Review

Thư Gửi Bố

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Franz Kafka
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Phương Nam
Số trang 156
Ngày xuất bản 02-2013
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Giữa cha mẹ và con cái luôn có một khoảng cách nhất định, dù rằng tình yêu luôn là vô bờ bến. Có những điều tưởng như đơn giản nhưng nó tác động vô cùng sâu sắc đến tâm hồn của một con người, sự hình thành nên một nhân cách cũng bắt đầu từ đó.

Như mọi người con, Franz Kafka cũng rất sợ cha mình. Mở đầu bức thư gửi cha, ông đã viết: “Bố yêu quý, Gần đây bố có hỏi con, tại sao con cả quyết rằng con sợ bố. Như thường lệ, con không biết phải trả lời bố như thế nào, phần cũng chính vì nỗi sợ đó, phần để lí giải nó sẽ cần phải đi vào quá nhiều chi tiết mà con không thể bao quát hết được dù chỉ một phần khi nói. Và ngay cả bây giờ, khi con đang cố gắng trả lời bố qua thư, thì chắc chắn sẽ vẫn còn thiếu sót nhiều lắm, bởi ngay cả khi viết, nỗi sợ bố cùng những hệ quả của nó vẫn ngăn cản con, và cũng còn vì qui mô của vấn đề vượt quá kí ức và trí lực của con.”

Thư Gửi Bố không chỉ đơn giản bắt nguồn từ sự phản đối quyết liệt của cha Franz Kafka với cuộc hôn nhân của ông với Julie Wohryzek, một cô gái bị cha ông chê là không đủ nền nã, không xứng với gia đình. Tuy nhiên khi viết, Kafka nhắm tối mục đích lớn lao hơn, đó là: nhìn lại toàn bộ mối quan hệ đau khổ giữa cha và con từ trước tới nay với hy vọng tìm được sự hoà giải với cha. Rốt cuộc lá thư dài 103 trang viết tay không bao giờ được gởi tới địa chỉ người nhận.

Người đọc sẽ bị cuốn hút từ đầu đến cuối theo từng lời tâm sự của đứa con gửi cha mình, những mâu thuẫn giữa hai thế hệ cha và con, nỗi đau âm ỉ cũng như những cảm nhận hạnh phúc ngọt ngào. Đọc Thư Gửi Bố, chúng ta không chỉ bắt gặp đâu đó hình ảnh của mình: những cảm xúc khi còn là một đứa trẻ đứng trước người cha và khi đã trở thành cha đứng trước con cái, mà còn thấu hiểu hơn những góc khuất trong tâm hồn. Franz Kafka cuốn hút người đọc bằng sự sâu sắc, tinh tế mà cũng rất thực tế.

Thư Gửi Bố thuộc tủ sách Tinh Hoa Văn Học do Công ty Sách Phương Nam liên kết với NXB Hội Nhà Văn trân trọng gửi đến quý độc giả như một món quà tinh thần, mở ra cánh cửa thông suốt cho mối quan hệ giữa cha và con.

Ngoài ra cuốn sách còn giới thiệu tiểu sử và gia đình tác giả để bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời của một nhà văn người Do Thái nói tiếng Đức. Người được giới phê bình xem như một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất thế kỉ 20.

[taq_review]

