Review

Sức Mạnh Của Việc Đặt Câu Hỏi Đúng

Thể loại Kỹ năng – Kinh doanh
Tác giả Mihiro Matsuda
NXB NXB Lao Động Xã Hội
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 226
Ngày xuất bản 09-2015
Giá bánXem giá bán

Bạn là một doanh nhân, giám đốc, trưởng phòng và đang gặp khó khăn trong việc giao tiếp với nhân viên của mình? Các cuộc họp tại công ty luôn diễn ra tình trạng chỉ một mình bạn nói còn cấp dưới im lặng. Bạn luôn tự hỏi: “Tại sao nhân viên của mình thường không đưa ra bất cứ ý kiến gì trong các cuộc họp? Chẳng lẽ họ sính nguyên tắc “Im lặng là vàng” hay năng lực lãnh đạo của mình có vấn đề?. Tuy nhiên vấn đề không phải vậy mà cũng chẳng phải do bạn giao tiếp kém. Bạn có thể đang dùng sai phương pháp, thay vì chỉ mình bạn độc thoại trong cuộc họp, tai sao bạn không đặt những câu hỏi cho cấp dưới để họ suy nghĩ và đưa ra các ý kiến, quan điểm riêng, khiến họ cảm nhận được rằng: “Mình là trung tâm của cuộc họp.”

Thông qua cuốn sách Sức mạnh của việc đặt câu hỏi đúng, bạn đang cầm trên tay, chúng ta sẽ biết được rằng việc đặt ra các câu hỏi đúng cho nhân viên của mình rất quan trọng. Làm cách nào để đưa ra câu hỏi đúng đắn? Cuốn sách này sẽ là lời giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi của bạn. Nó cung cấp cho bạn phương pháp đặt câu hỏi đúng và hiệu quả nhất, nó sẽ thay đổi chính bản thân bạn và đội ngũ nhân viên của mình.

Cuốn sách này thực sự là một món quà vô cùng quý giá. Hãy nghiền ngẫm và khám phá thế giới ma thuật: Đặt câu hỏi.

[taq_review]

Trích dẫn

NHỮNG PHÁT NGÔN ĐỂ ĐỜI

“Bạn muốn mình được nhớ đến vì điều gì?”

– Peter Drucker – Chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị

“Hãy xem trọng một câu hỏi đúng hơn một câu trả lời đúng.”

– Carlos Ghosn – Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Nissan

“’Học vấn’ có nghĩa đúng như cách viết của nó. Bạn “học” thông qua “vấn” đáp. Cứ hỏi đi rồi bạn sẽ trở nên thông thái.”

– Takewahei – Chủ tịch Công ty Bánh kẹo Takewahei

“Bậc hiền minh không đưa ra câu trả lời đúng mà họ đưa ra câu hỏi chuẩn xác.”

– Lévi-Strauss – Nhà nhân học

Carlos Ghosn là Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn sản xuất xe hơi Nissan và là người có công vực lại tập đoàn này từ bờ vực phá sản. Từ ngay những ngày đầu đến Nissan, ông đã tuyên bố: “Tôi sẽ là huấn luyện viên của Nissan.” Khi gánh trên vai trách nhiệm của một nhà lãnh đạo tối cao của tập đoàn, ông phải liên tục thị sát khắp các công xưởng lẫn cửa hàng phân phối sản phẩm, gặp gỡ hàng nghìn nhân viên của tập đoàn. Dù đến bất cứ đâu, ông đều hỏi người chịu trách nhiệm chính tại khu vực đó những câu đại loại như: “Nguyên giá biến động thế nào?” hay “Công suất nhà máy đạt bao nhiêu phần trăm?” Tất nhiên, trước khi thị sát, ông đã nắm rõ số liệu kinh doanh, nhưng bằng việc đặt ra những câu hỏi ấy “tại trận”, ông khiến những người chịu trách nhiệm ở đó nâng cao năng lực nhận thức về vấn đề và cùng nhân viên dưới quyền giải quyết chúng. Ông muốn xác nhận lại tình hình công việc thông qua các câu trả lời.

