Review

Tâm Lý Học Hài Hước

Nội dung

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao nhạc sĩ dở tệ luôn luôn giành chiến thắng trong cuộc thi Eurovision Song Contest, hoặc làm thế nào mà những chính trị gia không đủ năng lực lại được bầu?

Trong khi các nhà khoa học khác đi vào vấn đề hiển nhiên thì Richard Wiseman lại bận rộn khám phá những yếu tố bí mật của sự quyến rũ, khám phá tính cách con người được hình thành như thế nào khi chúng ta sinh ra và kiểm tra tại sao mọi người thường bỏ qua những dấu hiệu rõ ràng nhất của sự phản bội đối tác của mình. Sử dụng các phương pháp khoa học điều tra các chủ đề khác thường thu hút sự quan tâm của công chúng cũng như cộng đồng khoa học, Tâm lý học hài hước mang đến hiểu biết mới cho những phần chưa được khám phá của tâm trí con người và đưa chúng ta đến những nơi các nhà khoa học chính thống sợ bước đến. Cuốn sách có thể so sánh với Kinh tế học hài hước, nhưng mang tính dân túy và hài hước hơn rất nhiều.

Cuốn sách hàm chứa những nghiên cứu, thí nghiệm độc đáo, dị thường của những nhà khoa học tò mò nhất trên thế giới. Trong đó có rất nhiều điều chúng ta cũng thường xuyên tự hỏi mỗi ngày. Mỗi chương sách hé lộ một mảng tâm lí học bí mật nằm dưới những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của chúng ta, từ sự lừa dối cho đến việc ra quyết định, từ tính ích kỉ cho đến sự mê tín. Trong quá trình này, chúng ta sẽ bắt gặp một vài mảnh ghép ưa thích về sự kì lạ nhưng hấp dẫn.

Liệu tên của những đứa trẻ có ảnh hưởng tới cuộc đời của chúng hay không? Các thống kê xã hội đã cho thấy, những đứa trẻ có tên tiêu cực, thường xuyên nhận được cái nhìn tiêu cực từ bố mẹ, người xung quanh khi trưởng thành có tỷ lệ phạm tội cao hơn những đứa trẻ có tên tích cực và nhận được cái nhìn tích cực từ những người xung quanh.

Liệu số vụ tự tử có liên quan đến các bài báo, truyền hình về các vụ việc có liên quan đến tự tử không? Các thống kê xã hội đã cho thấy, trong hai tuần sau khi có một bài báo, thông tin truyền hình về một vụ tự tử, thì số lượng các vụ tự tử tăng cao đột biến, đặc biệt nếu các thông tin, bài báo đó mô tả cụ thể hình thức tự tử.

Đàn ông và phụ nữ có sự hài hước khác nhau trước các câu chuyện cười như thế nào? Các nghiên cứu chỉ ra rằng, đàn ông thường cười trước những câu chuyện có những phụ nữ ngớ ngẩn và phụ nữ thích những câu chuyện cười có những gã đàn ông ngu ngốc.

Liệu có thật có người sinh ra đã may mắn, và nhiều người thì “xui tận mạng” suốt cuộc đời không? Liệu mọi người có thể thay đổi vận may của mình không? Các nghiên cứu cho thấy, bạn có thể thay đổi vận may của mình. Những người may mắn là những người luôn vui vẻ, năng động và biết tạo ra cơ hội cho chính mình. Ngược lại, những người kém may mắn là những người hay lo lắng, lúng túng, khép kín và không sẵn sàng đón nhận cơ hội đến với mình.

Mỗi chương của sách sẽ là một cánh cửa mở ra hàng loạt những nghiên cứu dị thường của những nhà khoa học tò mò, giúp cho lá cờ của ngành khoa học không chính thống này được tiếp tục tung bay cũng như mang đến cho độc giả những hiểu biết mới lạ về ngành khoa học đặc biệt, tính chất công việc của các nhà khoa học cũng như tự khám phá ra nhiều điều thú vị của cuộc sống quanh mình.

Thể loạiSách tâm lý học
Tác giảRichard Wiseman
NXBLao Động
Số trang296
Năm2016

Review

Hien Vinh

Nội dung sách cực kỳ hấp dẫn với những dẫn chứng cụ thể về các kết quả thí nghiệm tâm lý học, làm mình đọc sách mà có cảm tưởng như xem các chương trình khoa học nước ngoài. Chỉ ngay ở phần đầu sách bạn sẽ được hé lộ ngay về tính xác thực của việc xem cung hoàng đạo, bản đồ sao,… bằng những kết quả khảo sát cụ thể – một trong những thắc mắc bấy lâu của mình mà đó giờ chỉ đượcnghe lý luận bằng lời nói mơ hồ thì quyển này lại có những cuộc khảo sát quy mô lớn để chứng thực. Tặng quyển sách 5 sao vì nó thể hiện được sự đầu tư của tác giả – một nhà tâm lý học nổi tiếng cả về mặt học thuật lẫn về mặt thể hiện trình bày kiến thức theo cách mà mọi người đều có thể đón nhận dễ dàng.

