Review

Sức mạnh lòng kiên nhẫn

Thể loại Quà tặng cuộc sống
Tác giả M.J Ryan
NXB NXB Tổng hợp TP.HCM
Công ty phát hành First News – Trí Việt
Số trang Đang cập nhật
Ngày xuất bản 06-2016
Giá bánXem giá bán

Dường như thế giới chúng ta đang sống ngày càng bị cuốn vào vòng xoáy không ngừng của sự bận bịu hối hả, chứa đựng bao hệ luỵ của đời sống công nghiệp hiện đại. Công việc chất chồng, ra đường thì kẹt xe và khói bụi, điện thoại kêu inh ỏi cả trong giấc ngủ….. Tất cả những điều này có vẻ đã trở thành một phần không thể chối bỏ của cuộc sống ngày nay. Hơn lúc nào hết, con người cảm thấy mình cần một trạng thái bình yên, một cảm nhận hạnh phúc – một hạnh phúc không mâu thuẫn với sự thành đạt đòi hỏi sự nỗ lực hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta.

Sức mạnh của lòng kiên nhẫn của M.J.Ryan sẽ mang đến giải pháp cho những vấn đề trên. Tác giả nhận thấy rằng những đức tính cao đẹp muôn thuở luôn có sức mạnh đem lại ánh sáng và tình yêu cho cuộc đời chúng ta. Trong cuốn sách này, Ryan sẽ tiết lộ cho chúng ta thấy bằng cách nào mà lòng kiên nhẫn có thể giúp ta làm chậm lại nhịp sống và ngày càng có những cảm nhận tốt đẹp hơn về chính mình. Sự kiên nhẫn sẽ giúp chúng ta phát huy tối đa năng lực bản thân, cho ta khả năng chiến thắng những cơn nóng giận khiến ta phải hối tiếc sau này, giúp ta có sức mạnh theo đuổi và đạt được những điều lớn lao tưởng chừng vượt ngoài tầm với.

Ryan biết rất rõ nếu chỉ cố gắng kiên nhẫn thôi thì chưa đủ. Bà còn chia sẻ với chúng ta một thái độ cần có để giúp ta luôn có thể duy trì và củng cố lòng kiên nhẫn. Nếu bạn mong đợi bản thân tiến dần đến sự hoàn thiện và luôn luôn học hỏi, nếu bạn nhận thấy giá trị của việc kiên trì gỡ rối một vấn đề thay vì chỉ đơn giản né tránh nó, và nếu bạn ý thức rằng còn có nhiều cách giải quyết khác nhau cho cùng một sự việc thì lòng kiên nhẫn của bạn sẽ tăng dần theo thời gian cùng với hạnh phúc thật sự trong hiện tại. Và cao hơn hết là cảm giác mãn nguyện, hài lòng với chính mình.

[taq_review]

Trích dẫn

LÒNG KIÊN NHẪN CÓ THỂ LÀM THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI BẠN NHƯ THẾ NÀO?

Trước khi bàn về lòng kiên nhẫn, chúng ta hãy cùng suy ngẫm những thông tin sau:

➣ Một số cửa hàng thức ăn nhanh McDonalds cam kết phục vụ bữa trưa trong vòng có 90 giây. Nếu không thực hiện được điều đó, họ sẽ không nhận tiền.

➣ Ở Mỹ ngày nay, mỗi lần khám bệnh, bình quân bệnh nhân chỉ được gặp bác sĩ có 8 phút.

➣ Các chính khách thường chỉ mất khoảng 8,2 giây để trả lời một câu hỏi, cho dù đó là một vấn đề khá phức tạp.

➣ Một loại tiệc tự chọn (buffet) được gọi là: “Hãy ăn tất cả những gì bạn có thể ăn được” hiện đang rất phổ biến ở Tokyo. Điều đặc biệt là ở đây có cách tính tiền rất độc đáo – tính theo phút – nghĩa là bạn ăn càng nhanh, giá càng rẻ.

➣ Các cửa tiệm chụp hình siêu tốc “Một giờ” mọc lên ở hầu như khắp các nơi công cộng như công viên, đại sảnh khách sạn hay các khu vui chơi giải trí để thuận tiện cho du khách có thể có những bức ảnh kỷ niệm ngay trước khi chuyến du ngoạn kết thúc.

➣ Giám đốc hãng máy tính xách tay của tập đoàn Hitachi khích lệ tinh thần và kết quả làm việc của nhân viên bằng khẩu hiệu: “Tốc độ là Chúa Trời, còn thời gian là quỷ sứ”.

➣ Các chuyên gia thiết kế nhà cao tầng khám phá ra rằng số tầng được chọn để xây dựng thường tương đương với lượng thời gian mà người ta sẵn lòng chờ thang máy. 15 giây là khoảng thời gian thích hợp nhất, nếu kéo dài đến 40 giây, người ta sẽ dễ phát cáu lên vì phải chờ quá lâu.

