Review

Tên Của Đóa Hồng

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Umberto Eco
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 556
Ngày xuất bản 04-2013
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Có lẽ, Umberto Eco muốn trao cho độc giả một cuốn sách để họ có thể thốt lên sau khi đọc xong: “Tôi đã đi cùng khắp, kiếm sự an bình, rốt cuộc chỉ tìm thấy nó khi ngồi ở một góc phòng với một quyển sách mà thôi.”

Và Tên của đóa hồng xứng đáng là một món quà như thế. Cuốn sách là một ký ức lớn, đưa thời-không lùi về khoảnh khắc mà lịch sử ngàn năm của thời Trung Cổ cô đọng lại chỉ còn 7 ngày, chân thực và huyền ảo, trong một tu viện dòng Benedict cổ xưa trên triền dãy Apennin nước Ý.

Lồng trong một cốt truyện trinh thám hấp dẫn về những tội ác khủng khiếp đầy ám ảnh diễn ra trong bóng tối nhà thờ, được dẫn dắt bằng tài kể chuyện siêu việt, trên nền cuốn tiểu thuyết lịch sử uyên bác, đồ sộ và đầy tính biểu tượng, chứa đựng những kiến thức văn hóa, triết học, nghệ thuật và tôn giáo sâu rộng, Tên của đóa hồng mở ra một mê cung vừa tráng lệ huy hoàng vừa uy nghiêm tăm tối của thời Trung Cổ xa xăm, nơi các tu sĩ học thức sống theo thời gian nghiêm ngặt của giáo luật nhà thờ, trong nhịp điệu của những chầu kinh trên nền âm nhạc Thánh ca, theo đuổi những đam mê cao quý, thánh thiện, đồng thời bị cuốn vào những mưu đồ quỷ dữ trong một thế giới đầy mâu thuẫn giữa đức tin chính thống và dị giáo, công lý và lạm quyền, sự thật và lầm lạc.

Ngay từ khi xuất bản lần đầu vào năm 1980, tiểu thuyết đầu tay của triết gia mỹ học hàn lâm, nhà bác học, nhà lý luận lừng danh thế giới Umberto Eco đã lập tức thành công vang dội, trở thành “cú sốc của tiểu thuyết đương đại”, một “siêu tiểu thuyết” được cả độc giả của văn chương bình dân lẫn bác học đón nhận nồng nhiệt khắp năm châu.

Nhận định:

“Lôi cuốn… Câu chuyện công phu của Eco thật tuyệt vời. Ngày giờ trôi đi theo dòng tưởng tượng.” – New York Times

“Cuốn truyện của Eco như được hợp lực tạo nên bởi chính Arthur Conan Doyle và Thomas Mann. Một khi đã lật trang thứ nhất, thì nhất định không thể dừng đọc.” – Greensboro News

“Tác phẩm tuyệt vời của một học giả biết cách dẫn dắt câu chuyện… Kinh ngạc … mê đắm … siêu việt.” – Houston Chronicle

“Một loại tiểu thuyết làm đổi thay đầu óc người đọc… dẫn dắt chúng ta bước vào một thế giới kinh viện vừa thiêng liêng vừa đen tối với nhiều Giáo hoàng và những tên phản Chúa…” – Los Angeles Times

“Câu chuyện đạo lý sống động về lòng cuồng tín, kinh sách và cuộc truy tầm chân lý…” – Newsday

[taq_review]

Trích dẫn

Điều Benno kể cho chúng tôi nghe rất mơ hồ. Dường như Huynh kéo chúng tôi tới đó để dụ chúng tôi ra khỏi phòng thư tịch. Nhưng dường như cũng vì không thể nêu lên một cái cớ chính đáng, Huynh ấy đã kể ra những mảnh vụn của sự thật có tầm vóc lớn hơn sức mình hiểu.

