Review

Sức Mạnh Của Điểm Dừng

Thể loại Kỹ năng sống – Tâm lý học
Tác giả Terry Hershey
NXB NXB Tổng hợp TP.HCM
Công ty phát hành First News – Trí Việt
Số trang 296
Ngày xuất bản 06-2012
Giá bánXem giá bán

“Tôi ngồi xuống để đọc quyển sách này. Tôi đã phải đọc nó, và chỉ có ngày cuối tuần để thực hiện việc ấy. Đó là nhiệm vụ trong danh sách những việc cần làm của tôi. Trong vòng 10 phút đọc sách, điều gì đó đã xảy ra. Nhiệm vụ đã trở thành trải nghiệm. Tôi nhận thấy mình đã giảm nhiệt độ lại, cảm nhận được hơi ấm của ngọn lửa từ sưởi, cảm thấy thoải mái khi được cuộn mình trong chiếc chăn bông, lắng nghe tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ…Vì vậy bạn hãy tự trao cho mình món quà, đó là tìm đọc cuốn sách này.” – Kathy Cleveland Bull, người dẫn chương trình radio Fromthe Inside Out –

– Trong lúc đang trò chuyện, đã bao giờ bạn nhận ra là “Thật sự mình không hiện hữu ở đây”?

– Bạn có cảm thấy thoải mái khi làm việc đến kiệt sức?

– Có khi nào bạn bị lôi kéo vào quá nhiều hướng đi đến nỗi bạn không còn cảm thấy là chính mình.

Nếu bạn đã từng có những cảm giác, ước mong và trăn trở như vậy, The Power Of Pause sẽ là quyển sách thích hợp dành cho bạn.

– Làm ít hơn để gặt hái được nhiều hơn –

[taq_review]

Trích dẫn

SỢ HÃI & NHẢY MÚA

Xem mình nhảy múa là cách lắng nghe tiếng nói trái tim mình.

– Ngạn ngữ Hopi

Vào những năm 1930 khi Gillian còn là một đứa trẻ, các giáo viên của cô bé lo lắng về khả năng tiếp thu, học hỏi của cô. Cô bé là một trong những học sinh kém tập trung và ít chịu ngồi yên. ADHD(2) khi đó chưa được coi là một triệu chứng y học, vì thế Gillian bị gán cho biệt hiệu là “khó bảo”. Bố mẹ cô bé vô cùng buồn khổ vì chuyện này.

(1) Hopi là một tộc người Da đỏ sống trong vùng bảo tồn ở bang Arizona, Mỹ.

(2) ADHD là từ viết tắt của Attention Deficit Hyperactivity Disorder – Chứng rối loạn không tập trung & hiếu động ở trẻ.

Một chuyên viên tham vấn tâm lý học đường sắp xếp cuộc gặp với Gillian và bố mẹ cô bé để trao đổi về các giải pháp. Suốt buổi gặp, Gillian nhấp nhỏm ngồi trên đôi tay mình, trông cô bé như đang gò ép mình theo khuôn phép, cố gắng hành xử sao cho tự nhiên và ngoan ngoãn. Cuối cùng chuyên gia tâm lý đề nghị gặp riêng bố mẹ Gillian bên ngoài văn phòng. Trước khi ra khỏi phòng, ông ta bật đài lên. Âm nhạc tràn ngập căn phòng. Từ ngoài cửa, vị chuyên gia đề nghị bố mẹ Gillian quan sát con gái họ. Không còn ngồi yên nữa, Gillian bắt đầu di chuyển khắp phòng theo tiếng nhạc – tự do, không buồn phiền, đầy sung sướng.

– Ông bà thấy đấy. – Chuyên viên tâm lý nói với cha mẹ Gillian. – Con gái ông bà không bị bệnh. Cô bé là một vũ công.

Câu chuyện này có thể đã đi theo hướng khác nếu Gillian bị kết luận là mắc bệnh và được chữa trị. Thay vào đó cô bé được tự do sống đúng theo bản năng của mình. Và kết quả là sau này Gillian trở thành một vũ công tài ba trên sân khấu, trên phim ảnh và là biên đạo múa xuất sắc cho các vở diễn kinh điển như Cats (Những chú mèo) và The Phantom of the Opera (Bóng ma trong nhà hát). Gillian bé bỏng, “khó bảo” ngày nào đã trở thành Gillian Lynne vĩ đại.

