Review

Swiss Made

Thể loại Sách kinh doanh
Tác giả R. James Breiding
NXB NXB Lao Động Xã Hội
Công ty phát hành Omega Plus
Số trang 600
Ngày tái bản 02-2014
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Năm 2012, GDP của Thụy Sĩ đạt hơn 600 tỉ đô-la Mỹ, tương đương với thu nhập bình quân đầu người hàng năm của quốc gia là trên 75 nghìn đô-la.Trong khi đó, tại Mỹ, thu nhập bình quân đầu người là 50 nghìn đô-la; tại Pháp và Đức, con số này khoảng 43 nghìn đô-la, còn tại Anh Quốc là 41 nghìn đô-la.

Thụy Sĩ cũng có tỷ lệ bằng sáng chế, tỷ lệ số người đoạt giải Nobel trên đầu người cao nhất thế giới, được xếp hạng là quốc gia cạnh tranh nhất thế giới, và hệ thống giáo dục cũng thuộc loại tốt nhất thế giới. Điều gì đã làm nên thành quả phi thường này của đất nước Thụy Sĩ vốn nổi tiếng với nguồn tài nguyên ít ỏi (ngoại trừ tài nguyên nước và thắng cảnh tuyệt mỹ phục vụ du lịch)?

Cuốn sách “Swiss made – Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sỹ” do một cựu phóng viên tờ The Economist, người đã làm việc rất nghiêm túc và có hệ thống, đã giải đáp phần nào cho câu hỏi này.

Thoạt nhìn, “Swiss made” của R.James Breiding dường như chỉ là một cuốn sách tràn ngập các câu chuyện thành công – và cả thất bại – của những công ty hoặc của những lĩnh vực kinh tế khác nhau tại Thụy Sĩ. Song những độc giả tâm huyết sẽ nhận ra đây chính là một cuốn bách khoa toàn thư sống mãi với thời gian, chứa đựng những bài học hàng trăm năm kinh nghiệm đã được kiểm chứng trong tư duy và hành động thực tế của người Thụy Sĩ, từ các chính khách, nhà quản lý, các doanh nhân cho đến những công dân bình thường. Những bài học được đúc rút này đã tác động sâu sắc đến Kiến trúc luật pháp, hành chính, giáo dục và cơ sở hạ tầng của đất nước, trở thành nền tảng cho một sân chơi công bằng của mọi công dân và doanh nhân, từ đó thúc đẩy đãi ngộ hiền tài và sáng tạo.

Tác phẩm này đích thực là một ‘vị quân sư và người cổ vũ’ tuyệt vời cho giới doanh nhân Việt Nam. Nó đồng thời là cẩm nang dành cho những người ra quyết sách trong Chính phủ, từ cấp trung ương, tỉnh thành cho đến xã phường, cũng như trong Quốc hội về điều kiện khung ở cấp nhà nước tốt nhất có thể cho hoạt động kinh doanh.

Với các độc giả trẻ, cuốn sách chính là nguồn cảm hứng quý giá cho sinh viên các ngành kinh tế, pháp luật, khoa học chính trị, cũng như kỷ thuật công nghệ, kiến trúc và du lịch. Nestlé, công ty thực phẩm lớn nhất thế giới được gây dựng nên bởi một người đàn ông, Henri Nestlé. Ông đã bắt đầu sự nghiệp năm 1839 với vị trí phụ tá cho một dược sĩ.

[taq_review]

Trích đoạn sách

Những thương nhân thầm lặng

Địa thế cô lập là nét đặc trưng của lãnh thổ Thụy Sĩ, và cũng là khởi nguồn cho những giá trị văn hóa chính trị truyền thống cùng tư tưởng trung lập của quốc gia này. Song, sự cô lập về địa lý cũng không thể ngăn cản quá trình trao đổi giao lưu giữa con người và giữa các ngành thương mại với nhau, cũng như khả năng và nhu cầu vươn ra toàn cầu của người Thụy Sĩ trên các lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị, với tầm quan trọng vượt xa dáng dấp đồ sộ của những ngọn núi. Chúng ta có thể nói gì về vị thế dẫn đầu vượt trội của các công ty và doanh nhân gốc Thụy Sĩ trên trường quốc tế?

