Review

Thầy Lang

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Tadeusz Dolega Mostowicz
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Phương Nam
Số trang 416
Ngày xuất bản 07-2017
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


Thầy Lang là tiểu thuyết tâm lý xã hội đặc sắc khi khắc hoạ thân phận người trí thức Ba Lan sống trong thời đại đầy biến động. Giáo sư tiến sĩ y khoa Raphal Wilczur là một nhà khoa học lớn, một nhà phẫu thuật tài năng của Ba Lan thời ấy. “Thầy Lang” là hành trình vô thức của vị giáo sư đại học để trở thành một thầy lang quê mùa với kết thúc có hậu. Từ đỉnh cao của danh vọng, ông rơi vào hoàn cảnh khốn cùng: vợ bỏ đi cùng con gái, ông bị mất trí nhớ trở thành kẻ vô gia cư, không biết mình là ai, sống vì cái gì. Với tài năng, ông vẫn ra sức cứu người, nhưng trong vòng xoáy thiện ác lẫn lộn của nhân gian, ông lại một lần nữa mất hết tài sản và không còn niềm vui sống dù trí nhớ được hồi phục và tìm ra cô con gái thân yêu. Ông chọn cho mình con đường cô đơn mãi mãi để người ông yêu có được hạnh phúc đích thực.

[taq_review]

Trích dẫn


Chỉ một tuần sau, Va-sin khỏi sốt và ăn ngon miệng trở lại. Cùng với niềm hy vọng, cậu vui vẻ hẳn lên. Khi thay băng, cậu nhăn nhó vì đau, nhưng vẫn cười đùa. Một mình ông An-tô-ni đích thân chăm nom cậu, còn khi ở cối xay, công việc nhiều quá thì đám phụ nữ chăm nom người bệnh.

Không có cách gì giữ bí mật đối với họ và có lẽ chính vì vậy mà tin về cuộc phẫu thuật lan đi khắp vùng. Bạn bè hay người quen của Va-sin ghé thăm cậu, nhân tiện đường trao đổi với cậu dăm ba câu. Các ả tò mò hơn thì tìm mọi cách điều tra để có chuyện mà kháo nhau. Có điều họ tránh mặt ông An-tô-ni, mỗi khi thấy ông trong nhà là họ liền tháo lui.

Cứ thế qua đi, tháng Mười, tháng Mười Một, tháng Chạp. Vào dịp lễ Thiên Chúa giáng sinh, Va-sin bắt đầu van nài ông An-tô-ni cho phép cậu thử sức. Song ông An-tô-ni chỉ đe một cách dữ tợn:

– Nằm yên đấy, đừng có mà động đậy gì hết! Tôi sẽ bảo khi nào được phép!

Mãi đến cuối tháng Giêng ông mới bảo rằng đã đến lúc có thể bỏ băng. Cả nhà đều muốn có mặt để chứng kiến chuyện ấy, nhưng ông không cho một ai vào cả. Chính ông cũng rất hồi hộp, tay ông run rẩy trong khi tháo băng.

Hai chân Va-sin còn gầy hơn trước, các cơ chân bị teo lại nhiều hơn. Nhưng sẹo lại lên da non rất tốt, và quan trọng hơn các cục u bướu cùng những chỗ cong mất hẳn.

Ông An-tô-ni thận trọng đưa tay ra dò từng phần một, sờ nắn xương chân qua làn da mỏng. Khi ấy ông nhắm nghiền mắt lại, dường như sợ nhìn sẽ bị cản trở hơn. Cuối cùng ông thở phào lẩm bẩm:

– Thử động đậy ngón chân xem nào… Còn bây giờ hãy thử động đậy gót chân xem… Có đau không?

– Không, không đau, – Va-sin đáp bằng giọng hổn hển vì quá xúc động.

– Giờ cháu hãy thử gập đầu gối vào…

– Cháu sợ.

– Dũng cảm lên, nào!

Va-sin thi hành mệnh lệnh rồi lệ long lanh trong mắt, cậu nhìn ông An-tô-ni.

– Cháu co được, cháu co được rồi!

