Review

Thư Gởi Steve Jobs

Thể loại Sách kinh doanh
Tác giả Mark Milian
NXB NXB Tri Thức
Công ty phát hành Phương Nam
Số trang 156
Ngày tái bản 05-2012
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

…những bí mật chưa từng được tiết lộ trong cuộc đời Steve Jobs

Ngay cả trong đời sống, và có lẽ còn rõ nét hơn nữa trong cái chết, Steve luôn là một nhân vật huyền bí. Nhiều người trong ngành công nghệ này khi nhắc đến ông đều dùng tên riêng một cách thân mật, và ngày nay người ta vẫn có thói quen đó – chỉ gọi tên riêng của ông, mặc dù chưa bao giờ gặp con người này. Các nhà kinh doanh Internet trẻ tuổi kế thừa và đi theo cách của Steve, mặc dù nhiều người trong số họ chưa bao giờ được gặp trực tiếp danh nhân này. Những người ủng hộ ông thì tán tụng, còn đối thủ thì công kích ông trong những cuộc trò chuyện công khai hoặc riêng tư. Apple đã phát triển thành một công ty hùng mạnh trên thế giới, nhưng ít có công ty nào lại được định hình và chi phối bởi một thủ lĩnh đơn thương độc mã như vậy.

Điều bí ẩn này chính là động lực khiến mọi người tìm mọi cách liên lạc với ông, và người ta đã nghĩ đến hộp thư của ông. Nếu nỗ lực tìm kiếm trên web, ta có thể tìm thấy địa chỉ email và số điện thoại của một số người, nhưng thông tin của Steve thì luôn được lưu hành rộng rãi vì ông là một người nổi tiếng , và, đáng ngạc nhiên hơn nữa, đôi khi ông quả thật có viết thư trả lời. Nói một cách khác, chính ông là người đã khơi mào câu chuyện.

Là phóng viên cho báo Los Angeles Times và sau đó là CNN, Mark Milian đã phỏng vấn hàng trăm nhà kinh doanh, các nhân vật nổi tiếng và các nhà lãnh đạo về văn hóa, nhưng chưa bao giờ phỏng vấn được Steve Jobs. Cơ hội lớn nhất của Mark là lần đứng trong nhóm phóng viên để trích lời Steve sau một cuộc họp báo tổ chức tại văn phòng của Apple tại Cupertino, California nhằm công bố một chuỗi sản phẩm laptop mới. Danh tiếng của Steve đã trỗi dậy như cồn trong những năm Mark Milian đưa tin về công nghệ, trong những năm cuối đời đầy ấn tượng của ông – quãng thời gian mà ông gầy dựng lại Apple và đưa công ty này lao vút lên bầu trời. Khi ngôi sao chiếu mệnh của ông vụt tắt vào ngày 5/10/2011, ngày mà ông từ giã cõi đời sau những năm dài chiến đấu với bệnh ung thư, Mark Milian đang hoàn tất cuốn sách này. Từ dữ liệu công việc của mình, Mark Milian đã hiểu được rất nhiều điều về cuộc đời và sự nghiệp của Steve, những thất bại và vô số thành công của ông, những triết lý và niềm tin của ông.

Steve Jobs thường không phải là một người hiền hòa, mà là một người hành xử đúng đắn. Ông tranh đấu, thuyết phục và gào thét để đạt được mục đích, và sản phẩm của ông đã nhiều lần làm thay đổi thế giới. Những cuộc phỏng vấn với đồng nghiệp của Steve không cho ta thấy rõ lắm tất cả những điều này. Mark Milian cũng không tin rằng một cuộc phỏng vấn với chính Steve lại có thể giúp Mark Milian hiểu hết những điều hiểu được sau khi phân tích hơn một trăm bức email của ông.

Những bức thư này là những mảnh nhỏ của một trò chơi ráp hình, mà tất cả đều được khắc họa khéo léo bởi một người bị ám ảnh bởi sự tỉ mỉ. Một số bức thư rõ ràng có dụng ý quảng bá sản phẩm của Apple, một số nhằm góp phần lan truyền tin đồn và đánh lạc hướng đối thủ cạnh tranh. Có những mảnh thông tin thuộc về cuộc đời riêng của Steve mà có lẽ ông chẳng bao giờ muốn hé lộ, hoặc, ở độ tuổi chín chắn của ông, ông thật sự chẳng mấy quan tâm người ta sẽ làm gì. Hy vọng tất cả những mảnh thông tin này, khi ráp lại với nhau, sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về một sản phẩm của Steve Jobs đã bị dừng quá sớm: chính con người thật của ông.