Huynh thú nhận rằng sáng hôm nọ mình đã dè dặt, nhưng bây giờ, suy nghĩ chín chắn hơn, Huynh cảm thấy thầy William nên biết toàn bộ sự thật. Trong suốt cuộc đối thoại nổi tiếng về tiếng cười, Berengar đã nhắc đến từ “finis Africae” (1). Đó là cái gì? Thư viện đầy rẫy bí ẩn, đặc biệt là các bí ẩn về những quyển sách không bao giờ được đưa cho tu sĩ đọc. Benno rất cảm kích về lời nói của thầy William về việc nên xem xét hợp lý các đề nghị nêu ra. Huynh cho rằng một tu sĩ kiêm học giả có quyền biết tất cả mọi thứ thư viện chứa đựng. Trong khi Huynh ấy nói, chúng tôi nhận thấy tu sĩ này còn trẻ, thích sử dụng tài hùng biện, khao khát tự do, nên khó lòng chấp nhận những kỷ luật của tu viện nhằm giới hạn óc hiếu kỳ muốn mở mang trí tuệ của mình. Tôi vẫn hằng ngờ vực óc hiếu kỳ này, nhưng tôi biết thái độ của Benno không làm phật lòng thầy tôi, tôi nhận thấy thầy có cảm tình và tin cẩn Huynh ấy. Tóm lại, Benno bảo Huynh không biết Adelmo, Venantius và Berengar đã thảo luận những bí mật nào, nhưng Huynh sẽ hài lòng nếu câu chuyện buồn này giúp soi sáng thêm cách điều hành Thư viện. Tuy nhiên, Huynh hy vọng thầy tôi sẽ tháo gỡ khúc mắc trong cuộc điều tra, và nhờ đó thuyết phục được Tu viện trưởng nới lỏng kỷ luật hằng áp đặt lên sự mở mang trí tuệ của các tu sĩ – một số người, như Huynh ấy, từ xa đến, nhằm mục đích thu thập các điều huyền diệu ẩn náu trong lòng thư viện để nuôi dưỡng trí tuệ.

Tôi tin Benno đã thành khẩn mong cuộc điều tra đem lại được điều Huynh nói. Tuy nhiên, có lẽ như thầy William đã tiên đoán, Huynh ấy cũng muốn chính mình có cơ hội lục lọi bàn làm việc của Venanatius trước, vì bị óc tò mò thôi thúc. Để chúng tôi khỏi đến gần chiếc bàn, Huynh sẵn lòng đổi chác vài tin tức như sau:

Như nhiều tu sĩ đã biết, Berengar ấp ủ một mối cuồng si đối với Adelmo, một thứ cuồng si xấu xa đã bị Chúa trừng phạt tại hai thành phố Sodom và Gomorrah. Có lẽ vì quan tâm đến tuổi thiếu niên non dại của tôi nên Benno nói như thể để ngăn ngừa. Nhưng bất kỳ ai đã trải qua tuổi niên thiếu ở chủng viện, dù có giữ mình trong trắng đi nữa, cũng thường nghe nói đến những mối si mê như thế; và đôi khi phải giữ mình khỏi rơi vào cạm bẫy của những kẻ nô lệ cho mối cuồng si ấy. Mặc dù tôi chỉ là một tu sinh bé bỏng, chẳng phải tôi đã được một tu sĩ già ở Melk giao cho một cuốn thơ trong đó có nói rằng một người phàm tục thường bị lụy vì một người đàn bà sao? Lời nguyện khi nhập dòng tu đã giữ chúng tôi tránh khỏi hố sâu sa đọa là thân thể đàn bà, nhưng lại đưa chúng tôi đến gần những lỗi lầm khác. Sau cùng, tôi có thể che dấu sự thật dù ngay cả giờ đây, ở tuổi cao niên này, tôi vẫn rạo rực vì lòng tà dâm khi mắt tôi vô tình đậu lại trên gương mặt nhẵn nhụi của một tu sinh trong ca đoàn, tinh khiết và tươi mát trong gương mặt một trinh nữ?

Tôi nói những điều này không phải để gieo nghi ngờ việc lựa chọn con đường tu hành của tôi, nhưng để biện minh cho lầm lỗi của nhiều người mà đối với họ, gánh nặng thiêng liêng này đã trở nên nặng nề. Có lẽ để biện minh cho tội lỗi khủng khiếp của Berengar. Nhưng theo Benno, tu sĩ này rõ ràng theo đuổi con đường sa đọa của mình bằng những cách thức còn đê hèn hơn, đó là cưỡng bức những tu sĩ khác cho mình cái mà đức hạnh và thanh danh ngăn cản họ không nên cho.