– Khoan, đừng gập nhiều quá. Bây giờ cháu khẽ nhấc cái chân này lên…thế, bây giờ đến chân này…

Cố sức, run rẩy cả thân mình vì xúc động. Va-sin thực hiện những động tác được ra lệnh.

– Giờ thì hãy đắp chăn vào, nằm yên. Cháu sẽ nằm thêm một tuần nữa. Sau đó cháu sẽ dậy.

– Chú An-tô-ni!

– Cái gì?

– Nghĩa là…thế nghĩa là cháu… sẽ có thể đi lại được ư?

– Cũng như chú thôi. Dĩ nhiên không phải ngay lập tức. Cháu sẽ phải tập dần dần. Thoạt tiên cháu sẽ không đứng nổi trên hai chân cháu đâu, cũng như một đứa trẻ thôi.

Điều đó là sự thật. Mãi sau hai tuần sau khi tháo băng, Va-sin mới có thể bỏ gậy đi vòng quanh phòng. Khi ấy ông An-tô-ni gọi cả gia đình vào nhà ngang, ông lão Prô-cốp, bà lão A-ga-ta, cả hai người phụ nữ trẻ và cô bé Na-tan-ka.

Va-sin ăn mặc chỉnh tề ngồi sẵn trên giường đợi. Khi mọi người đã đông đủ, cậu đứng dậy đi vòng quanh bằng những bước chân chậm rãi và hãy còn yếu rất nhiều. Rồi cậu đứng giữa phòng và nở một nụ cười.

Khi ấy đám phụ nữ liền khóc òa lên, kêu la ầm ĩ hệt như nhà gặp phải chuyện gì không may vậy. Mẹ A-ga-ta ôm chặt con trai vào lòng run cả người vì thổn thức. Chỉ một mình ông lão Prô-cốp là đứng lặng yên, nhưng lệ chảy tùng giọt xuống hàng ria và bộ râu cằm của ông.

Khi thấy các bà vẫn vừa khóc vừa cười, ông Prô-cốp gật đầu ra hiệu cho ông An-tô-ni.

– Đi theo tôi.

– Họ đi ra khỏi nhà ngang, đi vòng lên nhà trên và bước vào hiên.

– Đưa mũ của ông đây, lão Prô-cốp ra lệnh. Lão cầm lấy mũ rồi biến mất vào sau cánh cửa phòng chừng mười phút, rồi đột nhiên mở cửa ra. Hai bàn tay lão nâng chiếc mũ chìa cho ông An-tô-ni.

– Của ông đấy! Cầm lấy! Toàn những đồng rúp vàng Sa Hoàng cả đấy. Đủ cho ông sống đến hết đời. Điều tốt lành mà ông đã làm cho tôi không tiền nào trả xiết, nhưng có đến đâu, tôi trả đến đấy. Ông cầm lấy!

Ông An-tô-ni nhìn lão rồi nhìn chiếc mũ: mũ đựng gần như đầy tràn những đồng tiền vàng nhỏ bé.

– Sao thế, ông Prô-cốp? – ông An-tô-ni lùi lại một bước. – Sao thế ông? Ông mất trí rồi chắc.

– Cầm lấy! – lão Prô-cốp nhắc lại.

– Tôi biết làm gì với thứ này?! Tôi không cần. Thôi đi, ông Prô-cốp. Tôi làm có phải vì tiền đâu cơ chứ?… Vì tình thân, để đền đáp lòng tốt của ông thôi! Tôi cũng thương cho thằng bé nữa.

– Cầm lấy.

– Tôi không cầm đâu, ông An-tô-ni cương quyết từ chối.

– Sao thế?

– Tiền của chẳng mang lợi gì cho tôi cả. Tôi không lấy.

– Tôi thành tâm cho ông, có Chúa chứng giám rằng tôi thành tâm mà. Tôi chẳng hối tiếc đâu.

– Tôi cũng thành tâm cảm ơn. Cảm ơn ông, Prô-cốp. Vì thiện ý của ông, nhưng tôi không cần đến tiền. Tôi có bánh ăn, tôi kiếm đủ tiền để hút thuốc và may sắm áo quần. Tôi còn cần gì kia chứ?

Lão Mi-en-nhich suy nghĩ giây lâu.

