Review

Steve Jobs – Những Bí Quyết Đổi Mới Và Sáng Tạo

Thể loại Sách kinh doanh
Tác giả Carmine Gallo
NXB NXB Đại Học Bách Khoa
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 352
Ngày tái bản 01-2012
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Điều làm cho Steve Jobs trở thành một trong những CEO vĩ đại nhất thế hệ mình là sự khác biệt đến điên rồ, là tư duy sáng tạo và đổi mới, chứa đựng trong bất cứ sản phẩm nào ông tạo ra. Ông đã góp phần đưa Apple trở thành một thương hiệu lớn mạnh toàn cầu, với giá trị thị trường lớn nhất nhì nước Mỹ, bởi nền tảng là những nguyên tắc đổi mới tuy giản đơn nhưng lại mang tính cách mạng và tạo nên những thành công đột phá.

Bằng việc theo sát những ví dụ mang tính tầm nhìn của Steve Jobs, độc giả sẽ khám phá ra những cách thức mới mẻ thú vị để mở khóa tiềm năng sáng tạo của bản thân và bồi đắp cho một môi trường khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới. Jobs không mang đến sản phẩm mà khách hàng muốn, thay vào đó, ông mang đến những sản phẩm mà khách hàng sẽ muốn. Steve Jobs – Những bí quyết sáng tạo & đổi mới chia sẻ những chiến lược nổi tiếng và hiệu quả nhất để khơi nguồn cho sức sáng tạo và cải cách thực sự trong bất cứ môi trường công việc nào. Chúng ta sẽ biết cách làm thế nào để thích ứng và đánh bại được những đối thủ mạnh nhất, phát triển những sản phẩm mang tính cách mạng, thu hút những khách hàng trung thành, và phát triển thịnh vượng ngay cả trong những thời điểm đầy khó khăn, thử thách.

Theo Steve Jobs, có 7 nguyên tắc đổi mới:

1. Làm những việc bạn yêu thích

2. Để lại dấu ấn cho nhân loại

3. Kích hoạt cho bộ não của bạn

4. Bán ước mơ chứ đừng bán sản phẩm

5. Nói “không” với 1.000 thứ

6. Tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời

7. Làm chủ thông điệp

“Cải cách là điểm phân biệt giữa một người lãnh đạo và một nhân viên.” – Steve Jobs

[taq_review]

Trích đoạn sách

Nhìn thấy những ý tưởng thiên tài trong sự điên rồ của họ

Những người điên rồ đến nỗi họ nghĩ mình có thể thay đổi thế giới là những người thực sự làm được điều đó.

– QUẢNG CÁO CỦA APPLE

Hội trợ triển lãm Macworld Expo vào ngày 7 tháng Tám năm 1997 có thể đã trở thành hoạt động cuối cùng của Apple. Jobs đã rời xa công ty do chính ông sáng lập suốt 11 năm, và công ty đang cho ra đời những sản phẩm “lờ nhờ” dưới sự lãnh đạo của một loạt các CEO. Giám đốc điều hành John Sculley, Michael Spindler và Gil Amelio, tất cả đều có bằng trên đại học về kinh doanh, kỹ thuật hay vật lý. Họ rất thông minh, trừ một điểm yếu chết người: họ đều không hiểu về khách hàng chủ đạo của Apple. Vì thế, doanh số của Apple tụt giảm từ 11 tỷ đô-la năm 1995 xuống còn 7 tỷ đô-la. Apple đang hao hụt cả về tài chính lẫn nhân công. Rất nhiều nhân viên kỳ cựu của Apple vỡ mộng và từ chức. Một số người thì vẫn phải rời công ty dù không tự nguyện khi Gil Amelio sa thải hàng nghìn nhân viên năm 1996. Apple sắp sửa phá sản. Một công ty đã châm ngòi cho cuộc cách mạng máy tính giờ đây đang đứng trước nguy cơ tàn lụi hoàn toàn.

