Review

Thời Thơ Ngây

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Edith Wharton
NXB NXB Dân Trí
Công ty phát hành Bách Việt
Số trang 492
Ngày xuất bản 12-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Thời Thơ Ngây là tác phẩm đoạt giải Pulitzer năm 1921.

Cuốn sách kể về câu chuyện của một cặp đôi thuộc tầng lớp thượng lưu xã hội Mỹ đang chuẩn bị kết hôn. Newland Archer, một luật sư hào hoa và là người thừa kế của một trong những gia đình có danh tiếng bậc nhất ở New York lúc bấy giờ, đang háo hức chuẩn bị cho đám cưới mơ ước của mình với tiểu thư May Welland xinh đẹp. Đúng vào thời điểm ấy,nữ Bá tước Ellen Olenska, cô chị họ xinh đẹp của May trở về từ châu Âu sau tin đồn ly hôn với một Bá tước người Ba Lan. Ban đầu, Archer lo lắng vì tai tiếng của cô có thể ảnh hưởng đến May Welland nhưng dần dần anh lại bị Ellen- người coi thường những quy định hà khắc của xã hội New York thu hút. Tình cảm anh dành cho nữ Bá tước ngày càng sâu đậm và điều đó có thể làm hủy hoại đám cưới của anh và May. Điều gì sẽ xảy ra? Liệu Ellen có dành tình cảm cho anh? Đứng giữa cô dâu tương lai và tình yêu định mệnh của cuộc đời, anh sẽ lựa chọn như thế nào?

Bằng giọng văn châm biếm và hài hước, Edith Wharton đã tái hiện lại xã hội New York vào những năm 70 của thế kỉ XIX với những lề thói cổ hủ, lạc hậu, cái xã hội khiến con người ta không thể sống thật với bản chất, tình cảm của mình. Đồng thời, người đọc cũng cảm nhận được tài năng của bà qua cách bà miêu tả mối tình lặng lẽ của Ellen và Archer.

Thông tin tác giả:

Edith Wharton là nữ tiểu thuyết gia đầu tiên đạt giải thưởng Pulitzer. Ngoài ra, bà cũng viết truyện ngắn và là một nhà thiết kế. Bà từng được đề cử giải Nobel Văn học năm 1927, 1928 và năm 1930. Wharton kết hợp trí thông minh, bản năng xuất sắc và quan điểm của bà về các tầng lớp đặc quyền trong xã hội Mỹ để tạo nên những tác phẩm hài hước, sâu cay về vấn đề tâm lý – xã hội.

Một số trích dẫn:

“New York vào thời Archer Newland là một hình kim tự tháp nhỏ và trơn, mà rất khó có thể gây nên một vết nứt hoặc kiếm một chỗ đứng trong đó.”

“Và anh ngắm gương mặt trẻ trung thu hút ấy với một sự xao xuyến của kẻ sở hữu, mà trong đó, niềm kiêu hãnh đàn ông của anh đã được hòa lẫn với sự tôn kinh trìu mến đối với vẻ tinh khiết của cô.”

“Sự cô đơn thực sự chính là sống giữa những người tử tế mà những người này chỉ luôn bắt người ta phải giả vờ!”

“Nơi chúng ta chỉ đơn giản là hai người yêu nhau, là cả cuộc đời của nhau và không gì trên đời có thể làm phiền.”

[taq_review]

Bạn đọc cảm nhận

Đỗ Ngọc Anh

Văn học kinh điển luôn là thể loại văn học mà tôi muốn đọc nhưng chưa từng mua một cuốn tử tế về để đọc. Có lẽ là do tôi đã quá quen với những thể loại văn học mà tôi thường đọc, nhưng có lẽ phần nào đó trong tôi nghĩ rằng biết đâu mình chưa đủ trình độ để thẩm thấu những cuốn sách như vậy.

