Review

Tại Sao Em Ít Nói Thế?

Thể loại Tâm lý – Cuộc sống
Tác giả Huy Đức
NXB NXB Phụ nữ
Công ty phát hành Skybooks
Số trang 328
Ngày xuất bản 01-2018
Giá bánXem giá bán

Lời giới thiệu

Tại sao em ít nói thế là một cuốn sách có nội dung chủ yếu nói về người hướng nội. Trong suốt thời gian chủ đề “hướng nội- hướng ngoại” được bàn luận rất nhiều, nhưng tất cả chỉ ở dừng ở “người hướng nội có tính sáng tạo” hoặc “người hướng nội có kỹ năng lắng nghe” và chưa có gì nổi bật thêm. Các câu chuyện chia sẻ có thật rất ít hoặc bị chìm đâu đó ở những comment.

Cuốn sách này vừa sẽ là dạng sẻ chia xuất phát từ những tâm sự có thật của các bạn hướng nội : ngày sinh nhật, các bữa tiệc, các tiết học trong lớp…vv… nhưng đồng thời cũng sẽ là sự hướng dẫn để giúp cho các bạn hướng nội làm thế nào để có thể vượt qua sự trở ngại, ví dụ như giao tiếp hay kỹ năng làm việc chẳng hạn.

Bạn đã nghe qua người hướng nội sáng tạo, người hướng nội có kỹ năng lắng nghe? Vậy thực sự chúng là những gì mà được nhắc nhiều đến vậy? Và thực sự có phải bạn hướng nội nào cũng giỏi lắng nghe? Thực chất, lắng nghe cũng là một dạng kỹ năng cần phải học. Có thể người hướng nội bẩm sinh biết, nhưng cũng cần phải trau dồi thêm, để từ đó kết hợp với khả năng quan sát của mình, phục vụ cho công việc, sự nghiệp và tình yêu của bản thân trở nên hài hòa hơn. Đó là lý do vì sao trong phần Tình yêu của cuốn sách, mình có biên soạn và tổng hợp dựa trên kiến thức tâm lý của vài nguồn đáng tinh cậy về phần tình cảm của người hướng nội với nhau sẽ thế nào và tình yêu hướng nội- hướng ngoại thực sự có phải là cặp đôi hoàn hảo hay không?

Cá nhân mình không ủng hộ chuyện bạn tự dán nhãn bản thân vô thức mình hướng nội quá mức để rồi tự hạn chế năng lực, khát vọng của bản thân và cũng không đồng ý rằng bạn nhút nhát, bạn sợ hãi hoặc bạn ít nói ít giao tiếp và bị mọi người chê bai rồi tự nhận mình là hướng nội. Hướng nội không phải nói nhiều hay ít. Một người hướng nội bình thường, họ cũng hoạt bát năng động và nói nhiều ở hoàn cảnh phù hợp, chứ không phải là một người chỉ đứng yên một chỗ bị mọi người phán xét.

[taq_review]

Trích dẫn

Hướng nội & tối giản

Một người hướng nội thì không phù hợp với những gì nhiều về số lượng, rộng về quy mô và đều đều về nhịp độ. Người hướng nội luôn cần được nghỉ ngơi và nuôi dưỡng cảm xúc từng ngày một. Đó là lí do mà khi bắt gặp lối sống tối giản khởi nguồn từ những cuốn sách của một vào tác giả người Nhật, tôi đã gần như vồ lấy. Phải nói là vồ lấy và ngấu nghiến.

Có một cách đơn giản, nhanh gọn và đầy hạnh phúc để căn phòng/nhà cửa của chúng ta luôn đẹp và gọn ghẽ, đó là: vứt hết những gì không phải là nhu cầu thực sự của mình. Nói cách khác đó chính là việc thực hành cả lối sống và tư duy tối giản.

Tôi đã order 2 cuốn sách về chủ đề này (ảnh chụp bìa sách minh hoạ như hình). Một cuốn tôi được cty phát hành tặng tôi vì đã có tí chút review hay ho về lối sống này. Vậy là tôi đã hồi hộp lật giở từng trang 1 và xác định như đây sẽ là lối sống cho cả phần đời còn lại của mình.

Đầu tiên tôi dọn sách. Giá sách nhà tôi la liệt sách từ ngày tôi còn làm giáo viên. Nghỉ dạy học rồi, nhưng tôi vẫn tham lam giữ lại rất nhiều tài liệu cũ. Một số được gửi lại cho đồng nghiệp, một số khác chuyển cho những người bạn có ý định làm thư viện cộng đồng. Phần khác đem cho tất cả những ai muốn nhận chúng về.