Nguyễn Như

Mình chưa đọc các sách có tính chất phân tích về tâm lý như thế này bao giờ, nhưng trong nhà có chị kia học tâm lý học nhờ mua dùm, rồi sau đó thấy hay hay cũng bon chen đọc thử, mầ cuối cùng thì hay thiệt. Sau khi đọc xong cuốn này mình như đã hiểu và khám phá ra nhiều điều thú vị về con người và cuộc sống đang diễn ra. Từ nhiều góc độ khác nhau, tác giả đã hầu như phân tích được hết những yếu tố tâm lý của con người. Có thể chỉ là những điều hết sức đơn giản chúng ta vẫn thường thấy nhưng qua con mắt của tác giả ta lại hiểu ra những thứ ẩn sâu bên trong, hoặc những điều có thể ta đang thắc mắc thì tác giả đã có những câu trả lời hết sức bất ngờ.

Quốc Huy

Có những điều chúng ta nghĩ là hiển nhiên nhưng đôi khi không phải vậy. Đúng như tên gọi của sách, những vấn đề tâm lý được tác giả tiếp cận với góc nhìn khá thú vị và “hài hước”, những thí nghiệm khoa học tưởng chừng đơn giản nhưng mang lại nhiều kiến thức rất bổ ích. Cuốn sách viết dễ hiểu, trình bày ổn, nội dung phong phú, nên thấy rất hài lòng. Những bạn nào có sự yêu thích về tâm lý và muốn tìm hiểu chút gì đó về tâm lý con người thì cuốn sách này là lựa chọn khá tốt nhé!

Trích đoạn

Tin vào sáu điều bất khả thi trước bữa sáng: Tâm lý học khám phá về “trạng thái lấp lửng”

Sự mê tín tiêu tốn hàng triệu đô-la như thế nào và nó đã giết hại hàng nghìn người ra sao; tại sao sự trùng hợp dường như không xảy ra lại có thể gây ngạc nhiên; người ta thực sự đi trên than nóng như thế nào? sự thật sau những ngôi nhà bị ma ám là gì và “nốt nâu chết người” khủng khiếp.

Khách sạn Savoy ở London nổi tiếng với ẩm thực tinh tế, dịch vụ chu đáo, nội thất hoành tráng và tất nhiên là con mèo đen bằng gỗ cao gần 1m được gọi là Kaspar. Vào năm 1898, một doanh nhân người Anh tên là Woolf Joel đã đặt một bàn cho 14 người ở khách sạn. Không may thay, một trong những vị khách của ông đã hủy lịch vào phút cuối, để lại ông với 13 thực khách. Woolf đã quyết định lờ đi câu chuyện của vợ rằng có 13 người quanh một bàn tiệc là không may mắn, và tiếp tục bữa tiệc. Ba tuần sau, ông tới Nam Phi và bị bắn vào đầu trong một vụ giết người công khai. Hàng thập kỷ sau sự việc, khách sạn Savoy không cho phép những bữa tiệc 13 người diễn ra, tới mức phải có một nhân viên tham gia vào nhóm có 13 người, hơn là mạo hiểm để xảy ra vụ giết người khác. Vào những năm 1920, khách sạn đã đề nghị nhà thiết kế Basil Lonides làm một bức tượng để thay thế hình nhân may mắn của họ, và ông đã tạo ra Kaspar. Kể từ đó, chú mèo trang trí nghệ thuật tuyệt đẹp này đã tham gia những bữa tiệc xa hoa chỉ có 13 người. Mỗi lần, chú mèo được đeo một chiếc khăn ăn, có một vị trí được sắp xếp đầy đủ trên bàn tiệc, và được phục vụ đồ ăn như những người cùng bàn tiệc. Rõ ràng, chú mèo là vật ưa thích của Winston Churchill, người đã giúp tìm lại chú mèo khi nó bị một nhóm những quan chức ồn ào ăn tối tại khách sạn đánh cắp trong Chiến tranh Thế giới thứ II.

Tư tưởng mê tín và tin vào điều thần diệu len lỏi trong cuộc sống của chúng ta. Có lẽ không mấy ngạc nhiên khi chủ đề này thu hút nhiều nghiên cứu đặc biệt và kỳ lạ hơn cả. Công trình này bao gồm phỏng vấn quy mô lớn với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, theo dõi ngư dân ở những vùng hẻo lánh của New Guinea, chơi trò “chuyển bưu phẩm” khắp đất nước, bí mật truyền sóng âm thanh tần số thấp vào những buổi hòa nhạc cổ điển, và một nhóm người cố gắng đi khoảng 2m trên than hồng. Kết quả của những nghiên cứu này tiết lộ tại sao nhiều người tin vào những điều bất khả thi, tại sao những sự trùng hợp kỳ lạ có khả năng gây ngạc nhiên, và tại sao trải nghiệm về những điều ma quái của mọi người lại xảy ra ở những tòa nhà bị cho là ma ám.

