Review

Thác Loạn Ở Lasvegas

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Hunter S. Thompson
NXB NXB Trẻ
Công ty phát hành NXB Trẻ
Số trang 364
Ngày xuất bản 10-2014
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Người ta phải đọc Thác loạn ở Las Vegas của Hunter Thompson bởi cuốn sách này là “biên niên ký tuyệt vời nhất” về thập kỷ 70 của nước Mỹ và một thiên hài hước có một không hai trong lịch sử những cuốn sách viết về pop culture Mỹ.

Ra đời năm 1972, cuốn tiểu thuyết nhiều yếu tố tự truyện này kể lại hành trình của nhà báo Raoul Duke và luật sư Gonzo từ California tới Las Vegas để tường thuật một cuộc đua xe “hoàng tráng nhất thế giới” như cách đuổi theo giấc mơ Mỹ mà thập kỷ 60 đã xác quyết. Tuy thế, với “hai túi cỏ, bảy mươi lăm viên mescaline, năm vỉ a-xít dạng viên giấy cực mạnh, một nửa lọ cocaine, và cả một thiên hà mĩ miều các loại thuốc lắc, thuốc rũ, thuốc cười, thuốc hét …”, chuyến đi của hai người đàn ông chưa già nhưng không còn trẻ nhanh chóng biến thành một triền miên mê mê tỉnh tỉnh. Khó có thể kể lại họ đã làm gì, thấy gì ở Las Vegas – và thực sự không quan trọng việc họ đã làm gì, thấy gì – bởi vì trong sự chuếnh choáng của ma túy mà đồng hành với nó luôn là sự sợ hãi cái phải thấy, phải làm khi tỉnh táo, Duke và Gonzo cho ta thấy cái thực tại đầy ảo giác và ảo thanh của ma túy với cái thực tại của tỉnh táo đều nực cười, phi lý, và xót xa ngang nhau. Chuếnh choáng, điên loạn, vì thế, có vẻ đẹp và sự hấp dẫn riêng. Tỉnh táo, trái lại, không phải luôn luôn là thứ đáng mong chờ.

“Đọc Thác loạn ở Las Vegas là bước vào một cơn ngật ngưỡng, siêu vẹo tuyệt mỹ của hai kẻ say lãng mạn muốn xác quyết “tất cả những gì đúng, thật, và tử tế trong tính cách của dân tộc Mỹ”. (Phan Việt)

[taq_review]

Trích dẫn

Không thương xót bọn Ác ôn…
Nhà báo bị Hành hung?…
Chuyến bay vào Cõi điên

Quyết định chạy trốn bỗng chốc nảy ra. Hoặc có lẽ là không. Có lẽ tôi đã dự tính ngay từ đầu – trong tiềm thức đang chờ đợi thời điểm phù hợp. Hóa đơn khách sạn là một yếu tố, tôi nghĩ. Vì tôi không có tiền trả. Và không còn mấy phi vụ thẻ tín dụng/ hoàn tiền tai ác này nữa. Chuyện xảy đến sau giao dịch với Sidney Zion. Bọn họ tịch thu thẻ American Express của tôi sau vụ đó, và lúc này bọn khốn kia đang kiện tôi – cùng với Diner’s Club và IRS…

Bên cạnh đó, tạp chí chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Luật sư của tôi sẽ lo việc đó. Chúng tôi không ký gì cả. Ngoại trừ các phiếu phục vụ phòng. Chúng tôi không bao giờ biết tổng số tiền, nhưng – ngay trước khi chúng tôi bỏ đi – luật sư ước tính chúng tôi nướng chừng 29 đến 36 đô la mỗi giờ, trong bốn mươi tám tiếng liên tục.

“Kinh quá,” tôi nói. “Sao lại thế được?” Nhưng khi tôi vừa hỏi câu đó, quanh tôi chẳng còn ai trả lời cho. Luật sư đã đi.

Hẳn hắn đánh hơi thấy rắc rối. Vào tối thứ Hai, hắn gọi phục vụ phòng mang đến một va–li da bò loại tốt, hắn bảo đã đặt vé chuyến bay tiếp theo đến LA Chúng tôi phải nhanh lên, hắn nói, và trên đường ra sân bay, hắn mượn 25 đô mua vé máy bay.

Tôi tiễn hắn đi, rồi tôi quay lại quầy bán đồ lưu niệm ở sân bay và chi hết phần tiền mặt còn lại cho những thứ rác rưởi – toàn là cứt, những món quà lưu niệm của Las Vegas, bật lửa Zippo giả bằng nhựa có bánh răng đánh lửa giá 6,95 đô la, kẹp tiền nửa đô la có hình JFK, mỗi chiếc năm đô la, khỉ bằng thiếc để lăng xúc xắc giá 7,50 đô la một con…

Tôi vơ hết đống của nợ mang ra chiếc Great Red Shark và tống cả vào ghế sau… rồi tôi bước vào ghế lái một cách trang trọng (mui xe màu trắng kéo xuống, như mọi khi) và tôi ngồi đó, bật radio lên và bắt đầu nghĩ.
Horatio Alger sẽ hành xử thế nào trong tình huống này?