Trích dẫn

Tất cả không phải là một hiện tượng đơn lẻ. Ðiều tương tự cũng xảy ra ở phần lớn thế hệ Do Thái chuyển đổi này, thế hệ những người di cư từ những vùng nông thôn còn tương đối sùng đạo ra thành phố. Ðiều này cũng tự nhiên thôi, chỉ có điều, nó lại bồi thêm một vết thương đủ đau vào mối quan hệ vốn đã không thiếu phần sắc cạnh giữa hai chúng ta. Ở đây, cũng như con, bố nên tin vào sự vô tội của mình, nhưng phải giải thích sự vô tội đó là do bản thể của bố cũng như do sự khác biệt về thế hệ, chứ không phải nói rằng, đại loại, bố luôn có cả đống việc phải làm, phải lo, không còn hơi sức đâu mà bận tâm tới những chuyện vớ vẩn đó. Bằng cách này, bằng vào sự vô tội miễn tranh cãi của bố, bố quay ra kết tội những người khác. Ở tất cả mọi trường hợp, cũng như ở đây, phản bác bố rất dễ. Vấn đề không phải là bố phải cho con bài học gì đó, mà là, bố hãy cho con một đời sống mẫu mực. Chỉ cần bố có đức tin Do Thái mạnh hơn, thì điều bố dạy tự nhiên sẽ thuyết phục hơn. Ðiều này là đương nhiên, và ở đây không phải con đang trách bố, mà là con chỉ tự vệ trước sự kết tội của bố. Gần đây, bố đã đọc cuốn hồi kí tuổi trẻ của Franklin. Thực sự con đã cố ý đưa cho bố đọc cuốn sách đó, nhưng không phải vì một đoạn ngắn nói về việc ăn chay như bố nhận định một cách mỉa mai, mà vì mối quan hệ giữa tác giả với cha được miêu tả trong sách, cũng như quan hệ giữa tác giả với con trai, người được tác giả đề tặng cuốn hồi kí. Ở đây con không muốn đi vào chi tiết.

Những năm qua, con còn nhận được một bằng chứng nữa bổ sung cho quan điểm của bố về Do Thái giáo, khi bố nhận ra con đang quan tâm hơn tới những vấn đề Do Thái. Bởi vì ngay từ đầu bố đã luôn chống lại mọi việc con làm, nhất là chống lại thái độ của con, nên ở đây cũng vậy. Có điều, ngoài chuyện đó ra, lẽ ra người ta có thể chờ đợi, ở đây bố sẽ làm một ngoại lệ nho nhỏ chứ? Ðó chẳng phải là Do Thái giáo, vâng, Do Thái giáo của bố hay sao? Và hẳn nó sẽ mở ra cơ hội cho quan hệ mới giữa hai bố con. Con không phủ nhận rằng, những điều mà bố quan tâm đều làm con nghi ngờ, đơn giản là bởi vì bố quan tâm. Con hoàn toàn không có ý muốn chứng tỏ rằng, con giỏi hơn bố về phương diện này. Nhưng con cũng chẳng có cơ hội đâu mà chứng tỏ. Qua sự giới thiệu của con, Do Thái giáo trở nên kinh tởm với bố; kinh sách Do Thái là thứ không đọc nổi, chúng làm bố “buồn nôn”. Ðiều đó có thể được hiểu rằng, theo bố, oái ăm thay, chỉ có cái thứ Do Thái giáo mà bố dạy con hồi bé là Do Thái giáo duy nhất đúng, ngoài ra không còn gì nữa. Nhưng thật khó tưởng tượng là bố lại có thể nghĩ như thế. Vậy thì, sự “buồn nôn” (ngoại trừ việc nó trước hết không phải hướng vào Do Thái giáo, mà là hướng vào con người con) chỉ có nghĩa là trong vô thức, bố đã thừa nhận sự yếu kém về Do Thái giáo của mình cũng như nền giáo dục Do Thái mà con được nhận, và bố tuyệt đối không muốn bị ai nhắc tới điều đó. Bố đáp lại mọi nhắc nhở bằng sự căm ghét ra mặt. Có điều bố đã quá trầm trọng hóa cái Do Thái giáo mới của con, vì thứ nhất, nó mang theo cuộc trốn chạy của bố, và thứ hai, sự phát triển của nó có ảnh hưởng quyết định tới quan hệ của con với người khác nói chung. Trong trường hợp của con, đó là sự ảnh hưởng chết chóc.