[taq_review]

Trích đoạn sách

GẮN KẾT

NHƯ MỘT NGƯỜI CHA không đủ tư cách, Steve Jobs đã bị người ta tước đoạt đứa con Apple ngay trên tay. “Làm sao ta lại có thể bị sa thải bởi chính công ty do mình lập ra?” Steve đã nhập đề như thế trong bài diễn văn khai mạc tại lễ bế giảng ở Đại học Stanford niên khóa 2005. Steve đã dùng hình ảnh người cha làm ẩn dụ khi kể với phóng viên Steven Levy thuộc tạp chí Wired về những quyết định hôn nhân đầy khó khăn của ông sau khi trở lại công ty.“Tôi làm bố. Và mọi chuyện thật gian nan.” Steve Jobs hết sức bảo bọc cho Apple, giống như tình cảm của ông dành cho các con mình. Nếu Steve cố ý làm tổn thương một ai đó thì thường điều đó là nhằm tự vệ.

“Tôi rất mực yêu thương Apple,” ông viết trong bức thư thông báo nghỉ phép để chữa bệnh vào năm 2010, thông báo cuối cùng trước khi từ chức. Khi bênh vực cho công ty của mình, đôi khi Steve phá lệ, không viết vắn tắt mà lại giải bày vì sao Apple lại có những lựa chọn thế nọ thế kia hoặc vì những sự tin tưởng nào khác. Trong một lần như thế, blogger công nghệ Robin Miller đã viết cho Steve ngay sau khi iPod ra mắt năm 2001. Với tiêu đề “Tại sao iPod tồn tại?” Robin đã đi sâu chỉ trích về việc giá thành cao và điểm giới hạn không thể giao tiếp với các máy tính dùng Windows. Robin đã so sánh iPod với G4 Cube, chiếc máy tính hấp dẫn, không có màn hình và đã không được ưa chuộng.

“Nếu có một sản phẩm nào đó khơi gợi lý do tồn tại của Apple, thì đó là chiếc máy này,” Steve nói như vậy về iPod với phóng viên Steven Levy, “Bởi vì nó kết hợp công nghệ phi thường của Apple với đặc tính dễ sử dụng đã đi vào huyền thoại của Apple và thiết kế đặc sắc của Apple… đó chính là chiếc máy này đây của chúng tôi. Cho nên nếu một ai đó thắc mắc rằng tại sao Apple tồn tại trên đời, tôi sẽ đưa chiếc máy này ra làm ví dụ.” Câu trả lời của Steve đối với email của Robin thì ít ngạo nghễ hơn và giàu tính phân tích hơn, như thể đang trình bày với quan tòa.

Từ: Steve Jobs <sjobs@pixar.com>

Ngày: Tue Oct 23, 2001 10:40 PM

Gửi: Robin Miller

Chủ đề: Về: Tại sao iPod tồn tại?

Với lòng tôn trọng, tôi xin phép không đồng ý với anh, Robin. Máy iPod có nhiều đột phát chưa bao giờ thấy trước đây đối với một thiết bị nghe nhạc kỹ thuật số bỏ túi.

Tôi chỉ nêu một vài điểm tiên tiến:

Máy iPod chứa được 1000 bài hát và bỏ vừa trong túi.

Máy iPod nặng chỉ 180g.

Máy iPod có pin lithium polymer hiện đại đến mức có thể phát liên tục 10 giờ.

Máy iPod có giao diện dễ sử dụng theo kiểu Apple.

Máy iPod có bánh lăn độc nhất vô nhị để ta có thể điều khiển bằng một tay.

Máy iPod dùng FireWire để nạp tất cả nhạc vào trong với tốc độ chớp nhoáng từ 5 đến 10 giây mỗi CD.

Máy iPod cũng tự sạc qua FireWire, với chế độ sạc nhanh lên đến 80% chỉ trong một giờ.

Máy iPod tự động đồng bộ với thư viện iTunes cho nên rất dễ nạp tất cả nhạc và danh sách ca khúc vào máy.