Nhằm phục hồi và tái thiết Nissan, Carlos Ghosn đã đưa ra kế hoạch cải tổ “Revival Plan” với chủ trương giảm 20% chi phí mua linh kiện sản phẩm từ nhà cung ứng. Kế hoạch được thực hiện không phải nhờ những mệnh lệnh vô lý, buộc cấp dưới phải tuân theo. Ông chỉ “bật” ra câu hỏi: “Chúng ta phải làm gì để thực hiện thành công mục tiêu này?” và khiến nhân viên của mình xem đây như là vấn đề cá nhân và dốc lòng thương thảo với công ty đối tác để xử lý chúng. Có lẽ, nếu ông chọn cách thúc ép nhân viên phải làm theo mệnh lệnh thì Nissan đã không thể “hồi sinh” thần kỳ đến vậy.

Người ta kể rằng, “câu cửa miệng” của Matsushita Konosuke − người được xem như vị thánh trong lĩnh vực kinh doanh tại Nhật Bản là một câu hỏi rất ngắn: “Này, cậu nghĩ sao về vấn đề này?” Khi gặp bất kỳ một nhân viên nào trong công ty, ông luôn đặt ra các câu hỏi nhằm tạo cho cấp dưới thói quen “động não”. Nếu nhân viên được lãnh đạo hỏi ý kiến, họ sẽ có cảm giác “được cấp trên nhờ cậy”. Khi ấy, cùng với sự tăng lên của nhiệt huyết dành cho công việc, khối óc của họ cũng bắt đầu vận hành để học cách đưa ra những câu trả lời đúng cho các câu hỏi của lãnh đạo. Bằng cách vận hành vòng tròn “tịnh tiến tích cực” này, nhân tài trong công ty cũng dần lộ diện và được bồi dưỡng.

ĐỪNG TỰ ĐÓNG MÌNH LÊN TƯỜNG BẰNG CHIẾC ĐINH CỦA NGƯỜI KHÁC

Trong cuốn sách này, tôi xin được giới thiệu “Ma thuật đặt câu hỏi” như một công cụ giúp bạn tìm lại “nhận thức” trong hoạt động kinh doanh cũng như giúp bạn nhanh chóng có được câu trả lời đúng mà bạn đang kiếm tìm.

“Hỏi han làm gì cho dài dòng, sao ngay từ đầu anh không cho chúng tôi câu trả lời luôn đi!”− bạn có từng nghe thấy câu hỏi này vang lên trong đầu không? Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với việc xin ý kiến tư vấn từ các chuyên gia đầu ngành, đắm mình trong hiệu sách hay thư viện để tìm đọc bí quyết thành công hoặc kinh nghiệm thất bại với hy vọng rằng đâu đó ở dãy núi kiến thức đồ sộ kia sẽ xuất hiện câu trả lời mình cần. Chỉ có điều, hầu hết những thứ ta học được từ người khác đều không thể trở thành “của bản thân”. Có thể ta sẽ nhớ chúng khi vừa đọc xong, nhưng rồi thời gian trôi qua và bài học ấy cũng mờ dần trong tâm trí.

Những người trong giới thợ thủ công thường rỉ tai nhau rằng: “Không gì bằng học lỏm bí quyết từ người đi trước.” Trong quá trình trùng tu chùa Hyouryuu hay phục dựng Chính điện của chùa Yakushiji, người ta nhìn thấy sự xuất hiện của nghệ nhân Nishoka Tsunekazu trong vai trò giám sát thi công. Ông nổi danh với kiến thức uyên thâm về các loại gỗ nhưng không hề truyền dạy cho người khác. Có lần, một đệ tử bạo gan năn nỉ, “Xin thầy chỉ giáo cho con!” nhưng ông đã lạnh lùng khước từ, “Hãy tự suy nghĩ đi”; “Hãy nói chuyện với cỏ cây và chăm chỉ làm việc ấy”.