Những ý nghĩ mê tín

Tiến sĩ Samuel Johnson luôn cố gắng thu hút vận may bằng cách bước chân phải khi ra khỏi nhà, và tránh đi lên những vết nứt trên vỉa hè. Adolf Hitler thì tin vào sức mạnh kỳ diệu của con số 7. Tổng thống Woodrow Wilson thì cho rằng số 13 luôn mang lại may mắn cho cuộc đời ông, khi lưu ý rằng tên ông gồm 13 chữ cái, và trong suốt 13 năm công tác ở Đại học Princeton, ông đã trở thành hiệu trưởng thứ 13. Hoàng tử Philip thì thường gõ vào chiếc mũ bảo hiểm chơi polo bảy lần trước trận đấu. Tay vợt xuất sắc người Thụy Sĩ, Martina Hingis được cho là tránh giẫm chân lên “đường biên”. Ngôi sao bóng rổ Mỹ, Chuck Persons tự nhận cảm thấy lo lắng trước một trận đấu nếu anh không ăn hai thanh kẹo KitKat, hoặc hai thanh Snicker, hoặc một thanh KitKat và một thanh Snicker. Thậm chí nhà vật lý đoạt giải Nobel, Biels Bohr cũng được đồn đại là phải treo một miếng sắt hình móng ngựa trên cửa của ông. (Mặc dù đây là những bằng chứng có thể gây tranh cãi. Nhưng khi hỏi liệu ông có nghĩ nó thực sự mang lại may mắn cho ông không, Bohr đáp, “Không, nhưng tôi được biết là nó rất linh nghiệm cho dù bạn có tin hay không.”)

Điều vô lý không chỉ giới hạn ở hoàng tử, chính trị gia và nhà vật lý học. Một cuộc thăm dò gần đây của Viện Gallup, Mỹ đã tiết lộ rằng 53% người Mỹ nói rằng họ đã ít nhất một lần mê tín và ngoài ra 25% thừa nhận có đôi chút hoặc rất mê tín. Một điều tra khác tiết lộ rằng 72% số người nói rằng họ có ít nhất một chiếc bùa may mắn. Kết quả cuộc điều tra về mê tín của tôi vào năm 2003 cộng tác với Hiệp hội vì sự phát triển của khoa học Anh, đã tiết lộ mức độ niềm tin cao tương tự ở nước Anh hiện nay, ước tính khoảng 80% số người thường chạm vào gỗ, 64% làm dấu thánh giá và 49% tránh đi bên dưới thang. Thậm chí một số sinh viên xuất sắc nhất của Mỹ cũng có những hành vi như vậy. Các sinh viên trường Harvard thường chạm vào chân tượng John Harvard để lấy may trước kỳ thi, trong khi sinh viên ở Viện Công nghệ Massachusetts thì chà vào mũi bức tượng đồng nhà phát minh George Eastman. Lâu dần, cả chân tượng của Harvard và mũi của Eastman đều ngày càng bóng lộn thu hút khá nhiều sự chú ý của người mê tín.

Mặc dù kết quả của những niềm tin truyền thống, chẳng hạn như việc chạm vào gỗ hay mang bùa may không có hại gì, nhưng hiệu ứng của những suy nghĩ mê tín có những hệ quả nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Vào đầu năm 1993, các nhà nghiên cứu muốn khám xem liệu có thật sự đen đủi khi sống trong căn nhà số 13 hay không. Họ đưa quảng cáo lên hơn 30 tờ báo địa phương, đề nghị những người sống ở “Số nhà 13” liên hệ, và đánh giá xem liệu vận may của họ có giảm đi sau khi chuyển đến ngôi nhà như vậy hay không. 500 người đã hồi đáp, ước tính cứ 10 người thì có 1 người báo cáo lại rằng họ có nhiều trải nghiệm không may mắn hơn do chuyển đến nhà số 13. Các nhà nghiên cứu sau đó băn khoăn liệu niềm tin có ảnh hưởng đến giá cả ngôi nhà không, vì vậy họ đã tiến hành một cuộc khảo sát các công ty bất động sản về vấn đề trên. Ngạc nhiên là 40% nói rằng người mua thường không chịu mua bất động sản có số 13, do đó người bán phải hạ thấp giá bất động sản.

