Review

Thuyết Phục

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Jane Austen
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Phương Đông
Số trang 316
Ngày xuất bản 03-2010
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


Trong khi viết quyển Persuasion (tên tiếng Việt Thuyết Phục), JaneAusten đang ngã bệnh. Đây là tiểu thuyết cuối cùng hoàn chỉnh của JaneAusten, được phát hành năm 1818.

Trong khi Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) thường được được xem là truyện nổi tiếng nhất của Jane Austen, một số người đọc cho biết họ thích nhất Persuasion trong số các tác phẩm của tác giả. Điều này cho thấy Persuasion có một chỗ đứng nhất định trong văn học.

Câu chuyện xoay quanh cô Anne Elliot, con gái thứ hai của Tòng nam tước Walter Elliot, bị ông bố và chị khinh rẻ (có ý kiến so sánh như là Cinderella!). Tám năm về trước, Anne và anh Wentworth tha thiết yêu nhau trong khi anh này còn nghèo, không có gia sản, chưa có sự nghiệp. Vì nghe theo lời thuyết phục của Phu nhân Russell, người đóng vai trò mẹ đỡ đầu của cô, cho rằng Wentworth không xứng đáng, Anne cắt đứt quan hệ tình cảm với Wentworth. Bây giờ, Wentworthtrở về sau khi hòa bình được tái lập, trong tư cách một đại tá với chiến công hiển hách và một gia sản to tát nhờ tiền thưởng trong cuộc chiến. Cùng lúc, ông bố đang lâm vào cảnh nợ nần do chi tiêu phung phí.Trong khi ấy, người thừa kế tài sản và tước vị của Ngài Wentworth là anh Elliot bắt lại mối quan hệ với gia đình ông và có ý muốn cưới Anne. LiệuAnne sẽ bị thuyết phục bởi viễn cảnh làm Phu nhân một tòng nam tước và cũng là bà chủ một gia sản to tát, hay cô lại bị Phu nhân Russell thuyết phục nhầm lẫn, hay cô sẽ thuyết phục anh Wentworth kiềm chế sự ghen tị và mặc cảm đối với anh Elliot mà nối lại cuộc tình?

[taq_review]

Trích dẫn


Anne không muốn thăm viếng Uppercross để thấy khi đi từ gia đình này qua gia đình kia, dù chỉ qua quãng đường 5km, lại là thay đổi hoàn toàn trong nội dung chuyện trò và ý tưởng. Mỗi khi đến đây, cô đều có ấn tượng mạnh hoặc đều mong rằng những người khác trong gia tộc Elliot có lợi thế như cô khi nhận ra làm thế nào những chuyện riêng tư ở Dinh thự Kellynch bị họ xem là thông tin công cộng, nhưng gia đình cô lại không biết hoặc không màng đến. Tuy thế, với trải nghiệm này, cô tin mình cần một bài học khác trong nghệ thuật nhận ra cái hư vô của mình bên ngoài phạm vi gia đình. Khi đến gặp nhà thông gia, sau nhiều tuần lễ kinh qua vụ việc mà hai nhà đều bận tâm, cô đã mong đợi có sự quan tâm và cảm thông hơn, nhưng cô lại nghe ông bà Musgrove hỏi những câu như:

– Cô Anne à, thế là Ngài Walter và chị cô đã đi, và cô nghĩ hai người sẽ ổn định nơi nào ở Bath?
Và rồi, không đợi nghe câu trả lời, một cô gái trẻ nói thếm:
– Con hy vọng chúng ta sẽ đi Bath vào mùa đông nhưng papa ạ, cần nhớ là nếu đi thì chúng ta phải ăn ở khá, chứ ở quãng trường Queen thì chúng con không chịu đâu.

Hoặc trong câu nói đầy lo âu của Mary:
– Cứ tin tôi đi, tôi sẽ ổn thôi, khi mọi người đã ổn định thoải mái ở Bath!
Anne có thể tránh tự lừa dối mình như thế về chuyện tương lai, và cảm kích tột độ khi có người bạn thật sự đồng cảm như Phu nhân Russell.

