Review

Sức Mạnh Từ Những Khởi Đầu Ngớ Ngẩn

Thể loại Sách kinh doanh – kỹ năng
Tác giả Richie Norton & Natalie Norton
NXB NXB Lao Động
Công ty phát hành Pandabooks
Số trang 348
Ngày xuất bản 11-2015
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu

Trong tác phẩm Sức mạnh từ những khởi đầu ngớ ngẩn, Richie Norton định nghĩa lại “sự ngớ ngẩn” theo đúng những gì chúng ta biết, giải thích rằng những ý tưởng thay đổi cuộc sống thường bị gán nhãn lầm là “ngớ ngẩn”. Sẽ ra sao nếu chìa khóa cho sự thành công, sáng tạo và viên mãn trong cuộc đời bạn lại nằm ở một trong những ý tưởng “ngớ ngẩn” đó? Cuốn sách gợi cảm hứng sâu sắc này sẽ giúp bạn:

– Cách đập tan sợ hãi, hiện thực giấc mơ và sống không hối tiếc;

– Cách vượt qua những trở ngại như thiếu thời gian, thiếu kiến thức hay thiếu tiền bạc;

– 5 hành động trong phần ‘Sự thông minh mới” để gặt hái được thành công chắc chắn.

Bằng một số câu chuyện về những thành công vĩ đại của thế giới trong quá khứ và hiện tại, Richie đã cho độc giả thấy “ngớ ngẩn” chính là “Sự Thông minh Mới” – một mẫu số phổ biến cho sự thành công, sáng tạo và động lực trong kinh doanh và cuộc sống.

Nhận định

“Một cuốn sách hoàn hảo dành cho những thời khắc bất ổn như hiện tại.”

(Steve Forbes – Chủ tịch kiêm tổng biên tập Forbes Media)

“Richie Norton đã viết nên một tác phẩm về lòng quả cảm. Lòng quả cảm để thực hiện một việc có ý nghĩa và thực hiện nó với cả trái tim và tâm hồn mình. Hãy biến một điều gì đó trở thành hiện thực.”

(Seth Godin – Tác giả tác phẩm The Icarus Deception (Quỷ kế Icarus – tạm dịch)

“Trong một khoảnh khắc cực kỳ hiếm hoi, một tác giả mới bất thần xuất hiện để thổi bùng lên ngọn lửa trong chúng ta. Richie Norton chính là tia sáng hiếm hoi đó. Richie khẳng định chắc chắn rằng bí mật của thành công là bắt đầu một điều gì đó ngớ ngẩn. Anh ấy hoàn toàn đúng và điều này sẽ làm thay đổi tương lai của các bạn. 30 nhà xuất bản từng khịt mũi coi khinh Chicken Soup là tác phẩm ngớ ngẩn cho đến khi cuốn sách bán được 100 triệu bản. Tác phẩm mới này của Richie xuất hiện vào thời điểm không thể tốt hơn. Phong cách viết giục giã và xác đáng của anh thực sự là một bản kế hoạch đáng đọc, thuyết phục và hấp dẫn để gặt hái thành công. Hãy trở nên thông minh: Hãy đọc Sức mạnh từ những khởi đầu ngớ ngẩn.”

(Jack Canfield – Tác giả tác phẩm bán chạy nhất New York Times, The Success Principles (Những nguyên tắc thành công), kiêm đồng tác giả loạt sách Chicken Soup for the Soul)

[taq_review]

Trích dẫn

ĐIỀU ĐẦU TIÊN BẠN PHẢI BIẾT: LUẬT CỦA GAVIN

Quyết định phải được đưa ra. Một quyết định bất khả thi. Người y tá lặng lẽ bước vào buồng bệnh và tiêm vào ven cánh tay thằng bé một liều epinephrine (thuốc trợ tim). Tôi chẳng mảy may chú ý tới người y tá đó cho đến khi cô rời đi, xoay lưng kéo cửa kính và gạt tấm rèm che bên ngoài để không làm phiền sự riêng tư của bệnh nhân.

Giờ chỉ có ba chúng tôi. Sau chuỗi ngày dằng dặc có sự quan tâm sát sao của các bác sĩ và đội ngũ y tá bệnh viện, phòng bệnh giờ chỉ còn lại sự im lặng tuyệt đối. Sự im lặng bên cạnh tiếng lên xuống nhè nhẹ của máy thở và tiếng bíp, bíp, bíp đều đặn của máy theo dõi tim.

