Review

Thế giới cho đến ngày hôm qua

Thể loại Chuyên ngành
Tác giả Jared Diamond
NXB NXB Thế Giới
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 599
Ngày xuất bản 03-2015
Giá bánXem giá bán

JARED DIAMOND VÀ VẬN MỆNH CÁC XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI

Jared Mason Diamond (10/9/1937) là nhà khoa học Mỹ và tác giả nổi tiếng với các tác phẩm:Loài tinh tinh thứ 3; Súng, Vi trùng và Thép; Sụp đổ; Thế giới cho đến ngày hôm qua, v.v… Tuy theo học và có bằng tiến sĩ về sinh lý học, nhưng kiến thức của ông bao trùm hầu như mọi ngành, từ kiến trúc, ngôn ngữ, khảo cổ, đến động vật học, y học. Ông cũng không phải là một học giả “tháp ngà” khi từng chu du khắp châu lục, thậm chí sống nhiều năm ở những nơi “tận cùng thế giới” (như đảo Tân Ghi-nê, đảo Phục Sinh). Ông cũng được xếp vào hàng ngũ những nhà tư tưởng hiện đại có nhiều ảnh hưởng nhất ở Mỹ.

Từ khoảng đầu thập niên 90 đến nay, Jared Diamond luôn nung nấu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Sau hơn 13000 năm lịch sử, tại sao sự phát triển của các giống dân trên thế giới đã trở thành quá khác nhau như ngày nay? Theo Diamond, các nhà viết sử (ít ra ở phương Tây) đã phạm một lỗi lầm vì họ đã nhìn không đúng khuôn mặt lịch sử của loài người. Cụ thể, họ chỉ chú trọng vào các xã hội tương đối văn minh (ít nhất là có chữ viết) ở Âu Á (Eurasia) và Bắc Phi, và ngay trong dòng sử của lục địa Âu Á, họ lại chỉ tập trung vào phía Tây, ít chú ý đến các quốc gia phía Đông (nổi bật là Trung Quốc, nhưng kể cả Nhật Bản và Đông Nam Á). Hơn nữa, phần lớn sử ký hiện nay là chỉ nhìn vào khoảng 3000 năm sau này, dù rằng khoảng thời gian đó chỉ là 0,1% trong chiều dài 5 triệu năm loài người có mặt trên trái đất. Theo Diamond, nhờ những tiến bộ như sinh vật học phân tử, di truyền học, sinh địa lý, khảo cổ học, và ngôn ngữ học, đã đến lúc chúng ta có thể giải thích sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các nước. Và những tác phẩm của ông lần lượt xuất bản qua các năm đã làm sáng tỏ vấn đề đó.

Trong Súng, Vi trùng và Thép: Định mệnh của các xã hội loài người – tác phẩm đoạt giải Pulitzer năm 1997 và giải Phi Beta Kappa về khoa học – Jared Diamond đã đưa ra những minh chứng để giải thích việc tại sao các dân tộc ở một số lục địa đã có thể xâm chiếm, chinh phục hoặc chiếm chỗ những dân tộc đã có mặt từ trước ở các lục địa. Với cuốn sách này, ông đã tạo nên cuộc cách mạng về nghiên cứu lịch sử nhân loại toàn cầu.

Cuối năm 2004, Jared Diamond xuất bản cuốn Sụp đổ: Cách xã hội chọn thất bại hoặc thành công, vẫn với góc tiếp cận của cuốn trước, tức là dựa vào những yếu tố môi trường và cơ cấu xã hội để giải thích lịch sử của xã hội ấy. Tuy nhiên, trong khi cuốn trước tìm cách lí giải sự thống trị của văn minh tây phương trên phần lớn thế giới, thì trong tác phẩm này, Diamond nghiền ngẫm nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của một số nền văn minh.

Thế giới cho đến ngày hôm qua: Chúng ta có thể học hỏi được gì từ những xã hội truyền thống? là cuốn sách mới nhất được xuất bản của Jared Diamon, tiếp tục phát triển các lý thuyết và nghiên cứu của ông về vận mệnh các xã hội loài người. Cuốn sách cung cấp một bức tranh trực diện đầy mê hoặc về quá khứ nhân loại tồn tại hàng triệu năm, một quá khứ hầu như đã biến mất, và xem xét những khác biệt giữa quá khứ và hiện tại… để trả lời câu hỏi: Chúng ta có thể học được gì từ các xã hội truyền thống để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả.

Nhận thấy tầm vóc và những giá trị to lớn mà bộ sách mang lại, Alpha Books tiến hành tái bản các cuốn Súng, Vi trùng và Thép, Sụp đổ – từng được Nhà xuất bản Tri thức xuất bản trong chương trình “Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới” với sự bảo trợ của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, năm 2007; xuất bản và giới thiệu tới độc giả Việt Nam cuốn Thế giới cho đến ngày hôm qua. Mong nhận được sự đón nhận nồng nhiệt và đóng góp ý kiến của bạn đọc!

Lời nhà phát hành

[taq_review]

Trích dẫn

LỜI NÓI ĐẦU

Tại sân bay

– Quang cảnh sân bay

– Vì sao lại nghiên cứu các xã hội truyền thống?