Ngày nay, lúc nào chúng ta cũng tỏ ra vội vã và bận rộn. Chúng ta di chuyển, làm việc liên tục, và nghĩ rằng mọi người xung quanh cũng giống như chúng ta. David Shenk, nhà nghiên cứu quá trình phát triển của lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, nhận xét: “Giữa thời đại mà các thiết bị có tốc độ cao như điện thoại, modem, máy fax… đang thống trị xã hội loài người thì khái niệm về tốc độ dường như không còn hiện hữu nữa. Bây giờ chúng ta chỉ quan tâm đến mức độ chậm mà thôi”. Còn nhà văn James Gleick thì cho rằng: “Thẳng thắn mà nói, tất cả chúng ta đang bị khốn khổ vì “căn bệnh vội vã”” – đó là một thuật ngữ mới của Meyer Friedman, người đã đưa ra định nghĩa về “tính cách loại A” dùng để phân loại tính cách con người. Theo đó, người có tính cách loại A là người rất hay ganh đua, thiếu kiên nhẫn, nóng tính, và lúc nào cũng cố làm được nhiều việc mà tốn ít thời gian nhất. Ngược lại, người có tính cách loại B là người điềm tĩnh hơn, kiên nhẫn hơn, ít vội vã hơn và không dễ cáu gắt.

Tôi biết tôi là người có tính cách loại A. Tôi cảm thấy khó chịu khi máy tính khởi động quá chậm. Mới đây thậm chí tôi còn canh đồng hồ xem nó khởi động mất bao lâu, và bạn biết không, nó khởi động đến 2 phút! Tôi thường bấm nút thang máy nhiều lần trong thời gian chờ đợi. Tôi cũng thường nhấn nút chuyển tiếp trên điện thoại để bỏ qua lời hướng dẫn trên hộp thư thoại.

Và tôi muốn kể với các bạn cái cảm giác tệ hại mà tôi đã phải nhận lãnh vì sự thiếu kiên nhẫn của mình. Có lần, tôi tạt qua tiệm photo gần nhà để photo tập tài liệu và đang đứng đợi tính tiền. Lúc ấy, còn hai người nữa mới đến lượt tôi. Anh chàng ở quầy thu ngân đang chật vật giải thích những chi tiết trên tờ hóa đơn cho một bà cụ. Trong đầu tôi lúc ấy xuất hiện một loạt những câu hỏi bực bội như thế này: “Chờ đợi ư, tại sao mình lại phải mất thời gian cho một việc cỏn con là thanh toán tiền photo? Tại sao họ không niêm yết giá photo để khách hàng có thể dễ dàng đối chiếu số tiền phải trả để không phải mất nhiều thời gian nghe giải thích? Tại sao cửa hàng lại chỉ có một nhân viên thu ngân như thế?…”. Từng phút từng phút trôi qua khiến tôi càng bực bội hơn. Tôi không thể cứ đứng mãi ở đây, tôi còn rất nhiều việc phải làm.

Tôi không thể chịu được nữa và quyết định bước lên, chen ngang vào giữa cụ bà và anh chàng tính tiền: “Phần photo của tôi mất bao nhiêu tiền?” – “10 xu”, – chàng trai trả lời, thoáng vẻ ngạc nhiên xen lẫn bối rối. Vội vã đặt đồng 1 đô-la xuống và không đợi lấy tiền thối, tôi bước nhanh ra xe. Đó cũng là lúc tôi nhận ra những ánh mắt thiếu thiện cảm của những người xung quanh đang dõi theo. Tôi chợt nhận thấy mặt mình nóng ran lên vì xấu hổ về cách hành xử thiếu văn minh vừa rồi.

Có một thuật ngữ khác dùng để chỉ căn bệnh vội vã, đó là “thiếu kiên nhẫn”. Và, tôi khá tự tin khẳng định với các bạn, tôi không phải là người duy nhất chịu đau khổ vì căn bệnh này. Những cơn thịnh nộ trên đường phố, tranh cãi ở văn phòng, ly hôn, la mắng con cái… tất cả những thứ đó và rất nhiều vấn đề căng thẳng toàn cầu khác xảy ra ít nhiều cũng là do thiếu tính nhẫn nại.

Hiện tại bang California đang thực hiện một chiến dịch kêu gọi cộng đồng “giảm tốc độ khi lái xe qua một số khu vực quy định” nhằm vận động các tài xế giảm tốc độ từ 65 xuống 55 dặm/giờ khi lưu thông qua các khu vực đang xây dựng vì đã có nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra và làm thiệt mạng rất nhiều công nhân. Theo con số khảo sát của chiến dịch, khoảng chênh lệch thời gian giữa việc chạy 65 và 55 dặm/giờ chỉ giúp ta đến sớm hơn 10 giây/dặm. Vậy có đáng không khi phải tạo nên những cái chết oan uổng chỉ vì ta muốn hiện diện ở nơi nào đó sớm hơn 10 giây/dặm?