Trong đợt triển lãm Macworld Expo ở Boston, Steve Jobs – người Amelio đưa trở lại Apple với tư cách là “cố vấn” – đã chiếm trọn sân khấu với những tràng pháo tay vang trời. Ông đọc một vài lời tuyên bố, trong đó có tuyên bố từ chức của Amelio và công bố một ban giám đốc mới. Jobs vẫn giữ vai trò là giám đốc điều hành của Pixar nhưng vẫn điều hành Apple “trong thời gian chuyển tiếp”. Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm không mấy liên quan đến người ra đi, mà tập trung vào người thực sự ở đó, ít nhất là qua phương tiện vệ tinh. Jobs công bố một khoản đầu tư trị giá 150 triệu đô-la từ đối thủ truyền kiếp của Apple, Microsoft. Bill Gates xuất hiện trên một màn hình lớn. Ông được chào đón bởi một tràng pháo tay và những tiếng hò hét. Jobs nhanh chóng bảo vệ Gates và giải thích rằng hai công ty cần hợp tác với nhau vì sự phát triển chung của ngành công nghiệp máy tính, và vì sự sống còn của Apple. Sự kiện còn đáng chú ý bởi chẳng có sản phẩm mới nào được giới thiệu cả. Do đó, báo chí tất nhiên sẽ tập trung vào sự trở lại của Steve Jobs và “thỏa thuận với Microsoft”. Nhìn lại, bài phát biểu đầy cảm hứng đó cho chúng ta cái nhìn sơ bộ về một chiến thuật cải cách đã giúp hồi sinh Apple: Jobs hiểu khách hàng của mình hơn bất cứ ai trong công ty. Ông hiểu nhu cầu, hy vọng, và giấc mơ của họ. Trên hết, ông vui vẻ chấp nhận sự điên rồ của khách hàng.

Khách hàng của chúng ta ở đó để thay đổi thế giới

Trong nhiều tuần trước khi có bài phát biểu ở Boston, Jobs đã hỏi 100 nhân viên Apple câu hỏi: Công ty giáo dục lớn nhất thế giới là công ty nào? Chỉ có hai người đưa ra câu trả lời đúng: Apple. Công ty đã dễ dàng trở thành nhà cung cấp sản phẩm lớn nhất cho cộng đồng giáo dục. Apple chiếm 65% trong tổng số máy vi tính được giáo viên sử dụng. Theo Jobs, nếu những người trong công ty không biết hoặc không đánh giá cao lượng khách hàng trọng tâm của công ty, thì họ không thể tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Ngoài thị trường giáo dục, Apple còn là công cụ điện toán chủ đạo của các cá nhân sáng tạo trong lĩnh vực xuất bản và thiết kế. Jobs dẫn ra ví dụ là: mặc dù thị phần của Apple chỉ chiếm 7%, nhưng máy tính Apple chiếm 80% tổng số máy tính dùng trong quảng cáo, thiết kế đồ họa, chế bản và in ấn. 64% trong tổng số các trang mạng Internet được tạo ra nhờ máy tính Mac. Kiểu người “sáng tạo” rõ ràng là một khách hàng quan trọng của Apple, một tập khách hàng thường xuyên đóng vai trò là đòn bẩy cho Apple hồi phục. Jobs tin rằng Apple đã bỏ qua tập khách hàng sáng tạo này. “Ví dụ 10 – 15% doanh số của Mac đến từ những người có thế mạnh dùng ứng dụng Adobe Photoshop,” Jobs nói với khán giả. “Lần cuối bạn thấy Adobe và Apple cùng marketing cho Photoshop là khi nào? Lần cuối bạn thấy Apple đến hỏi Adobe: Chúng tôi phải làm sao để tạo ra một chiếc máy tính chạy ứng dụng Photoshop nhanh hơn? Là khi nào? Chúng ta sẽ tập trung vào các vấn đề trên.”

Trước bài phát biểu quan trọng của Jobs, một số của tạp chí Wired đã đăng tải một bức ảnh bìa trong đó logo của Apple mọc ra những cái gai. Tiêu đề của bức ảnh là “Cầu nguyện”. Một ấn phẩm khác thì cho rằng “Apple đã không còn phù hợp.” Nếu mọi người đều nhìn thấy một công ty đang hấp hối thì Jobs nhìn thấy một công ty vô cùng phù hợp, bởi ông hiểu khách hàng của mình và vai trò của Apple trong đời sống của họ. Apple đang hoạt động rất hiệu quả, Jobs nói thêm. Vấn đề chỉ là Apple đang đi sai hướng và không đáp ứng đúng nhu cầu của 25 triệu khách hàng cốt lõi của công ty.

