Review

Sẽ Có Cách, Đừng Lo

Thể loại Sách Văn Học – Tiểu Thuyết
Tác giả Tuệ Nghi
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Minhchaubooks
Số trang 192
Ngày xuất bản 12-2015
Giá bánXem giá bán

Tản văn Sẽ có cách, đừng lo với lối viết gần gũi, những tự sự, trăn trở về tình yêu, chuyện đời – chuyện người. Cuốn sách như một người bạn động viên tác giả cũng như đem lại niềm tha thiết yêu cuộc sống cho độc giả, thể hiện năng lượng sống tích cực khi đứng trước những điều tưởng chừng như rất khó vượt qua.

“Nếu cánh cửa này đóng lại, bạn sẽ chọn mở tiếp cánh cửa khác hay bất lực trong oán trách vô vọng?

Người có thể dối ta, nhưng ta tuyệt đối không bao giờ tự dối chính mình. Không có điều gì là mãi mãi, kể cả những nỗi buồn cũng thế!

Cuộc sống là muôn vạn những chữ “Ngờ”, chúng ta không học được chữ “Ngờ”, càng không thể đoán biết trước được nó sẽ đến lúc nào. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể học cách đón nhận nó, một cách tích cực và thanh thản nhất có thể…

Có người sẽ vì những đắng cay ngang trái ở đời mà gục ngã, mất hết niềm tin sống lẫn nhuệ khí sinh tồn. Nhưng cũng có người càng bất hạnh, càng nghịch cảnh thì động lực vươn lên trong họ lại càng lớn. Họ nén hết cay đắng xuống, tạo thành một lực đẩy để bật ra khỏi vũng lầy dưới chân mình.

Mọi thứ đều sẽ có cách giải quyết, nút thắt nào cũng sẽ có cách để mở, người cần đến sẽ đến và người cần đi sẽ buộc phải ra đi. Sẽ có cách, đừng lo!”

Nhận xét về Tuệ Nghi

“Cô nàng tổng giám đốc 9x xinh đẹp khiến nhiều bạn trẻ khâm phục bởi sự nghị lực, không đầu hàng nghịch cảnh, thể hiện năng lực qua việc kinh doanh, viết sách… Tờ New York Times của Mỹ từng nhắc đến Tuệ Nghi là một cô gái có tuổi thơ khốn khó nhưng nhờ sự bền bỉ, không đầu hàng số phận để đi đến thành công. Vừa qua, Tuệ Nghi xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia nước cộng hoà Slovenia trong một đoạn phỏng vấn về vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn đổi mới. Phong thái chững chạc của một nữ doanh nhân trẻ khiến nhiều bạn trẻ vừa thán phục vừa mơ ước.”

(Theo Vnexpress)

“Sau những sóng gió, Tuệ Nghi thu mình lại, đem hết những chất chứa về chuyện mình, chuyện đời… vào những trang sách. Ra mắt tác phẩm “Sẽ có cách, đừng lo” không phải để Nghi chứng tỏ “tôi vẫn ổn!”, mà hơn hết nó là một người bạn đã cùng Nghi đi qua những tháng ngày tưởng chừng như khó khăn nhất. Tác phẩm như một sự động viên cho Nghi, cho những ai đang gặp phải những chuyện không vui, những lo toan thường nhật, những đớn đau rất con người…”

(Hoàng Trang- Biên Tập Viên NXB Văn Học)

“Gặp Tuệ Nghi lần đầu trong một buổi trà chiều Sài Gòn, trước mắt tôi là một cô gái mong manh nhưng ánh mắt đầy “nội lực”… Không còn “gồng” mình với những con số kinh doanh, những kế hoạch chiến lược…, chỉ còn lại những câu chuyện dung dị rất đời, rất phụ nữ, rất bình thường… Bất giác, cô ấy khóc! Tôi biết cô ấy không dễ khóc. Và đột nhiên tôi nghĩ, người phụ nữ này xứng đáng được yêu thương! Tác phẩm “Sẽ có cách, đừng lo” ra đời cũng từ những giọt nước mắt ấy, như một món quà của niềm ủi an, niềm hân hoan cuộc sống… trân thương dành tặng các quý độc giả.”