Phải thừa nhận một thực tế là, nếu cuộc sống xung quanh ta vận động và phát triển càng nhanh, chúng ta càng dễ bị cuốn theo vòng xoáy tốc độ của nó, và ta càng khó có điều kiện để rèn luyện tính kiên nhẫn. Trong cuộc sống thường nhật, chắc chắn có những lúc ta phải chịu đựng sự chậm trễ khách quan, ngoài ý muốn như phải xếp hàng đợi đến lượt mình, bị kẹt hàng giờ liền trong dòng xe cộ đông đúc ồn ào đầy khói bụi, hay phải tuân theo hệ thống hướng dẫn tự động… Đó thật sự là những vấn đề cần được xã hội quan tâm cải thiện. Nhưng hãy suy ngẫm mà xem, chờ đợi như vậy đã là gì so với những thử thách khắc nghiệt khác của cuộc sống: bệnh tật, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, khủng hoảng trong công việc, các vấn đề phức tạp rắc rối trong đời sống tình cảm, gia đình… Không kiên nhẫn cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự gây khó khăn cho chính bản thân, chính cuộc sống của mình. Để có thể đạt được sự thanh thản thật sự trong tâm hồn, để có đủ sức mạnh và niềm tin đương đầu với mọi khó khăn thử thách, và quan trọng hơn hết là để nuôi dưỡng tình yêu và sự sáng suốt, ta nhất định phải rèn luyện tính kiên nhẫn!

Thời gian của một đời người là hữu hạn và rất ngắn ngủi, có thể hiểu được vì sao bạn, tôi và mọi người luôn muốn “tăng tốc” trong tất cả mọi việc. Nhưng chúng ta nên hiểu rằng, một cuộc sống đúng nghĩa không có chỗ cho sự hấp tấp, bồng bột, vội vàng, cẩu thả. Không kiên nhẫn, chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội hiểu được giá trị những bài học mà cuộc sống muốn truyền đạt, chúng ta sẽ mãi mãi chỉ là một đứa bé to xác không trưởng thành, dễ bị kích động, hành động tùy tiện theo ý thích, bột phát và nông nổi. Hãy khởi đầu sự kiên nhẫn với chính bản thân chúng ta, rồi với mọi người xung quanh và với tất cả tình huống khó khăn trong cuộc sống mà ta không may đối diện!

Từ kinh nghiệm xuất bản hơn 200 quyển sách và viết 22 quyển khác, tôi đã nhận ra rằng tất cả chúng ta đều hơn một lần trong đời ước gì mình có thể kiên nhẫn hơn; nếu được như vậy thì cuộc sống của ta đã tốt đẹp hơn biết chừng nào. Tiếc là trước đây, khi tôi kể với mọi người về lĩnh vực mà tôi đang nghiên cứu thì không ai khuyên tôi: “Bạn cần kiên nhẫn!” cả. Ngược lại, trước khi viết quyển sách này, tôi đã khuyên một số người bạn giữ lòng kiên nhẫn trong những vấn đề mà họ gặp phải. Và bạn biết đấy, mọi người sau khi thực hành theo những lời tâm huyết từ chính những trải nghiệm cuộc sống của tôi đều đã nhận được kết quả tích cực. Chúng tôi nghiệm ra một điều rằng, chính vì cuộc sống ngày càng vận động hối hả hơn mà lòng kiên nhẫn lại cần được trau dồi hơn bao giờ hết. Chỉ khi hiểu được điều đó thì chúng ta mới có những thay đổi và điều chỉnh cần thiết khiến cho cuộc sống ngày một thêm mãn nguyện.

Từ trước đến nay, chúng ta thường không ý thức đầy đủ và không thật sự biết trân trọng những giá trị của lòng kiên nhẫn. Hầu như chưa bao giờ chúng ta xem kiên nhẫn là đức tính thiết yếu của một con người chân chính. Nhưng bây giờ chúng ta có thể thay đổi điều đó. Với một quan điểm đúng đắn và một chút rèn luyện, chúng ta có thể học cách khai thác sức mạnh của sự kiên trì, để sống vững vàng trong cuộc đời nhiều thử thách này. Nếu tôi, một phụ nữ trung niên, một người luôn bận rộn, một người có tính cách loại A, có thể tập được tính kiên nhẫn, thì bạn nhất định cũng sẽ làm được. Chỉ cần bạn biết kết hợp hài hòa 3 yếu tố: Động lực (những điều thúc đẩy bạn làm ), Nhận thức (nhấn mạnh đến cảm nhận bên trong của chúng ta) và Trau dồi (thực hành).