Cỡ 100 quyển sách. Tôi không hề nói ngoa. Riêng chỗ sách của Thiền sư Nhất Hạnh đã chừng 30 cuốn. Tiểu thuyết, sách văn chương các loại cũng khoảng 30 cuốn và phần còn lại là sách chuyên ngành. Tôi chỉ giữ lại có “tuyển tập truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh” thôi. Chị Vàng Anh là nhà văn mà thông qua cây bút của mình đã dạy tôi nhiều nhất. Bỏ sách đi, ban đầu tôi đã rất buồn. Nhưng tôi nhận ra rằng ham mê tri thức không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc trưng bày sách. Bởi có những cuốn tôi còn chưa đọc. Hoặc đọc trong trạng thái xáo trộn và hời hợt. Từ nay tôi quyết định rằng ở mỗi một thời điểm tôi sẽ chỉ đọc trọn vẹn từng cuốn một rồi sẽ chuyển cho người khác.

Bỏ sách đi tức là từ nay tôi vứt đi cái tấm khiên sĩ diện trí thức, chữ nghĩa mấy nay vẫn quàng lên cổ. Cũng là giải phóng hẳn một giá sách to vừa cũ vừa tăm tối, lấy chỗ cho con gái ngồi viết những nét chữ đầu tiên trong đời.
Sau sách là quần áo. Thôi thì không thể tả. Sao tôi lại mua nhiều váy liền đến thế và treo lên không mặc. Tôi sợ tôi quá. Vốn biết hình thể mình chẳng được ưa nhìn, lại không có tác phong điệu đà nên mỗi lần buồn chán tôi lại đi mua váy với suy nghĩ mua về để thay đổi tâm trạng và số phận. Rằng mua về, cái váy đẹp thế này sẽ giúp mình từ nay đổi mới, sẽ tích cực hơn, đẹp đẽ hơn và bình an hơn.

Nhưng đâu phải thế. Tôi treo trĩu nặng cả giá đồ mà sáng hôm sau lại quay về với những phục trang thân thuộc thường ngày. Giá đồ nặng thêm một phần và tiền bạc hao hụt đi một góc lớn không thể đắp bù.

Vài ba bao váy áo được tôi giảm tải trong ngày đầu tiên. Nhưng đến 2 tuần sau đó tôi vẫn tiếp tục giảm đồ và cuối cùng tôi – thay vì trc đây treo hết 1 tủ gỗ, 1 tủ nhựa và 2 giá treo inox thì bây giờ tô thu gọn lại toàn bộ số quần áo đi làm chưa hết 1 chiếc giá treo đồ. Gồm 2 đồng phục cho 2 ngày đầu và cuối tuần. 2 váy liền cho 2 ngày giữa tuần.

Ngoài ra còn 1 quần dài, 1 chân váy và 4 áo sơ mi. Kỳ thực như thế là dư dả. Không hề bí bách khó chịu cho tôi chọn đồ. Vậy mà đã có lúc treo khắp cả 2 tầng nhà tôi vẫn không biết lấy cái gì ra mặc. Bỏ đi để tôi có cơ hội phân tích từng món đồ tôi có, điều gì nên áp dụng, nhân rộng ra món đồ sau và điều gì stop. Ví như nếu lần sau đi mua tôi k nên chọn váy liền có cổ quá hẹp sẽ làm cổ tôi trông rụt vào trong. Tôi bỏ đi đến 3-4 cái váy vì lí do cổ áo không phù hợp. Vậy mà khi mua, tôi đã nhảy cẫng lên chỉ vì màu áo hay nơ trên túi.

Đồ bếp cũng “ra đi” tương tự. Vô số đồ cũ hỏng trong nhà…

Tĩnh lặng, sức mạnh tiềm ẩn thực sự của người hướng nội

Người hướng nội, vũ khí giúp họ có thể trở nên thành công và được nhiều người công nhận bằng những ưu điểm của mình : làm nhiều hơn nói, suy xét mọi thứ thật cẩn thận nhiều góc nhìn trước khi đưa đến quyết định cuối cùng hoặc bàn bạc công khai hoặc đơn giản đó là nhờ vào sự lắng nghe đầy cẩn thận từ người khác mà họ lại có thêm cách thức mới để suy xét vấn đề và cũng tự tạo cho mình cơ hội. Tuy nhiên để có thể làm được điều này, họ luôn phải liên tục tự tái tạo năng lượng của mình thông qua dành nhiều thời gian để một mình tĩnh lặng và chiêm nghiệm.