– Nhà nước

– Các loại hình xã hội truyền thống

– Cách tiếp cận, nguyên nhân và tài nguyên

– Cuốn sách nhỏ về chủ đề lớn Bố cục của cuốn sách

Quang cảnh sân bay

7 giờ sáng, ngày 30/4/2006, tôi đang ở sảnh chờ làm thủ tục lên máy bay, giữ chặt chiếc xe đẩy hành lý trong khi bị xô lấn bởi một đám đông cũng đang làm thủ tục cho những chuyến bay đầu tiên vào sáng sớm hôm đó. Quang cảnh quen thuộc: hàng trăm hành khách mang theo vali, ba-lô và trẻ em, xếp thành những hàng song song dẫn đến một quầy dài, phía sau là các nhân viên hàng không mặc đồng phục ngồi bên máy tính. Những nhân viên mặc đồng phục khác đứng rải rác trong đám đông: phi công và tiếp viên, những người kiểm tra hành lý cùng hai cảnh sát, lọt thỏm trong đám đông. Những kiểm tra viên đang chiếu tia X lên hành lý, các nhân viên hàng không dán nhãn lên hành lý ký gửi và những người bốc xếp thì bốc chúng lên các băng chuyền để chuyển lên đúng máy bay. Dọc theo phía đối diện quầy làm thủ tục là các cửa hàng bán báo và đồ ăn nhanh. Ngoài ra còn có những vật thể khác xung quanh tôi như những chiếc đồng hồ treo tường, điện thoại, bốt ATM, thang máy và dĩ nhiên là cả những chiếc máy bay trên đường băng có thể thấy được qua cửa sổ nhà ga sân bay.

Nhân viên hàng không đang lướt các ngón tay trên bàn phím máy tính và nhìn vào màn hình, dừng lại để in biên nhận thẻ tín dụng ở các máy quét thẻ tín dụng rồi lại tiếp tục chúi mặt vào màn hình. Đám đông mang theo nhiều trạng thái cảm xúc như vui vẻ, kiên nhẫn, bực tức, tuân thủ việc xếp hàng và cười nói với bạn bè. Khi lên đến đầu hàng, tôi chìa tờ giấy (lịch trình bay) cho người mà tôi chưa từng gặp và có lẽ sẽ không bao giờ gặp lại (nhân viên làm thủ tục bay). Sau đó, cô ấy đưa lại cho tôi một tờ giấy cho phép tôi bay hàng trăm ki-lô-mét đến nơi tôi chưa từng đến, nơi những người dân ở đó cũng không hề biết tôi nhưng dù sao cũng sẽ chấp nhận chuyến viếng thăm của tôi.

Đối với hành khách từ Mỹ, châu Âu hoặc châu Á, điểm khác biệt đầu tiên khiến họ chú ý trong quang cảnh vốn quen thuộc này là mọi người trong sảnh trừ tôi và vài khách du lịch khác đều là người New Guinea. Ngoài ra, các hành khách nước ngoài còn chú ý tới lá quốc kỳ trên quầy đón tiếp với màu đen, đỏ và vàng; có hình chim thiên đường và chòm sao Nam Thập Tự của Papua New Guinea; biểu tượng hãng hàng không tại quầy đón tiếp không phải là của American Airlines hay British Airways mà là Air Niugini; và các điểm đến hiện trên màn hình với những cái tên lạ tai: Wapenamanda, Goroka, Kikori, Kundiawa và Wewak.

Sân bay mà tôi làm thủ tục sáng hôm đó nằm ở Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea. Đối với bất kỳ ai biết về lịch sử New Guinea – trong đó có tôi, người đến Papua New Guinea lần đầu tiên vào năm 1964 khi nước này còn do Úc quản lý – thì quang cảnh này mang lại cảm giác vừa quen thuộc vừa kinh ngạc, pha lẫn xúc động. Tôi nhận ra mình đang ngầm so sánh quang cảnh này với các bức hình được chụp bởi những người Úc đầu tiên đến và “khám phá” ra cao nguyên New Guinea vào năm 1931 với một triệu dân làng New Guinea đông đúc lúc bấy giờ vẫn còn sử dụng công cụ bằng đá. Trong những bức hình đó, người dân cao nguyên, vốn sống cả thiên niên kỷ tương đối cách biệt và ít biết đến thế giới bên ngoài, đã nhìn chằm chằm đầy kinh hãi khi lần đầu tiên nhìn thấy người châu Âu. Tôi quan sát gương mặt của những hành khách, nhân viên đứng quầy và phi công người New Guinea ở sân bay Port Moresby năm 2006 và thấy phảng phất đâu đó những gương mặt New Guinea trong các bức ảnh được chụp năm 1931. Những người đứng quanh tôi ở sân bay dĩ nhiên không phải những người trong các bức ảnh được chụp năm 1931, nhưng có nét gì đó tương đồng và họ hẳn có thể là con hoặc cháu của thế hệ “năm 1931”.