Máy iPod cũng là máy phát HD 5GB.

Tôi có thể kể tiếp nữa. Máy iPod là máy phát nhạc số cá nhân đầu tiên thật sự hữu ích và tôi hy vọng tất cả những tính năng cách tân đó sẽ khiến dòng sản phẩm mới này thành công. Các sản phẩm khác có thể được định giá từ $50 đến $500 nhưng không có thiết bị nào đáng giá vì chúng không hiệu quả (cồng kềnh, chậm, giao diện kém và khó cập nhật, v.v…)

Có nhiều sản phẩm mà ngày nay người tiêu dùng phải trả $400 (TV, máy nghe nhạc stereo, xe đạp, máy phát DVD, lò vi ba, chảo vệ tinh, máy chơi game, camera, máy quay phim…) Nhiều thiết bị đột phá một cách trọng đại như máy phát CD, máy phát DVD, điện thoại di động, Walkman và nhiều thiết bị khác cũng đã từng có giá trong khoảng này và đã thành công rất vang dội. Điều quan trọng là sản phẩm đáp ứng được một nhu cầu quan trọng và phải có giá trị cao. Có thể tôi thiên lệch nhưng tôi nghĩ iPod đạt được cả hai điều này tốt hơn bất cứ một sản phẩm âm thanh kỹ thuật số nào dành cho giới tiêu dùng.

Steve.

Steve hiếm khi trả lời thư dài như vậy, nhưng ông cũng thường phá lệ không trả lời nhát gừng khi gặp những bức thư cần phải tranh biện. Ngày 29/6/2004, khi Leo Prieto viết thư cho các nhà lãnh đạo Apple để kết tội họ đánh cắp ý tưởng của Konfabulator, một nền tảng các trình ứng dụng dạng widget trên desktop mà sau này Yahoo mua lại và cải biên để biến thành chính tính năng Dashboard của Apple, Steve đã đáp lại: “Tôi xin phép nói rằng Mac OS 9 đã có Widget trên desktop từ lâu trước Konfabulator. Apple cũng là công ty đầu tiên dùng thuật ngữ Widgets . Chúng tôi không hề phàn nàn khi người của Konfabulator chôm của Apple và tôi nghĩ hơi bất công khi giờ đây họ lại tuyên bố chúng tôi thó của họ.”

Cứ như một trò chơi nếu ta phỏng đoán xem chuyện gì sẽ làm Steve nổi xung thiên. Bởi có khi ông cũng nổi cơn thịnh nộ với những chuyện chẳng mấy quan trọng đối với mọi người ngoại trừ ở một xó xỉnh nào đó của thế giới lập trình. Đáp lại email vào ngày Giáng sinh 2005 của Nitesh Dhanjani than phiền rằng ngôn ngữ Objective C, thứ ngôn ngữ mà Apple dùng cho Mac và iPhone “là bệnh hoạn,” Steve vặn lại: “Thật ra, Objective C khá tuyệt vời. Nó mượt hơn nhiều so với hầu hết các ngôn ngữ lập trình ứng dụng khác. Anh không thích nó ở chỗ nào? Anh thích ngôn ngữ nào hơn?” Nitesh đáp lại rằng anh chuộng C#, .NET của Microsoft và Ruby. Steve nói: “Tôi không đồng ý. Trước hết, .NET với CLI chạy chậm, cho nên hầu hết các lập trình viên đều không dùng được vì hiệu suất. Thứ hai, các thư viện trong C# rất kém phát triển và kém gọn gàng hơn trong Cocoa. Chúng ta nhắm đến việc cải thiện nhiều yếu tố cho môi trường ngoài kia, nhưng sau cùng thì hiệu suất vẫn sẽ là trọng tâm và thời gian chậm trễ sẽ không có lợi cho một số loại ứng dụng.”

Scott Frazer, nhà lãnh đạo công nghệ của một công ty mang tên Portico Systems, đã viết cho Steve về một đề tài nhỏ nhặt khác – các tin đồn về việc Apple sẽ chấm dứt tích hợp Java plugin vào trong hệ điều hành Mac. Steve viết: “Sun (giờ đây là Oracle) đã cung cấp Java cho tất cả mọi nền tảng điều hành. Họ có lịch trình phát hành sản phẩm của họ, mà hầu như luôn khác với lịch của chúng tôi, cho nên Java mà chúng tôi đưa ra lúc nào cũng tụt hậu một phiên bản. Cách làm này có lẽ không phải cách tốt nhất.”