Trong một xã hội có vẻ như đang đề cao tính tập thể nhóm nhiều người luôn được ưu tiên và hạn chế sự phát triển của cá nhân “đang lạc nhịp” với tập thể. Ở khía cạnh vấn đề, người hướng nội lắm lúc sẽ chịu thiệt thòi vì người khác không hiểu được suy nghĩ và nhu cầu của họ. Tại sao tách mình ra tập thể để nghỉ ngơi mà không hòa đồng hay “cháy” hết mình cùng mọi người cho vui. Chỉ có điều ít ai nhận thức được rằng, khi người hướng nội hầu như đang cạn kiệt nguồn năng lượng mà lại có thêm các hoạt động này, dù biết là sẽ vui nhưng cũng không thể nào tránh khỏi việc họ cảm thấy càng thêm mệt mỏi.

Sau một ngày đi học, đi làm về thì căn phòng riêng của họ mới là thiên đường nhất. Mong muốn của người hướng nội thể hiện qua một điều, họ cần sự yên tĩnh mà không có sự xâm nhập của bất kỳ ai làm phiền đến mình. Bạn hãy tưởng tượng một chiếc điện thoại đang ở vạch đỏ và cần nạp pin bằng dòng điện như thế nào thì quá trình nạp lại nguồn năng lượng cho bản thân người hướng nội cũng tương tự như vậy, chỉ có điều nguồn nạp lại năng lượng ở đây đó là sự yên tĩnh. Ở một mình trong khoảng thời gian này với họ, thành thực mà nói còn đem đến cho họ rất nhiều cái lợi mà chỉ bản thân họ hiểu. Lúc ấy họ không phải đang buồn bực chuyện ở lớp trường hay công ty, mà rất đơn giản, họ đang mệt một chút và cần thời gian nghỉ giải lao. Sau khi “pin đầy”, bạn sẽ thấy một hình ảnh người hướng nội tươi mới, trái ngược với hình ảnh bạn vừa họ gặp cách đây ít giờ.

Có nhiều người cho rằng, ở một mình như vậy rất chán và không lấy làm gì hứng thú. Trái ngược quan điểm đó, nhiều người hướng nội đồng ý rằng sau một ngày bận rộn đầy mệt mỏi và căng thẳng nơi công sở, ở một mình giúp chúng ta thả lỏng toàn thân, rũ bỏ mọi trách nhiệm của công việc hiện tại đểlấy lại được khả năng kiểm soát chính bản thân mình, điều này với họ là một liều thuốc bổ hết sức hữu hiệu. Bởi lẽ, khi họ dành thời gian cho công việc của mình vào 8 tiếng giờ hành chính mỗi ngày ở công sở cũng là lúc nguồn năng lượng của người hướng nội đang bị tiêu hao dần dần cho đến khi họ ra về. Trong trạng thái đuối sức như vậy, họ cần một gì đó để đảm bảo chắc rằng họ có thể dành thời gian của mình cho gia đình, bạn bè bằng nguồn năng lượng tiếp theo. Đó chính là khoảng thời gian họ bước vào căn phòng riêng của mình bằng việc hít thở thật sâu, ngủ một giấc hoặc đơn giản chỉ ngồi yên tại chỗ để thưởng thức sự yên tĩnh- món ăn tinh thần ưa thích của bản thân.

Trong cuốn sách Đừng kết hôn trước tuổi 30 của tác giả Trần Du, cô trích một câu  nói đầy chất thơ của nhà triết học Trần Quốc Bình “Ở một mình là thời khắc tốt đẹp và bao hàm trải nghiệm tuyệt vời trong đời người, tuy nó cũng bao hàm sự cô đơn nhưng trong nỗi cô đơn ấy lại chứa cảm giác đủ đầy. Ở một mình là không gian thực sự cho sự phát triển của tâm hồn. “

Cô cũng cho biết thêm chỉ khi ở một mình, chúng ta mới có thể chạm vào đáy lòng, khai phá ra vẻ đẹp sâu thẳm nhất của tâm tư. Điều này lý giải vì sao mà những nụ hoa sáng tạo luôn hé nở trong giây phút cô đơn. Tác phẩm nhiếp ảnh đẹp nhất, bài viết giá trị nhất và các tác phẩm hay nhất của cô đều được sáng tác khi cô ở một mình. Ở một mình mang đến cho chúng ta sự yên tĩnh và không gian cần thiết để suy ngẫm và sáng tạo, qua đó giúp chúng ta khám phá được khả năng tiềm ẩn của bản thân.