Bố đã có lí hơn khi chống lại việc viết của con và những gì liên quan tới nó (những điều mà bố không biết). Ở đây quả thật con đã tách ra độc lập được với bố một đoạn, cho dù sự độc lập này cũng chỉ gợi liên tưởng đến một con giun, con giun bị một bàn chân dậm chặt một đầu, còn đầu kia cố gắng kéo lê thân mình đi, và nó đổ oặt sang một bên. Ở đây con được yên ổn phần nào. Con được hít thở một chút. Tất nhiên bố đã lập tức chống lại việc viết của con, nhưng trong trường hợp ngoại lệ này, con lại sẵn sàng đón nhận. Ðúng là sự kiêu căng của con, tham vọng của con đã bị tổn thương trước câu nói của bố, câu nói đã trở nên nổi tiếng với chúng con mỗi khi con mang về những cuốn sách mới của mình: “Ðể lên bàn đi!” (thường thì bố luôn chơi bài mỗi khi có sách đến), nhưng nhìn chung con vẫn thấy dễ chịu, không chỉ vì sự ác ý hoang dại, không chỉ vì sự khoái trá bởi quan điểm của con về mối quan hệ giữa chúng ta được xác nhận thêm một lần nữa, mà, vì một điều hết sức căn cốt là, mỗi câu nói hình thức của bố đều sẽ gây cho con cảm giác: “Giờ thì anh tự do!”. Tất nhiên, đó chỉ là ảo giác. Con không tự do. Ngay cả trong trường hợp thuận lợi nhất, con cũng vẫn chưa tự do. Con viết là con viết về bố. Con than vãn ở đó, chỉ vì con không thể than vãn trên ngực bố. Viết là một cuộc chia ly với bố, cuộc chia ly mà con cứ cố ý kéo dài ra mãi, và tuy rằng đó là cuộc chia ly do bố ép buộc, nhưng nó đi theo hướng nào lại do con quyết định. Nhưng tất cả thật ít ỏi biết bao! Sở dĩ con nói đến việc viết, là bởi vì việc viết đã làm tổ trong người con, ở đâu đó nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết, và còn bởi vì, nó đã chế ngự đời sống của con, như một dự cảm khi bé, như một hi vọng khi lớn, và rồi sau đó, như một niềm tuyệt vọng. Và – nói thế nào nhỉ, có lẽ cũng như bố – nó ra lệnh cho con trong một số quyết định nhỏ bé của mình.