Xét về khía cạnh nội tâm, mỗi chúng ta đều là vũ công. Đó là phần con người trong ta ứng đáp, tương tác một cách thoải mái, nhịp nhàng theo giai điệu của cuộc sống phong phú này. Nhưng trên đường đời, ta dần đánh mất khả năng ấy. Ta chọn cách sống phòng thủ, khép kín. Những nỗi sợ hãi của bản thân hay của người khác áp đặt lên ta, hạn chế khả năng vốn có của ta, thậm chí chèn lấp cả con người đích thực của ta cùng những năng khiếu mà ta có thể cống hiến cho đời.

Nhảy múa có nghĩa là cởi mở tấm lòng đón lấy cuộc sống với thái độ không dè dặt, không sợ hãi. Giống như khi đứa trẻ bốn tuổi được hỏi:

Cháu có biết hát không? – Nếu cháu không biết lời, cháu sẽ tự tạo ra lời.

Cháu biết chơi nhạc không? – Chỉ cần một cái hộp giấy và cái que là chơi được thôi.

Cháu biết nhảy không? – Hãy xem đây!

Nhưng nếu hỏi người lớn những câu tương tự:

Anh biết hát chứ? – Chỉ trong nhà tắm thôi, sau đó là “tắt đài”.

Anh biết chơi nhạc không? – Hồi đó thì có.

Anh nhảy được chứ? – Với điều kiện là không có ai cười.

Tiếng nhạc rộn ràng từ một ban nhạc Latin đang chơi điệu salsa. Mới tập tành làm quen với sàn nhảy nên tôi nhận thức rõ nỗi sợ hãi của mình, biết rằng bước di chuyển chân trái có thể làm tôi trông như thằng ngốc. Nhưng khi nhìn sang những người khác, tôi thực sự bị mê hoặc. Họ thả hồn theo tiếng nhạc, cơ thể họ uốn éo thật uyển chuyển. Người phụ nữ dạy tôi nói với giọng đều đều: “Đừng nhăn nhó. Anh đang nhăn nhó đấy.” – quả thực tôi thường chau mày lại mỗi khi tập trung. Phải thừa nhận là trông tôi chẳng giống như đang khiêu vũ chút nào, mà là chú ý đếm các bước chân. Tôi đã không để cho tinh thần mình hoàn toàn thư thái; chỉ đơn thuần là mở lòng ra để xúc cảm từ trái tim dẫn dắt tôi di chuyển.

Tôi học được hai bài học từ câu chuyện của Gillian:

Một là, ta không phải là những biệt hiệu, những nhãn mác mà mọi người gán ghép như “khó tính”, “khó bảo” hay “kỳ cục”. Nhịp bước theo giai điệu (tiếng nói) của Tạo hóa, Cội nguồn Ân phúc chính là lựa chọn vượt qua nỗi sợ hãi.

Chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi bằng cách đáp lại tình yêu thương của Tạo hóa. Cha mẹ và chuyên gia tham vấn tâm lý của Gillian thể hiện tình yêu thương đối với cô bằng cách để cho cô được lựa chọn, để rồi trở thành con người sinh ra vốn như thế. Trong khoảnh khắc tĩnh tại của giây phút tạm dừng, chúng ta nghe thấy lời nhắn nhủ đầy yêu thương của Đấng Tạo hóa và cảm nhận được sự tự do, giải thoát. Nhảy múa là sự tương tác, giao hòa với tình yêu đó, làm trái tim nội tâm ta đập lên những nhịp đầy sức sống và không sợ hãi.

Theo như Robert Capon đã từng nói: “Nỗi sợ khiến con người phải sống như học trò bị dạy sai cách chơi đàn. Vì quá lo lắng về những sai sót có thể mắc phải nên chúng ta không chú ý nghe nhạc mà chỉ cố đánh cho đúng nốt”.

Hai là, ta không nghe thấy tiếng nói ân phúc, hay lời mời “khiêu vũ” của Tạo hóa khi cuộc đời ta tràn ngập những ồn ào, vội vã; khi ta phí hoài thời gian, công sức, không ngừng lo sợ tiếng đời.

Điều này cho tôi thêm một lý do thích đáng để tạm nghỉ và để cho giai điệu thiêng liêng của cuộc đời mời gọi mình.

Lời truyền cảm

Nhảy múa, khi bạn cởi mở

Nhảy múa, nếu bạn xé bỏ vết băng

Nhảy múa giữa cuộc chiến đấu

Tinh thần nhảy múa tràn dâng trong máu bạn

Nhảy múa, khi bạn hoàn toàn tự do.