– Tôi đưa mà ông không lấy, sau cùng lão bảo. Đó là việc của ông. Tất nhiên, tôi không thể dùng vũ lực để ấn vào tay ông. Nhưng ông không có quyền làm như thế! Sao, An-tô-ni? Ông từ chối lòng biết ơn của tôi sao? Ông muốn để người ta xỉa xói vào mặt tôi rằng tôi không trả ơn ông lấy một đồng xu chữ nào về việc ấy hay sao?… Ông không có quyền làm trái với đạo, làm trái với tình đời như thế. Nếu không nhận vàng, ông hãy nhận thứ khác. Ông hãy là khách ở nhà tôi. Ông hãy sống cùng gia đình tôi như thể ruột thịt. Nếu thỉnh thoảng ông muốn giúp việc gì ở cối xay hay ở nhà thì giúp, ông không muốn thì thôi. Ông hãy sống như ở nhà cha đẻ vậy…

Ông An-tô-ni gật đầu.

– Ở nhà ông tôi rất dễ chịu, ông Prô-cốp ạ! Và tôi sẽ ở lại đây. Nhưng ăn bánh mì mà tôi chẳng làm gì thì tôi không ăn nổi. Cho đến khi nào còn sức, còn khỏe mạnh, tôi sẽ không chối việc gì, bởi cuộc đời còn ý nghĩa gì nếu không làm việc? Còn tấm lòng ông thì tôi xin cảm ơn.

Họ không bao giờ nói thêm gì nhau về những chuyện kia nữa. Tất cả vẫn nguyên như cũ. Có điều, bây giờ đến lúc ngồi ăn, bao giờ mẹ A-ga-ta cũng đặt cho ông An-tô-ni một cái đĩa riêng và đích thân bà chọn lấy đưa cho ông những miếng ngon lành nhất.

Vào ngày thứ sáu tuần gần đấy, khi xe chở hạt đến cối xay đông nhất, Va-sin bước ra sân trong một chiếc áo lông thú ngắn mới tinh, một chiếc mũ cao ngất nghểu làm bằng lông cừu non, một đôi giày cao cổ ống bóng nhoáng. Cậu đi lại như không hề có chuyện gì xảy ra ngay trước mặt mọi người. Đám nông dân há hốc mồm, huých cùi chỏ vào hông nhau, bởi không một ai tin những điều mà các mụ đàn bà đồn đại, rằng một người làm công của ông Prô-cốp Mi-en-nhich tên là An-tô-ni Kô-si-ba, một kẻ lang thang từ xa đến, đã dùng phép màu chữa cho Va-sin khỏi tật.

Nếu trước kia điều bất hạnh của Va-sin gây nên dư luận ồn ào bao nhiêu thì bây giờ người ta cũng bàn tán ồn ào bấy nhiêu về việc cậu khỏi tật. Người ta bàn tán ở Be-rơ-na-tư và Ra-đô-li-xki, ở Vi-xku-nư và Nhe-xku-pa, ở Pô-be-rê-đi-e và Gum-nhi-xki. Rồi từ đó tin tức lan đi xa hơn nũa, đến tận các điền trang hẻo lánh Rô-mai-cốp và Kun-xê-vi-trúp, tận những làng nhỏ nằm rải rác dọc sông Ru-trây-nhi-xa và xa hơn nữa. Ở những nơi ấy người ta ít nói đến chuyện này, vì quá xa xôi, nhưng ở đây ngay một bên, tất cả đều ghi nhớ đến sự kiện chữa khỏi tật một cách phi thường diễn ra tại cối xay kia.

Vì vậy vào cuối tháng Hai, lúc một cây bạch dương bị đổ trong khi chặt hạ ở khu rừng Trum-xki đè phải một nông dân ở làng Nhe-xku-pa ông Phi-ô-do-rơ-trúc, hàng xóm láng giềng bèn khuyên chở ngay ông ta đến cối xay, đến chỗ An-tô-ni Kô-si-ba. Khi họ đưa được đến nơi, ông đã gần như bất tỉnh. Máu ứa ra mồm ông, thậm chí ông đã ngừng không rên rỉ nữa.

Khi cỗ xe tơi tả do một con nghẽo nhỏ bé bụng ỏng dừng lại trước cối xay. Ông An-tô-ni đang mang một túi cám đến lẫm[25] thóc.

