Review

Tên Sát Nhân Mercedes

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Stephen King
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 486
Ngày xuất bản 11-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

“Một thị trấn nhỏ ở đâu đó trong vùng Trung Tây của nước Mỹ. Rất đông người thất nghiệp đứng chờ từ sáng sớm trước tòa thị chính để mong được là người đầu tiên bước vào tìm việc làm. Bất thình lình, một chiếc xe Mercedes S 600 (“hai tấn tài nghệ của kỹ sư Đức”) lao thẳng vào trong đám đông đó, khiến rất nhiều người chết và bị thương. Tên sát nhân trốn thoát được. Tuy nỗ lực điều tra vụ án này cho tới lúc về hưu nhiều tháng sau đó, nhưng thám tử Bill Hodges vẫn không tìm ra thủ phạm.

Và từ khi về hưu thì tinh thần của cựu thám tử Hodges suy sụp hẳn. Ông chỉ còn ngồi trước chiếc máy vô tuyến truyền hình, ăn uống không điều độ và không tốt cho sức khỏe, có ý tưởng muốn tự tử. Nhưng rồi bất thình lình ông nhận được một lá thư khiêu khích của một người tự nhận mình là thủ phạm và tuyên bố là sẽ tiến hành những tội ác còn ghê gớm hơn thế nữa. Bừng tỉnh dậy từ sự uể oải chán chường, cựu thám tử Bill Hodges, cùng với một vài “đồng minh” có cá tính hết sức kỳ lạ, bắt đầu tiến hành một trò chơi mèo vờn chuột với kẻ tự nhận mình là sát nhân. Nhưng thật ra thì cũng chưa biết bên nào là mèo và bên nào là chuột. Truyện có hai mạch, đi sâu vào tâm tư suy nghĩ của hai nhân vật chính là Bill và tên sát nhân. Tức là độc giả giống như người đứng xem hai bên suy nghĩ chơi cờ gài bẫy lẫn nhau cho tới tận cuối cùng, hồi hộp xem phe thiện có kịp thắng phe ác hay không.

Tôi đã quen, thích và rất ấn tượng với những tác phẩm kinh dị xuất sắc của Stephen King (còn nhớ tối khuya ngồi một mình xem cuốn phim Shining hồi hộp hết sức), cho nên đọc quyển này thì hơi bỡ ngỡ. Vì trong tác phẩm này hoàn toàn không có máu me kinh dị hồi hộp như các tác phẩm mà có thể gọi là kinh điển của Stephen King. Nó “chỉ” là một tác phẩm hình sự trinh thám, lại là một tác phẩm chậm rãi đi vào chiều sâu của nhân vật nhiều hơn là hướng tới những pha hành động nghẹt thở. Ở đây diễn tiến không nhanh, nhưng qua suy nghĩ của các nhân vật King cho người đọc thấy được vực sâu của cái xấu xa đồi bại.

Và cái kết, theo ý riêng của tôi, cũng đặc trưng cho ý thích của người Mỹ. Tức là vẫn có dáng dấp người hùng “trừ gian diệt ác” mà không cần tới sự giúp đỡ (muộn màng, không hiệu quả) của bộ máy nhà nước.

Đây là quyển đầu của loạt tiều thuyết cho tới nay là ba quyển của Stephen King về thám tử Bill Hodges. Hoàn toàn không tệ. Về mặt trinh thám, thật tình mà nói thì theo ý thích của cá nhân vẫn còn nhiều tác phẩm, tác giả viết xuất sắc hơn, nhưng nhìn chung cuốn này vẫn thuộc loại khá. Có lẽ tôi đã chờ đợi một tác phẩm viết theo lối các tác phẩm kinh dị xuất sắc trước đây của King nên có hơi hụt hẫng. Nếu biết trước đây là một tác phẩm đi vào chiều sâu của nhân vật, một quyển tiểu thuyết viết về cái ác, có “chuẩn bị tinh thần” trước thì có lẽ đã cảm thấy nó hay hơn.”

[taq_review]

Trích dẫn

THANH TRA VỀ HƯU

Hodges bước ra khỏi bếp với lon bia trên tay, ngồi xuống chiếc ghế bành LA-Z-BOY, và đặt lon bia xuống cái bàn nhỏ bên tay trái, cạnh khẩu súng. Đó là một khẩu ổ xoay 38 Smith & Wesson M&P, M&P nghĩa là Quân đội và Cảnh sát. Ông lơ đãng vuốt ve khẩu súng, kiểu như người ta vẫn vuốt ve một con chó già, rồi cầm cái điều khiển lên và chuyển sang kênh 7.

