Review

Thời Khắc

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Michael Cunningham
NXB NXB Dân Trí
Công ty phát hành Bách Việt
Số trang 316
Ngày xuất bản 09-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Thời khắc (The hours) là cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer của nhà văn Michael Cunningham từng được chuyển thể thành phim và là bộ phim xuất sắc nhất của năm 2002 với các giải thưởng: Oscar – 2002 dành cho nữ diễn viên chính, Quả Cầu Vàng – 2002 dành cho Phim tâm lý xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính trong phim bi xuất sắc nhất. Tác phẩm liên kết số phận của ba người phụ nữ ở ba thời đại khác nhau.

Câu chuyện thứ nhất diễn ra năm 1929, ở thị trấn Richmond nước Anh, nữ văn sĩ Virginia Woolf đang cố gắng bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết Bà Dalloway, trong khi vật lộn với căn bệnh trầm cảm của mình.

Câu chuyện thứ hai là vào năm 1951, ở California. Laura Brown – một người vợ hiền đang cùng con trai chuẩn bị chiếc bánh cho sinh nhật chồng. Trong lúc đó, tâm trí cô không khỏi bị phân tán bởi những điều cô đọc trong cuốn sách Bà Dalloway.

Câu chuyện cuối cùng là thời hiện đại ở New York. Clarissa Vaughan – một phụ nữ ở độ tuổi ngũ tuần chuẩn bị bữa tiệc mừng cho giải thưởng người bạn – nhà thơ Richard – nhận được. Bà phân vân tình cảm mình dành cho Richard và người bạn gái đang chung sống là Sally Lester.

Mỗi người phụ nữ đã phải trải qua những khổ đau, suy sụp và có cả những giây phút hạnh phúc để nhận rõ giá trị từng khoảnh khắc trong cuộc đời họ.

[taq_review]

Trích dẫn

Bà Dalloway

Clarissa ôm chỗ hoa vừa mua ở tiệm tới đường Spring. Bà hình dung ra Barbara vẫn đang đứng trong không gian tranh tối tranh sáng dịu mát phía bên kia cánh cửa, tiếp tục sống trong quá khứ, đó là điều Clarissa không thể thôi nghĩ tới (theo một cách nào đó, nó có liên quan tới nỗi phiền muộn của Barbara, cũng như những dải ruy băng treo tường trong tiệm) trong khi bản thân bà đang bước đi trong thực tại: có một cậu bé gốc Hoa nhấp nhổm đạp xe lao vụt qua bên cạnh; con số 281 mạ vàng trên tấm kính đen; những chú chim bồ câu rải rác đây đó với đôi chân có màu của những cục tẩy (một con chim đã bay vụt vào qua khung cửa sổ đang mở của phòng học một cách rất đáng sợ khi bà học lớp Bốn); đường Spring; và đây là bà, với một bó hoa to trong tay. Bà sẽ ghé qua căn hộ của Richard xem ông ra sao (gọi điện thoại chỉ vô ích vì ông không bao giờ trả lời), nhưng trước tiên bà bước tới và đứng lại, với một vẻ đầy trông đợi, không quá gần toa moóc nơi cái đầu nổi tiếng vừa ló ra lúc nãy. Một đám đông nho nhỏ đang xúm lại ở đó, phần lớn là khách du lịch và Clarissa đứng bên hai cô gái trẻ, một cô có mái tóc nhuộm màu hoàng yến, còn cô gái kia nhuộm tóc màu bạch kim. Clarissa tự hỏi liệu hai cô gái cố tình làm như thế có phải để gợi nhớ tới mặt trời và mặt trăng không nhỉ.

Mặt Trời nói với Mặt Trăng, “Đó là Meryl Streep, chắc chắn là Meryl Streep”.

Clarissa không khỏi thấy phấn khích. Bà đã đúng. Người ta luôn cảm thấy hài lòng khi biết ý kiến của mình được ai đó chia sẻ.

“Không thể nào”, Mặt Trăng nói. “Đó là Susan Sarandon.”