Gia đình Musgrove có cách thức riêng để gìn giữ và phá hoại nhà cửa, chó ngựa và báo chí, còn phụ nữ luôn bận rộn trong những công việc thông thường như chăm sóc nhà cửa, giao tiếp với láng giềng, trang phục, khiêu vũ, âm nhạc. Cô nhìn nhận mỗi cộng đồng nhỏ quyết định cách giao tiếp cho riêng họ là việc phù hợp, hy vọng chẳng bao lâu mình sẽ là một thành viên xứng đáng trong cộng đồng mà cô gia nhập. Với viễn cảnh là sẽ sống qua ít nhất hai tháng ở Uppercross, cô nghĩ mình cần che đậy càng nhiều càng tốt tưởng tượng của cô, hồi tưởng của cô, hồi tưởng của cô, và những ý nghĩ của cô ở Uppercross.

Anne không lấy gì làm chán ngán khi phải trải qua hai tháng ở đây. Mary không có tính lạnh nhạt, nhẹ tình chị em như Elizabeth, nhưng lại dễ chịu ảnh hưởng của cô, còn các mặt đời sống ở Biệt thự Uppercross đều thoải mái. Anne luôn thân thiết với em rể, các đứa trẻ cũng mến cô, kính trọng cô hơn là kính trọng mẹ chúng. Đối với chúng, cô là đối tượng cho các mối quan tâm, các vui đùa và hoạt động lành mạnh.

Charles Musgrove là người lịch sự và dễ mến, chắc chắn là có cảm nhận và tính khí tốt hơn vợ anh, nhưng về ảnh hưởng cá nhân, ngôn từ và sự phong nhã thì anh không sánh bằng, tuy rằng, giống như phu nhân Russell, Anne nghĩ nếu cuộc hôn nhân xứng đôi vừa lứa hơn thì anh sẽ là con người khá hơn nhiều, một người phụ nữ với sự thông hiểu thật sự có thể giúp anh có tính khí khá hơn, trở thành người hữu dụng và thanh lịch hơn. Nhưng trong hoàn cảnh này, anh không hăng hái làm việc gì mà chỉ mê chơi thế thao, dùng thời gian vào những chuyện vụn vặt, không tiếp thu điều gì từ sách báo hoặc bất kỳ việc gì khác. Anh có tinh thần phấn chấn, có vẻ như ít chịu ảnh hưởng khi cô vợ thỉnh thoảng xuống tinh thần, chịu đựng giỏi tính khí vô lý của cô vợ khiến cho đôi lúc Anne thấy ngưỡng mộ anh.

Tựu chung, mặc dù giữa hai người thường xảy ra bất đồng ý kiến nho nhỏ (đôi lúc Anne có phần can dự hơn nhiều vì hai bên đều tranh thủ sự ủng hộ của cô), hai người vẫn được xem là cặp vợ chồng hạnh phúc. Họ hoàn toàn đồng ý về việc muốn có thêm tiền, mong mỏi cha anh cấp dưỡng thêm cho họ, nhưng trong việc này, cũng như phần lớn việc khác, anh chiếm ưu thế, bởi vì trong khi Mary cảm thấy xấu hổ vì không được nhận thêm, anh lại tỏ ra hài lòng vì cha mình xài tiền vào những mục đích khác cho ông, và có quyền chi tiêu tùy ý ông thích.

Về việc nuôi dạy con cái, cái lý thuyết của anh hay hơn cô vợ và thực hành thì không tệ. Anne thường nghe anh nói“Tôi có thể làm rất tốt, nếu Mary không can dự quá đáng” và tin anh nói thực, nhưng khi cô nghe Mary trách móc “Charles làm cho bọn nhỏ hư khiến em không thể đưa chúng vào khuôn phép”, thì cô không muốn nói “Đúng thế.”