Có người đã từng cho rằng, khi ở một mình hay bất kể làm gì đó một mình, đi ăn một mình, đi dạo một mình, đi mua sách một mình, đi siêu thị một mình thì sự kết nối giữa bạn và bản thân diễn ra một cách sâu sắc. Sự kết nối có tính chất liên tục và đều đặn này khiến bạn nghe được tiếng nói nội tâm từ sâu bên trong. Bạn sẽ nghe được trái tim của mình mách bảo rằng mình cần làm gì và cách thức giải quyết vấn đề ra sao cho hợp lý trong trường hợp bạn đang gặp phải khó khăn. Sức mạnh này có thể được xem là sức mạnh của tiềm thức, khi kết nối được vói tiềm thức bạn sẽ tự tìm ra được câu trả lời thỏa đáng nhất mà không cần tốn quá nhiều sức lực, tiền bạc.  Một dẫn chứng khi đang viết đoạn này, có người chị đang giải bài toán khó và chưa tìm ra được phương thức giải, chị đi ngủ và trong cơn mơ chị thấy cách giải và sáng ngày mai tỉnh dậy, chị đã biết cách thức giải như thế nào. Có vẻ khó tin nhưng điều này là hoàn toàn sự thật.

Khi bạn đánh mất liên lạc với sự im ắng ở nội tâm, bạn sẽ đánh mất liên lạc với chính mình. Khi bạn  mất liên lạc với chính mình, bạn sẽ tự đánh mất mình trong thế giới của hình tướng. Thế giới của hình tướng ở đây đó là “ Vì không còn biết bản chất chân thật của mình, chúng ta thường tự đánh mất mình trong thế giới của hình tướng là những được, mất hơn, thua, những đấu tranh giành giật với nhau trong đời sống, trong những thói quen nghiện ngập… để lấp đầy sự trống vắng khổ đau của một con người đã đánh mất gốc rễ cội nguồn. Đây là trích đoạn sách “Sức mạnh của sự tĩnh lặng” – Stillness Speak có đề cập ngay trong chương đầu tiên của cuốn sách.

Nhiều người hướng nội biết rõ điều này của việc ở một mình và tận dụng khá hiệu quả. Ngoài việc sau khi đi làm và cần thời gian nghỉ ngơi trước bữa tối thì trong buổi phỏng vấn xin việc làm họ hay chọn cách đến sớm hơn để ngồi một mình, ngẫm nghĩ và tưởng tượng ra các câu hỏi sẽ diễn ra như thế nào. Hơn thế nữa, cách làm này có phần hơi kỳ lạ của họ giúp cho nguồn năng lượng mang tên sự tự tin ấy lên cao trào, bất chấp kết quả buổi phỏng vấn xin việc làm ấy ra sao đi chăng nữa. Người hướng nội khá nhạy cảm, dễ gặp phải các tình huống khiến họ thất bại nhưng họ lại dễ đứng dậy và làm lại từ đầu sau tất cả những điều không may xảy ra với mình. Lợi thế này còn thể hiện bằng cách bạn quan sát người hướng nội trong bữa ăn trưa tại công sở, thay vì người khác tụm năm tụm bảy để tám chuyện phiếm thì họ chọn một góc nào đó thật yên tĩnh và chợp mắt , ngược lại thì họ sẽ suy nghĩ để cho vấn đề trong buổi sáng hôm ấy cần được giải quyết càng sớm càng tốt.

Sự yên tĩnh còn có một tên gọi khác với trạng thái cao hơn : đó là sự tĩnh lặng. Tất nhiên sự tĩnh lặng này còn giúp người hướng nội cũng có nhiều lợi thế nhưng ở mức độ cao hơn. Không phải sự tĩnh lặng là không gian hoàn toàn im ắng không có tiếng động hay trong một căn phòng quen thuộc của mình, mà là kể cả khi xung quanh bạn toàn tạp niệm : tiếng ô tô, tiếng xe máy, tiếng ồn ào đến từ căn nhà bên đang xây dựng bạn vẫn nghe được trái tim của mình đang chỉ lối đi cho mình, đang hướng dẫn mình đi trên con đường đầy dịu êm. Bởi lẽ không phải khi nào bạn về nhà là sẽ kết nối được với bản thân, mà là thời gian ở công sở hay ngoài đường đi chăng nữa, chính bản thân mình vẫn lắng nghe được lời tiềm thức muốn mách bảo là gì. Thời gian suy nghĩ của người hướng nội thường hay kéo dài lâu hơn người khác cũng chỉ bởi lý do này. Do đó trước khi đưa vấn đề này ra công khai thảo luận hoặc đi đến quyết định, họ cần thời gian để suy nghĩ và cân nhắc chính xác liệu rằng những gì mình sắp nói có thực sự hợp lý hay là chưa. Thời gian có vẻ kéo dài lâu như thế này thường là khoảng thời gian họ cần xâu chuỗi, sắp xếp mọi dữ kiện đã được đưa vào não bộ làm sao đó trở thành bảng thống kê hoàn hảo nhất có thể. Chính vì lẽ này mà mọi lời nói của người hướng nội khiến người khác cảm thấy được sự tin tưởng và chắc chắn trong lập luận của mình. Lợi thế này giúp họ có thể thăng tiến nhanh hơn trong công việc.