Ở những thời điểm khác, hiện tượng này có thể là vấn đề sống còn. Trong chương 1, chúng ta đã gặp nhà xã hội học David Phillips, một nhà khoa học bị thu hút với việc điều tra xem liệu ngày sinh của mọi người có ảnh hưởng đến thời điểm họ qua đời hay không. Trong một bài báo đăng trên British Medical Journal (Tạp chí Y khoa Anh Quốc), Phillips đã đưa ra mối liên hệ giữa sự mê tín và thời điểm qua đời chính xác. Trong tiếng Trung Quốc, tiếng Quảng Đông và tiếng Nhật, từ “chết” (tử) và số bốn (tứ) được phiên âm giống hệt nhau. Vì vậy, số bốn được xem là không may trong văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản. Nhiều bệnh viện của Trung Quốc không có tầng bốn, và một số người Nhật Bản thì lo lắng về chuyến đi vào ngày mồng 4 của tháng. Mối liên kết này cũng trải dài đến tận California, nơi những doanh nghiệp mới thường được cung cấp dịch vụ lựa chọn bốn số cuối của số điện thoại. Phillips thấy rằng khoảng 1/3 các nhà hàng Trung Quốc và Nhật Bản có bốn số điện thoại cuối là số 4 ít hơn bình thường, một kiểu không có ở những nhà hàng của người Mỹ. Tất cả những điều này khiến Phillips băn khoăn liệu sự căng thẳng do mê tín gây ra vào ngày mồng 4 mỗi tháng có đóng vai trò quan trọng về sức khỏe hay không. Chẳng hạn như nó có thể gây ra cơn đau tim không?

Để đánh giá những tác động có khả năng xảy ra của những niềm tin này đến sức khỏe, Phillips và nhóm của ông đã phân tích hồ sơ của hơn 47 triệu người đã chết ở Mỹ giữa năm 1973 và 1998. So sánh ngày mất của những người Mỹ gốc Hoa và gốc Nhật với người Mỹ da trắng, họ khám phá ra rằng trong cộng đồng người Trung Quốc và Nhật Bản, những ca tử vong do bệnh tim vào ngày 4 hàng tháng cao hơn 7% so với bất kỳ ngày nào trong tháng. Con số này đã tăng vọt lên 13% khi các nhà điều tra tập trung vào những cái chết do bệnh tim mãn tính. Dữ liệu tỷ lệ tử của những người Mỹ da trắng không có gì đột biến. Công trình này gây ra tranh luận, và bị các nhà nghiên cứu khác nghi ngờ. Mặc dù vậy, Phillips và nhóm của ông khẳng định rằng có những điều kỳ lạ đang diễn ra, và đặt tên hiện tượng theo tên Charles Baskerville, một nhân vật trong truyện của Arthur Conan Doyle, The Hound of the Baskervilles (tạm dịch: Chú chó săn của nhà Baskerville), người bị cơn đau tim chết người do căng thẳng tâm lý quá mức.

Đây là điều khiến những người mê tín vô tình tự giết mình, cũng khá khác biệt khi niềm tin của họ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống những người khác. Thomas Scanlon và các đồng nghiệp đã xem xét lưu lượng xe tham gia giao thông, trung tâm mua sắm, và phòng cấp cứu của bệnh viện vào thứ Sáu ngày 13. Trong khoảng thời gian hơn hai năm, họ đã khám phá ra lưu lượng giao thông ít hơn đáng kể ở những phân đoạn đường cao tốc M25 vào thứ Sáu ngày 13 so với thứ Sáu ngày 6, điều này cho thấy những lái xe lo sợ có thể đã ở nhà. Sau đó, nhóm nghiên cứu nhiều kiểu nhập viện trong hai ngày này, bao gồm ngộ độc, bị động vật có nọc độc cắn, những vết thương do bản thân tự gây ra, và những tai nạn liên quan đến giao thông. Trong số này, chỉ có nhóm tai nạn giao thông cho thấy ảnh hưởng đáng kể, với nhiều tai nạn vào thứ Sáu ngày 13 hơn thứ Sáu ngày 6. Ảnh hưởng này cao trên mức bình thường, với tỷ lệ tăng 52% vào những “ngày định mệnh”. Tuy nhiên, Scanlon và đồng nghiệp chỉ lấy thông tin từ một bệnh viện, nên những con số này là tương đối nhỏ, và vì vậy có thể những kết quả của họ chỉ là ngẫu nhiên mà thôi. Trong một nghiên cứu quy mô khá lớn đồng thời cũng gây nhiều tranh cãi, nhà nghiên cứu người Phần Lan, Simo Näyhä đã nghiên cứu những hồ sơ tương tự vào giữa năm 1971 và 1997 trên khắp Phần Lan. Trong thời gian này, có 324 ngày là thứ Sáu ngày 13 và 1339 ngày thứ Sáu “có kiểm soát”. Những kết quả đã hỗ trợ cho nghiên cứu trước đó, đặc biệt là với nữ giới. Trong số những ca tử vong ở nam giới, chỉ có 5% được quy cho là do ngày không may mắn, trong khi với phụ nữ là một con số đáng kinh ngạc với 38%. Cả hai nhóm nghiên cứu đều cho rằng sự gia tăng tỷ lệ tai nạn là do các lái xe cảm thấy quá lo lắng về điều rủi ro nhất của những ngày không may mắn. Thông điệp đã rõ ràng: sự mê tín giết chết con người.