(Thảo Minh Châu- Giám đốc Minh Châu Books)

[taq_review]

Trích đoạn

Hạnh phúc từ trong tâm

Thỉnh thoảng, khi thức dậy, tôi lại chào buổi sáng bằng tiếng thở dài. Cuộc đời là một chuỗi những âu lo, làm sao tránh khỏi những lúc hoang mang không biết đời mình rồi sẽ ra sao? Giới hạn giữa được và mất quá mong manh, có rồi lại mất, ngày hôm qua còn là của mình nhưng có ai biết được đến hôm nay hay ngày mai liệu có phải sẽ trở thành của người khác hay không?

Tôi cuống cuồng tìm cách níu gĩư những thứ mình mất đi, tôi mệt nhoài trong mỗi phút phải gồng mình hứng chịu những cơn mưa đời không biết đến bao gìơ mới tạnh.

Tôi đã từng ước,giá mà tôi được trở lại tuổi thơ, khi mà những ước mơ của tôi chỉ dừng lại ở tấm áo mới, cuốn truyện tranh. Tuổi thơ là khi tôi dễ dàng tìm được cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc nhất, chỉ cần được nghỉ học một buổi là đã cảm thấy mình ngập tràn trong hưng phấn của năng lượng hạnh phúc mang lại. Nhưng gìơ đây tôi rất khó để tìm về cảm giác đó. Hạnh phúc nhất là khi được làm trẻ con, dù rằng thời trẻ con thì cứ mong được làm người lớn.
Chiều tắt nắng, tôi đi bộ tha thẩn trên phố, thấy dòng đời vẫn hối hả, có lẽ tôi đã lạc trong sự hối hả đó quá lâu. Có quá nhiều những áp lực đè nén trong lòng khiến đôi khi tôi không biết mình thực sự cần gì, muốn gì, và đâu mới là thứ thật sự khiến tôi hạnh phúc.

Bất giác, tôi thở dài giữa dòng đời tấp nập những tiếng thở dài khe khẽ. Tôi dừng chân dưới một căn chung cư cũ kỹ, leo hết những nấc cầu thang nhỏ bé đầy rêu phong, ghé vào một quán cà phê nhỏ. Catinat chiều mưa vẫn buồn và lắng đọng như thể, tình khúc Phú Quang da diết đưa tôi ra khỏi những câu hỏi ” vì sao” cứ bủa vây lấy tôi mỗi lúc lạc lòng.

Buổi chiều bao trùm hình bóng nhỏ nhoi bên góc ban công thẫn thờ nhìn ra phố. Cuộc đời là những niềm vui chưa tày gang, là những nỗi buồn cứ bám riết lấy ta không nguôi. Đời dù ô trọc mà vẫn phải gượng cười, đời dù cay đắng mà vẫn phải nuốt ngược vào trong. Những cuộc chiến ở đời, ai thắng ai thua rồi cũng phải về lại với cát bụi. Gọi là cõi tạm mà sao phải khổ như thế?

Tôi để đôi chân trần được nghỉ ngơi trong chốc lát trước khi lại mệt nhoài ngược xuôi trên đường đời. Tôi nhận ra rằng hạnh phúc là vô hình, là khi ngồi ở đây, nhìn qua kẽ lá thấy mưa bắt đầu rơi tí tách, cuộc đời lững thững trôi, gánh hàng rong vẫn xuôi ngược giữa tấp nập thành thị, kẻ khóc người cười, hỉ nộ ái ố, tôi bước ra khỏi những cuộc chiến vô nghiã trong cô độc. Tôi thứ tha cho những thứ đã làm mình đau đớn, sự tha thứ đó chính là món quà dành cho chính tôi, để tôi có thể thanh thản mà bước tiếp bởi không ai có thể đi xa nếu cứ gánh theo trên vai những uất hận ở đời.