Một trong những tình huống khó chịu nhất trong thời gian qua Anne ngụ ở đây là lúc mọi người tỏ ra thân mật với cô quá đáng, tiết lộ cho cô nhiều chuyện thầm kín khi người này than phiền người kia. Được biết cô có tầm ảnh hưởng nhất định đối với em gái, bên thông gia thường yêu cầu hoặc ít nhất ngụ ý cô sử dụng ảnh hưởng này vượt quá mức bình thường. Charles nói:

– Tôi mong cô có thể thuyết phục Mary đừng có lúc nào cũng giả vờ bệnh.
Còn Mary lấy làm buồn mà nói với Anne:
– Em tin nếu Charles thấy em sắp chết thì anh ấy vẫn nghĩ em chẳng có chuyện gì cả. Chị Anne à, nếy có thể, em xin chị thuyết phục anh ấy rằng em đang đau yếu-còn tệ hại hơn nhiều so với trước kia.

Mary tuyên bố:

– Em ghét gửi bọn trẻ đi Đại biệt thự cho dù bà nội chúng luôn muốn gặp chúng, vì bà đùa giỡn và quá nuông chiều các cháu, hay cho các cháu ăn vặt và ăn đồ ngọt, nên em tin chắc chúng sẽ ngã bệnh khi trở về rồi quấy phá cả ngày.

Rồi bà Musgrove bắt lấy cơ hội khi một mình trò chuyện với Anne mà nói:

– Ôi! Cô Anne ạ, tôi chẳng đặng đừng mong bà Charles học được một ít phương cách của cô đối với bọn trẻ. Khi ở bên cô, chúng nó trở nên khác hẳn! Nhưng nói chung, chắc chắn là chúng đã hư đốn! Tiếc là cô không thể giúp em gái cô dạy dỗ bọn trẻ tốt hơn. Bọn chúng là những đứa trẻ khỏe mạnh như bao trẻ khác, nói công tâm thì quả thật là tội nghiệp!, nhưng bà Charles không biết cách đối xử với chúng. Trời đất! đôi lúc chúng quấy rầy làm sao ấy! Cô Anne ạ, tin tôi đi, việc này khiến cho tôi không được gặp chúng thường xuyên như ý tôi muốn. Tôi tin bà Charles không được vui lắm vì tôi không kêu chúng đến thường xuyên hơn, nhưng cô biết đấy, khó mà gần gũi trẻ con khi phải trông chừng chúng từng giây phút, cứ phải luôn miệng nói “Đừng làm thế này” và “Đừng làm thế kia”, hoặc là nếu muốn giữ một ít trật tự thì phải cho chúng ăn thêm bánh ngọt vượt mức cần thiết đối với chúng.

Mary nói thêm:

– Bà Musgrove nghĩ tất cả gia nhân đều ngay thẳng đến nỗi nếu nghi ngờ họ thì có vẻ như là phản bội, nhưng em biết chắc mà không nói ngoa rằng cô hầu và cô giặt là không chịu lo làm việc, nhưng lại lượn lờ trong làng cả ngày. Em đi đâu cũng gặp họ và em dám nói là cứ vào phòng nuôi trẻ là thấy họ. Nêu Jemina không phải là gia nhân đáng tin cậy nhất, ngay thẳng nhất trên thế gian thì chuyện này cũng đủ làm cho cô ấy hư người, bở vì cô ấy nói với em rằng họ luôn rủ rê đưa cô ấy đi chơi.

Về phần bà Musgrove, bà nói:

– Tôi đặt ra quy luật là không bao giờ can dự vào những chuyện lo lắng của con dâu vì chẳng lợi ích gì cả, nhưng cô Anne à, bởi vì cô có thể chỉnh đốn sự việc, tôi muốn nói cho cô rằng tôi không có ý nghĩ tốt về cô giữ trẻ của bà Charles, tôi nghe những chuyện lạ lùng về cô này, luôn đi la cà đây đó, và theo chỗ tôi được biết, tôi dám chắc cô ấy là người thích ăn mặc đẹp nên dễ làm cho các gia nhân khác hư người. Tôi biết bà Charles bênh vực cho cô ấy, nhưng tôi nói nhỏ cho cô nghe để cô trông chừng, bởi vì nếu thấy có điều gì lạ thì cô cứ nói ra.

