Review

Tại Sao Chúng Ta Không Hạnh Phúc?

Thể loại Kỹ năng sống
Tác giả Phi Tuyết
NXB NXB Thế Giới
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 328
Ngày tái bản 07-2018
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Cuốn sách nêu các quan điểm của tác giả Phí Tuyết, một cô gái 9X cực kì cá tính, về sự thật của cuộc đời để lý giải cho câu hỏi: Tại sao chúng ta không hạnh phúc? Sách gồm 6 chương với 43 bài viết. Cuốn sách là tổng quát những kiến thức mang tính khoa học về cuộc sống cùng những suy ngẫm, quan điểm khác lạ. Thông điệp của tác giả qua cuốn sách:

Biết được tại sao mình không hạnh phúc là bước đầu tiên để sống khác đi: Sống hạnh phúc hơn.Ta sẽ bắt gặp đâu đó câu chuyện của chính mình trong cuốn sách này, ví dụ như:

Nếu ví cuộc đời như một cuộc thi thì nó sẽ là thi tự luận chứ không phải trắc nghiệm. Không có đáp án đúng hay sai cho bài toán cuộc đời. Khi chúng ta có nhiều vật chất hơn thì chúng ta lại phải làm việc cực khổ hơn để mua sắm những vật chất ấy. Đồng nghĩa với việc chúng ta có ít thời gian hơn cho những thứ thật sự làm ta hạnh phúc.

Chúng ta có thể chia sẻ với nhau mọi thứ, đôi khi chỉ là những thứ nhỏ bé nhưng tuyệt đẹp như một ý tưởng, một nụ cười, niềm tin hay sự can đảm trong cuộc sống. Những thứ này khi bạn chia sẻ có thể không mang lại cho bạn lợi nhuận về vật chất nhưng lợi nhuận về tinh thần thì luôn luôn được đảm bảo.

Ta tìm mọi cách để đạt được thành công nhưng chính bản thân ta lại không hề biết thành công là gì. Chúng ta chỉ được biết thành công là gì qua lời người khác: Thành công là kiếm được nhiều tiền, làm chức vụ cao, có nhiều quyền lực, gia đình êm ấm, con cái thành đạt…

Cuộc đời lãng phí là một cuộc đời mà bạn chỉ sống theo ý người khác, chứ không phải ý mình.

[taq_review]

Review

Ngô Tú

Thật ra đọc cuốn sách này mình không biết đâu là lời văn của chị hay là hầu như chị trích dẫn từ người khác hết. Đấy không phải là 1 lời chê! Chị Tuyết lồng vào rất nhiều vấn đề từ chiêm tinh học, lịch sử loài người, nông nghiệp, giáo dục, tâm lí đám đông, chủ nghĩa tiêu dùng… Cái hay đó là đọc cuốn sách này bạn lại có thể tìm được nhưng cuốn sách khác để đọc nữa, chị ý đã nhắc đến và khuyến khích ng đọc nên đọc nhưng cuôn sách gì, nội dung nào. Đối với nhưng ng thích đọc sách như mình qủa là rất hữu ích

Thu An

Nội dung khai thác nhiều vấn đề cũ của cuộc sống, nhưng dưới góc độ mới. Thay đổi cách nhìn nhận giúp bản thân không bị bó buộc vào “tâm lý đám đông” nữa – nguyên nhân làm cho đa phần chúng ta bị chìm vào tâm trạng tồi tệ và những góc khuất của cuộc sống.

Diệu Thúy

Không phải vì thích chị Tuyết mà thích cả sách của chị í viết đâu. Quan điểm của em rõ ràng lắm, chỉ tại vì sách của chị mang đến cho em những góc nhìn những cảm nhận những chiêm nghiệm thật khác hẳn. Bị cuốn hút nhất bởi Câu Chuyện Về Giáo Dục ( có lẽ tại em đang là học sinh mà) Em với một cách nhìn nhận mới rất là đồng ý với những quam điểm chị đưa ra, thật sự là vấn đề đáng nói trong một xã hội chỉ biết chạy theo cái gọi là muốn đem lại cho con người những độc hại, những cái không cần thiết, cái mà đang dần phá hủy trái đất xanh ngày hôm nay.

Các bạn hãy tìm đọc để rồi ngẫm nghĩ xem mình nói đúng không. quyển này hữu ích bởi nó được chắt lọc rất nhiều những thứ tinh khôi thuần khiết nhất.