Điểm khác biệt rõ ràng nhất mà quang cảnh của năm 2006 này ghi dấu trong trí nhớ của tôi so với những bức ảnh năm 1931 về “lần đầu gặp mặt”, là những người dân cao nguyên New Guinea vào năm 1931 mặc trang phục không mấy kín đáo được kết bằng cỏ, túi lưới trên vai và vòng đội đầu bằng lông vũ, nhưng đến năm 2006, họ khoác lên người những trang phục hiện đại với áo, quần, váy, quần đùi và mũ bóng chày. Trong một hoặc hai thế hệ và trong cuộc đời của nhiều cá nhân ở sảnh sân bay hôm ấy, người dân cao nguyên New Guinea đã học được cách viết, sử dụng máy vi tính và lái máy bay. Một số người trong sảnh rất có thể là những người đầu tiên trong bộ tộc của họ được học đọc và viết. Với tôi khoảng cách thế hệ này đặc trưng bởi hình ảnh hai người New Guinea trong đám đông sân bay, người nhỏ tuổi đang dẫn đường cho người lớn tuổi: người trẻ trong trang phục phi công, giải thích với tôi rằng anh ta đang giúp người lớn tuổi hơn, ông của anh, vì đây là chuyến bay đầu tiên của ông; và ông cụ tóc bạc có vẻ bối rối xen lẫn kinh ngạc hệt như những người xuất hiện trong các bức hình năm 1931.

Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu lịch sử New Guinea chắc hẳn phải nhận ra những khác biệt lớn hơn giữa quang cảnh năm 1931 và năm 2006, ngoài thực tế rằng người dân cao nguyên New Guinea mặc váy cỏ vào năm 1931 và mặc trang phục phương Tây vào năm 2006. Các xã hội của Cao nguyên New Guinea năm 1931 thiếu không chỉ quần áo mà cả mọi sản phẩm của công nghệ hiện đại từ đồng hồ, điện thoại và thẻ tín dụng cho đến máy vi tính, thang máy và máy bay. Căn bản hơn, cao nguyên New Guinea năm 1931 không có hoạt động viết lách, chế tác kim loại, tiền, trường học và chính phủ tập trung. Nếu lịch sử gần đây không cho biết kết quả, hẳn ta sẽ tự hỏi: Liệu một xã hội không biết viết có thể thật sự viết thuần thục chỉ sau một thế hệ hay không?

Một nhà nghiên cứu lịch sử New Guinea chắc hẳn còn nhận ra những đặc trưng khác nữa ở quang cảnh năm 2006, dù giống với quang cảnh ở các sân bay hiện đại nhưng lại khác với quang cảnh Cao nguyên năm 1931 từng xuất hiện trong các bức hình của những nhà tuần tra trong lần đầu tiên tiếp xúc. Tỷ lệ người già năm 2006 cao hơn, trong khi ở xã hội cao nguyên truyền thống, lớp người này có số lượng tương đối ít. Đám đông ở sân bay, dù gây ngạc nhiên cho những người phương Tây vốn chưa từng biết đến “tính đồng nhất” của người New Guinea – tất cả họ đều giống nhau với làn da sẫm màu và tóc xoăn – lại khác biệt ở những đặc điểm ngoại hình khác: dân vùng đất thấp đến từ bờ biển phương nam cao ráo với bộ râu lưa thưa và khuôn mặt thon hơn; người dân cao nguyên thấp hơn, râu quai nón và gương mặt bè ngang; người dân trên đảo cùng vùng đất thấp ở bờ biển phía bắc với gương mặt hao hao người châu Á. Năm 1931, gần như không thể bắt gặp cùng lúc người dân cao nguyên và người ở vùng đất thấp bờ biển nam hay bờ biển bắc; bất kỳ cuộc quy tụ nào của người dân New Guinea hẳn đều đã đồng nhất hơn rất nhiều so với đám đông ở sân bay năm 2006. Một nhà ngôn ngữ học lắng nghe đám đông chắc hẳn sẽ phát hiện ra hàng tá ngôn ngữ thuộc rất nhiều nhóm khác nhau: các loại ngôn ngữ có thanh điệu với các từ khác nhau về cao độ của giọng nói như trong tiếng Trung hay những ngôn ngữ Nam Đảo (Austronesian), hoặc tiếng châu Đại Dương với tương đối ít âm và phụ âm cũng như các loại ngôn ngữ không thanh điệu của người Papua. Năm 1931, người ta có thể cùng lúc bắt gặp các cá nhân sử dụng vài ngôn ngữ khác nhau, nhưng không bao giờ gặp được nơi nào quy tụ những người sử dụng hàng tá ngôn ngữ. Hai ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất, tiếng Anh và Tok Pisin (được biết đến như là tiếng Melanesia mới hay tiếng Anh Pidgin), là các ngôn ngữ được sử dụng ở những quầy làm thủ tục năm 2006 và trong nhiều cuộc hội thoại giữa các hành khách, nhưng vào năm 1931, mọi cuộc hội thoại ở khắp Cao nguyên New Guinea đều dùng các ngôn ngữ địa phương, mỗi loại lại giới hạn trong một vùng nhỏ.