Quả thực, có lẽ chính cá tính khác biệt của người Thụy Sĩ đã giúp ngành thương mại cũng như các thương nhân của quốc gia này vươn đến tận cùng Trái Đất, và biến Thụy Sĩ thành trung tâm buôn bán hàng hóa đứng đầu thế giới hiện nay. Được biết đến như một quốc gia nghèo tài nguyên và thiếu khả năng sản xuất nội địa, Thụy Sĩ buộc phải nắm bắt cơ hội đến từ các nguồn lực hào phóng trên khắp thế giới. Và với tư cách một nền kinh tế cởi mở, ổn định và thận trọng, Thụy Sĩ cũng mở ra vô số cơ hội dành cho các thương nhân sở hữu các nguồn lực trên. Truyền thuyết kể rằng, Thụy Sĩ từng là một vùng đất chịu sự kiểm soát của một cộng đồng người miền núi thô lỗ, những người chỉ biết đến lợi ích của bản thân – và cũng như bao truyền thuyết nổi tiếng khác, câu chuyện trên cũng phản ánh một phần sự thật. Tuy nhiên, đây cũng là quê hương của các doanh nghiệp và cá nhân có cá tính phong phú (dù họ thường giấu giếm suy nghĩ của mình), những người từ hơn 100 năm trước đã chiếm lĩnh thị trường thương mại thế giới về các sản phẩm cà phê, ca-cao, kim loại và khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt và than đá. Đó cũng có thể là quê nhà của những tín đồ Calvin lầm lì nhưng vô cùng sáng suốt, song đồng thời cũng là cái nôi khai sinh ra một nhóm các thương nhân giảo hoạt và xuất chúng, mà đi đầu là nhà buôn lừng danh nhất mọi thời đại (hoặc khét tiếng nhất, tùy theo cách nghĩ của bạn) – Marc Rich.

Linh hồn của giới trung gian

Buôn bán là ngành kinh doanh xem trọng sự bí mật; đơn cử, chúng ta sẽ khó lòng tiếp cận được số liệu hoạt động từ các công ty trung gian hùng mạnh nhất trong hệ thống giao thương toàn cầu. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng các công ty Thụy Sĩ đã đạt được thành công vang dội khi nắm giữ một tỷ trọng khá chênh lệch – nếu không muốn nói là áp đảo – trong tổng lợi nhuận hàng hóa thương mại thế giới. Dân số Thụy Sĩ chỉ chiếm một phần rất nhỏ – khoảng một phần nghìn – trong tổng dân số thế giới, nhưng quyền lực của họ trong lĩnh vực giao thương hàng hóa lại gần như thống trị tất cả.

Ít nhất 1/3 sản lượng dầu mỏ giao dịch trên thế giới (theo ước tính của một ngân hàng lớn tại Pháp), đều phải thông qua các doanh nghiệp tại Geneva như Gunvor, Vitol và Mercuria. Gần một 1/3 sản lượng các mặt hàng ngũ cốc, hạt dầu và đường cát giao dịch trên thế giới cũng nằm trong tay các công ty có trụ sở tại Geneva; trong khi đó, một thành phố nhỏ tại Zug – quê hương của Glencore – cũng là trung tâm giao dịch khoáng sản thô của thế giới. Glencore là một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới về kim loại đồng, nhôm và kẽm, đồng thời cũng chiếm lĩnh từ 20% đến 60% sản lượng giao dịch quốc tế của các mặt hàng kim loại công nghiệp thiết yếu này; và kể từ thương vụ sáp nhập năm 2012 với người chị em Xstrata, Glencore đã trở thành công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, 1/6 sản lượng vải bông thế giới phải thông qua các giao dịch tại Winterthur; cùng với Zug, Winterthur cũng là nơi khai sinh các doanh nghiệp như Volcafe Group và Bernhard Rothfos Intercafé – những tập đoàn có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong ngành kinh doanh cà phê thế giới.