– Hãy cứu lấy, người anh em, một cựu giáo nói với ông. Cây gỗ đè phải láng giềng chúng tôi. Bốn đứa trẻ nhỏ sẽ phải mồ côi cả cha lẫn mẹ, vì năm ngoái chúng tôi vừa chôn cất mẹ chúng xong.

Ông lão Prô-cốp bước ra, họ bèn nói với lão để lão ủng hộ cho.

– Ông ấy đã chữa con ông lành, xin để ông ấy chữa cho Phi-ô-do-rơ-trúc.

– Đó không phải là việc của tôi, hỡi những con người tốt bụng, ông lão Prô-cốp trang trọng đáp lời, tôi không thể cấm, cũng không thể ra lệnh cho ông ấy. Đó là việc của ông ấy.

Trong khi ấy, ông An-tô-ni đã vỗ tay cho bột bay hết và đang quỳ xuống bên chiếc xe trượt ngay trên mặt tuyết.

– Các bác hãy khiêng ông ấy thật cẩn thận và theo tôi, lát sau ông bảo.

Sau khi chữa khỏi chân cho Va-sin ông đã ở lại luôn dưới nhà ngang. Ở đó tiện hơn cho ông vả chăng cho đến nay vẫn để trống. Lúc này người ta mang ông Phi-ô-do-rơ-trúc vào đấy

Ông An-tô-ni chữa chạy người bị nạn đến tận tối, rồi ông vào nhà trên, nói những người nông dân làng Nhe-xku-pa đang đợi:

– Ơn Chúa, – ông nói: – Người láng giềng của các ông là một người đàn ông khỏe mạnh, xương sống còn nguyên vẹn. Chỉ có sáu xương sườn và một xương quai xanh bị gãy. Các bác hãy chở ông ấy về nhà, để ông ấy nằm yên cho đến khi nào thôi thổ huyết. Nếu ông ấy ho nhiều thì cho uống nước đá. Đừng cho ông ấy ăn uống gì nóng. Tay trái cũng đừng động đậy. Rồi nó sẽ liền. Mười hôm nữa cử ai đến gặp tôi, tôi sẽ xem xem thế nào.

– Nhưng ông ấy không chết chứ?

– Tôi không phải nhà tiên tri, – ông An-tô-ni nhún vai – nhưng tôi nghĩ rằng nếu các bác làm tất cả những gì tôi nói thì ông ấy sẽ sống.

Họ mang ông Phi-ô-do-rơ-trúc ra xe và chở đi. Chưa được mười ngày thì người ta lại chữa một người bệnh mới từ chính cái làng Nhe-xku-pa ấy đến. Người làm công ở một nhà nọ đang phá băng trên sông thì bịt trượt chân khi đang vung cao rìu, lưỡi rìu chặt mạnh vào chân, sâu đến gần sát xương. Không biết rìu bị rỉ sẵn hay một thứ bẩn thỉu gì đó dây vào vết thương, mà cả cái chân đen lại trông thấy. Chính người bị thương cũng hiểu rằng đó là bệnh hoại thư.

Ông An-tô-ni chỉ lắc đầu và lẩm bẩm:

– Tôi chẳng giúp gì được nữa, cái chân bỏ đi rồi.

– Thì cố cứu lấy mạng vậy! Người bị nạn khẩn khoản.

– Cần phải cắt chân chỗ này, đúng chỗ này, An-tô-ni chỉ tay vào phía trên đầu gối, anh sẽ phải chịu tàn tật suốt đời và còn sẽ nguyền rủa tôi nữa. Anh sẽ bảo rằng còn có cách để cứu

– Tôi xin thề, người anh em ạ, xin hãy cứu mạng tôi. Tự tôi đã trông thấy những vết đen. Hoại thư thật rồi.

– Tùy anh sau một lúc suy nghĩ, An-tô-ni đồng ý

Cuộc giải phẫu hết sức đau đớn đã khiến người bệnh kiệt sức đến nỗi suốt mấy ngày liền không thể nào nói đến chuyện mang anh ta về nhà. Song, tính mạng anh không bị đe dọa nữa.

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button