Ví dụ như việc lựa chọn nghề nghiệp. Ðúng là bố đã hào phóng cho con toàn quyền tự do, và theo nghĩa này, thậm chí có thể nói bố đã rất kiên nhẫn nữa. Tuy nhiên ở đây bố cũng bám theo các nguyên tắc chung mà giới trung lưu Do Thái áp dụng với con trai, hoặc ít nhất là những chuẩn mực giá trị của giới này. Và cuối cùng, việc này còn chịu tác động của một sự hiểu lầm của bố về con người con nữa. Vì lòng tự hào của người cha, vì thiếu hiểu biết về bản chất thực sự của con, vì tổng kết những biểu hiện yếu đuối của con, bố đã cho rằng con là đứa đặc biệt chăm chỉ. Theo bố thì khi bé, con đã luôn học và học, còn sau này thì viết và viết. Ðiều này không hề đúng. Ngược lại, không hề phóng đại, có thể nói rằng con là đứa học ít và đã chẳng học được gì hết. Nhiều năm trời, chẳng có gì động đậy trong một bộ óc thuộc loại trung bình, trong một trí lực không phải loại tệ nhất, điều đó cũng không có gì quá đặc biệt, nhưng điều chắc chắn là, kết quả chung về kiến thức, đặc biệt là về sự chắc chắn của kiến thức, thuộc loại vô cùng thảm hại, nếu so với lượng thời gian và tiền bạc bỏ ra cho một đời sống bề ngoài tưởng chừng như yên ả, vô lo, đặc biệt là khi con so sánh mình với những người khác mà con biết. Ðiều đó thật thảm hại, nhưng lại dễ hiểu với con. Từ khi biết nghĩ, con đã luôn lo lắng ghê gớm về việc xác tín sự tồn tại tinh thần của mình, đến nỗi con dửng dưng với mọi thứ khác. Ở trường, học sinh Do Thái thường rất dễ nhận ra, vì họ thuộc loại ít giống người khác nhất, nhưng không thể tìm đâu ra một đứa trẻ tự hài lòng nhưng lãnh đạm như con, với vẻ dửng dưng lạnh lùng, dửng dưng không che đậy, dửng dưng không thể phá hủy, dửng dưng ngây thơ tuyệt vọng, dửng dưng đến nực cười, dửng dưng yên phận như thú vật. Có điều đấy là cách tự vệ duy nhất của con để không bị đứt dây thần kinh vì sợ hãi và cảm giác tội lỗi. Con chỉ quan tâm tới nỗi lo của mình, những nỗi lo đủ loại khác nhau. Chẳng hạn, lo về sức khỏe. Ðiều này rất dễ xảy ra, khi thì lo về tiêu hóa, khi thì lo rụng tóc, khi thì lo vẹo cột sống v.v… những nỗi lo cứ tăng dần theo vô số cấp độ, rốt cuộc nó kết thúc bằng việc ốm thật. Mà đó thực ra là gì? Không hẳn là ốm về cơ thể. Nhưng bởi vì con không chắc chắn được về điều gì, nên từng lúc từng lúc, con lại cần được xác nhận mới về sự tồn tại của mình; bởi vì con không thực sự sở hữu cái gì – sở hữu một cách không nghi ngờ, sở hữu duy nhất, sở hữu được quyết định bởi chính con; bởi vì sự thật, con là một đứa con bị tước bỏ quyền thừa kế – nên dĩ nhiên con cũng không chắc chắn được về cái gì bên cạnh, không chắc chắn được về chính cơ thể mình. Người con cứ dài đuỗn ra, nhưng con không biết phải làm gì với nó, gánh nặng quá lớn, lưng còng xuống. Con gần như không dám hoạt động, gần như không dám chạy, con mãi là đứa yếu ớt. Con kinh ngạc về tất cả những gì mình còn sở hữu, chẳng hạn như khả năng tiêu hóa tốt, như một phép lạ. Chỉ cần đánh mất nó là các loại hypochondria (bệnh tưởng) nổi lên, cho tới lúc máu trào ra phổi vì sự nỗ lực quá sức trong dự-định-đám-cưới (con sẽ còn nói về việc này), mà trong đó sự cố thuê căn hộ ở Schönbornpalais[21] cũng góp phần gây ra (con cần căn hộ này, chỉ vì con nghĩ rằng con cần nó cho việc viết, vì vậy nó cũng đáng được đưa vào bức thư này). Tất cả những việc đó không đòi hỏi lao động gì quá ghê gớm, như bố thường tưởng tượng. Có những năm dài, khi hoàn toàn khỏe mạnh, con chẳng làm gì khác ngoài việc nằm lười trên đi-văng mà đếm bệnh. Thời gian nằm lười này còn lớn hơn thời gian bố dành cho nghỉ ngơi trong cả cuộc đời. Những khi con làm ra vẻ bận rộn để rời khỏi bố, thì thực ra chủ yếu là để con về phòng nằm dài lên đi-văng. Năng suất lao động chung của con ở văn phòng (nơi mà sự lười nhác không dễ bị phát hiện lắm, và vì sợ hãi, nên con cũng cố chỉ lười nhác có mức độ thôi) cũng như ở nhà là vô cùng thấp. Nếu bố nhận ra, hẳn bố sẽ phải phát hoảng. Có lẽ về bản chất, con không phải là đứa lười nhác, nhưng chẳng có gì để con làm cả. Ở nhà, nơi con sống, con bị tước giá trị, bị kết tội, bị đè nén bẹp dí; còn ở những nơi mà con chạy đến, tuy con đã nỗ lực hết mình, nhưng đó chẳng phải công việc, đó là cái không thể chấp nhận, không thể đạt được với sức lực của con – trừ một số ngoại lệ nho nhỏ.

Bạn đọc cảm nhận

Nguyễn Lan Anh

Thư gửi bố của Kafka nói về tuổi thơ của ông bên người cha Do Thái khắc nghiệt luôn muốn rèn giũa đứa con theo ý muốn độc đoán của mình, khiến cho tình cảm giữa họ thêm xa cách, căng thẳng và phức tạp. Có lẽ chính mối quan hệ giữa Kafka và cha ông đã ảnh hưởng rất lớn đến giọng văn lạnh lùng trong nhiều kiệt tác của nhà văn sau này. Đọc tác phẩm tôi như bắt gặp hình ảnh chính mình và cha mẹ mình trong đó. Thư gửi bố thực sự là một bức thư dài và xúc động, có lẽ cuốn sách này sẽ khiến nhiều bậc phụ huynh phải suy nghĩ lại về cách dạy dỗ con cái của mình.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button