Không thể là Susan Sarandon, Clarissa nghĩ. Có thể là Vanessa Redgrave, nhưng chắc chắn không thể là Susan Sarandon.

“Không”, Mặt Trời nói, “đó là Streep. Tin tớ đi”.

“Không phải là Meryl Streep.”

“Phải. Chắc chắn phải.”

Clarissa đứng đó với cảm giác đầy tội lỗi, ôm lấy những bông hoa, hy vọng ngôi sao nọ sẽ ló mặt ra lần nữa, đồng thời cũng bối rối trước sự quan tâm của chính mình. Bà không phải là người quá vồn vã thích săn đón những người nổi tiếng và phần lớn những người khác cũng vậy, nhưng không thể cưỡng lại sự thu hút về phía vầng hào quang của danh tiếng – và còn hơn cả danh tiếng, thực ra có thể gọi là sự bất tử – được tạo ra bởi sự hiện diện của một ngôi sao điện ảnh trên một toa xe moóc tại góc giao giữa đường MacDougal và đường Spring. Hai cô gái đứng bên Clarissa chắc mới hai mươi tuổi hoặc trẻ hơn, khỏe khoắn, so vai đứng chen nhau, tay xách nách mang lỉnh kỉnh những chiếc túi màu mè của các cửa hàng hạ giá; hai cô gái này rồi sẽ lớn lên, tới tuổi trung niên rồi về già, khô héo hay phát phì; những nghĩa trang nơi họ được chôn cất rồi sẽ chìm vào cảnh hoang tàn, cỏ dại mọc đầy, chó tìm đến gặm xương vào ban đêm; và khi tất cả những gì còn lại của hai cô gái là vài mảnh bạc trám răng bị vùi lấp dưới lòng đất thì người phụ nữ trong toa xe moóc, dù cô ta là Meryl Streep hay Vanessa Redgrave, thậm chí là Susan Sarandon đi nữa, vẫn sẽ được người đời biết đến. Cô ta sẽ tồn tại trong các kho lưu trữ, trong các cuốn sách; giọng nói của cô ta sẽ được lưu trữ cùng những hiện vật quý giá khác. Clarissa cho phép mình tiếp tục đứng đó, ngơ ngẩn như bất cứ người hâm mộ nào, khấp khởi hy vọng được thấy ngôi sao xuất hiện. Phải, chỉ vài phút nữa thôi, trước khi cảm giác mất mặt trở nên không thể chịu đựng được nữa. Bà nán lại trước toa moóc với bó hoa trên tay. Chăm chú quan sát cánh cửa. Vài phút đã trôi qua (thật ra là gần mười phút, dù bà ghét cay ghét đắng phải thừa nhận chuyện này), bà đột ngột bỏ đi một cách đầy phẫn nộ, như thể đã bị lừa dối và rảo bước qua mấy khối nhà theo hướng vào trung tâm thành phố để tới căn hộ của Richard.