Sau ngày làm việc mệt mỏi, điều mà người hướng nội cần nhất đó là không gian yên tĩnh để có thể tiếp tục tận hưởng cuộc sống này, dù họ biết sẽ còn rất nhiều thách thức. Họ sẽ không nói gì cả, chỉ nhắm mắt lại và lắng nghe được trái tim mình đang mách bảo hay thôi thúc họ làm điều gì đó. Đây vẫn là cách thức mà họ vẫn thường hay thực hiện để vào vùng tĩnh tâm của mình.

Bạn đọc cảm nhận

Giang Pham

Bị hút mắt từ cái nhìn đầu tiên, từ lời review, tên quyển sách và nhất là phần bìa: con mắt!

Cá nhân mình rất thích những thứ liên quan đến đôi mắt, thứ không bao giờ biết nói dối và khi nhìn vào đôi mắt của một người, nhất là những người hướng nội, ta như nhìn thấy cả một thế giới thi vị và ngập tràn màu sắc của họ vậy.

Đây không phải là quyển sách mang nặng lý thuyết dạy đời, hay theo kiểu self-help thông thường mà chỉ như những lời thủ thỉ giữa tác giả và người đọc, hệt như cách những người hướng nội muốn giao tiếp với nhau: 1-1 hoặc theo nhóm rất nhỏ 2-3 người.

Bản thân mình là người đọc nhiều bài về tâm lý của người hướng nội nhưng khi đọc cuốn này, mình mới vỡ lẽ ra nhiều thứ và hiểu rõ hơn về bản thân mình. Tỉ dụ như cũng là hướng nội nhưng có người sẽ cực năng động, phản ứng nhanh nhạy và thậm chí là hoạt ngôn, tỏa sáng ngay cả ở giữa những người hướng ngoại nhưng cũng sẽ có những người hướng nội sống lặng lẽ, nhẹ nhàng và luôn bình tâm trước mọi chuyện. Bởi việc hướng nội hay hướng ngoại chẳng qua là cách họ lấy lại năng lượng từ bên trong hay bên ngoài chứ không hoàn toàn như đánh giá của nhiều người rằng hướng nội là nhút nhát, thụ động, chậm chạp,…

Càng đọc càng hiểu rõ về mình hơn nhưng câu thích nhất lại là: “Hướng nội hay hướng ngoại đều không quan trọng bằng hướng thiện.”

Với những ai đang muốn tìm hiểu con người hướng nội bên trong mình hay kể cả những người đang cố gắng tìm hiểu về người thương – những người hướng nội- thì đây là quyển sách nên đọc.

Linh Nguyen

Cuốn sách này với cuốn ” hướng nội” của Susan Cain là hai cuốn sách giúp người hướng nội hiểu rõ bản thân mình hơn, để họ biết rằng mình không hề đơn độc mà trên thế giới này vẫn có một số người giống như họ. Cuốn sách nêu rõ được điểm mạnh, điểm yếu của người hướng nội. Ngoài ra còn đề cập đến các vấn đề xung quanh người hướng nội như công việc, tình yêu, mối quan hệ xã hội và những lời khuyên hữu ích. Quả thực đây là cuốn sách đáng đọc, nhất là với những người hướng nội muốn hiểu rõ bản thân mình hơn.

Hồ Thị Ngọc Diệp

Với câu hỏi này “Tại Sao Em Ít Nói Thế? ” tôi đã được nghe từ hơn 40 năm nay, nên vừa thấy tựa sách là tôi đặt hàng ngay. Chúng tôi đôi khi im lặng chỉ vì đang mải mê quan sát điều gì đó hoặc đang có những dòng suy tưởng cứ chạy hoài mà không chịu dừng lại. Đôi lúc thích nhìn mọi người nói chuyện, cười đùa với nhau hơn là trò chuyện cùng họ, vì e rằng, nếu nói ra thì chưa chắc mọi người đã hiểu những gì tôi nghĩ. Hoặc đơn giản, tôi im lặng chỉ vì bản tính sinh ra đã thế.

Người ít nói – hướng nội hãy đọc để hiểu hơn về mình. Người hướng ngoại hãy đọc để hiểu thêm về chúng tôi

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button