Lại là than phiền của Mary, rằng bà Musgrove đã rất khôn khéo không để cho cô có quyền ưu tiên trong gia đình theo đúng vị thế của cô, khi cùng nhau ăn tối ở Đại biệt thự với những gia đình khác, và cô không thấy có một lý do tại sao mình được tôn trọng ở nhà nhưng bị mất vị thế ở đây. Một ngày, khi Anne đang tản bộ chỉ với một số thành viên gia đình Musgrove, một người bàn về giai cấp, người của giai cấp và sự ganh tỵ về giai cấp và tiếp:

– Do ai đều thấy cô phóng khoáng và không câu nệ về điều này, nên tôi không ngại gì mà nhận xét cho cô nghe, rằng nhiều người tỏ ra vô lý về vị thế của họ. Tôi chỉ mong mọi người ngụ ý cho Mary hiểu rằng nếu cô ấy đừng cố chấp như thế, đặc biệt nếu cô ấy đừng luôn cố dựa vào vị thế của mình mà mong muốn chiếm chỗ của ma-man, thì như vậy sẽ tốt hơn nhiều. Ai cũng chấp nhận cô ấy có quyền ưu tiên so với ma-man, nhưng cô ấy cần tế nhị khi hành xử quyền này. Ma-man không quan tâm đến việc này lắm, nhưng tôi biết nhiều người đã nhận thấy.

Làm thế nào Anne chấn chỉnh được những sự việc này? Cô chỉ biết lắng nghe một cách lịch sự hơn là làm gì khác, cố xoa dịu mọi nỗi bức xúc, xin người này thứ lỗi cho người kia, ngụ ý cho mọi người thấy cần tỏ ra độ lượng giữa những người thân thuộc với nhau, và nhấn mạnh những ngụ ý này theo chiều hướng có lợi cho em gái.

Theo những phương diện khác, chuyến đi của Anne bắt đầu và diễn tiến tốt đẹp. Tinh thần cô phấn chấn lên nhờ sự thay đổi về nơi chốn và con người, nhờ đi xa 5km khỏi Kellynch. Các chứng đau yếu của Mary nhẹ bớt nhờ có người kề cận. Sự giao tiếp hàng ngày giữa hai chị em với gia đình thông gia là một lợi điểm, bởi vì tình cảm mật thiết, việc giải bày tâm sự và công việc ở Biệt thự Uppercross đều không bị gián đoạn. Mối giao tiếp càng tiến xa hơn bởi vì hai nhà gặp nhau mỗi buổi sáng và nhiều buổi tối, nhưng Anne nghĩ mối giao tiếp sẽ không khắng khít như thế nếu không có sự hiện diện của ông bà Musgrove theo cung cách chuẩn mực ở đúng vị thế, và có các cô con gái trò chuyện, cười đùa và ca hát.

Anne trình diễn hay hơn các cô nhà Musgrove, nhưng vì không có giọng hát, không chơi được đàn hạc và không có cha mẹ trìu mến kế bên để hình dung mình được yêu thích, nên cô nhận ra màn trình diễn của mình không được đánh giá cao, mà chỉ vì họ muốn tỏ ra lịch sự với cô hoặc để những người khác nghỉ mệt. Cô nhận biết rằng khi góp mặt trình diễn cô chỉ vui thú với chính mình, nhưng đây không phải là cảm nhận mới. Ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn ngủi trong đời, từ khi lên 14 tuổi và từ khi bà mẹ yêu quý qua đời, cô không hề biết đến niềm hạnh phúc được lắng nghe hoặc được khích lệ do sự đánh giá công tâm hoặc do khiếu thưởng ngoạn thật sự. Trong âm nhạc, cô luôn quen cảm thấy mình cô độc, riêng ông bà Musgrove chỉ chú ý đến tài năng của các cô con gái và hoàn toàn không để ý gì đến người khác. Cô thấy vui cho họ hơn là tủi về phần mình.