Một sự khác biệt nhỏ nữa giữa quang cảnh năm 1931 và năm 2006 là đám đông năm 2006 có một số người New Guinea sở hữu hình thể không mấy hấp dẫn phổ biến của người Mỹ: thừa cân và bụng phệ. Các bức ảnh của 75 năm về trước cho thấy không hề có một người New Guinea nào bị béo phì: mọi người đều có thân hình cân đối và cơ bắp. Nếu phỏng vấn các bác sĩ của những hành khách tại sân bay này (theo đánh giá từ thống kê sức khỏe cộng đồng New Guinea hiện tại), tôi sẽ có được số liệu ngày càng tăng về các trường hợp béo phì có liên quan đến tỷ lệ thừa cân, đi kèm với bệnh cao huyết áp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư mà thế hệ trước đó không hề biết đến.

Vẫn còn một điểm khác biệt nữa giữa đám đông năm 2006 với đám đông năm 1931 mà chúng ta luôn coi là hiển nhiên trong thế giới hiện đại: Hầu hết những người đang đứng trong sảnh sân bay đều là những người lạ chưa từng gặp nhau trước đây, nhưng sẽ không có chuyện xô xát xảy ra giữa họ. Đó hẳn là chuyện không tưởng vào năm 1931, khi cuộc gặp mặt giữa những người lạ rất hiếm xảy ra, nguy hiểm và có khả năng biến thành những cuộc đụng độ. Đúng là có hai cảnh sát trong sảnh sân bay làm nhiệm vụ duy trì trật tự, nhưng thật ra đám đông đã tự làm việc ấy chỉ vì hành khách biết rằng không ai trong số những người lạ này sẽ tấn công họ và rằng họ đang sống trong một xã hội mà rất nhiều cảnh sát và quân lính sẽ ập đến nếu các trường hợp tranh cãi mất kiểm soát xảy ra. Năm 1931, cảnh sát và quyền lực chính phủ không hề tồn tại. Hành khách trong sảnh sân bay có quyền bay và đi lại bằng các phương tiện khác đến Wapenamanda hoặc những nơi khác ở Papua New Guinea mà không phải xin phép. Trong thế giới phương Tây hiện đại, chúng ta đã coi việc đi lại tự do là điều hiển nhiên, nhưng trước đây điều đó chỉ là ngoại lệ. Năm 1931, không một người New Guinea nào sinh ra ở Goroka từng đến Wapenamanda chỉ cách đó khoảng 165km về phía tây; việc đi từ Goroka đến Wapenamanda mà không bị người lạ sát hại trong vòng 16km đầu tiên là điều không tưởng. Tuy nhiên tôi vừa mới đi 10.000km từ Los Angeles tới Port Moresby – một khoảng cách lớn hơn hàng trăm lần tổng quãng đường tích lũy mà bất kỳ người dân cao nguyên New Guinea truyền thống nào từng đi trong suốt cuộc đời mình tính từ nơi họ sinh ra.

Tất cả những điểm khác biệt đó giữa đám đông năm 2006 và năm 1931 có thể tổng hợp như sau, trong 75 năm vừa qua, dân cư Cao nguyên New Guinea đã thay đổi nhanh chóng với những tiến bộ vốn phải mất đến hàng ngàn năm mới diễn ra ở hầu hết phần còn lại của thế giới. Đối với cá nhân những người Cao nguyên, những thay đổi này thậm chí còn nhanh hơn: một số người bạn New Guinea kể với tôi rằng những chiếc rìu đá cuối cùng được tạo ra và những cuộc chiến giữa các bộ lạc truyền thống cuối cùng diễn ra cách thời điểm tôi gặp họ chỉ khoảng một thế kỷ. Ngày nay, công dân các nước công nghiệp xem các đặc trưng của quang cảnh năm 2006 mà tôi vừa đề cập là hiển nhiên: Kim loại, viết lách, máy móc, máy bay, cảnh sát và chính phủ, người thừa cân, gặp gỡ người lạ mà không sợ hãi, dân số không đồng nhất và đông hơn. Nhưng tất cả những đặc trưng đó của xã hội hiện đại còn khá mới trong lịch sử loài người. Trong gần 6 triệu năm từ khi các dòng tiến hóa người cổ đại và vượn cổ đại tách khỏi nhau, mọi xã hội loài người đều không có kim loại cũng như tất cả những điều vừa được đề cập. Những đặc điểm hiện đại này chỉ bắt đầu xuất hiện trong khoảng 11.000 năm trước và chỉ ở một số khu vực trên thế giới.

Do đó, ở một số khía cạnh, New Guinea1 là phương tiện quan sát thế giới loài người bởi cho đến hôm qua, nó vẫn được so với quãng thời gian 6 triệu năm tiến hóa của loài người (Tôi nhấn mạnh vào cụm từ “ở một số khía cạnh” – dĩ nhiên Cao nguyên New Guinea của năm 1931 không phải là thế giới giữ nguyên như ngày hôm qua). Tất cả những thay đổi diễn ra ở Cao nguyên trong 75 năm qua cũng diễn ra ở các xã hội khác trên toàn thế giới, nhưng ở hầu hết phần còn lại của thế giới, những thay đổi đó diễn ra sớm hơn và từ từ hơn ở New Guinea. Tuy nhiên, “từ từ” chỉ mang ý nghĩa tương đối: kể cả trong những xã hội nơi có các thay đổi diễn ra đầu tiên, độ sâu thời gian ở các xã hội đó vẫn chưa đến 11.000 năm – quá ít so với 6 triệu năm. Về cơ bản, xã hội loài người đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng chỉ mới gần đây.