Steve Jobs có thể trò chuyện một cách đầy đam mê và say sưa về một đề tài mà ông “quan tâm sâu sắc,” một thành ngữ mà ông thường dùng để giải thích vì sao Apple lao vào ngành âm nhạc mà lại không nhắm vào lĩnh vực tìm kiếm Web. Steve đã viết những bức thư cả ngàn từ về các đề tài như chống sao chép âm nhạc số và giao thức video trực tuyến của sản phẩm Flash thuộc Adobe Systems Inc., với các tiêu đề lần lượt là “Suy nghĩ về âm nhạc” và “Suy nghĩ về Flash.” Ngành âm nhạc đồng tình với đề nghị gác bỏ việc chống sao chép, nhưng một số nhà kinh doanh trong ngành băng đĩa bảo rằng đó là ý tưởng của họ, chứ không phải của Steve, và lập luận của họ là Apple đang giam hãm khách hàng vào trong iTunes và iPod; họ bảo rằng Steve đã khơi dậy sứ mạng này để biến mình thành một vị cứu tinh. Lúc Steve viết bức thư “Suy nghĩ về âm nhạc,” Amazon.com Inc. đã đi sâu trong việc đàm phán mở cửa hàng âm nhạc không khống chế sao chép – được khai trương vào tháng 9/2007, và Steve đã vội vã tung ra iTunes Plus vào năm 2007. Mãi đến 2009 Apple mới hoàn toàn loại bỏ tính năng kiểm soát bản quyền số trong catalog tại cửa hàng của họ. Về thái độ của Steve đối với Flash, Adobe cũng không tán đồng và điều này khiến quan hệ giữa hai công ty gặp căng thẳng. Steve đã cố gắng truyền đạt rằng mối quan ngại của ông đối với Flash không mang tính cá nhân; chẳng hạn, trong email gửi Josh Cheney, một người hâm mộ thường xuyên liên lạc với ông, Steve đã viết: “Tôi tôn trọng và ngưỡng mộ Adobe. Chỉ có điều chúng tôi không lựa chọn Flash cho các thiết bị của mình.”

Trong những trường hợp hiếm hoi, Steve thường lái sang ý kiến của một nhà bình luận khác trong ngành, thay vì viết ra ý kiến của riêng mình. Khi Greg Slepak, người phát triển phần mềm Tao Effect, gửi email cho Steve về những thay đổi trong thỏa thuận với nhà lập trình của Apple khiến cho các trình dịch chương trình-ngôn ngữ bị loại bỏ – như các chương trình của Adobe, Steve đã vặn lại, “Chúng tôi nghĩ rằng bài viết của John Gruber rất am tường và không tiêu cực,” và cung cấp một đường dẫn đến bài đăng trên blog đó. John là tác giả của một blog tên là Daring Fireball (Quả cầu lửa táo bạo) , có ảnh hưởng trong cộng đồng Apple và ngay cả trong chính Apple. Steve và các nhà lãnh đạo khác đọc trang này thường xuyên. Bài viết đó, cũng như hầu hết các bài đăng trên Quả cầu lửa táo bạo , đều nói tốt cho Apple, mặc dù nó cũng khẳng định rằng một phần động cơ của Apple nằm ở chỗ Flash và các ý tưởng không phụ thuộc hệ điều hành như vậy tỏ ra là một thách thức đối với lợi thế cạnh tranh của App Store. Nói cách khác, nếu các nhà cung cấp video có thể đưa ra phim ảnh chống sao chép thông qua Flash, họ không cần dùng đến cửa hàng của Apple hoặc trả tiền bản quyền cho công ty này. Steve rõ ràng không cãi về điều này. Greg đã đáp lại email của Steve rằng anh không đồng tình với John Gruber và không đồng tình với các quyết định của Apple. Ba phút sau, Steve bồi lại: “Chúng tôi đã từng trải nghiệm điều đó, và các lớp trung gian giữa hệ điều hành và nhà lập trình chỉ khiến tạo ra các phần mềm kém chuẩn và gây trở ngại cho sự tiến bộ của hệ điều hành.”

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button