Hirano Masa là huấn luyện viên đã tập huấn trong một thời gian dài cho kình ngư Kitashima Kosuke. Trong suốt sự nghiệp của mình, có một phương châm đào tạo mà ông rất tâm đắc đó là: “Tự vận động viên phải suy ngẫm về cách giành được vị trí dẫn đầu”. Dù khi phong độ của vận động viên đang ở đỉnh cao hay tụt dốc, ông đều đặt ra cho họ những câu hỏi như “Đâu là nguyên nhân của vấn đề?” để hướng học trò của mình đến việc tự tìm ra câu trả lời đúng.

Điểm chung của những bậc thầy về đào tạo nhân tài nằm ở khả năng dạy học trò của họ rằng, “Đừng học máy móc”; “Hãy đặt câu hỏi và tự đưa ra câu trả lời cho chính mình”. Nếu suy luận theo hướng đó, thì khi “lên lớp” người khác, đồng thời ta cũng đang cướp đi cơ hội được “tự nhận thức” của họ?

Tự suy nghĩ và chiêm nghiệm nghĩa là bạn đang có những bước tiến dài trên con đường trưởng thành. Cốt lõi của vấn đề nằm ở việc “tự nhận thức” vì khi đã hiểu ra mọi việc, bạn sẽ nghiêm túc thay đổi tư tưởng, từ đó hành động cũng thay đổi theo. Khi nghe xong một lời chỉ dạy nào đó, ta sẽ dễ dàng thốt lên “Quả là chí lí!” nhưng ta đã thực sự lĩnh hội được mấy phần trong đó? Chính vì thế, hành động sau này của ta trở nên khó thay đổi hoặc nếu có thì cũng không bền lâu. Con người có hai cách để tiếp thu kiến thức: nhớ và khắc cốt ghi tâm. Câu chữ của người khác là thứ bạn có thể dễ ghi nhớ trong đầu nhưng rất khó để đạt đến độ lĩnh hội. Do đó là lời nói của người khác, nên bản thân chúng vốn dĩ không hội tụ đủ sức mạnh cần thiết để xâm nhập sâu hơn vào trái tim và bộ não của ta.

HÃY TỰ TAY VIẾT RA ĐỂ ĐÁNH THỨC NĂNG LỰC NHẬN THỨC

Khi đọc cuốn sách này, bạn hẳn đang muốn tìm kiếm bí quyết tạo ra sự đột phá trong công việc. Song thật đáng tiếc, bí quyết ấy không được viết rõ ra ở đây, thay vào đó, tôi chỉ có thể hỗ trợ bạn trong hành trình tự đi tìm câu trả lời.

Sau đây, tôi sẽ đưa ra cho bạn một câu hỏi, đừng chỉ trả lời nó bằng những ý niệm thoáng qua trong đầu, hãy tự tay viết chúng ra giấy. Bằng cách này, những lo âu hoặc phiền não trong bạn sẽ dần hiện ra, đồng thời tăng cường sức mạnh nhận thức trong bạn.

Bạn đã sẵn sàng giấy bút chưa? Hãy trả lời thật nhanh câu hỏi dưới đây!

Câu hỏi: Nếu doanh nghiệp của bạn phá sản, ai sẽ là người gặp khó khăn và khó khăn đó là gì?

Trả lời:

…………………………………………………………………..

Câu hỏi này được đặt ra nhằm làm nổi bật ưu và khuyết điểm cũng như lý do tồn tại của công ty bạn. Nếu thay cụm từ “công ty” bằng “sản phẩm/dịch vụ”, thì bạn có thể nhận được những thông tin tương tự về đối tượng mới. Hãy coi câu hỏi này là viên gạch đầu tiên, sau đó hãy tiếp tục tự đặt ra vô số những câu hỏi khác để tìm thấy gợi ý giúp bạn giải quyết bài toán tăng doanh thu của công ty mình.

KHI THỜI THẾ BIẾN ĐỘNG, CÂU TRẢ LỜI CÓ THỂ THAY ĐỔI NHƯNG CÂU HỎI THÌ KHÔNG!