Adrenalin lao điên cuồng qua ven tôi. Cả căn phòng như quay cuồng khi tôi ngồi xuống chiếc ghế đẩu bên cạnh giường bệnh của con trai, lảo đảo như sắp nôn ọe đến nơi. Tôi vội túm lấy thanh chắn giường để không bị bổ nhào xuống đất. Nhưng tôi không nhìn thằng bé. Đôi mắt tôi như bị dán chặt vào vợ tôi khi cô ấy ngã xuống chiếc ghế trong góc phòng, thổn thức, ngực phập phồng và khuôn mặt méo xệch úp vào hai lòng bàn tay.

“Đó là quyết định chúng ta không nên đưa ra,” vợ tôi nói với giọng gần như gió thoảng, thế rồi cô ấy đưa tay vò mái tóc một cách điên cuồng, kéo nó thật mạnh xuống khắp khuôn mặt.

Đau đớn cực độ. Nhưng chẳng có thêm một lời nào nữa. Tôi cầm tay vợ và nhìn thật sâu vào đôi mắt cô ấy, và cùng nhau, chúng tôi đưa ra một quyết định bất khả thi: Không tỉnh lại nữa.

Đó là những giờ ngắn ngủi trong buổi sáng Ngày 7 Tháng 1 Năm 2010.

Hai năm trước

Vào một buổi sáng tràn ngập nắng ở Hawaii, mùa xuân năm 2007, Gavin lấy một chiếc thùng nhựa màu xám rồi bỏ vào đó mấy cuốn tạp chí, một tấm bưu thiếp sờn rách bên trên có lời cầu nguyện của Thánh Francis xứ Assisi cùng vài món đồ đạc có giá trị khác. Cậu niêm kín chiếc hộp lại rồi ghi bên ngoài hộp dòng chữ “Mở vào năm 2027.” Cậu lấy hộp bút màu và trang trí thùng kho báu của mình bằng một bức vẽ hình tên cướp biển cùng một tờ giấy viết cho chính mình, “Xin chào, lão già Gavin!”

Cậu trèo lên chiếc xe đạp bãi biển sét rỉ của mình, cẩn thận đặt ngay ngắn chiếc hộp vào lòng rồi cứ chân trần đạp xe thẳng tới những ngọn núi um tùm cây cối của Hawaii. Gavin coi Hawaii là nhà từ hơn 5 năm nay – gần bằng một phần tư tuổi thanh xuân của cậu – và cậu muốn để lại một mảnh trái tim mình ở hòn đảo này, nơi đã dạy và cho cậu rất nhiều điều. Cậu chôn hòm kho báu của mình dưới chân dãy Ko’olauloa xinh đẹp, và thầm nhủ không được mở nó ra trong hai mươi năm nữa.

Thế nhưng, chỉ một vài tuần ngắn ngủi sau, mấy cuốn tạp chí đó đã bị đào lên, và người phải đọc những đoạn trích ngắn từ đống tạp chí đó cho hàng trăm con người đau khổ tới dự lễ tang tưởng niệm cuộc đời phi thường của chàng trai trẻ đó chính là tôi. Chỉ chưa đầy ba tuần sau khi chôn chiếc hộp kho báu của mình, người em vợ khỏe mạnh và đầy sôi nổi của tôi đã bất ngờ lìa bỏ cuộc đời trong giấc ngủ.

Cậu ấy chỉ mới 21 tuổi.

Hai năm trôi qua kể từ sau sự ra đi của Gavin, vợ tôi, Natalie, đã hạ sinh đứa con trai thứ tư. Với tất cả niềm hãnh diện, chúng tôi quyết định đặt tên thằng bé theo tên người cậu quá cố của nó. Nhóc Gavin ra đời vào ngày 24 tháng 10 năm 2009. Thằng bé thật hoàn hảo, thậm chí mấy thằng anh trai “rách giời rơi xuống” của nó cũng phải công nhận điều đó.

Nhưng giờ chúng tôi ngồi đây, chỉ mười tuần ngắn ngủi kể từ lúc thằng bé chào đời, một mình trong phòng bệnh. Chỉ một mình, ngoại trừ cô ý tá lặng im cùng ống thuốc epinephrine. Phía bên kia giường Gavin là Natalie, còn tôi ngồi ở phía đối diện, câu nói “Đừng tỉnh lại” cứ văng vẳng nặng nề bên tai chúng tôi, còn nước mắt thì cứ cay xè bên khóe mắt thất thần của cả hai.