Chúng ta hoàn toàn có thể kiên nhẫn, vì kiên nhẫn là một phẩm chất tự nhiên của con người và tôi chắc chắn với các bạn rằng phẩm chất ấy sẽ được củng cố thêm nếu chúng ta không ngừng rèn luyện. Chẳng phải bản thân mỗi chúng ta đều đã rất giỏi kiên nhẫn rồi đó sao? Hãy thử nghĩ xem làm sao mà chúng ta có thể học xong các cấp lớp, kiếm được việc làm hay chinh phục trái tim một người nếu không có lòng kiên nhẫn? Nhưng vấn đề là không phải lúc nào chúng ta cũng nghĩ tới những giải pháp tích cực giúp ta rèn thêm tính kiên nhẫn, không phải lúc nào chúng ta cũng biết những nguyên nhân làm ta mất kiên nhẫn, hay biết chúng ta nên làm gì khi ngày càng trở nên nóng tính, vội vàng.

Điều quan trọng nhất là bạn cần nhận thức rõ rằng kiên nhẫn không phải là đức tính “trời cho”. Đừng bao giờ có suy nghĩ kiểu như: sở dĩ người khác kiên nhẫn được như vậy là vì bản chất họ đã là người kiên nhẫn, còn bạn, bạn không may mắn khi sinh ra đã là người nóng tính, vội vã và không thể chịu được sự chậm chạp. Kiên nhẫn là một đức tính mà bạn phải trải qua quá trình rèn luyện thật sự mới có được. Hãy hình dung kiên nhẫn cũng giống như cơ bắp trong cơ thể con người vậy. Tất cả chúng ta ai cũng có nó, nhưng một số người có cơ bắp mạnh khỏe, săn chắc hơn đơn giản là vì họ năng tập luyện. Kiên nhẫn cũng tương tự như vậy. Chúng ta đều có thể rèn luyện để có được nó, hoặc rèn luyện để được kiên nhẫn hơn nữa. Đó chính là toàn bộ thông điệp mà cuốn sách này muốn chuyển đến quý vị độc giả.

Cuốn “Sức mạnh của lòng kiên nhẫn” mà bạn đang cầm trên tay nói về tầm quan trọng của lòng kiên nhẫn và những lợi ích vô giá mà nó có thể mang lại cho chúng ta, nhấn mạnh đến vấn đề tại sao trong nhịp sống hiện đại ngày nay, kiên nhẫn lại trở thành yếu tố đáng được lưu tâm và làm thế nào để có thể kiên nhẫn hơn. Xuất phát từ nguyện vọng tự nghiên cứu để tìm ra cách sống một cuộc đời hạnh phúc với đầy đủ ý nghĩa, và dựa trên quan điểm thực tế để phân tích, đánh giá, tôi muốn chia sẻ những đúc kết về lòng kiên nhẫn với tất cả các bạn, thông qua câu chuyện của chính bản thân mình và những bài học kinh nghiệm của những người nổi tiếng và thành đạt trên toàn thế giới.

Đối với tôi, đây là công cuộc tìm kiếm và nghiên cứu cả đời, nhưng quá trình nghiên cứu về lòng kiên nhẫn chỉ bắt đầu được định hình cách đây khoảng 10 năm, khi tôi đang là thành viên của ban biên tập nhà xuất bản Conari, cùng với một vài người bạn xuất bản một quyển sách nhỏ có tên là Random Acts of Kindness. Tác phẩm chuyển tải một ý tưởng nghe qua có vẻ khá đơn giản: “Hãy làm những việc tốt nho nhỏ cho những người lạ”. Nhưng khi tôi bắt đầu nhận được những phản hồi tích cực của lời kêu gọi đó, tôi hiểu rằng mình đã chạm đến một vấn đề cốt lõi. Tôi nhận được rất nhiều thư từ khắp nơi gửi về, chia sẻ về niềm vui sướng mà họ có được khi trao hay nhận những hành động dễ thương đó. Có một lá thư mà tôi sẽ không bao giờ quên, đó là thư của một học sinh trung học. Cậu ta nói rằng cậu đã quyết định bỏ ý định tự tử đang nung nấu ngay sau khi đọc được quyển sách của chúng tôi và nhận ra rằng cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp đáng sống.

Bị cuốn hút bởi sức mạnh thần kỳ của lòng tốt trong việc tạo dựng hạnh phúc và hấp dẫn bởi ý nghĩ cao đẹp được đem lại niềm vui cho người khác, tôi đã tiến hành một loạt bài viết về chủ đề này, đồng thời tôi cũng tự cố gắng để cải thiện bản thân mình. Tôi đối xử tốt với tất cả mọi người xung quanh, thậm chí với cả những người không quen biết. Và bạn biết không, thật kỳ diệu, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều!