Khi nhìn thấy cuốn sách này, tôi đã thực sự bị thu hút. Bìa của cuốn sách rất đơn giản nhưng bắt mắt và khi tôi đọc giới thiệu nội dung của cuốn sách tôi đã nghĩ, một mối tình bị cấm đoán trong bối cảnh xã hội như vậy thì sẽ đi đến đâu chứ? Vậy là vì tò mò, tôi quyết định mua cuốn sách.

Ngay từ khi đọc vài chương đầu, tôi đã hoàn toàn bị choáng ngợp bởi sự miêu tả vô cùng chi tiết về bối cảnh xã hội và giai cấp của New York lúc bấy giờ của nữ tác giả. Tôi đọc miệt mài và bị xúc động mãnh mẽ mỗi khi Archer và Olenska ở bên nhau. Họ có một sự kết nối thật kì lạ, họ hiểu nhau trước cả khi cất tiếng nói. Ở bên nhau, họ tìm được sự yên bình và một tình yêu mãnh liệt. Nhưng sự yên bình đó chỉ là giả dối, làm sao họ có thể ở bên nhau nếu điều đó làm cho tất cả những người họ yêu thương phải đau lòng và bởi sống trong một xã hội định kiến như vậy mối tình của họ sẽ không bao giờ được chấp nhận.

Đã lâu lắm rồi tôi mới bị xúc động như vậy khi đọc một cuốn sách. Quả là xứng với danh Cuốn sách đạt giải Pulitzer!

Cuốn sách này còn được chuyển thể thành phim nữa chứ :3 tôi nhất định phải tìm xem mới được!

Hoàng Hân

“Thời thơ ngây” lấy bối cảnh xã hội New York cũ những năm 1870. Có nhiều cách hư cấu để bước vào giới thượng lưu ở Manhattan thế kỷ 19, nhưng nữ nhà văn Wharton đã lựa chọn sáng tạo ra một câu chuyện tình yêu đầy tai tiếng. Edith Wharton là nữ tác giả đầu tiên đạt giải thưởng Pulitzer danh giá, bà cũng được đề cử giải Nobel Văn học năm 1927, 1928, và 1929. Edith Wharton sinh ra trong một gia đình New York giàu có và danh giá vào năm 1862. Wharton có lẽ là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của thành phố kỳ vĩ này. Từ “Ngôi nhà của Mirth” (1905) và “Những phong tục của đất nước” cho đến kiệt tác của đời bà “Thời thơ ngây” (tên bản gốc The Age of Innocence) , đề tài luôn trở lại trong tác phẩm của Wharton là cảnh tượng không ngừng thay đổi của thành phố New York, những thiếu sót của những con người quyền quý phục sức thời thượng và tham vọng của “những người mới” mà bà cảm thấy họ là mối đe dọa đối với truyền thống văn hóa nơi này. Wharton rất thân với Henry James; với bà, ông “có lẽ là người bạn thân thiết nhất tôi từng có, dù chúng tôi rất khác nhau về nhiều mặt”. Từ năm 1900 cho đến khi Đại chiến thế giới I kết thúc, các sáng tác của James và Wharton đã cùng nhau thống trị văn đàn Mỹ.

Hồi còn nhỏ, bà đã phản đối những chuẩn mực về ăn mặc và lễ nghi dành cho con gái lúc bấy giờ. Bà cho rằng những yêu cầu đó là cứng nhắc và thiển cận. Edith muốn nhận được nhiều hơn từ nền giáo dục, bởi vậy bà đọc sách thư viện của bố và những người bạn của ông. Wharton kết nối quan điểm của bà về các tầng lớp đặc quyền trong trong xã hội Mỹ với trí thông minh bản năng xuất sắc để tạo nên những tiểu thuyết và truyện ngắn hài hước, sâu cay về những vấn đề xã hội và tâm lý. ‘Thời thơ ngây” là một tác phẩm như thế.