Jobs kết thúc bài phát biểu của mình ở Boston bằng một quan sát làm nên một trong những chiến dịch quảng cáo thuyết phục nhất trong lịch sử doanh nghiệp và chuẩn bị cho sự hồi sinh của Apple. Jobs ngừng lại một chút, nói nhỏ hơn và chậm rãi hơn. Ông dành hai phút sau đó để miêu tả tập khách hàng trọng tâm của Apple – kỹ năng, nhu cầu và những mơ ước của họ:

Cuối cùng, tôi muốn nói một chút về thương hiệu Apple và ý nghĩa của nó đối với nhiều người trong chúng ta… Tôi nghĩ bạn vẫn phải suy nghĩ khác biệt khi mua một chiếc máy tính Apple. Tôi tin rằng những người mua chúng là những người suy nghĩ khác biệt. Họ là những cá nhân sáng tạo trên thế giới. Mục tiêu của họ không phải là hoàn thành một công việc; mục tiêu của họ là thay đổi thế giới. Và họ thay đổi thế giới bằng bất cứ công cụ tuyệt vời nào mà họ có được. Và chúng tôi tạo ra công cụ cho những con người như vậy. Hy vọng rằng những gì các bạn nhìn thấy ở đây ngày hôm nay là những bước đầu tiên để các bạn tin tưởng rằng chúng tôi cũng sẽ suy nghĩ khác biệt và phục vụ những người đã mua sản phẩm của chúng tôi ngay từ những ngày đầu. Bởi nhiều khi người ta nghĩ họ điên rồ, nhưng chúng tôi tìm thấy những thiên tài trong sự điên rồ đó, và chúng tôi tạo công cụ cho những thiên tài đó.

Và đây là những người điên rồ

Một tháng sau hội chợ Macworld Expo ở Boston, Apple mở chiến dịch quảng cáo “Suy nghĩ khác biệt.” Chiến dịch nhằm khôi phục hình ảnh Apple sau những năm bết bát vừa qua. Chiến dịch được thiết kế bởi TBWA/Chiat/Day và khởi động vào tháng Chín năm 1997. Chiến dịch nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt, có số lượng người hâm mộ khổng lồ và tiếp tục là trọng tâm trong chuỗi quảng cáo của Apple cho đến năm 2002, một hình ảnh bất diệt trong chiến dịch tạo dựng thương hiệu của Apple. Trong 11 năm trước đó, khi không có Steve Jobs chèo lái, công ty đã để mất địa vị tiên phong. Chỉ mất 30 giây để tái tạo hình ảnh đó. Đoạn quảng cáo truyền hình đã thành công rực rỡ bởi nó nhắc nhở các nhân viên của Apple rằng khách hàng của họ là ai; còn đối với khách hàng, nó giúp họ củng cố niềm tin rằng họ đang làm việc với một doanh nghiệp hiểu nguyện vọng và ước mơ của họ.

Phim quảng cáo của chiến dịch “Suy nghĩ khác biệt” mang tên là “Crazy Ones” (Những kẻ điên rồ). Đó là một trong những chiến dịch quảng cáo tiên tiến nhất mọi thời đại. Trong thước phim quảng cáo đen trắng, một loạt hình ảnh các anh hùng, nhà tư tưởng, phát minh và các nhân vật nổi loạn xuất hiện trên màn hình: Albert Einstein hút tẩu, Bob Dylan thổi kèn ác-mô-ni-ca, Martin Luther King Jr. đọc diễn văn “Tôi có một giấc mơ”, Richard Branson lắc một chai rượu sâm panh, Martha Graham đang múa và Picasso đang vẽ tranh. Khi những hình ảnh đầy cảm hứng đó xuất hiện trên màn hình, diễn viên Richard Dreyfuss đọc một bài thơ tự do, dù không được viết bởi Steve Jobs nhưng phản ánh niềm tin của ông vào tinh thần khám phá:

Và đây là những con người điên rồ. Những kẻ lập dị. Nổi loạn. Gây rối. Họ giống như những nắp vuông úp trên chiếc nồi tròn. Họ nhìn mọi vật khác với lẽ thường. Họ không ưa các nguyên tắc. Họ ghét sự trì trệ của hiện trạng. Bạn có thể lấy họ làm ví dụ, có thể bất đồng với họ, vinh danh hay đả kích họ. Nhưng bạn không thể không chú ý tới họ. Bởi họ thay đổi thế giới và đưa nhân loại tiến lên. Và trong khi một số người coi họ là những kẻ điên khùng, chúng tôi lại nhìn thấy những thiên tài. Bởi những người đủ điên rồ để nghĩ họ có thể thay đổi thế giới chính là những người thực sự làm được điều đó.

Nghe lời đọc của Dreyfuss có sức lay động hơn so với việc tự đọc đoạn trích trên. (Bạn có thể xem trên Youtube tại địa chỉ youtube.com/watch?v=XUfH-BEBMoY). Bạn rất nên xem nó để thấy Dreyfuss đã tài năng như thế nào khi làm cho những con chữ trên trang giấy trở nên sống động. Steve Jobs nói mục đích của chiến dịch là nhắc nhở các nhân viên của Apple các vị anh hùng trong lòng họ là ai. Nó cũng nhắc nhở khách hàng hãy tin tưởng vào bản thân, vào những hy vọng, ước mơ của họ. Đoạn quảng cáo kết thúc với hình ảnh một cô bé mở to mắt như thể cô bé nhìn thấy những cơ hội đang mở ra phía trước. Thông điệp ẩn chứa trong đó là những người sử dụng máy tính của Apple cũng có thể nhìn thấy những cơ hội mà người khác không nhận ra. Họ là những “con người sáng tạo” trên thế giới, là những nắp vuông trên chiếc nồi tròn. Apple đang nói chuyện trực tiếp với họ.

Chiến dịch quảng cáo cùng với sự xuất hiện của Jobs trước đó tiết lộ một điểm khác biệt vô cùng lớn giữa các nhà cải cách cấp tiến và những kẻ theo sau tầm thường: kiểu người thứ nhất tin tưởng vào ước mơ và khả năng thay đổi thế giới của khách hàng, kiểu người thứ hai coi khách hàng là những đồng đô-la, không hơn không kém.

Bạn đọc cảm nhận

Lưu Hoàng Bắc

Steve Jobs chắc có lẽ ai cũng biết về ông, 1 CEO thiên tài, người sáng lập ra Apple. Mọi người đều biết về những thành công của ông và chắc hẳn ai cũng biết thành công lớn lao nhất của ông bắt đầu từ sự sáng tạo và lao động không ngừng nghỉ. Bằng chứng là Iphone qua nhiều thế hệ vẫn nắm vững được thị trường hàng đầu thế giới dù giá cả chẳng phải bình dân. Vì sao? Vì qua từng thế hệ Iphone càng ngày càng tân tiến hơn, nhiều chức năng hơn khác hẳn với thế hệ trước. Cũng nhờ sự sáng tạo mà đổi mới luôn chạy trong cơ thể Steve Jobs mỗi ngày nên ông mới có khả năng tạo ra những sản phẩm xuất chúng như thế.

“Steve Jobs – Những Bí Quyết Đổi Mới Và Sáng Tạo” là bài học cho những người luôn tuân thủ theo nguyên tắc, không biết thế nào là sáng tạo. Bạn đừng ngại làm những gì mà bạn thích và đừng ngại thử ngay cả khi bạn cho điều đó cuối cùng rồi cũng sẽ thất bại vì đâu ai biết trước được tương lai. Và nếu bạn luôn làm theo khuôn khổ thì làm sao não bạn hoạt động được hết công suất để tạo ra những nếp nhăn, khiến bạn ngày càng thông minh hơn.

Steve Jobs đã để lại quá nhiều bài học hay cho thế hệ chúng ta, thử một lần học theo ông xem, chắc chắn bạn sẽ thành công, từ một góc nhìn nào đó.

Bắt đầu từ “Steve Jobs – Những Bí Quyết Đổi Mới Và Sáng Tạo” là một việc làm hiệu quả.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button