Một hơi là quá nhiều, Chúa lòng lành ơi… một hơi là quá nhiều.

Sợ hãi. Tôi sởn hết gai ốc như thể đợt rung giật gia tăng đầu tiên của cơn vật thuốc. Tôi bắt đầu nhận ra sự trỗi dậy của thực tế kinh hoàng: Tại đây, chỉ mình tôi ở Las Vegas cùng với con xế khủng khốn kiếp này, xoắn hết cả quẩy vì ma túy, không có luật sư, không tiền mặt, không có bài cho tạp chí – và trên hết tôi còn một cái hóa đơn khách sạn to tổ bố phải trả. Có cái gì người ta mang vào được là chúng tôi gọi bằng hết – gồm cả sáu trăm bánh xà phòng trong mờ Neutrogena.

Cả chiếc xe đầy xà phòng – trên khắp mặt sàn, trên ghế, trong ngăn chứa đồ. Luật sư đã thỏa thuận thế nào đấy với các cô hầu phòng ở tầng chúng tôi mang số xà phòng này đến – sáu trăm bánh cái thứ trong suốt quái gở này – và giờ tất cả là của tôi.

Cùng với cái va–li nhựa mà tôi thình lình nhận ra ngay ở ghế trước cạnh mình. Tôi nhấc cái của nợ lên và biết ngay bên trong có gì. Không một gã luật sư Samoa nào trong lúc đầu óc còn tỉnh táo lại mang trên người khẩu Magnum 357 màu đen rồi bước phăm phăm qua máy dò kim loại ở cửa an ninh sân bay thương mại.

Nên hắn để nó lại cho tôi, để giao cho hắn – nếu tôi quay về được LA. Bằng không thì… ờ, tôi có thể nghe mình nói chuyện với Cảnh sát Xa lộ California:

Sao cơ? Khẩu súng này à? Khẩu Magnum 357 đã nạp đạn, chưa đăng ký, giấu giấu giếm giếm và có lẽ hàng nóng này à? Tôi đang làm gì với nó à? Ờ, anh thấy đấy, thưa anh cảnh sát, tôi dừng lại bên đường, gần Mescal Spring – theo lời luật sư của tôi khuyên, anh ta sau đó đã mất tích – và bất thình lình, trong khi tôi đang đi dạo quanh vũng nước hoang vắng người kia, một mình, thì một gã nhỏ con, để râu quai nón, chả biết từ đâu chui ra, một tay hắn cầm con dao móc ghê rợn này, và tay kia thì cầm khẩu súng đen to bự này… và hắn đề nghị khắc một chữ X to tướng lên trán tôi để tưởng nhớ Trung úy Calley… nhưng khi tôi bảo tôi là một tiến sĩ báo chí, thái độ của hắn thay đổi hẳn. Vâng, anh có lẽ không tin chuyện này đâu, anh cảnh sát ạ, nhưng hắn ta bỗng nhiên phóng con dao kia xuống vũng nước mescal mằn mặn gần chỗ chúng ta đứng đây, rồi hắn đưa tôi khẩu súng này. Đúng đấy, hắn dúi vào tay tôi, đưa đầu báng súng, rồi hắn lẩn vào bóng đêm.

Thế nên tôi mới có khẩu súng này, thưa anh cảnh sát. Anh có tin được không?

Không.

Nhưng tôi cũng không muốn vứt thứ ôn vật này đi. Thời buổi này đâu dễ gì kiếm được một khẩu 357 tốt.
Nên tôi nghĩ, ừ, cứ đưa cái của nợ này về Malibu, và nó là của tôi. Rủi ro của tôi – khẩu súng của tôi: hoàn toàn hợp lý. Và nếu con lợn Samoa đó muốn tranh cãi, nếu hắn muốn làm ầm ĩ quanh nhà tôi, tôi sẽ cho hắn nếm mùi cái của nợ này, ngay vào xương đùi. Thực đấy. Viên đạn chì 10 gram bọc nửa hợp kim, bay với tốc độ 450 mét/giây, là được cái bánh nhân thịt Samoa gần hai chục cân trộn với vài mẩu xương. Tại sao không?

Điên, điên hết cả… trong khi vẫn đơn độc với chiếc Great Red Shark trong bãi đỗ xe ở sân bay Las Vegas. Cút bố nó đi sợ hãi. Phải giữ kiểm soát. Phải cầm cự. Trong hai tư giờ tới, cái vấn đề kiểm soát bản thân là quan trọng bậc nhất. Tôi đang ngồi đây, một mình, giữa sa mạc khốn kiếp này, trong cái ổ của lũ điên mang súng ống này, với một đống những thứ cực kỳ nguy hiểm là những mối nguy, là nỗi kinh hoàng và những món nợ, thế nên tôi phải quay về LA Vì nếu bọn họ tóm được tôi tại đây thì tôi sẽ tiêu đời. Khốn đốn toàn tập. Cái đó chẳng phải nghĩ. Còn đâu tương lai cho một tiến sĩ báo chí biên tập tuần báo của bang. Tốt hơn nên chạy hết tốc lực cuốn xéo khỏi cái bang nguyên thủy này. Đúng vậy. Nhưng trước hết – quay lại khách sạn Mint đổi tấm séc 50 đô ra tiền mặt, rồi lên phòng và gọi hai sandwich mì nướng, hai vại sữa, một ấm cà phê và một chai Bacardi Anejo.Để qua được đêm