Khu vực này một thời từng là trung tâm của một thứ gì đó mới mẻ và hoang dại; một thứ đầy tai tiếng; nơi tiếng đàn guitar vọng ra suốt đêm từ các quán bar và quán cà phê; nơi các cửa hàng sách và quần áo tỏa ra mùi mà bà hình dung sẽ bắt gặp trong các khu chợ Ả Rập: đó là mùi trầm hương sực nức, mùi gì đó khăn khẳn, mùi của một loại gỗ thơm nào đó (bách hương hay long não?), thứ gì đó có mùi của quả ung; nếu chọn nhầm cánh cửa hay con hẻm để bước vào, có thể bạn sẽ phải đối diện với cuộc gặp gỡ định mệnh: không đơn giản là đe dọa trấn lột hay hành hung thông thường mà là một thứ tai ác và biến thái hơn, thường trực hơn. Tại đây, ở chính nơi này, tại chính góc đường này, bà đã đứng cùng Richard năm ông mười chín tuổi – khi Richard còn là một thanh niên tóc đen có khuôn mặt cương nghị, đôi mắt lạnh lùng, không hẳn đẹp trai, với cái cổ trắng dài nhưng duyên dáng đến mức không thể tin nổi – họ đã đứng đây và tranh luận… về cái gì nhỉ? Một nụ hôn chăng? Có phải Richard đã hôn bà, hay chính bà, Clarissa tin rằng Richard sắp sửa hôn mình và tìm cách trốn tránh nó? Tại đây, nơi góc đường này (đối diện với chỗ trước đây từng là nơi bán ma túy, còn hiện giờ là cửa hàng bán đồ ăn sẵn) hai người từng hôn nhau, mà cũng có thể là không, nhưng chắc chắn họ đã tranh luận và ngay tại đây, hay ở chỗ nào khác không lâu sau đó, hai người đã chấm dứt cuộc thử nghiệm nho nhỏ của họ, vì Clarissa muốn có tự do và Richard muốn, phải rồi, quá nhiều, chẳng phải ông vẫn luôn như thế sao? Ông muốn quá nhiều. Bà từng nói với ông rằng những gì xảy ra trong mùa hè chính xác là như thế. Tại sao ông lại muốn bà, một cô gái hay nhăn nhó và dè dặt, chẳng có tí ngực nào (bằng cách nào ông lại có thể trông đợi bà tin vào đam mê của mình?), trong khi ông cũng biết rõ những khao khát sâu đậm nhất của mình nghiêng về đâu, trong khi ông đã có Louis, một Louis với đôi chân săn chắc và không hề ngu ngốc, một chàng trai mà Michelangelo[21] sẽ rất vui lòng được vẽ lại? Liệu đó có phải chỉ đơn thuần là một ý tưởng đầy thi vị nữa của Richard về bà? Hai người không gây ra một cuộc cãi cọ ầm ĩ hay màn động chân động tay nào, chỉ đơn giản là một cuộc cãi nhau vặt vãnh ở góc đường – không chuyện gì có thể làm tổn hại tới tình bạn giữa hai người – dẫu vậy, khi hồi tưởng lại, bà cảm thấy chuyện đó dường như thật rõ ràng; dường như đó chính là khoảnh khắc một khả năng chấm dứt và được thay thế bằng một khả năng khác. Ngày hôm đó, sau cuộc cãi vã (hay có thể là trước đó), Clarissa đã mua một gói trầm hương và một chiếc áo khoác cũ bằng lông lạc đà không bướu màu xám, với những chiếc cúc bằng xương hình hoa hồng. Richard rốt cuộc đã bỏ đi châu Âu cùng Louis. Lúc này Clarissa tự nhủ, chuyện gì đã xảy ra với chiếc áo khoác lông đó nhỉ? Dường như bà đã có nó trong nhiều năm nhưng rồi đột nhiên không thấy đâu nữa.

Bà rẽ xuống đường Bleeker, rồi đi ngược lên Thompson. Khu vực này ngày nay chỉ là sự bắt chước của chính nó trước kia, một ngày hội kém thú vị dành cho khách du lịch và Clarissa, ở tuổi năm mươi hai, biết rằng phía sau những cánh cửa và trong những con hẻm kia ẩn chứa những con người đang sống cuộc sống của họ, không hơn không kém. Thật lố bịch, một số quán bar và quán cà phê vẫn còn ở đây, lúc này đã được nhất loạt chỉnh sửa lại y như nhau theo đúng gu ưa thích của những người Đức và người Nhật. Tất cả các cửa hàng nói chung đều bán cùng một thứ: áo phông lưu niệm, đồ bạc và áo khoác da rẻ tiền.