Vì sao lại nghiên cứu các xã hội truyền thống?

Vì sao các xã hội “truyền thống2” lại thú vị đối với chúng ta đến vậy? Một phần vì sự hấp dẫn của loài người trong những xã hội này: sự hấp dẫn của việc tìm hiểu về những người giống chúng ta và dễ hiểu theo một số cách nhưng lại quá khác chúng ta và khó hiểu theo những cách khác. Khi đến New Guinea lần đầu tiên vào năm 1964 ở tuổi 26, tôi hoàn toàn bị bất ngờ trước sự kỳ lạ của người New Guinea: họ trông khác với người Mỹ, nói những ngôn ngữ khác, ăn mặc khác và hành xử cũng khác. Nhưng qua các thập niên tiếp theo, trong hàng tá chuyến đi kéo dài từ 1 đến 5 tháng của tôi, mỗi chuyến lại đến nhiều vùng của New Guinea và các hòn đảo lân cận, cảm giác hiếu kì mạnh mẽ đó nhường chỗ cho cảm giác thân quen khi tôi gần gũi hơn với những người New Guinea: Chúng tôi trò chuyện, cùng cười trước những câu chuyện vui, cùng quan tâm đến trẻ con, tình dục, thực phẩm và thể thao đồng thời cảm thấy tức giận, sợ hãi, đau buồn, thư giãn và hoan hỉ cùng nhau. Thậm chí, ngôn ngữ của họ cũng là những biến thể từ các nền ngôn ngữ quen thuộc trên thế giới: Dù ngôn ngữ New Guinea đầu tiên tôi học (tiếng Fore) không hề liên quan đến các ngôn ngữ vùng Ấn-Âu và do đó, hệ thống từ vựng của nó hoàn toàn xa lạ đối với tôi, nhưng tiếng Fore vẫn kết hợp động từ một cách chi tiết như tiếng Đức và ngôn ngữ này có những đại từ kép như tiếng Slovenia, phụ ngữ như tiếng Phần Lan và ba trạng từ mô tả (“here – ở đây,” “there nearby – gần đó,” và “there away – xa đó”) như tiếng Latinh.

Tất cả những điểm tương đồng đó khiến tôi rối trí, sau cảm giác hiếu kỳ ban đầu về New Guinea, với suy nghĩ “con người ở mọi nơi về cơ bản là giống nhau”. Nhưng cuối cùng tôi nhận ra, chúng tôi không hoàn toàn giống nhau ở những khía cạnh căn bản: nhiều người bạn New Guinea của tôi đếm theo cách khác (bằng cách vẽ trực quan chứ không phải bằng số trừu tượng), chọn vợ hoặc chồng theo cách khác, đối xử với cha mẹ và con cái họ theo cách khác, nhìn nhận nguy hiểm theo cách khác và có quan điểm khác về tình bạn. Sự kết hợp rắc rối giữa những điểm tương đồng và khác biệt là một phần khiến xã hội truyền thống trở nên thú vị với một người ngoài cuộc.

Một lý do khác cho sự quan tâm và tầm quan trọng của các hội truyền thống đó là họ giữ lại các đặc điểm về cách thức sinh sống của tổ tiên trong hàng chục ngàn năm, cho đến gần như chỉ mới ngày hôm qua. Lối sống truyền thống là những gì định hình nên chúng ta và biến chúng ta trở thành chúng ta của ngày hôm nay. Quá trình chuyển đổi từ săn bắt – hái lượm sang trồng trọt bắt đầu chỉ cách đây 11.000 năm; công cụ kim loại đầu tiên được sản xuất chỉ cách đây khoảng 7.000 năm; chính quyền quốc gia đầu tiên và hoạt động viết lách đầu tiên xuất hiện chỉ cách đây khoảng 5.400 năm. Các điều kiện “hiện đại” hiện diện, dù chỉ ở địa phương, chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi của lịch sử loài người; mọi xã hội đều mang tính truyền thống lâu hơn nhiều so với tính hiện đại. Ngày nay, độc giả của cuốn sách này coi thực phẩm được trồng ở các trang trại và mua ở cửa hàng thay vì thức ăn tự nhiên được săn bắt và hái lượm hằng ngày; các công cụ kim loại thay vì công cụ đá, gỗ và xương; chính quyền quốc gia và các tòa án liên quan, cảnh sát, quân đội và hoạt động đọc viết là những thứ hiển nhiên. Tuy nhiên, tất cả những điều tưởng như thiết yếu đó chỉ mới xuất hiện và hàng tỉ người trên thế giới ngày nay vẫn phần nào sống theo những phương thức truyền thống.