Tất cả những ví dụ trên đã nhắc nhở chúng ta rằng: truyền thống bảo vệ sự khác biệt về giá cả và thói quen hành động độc lập của người Thụy Sĩ chính là phẩm chất tự nhiên làm nên linh hồn của giới trung gian. Song, các doanh nghiệp trung gian độc lập cũng hoạt động theo nhiều hình thức.

Truyền thống thượng võ

Binh lính là mặt hàng giao thương xuất khẩu đầu tiên và đắt giá nhất của Thụy Sĩ. Trong số những công dân Thụy Sĩ tiên phong trong ngành kinh doanh ngoài nước, phải kể đến những quân nhân trẻ tình nguyện phục vụ như một đội lính đánh thuê dưới ngọn cờ của những quốc gia khác. Họ được mệnh danh là những chiến binh không khoan nhượng, được rèn giũa qua hàng trăm trận chiến, và biến sức mạnh cơ bắp của người Thụy Sĩ thành thứ hàng hóa vô giá. Binh lính Thụy Sĩ luôn là lực lượng được thèm muốn nhất trong mắt những vị quân chủ khao khát quyền lực, như Metternich hay Napoleon, từ châu Âu đến Indonesia xa xôi. Bên cạnh sức chiến đấu can trường, các đội lính đánh thuê Thụy Sĩ còn được ngưỡng mộ vì lòng trung thành và khả năng thích nghi. Họ chủ động học hỏi ngôn ngữ và tập quán bản địa, hành xử một cách thầm lặng và khiêm tốn, đồng thời luôn nỗ lực hòa nhập với cộng đồng địa phương. Một số còn kết hôn với phụ nữ bản địa, và nổi lên thành những thế lực quân sự gắn kết mật thiết với các lãnh chúa, quân vương hay hoàng đế. Mối dây gắn kết này cũng chính là chìa khóa mở ra quan hệ giao thương về sau.

Tinh thần chiến đấu ngoan cường của họ đã gây tiếng vang từ rất sớm – từ trước khi đất nước Thụy Sĩ có tên trên bản đồ – và mối liên kết giữa hoạt động giao thương và quân sự ngoài nước cũng đồng thời được củng cố. Tất nhiên, chính khả năng tổ chức buôn bán hàng hóa và quân nhu trên những chặng đường xa là cơ sở cho những chiến dịch quân sự thành công, với không ít dẫn chứng từ thời cổ đại: thậm chí trong suốt thời kỳ cai trị của Đế chế La Mã, Helvetia (tên gọi sau này) đã trở thành một trung tâm thương mại quan trọng.

Nhưng phải đến thế kỷ XI, hoạt động giao thương trên lãnh thổ châu Âu mới bắt đầu khởi sắc, do dân số ngày một tăng trưởng và các thành phố, thành thị không ngừng mọc lên. Các vùng đất thuộc Thụy Sĩ hiện nay đã thu lợi không ít từ xu thế này – dù chỉ một cách thụ động. Trước thế kỷ XIII, hiếm có người Thụy Sĩ nào theo nghiệp buôn bán. Là những đầu mối bán lẻ, họ chỉ đơn thuần tích trữ hàng hóa do các thương nhân nước ngoài chuyển sang, và chỉ tập trung tại một số ít thành phố như Basel, Geneva và Zurich, đồng thời duy trì mạng lưới giao thương vốn đã mở rộng phạm vi sang những vùng đất lân cận. Nhiều người vẫn cho rằng khả năng kinh doanh thiên phú của người Thụy Sĩ chỉ bộc lộ khi Liên bang Thụy Sĩ ra đời – với truyền thống dân chủ, độc lập và luật pháp riêng; nhưng đó không phải sự thật. Ngược lại, trong bối cảnh đó, quyền lực chính trị tại Thụy Sĩ đã được củng cố thông qua mối ràng buộc mật thiết giữa các thành bang thịnh vượng và luôn đề cao tinh thần tự chủ, như Basel, Geneva, St Gallen hay Zurich. Do không sở hữu đất đai màu mỡ, chế độ phong kiến và thể chế xã hội tại Thụy Sĩ cũng không xuất hiện. Các phường hội là đơn vị tổ chức xã hội phổ biến nhất, và quyền gia nhập (thông qua quy trình tuyển chọn khắt khe) cùng giá cả (trong hoạt động giao thương có kiểm soát) cũng được quy định chặt chẽ.