Tới tòa nhà nơi Richard sống, bà bước qua cánh cửa dẫn vào tiền sảnh và nghĩ tới từ “bẩn thỉu”, như bà vẫn thường nghĩ. Lối vào tòa nhà minh họa hoàn hảo cho khái niệm bẩn thỉu. Nơi này bẩn đến mức khủng khiếp, đến mức vẫn khiến bà ít nhiều kinh ngạc, ngay cả sau từng ấy năm. Nó khiến bà ngạc nhiên giống như cách một món đồ quý hiếm hay một tác phẩm nghệ thuật vẫn tiếp tục làm người ta ngỡ ngàng; chỉ đơn thuần vì nó tồn tại qua thời gian một cách toàn vẹn. Thật ngạc nhiên làm sao, những bức tường màu be đã nhạt nhòa, ít nhiều giống như màu của một chiếc bánh bột dong; đèn huỳnh quang lắp trên trần đang tỏa ra những luồng sáng chập chờn lập lòa như sóng nước. Tệ hơn nữa – hơn rất nhiều – là gian tiền sảnh nhỏ xíu chật chội đã được cải tạo nửa vời một thập kỷ trước. Lúc này trông nó còn đáng ngán hơn nhiều, với tấm vải nhựa trải sàn in hình gạch men trắng lấm bẩn và cây sanh giả, so với bộ dạng hư nát ban đầu. Chỉ có những miếng đá cẩm thạch ốp chân tường cũ – màu lông của ngựa giống palomino[22], có những vân xanh biển và xám, với những mảng nổi lên vàng sẫm như khói, giống như một thứ pho mát mịn để lâu, giờ đây đang bị những bức tường vàng ệch nhại lại một cách thật gớm ghiếc – cho biết nơi đây đã từng có thời là một tòa nhà ít nhiều có đẳng cấp; rằng đã có lúc những niềm hy vọng được nuôi dưỡng tại đây, rằng khi bước vào tiền sảnh này, người ta đã trông đợi sẽ tìm thấy một nơi có phong cách, một nơi chứa đựng điều gì đó đáng để sở hữu.

Bà vào trong thang máy, đó là một gian buồng tí xíu được ốp những tấm kim loại giả vân gỗ và chói lóa đến mức gần như trắng bệch bởi một thứ ánh sáng cường độ cao; rồi bà bấm nút chọn lên tầng năm. Cửa thang máy cọt kẹt đóng lại. Không có gì xảy ra. Tất nhiên rồi. Thang máy ở đây chỉ thỉnh thoảng mới hoạt động; trên thực tế, chỉ khi cần thiết lắm, người ta mới từ bỏ nó để đi bằng cầu thang bộ. Clarissa bấm chiếc nút có chữ O màu trắng đã sứt mẻ và sau một hồi do dự, cánh cửa lại cọt kẹt mở ra. Bà luôn sợ bị kẹt lại giữa các tầng trong cái thang máy này – bà rất dễ dàng hình dung ra quãng thời gian chờ đợi dài dằng dặc; tiếng kêu gào gọi cứu giúp tới những người thuê nhà có thể nói được tiếng Anh hoặc không, họ có thể bận tâm mà cũng có thể lờ đi; nỗi sợ hãi khiến người ta đờ đẫn và cứng lại như đã chết khi phải đứng một mình, trong một khoảng thời gian tương đối dài, trong khoảng không gian trống rỗng sáng lóa và ngột ngạt này, có thể nhìn hoặc không nhìn vào hình ảnh méo mó của chính mình trong chiếc gương tròn mờ đục treo trên góc cao bên phải. Quả thực sẽ tốt hơn nhiều khi phát hiện ra thang máy không hoạt động và đi bộ lên năm tầng gác. Được tự do vẫn tốt hơn nhiều.

Bạn đọc cảm nhận

Minh Ngọc

Mình biết đến cuốn tt này là nhờ xem 1 bộ phim điện ảnh cùng tên (The Hours), và vì sự đặc biệt trong nó (những chiếc hôn giữa những người phụ nữ trong những thời khắc đặc biệt) mà mình đã trở thành fan của bộ phim ngay. Đến giờ vẫn chưa hoàn thành xong tiểu thuyết nhưng đọc lướt vẫn thấy hình ảnh và khung cảnh trong bộ phim hiện lên cực chân thực. Ai đã xem phim nên mua cả tiểu thuyết, đọc sẽ thấm hơn nhiều lắm. Người dịch cũng đã cố gắng rất nhiều, cảm ơn bạn.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button