“Thời thơ ngây” kể về câu chuyện của một cặp đôi thuộc tầng lớp thượng lưu của xã hội đang chuẩn bị kết hôn. Newland Archer – một luật sư hào hoa và là người thừa kế của một trong những gia đình có danh tiếng bậc nhất ở New York lúc bấy giờ, đang chuẩn bị cho đám cưới của mình với tiểu thư May Welland yếu đuối và xinh đẹp. Tuy nhiên, anh tìm thấy lí do nghi ngờ sự lựa chọn cô dâu của bản thân mình sau sự xuất hiện của Nữ Bá tước Ellen Olenska, cô chị họ xinh đẹp mới trở về từ nước ngoài của May. Ellen từ Châu Âu trở về New York sau tin hồn ly hôn với một Bá tước người Ba Lan. Ban đầu, Archer lo lắng vì tai tiếng của cô có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của cô dâu tương lai của anh. Nhưng dần lại anh lại bị Ellen, người coi thường những quy định hà khắc của xã hội New York cũ thu hút. Nhưng trên cương vị của một vị luật sư, anh được gia đình của May giao nhiệm vụ thuyết phục Ellen từ bỏ việc li dị với chồng.

Xuyên suốt tác phẩm, người đọc có thể thấy được một tài năng xuất sắc, một người phụ nữ quan sát quá tinh tế, những miêu tả chi tiết về bối cảnh chi tiết xã hội và giai cấp của xã hôi New York lúc bấy giờ. Đặc biết lúc bà miêu tả căn phòng khách của Ellen qua con mắt của Archer:” Anh đã từng ở trong những căn phòng khách treo đầy lụa Đa – mát đỏ, với những bức tranh “theo trường phái Ý”. Nhưng ấn tượng cho anh chính là cách mà căn nhà thuê tồi tàn, với bối cảnh đổ nát của đám cỏ đồng hoang và những tượng nhỏ Rogers, nhờ bàn tay xếp đặt khéo léo và sự hữu ích của vài món đồ, đã biến thành một ngôi nhà mang phong cách gì đó riêng biệt của “ngoại quốc”, và nó tế nhị gợi nên những khung cảnh và tình cảm lãng mạn cổ xưa”. Qua đó gợi lên một tính cách khác biệt của Nữ Bá tước Ellen Olenska, một người phụ nữ thách thức lại dư luận của xã hội, dám một mình đương đầu với những định kiến và thị phi, một tâm hồn rung cảm mảnh liệt trước cái đẹp và nghệ thuật, một tâm hồn khao khát tự do. Có thể nói, những người phụ nữ như Ellen trong xã hội lúc bấy giờ, đầy rẫy những định kiến về cô, tuy vậy dường như sự từng trải đã khiến cô thành một người phụ nữ mạnh mẽ, một thân một mình giữa những tai tiếng về đời tư, một người phụ nữ xinh đẹp và cao quý bị xã hội vùi dập đặc biệt là những quý bà sang trọng và kiểu cách. Rõ ràng, trong một xã hội người ta sống với nhau theo những quy tắc rẻ tiền, những người phụ nữ tự đặt ra những quy tắc cho mình và tự giam hãm mình trong những quy tắc đó thì Olenska – một đóa hoa xinh đẹp và khác biệt đã thu hút được một con người phóng khoáng và yêu thích cái mới như luật sư Newland. Nhân vật Olenska được Edith Wharton xây dựng như một đại diện cho sức mạnh chống lại guồng quay cổ hủ, trả giá của xã hội thượng lưu New York bảo thủ và trọng sĩ diện. New York cũ của giới thượng lưu lúc bấy giờ như một bữa tiệc của trần gian, ở đó người ta sống với nhau dựa trên những quy tắc lỗi thời, người ta tìm cách che dấu con người cá nhân để thu mình vào các tiêu chuẩn xã hội. Ellen Olenska – “một phụ nữ bị tổn thương và không có gì để chê trách, có những biểu hiện bên ngoài không thích hợp và do những hành động trái với lẽ thường đã tựu đặt mình vào những lời bóng gió chướng tai gai mắt”. Và cũng chính sự khác biệt của Ellen khiến Archer yêu cô say đắm, mặc cho những giới hạn và thị phi họ vẫn đến với nhau, bằng tình yêu thương mãnh liệt, có phần cuồng dại.