Trích đoạn

SỰ HÌNH THÀNH VÀ SỨC MẠNH CỦA ĐÁM ĐÔNG

Xã hội hay tập thể là một cách gọi khác của đám đông. Lịch sử loài người với sự ra đời và tan rã của những cộng đồng người trong quá khứ đã chứng minh rằng chúng ta chỉ có thể duy trì sự hợp tác hiệu quả “tương thân tương ái” trong một nhóm người nhỏ. Cụ thể là các bộ tộc, bộ lạc người nguyên thủy chỉ hợp tác rất tốt khi nhóm nằm trong một con số cụ thể vài chục cá nhân. Khi số lượng người trong nhóm tăng lên thành vài trăm, rồi vài nghìn thì các bộ lạc đều bị tan rã thành những nhóm nhỏ hơn vì tù trưởng không thể giải quyết được những vấn đề phức tạp phát sinh trong nhóm người đông như vậy. Khi nhóm tăng lên về số lượng cá thể sẽ dẫn đến nhiều mâu thuẫn khác nhau, ban đầu chỉ là những bất đồng sau đó dễ dàng chuyển thành những hỗn loạn lớn, thậm chí giết chóc nhau nữa.

Chuyện này không chỉ diễn ra trong quá khứ mà ngày nay, nếu ta tạm ví những doanh nghiệp là những bộ lạc khi xưa thì vấn đề tương tự cũng sẽ phát sinh. Một doanh nghiệp vài chục người không thể có cùng cách vận hành như doanh nghiệp trăm người, ngàn người. Nó cũng không thể được lãnh đạo bởi chỉ một người duy nhất mà cần có sự phân quyền cụ thể cho nhiều cá nhân khác nữa. Đặc biệt cần những quy định, luật lệ chung để đảm bảo cho mọi người cùng biết về nghĩa vụ lẫn trách nhiệm của mình. Như vậy doanh nghiệp hay tổ chức mới vận hành trơn tru được.

Quay trở lại thời xa xưa thì người ta đã dùng chính những mục tiêu, niềm tin chung về tôn giáo, chính trị để tạo ra những nhóm người lớn hơn cùng nhau hợp tác sinh sống trong hòa bình ổn định. Từ một nhóm người nhỏ, nhờ niềm tin chung mà nhiều người tập hợp lại thành bộ lạc lớn rồi dần phát triển thành những làng xóm, thành phố thậm chí chính là các quốc gia sau này. Tuy nhiên dù cùng sinh sống trong một bộ lạc hay quốc gia, các cá nhân khi xét riêng lẻ đều không dễ dàng hợp tác với người khác. Đơn giản vì mỗi người mỗi hoàn cảnh, mong muốn, khả năng, nguồn lực khác nhau sẽ có những ưu tiên và suy tư khác nhau về cuộc sống. Rất khó để mọi người cùng hướng vào một khuôn khổ sống cụ thể. Đó không chỉ là vấn đề của ngày xưa mà còn là vấn đề của con người ngày nay nữa.

Về bản chất con người không dễ dàng hợp tác với người khác. Đó là lý do chúng ta được học nhiều về sự hợp tác, làm việc nhóm, phân công công việc… dù cho ngay cả thời điểm hiện tại này. Nếu con người giỏi hợp tác thì rõ ràng chúng ta chẳng cần phải học về nó làm gì nữa. Chính vì vậy mà các thể chế chính trị từ thời nguyên thủy cho đến thời phong kiến rồi lại tới các chính quyền trên thế giới ngày nay, với những công cụ là luật pháp và tòa án đã trở thành chất keo vô hình gắn kết mọi người cùng chung sống hòa thuận với nhau trên tinh thần thượng tôn pháp luật vì lợi ích chung.

Nói một cách dễ hiểu, nhiều cá nhân cùng nhau hợp tác sinh sống trong một khoảng không gian – thời gian cụ thể sẽ hình thành nên một tập thể, gọi cách khác là một đám đông.

Theo cách giải thích của triết học thì “đám đông” không hề tồn tại mà chỉ tồn tại rất nhiều những cá thể tạo thành đám đông ấy. Nhưng thực tế ta có thể dễ dàng nhận thấy sự tồn tại của đám đông là có thật, thậm chí nguy hiểm trong những trường hợp cụ thể.