Ông hơi bị muộn, đã thấy khán giả trong trường quay đang vỗ tay rào rào rồi.

Ông nghĩ đến một trào lưu, ngắn ngủi và tệ hại, đã xâm chiếm thành phố hồi cuối thập niên tám mươi. Hoặc có lẽ từ ông thực sự muốn dùng là lây lan, vì nó chẳng khác gì một cơn sốt thoáng qua. Cả ba tờ báo của thành phố đều viết những bài xã luận về nó trong cả một mùa hè. Giờ thì hai tờ trong số đó đã biến mất còn tờ thứ ba thì đang sống dặt dẹo.

Người dẫn chương trình sải bước lên sân khấu trong bộ vest may bó sát, vẫy tay chào khán giả. Hodges xem chương trình này hầu như mọi ngày trong tuần kể từ khi ông nghỉ hưu khỏi lực lượng cảnh sát, và ông nghĩ thằng cha này quá lòe loẹt để làm công việc này, kiểu như đi lặn với bình dưỡng khí trong ống cống mà lại không mặc bộ đồ lặn. Ông nghĩ tay dẫn chương trình thuộc loại người thỉnh thoảng lại tự tử để rồi sau đó tất cả bạn bè người thân của anh ta đều nói họ hoàn toàn chẳng bao giờ thấy có dấu hiệu nào không ổn cả; họ kể về chuyện trông anh ta vui vẻ như thế nào vào lần cuối cùng họ gặp anh ta.

Vừa nghĩ, Hodges vừa lơ đãng vuốt ve khẩu súng lần nữa. Đó là khẩu súng kiểu Victory. Cũ nhưng mà tốt. Khẩu súng của ông, hồi ông còn làm việc, là một khẩu Glock 40. Ông đã mua nó – nhân viên cảnh sát ở cái thành phố này có nghĩa vụ tự đi mua lấy súng công vụ của mình – và giờ thì nó đang nằm trong cái két ở phòng ngủ. An toàn trong két an toàn. Ông đã tháo đạn và nhét nó vào đó từ sau lễ nghỉ hưu và không ngó ngàng gì tới suốt từ bấy đến giờ. Không đếm xỉa. Nhưng ông thích khẩu 38. Ông gắn bó với nó, nhưng còn một điều hơn cả thế.

Súng ổ xoay không bao giờ kẹt đạn.

Vị khách mời đầu tiên đây rồi, một phụ nữ trẻ mặc váy ngắn màu xanh da trời. Khuôn mặt không có gì nổi bật nhưng cô ta lại có một thân hình bốc lửa. Đâu đó bên trong chiếc váy, Hodges biết, thể nào cũng sẽ có cái kiểu hình xăm mà bây giờ người ta gọi là dấu gái đú . Có thể là hai ba hình. Cánh khán giả đàn ông huýt sáo và giậm chân ầm ầm. Cánh khán giả nữ thì vỗ tay dè dặt hơn. Vài người nhướng mắt lên. Đây là cái kiểu phụ nữ mà chị em không thích bắt gặp chồng mình đang say sưa ngắm.

Người phụ nữ nổi cơn tam bành ngay từ đầu. Cô ta kể với người dẫn chương trình rằng bạn trai của cô ta có con với một phụ nữ khác và lúc nào anh ta cũng đi thăm hai mẹ con họ. Cô ta vẫn yêu gã, nhưng cô ta ghét cái con…

Hai từ tiếp theo bị chèn bằng tiếng bíp bíp, nhưng Hodges có thể đọc môi ra từ đĩ rạc. Khán giả ồ lên cổ vũ.

Hodges nhấp một ngụm bia. Ông biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. Chương trình này có tất cả đặc tính dễ đoán trước của một bộ phim truyền hình dài tập rẻ tiền chiều thứ Sáu.

Tay dẫn chương trình để cho cô ta kể lể thêm một chút rồi giới thiệu…

NGƯỜI PHỤ NỮ KIA! Cô ta cũng có thân hình bốc lửa và cả mớ tóc vàng. Có một hình xăm kiểu dấu gái đú ở một bên mắt cá. Cô ta tiến về phía người phụ nữ kia và nói, “Tôi hiểu cảm giác của chị, nhưng tôi cũng yêu anh ấy.”