Phản ứng đầu tiên của tôi đó là phải cho con trai mình mọi cơ hội chiến đấu để giành lại sự sống. “Chắc chắn chúng tôi sẽ tỉnh lại!” Tôi đã nói một cách đầy tự tin. Tôi bị bối rối khi nhận thấy thậm chí lúc này rồi mà các bác sĩ vẫn đủ bình tĩnh để hỏi. Những tiếng nói và lời nói bắt đầu đập xuyên qua não tôi, che mờ tâm trí tôi, làm suy yếu cảm quan lý trí của tôi và hoàn toàn chặn đứng óc phán đoán của tôi: “Ho gà,” “tiêm lần hai,” “phương pháp thử nghiệm,” “bó tay rồi,” “chúng ta không thể làm gì hơn,” “đến lúc nói lời vĩnh biệt rồi.” Rồi chậm chạp, rất chậm chạp, hiện thực về tình cảnh của chúng tôi dần hiện ra. Cuối cùng, tôi cũng nhìn thấy sự tuyệt vọng hoàn toàn mà mình đang phải đối mặt. Tôi bắt đầu nhận ra cái quá trình hồi phục tàn khốc kia trên thực tế chỉ kéo dài nỗi đau đớn mà Gavin phải chịu đựng và rốt cuộc chẳng cứu sống được thằng bé. Tôi cố nén xuống, thật khó khăn. Và thu hết can đảm chấp nhận để con mình ra đi.

Natalie và tôi cùng nhau khóc. Chúng tôi nói những lời yêu chứa chan và sâu sắc nhất với cậu con trai nhỏ đáng yêu. Một chốc sau, người vợ ngọt ngào của tôi nhẹ nhàng bế thằng bé trên tay. Tôi đặt tay lên ngực con trai và cảm nhận những nhịp đập cuối cùng của trái tim nhỏ bé. Chúng tôi hát ru con trong nước mắt, và rồi đứa con trai nhỏ của chúng tôi đã ra đi.

Dẫu có nắm cả thế giới này, tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy tay mình nặng bằng cái ngày chúng tôi bước ra khỏi bệnh viện với hai bàn tay trống rỗng.

Bé Gavin ở trên cõi đời đúng 76 ngày.

“Đừng mãi đắm đuối vào mấy tờ lịch. Thời gian chỉ dài bằng những ngày… mà bạn biết tận dụng chúng”

– CHARLES RICHARDS, THẨM PHÁN NGƯỜI CANADA

Luật của Gavin

Một thời gian rất ngắn sau cái chết của con trai, vợ tôi, Natalie và tôi tới nghe một người bạn, đồng thời là cố vấn của tôi, diễn thuyết tại trường đại học gần nhà chúng tôi ở Hawaii. Sau buổi diễn thuyết, cô tiến tới chỗ hai chúng tôi đang ngồi để chào hỏi và gửi lời chia buồn. Sau một hồi trò chuyện, cô nhìn thẳng vào mắt Natalie rồi đột ngột hỏi: “Vậy, chị học được điều gì?” Phải thừa nhận, tôi có phần sửng sốt bởi độ mạnh bạo trong câu hỏi của cô. Lạy trời, Natalie luôn luôn giữ được sự bình tĩnh vốn có – đã đưa ra một câu trả lời lịch sự, cứng cỏi và chân thành, trong khi tôi thì “chết đứng”.

Nhiều tháng qua đi, song tôi vẫn không thể nào quên được câu hỏi đó:

“Vậy, chị học được điều gì?”

Câu hỏi đó đã thay đổi cả cuộc đời tôi. Sự thật là đây: Em vợ tôi đã mất, con trai chúng tôi cũng đã mất, và chẳng có điều gì trên thế giới này mà tôi có thể làm để thay đổi điều đó. Đột nhiên, cuộc đời tôi bỗng cảm thấy gấp gáp thực sự. Một sự giới hạn về thời gian!

Cái cảm giác gấp gáp mà tôi cảm nhận vô cùng lớn, tôi nhận thấy bản thân mình đang đối mặt với sự nhận thức rằng hoàn cảnh xung quanh hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Không riêng gì những hoàn cảnh đặc biệt như vừa rồi, mà cả những hoàn cảnh nói chung. Đột nhiên tôi nhận ra nếu chúng ta chỉ biết ngồi ì ra đấy và chờ đợi, thậm chí cả van nài cầu xin hoàn cảnh thay đổi để cuối cùng chúng ta có thể sống một cuộc đời theo cách mà chúng ta thực sự muốn sống, thì rất có thể chúng ta sẽ mắc kẹt cả đời trong đợi chờ.

Luôn luôn có cả triệu lý do biện minh cho việc chờ đợi. Đơn giản, đó là bản chất của động vật, được gọi là cuộc sống. Ngày hôm nay, hai Gavin đã dạy tôi cách sống. Từ cái chết của người em vợ và cậu con trai nhỏ, tôi đã tổng kết thành một bài học mà tôi gọi là Luật của Gavin:

Sống để khởi đầu. Khởi đầu để sống.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button