có khi chàng mường tượng như quanh chàng có rất nhiều người quây lại định mang chàng đi đâu không rõ, họ bàn bạc về chàng và cãi vã lẫn nhau rất dữ. Có khi chàng lại thấy mình nằm một mình trong phòng, mọi người đều bỏ đi hết, hẳn vì sợ chàng, và thỉnh thoang mới có người mở hé cánh cửa ra dòm chàng, de dọa chàng, thầm thì cười nới với nhau, và trêu chọc chàng. Chàng nhớ là Naxtaxia thường ở cạnh chàng: chàng còn nhớ thêm một người nữa, hình như rất quen thuộc, nhưng cụ thể là ai thì chàng không sao đoán ra được: điều đó làm cho chàng buồn lắm và thậm chí còn khóc nữa. Có khi chàng tưởng chừng mình đã nằm liệt giường đến một tháng nay, khi lại ngỡ như mọi việc đều xảy ra nội ngày hôm ấy. Nhưng về việc ấy, việc ấy thì chàng quên bẵng đi: song từng giờ từng phút chàng vẫn nhớ là mình có quên một điều gì lẽ ra không được quên mới phải; chàng vật vã, day dứt, cố sức nhớ cho ra, chàng rên rỉ, lồng lộn điên cuồng lên hay rơi vào một tâm trạng khiếp sợ ghê gớm, không sao chịu nổi. Những lúc ấy chàng vùng dậy, toan bỏ chạy, nhưng bao giờ cũng có ai dùng sức giữ chàng lại, và chàng lại chìm vào cõi hôn mê. Cuối cùng chàng tỉnh hẳn, lúc ấy là vào khoảng chín giờ sáng. Vào những ngày quang đãng, giờ nầy bao giờ ánh nắng cũng vẽ thành một vệt dài chạy qua bức tường bên phải phòng chàng và chiếu sáng góc phòng cạnh cửa ra. Bên giường chàng có Naxtaxia và một người nữa đang đứng nhìn chàng có vẻ rất tò mò. Đó là một người chàng chưa hề quen biết, một người trẻ tuổi mặc áo cáp-tan, để chòm râu cằm, dáng trông như một người chạy hàng. Qua cánh cửa mở hé, bà chủ đang dòm vào. Raxkonikov nhỏm dậy…
– Ai thế, Naxtaxia? – chàng chỉ người trẻ tuổi hỏi.
– À tỉnh rồi? – Naxtaxia nói.
– Tỉnh rồi, – người chạy hàng nói vọng theo.
Đoán rằng chàng đã tỉnh đậy, bà chủ, nhà đang đứng dòm ở cửa, lập tức đóng cửa lại và giấu mặt đi.
Bà ta xưa nay vốn nhút nhát và rất sợ những cuộc nói chuyện hay giãi bày; bà ta trạc bốn mươi tuổi, người to béo, lông mày đen, mắt cũng đen, tốt bụng vì béo và vì lười, trông cùng dễ ưa nữa là khác. Tính cả thẹn của bà ta thì thật quá quắt.
– Anh… là ai? – Raxkonikov hỏi thẳng người chạy hàng.
Nhưng vừa lúc ấy cánh cửa lại mở toang và Razumikhin, người hơi cúi lom khom. Vì anh ta vốn cao lớn, vừa bước vào vừa kêu ca:
– Cứ như cái buồng tàu thuỷ, lúc nào cùng cộc đầu va trán; thế mà cũng gọi là phòng với phiếc. Cậu tỉnh rồi đấy à? Tớ vừa nghe Pasenka[17] bảo thế.
– Mới vừa tỉnh dậy đấy, – Naxtaxia nói.
– Mới vừa tỉnh dậy đấy ạ, – người chạy hàng lại mỉm cười nói vọng theo.
– Thế anh là ai? – Razumikhin bỗng quay sang hắn hỏi đột ngột. – Còn tôi đây là Vrazumikhin; không phải là Razumikhin như người ta thường tâng bốc[18], mà là Vrazumikhin, sinh viên, con nhà quý tộc, còn cậu nầy là bạn tôi. Thế còn anh là ai?
– Tôi là người chạy hàng cho hiệu buôn của ông Selopayev ạ, tôi đến đây có tí việc ạ.
– Mời anh ngồi ghế nầy, – Razumikhin vừa nói vừa ngồi xuống chiếc ghế đặt ở bên kia bàn con. – Cậu tỉnh dậy như thế là phải lắm, – anh nói tiếp với Raxkonikov.
– Đã bốn ngày nay cậu hầu như chẳng ăn uống gì. Quả tình cũng có hớp được mấy thìa nước trà. Tớ đã dẫn Zoximov đến đây hai lần. Cậu có nhớ Zoximov không? Hắn ta khám cho cậu và nói ngay rằng chẳng có gì hệ trọng hết, chẳng qua đầu óc bị chấn động thế nào đấy. Hắn ta bảo là một chứng thần kinh gì đấy, vì ăn uống kham khổ, ít uống bia, ít ăn rau khơ-ren quá mà ra, còn như bệnh trạng thì chẳng có gì đâu, sẽ tự khỏi thôi. Anh chàng Zoximov cừ lắm? Chữa bệnh đã thành thạo rồi. À, tôi không dám giữ anh đâu – Razumikhin lại quay sang người chạy hàng, – anh cần việc gì xin cứ nói đi Rodia ạ: cửa hàng của họ đã hai lần cho người đến đây rồi đây; lần trước không phải anh nầy, một người khác kia, chúng tôi có nói chuyện với người đó. Lần trước cửa hiệu anh cho ai đến đây thế nhỉ?