Đối lập với Olenska có lẽ là vị hôn thê của Newland – May Welland. Là một tiểu thư sinh ra trong một gia đình danh giá, được giáo dục dưới những quy tắc đạo đức của xã hội lúc bấy giờ, May là một cô gái chuẩn mực của xã hội lúc bấy giờ, xinh đẹp, ngây thơ, trong sáng, yêu đuối, trông cô tựa như nữ thần. Và điều đó khiến Newland “trở nên chán nản bởi ý nghĩ tất cả vẻ thẳng thắn và ngây thơ ấy chỉ là một thứ sản phẩm nhân tạo. Bản chất của con người không chỉ thẳng thắn và ngây thơ, mà họ luôn bóp méo và che đậy những mưu mẹo bản năng. Và anh thấy khó chịu bởi tác phẩm tinh khiết giả tạo này, vốn được tạo nên đầy khéo léo bởi sự đóng góp của những người mẹ, người dì, người bà và cả những vị tổ mẫu đã quá cố. Bởi vì tác phẩm nhân tạo đó được coi là điều anh muốn, anh có quyền được hưởng, để anh có quyền được thưởng thức những thú vui cao quý của mình trong việc phá tan nó như một hình ảnh làm bằng tuyết”. Chính vì thế mà cuộc hôn nhân giữa May với Newland “giống hầu hết các cuộc hôn nhân lúc bấy giờ. Đó là một sự kết giao chán ngắt về vật chất và các quyền lực xã hội giữa một bên chẳng biết gì và một bên đạo đức giả. Những mẫu phụ nữ giống như May, hay mẹ và em gái của Newland là những đại diện tiêu biểu cho những quý bà và quyền lực giả tạo của xã hội. Họ đem những quy tắc của họ đặt ra và phát triển để đi đánh giá và dè bỉu những phụ nữ không đi theo chuẩn mực của xã hội, như Olenska tội nghiệp. Chính những giáo điều đó, đã bóp chết con người cá nhân như May và cả Olenska. Rõ ràng sự ngây thơ đến đáng thương của May làm ta thấy tội lỗi, tại sao một con người có thể sống quy tắc và tầm thường đến vậy, không sở hữu nét phá cách, những điều riêng biệt của mình nên “vẻ đẹp của May được gọi là vẻ đẹp vô ích”. Newland nhìn thấy tương lai nhàn nhạt của mình qua con người May, thế nên anh chán nản đôi khi đến tuyệt vọng đứng trên bờ vực dám đấu tranh hay không đấu tranh. Nhưng cô dâu của anh, một người tuy không tài năng, không phá cách nhưng lại được xã hội bảo vệ đã níu kéo được con người Newland luôn ở lại bên mình, tình yêu của Ellen Olenska trở nên bất lực trước xã hội.