Cô ta còn nhiều điều nữa định nói trong đầu, nhưng cô ta mới chỉ kịp nói đến vậy thì Thân hình Bốc lửa số Một ra tay hành động. Ai đó sau cánh gà rung chuông, như thể là mở màn một trận thi đấu tranh giải. Hodges cũng thấy đúng thế thật, vì tất cả khách mời của chương trình chắc hẳn phải được bồi dưỡng; chứ không sao họ lại chịu làm thế này? Hai người phụ nữ đấm đá cào cấu trong vài giây, và rồi hai gã bị thịt với dòng chữ AN NINH in trên áo thun, vốn theo dõi từ sau sân khấu, tách họ ra.

Họ chửi nhau một lúc, một màn trao đổi quan điểm rất cân sức và trọn vẹn (phần lớn là bị đè tiếng đi), trong khi tay dẫn chương trình đứng nhìn với vẻ thích thú, và lần này thì lại là Thân hình Bốc lửa số Hai khơi mào trận đấu khi vung một cú tát mạnh làm đầu của Thân hình Bốc lửa số Một lật cả ra đằng sau. Tiếng chuông lại rung lên. Hai cô ả ngã ra sân khấu, váy áo xõa xượi, cào cấu rồi hết đấm lại tát. Khán giả hóa rồ cả lên.

Những gã an ninh bị thịt tách họ ra rồi tay dẫn chương trình đứng vào giữa hai người, nói bằng cái giọng bên trên thì vỗ về xoa dịu, bên dưới thì lại khích bác kích động. Hai ả tuyên bố tình yêu sâu nặng của mình, nhổ thẳng tuyên bố ấy vào mặt nhau. Tay dẫn chương trình nói họ sẽ trở lại ngay và rồi đã thấy một em nữ diễn viên hạng C quảng cáo thuốc giảm cân.

Hodges nhấp thêm một ngụm bia và biết ngay rằng ông thậm chí còn không thể uống hết lấy nửa lon. Kể cũng nực cười, vì hồi còn làm cảnh sát, ông khác quái gì một gã bợn nhậu. Khi chuyện bia rượu phá vỡ cuộc hôn nhân của mình, ông đồ rằng mình là thằng nghiện thật. Ông dồn hết nghị lực và chế ngự nó, tự hứa với mình rằng ông sẽ tha hồ muốn uống bao nhiêu thì uống khi đã đủ bốn mươi năm – một con số khá ấn tượng, trong khi năm mươi phần trăm cảnh sát thành phố nghỉ hưu sau hai mươi lăm năm và bảy mươi phần trăm là sau ba mươi năm. Chỉ có điều là giờ đây khi đã đủ bốn mươi năm thì ông lại không còn thấy ham hố gì chất cồn nữa. Đã vài lần ông cố ép cho mình say, chỉ để thấy rằng ông vẫn còn uống được, mà đúng là còn thật, nhưng hóa ra say cũng chẳng hơn gì tỉnh. Thực ra còn tệ hơn chút.

Chương trình trở lại. Gã dẫn chương trình nói rằng gã còn một vị khách mời khác, và Hodges biết đó sẽ là ai. Cả khán giả cũng vậy. Họ sủa ăng ẳng háo hức. Hodges cầm khẩu súng của cha mình lên, nhìn vào ông súng, rồi lại đặt nó xuống quyển danh bạ Direct ti vi.

Gã đàn ông khiến cho Thân hình Bốc lửa số Một và Thân hình Bốc lửa số Hai phải giành giật khổ sở xuất hiện trên sân khấu rất đúng kiểu. Bạn biết thừa trông hắn sẽ như thế nào trước cả khi hắn vênh vang bước ra và vâng, chính là hắn: một tay nhân viên trạm xăng hoặc một gã xếp thùng giấy ở kho hàng Target hoặc có thể là thằng cha o bế chiếc xe của bạn (một cách tệ hại) ở cửa hiệu Mr. Speedy. Hắn gầy gò và nhợt nhạt, với mái tóc đen phủ lòa xòa trước trán. Hắn mặc quần kaki và đeo một chiếc cà vạt điên rồ màu xanh vàng có nút thắt trên cuống họng ngay bên dưới cục yết hầu lộ liễu. Phần mũi nhọn hoắt của đôi giày da lộn thò ra dưới ống quần. Bạn đã biết mấy ả đàn bà có hình xăm gái đú và giờ thì bạn cũng biết là thằng cha này có hàng khủng như ngựa và phụt con giống còn mạnh hơn cả đầu xe lửa và nhanh hơn cả một viên đạn đang bay; một em gái trinh ngồi vào bệ xí bệt sau lúc gã này tự sướng cũng dính bầu ngay. Khéo còn sinh đôi. Trên mặt hắn là nụ cười nhăn nhở đơ đơ của một gã vô tư lự đang trong tâm trạng phóng túng. Công việc trong mơ tàn tật cả đời. Trong giây lát chuông sẽ rung lên và mấy ả đàn bà lại lao bổ vào nhau. Và rồi, sau khi đã nghe đủ những trò vênh váo của hắn, họ sẽ nhìn nhau, khẽ gật đầu, rồi cùng tấn công hắn. Lần này cánh nhân viên an ninh sẽ chờ lâu hơn một chút, vì trận đánh cuối cùng này là thứ mà khán giả, cả ở trường quay và ở nhà, thực sự muốn xem: lũ gà mái tấn công gã gà trống.