Năm con “Ngựa Lửa” (Bính Ngọ)

Mê tín cũng có thể gây ảnh hưởng lớn đến cả xã hội. Theo niên lịch Nhật-Hán cổ đại, mỗi năm được gán hai yếu tố cơ bản: một trong số 12 con giáp (địa chi) (dê, khỉ, hoặc gà) và 10 thiên can (như Thổ, Kim hoặc Thủy)(1). Năm Bính Ngọ (con ngựa lửa) 60 năm có một lần, mà có lẽ như vậy cũng tốt, vì nó tượng trưng cho vận rủi. Theo truyền thuyết, bất kỳ phụ nữ nào sinh ra vào năm này sẽ có tính khí nóng nảy, khiến họ có đường tình duyên trắc trở. Mặc dù quan niệm này đã dần dần giảm bớt, nhưng nó vẫn tồn tại ở Nhật Bản ngày nay qua vở kịch Kabuki nổi tiếng dựa trên câu chuyện của Yaoya Oshichi. Câu chuyện kể lại rằng, vào năm 1682, Oshichi đã phải lòng một thầy tu, và nghĩ rằng cách tốt nhất là phóng hỏa để giúp gắn kết mối quan hệ của họ(2). Thật không may, cô sinh ra vào năm Bính Ngọ, nên ngọn lửa đã lan ra và rút cuộc phá hủy hầu như toàn bộ Tokyo.

Năm Bính Ngọ gần nhất là năm 1966, và nhà nghiên cứu người Nhật, Kanae Kaku đã quyết định dùng cơ hội này để nghiên cứu xem liệu những quan niệm mê tín có tác động đến toàn bộ cư dân Nhật Bản hay không. Câu trả lời rất đáng chú ý và gây ngạc nhiên. Năm 1966 tỷ lệ sinh ở Nhật Bản giảm 25% (tương đương với ít hơn gần nửa triệu trẻ sơ sinh sinh ra trong năm đó), và tăng hơn 20.000 ca nạo phá thai. Sau đó, Kaku đã khám phá ra rằng hiện tượng này không chỉ giới hạn ở Nhật Bản, mà tỷ lệ sinh giảm đột ngột tương tự vào năm 1966 cũng xuất hiện ở cộng đồng người Nhật sống ở California và Hawaii. Tò mò, Kaku nghiên cứu dữ liệu sâu hơn và khám phá ra điều còn đáng chú ý hơn. Theo truyền thuyết, những người phụ nữ sinh ra trong năm Bính Ngọ sẽ có một cuộc sống đặc biệt không may mắn và bất hạnh. Vào năm 1966, không có phương pháp nào có thể dễ dàng xác định được giới tính của một đứa trẻ trước khi sinh, vì vậy, cách duy nhất đảm bảo không có con gái là cần phải giết đứa trẻ sơ sinh đó. Liệu các ông bố bà mẹ có thực sự sẵn sàng giết các bé gái chỉ đơn giản vì tín ngưỡng mê tín lâu đời? Kaku đã kiểm tra tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh trong các tai nạn, ngộ độc và nguyên nhân bạo lực do ngoại cảnh giữa năm 1961 và 1967. Kết quả thực sự khủng khiếp. Năm 1966, tỷ lệ tử của những trẻ sơ sinh gái, không có bé trai, cao hơn đáng kể so với những năm trước và sau đó. Những điều này khiến Kaku đi đến kết luận rằng những bé gái Nhật quả thực đã bị “hy sinh vì sự mê tín trong dân gian” trong suốt năm Bính Ngọ.

Nhà nghiên cứu người Nhật, Kenji Hira và nhóm của ông thuộc Đại học Kyoto đã đánh giá chi phí tài chính của những loại mê tín khác ở Nhật. Trước năm 1873, Nhật Bản sử dụng lịch âm với 6 ngày một tuần, mỗi ngày được định rõ là Sensho, Tomobiki, Senpu, Butsumetsu, Taian và Shakku. Thậm chí ngày nay, theo truyền thống thì Taian vẫn được xem là ngày may mắn còn Butsumetsu là ngày đen đủi. Vì vậy, nhiều bệnh nhân muốn xuất viện vào ngày Taian. Số liệu về những ca nhập viện ba năm gần đây đã cho thấy nhiều bệnh nhân thực sự muốn tăng thời gian lưu trú để đảm bảo ra viện vào đúng ngày này. Các nhà nghiên cứu cũng ước tính những hành vi mê tín này tiêu tốn của Nhật Bản khoảng 14 triệu Bảng mỗi năm. Và không chỉ riêng Nhật Bản. Ở Ireland, có những tín ngưỡng cho rằng nếu bạn chuyển đến một vào thứ Bảy, thì không chắc bạn ở đó được lâu (Chuyển nhà thứ Bảy, ở không được mấy). Phân tích 77.000 hồ sơ thai sản trong hơn bốn năm cho thấy có ít hơn 35% bệnh nhân so với dự kiến xuất viện vào thứ Bảy, trong khi con số tăng lần lượt là 23% và 17% vào ngày thứ Sáu và Chủ nhật.