Sau đó tôi tự hỏi, nếu như lòng tốt có thể mang lại những hiệu quả tích cực như vậy, thì liệu những đức tính khác có thể mang tới những kết quả tương tự hay không? Thế là tôi tiếp tục chuyển sang nghiên cứu về lòng biết ơn, và cũng thật kỳ diệu, tôi nhận ra rằng nếu càng hài lòng với những gì mình đang có thì càng cảm thấy hạnh phúc, càng được tận hưởng sự bình an, thuần khiết trong tâm hồn và nhờ đó ta cảm thấy ít sợ hãi hơn. Thế là tôi lại cầm bút viết về kinh nghiệm sống của mình, hoàn thành quyển Attitudes of Gratitude (Tri ân cuộc sống – First News đã xuất bản ), và dường như tác phẩm này cũng đã đánh đúng vào những cung bậc tình cảm sâu lắng nhất của con người. Một lần nữa, tôi lại nhận được rất nhiều thư tâm tình, chia sẻ của độc giả về sức mạnh của lòng biết ơn.

Những nghiên cứu về lòng biết ơn đã dẫn tôi đến việc tìm hiểu về lòng khoan dung được gửi gắm trong tác phẩm The Giving Heart, và sau đó, rất tự nhiên, đã hướng tôi tìm đến lòng kiên nhẫn. Tôi vừa ngỡ ngàng vừa thích thú khi nhận ra rằng, càng rèn luyện tính kiên nhẫn, chúng ta sẽ càng cảm thấy hạnh phúc và thanh thản hơn, cho dù sự việc không phải lúc nào cũng diễn ra đúng theo những gì ta mong muốn!

Thật vậy, càng đi sâu nghiên cứu và rèn luyện tính kiên nhẫn, tôi càng nhận thấy vấn đề cốt lõi ở đây chính là chúng ta có cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình hay không. Lòng kiên nhẫn mang lại cho chúng ta khả năng kiểm soát, sự tự chủ, tinh thần tỉnh táo và sự khôn ngoan để từ đó giúp ta có thể sáng suốt nhìn ra nhiều giải pháp tốt hơn hiện trạng. Hơn nữa, lòng kiên nhẫn còn giúp chúng ta trở nên đáng yêu hơn, thân thiện hơn trong mắt người khác, dễ thích nghi hơn với mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc đời và tăng cường khả năng đạt được những điều mình mong muốn. Nếu kiên nhẫn, bạn sẽ ngày càng trưởng thành và khôn ngoan hơn, từ đó tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp, những công việc có chất lượng cao và quan trọng hơn hết là sự bình yên trong tâm hồn. Hãy tạo nên điều kỳ diệu bằng cách kết hợp ba đặc trưng cốt lõi của lý trí và tình cảm: lòng kiên trì, sự điềm tĩnh và tinh thần sẵn sàng chấp nhận!

“BÁM CHẶT LẤY NÓ” – SỨC MẠNH CỦA SỰ KIÊN TRÌ

Sự kiên trì mang đến cho chúng ta khả năng duy trì sự bền bỉ để đạt được mục tiêu đã đề ra và ý chí theo đuổi ước mơ đến cùng. Các cuộc nghiên cứu gần đây đã chứng minh được rằng tính kiên trì có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực, được đánh giá là tương đương với việc cộng thêm nhiều điểm trong thang điểm chỉ số thông minh của một người. Chẳng hạn chỉ số thông minh bình quân của sinh viên châu Á học tập ở Mỹ thường chỉ ngang bằng, hoặc chênh lệch 1 hay 2 điểm so với chỉ số thông minh của các sinh viên da trắng bản địa. Nhưng vì từ nhỏ đã được giáo dục và rèn luyện tính kiên nhẫn, họ đã tạo nên những nhóm học tập đạt được những thành tích ấn tượng hơn hẳn so với những nhóm sinh viên da trắng có chỉ số thông minh tương đương, đồng thời còn là đại diện tiêu biểu cho những nhóm xếp hạng cao nhất trong các trường đại học và dạy nghề danh tiếng.

Có lần tôi đọc bài phỏng vấn nhân vật sáng lập ra tạp chí Fast Company, một tạp chí trên mạng vẫn trụ được vững vàng sau cuộc khủng hoảng phá sản hàng loạt của các phương tiện truyền thông loại này. Mới đầu anh có ý định lập ra một tạp chí mạng chuyên về các ý tưởng mới của thời đại số và quyết tâm thực hiện cho kỳ được mong ước này. Anh vay tiền từ thẻ tín dụng cá nhân và bắt đầu một chiến dịch tìm nhà tài trợ cho việc ra đời tờ tạp chí đó. Không ai chấp nhận đề nghị của anh! Nhưng anh vẫn tin tưởng mạnh mẽ vào ý tưởng của mình và nhất định không chịu đầu hàng. Thật vậy, vào lúc anh phải tiêu đến đồng xu cuối cùng và tưởng như mọi chuyện đã bế tắc hoàn toàn thì số phận đã mỉm cười với chàng trai kiên trì. Anh đã tìm được một mạnh thường quân đồng ý giúp anh hiện thực hóa giấc mơ của mình. Cuối cùng, như câu chuyện cổ tích kết thúc có hậu, anh đã bán được tờ tạp chí mạng đó cho một nhà xuất bản với số tiền rất lớn.