Thậm chí, trong các xã hội công nghiệp hiện đại, nhiều cơ chế truyền thống vẫn còn hoạt động ở một số lĩnh vực. Tại nhiều vùng nông thôn ở Thế giới Thứ nhất, như thung lũng Montana nơi vợ chồng tôi và các con đã trải qua những kỳ nghỉ hè hàng năm, nhiều mâu thuẫn vẫn được giải quyết bằng cơ chế phi chính thức truyền thống thay vì ra tòa. Những băng đảng ở các thành phố lớn không gọi cảnh sát để giải quyết xung đột mà sử dụng những phương pháp truyền thống là đàm phán, đền bù, đe dọa và chiến tranh. Bạn bè châu Âu của tôi lớn lên ở những ngôi làng châu Âu vào những năm 1950 đã miêu tả tuổi thơ của họ giống với quang cảnh ở ngôi làng New Guinea truyền thống, nơi mọi người trong làng đều biết nhau, biết về hoạt động của nhau. Họ kết hôn với bạn đời chỉ sinh ra cách đó 2 hoặc 3km, họ sống trọn đời tại hoặc gần ngôi làng đó trừ những thanh niên trẻ phải đi xa để chiến đấu khi có chiến tranh thế giới và mâu thuẫn trong làng phải được giải quyết theo cách nối lại quan hệ hoặc chịu đựng, vì bạn sẽ sống gần người đó suốt phần đời còn lại. Điều này có nghĩa là, thế giới hôm qua không bị xóa sổ và thay thế bằng thế giới mới hôm nay mà đa phần nó vẫn tồn tại bên chúng ta. Đó là một lý do nữa cho việc cần phải tìm hiểu thế giới ngày hôm qua.

Như chúng ta sẽ thấy trong các chương của cuốn sách này, so với các xã hội công nghiệp, các xã hội truyền thống có những hoạt động văn hóa đa dạng hơn nhiều. Trong sự đa dạng đó, nhiều chuẩn mực văn hóa của các xã hội nhà nước hiện đại đang bị thay thế, từ các chuẩn mực truyền thống đến các thái cực của sự đa dạng truyền thống. Ví dụ, so với bất cứ xã hội công nghiệp hiện đại nào, một số xã hội truyền thống đối xử với người già theo cách dã man hơn rất nhiều, trong khi số khác lại cung cấp cho họ cuộc sống thoải mái hơn; các xã hội công nghiệp hiện đại ở gần miền cực đoan hơn miền thoải mái. Dù vậy, các nhà tâm lý học lại khái quát hóa bản chất loài người hầu hết dựa trên các nghiên cứu về một phần hẹp mà không đặc trưng trong sự đa dạng của loài người. Trong số các chủ thể người được nghiên cứu trong một mẫu những nghiên cứu từ các tạp chí tâm lý học hàng đầu được thực hiện vào năm 2008, 96% từ các nước công nghiệp Tây phương hóa (Bắc Mỹ, châu Âu, Úc, New Zealand và Israel), đặc biệt 68% từ Mỹ và đến 80% là các sinh viên đại học đăng ký các khóa học tâm lý, điều này nghĩa là các đối tượng này thậm chí còn không đặc trưng cho xã hội của đất nước họ. Do đó, như các nhà khoa học xã hội Joseph Henrich, Steven Heine và Ara Norenzayan cho thấy, hầu hết hiểu biết của chúng ta về tâm lý loài người chỉ dựa trên các đối tượng có thể được miêu tả bằng từ WEIRD (Kỳ quặc): từ các xã hội phương Tây, có giáo dục, đã công nghiệp hóa, giàu có và dân chủ. Hầu hết các đối tượng này cũng trở nên kỳ lạ đúng theo nghĩa đen so với các chuẩn mực về tình trạng khác biệt văn hóa trên thế giới, bởi họ được cho là những cá thể ngoại lai trong nhiều nghiên cứu về hiện tượng văn hóa có lấy mẫu kiểm tra ở quy mô rộng hơn về những khác biệt trên thế giới. Các hiện tượng được lấy mẫu nghiên cứu đó gồm nhận thức trực quan, tính công bằng, sự hợp tác, sự trừng phạt, lập luận sinh học, định hướng không gian, lập luận phân tích so với lập luận tổng thể, lập luận đạo đức, động lực của sự tuân thủ, lựa chọn và quan niệm về cái tôi. Do đó, nếu muốn khái quát hóa bản chất loài người, chúng ta cần mở rất rộng mẫu nghiên cứu từ các đối tượng WEIRD thông thường (chủ yếu là các sinh viên tâm lý học Mỹ) sang toàn thể các xã hội truyền thống.

Trong khi chắc chắn rằng các nhà khoa học xã hội có thể rút ra những kết luận mang lợi ích học thuật từ các nghiên cứu về xã hội truyền thống, thì những người còn lại trong chúng ta lại có thể học hỏi được những điều mang lại lợi ích thực tế. Các xã hội truyền thống nói chung là hình ảnh của hàng ngàn thử nghiệm tự nhiên về cách thức tạo dựng xã hội loài người. Chúng tạo ra hàng ngàn giải pháp cho các vấn đề của con người, các giải pháp vốn khác biệt với những giải pháp được lựa chọn bởi các xã hội hiện đại WEIRD. Chúng ta sẽ thấy rằng một số giải pháp đó – ví dụ, một số cách nuôi con, đối xử với người già, duy trì sức khỏe, nói chuyện, sử dụng thời gian nhàn rỗi và giải quyết mâu thuẫn mà các xã hội truyền thống sử dụng – có thể khiến bạn ngạc nhiên như nó đã làm vậy với tôi, vì những cách đó quá tốt so với hiện thực ở Thế giới Thứ nhất. Có lẽ chúng ta có thể thu lợi khi lựa chọn có chọn lọc một số giải pháp truyền thống đó. Một số trong chúng ta đã làm vậy, với những lợi ích rõ rệt về sức khỏe và hạnh phúc. Ở một số khía cạnh, chúng ta – những người hiện đại – là những ngoại lai; cơ thể và hoạt động của chúng ta hiện đối mặt với các điều kiện khác với những điều kiện mà từ đó chúng tiến hóa và thích nghi.