Bi kịch xã hội với cuộc hội ngộ bất hạnh của Newland Archer được Wharton viết bằng chính những trải nghiệm từ cuộc hôn nhân tan vỡ của bà, cuộc khủng hoảng xảy ra sau khi chồng bà bị suy nhược thần kinh cấp tính. Đến năm 1913, Wharton ly dị và được tự do khám phá năng khiếu viết văn của bà. Tôi thật sự cảm động khi đọc đến đoạn những lần Olenska và Newland gặp nhau, họ – những con người khao khát tự do và yêu đương mãnh liệt đã tìm thấy nhau trong một hoàn cảnh vô cùng éo le, khi mà Newland chuẩn bị kết hôn với người em họ của Olenska. Nhưng họ yêu nhau, họ khao khát tự do, họ tìm thấy nguồn sống và ánh sáng như nhau, cuộc gặp gỡ của họ luôn luôn ngắn ngủi, dù vậy lúc nào cũng được kết thúc bằng những câu hỏi bi kịch và được đẩy lên tới cao trào. Tác giả đã rất thành công khi xây dựng nên Olenska như là một giấc mơ đáng ao ước nhất của Newland, một giấc mơ mà anh dấu kín sâu trong trái tim, dấu cả xã hội để theo đuổi, thế nhưng rồi vỡ mộng. Người đọc đã phải nức nở cho Olenska tội nghiệp, khi một cá nhân bị vùi dập đến đáy xã hội, những lời bóng gió, những cái đưa mắt ác cảm, Olenska – một phụ nữ thông minh, độc lập, nhân văn, tràn đầy sức sống và sức sáng tạo lại bị vùi dập không thương tiếc. Cô phải che dấu bản thân mình, những ước muốn cá nhân của mình để được hòa nhập với cộng đồng nơi cô sinh ra, cô phải che dấu con tim đang đập rộn rã bởi tình yêu của một người cô yêu say đắm, cô phải che dấu tất cả về con người mình để không làm mất danh dự của gia đình. Và chuyện tình yêu dẹp đẽ, hai con tim nồng hậu khao khát yêu thương của Newland và Olenska đã bị chia cách bởi xã hội. Họ không thể đến bên nhau vì danh tiếng của của gia đình, vì tổn hại đến danh dự của những người thân yêu. Nhưng ít nhất, tim họ cũng từng chạm đến nhau, dám vứt bỏ những rào cản để đến bên nhau dù chỉ trong giây lát, ta cảm thấy hạnh phúc rồi lại vỡ òa trong đau đớn, nhưng có lẽ đó là dụng ý của tác giả, kiệt tác về cuối đời này của Wharton chính là bản cáo trạng đanh thép lên án một xã hội xa rời đạo lý và văn hóa, đang rất cần ảnh hưởng từ tính đa cảm châu Âu.

Cũng như tất cả các tiểu thuyết về New York khác “Thời thơ ngây” châm biếm sự tàn nhẫn và thói đạo đức giả của xã hội thượng lưu Manhattan những năm trước, trong và sau cuộc Đại chiến. Thật lạ là khi tác phẩm được giải Pulitzer năm 1921, hội đồng giám khảo lại ca ngợi nó vì đã lột tả “bầu không khí tốt đẹp của cuộc sống ở Mỹ và chuẩn mực cao nhất về cách ứng xử và tính cương nghị của người Mỹ”. Tuy vậy, kiệt tác của nữ nhà văn xuất chúng Edith đã tốcáo đanh thép một xã hội bị bó buộc và giới hạn trong những nhận thức buộc con người cá nhân không được thể hiện bản thân mình. Hình tượng nhân vật Olenska được xây dựng đã thể hiện một phụ nữ phóng khoáng, khao khát cái đẹp và tự do, họ đáng được hạnh phúc như những gì họ đấu tranh. Quyển sách này đã truyền cảm hứng cho nhiều bộ phim điện ảnh, phim truyền hình và kịch chuyển thể: gần đây nhất, vào năm 1993, Martin Scorsese đạo diễn một phiên bản phim điện ảnh, trong đó Michelle Pfeiffer vào vai Nữ bá tước Ellen Olenska, Daniel Day-Lewis vai Newland Archer và Winona Ryder vai May Welland Archer. Tờ New York Times Book review 1920 đã nhận xét: “Đây là một trong những tiểu thuyết hay nhất hay nhất của thế kỉ 20… một đóng góp bất diệt cho nền văn học”.

Bạn hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ phải thốt lên rằng, thật tuyệt vời, một cuốn sách với những quan sát tinh tế, châm biếm sâu cay, lối kể chuyện hấp dẫn và đúng là một cuốn sách được giải Pulitzer danh giá!

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button