Có rất nhiều câu chuyện chân thực về những người kiên trì vượt qua mọi khó khăn trở ngại để cuối cùng đạt được sự thành công vĩ đại. Walt Disney đã bị từ chối 302 lần trước khi tìm được nhà tài trợ cho dự án xây dựng công viên Disneyland. Đạo diễn – nhà sản xuất George Lucas đã phải bỏ tiền túi để làm bộ phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) vì không có ai tin bộ phim sẽ thu hút được người xem. Ông gần như không còn một đồng xu dính túi khi bộ phim ra mắt công chúng. Nhưng cuối cùng ông trở nên cực kỳ giàu có bởi trước đó ông đã không thể bán được quyền kinh doanh bộ phim cũng như quyền làm phần tiếp theo của bộ phim cho bất cứ ai.

Kiên nhẫn vượt qua mọi khó khăn không có nghĩa là chúng ta sẽ đạt được những thành quả to lớn như người sáng lập Fast Company, Walt Disney hay George Lucas. Nhưng chắc chắn lòng kiên nhẫn sẽ giúp bạn phát triển đến mức tối đa những lợi thế mà chúng ta đang có, để có thể biến mọi ước mơ, khát vọng của bạn thành hiện thực.

“KHÔNG CÓ LÝ DO GÌ PHẢI CĂNG THẲNG” – SỨC MẠNH CỦA SỰ ĐIỀM TĨNH

Lòng kiên nhẫn cũng giúp chúng ta trở nên điềm đạm, chín chắn hơn. Những cảm xúc nội tâm của chúng ta sẽ trở nên bình yên, lắng đọng như mặt hồ phẳng lặng. Thay vì lo lắng, tức giận hay sợ hãi khi phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn hoặc tình huống không mong muốn như chuyến bay bị hủy, cộng sự làm trễ hạn hoàn thành công việc, hay người bạn đời quên làm một việc quan trọng,… chúng ta hoàn toàn có thể xem xét những sự việc đó dưới một khía cạnh tích cực hơn, và điều này sẽ giúp chúng ta giữ được bình tĩnh. Hãy bình tĩnh! Thay vì làm khổ mọi người và chính mình bằng những lời kêu ca, phàn nàn, chúng ta sẽ là người mà mọi người luôn tin tưởng và hướng đến để tìm kiếm sự thoải mái, vui vẻ, đồng cảm, chia sẻ; hay đáng tự hào hơn, họ tìm đến chúng ta để được chỉ bảo, hướng dẫn, cho lời khuyên hay giúp họ tìm ra giải pháp mỗi khi có chuyện không như ý. Nhà văn, linh mục dòng Tên, Anthony de Mello đã mô tả điều này như sau: “Tất cả đều tốt, tất cả đều tốt. Cho dù tất cả là một mớ hỗn độn thì tất cả vẫn tốt!”.

Bằng cách kiên nhẫn, thư giãn và dành thời gian để suy nghĩ thận trọng, chúng ta có thể giữ bình tĩnh cho dù có chuyện trầm trọng gì xảy ra đi nữa. Chúng ta tự tin vào khả năng giải quyết mọi vấn đề của bản thân, và niềm tin đó tất yếu sẽ mang lại sự bình an cho tâm hồn.

Có một cách khác cũng mang đến cho ta tính điềm tĩnh là sự tự chủ. Tôi rất thích khái niệm “tự chủ”; nó nhắc cho tôi nhớ rằng, bằng lòng kiên nhẫn, chúng ta có thể hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân. Chúng ta có thể bình tĩnh chọn lựa cách ứng xử thích hợp, khả quan nhất cho mỗi sự việc xảy ra, chứ không bị điều khiển, chi phối một cách thụ động, phiến diện bởi cảm xúc chủ quan. Bằng cách này, lòng kiên nhẫn như bộ khung thép vững chãi của con tàu, giúp chúng ta vượt qua mọi cơn bão dù dữ dội nhất của biển cả để tiếp tục oai phong rẽ sóng vươn đến bến bờ mơ ước.

“THẾ CŨNG ĐƯỢC!” – LỢI ÍCH CỦA SỰ SẴN SÀNG CHẤP NHẬN

Kiên nhẫn cũng mang lại cho ta khả năng nhẹ nhàng lướt qua mọi trở ngại trên con đường ta đi, giúp ta vượt qua mọi thử thách của cuộc sống bằng lòng can đảm, bằng sức mạnh và tinh thần lạc quan, sáng suốt nhất. Công việc kinh doanh thất bại, thất vọng trong tình yêu, cảm giác hoàn toàn bất lực trước tai ương, việc đối mặt với khó khăn về tài chính… chỉ là một vài thử thách mà bất cứ ai trong chúng ta đều ít nhất một lần phải đối mặt trong đời. Kiên nhẫn trong những hoàn cảnh đó không có nghĩa là ta bị động cam chịu, mà chính là vì ta hiểu rằng những khó khăn đó là một phần tất yếu của cuộc sống, và chúng ta đừng thêm cay đắng, hận thù, thất vọng vào nữa. Thay vì rên rỉ, than vãn, chúng ta nên xắn tay áo lên và bắt tay vào xử lý công việc.