– Ông muốn nói cái người đến đây hôm kia phải không ạ, đúng đấy. Đó là Alekxey Xemionovich cùng làm ở hiệu chúng tôi đấy ạ.
– Anh kia có vẻ khôn ngoan hơn anh phải không?
– Vâng ạ, ông ấy đúng là chững chạc hơn tôi ạ.
– Hay lắm; anh cứ nói đi.
– Thế nầy ạ, ông Aphanaxi Ivanovich Vakhrusin, mà tôi chắc ông đã có nghe tên nhiều lần, theo yêu cầu của bà cụ nhà đã chuyển cho hiệu chúng tôi một tờ ngân phiếu – người chạy hàng nói thẳng với Raxkonikov. – Đến khi nào ông đã tỉnh trí, chúng tôi sẽ trao lại cho ông ba mươi lăm rúp, vì Xemion Xemionovich theo yêu cầu của cụ nhà, có được Aphanaxi Ivanovich báo cho biết về số tiền nói trên theo thể thức như cũ. Ông đã biết việc nầy chưa ạ?
– Có tôi có nhớ… Vakhrusin… – Raxkonikov nói, vẻ trầm ngâm.
– Anh nghe ra chưa: cậu ấy biết ông lái buôn Vakhrusin! – Razumikhin kêu lên. – Thế mà còn bảo là chưa tĩnh trí nữa à? À mà bây giờ tôi nhận thấy anh cũng là người khôn ngoan lắm. Hay! Nghe những câu nói thông minh cũng thú lắm chứ!
– Chính ông Vakhrusin Aphanaxi Ivanovich đấy ạ, cụ nhà đã từng gửi tiền cho cậu một lần qua ông Vakhrusin theo thể thức ấy, lần nào ông cũng không từ chối lời yêu cầu của cụ nhà, và cách đây ít hôm có báo cho ông Xemion Xemionovich biết để chuyển cho ông ba mươi lăm rúp trong khi chờ đợi một món lớn hơn.
– Đấy cái câu “trong khi chờ đợi một món lớn hơn” của anh nghe hay hơn cả đấy; cả cái “bà cụ nhà” của anh cũng khá lắm. Nào, thế theo anh thì sao: anh bạn tôi đã tĩnh trí hẳn hay chưa, hả?
– Đối với tôi thì thế nào cũng được. Miễn là ông ấy ký được biên lai.
– Ký được mà! Anh có mang sổ sách theo đấy chứ?
– Sổ đây ạ!
– Đưa lại đây. Nào, Rodia, cậu ngồi dậy. Tớ sẽ đỡ đầu; cậu nguệch cho anh ta một chữ ký. Raxkonikov, cầm lấy bút đi cậu ạ, vì bây giờ chúng mình đang cần tiền lắm!
– Không cần, – Raxkonikov gạt bút ra nói – Không cần làm sao? Tôi không ký đâu.
– Quái thật, không ký thì làm thế nào?
– Không cần… tiền…
– Không cần tiền! Cậu chỉ nói láo, tớ xin làm chứng như vậy! Anh chớ lo, chẳng qua cậu ấy… lại hơi mê sảng một chút. Vả chăng ngay khi tỉnh táo cậu ấy cũng đôi khi như thế… Anh là người thông minh; chúng ta sẽ hướng dẫn cậu ấy, nghĩa là hướng dẫn bàn tay cậu ấy một chút! Cậu ấy sẽ ký… Nào, ta…
– Dù sao thi khi khác tôi đến đây cũng được.
– Không, không, anh lo ngại cái gì kia chứ? Anh là người thông minh. Nào. Rodia, đừng làm phiền ông khách… cậu cũng thấy ông ấy đợi đấy. – nói đoạn Razumikhin thật sự chuẩn bị đỡ tay Raxkonikov.
– Cậu buông ra, để tôi ký lấy… – Raxkonikov nói đoạn cầm bút ký vào sổ. Người chạy hàng giao tiền và lui ra.
– Hoan hô! Bây giờ thì ăn chứ, cậu có muốn ăn không?
– Có, – Raxkonikov đáp.
– Chị có xúp không?
– Xúp hôm qua. – Naxtaxia, nãy giờ vẫn đứng đấy, đáp.
– Xúp khoai tây với bột gạo đấy chứ?
– Xúp khoai tây với bột gạo.
– Tớ thuộc lòng đi rồi. Đem xúp lên đây, dọn trà luôn nhé.
– Vâng ạ.
Raxkonikov nhìn mọi vật với vẻ bỡ ngỡ sửng sốt và một nỗi sợ sệt vô nghĩa, đần độn, chàng quyết định lặng thinh chờ xem sẽ ra sao nữa. “Hình như đây không phải là mê sảng – Chàng nghĩ thầm – Hình như đó là chuyện thật…”
Hai phút sau, Naxtaxia bưng súp vào và nói rằng trà cũng sẽ mang vào sau. Khi dọn xúp ra thấy có hai cái thìa, hai cái đĩa và đủ cả bộ sậu: lọ tiêu muối: mù-tạt để ăn thịt bò vân vân, những thứ mà đã lâu lắm không hề thấy được bày biện tươm tất như vậy. Khăn giải bàn trắng tinh.
– Naxtaxia nầy, giá bà Praxkovia Paplovna cho hai chai bia thì hay quá. Chúng tôi sẽ uống với nhau.