Bạn đọc cảm nhận


Nguyễn Thanh Tâm

Tôi bắt đầu biết đến Jane Austen từ Kiêu hãnh và Định kiến và ngay lập tức yêu thích tác giả. Được một người chị giới thiệu, tôi tìm đọc Thuyết phục. Và cũng như các tác phẩm khác của tác giả, Thuyết phục là một câu chuyện tình đẹp với kết thúc có hậu. Tính cách và quá trình phát triển tâm lý của các nhân vật, đặc biệt là cô Anne Elliot được xây dựng và khắc họa rất chi tiết, những lúc cô suy nghĩ về chuyện tình 8 năm trước, rồi những bối rối của cô khi gặp lại Đại tá Wentworth sau 8 năm, những lần gặp gỡ giữa hai người, và khi cô đọc lá thư của anh. Từng bước, từng bước, tôi bị cuốn theo những lo lắng, suy tư của Anne. Đọc đến cảnh Anne đứng bên cửa sổ trò chuyện với Đại tá Harville, tôi cứ mong rằng Đại tá Wentworth có thể nghe được cuộc trò chuyện giữa họ, để anh biết được tình cảm của Anne đối với anh. Và khi anh đưa lá thư cho Anne với “ánh mắt cầu khẩn”, tôi gần như hồi hộp nhưng cũng tràn đầy hy vọng anh sẽ tỏ bày với cô. Những gì Đại tá Wentworth viết trong thư thật chân thành và thật lãng mạn. Đây là đoạn tôi thích nhất trong tác phẩm.

Đây là quyển tiểu thuyết cuối cùng của Jane Austen và cũng như những tiểu thuyết trước của tác giả, Thuyết phục là một tác phẩm đặc sắc.

Chỉ có một điểm hạn chế là do người dịch muốn giữ lại văn phong của tác giả trong bản dịch nên có những đoạn phải đọc kỹ và nhiều lần mới rõ nghĩa. Nhưng nhờ vậy nên khi đọc nguyên tác tiếng Anh thì dễ hiểu hơn, và cũng cảm nhận rõ hơn sự hóm hỉnh, châm biếm của tác giả về xã hội thời bấy giờ.

Tran Thien Nhan

Vẫn như vậy, Jane Austen văn phong ko lẫn vào đâu được, bóng bẩy, kiểu cách và hơi có vẻ dài dòng, nhưng vẫn sâu sắc ý nhị đến kì lạ. Tuy không được đánh giá cao bằng tác phẩm ” Kiêu hãnh và định kiến” vì tính cách của nhân vật nữ chính và nam chính còn chưa được định hình đặc sắc, nhưng Thuyết phục không phải là 1 tác phẩn tồi, một khía cảnh tâm lý rất thực của con người, dễ bị dao động bởi những lời thuyết phục của bên ngoài mà quên mất rằng điều mình thực sự muốn và cần là gì? Để rồi khi chúng ta nghiệm ra rằng chúng ta đã mất nó, thì có thể đã quá muộn để cứu vãn. May mắn cho Anne, cô gái bị thuyết phục bởi những lời nói vẫn có thể tìm thấy được điểm tựa và lựa quá những lời thuyết phục để đến với người thực sự cần cho cô mà ko bị quyến rũ hay đổ gục trước những cám dỗ của những sức ép dư luận , mà cũng tìm cách để thuyết phục trở lại người mà cô đã rời xa do sự thuyết phục quay trở về.

Xoay quanh ma lực của khả năng thuyêt phục của và bản ngã dễ khuất phục của con người Jane Austen đã vẽ ra những màu sắc chân thật sống động nhât để ta có thể hiểu rằng, đối với con người sự kiên định vốn dĩ không hề dễ dàng

Nguyễn Thị Vy

“Thuyết phục”, một cuốn sách ấn tượng nữa mà Jane Austen mang đến cho độc giả. Trải qua một thế kỷ dài đằng đẵng, dường như tác phẩm này vẫn không mất đi chút nào sức hút và những giá trị tuyệt vời của nó. Mỗi trang văn của Jane Austen đều lấp lánh, cả về phương diện nội dung và nghệ thuật, khiến người đọc không khỏi choáng ngợp và thích thú. Bà diễn tả nội tâm nhân vật một cách thuần thục và sắc sảo, khiến mỗi câu chuyện tình yêu của bà đều trở thành kinh điển, đều sống mãi trong lòng người đọc. Những cấu tứ, những ngôn ngữ dùng trong tác phẩm này cũng được chau chuốt, chắt lọc rất kỹ lưỡng, tạo cho tác phẩm sự tinh tế đến bất ngờ. “Thuyết phục”, đúng như cái tên của nó, đã thuyết phục được mình và làm mình vô cùng hài lòng.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button