Thông điệp đã rõ ràng. Sự mê tín vô hại không chỉ là chạm vào gỗ hay làm dấu thánh. Thay vào đó, tín ngưỡng có thể ảnh hưởng đến giá nhà, số người bị thương và tử vong trong tai nạn giao thông, tỷ lệ nạo phá thai, số liệu thống kê tỷ lệ tử vong hàng tháng, và thậm chí có thể khiến các bệnh viện lãng phí đáng kể kinh phí không cần thiết cho việc chăm sóc bệnh nhân.

Căn cứ vào những mối liên quan thiết yếu của mê tín, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi nhiều nhà nghiên cứu chỉ nghiên cứu tại sao lại có quá nhiều người để những quan điểm vô lý ảnh hưởng đến cách họ suy nghĩ và hành xử như vậy.

Xổ số, tâm thần và Câu lạc bộ Mười ba

Những người mê tín cho rằng chắc hẳn phải có điều gì đó liên quan đến những niềm tin này vì chúng đã tồn tại qua thời gian. Họ có điểm đúng. Những bùa may, bùa hộ mệnh, các loại bùa đã được tìm thấy trong hầu như tất cả các nền văn minh trong suốt lịch sử đã được ghi lại. Việc chạm vào gỗ có từ những nghi lễ ngoại giáo được thiết kế để xin sự giúp đỡ của những vị thần cây đầy sức mạnh và nhân từ. Khi một chiếc thang được dựng dựa vào tường, nó tạo thành hình tam giác tự nhiên được xem như biểu tượng của Chúa ba ngôi, và đi dưới chiếc thanh được xe như phạm vào Chúa. Số 13 được xem là không may mắn vì có 13 người ở Bữa tiệc Ly của Chúa.

Những người hoài nghi coi loại dữ liệu lịch sử này, không phải là bằng chứng có căn cứ của sự mê tín, mà đúng hơn là một sự vô lý được ngầm hiểu rất đáng ngại, lưu ý rằng những cuộc kiểm tra khoa học về sự mê tín liên tục thu được những kết quả phủ định. Chúng cũng có lý. Mối liên hệ được cho là giữa hành vi mê tín và chơi xổ số là một ví dụ điển hình. Mỗi tuần, hàng triệu người trên khắp thế giới mua vé số với niềm hy vọng đổi đời nhờ may mắn và thắng một số tiền lớn. Số trúng được rút ngẫu nhiên, do vậy chẳng có cách nào đoán được kết quả. Tuy nhiên điều đó không ngăn được mọi người thử tất cả những kiểu nghi lễ ma thuật để tăng cơ hội chiến thắng. Một số người luôn chọn cùng một số “may mắn” mỗi tuần. Số khác thì lựa chọn dựa vào những sự kiện đáng chú ý, chẳng hạn ngày sinh nhật của họ hay tuổi của con cái, hoặc số nhà của họ. Một số người thì thậm chí còn mở rộng nhiều nghi lễ khó hiểu hơn, gồm viết mỗi số lên một mẩu giấy, trải chúng ra sàn, để cho con mèo đi vào phòng và chọn những mẩu giấy con mèo chạm vào.

Khi Xổ số quốc gia lần đầu được ra mắt ở Anh, tôi đã làm việc với các đồng nghiệp là nhà tâm lý học Peter Harris và Matthew Smith để thí nghiệm những kiểu nghi lễ như vậy. Trong một thí nghiệm quy mô lớn được tiến hành với chương trình truyền hình BBC có tiêu đề Out of this world (Thế giới khác), chúng tôi đã đề nghị 1.000 người chơi xổ số gửi cho chúng tôi con số của họ trước khi rút thăm, để chứng minh liệu họ nghĩ mình có may mắn hay không, và mô tả phương pháp mà họ đã sử dụng để đưa ra lựa chọn. Những mẫu điều tra xổ số được gửi lại khá nhanh chóng. Chúng tôi nhận được hồi đáp từ 700 người, trong số này có người định mua hơn 2.000 vé. Matthew và tôi xếp những con số mọi người chọn vào một bảng tính lớn một ngày trước ngày rút thăm. Xong xuôi, chúng tôi đột nhiên nhận ra rằng mình đã thu thập được một số thông tin bất thường. Nếu người may mắn thật sự chọn được nhiều số trúng thưởng hơn người không may mắn, thì các con số được những người may mắn lựa chọn sẽ có khả năng là số trúng thưởng hơn. Điều này chưa từng xảy ra với chúng tôi trước đó, nhưng nếu giả thuyết này là đúng, thì một số dữ liệu chúng tôi thu thập được cho thí nghiệm sẽ khiến chúng tôi thành triệu phú.