Kiên nhẫn, thông qua hình thức biết chấp nhận hoàn cảnh, cũng giúp chúng ta dễ dàng mở rộng tấm lòng để cảm thông với người khác, vì chúng ta biết rằng đã là con người thì ai cũng có những hạn chế nhất định. Suy nghĩ như vậy giúp khơi dậy những cảm xúc rất “người” của chúng ta để ta có thể chia sẻ, đáp lại lòng tốt, và để có thể cảm nhận được tấm lòng của người khác.

Khi bạn hết lòng chăm nom cha mẹ, những người sẽ chẳng bao giờ nói lời cảm ơn bạn, hay khi bạn bình tĩnh giải thích cho một đứa trẻ hai tuổi nghịch ngợm đến lần thứ 50 là tại sao nó không được leo lên bàn ghế… có nghĩa là bạn đã chứng tỏ được lòng kiên nhẫn của mình, bạn đã sẵn sàng chấp nhận những tình huống dù là khó chịu nhất, vì bạn hiểu rằng “nhân vô thập toàn” và họ, cũng giống như bạn, là những người luôn khát khao hạnh phúc và đang trong quá trình phấn đấu để ngày càng hoàn thiện mình hơn.

Sức mạnh và vẻ đẹp thực sự của con người chỉ được nhận thấy khi chúng ta biết chấp nhận con người như những gì họ vốn có, và chấp nhận cuộc sống như nó vẫn đang diễn ra. Thật là dễ dàng chấp nhận sự việc nếu nó xảy ra đúng như ta dự đoán. Nhưng nếu vẫn giữ được bình tĩnh khi sự việc xảy ra không như ý muốn, ta mới là người thực sự làm chủ cuộc đời mình!

♦♦♦

Hãy dừng một chút để suy ngẫm về những lần bạn đã sử dụng được sức mạnh của lòng kiên nhẫn. Đó là những tình huống nào? Bạn có bình tĩnh khi tình huống thay đổi không? Bạn có đối xử tốt với những người mà bạn quan tâm, hay là bực bội, tức giận với họ? Bạn đã cảm thấy như thế nào? Điều gì đã giúp bạn hành động một cách bình tĩnh như vậy? Và kết quả ra sao?

Bây giờ hãy nghĩ về những khi ai đó kiên nhẫn với bạn. Họ đã đối xử với bạn như thế nào? Bạn cảm thấy ra sao? Bạn có thể làm gì hay rút ra bài học gì từ những kết quả đó?

Chính vì kiên nhẫn là một đức tính rất đáng quý mà tất cả các tôn giáo trên thế giới đều đưa ra những lời khuyên về đức kiên nhẫn để mọi người noi theo. Những tín đồ Phật giáo được dạy rằng rèn luyện tính kiên nhẫn là một cách để đạt được sự khai sáng.

Trong đạo Hồi, kiên nhẫn là một trong chín mươi chín phẩm chất cao quý của Đấng tối cao. Trong kinh Cựu ước, Job – vị thần chịu nhiều đau khổ – là một mẫu mực về sự kiên nhẫn, và những người theo đạo Cơ đốc luôn cảm kích trước cuộc đời nhẫn nại và đức hy sinh cao cả của Chúa Jesus.

Vì những giá trị của lòng kiên nhẫn, bạn sẽ nhận được từ tôi thái độ luôn luôn ủng hộ nhiệt tình nếu lúc nào đó, có ai đó nói với bạn rằng: “Bạn nên kiên nhẫn hơn nữa!”. Có lẽ đó chính là cách mà bạn thường tự nhủ với bản thân hay nói với con trẻ. Nhưng vấn đề là nói như vậy có tác dụng gì không? Rất tiếc, tôi khẳng định với các bạn, gần như là không! Nếu chỉ đơn thuần là tự nhủ ta nên làm gì đó và sau đấy là tự trừng phạt một cách nặng nề nếu ta không thực hiện được thì sẽ không mang lại lợi ích gì cả. Tất cả chỉ càng làm cho ta thấy nản lòng và mất tự tin hơn mà thôi.