– Dancing with Joy, Rumi

Thực hành tạm nghỉ

Hãy mở loại nhạc bạn thực sự yêu thích và nghe một lát. Kể tên những điều khiến bạn sợ hãi trong lúc âm nhạc đang dìu dắt bạn. Sau đó, hãy để tâm tới âm nhạc và hình dung nỗi sợ hãi đang được thả bay theo những âm thanh tuyệt đẹp đó.

HAI KHÔNG GIAN

Thời gian Sabbath là một giải pháp mang tính cách mạng ngăn ngừa những tác hại khi làm việc quá sức, bởi vì nó đề cao ý nghĩa và tính thiết thực của việc nghỉ ngơi… Trong thời gian Sabbath, chúng ta buông tay cày, để cho mặt đất tự chăm sóc mọi thứ, còn mình thì tận hưởng niềm an lạc, cảm giác được nghỉ ngơi.

– Wayne Muller

Mỗi ngày sau khi tan học, về đến nhà, con trai của một giáo sĩ Do Thái nổi tiếng thường đặt ba lô lên bàn trong phòng ăn rồi ra khỏi nhà bằng cửa sau, lao vào khu rừng phía sau nhà.

Lúc đầu, vị giáo sĩ ít để ý tới hành động đó của cậu con trai. Nhưng sự việc cứ tiếp diễn mỗi ngày, rồi mỗi tuần. Hàng ngày, cậu bé vào rừng đến gần nửa tiếng. Bắt đầu đâm ra lo ngại, Rồi một ngày nọ ông hỏi con:

– Này con trai. Cha để ý thấy hàng ngày con đều ra khỏi nhà và đi vào rừng. Con đang làm gì ở đó vậy?

– Thưa cha, – cậu con trai trả lời, – không có gì phải lo lắng đâu ạ. Con vào rừng để cầu nguyện. Chỉ ở trong rừng con mới nói chuyện được với Đấng Toàn Năng.

– Ồ! – Vị giáo sĩ nói, hoàn toàn nhẹ lòng. -Nhưng là con của một giáo sĩ, con nên biết rằng Người ở đâu thì cũng là một thôi.

– Vâng, thưa cha. Con biết rằng Người là một ở mọi nơi. Nhưng con thì không.

Bằng bản năng, cậu bé biết có hai không gian và cả hai đều quan trọng.

Trong một không gian, chúng ta lao động, sản xuất, hoàn thành nhiệm vụ, hành động và bận rộn. Đó là không gian cần thiết. Ở đây tôi nhận được sự tưởng thưởng – những cái vỗ lưng, trả lương, những lời khen ngợi. Tôi thấy thoải mái trong vai trò này.

Còn ở không gian kia, chúng ta tìm thấy sự yên tĩnh, không gian dành cho việc chiêm nghiệm, cầu nguyện, trầm tư mặc tưởng, không gian để phục hồi, khơi gợi sức mạnh của sự tạm nghỉ và nếu may mắn thì cả giấc ngủ cũng không vướng bận.

Không gian thứ hai này là không gian Sabbath – một không gian ít khi được khuyến khích trong cái thế giới bận rộn, lệ thuộc, đòi hỏi từ nhau, ưa chuộng hình thức bề ngoài, mong muốn mọi thứ diễn ra chớp nhoáng.

Tôi tin rằng trong sâu thẳm tất cả chúng ta đều biết tầm quan trọng của không gian Sabbath. Mỗi người đều có không gian đó, chỉ là ta không biết gọi nó là gì. Kết quả là ta thường thiếu quan tâm đến nó, không dành cho nó sự ưu tiên đáng có.

Không gian Sabbath hay không gian cho sự tĩnh tại nội tâm không cần phải là một khu rừng vắng vẻ. Đó có thể là khu vườn, chỗ ngồi đằng sau tay lái, trên xích đu, bên bờ sông hoặc bờ hồ, hay tại đài phun nước trong công viên. Không gian Sabbath có thể là một góc đặc biệt trong nhà bạn, góc kín nào đó trong thư viện hay là cái ghế trong quán cà phê bạn ưa thích.

Dù cho không gian Sabbath ở đâu, bạn và tôi đều có thể biết ơn sự thông thái của cậu bé con trai vị tu sĩ Do Thái. Cậu bé biết rằng điều quan trọng không phải là không gian vật chất mà hơn hết, cậu là ai khi cậu bước vào không gian đó.

– Con tới đó, – cậu bé nói với cha mình, – để lắng nghe.

Lời truyền cảm

Chúa dẫn tôi tới những vùng nước lặng để cứu rỗi linh hồn tôi.

– Thánh vịnh 23

Thực hành tạm nghỉ

Tìm một không gian giúp bạn lắng nghe hoặc không gian để tạm dừng.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button