Bạn đọc cảm nhận

Le Ngoc Tram

Một cuốn sách khá dài nhưng rất viết rất tường tận về sự thành công của nền kinh tế Thụy Sĩ. Bản thân mình từng làm việc cho công ty Nestle Vietnam nên rất có hứng thú với cách làm ăn của người Thụy Sĩ. Quả thật quốc gia nhỏ bé này khiến cho mọi người đáng ngưỡng mộ. Từ ngành công nghiệp sữa, đồng hồ, đến du lịch, ngân hàng, dược phẩm, kiến trúc… Lịch sử đã cho thấy chính tài nguyên về con người mới là quan trọng nhất, như Nhật Bản, hàn Quốc và Thụy Sĩ những đất nước có nguồn tài nguyên ít ỏi nhưng đều vươn lên thành những con rồng kinh tế. Một cuốn sách đáng đọc cho những ai quan tâm đến marketing và nghiên cứu kinh tế quốc gia. Tuy nhiên vẫn còn một số điểm mình chưa vừa ý là bản dịch không được hấp dẫn lắm, nội dung còn hơi dài dòng, giáo điều như thể mình đang đọc một nội dung trên Wikipedia.

Đặng Thái Hoàng

Cuốn sách nêu lên một loạt khó khăn và một loạt thành công của Thụy Sĩ. Chỉ đến khi đọc xong bạn mới thực sự hiểu Thụy Sĩ là một đất nước như thế nào. Có những bí quyết của doanh nghiệp, doanh nhân và cả những chính trị gia Thụy Sĩ để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ cũng như làm bài học cho những ai đang làm kinh tế và đặc biệt là muốn vươn ra thế giới.Phải nói rằng tác giả đã tìm hiểu và phân tích rất sâu từ những thói quen cho đến tư tưởng của con người nơi đây. Nhưng toát lên một điều xuyên suốt cuốn sách:” Thụy Sĩ là một đất nước không có gì ngoài con người, vì thế họ đi lên nhờ đầu tư vào con người, họ bán sô cô la, pho mát, đồng hồ và cả tuyết, những thứ ở đâu cũng có nhưng không ở đâu tốt bằng ở Thụy Sĩ. Sữa và cà phê có ở khắp toàn cầu nhưng việc phát minh ra cà phê sữa đóng gói đã khiến Nestle trở thành vĩ đại, những điều dó đáng cho một thế hệ doanh nhân Việt Nam phải ngẫm nghĩ. Ngẫm về giá trị của “Swiss made” và “Made in Vietnam”. Cuốn sách đáng đồng tiền bát gạo với người đam mê

Trương Văn Đức

Nhắc tới Thụy Sỹ, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nghĩ tới những ngân hàng đảm bảo giữ bí mật của khách hàng hàng đầu thế giới. Nhưng sau khi đọc xong quyển Swiss Made này, tôi thấy được rất nhiều bài học mà chúng ta có thể học được từ sự thành công của đất nước Thụy Sỹ. Toàn bộ những thông tin quan trọng trong sự thành công của đất nước này đã được R. James Breiding đưa vào công trình nghiên cứu của mình, giúp cho độc giả có một cái nhìn toàn cảnh về sự thành công đáng ngưỡng mộ và học tập của đất nước Thụy Sỹ. Một quyển bách khoa toàn thư Thụy Sỹ rất đáng đọc.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button