Tuy vậy, chúng ta cũng không nên đi đến thái cực đối lập là lãng mạn hóa quá khứ và trông đợi một thời đại đơn giản hơn. Với nhiều tập tục truyền thống mà chúng ta có thể xem mình như có phước mới loại bỏ được – như cúng tế bằng trẻ em, bỏ rơi hoặc giết người già, đối mặt với rủi ro của nạn đói định kỳ, gia tăng rủi ro từ các hiểm họa thiên nhiên và bệnh dịch, thường xuyên chứng kiến con nhỏ qua đời và sống trong nỗi sợ hãi triền miên về việc bị tấn công. Các xã hội truyền thống có thể không những chỉ cho chúng ta một số tập tục sống tốt hơn, mà còn giúp chúng ta trân trọng những lợi thế của xã hội mà chúng ta cho là hiển nhiên.

Nhà nước

Các xã hội truyền thống đa dạng về cách tổ chức hơn các xã hội có chính quyền nhà nước. Để bắt đầu tìm hiểu về những đặc trưng xa lạ của các xã hội truyền thống, chúng ta hãy cùng nhắc lại các đặc trưng quen thuộc của nhà nước quốc gia mà chúng ta đang sinh sống.

Hầu hết các quốc gia hiện đại có dân số hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu người, cho đến hơn một tỷ người như ở Ấn Độ hoặc Trung Quốc, hai quốc gia hiện đang có số dân đông nhất hành tinh. Kể cả các quốc gia hiện đại riêng biệt nhỏ bé nhất như các quốc đảo Nauru và Tuvalu ở Thái Bình Dương cũng có hơn 10.000 người ở mỗi nước (Vatican, với dân số chỉ 1.000 người cũng được coi là một quốc gia, dù đó chỉ là một vùng lãnh thổ nhỏ bé bên trong thành phố Rome). Cũng trong quá khứ, các quốc gia có dân số trong khoảng từ hàng vạn lên đến hàng triệu người. Với số lượng dân lớn như thế này đủ để cho chúng ta thấy các quốc gia làm thế nào để tự nuôi sống họ, được tổ chức ra sao và vì sao họ tồn tại được. Mọi quốc gia nuôi sống người dân chủ yếu bằng cách sản xuất thức ăn (trồng trọt và chăn nuôi) thay vì bằng săn bắt – hái lượm. Người ta có thể làm ra rất nhiều thức ăn bằng cách trồng cây lương thực hoặc nuôi gia súc tại một mẫu Anh (arce3) vườn, ruộng hay đồng cỏ với rất nhiều giống cây trồng và vật nuôi có lợi cho chúng ta, thay vì săn bắt – hái lượm bất cứ loài động vật và cây cối nào (mà hầu như không ăn được) sinh sôi nảy nở trong một mẫu rừng. Chỉ vì lý do đó, không một xã hội săn bắt – hái lượm nào có thể nuôi sống được số dân đủ đông để hỗ trợ chính quyền quốc gia. Ở bất cứ quốc gia nào, chỉ một phần dân số – khoảng 2% trong các xã hội hiện đại có nông trại cơ khí hóa cao – tạo ra lương thực. Phần dân số còn lại phải làm những việc khác (như quản lý, sản xuất hay buôn bán), không tự tạo ra lương thực, mà thay vào đó, sống dựa vào lượng thực phẩm dư thừa do người nông dân tạo ra.

Lượng dân cư lớn của quốc gia cũng đảm bảo rằng hầu hết mọi người trong quốc gia đó không quen biết nhau. Việc người dân ở đất nước nhỏ bé như Tuvalu biết tất cả 10.000 người đồng hương của họ là điều không thể và 1,4 tỷ người ở Trung Quốc thì càng không. Do đó, các quốc gia cần có cảnh sát, luật lệ và các nguyên tắc đạo đức để đảm bảo rằng những cuộc gặp mặt liên tục khó tránh khỏi giữa những người lạ sẽ không thường xuyên bùng nổ thành các cuộc chiến. Yêu cầu cần có cảnh sát, luật lệ và các nguyên tắc đạo đức để hành xử tử tế với người lạ không tồn tại trong các xã hội nhỏ, nơi mọi người đều biết nhau.