Matthew và tôi đã tranh luận một lúc về khía cạnh đạo đức của tình huống, sau đó bắt đầu phân tích thông tin. Chúng tôi chú ý thấy rằng một số con số được những người may mắn chọn và những người không may thì tránh. Chúng tôi từ từ nhận ra “số có khả năng trúng thưởng nhất” – 1, 7, 17, 29, 37 và 44. Lần đầu tiên và duy nhất trong đời, tôi đã mua một vé xổ số. Chương trình rút thăm xổ số quốc gia của Anh diễn ra vào tối thứ Bảy hàng tuần và phát trực tiếp vào giờ vàng trên truyền hình. Như thường lệ, 49 quả bóng được đặt trong một chiếc trống quay và sáu quả bóng, thêm một quả “giải” đặc biệt, được chọn ngẫu nhiên. Số trúng thưởng là 2, 13, 19, 21, 45, 32. Chúng tôi không trúng số nào cả. Nhưng liệu người may mắn và kém may mắn trong nghiên cứu của chúng tôi có thành công hơn không? Thật ra, chẳng có điều gì khác biệt. Người may mắn không thành công hơn người không may, và những người dùng đến bất kỳ kiểu nghi lễ mê tín nào cũng trượt giải như những người chọn số ngẫu nhiên mà thôi. Cũng không hề có sự khác biệt nào giữa những người lựa chọn dựa vào ngày sinh của họ, tuổi của con cái, hay hành vi của vật nuôi. Tóm lại tỉ số là: Sự hợp lý 1 – Mê tín 0.

Những nhà nghiên cứu khác đã có các cách tiếp cận mới lạ với vấn đề này. Một trong những nghiên cứu yêu thích của tôi do một sinh viên trung học người Mỹ tên là Mark Levin tiến hành. Levin và các bạn của cậu đã sắp xếp một bài thử nghiệm tín ngưỡng phổ biến rằng một con mèo đen đi qua mặt bạn mang lại điều không may. Đầu tiên họ đề nghị mọi người xác định mức độ may mắn của họ bằng cách chơi một trò chơi tung đồng xu đơn giản trên máy tính trong đó họ phải đoán xem liêu đồng xu sẽ sấp hay ngửa. Tiếp đó, một người dạy mèo rất lành nghề sẽ đảm bảo rằng một con mèo đen sẽ đi qua trước mặt mọi người khi họ đi dọc hành lang. Cuối cùng, tất cả những người tham gia chơi trò tung đồng xu lần hai để đánh giá lại mức độ may mắn của họ. Sau nhiều lần tung đồng xu và mèo đi ngang mặt, kết quả cho thấy con mèo đèn hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì. Để hoàn toàn chắc chắn rằng không bỏ sót điều gì, các nhà nghiên cứu đã lặp lại thí nghiệm với con mèo trắng, và một lần nữa thu được kết quả như trên. Levin kết thúc bài viết của mình bằng việc ghi nhận rằng những người phản biện thí nghiệm của cậu ấy có thể lập luận rằng vận rủi có liên quan đến mèo đen chỉ được thể hiện rõ trong những tình huống thực của cuộc sống, và không phải trong một thí nghiệm liên quan đến trò tung đồng xu, nhưng bác bỏ quan điểm rằng: “Tôi có một con mèo đen, và mặc dù nó đã đi qua trước mặt tôi cả trăm lần, tôi vẫn chẳng thấy có sự giảm sút nào trong học tập và đời sống cả”.

Công trình tương tự đã được tiến hành ở nơi rõ ràng là hợp lý nhất – các bệnh viện. Công trình nghiên cứu về những ảnh hưởng của hành vi được cho là liên quan đến trăng tròn cho thấy các bác sĩ cũng là những người mê tín một cách đáng ngạc nhiên. Một nhóm các nhà nghiên cứu người Mỹ đã phân tích 1.500 hồ sơ của những nạn nhân bị tổn thương phải nhập viện trong suốt một năm, và khám phá ra rằng không có mối liên hệ nào giữa hiện tượng trăng tròn và con số những ca nhập viện, tỷ lệ tử, loại thương tích hay thời gian chữa trị. Dù vậy, một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 1987 đã ghi nhận trên một tờ báo với tiêu đề đơn giản Lunacy (tình trạng tâm thần), tiết lộ rằng 64% các bác sĩ cấp cứu bị thuyết phục rằng trăng tròn ảnh hưởng đến hành vi của bệnh nhân. Trong số này, 92% các y tá đã nhận thấy công việc trong thời kỳ trăng tròn áp lực hơn, mặc dù có lý do cho sự hoài nghi về kết quả sau này, cụ thể là họ cũng cho rằng những căng thẳng như vậy đã giải thích cho “sự khác biệt về tiền lương vào tuần trăng”.

Không dừng lại ở đó. Cũng như ở nhà hát, quan điểm rằng mong ước tốt đẹp cho người khác sẽ đem lại điều không may mắn (các diễn viên sẽ nói với bạn diễn “làm gãy một chân đi”), các bác sĩ làm việc ở khu cấp cứu coi những nhận xét như “Có vẻ sẽ là một đêm yên bình đây” có thể gây ra một “cơn lũ” những bệnh nhân mới. Sự mê tín này đã được Andrew Ahn và các đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa Massachusetts thử nghiệm, và đã được mô tả trên tờ Tạp chí Y khoa Mỹ (American Journal of Medicine). 30 bác sĩ được ngẫu nhiên phân vào hai nhóm. Nhóm “bị xui xẻo” nhận được lời nhắn “Hôm nay bạn sẽ nhận được nhiều cuộc gọi cấp cứu”, trong khi những người ở nhóm còn lại nhận được một mẩu giấy trắng.