Do đó, có một dạo, các tu sĩ đã chua chát giễu cợt cái cách Berengar trìu mến nhìn Adelmo, một tu sĩ rất duyên dáng, dễ thương. Trong khi đó, Adelmo chỉ say sưa công việc của mình, xem đó là thú vui duy nhất, nên chẳng để ý mấy đến sự cuồng si của Berengar. Nhưng ai mà biết được. Có lẽ sâu xa trong tiềm thức Adelmo cũng nuôi dưỡng một dục vọng đê hèn tương tự? Quả thật, Benno đã tình cờ nghe được cuộc đối thoại giữa Adelmo và Berengar: Berengar, khi Adelmo yêu cầu hắn tiết lộ một bí mật, đã đề nghị một sự đổi chác ghê tởm mà ngay cả độc giả ngây thơ nhất cũng có thể tưởng tượng ra được. Chính Benno đã nghe từ miệng Adelmo thốt lên những lời ưng thuận khoan khoái, như thể tận đáy lòng mình Adelmo chẳng còn ao ước điều gì khác, và chỉ cần một cái cớ nào đó, không phải là ham muốn nhục dục, là Huynh ấy sẽ đồng ý ngay. Benno còn lý luận rằng, sự bí mật của Berengar phải liên hệ đến các bí quyết của sự học hỏi, do đó Adelmo có thể nuôi ảo tưởng rằng nếu hiến thân xác mình thì khát vọng về trí thức sẽ được thỏa mãn. Benno mỉm cười nói thêm: có rất nhiều lần Adelmo chẳng hề bị thôi thúc bởi một khát vọng học hành mãnh liệt nào cả mà vẫn ưng thuận thỏa mãn nhục dục của những người khác, thậm chí ngược với ý hướng cao cả của mình.

Benno hỏi thầy William – có bao giờ Huynh nghĩ rằng mình sẽ làm những điều tồi bại để được đặt tay lên quyển sách mà mình hằng tìm kiếm bao nhiêu năm nay?

– Cách đây nhiều thế kỷ, Sylvester đệ nhị, người khôn ngoan và đầy phẩm hạnh nhất, đã tặng cả một lồng cầu kim loại quý giá nhất để đổi lấy một quyển sách của Statius hay Lucan chi đó – thầy William dè dặt nói thêm – nhưng ông đã đổi một lồng cầu chứ không phải đạo đức của mình.

Benno thú nhận đã cao hứng nói quá xa đề, bèn quay trở lại câu chuyện cũ. Đêm trước khi Adelmo chết, Benno vì tò mò đã theo dõi cả hai và trông thấy họ rủ nhau đi đến nhà nghỉ sau Kinh Tối. Huynh mở hé phòng của mình, cách phòng họ không xa, đợi một lúc lâu, rồi yên lặng bao trùm giấc ngủ của các tu sĩ, Huynh thấy rõ ràng Adelmo lẻn vào phòng Berengar. Benno không thể chợp mắt được, Huynh nghe tiếng cửa phòng Berengar mở, rồi Adelmo chạy thoát ra như bay, trong khi người bạn kia cố ôm Huynh lại. Berengar đuổi theo Adelmo xuống lầu dưới. Benno thận trọng bám theo họ, và khi đến đầu hành lang bên dưới, Benno trông thấy Berengar run rẩy nép vào một góc, chằm chặp nhìn vào cửa phòng của Sư huynh Jorge. Benno đoán là Adelmo đã phủ phục xuống chân vị Sư huynh đáng kính này để xưng tội, Berengar run sợ vì biết bí mật của mình đã bị tiết lộ, mặc dù được thánh bí che chở đi nữa.

Thế rồi Adelmo bước ra, mặt xanh như tàu lá, xua đuổi Berengar đi; còn Berengar thì cố tìm cách biện bạch. Adelmo chạy ra khỏi nhà nghỉ, men theo phía sau nhà nguyện của giáo đường và theo cửa Bắc đi vào khu hát kinh, nơi thường mở ngỏ ban đêm. Có lẽ Huynh muốn cầu nguyện. Berengar bám theo, mà không theo vào nhà thờ; Huynh ấy chỉ đi len lỏi giữa những nấm mồ trong nghĩa trang, hai tay xoắn vặn vào nhau.