Cuối cùng, khi xã hội đạt ngưỡng 10.000 người, việc ra quyết định, thực thi và quản lý các quyết định bằng cách để mọi công dân tham gia vào một cuộc thảo luận trực tiếp, từng người chia sẻ quan điểm và biểu quyết là điều hoàn toàn bất khả thi. Những khu vực đông dân không thể vận hành mà không có các nhà lãnh đạo ra quyết định, các viên chức hành pháp thực thi quyết định, các quan chức quản lý các quyết định và luật lệ. Đối với những người vô chính phủ và ước mong về việc sinh sống mà không có bất kỳ chính quyền nhà nước nào, đây là những lý do vì sao giấc mơ của họ phi thực tế: Họ sẽ phải tìm một số nhóm hoặc bộ tộc nhỏ sẵn sàng chấp nhận họ, nơi không một ai là người lạ và là nơi các vị vua, tổng thống và quan chức là những chức vị không cần thiết.

Chúng ta sẽ sớm thấy rằng một số xã hội truyền thống đủ đông dân để cần đến những quan chức có sứ mệnh tổng thể. Tuy nhiên, những nhà nước đông dân hơn cần các quan chức chuyên môn hóa phân biệt theo chiều ngang và chiều dọc. Chúng ta, những công dân nhà nước nhận thấy mọi quan chức đó thật phiền phức nhưng đáng buồn là, chúng ta cần họ. Nhà nước có quá nhiều luật lệ và công dân, nên một kiểu quan chức không thể quản lý mọi luật lệ được đề ra: cần phải tách biệt nhân viên thu thuế, thanh tra giao thông, cảnh sát, thẩm phán, thanh tra vệ sinh nhà hàng, v.v… Bên trong một cơ quan nhà nước chỉ có một kiểu quan chức như trên, chúng ta cũng thường thấy rằng có nhiều quan chức trong một kiểu, được sắp xếp theo hệ thống thứ bậc ở nhiều cấp độ khác nhau: một cơ quan thuế có nhân viên thuế kiểm toán khoản đóng thuế của bạn, chịu sự quản lý của một người giám sát mà bạn có thể khiếu nại nếu không đồng tình với báo cáo của nhân viên thuế, đến lượt người này lại dưới quyền một nhà quản lý bộ phận, làm việc cho một nhà quản lý quận hoặc bang, tiếp nữa, người này lại chịu sự quản lý của một ủy viên hội đồng về doanh thu nội bộ của Hoa Kỳ (Thực tế thậm chí còn phức tạp hơn: Tôi đã bỏ qua một số cấp bậc khác để đảm bảo sự súc tích). Tiểu thuyết The Castle (tạm dịch: Lâu đài) của Franz Kafka đã mô tả một bộ máy quan liêu tưởng tượng như vậy lấy cảm hứng từ bộ máy thực tế của Vương quốc Habsburg mà Kafka là công dân. Nếu đọc câu chuyện của Kafka về sự thất vọng mà nhân vật chính của ông gặp phải khi làm việc với bộ máy quan liêu của lâu đài tưởng tượng trước khi ngủ, chắc chắn tôi sẽ gặp ác mộng, nhưng các bạn độc giả hẳn sẽ gặp những cơn ác mộng và nỗi thất vọng khi trực tiếp làm việc với bộ máy quan liêu này trong thực tế. Đó là cái giá chúng ta phải trả cho việc sống dưới các chính quyền nhà nước: không một người nào theo thuyết xã hội lý tưởng tìm ra cách vận hành một quốc gia mà không cần đến một số quan chức nhất định.

Một đặc tính cuối cùng hoàn toàn quen thuộc của nhà nước là: thậm chí ở các nền dân chủ Scandinavia bình đẳng nhất, người dân vẫn bất bình đẳng về chính trị, kinh tế và xã hội. Bất khả kháng, bất kỳ nhà nước nào đều phải có một số ít lãnh đạo chính trị thiết lập trật tự, làm luật và rất nhiều dân thường tuân thủ các trật tự và luật lệ đó. Công dân nhà nước hoạt động trong nhiều ngành kinh tế khác nhau (như nông dân, lao động, luật sư, chính trị gia, nhân viên cửa hàng, v.v…) và một vài ngành trong số đó có lương cao hơn những ngành khác. Một số công dân có vị thế xã hội cao hơn những công dân khác. Mọi nỗ lực mang tính lý tưởng nhằm tối thiểu hóa tình trạng bất công trong nhà nước – ví dụ, quá trình phát triển lý tưởng cộng sản của Karl Marx, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” – đều đã thất bại.

Không thể có một nhà nước nếu hoạt động sản xuất thực phẩm không xuất hiện (chỉ bắt đầu vào khoảng năm 9000 TCN) và sẽ vẫn không có nhà nước cho đến khi việc sản xuất lương thực được vận hành đủ vài ngàn năm để tạo ra được các vùng dân số đông đến mức cần có các chính quyền nhà nước. Nhà nước đầu tiên hình thành tại Fertile Crescent4 (hay vùng Trăng Lưỡi liềm màu mỡ) khoảng năm 3400 TCN và các nhà nước khác kế đó được hình thành ở Trung Hoa, Mexico, vùng Andes, Madagascar và các vùng khác trong suốt nhiều thiên niên kỷ sau, cho đến ngày nay, bản đồ thế giới cho thấy vùng đất liền của cả hành tinh này trừ Nam Cực đã bị chia thành các quốc gia. Kể cả Nam Cực cũng phần nào phải chịu các tuyên bố lãnh thổ chồng lấn lẫn nhau của 7 quốc gia.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button