Thiếu kiên nhẫn là một thói quen, và kiên nhẫn cũng vậy. Để thay đổi hay bắt đầu bất cứ thói quen nào chúng ta đều cần có động lực mạnh mẽ. Động lực đó thường xuất phát từ sự hiểu biết và nhận thức rõ ràng về những lợi ích mà thói quen mới sẽ mang lại. Đó là lý do tại sao tôi muốn khởi đầu bằng Chương “Những món quà vô giá của lòng kiên nhẫn”. Kế đến chúng ta cần rèn luyện tinh thần đủ vững vàng để chuẩn bị cho những thay đổi mà bản thân chúng ta muốn đạt được. Chương “Những thái độ thể hiện lòng kiên nhẫn” sẽ trình bày về những quan điểm tinh thần giúp củng cố thói quen đó. Và cuối cùng điều chúng ta cần là những kỹ năng để thay đổi thói quen. Ta cần thử nghiệm thói quen mới và lưu ý những ảnh hưởng của chúng đối với cuộc sống của chúng ta. Trong Chương “Phương pháp tập luyện lòng kiên nhẫn”, bạn sẽ khám phá ra một số cách để chuyên tâm trau dồi thói quen này. Và tôi cũng sẽ trình bày những phương pháp chi tiết về cách hóa giải những tình huống căng thẳng thông thường mà bạn dễ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày như: phải xếp hàng chờ đợi, chăm sóc con trẻ, phục vụ cha mẹ già, chờ đợi trên điện thoại, hay mong chờ tình yêu đến… Bạn chỉ có thể lĩnh hội được ý nghĩa của quyển sách này khi bạn đọc cẩn thận và chậm rãi để có thể “sống” cùng nó và cảm nhận, thấu hiểu nó một cách đầy đủ, tường tận nhất. Khi luyện tập, tôi khuyên bạn không nên ép mình nhất nhất làm theo mọi lời khuyên trong sách (đây là thói quen mỗi khi ta dự định làm theo sách hướng dẫn). Hãy bắt đầu bằng việc thử một vài cách mà bạn cho là cuốn hút bạn nhiều nhất. Sở dĩ tôi đưa ra rất nhiều phương án vì tôi muốn chia sẻ với các bạn nhiều sự lựa chọn và bạn có thể linh động rèn luyện theo cách mà bạn cảm thấy phù hợp nhất với mình để đạt được kết quả tốt nhất.

Luyện tập tính kiên nhẫn là công việc trau dồi, bồi bổ sức mạnh tinh thần, và cũng giống như việc rèn luyện thân thể, những luyện tập về tinh thần cần được bền bỉ thực hiện thường xuyên và lâu dài. Ngay như tôi, là người có ý thức luyện tập tính kiên nhẫn trong nhiều năm, vậy mà thi thoảng tôi vẫn có những cơn giận dữ không kiểm soát được! Bạn sẽ được nghe kể tường tận những lần tôi mất tự chủ đó, cũng như nghe tôi tâm sự, sẻ chia những điều mà tôi vẫn đang tiếp tục học hỏi. Hãy nghĩ về tôi, về quyển sách bạn đang cầm trên tay như là một người bạn đồng hành thân thiết trong chuyến phiêu lưu khám phá và làm giàu chính mình, vì một lẽ đơn giản, tôi không chỉ đơn thuần đứng ngoài cuộc, chỉ dùng kiến thức và hiểu biết của mình để đào sâu vấn đề như một chuyên gia nghiên cứu khoa học lý thuyết, mà tôi thật sự đã trải qua những vấn đề đó và tôi đang dùng chính những trải nghiệm bản thân để cùng các bạn khám phá những phương thức rèn luyện hữu ích nhất. Với tính kiên nhẫn, chúng ta sẽ trở nên ôn hòa hơn, thân thiện hơn, giảm bớt bản tính hiếu thắng, thích áp đảo người khác, để trở thành một người có khả năng thuyết phục, tạo được niềm tin trong mắt mọi người và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những người xung quanh.

Bạn sẽ thấy công việc luyện tập này rất thú vị vì nó hứa hẹn khả năng giúp chúng ta cải thiện việc sắp xếp lịch trình thời gian eo hẹp của đời người, sắp xếp thứ tự những việc ưu tiên và nhất là khả năng thích ứng linh hoạt với mọi nhu cầu của cuộc sống. Bằng sự kiên nhẫn, chúng ta có thể vững tin tự lèo lái con thuyền cuộc đời mình. Kiên nhẫn giúp ta luôn là chính mình trong mọi hoàn cảnh, giúp ta sống hạnh phúc hơn, hướng ta đến thành công và mang lại cảm giác thật bình yên trong tâm hồn. Ai có thể từ chối một việc hấp dẫn đến như vậy nhỉ!

Tôi hy vọng tác phẩm này sẽ giúp bạn phát triển tính kiên nhẫn – vốn đã sẵn có trong bạn – lên một mức cao hơn, và với sự cố gắng phối hợp nhịp nhàng của bạn và tôi, chúng ta sẽ cùng nhau khuấy lên những gợn sóng nhỏ để một ngày nào đó nhiều con sóng nhỏ có thể tạo nên một đợt thủy triều mới cho nhân loại. Và nếu cả cộng đồng đều biết khai thác sức mạnh của lòng kiên nhẫn, thì chắc chắn rằng cuối cùng không có việc gì là ta không làm được!

– M. J. Ryan

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button