Đám đông mang sức mạnh xây dựng lẫn hủy diệt. Không có đám đông sẽ không có những công trình kỳ vĩ trên khắp thế giới nhưng cũng chính vì đám đông mà nhiều công trình khác bị hủy hoại. Ai có thể nắm quyền điều khiển đám đông thì cũng như nắm giữ một sức mạnh vô cùng lớn.

Nói một cách đơn giản cho bạn dễ hình dung. Bạn sẽ thấy ngay rằng, trong cuộc sống, nghệ sĩ nào nhiều người hâm mộ hơn thì quyền lực hơn, tờ báo nào nhiều độc giả hơn thì quyền lực hơn, doanh nghiệp nào nhiều khách hàng hơn thì quyền lực hơn. Càng nhiều quyền lực thì sức ảnh hưởng của họ lên đám đông lại càng to lớn. Đôi khi nó lớn đến độ có thể điều khiển cả đám đông làm theo ý họ. Như một nghệ sĩ có thể tạo ra cả một xu hướng thời trang mới, một doanh nghiệp có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của mọi người để tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp của mình.

Chủ nghĩa tiêu dùng hay chủ nghĩa vật chất đã trở thành một trong những “người chơi” thành công nhất trong việc điều khiển và nắm giữ sức mạnh đám đông. Thậm chí có thể coi phần lớn con người trên toàn thế giới ngày nay đang là nô lệ và công nhân phục vụ cho ông chủ “tiêu dùng”. Đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng mà tôi muốn nói đến trong cuốn sách này.

Sức mạnh hủy diệt của đám đông là một thực trạng tàn nhẫn. Núp sau tấm bia dư luận, đám đông có thể làm ra những điều tồi tệ cho người khác trên danh nghĩa “trừng phạt” người đó. Sự trừng phạt đôi khi không xảy ra trên mặt cơ thể vật lý như hành hạ, tra tấn mà còn tiếp diễn lâu dài hơn dưới dạng tâm lý nữa. Mỗi lần mạng xã hội có scandal, đặc biệt là nếu liên quan tới người nổi tiếng, bạn sẽ dễ dàng nhìn ra điều này.

Chính đám đông với sức mạnh phá hủy ấy đã giết chết bao điều tốt đẹp trên thế giới: Jesus Christ bị kết tội và treo mình trên thập tự vì đám đông; triết gia lỗi lạc Socrate bị tử hình bằng thuốc độc cũng vì đám đông. Đó là những ví dụ xa xưa, còn ngày nay ta dễ dàng nhận thấy “dư luận” hay “đám đông” đã tạo ra biết bao điều xấu xí cho cuộc sống con người. Vì nó mà bao nhiêu người trở nên độc ác hơn, thích phán xét, hay ghen tị, tranh đua nhiều hơn. Vì nó mà bao người trở nên giả dối, cam chịu và sống cuộc đời vô nghĩa. Người ta kết hôn khi không muốn kết hôn, sinh con khi không muốn sinh con và chỉ một điều người ta muốn làm là ly dị thì họ lại không dám làm. Vì dư luận mà biết bao người đang phải sống trong chịu đựng và đau khổ.

Một người đứng độc lập sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành động của anh ta. Nhưng nếu anh ta đứng trong đám đông thì chẳng phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình nữa. Điều đó khiến anh ta trở nên mạnh dạn hơn và hung bạo hơn nhiều lần. Đám đông nên nhận trách nhiệm đầu tiên trong việc biến các cá nhân trở thành vô trách nhiệm hơn. Vô trách nhiệm là lý do quan trọng khiến mỗi người sống cuộc đời phụ thuộc, ỷ lại vào người khác.

Sự phát triển của truyền thông xã hội lẫn internet đã tạo ra một đám đông lớn chưa bao giờ thấy. Từ đây sức mạnh xây dựng lẫn phá hoại của nó được nhân lên nhiều hơn. Ai cũng thích được hòa làm một với đám đông cho tới khi họ trở thành nạn nhân của nó. Dù bạn không chịu thừa nhận thì ngay lúc bạn lên tiếng cùng chửi rủa ai đó trên mạng vì một chuyện không liên quan gì tới bạn, thì bạn cũng đang là một thành viên của đám đông ấy rồi. Thời đại nào cũng có những đám đông, tuy khác nhau về thời gian, địa điểm nhưng chẳng hề khác nhau chút nào về bản chất.