Có hàng ngàn cách để chinh phục một ngọn núi, tùy theo sự kết hợp giữa năng lực, quan điểm và đặc trưng của từng cá nhân, mỗi người sẽ có một cách riêng. Một câu hỏi lý tưởng sẽ có vô số cách để trả lời mà nhờ đó, luôn có một lời giải đáp thỏa đáng nhất dành riêng cho mỗi vấn đề.

Đối với cùng một câu hỏi, nếu thời gian hoặc hoàn cảnh thay đổi thì câu trả lời cũng sẽ biến đổi theo. Lời tư vấn bạn nhận được trong thời điểm này có thể rất chính xác, nhưng vào thời điểm khác và khi môi trường kinh doanh thay đổi, có khả năng lời khuyên ấy không còn đúng nữa. Tuy nhiên, dù câu trả lời có bị chi phối bởi nhiều nguyên nhân thì nội dung câu hỏi vẫn là bất biến. Tùy vào mức độ trưởng thành của bản thân, tại mỗi thời điểm, một người có thể rút ra được câu trả lời thích hợp nhất.

HÃY TRANG BỊ CHO BẢN THÂN NHỮNG “CÂU HỎI ĐÚNG”

Khi một người đang bận tâm đến vấn đề mà anh ta chưa có đủ thông tin để suy luận, anh ta sẽ không ngừng “đặt ra” những nghi vấn và tự giải đáp. Hoạt động vấn – đáp trong vô thức này chính là quá trình chúng ta vẫn hay gọi là “suy ngẫm”.

Liệu bạn có biết điểm khác biệt cốt lõi giữa một câu hỏi Đúng và một câu hỏi Sai? Câu hỏi Đúng là loại câu hỏi mà việc cố gắng tìm ra câu trả lời giúp bạn trưởng thành hơn trong việc “nhận thức thế giới” và “tự nhận thức”. Ngược lại, khi cố gắng trả lời câu hỏi Sai, tâm thức của bạn bị nỗi lo sợ, sự bất mãn, ghen tị bao trùm, khiến bạn không thể bình tĩnh giải quyết vấn đề. Những câu hỏi Sai chỉ dẫn bạn tới bế tắc. “Tại sao mình toàn gặp chuyện không may?” hay “Sao lúc đó mình không làm việc ấy?” là hai ví dụ điển hình cho những câu hỏi Sai. Những người đặt ra những câu hỏi trên dần mất đi sự tự tin, rơi vào tình trạng “đóng băng suy nghĩ” và những lời tiêu cực như “mình không thể làm được”, “bỏ cuộc đi thôi” xuất hiện liên tục trong tâm trí. Cứ như vậy, bạn càng suy nghĩ thì những điều khó chịu càng bủa vây, mang lại cảm giác vô cùng sầu khổ cho chính người hỏi.

Càng lún sâu vào khó khăn, bản năng tự phòng vệ trong mỗi người càng trỗi dậy mạnh mẽ và người ta có xu hướng đổ lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh. Giả sử bạn không biết cách điều khiển những câu hỏi thì chúng sẽ chuyển từ Đúng thành Sai và những câu hỏi Sai này sẽ đâm bạn một nhát chí mạng. Tất nhiên, nếu coi trọng việc luyện tập khả năng đặt câu hỏi Đúng và biến nó thành thói quen, thì ta hoàn toàn có thể hóa giải “vòng tuần hoàn đen đủi” thành “vòng tuần hoàn tốt đẹp”.

“Một câu hỏi đúng là gì?”, câu hỏi này sẽ được giới thiệu và phân tích tại chương III, trong phần “Bảy quy tắc vàng giúp bạn thăng tiến ngoạn mục trong công việc”. Khi đã nắm vững các quy tắc trên thì bạn không chỉ dừng lại ở vấn đề công việc hay các mối quan hệ giữa con người, mà còn có thể tăng khả năng “tự nhận thức” về mọi việc liên quan đến bản thân. Hãy chuẩn bị tinh thần vì tôi e rằng những bước tiến mới trong suy nghĩ và hành động sau này của bạn sẽ khiến chính bản thân bạn phải kinh ngạc.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button