, tuyệt đối phải cần đến rượu rum – để tút tát mấy ghi chép này, cái nhật ký đáng xấu hổ này… để cái đài này to hết cỡ gầm rú suốt đêm: “Cho phép tôi tự giới thiệu… Tôi là người giàu có và tinh tế.”

Đồng cảm không?

Không phải với tôi. Không dung thứ cho tên tội phạm biến thái ở Las Vegas. Nơi này giống như Trại lính: thứ đạo đức của cá mập giành ưu thế – kẻ bị thương thì bị làm thịt. Trong một xã hội khép kín nơi mọi người đều có tội, thì tội phạm duy nhất là kẻ bị bắt. Trong thế giới những kẻ ăn cắp, thì tội lỗi cuối cùng duy nhất là sự ngu ngốc.
Cảm giác thật kỳ lạ khi ngồi trong một khách sạn ở Las Vegas lúc bốn giờ sáng – nhấp nhổm với cuốn sổ tay và một máy ghi âm trong căn phòng 75 đô la một ngày, một hóa đơn phí phục vụ phòng kinh hồn, tổng cộng bốn tám tiếng trong cơn điên toàn tập – biết rằng ngay khi trời hửng sáng, bạn sẽ chạy trốn mà không trả một xu ghẻ nào… đi phăm phăm qua hành lang và gọi xuống ga–ra lấy con xe mui trần đỏ, và đứng đó chờ, bên cạnh là chiếc va–li đầy cần sa và những vũ khí phi pháp… cố tỏ ra thản nhiên, lướt nhìn tờ Sun Las Vegas đầu tiên của buổi sáng.

Bạn đọc cảm nhận

Nguyễn Thị Vy

Với mình thì “Thác loạn ở Las Vegas” của Hunter S.Thompson giống như phần hai của cuốn “Trên đường” nổi tiếng của nhà văn Jack Kerouac. Hai cuốn sách riêng biệt, hai hành trình riêng biệt, nhưng theo một cách kỳ diệu lại có rất nhiều điểm tương đồng lý thú. Có lẽ đó chính là nét đặc trưng của một thế hệ thanh niên Mỹ thời đó. Họ cuồng nhiệt, phóng khoang, hoang dại, dường như chẳng thèm sợ hãi bất cứ điều gì. “Giấc mơ Mỹ” có phần điên cuồng và những khát khao tuổi trẻ đã thôi thúc những chàng trai ấy dấn thân vào một cuộc đua bất tận. Hunter S.Thompson, với ngòi bút tuyệt vời, trong cuốn sách này đã lột tả chân thực những điều ấy, vẽ nên một nền văn hóa đầy màu sắc của Las Vegas. Những trang viết tràn đầy sức sống ấy, vừa ồn ào náo động, vừa sâu sắc và tràn ngập cảm xúc. Cuốn sách này giống như một “liều thuốc phiện” vậy, chỉ có điều thuốc phiện thật thì nguy hiểm, còn cuốn sách sẽ làm bạn say mê thích thú và rút ra được nhiều bài học quý giá.

Đinh Công Hợp

Các tác phẩm được tuyển chọn trong cánh cửa mở rộng đều ẩn chứa những giá trị sâu sắc.

Thác Loạn Ở Lasvegas đưa ta về vùng đất những năm 70. Những chi tiết cùng với lời văn của dịch giả sau chuyển ngữ đưa vào một thế giới rất chân thật mà nhiều khi nhập tâm quá khiến ta khó thở bởi sự thác loạn đó. Cuốn sách cũng gây cho ta một ảo giác tương tự như thuốc phiện vậy mặc dù tôi chưa hít thuộc phiện bao giờ.

Và những chi tiết hài hướng, lố lăng đó lại đưa đến những suy nghĩ sâu xa với nhiều bài học thấm đẫm của sự trải nghiệm

Luong Le

Đọc Thác loạn ở Las Vegas khiến tôi có cảm giác như đang thử một liều thuốc phiện cùng hai người đàn ông này rên con đường sa mạc, sợ hãi như thằng nhóc đi nhờ xe phải nhanh chóng bỏ chạy nhưng lại không thể cưỡng nổi cám dỗ tiếp tục cuộc hành trình. Một chuyến đi điên rồ trong ảo giác của thuốc , một Las Vegas hào nhoáng rực rỡ ánh đèn với những cuộc chơi thâu đêm cùng những suy nghĩ về thực tại nước Mỹ là những điều bạn sẽ được trải nghiệm khi đọc cuốn sách này.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button