Hãy cẩn thận, vì hôm nay bạn là một thành phần của đám đông nhưng biết đâu ngày mai bạn lại trở thành nạn nhân của nó. Nói như thế không có nghĩa là khuyến khích bạn đi ngược lại đám đông – điều ấy cũng nguy hiểm không kém đâu. Cách duy nhất là hãy tách mình ra khỏi đám đông trước để tập tính tự lập, thói quen quan sát, nhìn nhận đa chiều. Nếu bạn nhận thấy đám đông đang trở thành những kẻ hủy diệt, hãy tách xa khỏi nó. Còn nếu bạn nhận thấy nó đang mang năng lượng tốt, có tính xây dựng thì hãy góp phần tham gia cùng nó. Ấy là cách đúng đắn để sống giữa đám đông! Sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể tạo ra những đám đông biết dùng sức mạnh to lớn của nó để sáng tạo, để yêu thương, để thấu hiểu nhau. Thế thì thế giới sẽ rất khác.

Bạn đã từng nghe câu chuyện về Jesus Christ rằng đám đông nọ mang tới cho Ngài một người phụ nữ phạm tội ngoại tình và yêu cầu Ngài hãy tuyên bố ném đá cô ta tới chết theo luật định. Jesus đã nói: “Ai trong các người cho rằng mình không hề phạm bất cứ tội gì thì hãy bước lên và ném đá trước đi”. Thế rồi đám đông xấu hổ tản dần ra và biến mất.

Tôi vốn không thích các đám đông nói chung nhưng tôi lại tôn trọng đám đông trong câu chuyện này. Dù cho hành động của họ ban đầu có hơi ác ý nhưng họ lại là những người trung thực và can đảm: họ biết xấu hổ, họ không dám nhận mình vô tội nên họ đã dừng tay.

Còn đám đông ngày nay thì sao? Cũng đôi lần họ biết dừng lại để nhìn lại chính mình nhưng hình như tỷ lệ tương đối ít. Có những đám đông vẫn rất hung hăng và tàn nhẫn, họ chỉ chăm chăm phán xét và trừng phạt người khác để thỏa mãn quyền “thẩm phán” tự nhận của mình. Chợt nhớ một câu nói của ai đó rằng “Phía sau bàn phím, chúng ta đều là những thẩm phán tối cao”. Quả là như vậy, chúng ta rất ngại phán xét người khác trực diện nhưng việc trốn sau bàn phím đã khiến cho việc ấy trở nên thật dễ dàng. Tôi dám cá trong đám đông “thẩm phán tự xưng” ấy sẽ có người theo một tôn giáo nào đó, nghĩa là họ được dạy về việc đừng phán xét người khác, hãy yêu thương, hãy nhân từ, hãy từ bi… nhưng họ lại không thi hành đúng những gì được dạy. Vậy họ giữ tôn giáo để làm gì? Tôn giáo có tác dụng gì? Câu hỏi này sẽ được trả lời sau nhưng trước tiên bạn hãy ngưng đọc vài giây và tự đánh giá bản thân mình một chút: Bạn đã từng nhận ra mình là một phần tử trong đám đông nào như vậy chưa? Đã bao giờ bạn cảm thấy xấu hổ và nuối tiếc vì đã vội vàng nổi nóng, chửi bới, phán xét ai đó qua bàn phím của mình?

Thật ra tôi hỏi câu ấy không phải để trách cứ hay khiến bạn cảm thấy có lỗi, mà để dẫn bạn tới một câu hỏi khác: Bạn có biết đám đông chính là nguồn “nguyên liệu” quan trọng tạo ra mọi sự thay đổi trên thế giới này? Vậy lý do gì tạo nên phản ứng của các đám đông? Phản ứng của đám đông có những tác dụng gì? Lợi hay hại? Làm cách nào để thay đổi? Làm cách nào để thoát ra khỏi đám đông và không bị nó chi phối? Làm cách nào để hướng thứ năng lượng rất lớn của đám đông vào mục đích tốt đẹp hơn, mang tính sáng tạo hơn là hủy hoại?

Tin vui là ngay lúc này thời đại của đám đông tàn nhẫn đang dần kết thúc và thay vào đó sẽ là thời đại của những đám đông mang tinh thần đoàn kết yêu thương, tinh thần huynh đệ đại đồng thế giới. Vui hơn nữa là trong thời đại mới sẽ có nhiều cơ hội “bừng sáng” cho những cá nhân nhận ra sự tàn nhẫn của đám đông và từ chối đứng chung với đám đông ấy.

Hãy trở lại một chút với vũ trụ học để tìm hiểu về thời đại mới ấy.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button