Cái trào lưu ngắn ngủi và tệ hại ấy hồi cuối thập niên tám mươi – sự lây lan – được gọi là “chọi trâu”[6] . Thằng cha thiên tài cống rãnh nào đó nảy ra ý tưởng và khi nó trở thành trò làm ăn có lời, ba bốn con buôn khác nhảy vào trau chuốt tô vẽ thêm. Công việc phải làm là trả cho mấy thằng vô gia cư giẻ rách dăm ba chục đồng để chúng tẩn nhau tại địa điểm và thời gian ấn định. Địa điểm mà Hodges nhớ nhất là khu dịch vụ phía sau dãy phòng[7] nhớp nhúa của một câu lạc bộ thoát y có tên là Bàm Ba Lam, mãi tận bên East Side. Sau khi trận đấu đã được ấn định, người ta quảng cáo (thời đó là bằng cách truyền miệng, khi mà việc sử dụng Internet rộng rãi vẫn còn tận đẩu đâu), và thu tiền khán giả hai mươi đồng một đầu người. Có phải đến cỡ hơn hai trăm người trong trận đấu mà Hodges và Pete Huntley đã phá, hầu hết đều cá cược ăn thua đủ với nhau như những thằng vô lại điên cuồng. Có cả phụ nữ, vài người còn diện nguyên cả váy dạ hội và diện đẫy đồ trang sức, chăm chú theo dõi hai gã vô gia cư nhũn não lao vào nhau, đấm đá rồi hết gục xuống lại đứng lên hò hét lảm nhảm. Đám đồng cười nói cổ vũ thúc giục các võ sĩ đấu tiếp.

Chương trình này cũng giống vậy, chỉ khác là có các công ty bán bảo hiểm và thuốc giảm cân đứng ra cầm độ, vì vậy Hodges đoán các thí sinh (chính xác là như thế, mặc dù tay dẫn chương trình gọi họ là “các khách mời”) ra về với chưa đến ba mươi đồng và một chai Night Train. Và chẳng có tay cớm nào phá đám cả, vì tất cả đều hợp pháp không khác gì xổ số.

Khi chương trình kết thúc, vị nữ quan tòa không-bắt-tù-binh sẽ xuất hiện, khoác lên người cái mẽ đạo mạo nóng nảy đã thành thương hiệu ấy, làm ra vẻ cố kìm cơn giận dữ mà lắng nghe những kẻ khiếu nại rác rưởi trình bày. Tiếp đó là thằng cha chuyên gia tâm lý gia đình béo ú chuyên làm các vị khách mời phải khóc lóc (hắn gọi đây là “đập tan bức tường phủ nhận”), và mời họ biến nếu có ai trong số họ dám nghi ngờ phương pháp của hắn. Hodges nghĩ bụng thằng cha chuyên gia tâm lý gia đình béo ú này chắc đã học các phương pháp đó từ mấy cuốn băng video huấn luyện của KGB cũng nên.

Chiều nào trong tuần Hodges cũng tọng mớ hổ lớn sặc sỡ này khi ngồi trong chiếc ghế bành LA-Z-BOY cùng khẩu súng của cha – khẩu súng cha ông đã mang khi còn là cảnh sát khu vực đặt trên bàn bên cạnh. Bao giờ ông cũng cầm nó lên vài lần và nhìn vào nòng súng. Nhòm vào cái khoảng tối hình tròn ấy. Đã một đôi lần ông nhét nó vào trong môi, chỉ để xem cảm giác thế nào khi có một khẩu súng đã nạp đạn nằm trên lưỡi và chĩa thẳng vào vòm miệng. Tập dần cho quen, ông tự nhủ. Giá kể mà uống say được thì mình có thể trì hoãn chuyện này lại, ông thầm nghĩ. Mình có thể hoãn lại ít nhất là một năm. Còn nếu đã hoãn lại được hai năm biết đâu cảm giác thôi thúc này sẽ qua hẳn. Biết đâu mình lại chí thú vào làm vườn, hay là ngắm chim, có khi cả vẽ vời chưa biết chừng. Tim Quigley cũng học vẽ đấy thôi, dưới Floria. Ở một khu cộng đồng hưu trí toàn những tay cớm già.