Benno còn đang hoang mang chưa biết nên làm gì thì nhận ra có một người thứ tư đang đảo qua đảo lại trong khu vực đó. Người này cũng đã theo dõi cặp Adelmo- Berengar, nhưng chắc chắn không biết có Benno đang ép sát mình vào thân cây sồi mọc ở bìa trang trại. Người thứ tư này là Venantius. Khi thấy Venantius, Berengar bèn khom mình bò đi giữa các nấm mồ, còn Venantius cũng đi vào khu hát kinh. Lúc này, vì sợ bị phát hiện, Benno quay về nhà nghỉ. Sáng hôm sau, người ta tìm thấy xác Adelmo ở chân vực đá, Benno chỉ biết đến đấy.

Bạn đọc cảm nhận

Mo Mo

Để có thể đọc hiểu và nắm được hết ý nghĩa và kiến thức lịch sử của tác phẩm này, nó đòi hỏi bạn cần đầu tư thời gian và công sức, cộng với sự tập trung dành cho nó. Tên của đóa hồng là cuốn sách trinh thám, lịch sử chứa nhiều dữ liệu lịch sử cộng với những thông tin gây bất ngờ cho chính tôi. Với tôi, nó hơn Mật mã Da Vinci bởi khối lượng dữ liệu mà nó mang lại, nhưng lại không ngộp thở và gay cấn bằng Mật mã Da Vinci. Có lẽ cũng bởi tôi không theo đạo nên những gì liên quan đến đạo nó không thấm nhiều vào trong tôi, vậy nên tôi chưa hiểu hết được những tầng ý nghĩa lịch sử của Tên của đóa hồng. Nhưng dù sao đây cũng là một cuốn sách đáng đọc cho những ai quan tâm đến những biến cố xảy ra thời Trung cổ đối với các giáo phái.

Nguyễn Thị Vy

Mình biết đây là một kiệt tác kinh điển của Umberto Eco, nhưng mình cũng không hoàn toàn bị cuốn hút vào câu chuyện mà tác giả kể. Nói đúng hơn, “Tên của đóa hồng” không giống như những gì mình chờ đợi. Truyện mở đầu bằng những vụ án mạng bí ẩn liên tiếp nhau buộc tu sĩ William phải vào cuộc để tìm ra thủ phạm. Mình đã nghĩ câu chuyện sẽ diễn biến vô cùng hấp dẫn và kịch tính. Nhưng không hẳn như vậy. Umberto Eco lồng ghép vào trong tác phẩm một khối lượng quá đồ sộ những triết lý, thông tin và kiến thức về tôn giáo, lịch sử, khiến nhiều khi làm mình thấy hơi thừa thãi và mệt mỏi. Những đoạn tranh luận cũng rất dài dòng mà nếu không theo dõi thì khó lòng hiểu nhân vật đang bàn luận về điều gì. Chính những chi tiết này làm cho mạch truyện trở nên chậm rãi, rối rắm hơn, khó để theo dõi một cách thích thú.

Tuy nhiên, đây vẫn là một tác phẩm đáng đọc cho những ai yêu thích những chủ đề tôn giáo mang triết lý sâu xa với một cái nhìn có tính bao quát cao.

Hishigi Totsuka

Đối với những người mong muốn đọc một cuốn truyện nhẹ nhàng thì mình khuyên không nên chọn cuốn này.Thông tin lịch sử quá nhiều xen kẽ đó là những triết lí tình tiết nhân vật,nhiều lúc rất nhức đầu nhưng càng về cuối càng hay.Mới đầu đọc mình không hề nghĩ đó là truyện trinh thám nhưng đây đúng là một bộ truyện phải đọc từ từ mới thấy được cái hay của nó,các nhân vật dần dần lộ diện phải đến phút cuối cùng mới biết ai là kẻ chủ mưu.Đọc xong 1 đoạn mình còn phải xem lại đoạn trước,nói chung bạn phải đọc một cách tỉ mỉ.Bìa sách đẹp giấy cũng mềm nhẹ xứng đáng là sách của nhã nam

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button