Hạnh phúc là khi tôi được bình an.

Mọi thứ đều sẽ có cách giải quyết, nút thắt nào cũng sẽ có cách để mở, người cần đến sẽ đến và người cần đi sẽ buộc phải ra đi.

Đừng vội ” trông mặt mà bắt hình dong”

Thời còn phụ việc ở một ” showroom” xe hơi, tôi từng chứng kiến một việc mà mãi tận sau này tôi vẫn ghi nhớ và coi đó như một bài học cho cuộc sống lẫn công việc kinh doanh của tôi.

Một buổi sáng trời mưa tầm tã, có một vị khách đến hỏi về các mẫu xe bán tải. Tại thời điểm đó, dường như không một nhân viên kinh doanh nào đứng dậy bước ra tiếp ông, tôi đoán có lẽ là vì dáng vẻ của vị khách kia không mấy làm họ hào hứng. Ông ta mặc một bộ đồ cũ sờn bạc thếch, nước mưa ướt sũng càng làm cho bộ quần áo thêm phần thảm hại, chiếc xe 67 từ thời ” một nghìn chín trăm hồi xưa lắm” được ông dựng tạm ở trước cửa, bảo vệ cũng chẳng buồn đưa thẻ xe. Cứ thế ông đi vào, sờ hết chiếc xe này đến chiếc xe khác. Một bạn nhân viên định đứng lên đuổi ông đi nhưng mọi người ngăn lại vì sợ sếp tổng sẽ xem được qua camera và khiển trách. Thế là họ đùn đẩy tôi ra để tiếp đón vị khách kia vì tôi đang là nhân viên thử việc.

Tôi bước ra, lễ phép chào hỏi, tận tình tư vấn bởi vì trong suy nghĩ của tôi lúc đó thì đây là công việc của tôi, tôi nhận lương để làm tốt vai trò này và việc bán được hàng hay không chưa quan trọng bằng việc tôi đã làm hài lòng người đến xem xe. Hơn hai tiếng đồng hồ vã mồ hôi vì những câu hỏi đi hỏi lại của vị khách kia, về kết cấu xe, về màu sắc, về hạn bảo hành…tôi bắt đầu cảm thấy thấm mệt. Những nhân viên khác thì nhìn ông bằng đôi mắt xem thường ra mặt và tất nhiên họ cũng không quên ném một cái nhìn đầy thương hại cho sự “vất vả” của tôi.
Bỗng ông vỗ tay “đánh bộp” lên chiếc mui xe, dõng dạc nói rõ từng chữ:” Bác lấy hai chiếc này, thanh toán tiền mặt nhé!”

Tôi trợn mắt, tám nhân viên có mặt tại đó bỗng sững sờ như những pho tượng, ánh mắt của mọi người thật khó mà diễn tả. Nó vừa thất sắc, vừa bất ngờ, vừa hoài nghi mà lại như “tiếc nuối”. Sau câu nói gây “chấn động” đó, vị khách kia rút điện thoại ra gọi cho ai đó. Mươi, mười lăm phút sau, một chiếc xe ô tô khác chở một bao tải tiền đến để ký hợp đồng mua xe. Người mang tiền đến ăn mặc đẹp hơn, áo sơ mi hàng hiệu, giày tây bóng loáng, và là “đệ tử” của người đàn ông lôi thôi lếch thếch với chiếc xe cà tàng mà chúng tôi đã nhìn thấy.

Hợp đồng mua bán được ký nhanh gọn, tôi được nhận vào làm nhân viên chính thức ngay ngày hôm đó. Nhìn theo bóng vị khách kỳ quái đang rướn người đạp nổ chiếc xe 67 cũ kỹ với chiếc càng như đang muốn long ra sau mỗi lần đạp của ông, tôi cảm thấy mình đã học đựơc một bài học quá lớn trong cuộc đời. Đối với con người, đừng vội “trông mặt mà bắt hình dong”!

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button