Nhóm “bị xui xẻo” không có thêm bất kỳ ca nhập viện nào, hay không phải ngủ ít hơn nhóm kia (những người nhận được lời nhắn dường như có ít bệnh nhân hơn và ngủ nhiều hơn những người nhận được mẩu giấy trắng). Cũng như tất cả những khám phá quan trọng trong khoa học, công trình này hiện đã được tái hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Trong một thử nghiệm, bác sĩ người Anh, Patrick Davis và Adam Fox được phân công ngẫu nhiên mỗi ngày vào một phòng cấp cứu với một trong hai điều kiện: ngày kiểm chứng hoặc ngày “Q”. Trong những ngày kiểm chứng, họ thảo luận về thời tiết, còn trong ngày “Q”, họ nói về việc họ đều nghĩ rằng đó sẽ là một đêm yên bình ra sao. Giống như kết quả thu được bởi những đồng nghiệp người Mỹ, các bác sĩ người Anh không tìm thấy sự khác biệt đáng kể nào trong số ca nhập viện khi làm việc trong hai điều kiện được đưa ra.

Có lẽ thử nghiệm có hệ thống nhất và toàn diện nhất về sự mê tín có từ thời điểm chuyển giao của thế kỷ trước. Vào những năm 1880, cựu chiến binh trong cuộc Nội chiến Mỹ, Đại úy William Fowler đã liều lĩnh quyết định thành lập Câu lạc bộ 13. Ý tưởng rất đơn giản. Ông mời 12 người khách đến tham gia bữa tối vào ngày 13 của mỗi tháng, và phá vỡ nhiều kiểu mê tín được lưu truyền rộng rãi chẳng hạn như đổ muối lên bàn, đặt chéo dĩa, và mở ô trong nhà. Kế hoạch đã thành công ngay lập tức và nhanh chóng trở thành một trong những câu lạc bộ xã hội nổi tiếng nhất New York, buộc Fowler phải thuê những phòng ngày càng lớn hơn, có khả năng chứa được một vài bàn, mỗi bàn ngồi được 13 khách. Khoảng hơn 40 năm tiếp theo, thành viên của câu lạc bộ lên đến hàng nghìn người, và danh sách các thành viên danh dự không dưới năm vị tổng thống Mỹ liên tiếp. Khó có thể đánh giá được sức mạnh cảm xúc của các thành viên chống lại suy nghĩ mê tín. Trong một bài phát biểu với câu lạc bộ vào ngày 13 tháng Mười hai năm 1886, chính trị gia, người theo thuyết bất khả tri và nhà diễn thuyết, Robert Green Ingersoll đã lưu ý rằng:

Điều quan trọng nhất trên thế giới là tiêu diệt sự mê tín. Mê tín gây ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhân loại. Mê tín là một con mãng xà khủng khiếp, cuộn mình trông thật ghê sợ, trườn từ thiên đàng xuống mặt đất bằng việc cắm nanh độc vào trái tim con người. Chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ làm cả những điều nhỏ nhất có thể để diệt trừ con quái vật này.

Ingersoll giải thích rằng nếu ông chết, và khám phá ra có kiếp sau, ông sẽ dành thời gian để tiếp tục tranh luận với những người tin vào hiện tượng siêu nhiên. Mặc dù liên tục có những hành vi được cho là thu hút toàn vận rủi, cái chết, bệnh tật, các thành viên của Câu lạc bộ 13 tỏ ra khá khỏe mạnh và hạnh phúc. Tại bữa tối thứ 13 của câu lạc bộ vào năm 1895, Fowler đã thông báo rằng tỷ lệ tử của các thành viên câu lạc bộ giảm nhẹ so với dân số nói chung. Những hiệu ứng tích cực của việc phá vỡ những điều cấm kị mê tín đã được nhấn mạnh bởi những nhận xét của cựu lãnh đạo câu lạc bộ J. Arthur Lehman vào năm 1936:

Lời khuyên của tôi dành cho bất cứ ai muốn may mắn, hạnh phúc và khỏe mạnh thật sự là phá bỏ mọi sự mê tín được biết đến ngày nay… Tất cả thành viên của câu lạc bộ mà tôi biết đều gặp may… Hiện giờ tôi 78 tuổi và tôi thách bạn tìm được người hạnh phúc hoặc khỏe mạnh hơn tôi.

Do đó, nếu sự mê tín chẳng có tác dụng, tại sao chúng lại tồn tại qua thử thách thời gian, và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác? Một phần của câu trả lời đưa chúng tôi đến với rất nhiều người, từ những người sống trên đảo ở bờ biển New Guinea đến những người Do Thái đang cố gắng đối phó với những cuộc tấn công của tên lửa Scud trong Cuộc chiến vùng Vịnh đầu tiên.

List

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button