Review

Sáu Ngày Của Thần Ưng

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả James Grady
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Đông A
Số trang 240
Ngày xuất bản 02-2017
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Một cuộc trò chuyện tưởng chừng như vô thưởng vô phạt lại là mở đầu cho một loạt biến cố khủng khiếp đối với Ronald Malcolm. Trở về văn phòng và phát hiện tất cả đồng nghiệp của mình đã bị sát hại, Malcolm thấy mình đối diện với nguy cơ bị thủ tiêu bởi những kẻ thù giấu mặt. Đang là một nhân viên bàn giấy nhàn rỗi thuộc một bộ phận hết sức nhạt nhẽo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, bỗng dưng Malcolm bị đẩy vào hoàn cảnh phải chạy trốn sự săn lùng của cả CIA lẫn những kẻ đã giết các đồng nghiệp của mình. Sáu ngày chạy trốn ấy là sáu ngày dài nhất trong đời anh với những cuộc đấu trí căng thẳng, những lần đấu sức nguy hiểm tưởng như phải bỏ mạng; tất cả vì mục đích vạch trần âm mưu của kẻ thù và rửa sạch mối hiềm nghi cho bản thân.

Sáu ngày của Thần Ưng nằm trong top “100 cuốn sách phải đọc” của Hiệp hội Nhà văn Trinh thám Quốc tế; và nhân vật Thần Ưng trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều sê-ri phim truyền hình Mỹ. Hơn thế nữa, bộ phim chuyển thể Ba ngày của Thần Ưng cũng thành công vang dội với các giải thưởng danh giá của ngành điện ảnh. Tác phẩm là chìa khóa mở ra cho James Grady những cơ hội tuyệt vời, là đứa con tinh thần mà ông luôn biết ơn và rất đỗi tự hào.

Nhận định

“Một cuộc săn lùng và truy đuổi nghẹt thở … mỗi bước ngoặt đều là một bất ngờ!”

(Tạp chí Publishers Weekly)

“Một tiểu thuyết tình báo gây cấn với tốc độ nhanh chóng mặt … không một giây phút ngơi nghỉ.”

(Tạp chí Library Journal)

[taq_review]

Bạn đọc cảm nhận

Winny Nguyễn

Tại một tiểu ban bí mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA với vỏ bọc là Hội Văn – Sử, một nhân viên kế toán phát hiện một sai sót lớn trong chứng từ về số sách nhận được. Anh ta liền báo cáo lên cấp trên mà không biết được rằng đó chính là tấm vé tử của chính mình và những đồng nghiệp. Duy nhất chỉ có Ron Malcolm là may mắn thoát khỏi, nhưng ngay sau đó đã lập tức trở thành mục tiêu truy đuổi của CIA và của kẻ thù. CIA lúc này đã không còn đáng tin và an toàn với những điệp viên hai mặt, còn kẻ thù thì quyết tâm tìm giết anh. Từ một nhân viên bàn giấy bình thường, Malcolm phải đối phó với những cái đầu tình báo hàng đầu, đối mặt với những sát thủ dày dặn kinh nghiệm và chứng kiến nhiều người lần lượt ngã xuống ngay trước mắt. Để giữ tính mạng, Malcolm buộc phải lẩn trốn và ẩn thân trong lúc tính mạng ngàn cân treo sợi tóc đồng thời tìm cách báo động với CIA về sự thật mà anh tình cờ được biết và khám phá ra chân tướng của kẻ thù giấu mặt…

Truyện diễn biến nhanh ngay từ những trang đầu tiên và liên tục, liền lạc đến tận trang cuối cùng. Những nhân vật ẩn danh thiện ác lẫn lộn, lật mở ra mặt tối của một tổ chức tình báo hàng đầu thế giới vốn không hề thanh bạch và liêm khiết như mọi người vẫn nghĩ – vẫn luôn có những con sâu làm rầu nồi canh lợi dụng chức quyền để đục khoét mục ruỗng từ bên trong. Đó là những người sẵn sàng lật đổ sự thật và xóa sạch những ai cản đường không chút run tay để bảo vệ lợi ích và quyền lực của mình. “Sáu ngày của Thần Ưng” là một quyển tiểu thuyết tình báo rất đặc trưng của Mỹ: diễn biến nhanh, hấp dẫn, gọn ghẽ, đậm chất hành động, còn Malcolm là đại diện cho sự thông minh, nhạy bén, bản lĩnh khi đối diện với nguy hiểm. Và cuối cùng, công lý vẫn chiến thắng. Truyện đã được chuyển thể thành phim điện ảnh “Ba ngày của Thần Ưng” và dành được nhiều giải thưởng danh giá.

Truyện được xuất bản năm 1974 nên được xem là kinh điển. Vì thế nội dung rất điển hình kiểu Mỹ: một nhân vật bình thường bỗng chốc trở thành nạn nhân kiêm người hùng bất đắc dĩ, bị kẻ thù săn đuổi nhưng bằng sự khôn khéo và cả may mắn đã có cơ hội sống sót để lật mặt kẻ thù, phơi bày sự thật và trở về cuộc sống bình yên. Vì thế mình không rõ truyện này chính là cảm hứng và được xem là kinh điển cho những truyện, phim hình sự – tình báo của Mỹ về sau hay là truyện không thoát khỏi cái bóng điển hình dễ đoán (hy vọng là trường hợp 1). Truyện điển hình từ mọi thứ: nhân vật chính, những kẻ hai mặt, kẻ đứng đằng sau mọi chuyện, động cơ của hung thủ… Nó cũng không có những cú lắt léo khó đoán nên truyện chỉ thuần là săn đuổi – chạy trốn. Với nội dung trinh thám – tình báo thế này, mình sẽ thích “Đứa trẻ thứ 44” của Tom Rob Smith hơn, nó kịch tích, dữ dội và khó có thể đoán trước.

Đánh giá: 3.5/5.
Yêu thích: 3/5.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button