Như người ta kể thì Quigley đã thực sự yêu thích món đó, và thậm chí còn bán được một số tác phẩm của mình ở Liên hoan Nghệ thuật Venice. Ấy là nói trước khi ông ta bị đột quỵ. Sau cú đột quỵ ông ta nằm bẹp giường tám chín tháng liền, liệt hoàn toàn dọc bên phải người. Không còn vẽ vời gì nữa đối với Tim Quigley. Rồi ông ta đi. Kính cụ.

Chuông giao chiến đang rung lên, và đương nhiên thôi, cả hai ả đàn bà đều đang lao bổ vào thằng cha lẻo khoẻo với cái cà vạt điên rồ, những móng tay sơn loang loáng, tóc gió bời bời.

Hodges lại với tay lấy khẩu súng, nhưng ông chỉ mới vừa chạm tay vào nó thì đã nghe thấy tiếng lạch cạch ở khe cửa trước và tiếng rơi đánh tẹt một cái của bịch thư chạm vào sàn hành lang.

Vào cái thời buổi của email và Facebook này thì làm gì có gì quan trọng chui qua khe bỏ thư nữa, biết vậy nhưng ông vẫn đứng lên. Ông sẽ liếc qua và để lại khẩu M&P 38 của bố mình thêm một ngày nữa.

Bạn đọc cảm nhận

Tang Yan

Nội dung phải nói là rất thú vị, không có nhiều suy luận, hành động nhưng thể hiện tâm lý nhân vật rất tốt. Tên sát nhân rất “thật”.
Stephen King viết rất hay. Giọng văn lôi cuốn.
Cuốn này theo mình là dịch tốt.
Cá nhân mình thì không thích cái kết lắm. Nhưng đây vẫn là 1 cuốn sách tuyệt vời. Bạn nào thích thể loại giết người hàng loạt bệnh hoạn thực tế thì nên mua.
Đánh giá : nội dung hay + bìa đẹp + dịch ổn
8/10
thực sự rất tiếc cho Augie và Janice, mình đã hy vọng sẽ là một gia đình hạnh phúc. 🙁

Trinh Thien Bao

Công nhận là cuốn này dịch và biên tập khá tốt, thích cái giọng văn của người dịch. Đọc cuốn này không thể ngưng được, cứ muốn đọc liên tục thôi. Stephen King đã mô tả rất tốt về tên sát nhân, nội tâm của một kẻ không bình thường và một quá khứ tội lỗi khiến cho hắn trở nên điên cuồng không thể kiểm soát, tuy nhiên cái kết không được hoành tráng cho lắm. Đây sẽ là một cuốn sách hay cho những ai yêu thích thể loại trinh thám, và cũng gửi lời cảm ơn chung đến Nhã Nam và riêng đến với dịch giả Và biên tập viên đã đem đến cho đọc giả một trải nghiệm tuyệt vời.

Trần Hải Đăng

Đọc Review của một bạn mình tưởng rằng sẽ là một tác phẩm khiến mình ngấu nghiến. Nhưng hóa ra lại không phải như vậy, truyện khá chán trong 300 trang đầu tiên khi tác giả diễn giải một cách dài dòng về màn đối đáp qua lại của hung thủ và thanh tra. Theo mình thì đây là điều hết sức không nên vì nó làm mất đi sự kịch tính của truyện trinh thám khiến độc giả hơn chán, nhưng với cách hành văn và ngôn ngữ mình dẫu sao vẫn rất thích cách hành văn của ông với lối nói chuyện đậm chất Mỹ không lẫn vào đâu được. Còn để đánh giá tác phẩm này mà hấp dẫn thì mình cho là không bởi quá lê thê, tính logic và hình sự thì vẫn khá ổn. Nhưng quả thật truyện không hấp dẫn cho lắm, nếu ai đó thích cách nói chuyện của người Mỹ thì đây vẫn là một tác phẩm khá oke về mặt ngôn ngữ nhưng về tính trinh thám thì mình không đánh giá cao.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button