Review

Ruồi Trâu

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Ethel L. Voynich
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Trí Việt
Số trang 550
Ngày xuất bản 08-2012
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


Tác giả là một nữ sĩ người Anh mới nhất gần đây, thọ chín mươi sáu tuổi, thời thanh niên đã từng hoạt động cách mạng ở Nga và cuốn tiểu thuyết của bà lại nói về những nhà hoạt động cách mạng bí mật ở Ý cách đây trên một thế kỷ.

Cả cuốn sách chứa chan một thế giới quan nhân đạo, lòng yêu và quí trọng phẩm chất con người. Từng nhân vật trong cuốn truyện, từ Ruồi Trâu đến những nhân vật phụ, những bạn chiến đấu gần và xa của anh, không nhân vật nào là không có cá tính sâu sắc của mình. Bản thân nhân vật Ruồi Trâu không phải là một nhân vật cứng đờ, mà ở anh người ta thấy rõ người cách mạng cũng là con người giàu tình, giàu cảm nhất.

Tình cảm của Ruồi Trâu rất mãnh liệt.Chính vì thế mà cho đến chết anh vẫn không dứt tình yêu đối với Môntaneli. Thương yêu có thể là mê đắm mà không yếu đuối, không một chút nào yếu đuối , tha thứ hay khoan nhượng. Quan hệ giữa Ruồi Trâu và Môntaneli phát triển hết sức kỳ dị mà cũng hết sức logich và chân thật Cha hãy chọn đi, hoặc Giêsu hoặc con. Cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa hai người cùng dòng máu, tưởng không thể nào sống không có nhau mà lại là hai kẻ thù không đội trời chung về tư tưởng, là những trang sách có sức nổ lớn trong tâm và trí người đọc.

[taq_review]

Trích dẫn


Mặt trời vừa khuất, ông bảo:

– Tạnh mưa rồi, carino. Mà đây cũng là dịp duy nhất cho ta ngắm được cảnh hồ. Đi đi, cha muốn nói chuyện với con.

Họ men theo bờ hồ, đến một nơi tĩnh mịch, rồi ngồi lên bức tường đá thấp. Sát cạnh họ là một bụi hồng dại chi chít quả đỏ tía, trên cành cao còn lắt lẻo đôi ba đóa hoa nhỏ màu trắng sữa đang đu đưa sầu thảm và đầm đìa giọt mưa. Trên mặt hồ xanh rờn là một con thuyền nhỏ với những cánh buồm trắng phơ phất đang dập dềnh trong làn gió nhẹ ẩm hơi sương. Con thuyền nhẹ tênh và mảnh khảnh trông giống như một chùm hoa bồ công anh đã kết hạt trắng như bạc buông trôi trên mặt nước. Cao cao trên ngọn Monte Salvatore[34], cửa sổ một túp lều mục dân nào đó mở ra một con mắt vàng óng. Những đóa hồng cúi đầu ủ rũ, mơ ngủ dưới những áng mây tĩnh lặng tiết tháng chín, nước hồ rào rạt và rì rầm nhỏ nhẹ trên những viên cuội ven hồ.

Montanelli bắt đầu nói:

– Đã lâu rồi, chỉ mãi đến bây giờ cha mới có dịp bình tĩnh nói chuyện được với con. Rồi đây con sẽ trở về với công việc nhà trường, với chúng bạn, còn cha thì cũng sẽ rất bận trong suốt mùa đông tới. Cha muốn biết thật rõ, rồi đây cha con ta sẽ ăn ở với nhau ra sao, và do vậy, nếu con… – Ông ngừng một chút rồi nói tiếp chậm rãi hơn. – Nếu con cảm thấy rằng vẫn có thể tin cậy cha được như vốn đã tin cậy xưa nay thì cha muốn con nói rành mạch hơn lúc ở trong vườn chủng viện tối hôm ấy, cho cha biết rằng con đã đi xa đến mức độ nào.

Arthur nhìn ra mặt nước, bình tĩnh lắng nghe và nín lặng.

Montanelli nói tiếp:

– Nếu có thể nói cho cha biết được, thì điều cha muốn biết là phải chăng con đã ràng buộc mình bằng một lời thề[35] hoặc… bằng một cách nào khác.

– Padre yêu quý, con chẳng có gì để nói cả đâu. Con chẳng ràng buộc gì mình cả, nhưng con vẫn bị ràng buộc.

– Cha không hiểu…

– Những lời thề phỏng có ích gì? Ràng buộc con người không phải là lời thề. Nếu mình có một cảm nhận nhất định đối với một điều gì, chính cái đó nó gắn bó mình với điều ấy. Nếu mình không có một cảm nhận như vậy, thì chẳng có gì ràng buộc được mình cả.

– Vậy ý con là điều đó… điều… cảm nhận ấy là không thể thay đổi được nữa sao? Arthur, con đã nghĩ kỹ về những lời con nói chưa?

Arthur quay mình lại, nhìn thẳng vào mắt Montanelli:

– Padre, cha hỏi con có thể tin cậy cha không? Quả thế đấy, nếu có gì để nói thì con đã nói cha nghe rồi, còn những chuyện này nói cũng chẳng ích gì. Con vẫn không quên và sẽ không bao giờ quên những lời cha nói với con tối hôm ấy. Nhưng con phải đi con đường của con, đi theo vầng sáng mà con đã thấy được.

Montanelli ngắt một đóa hoa nhỏ khỏi bụi hồng, bứt hết mọi cánh hoa mà hất cả xuống nước.

– Con nói đúng, carino. Phải, ta đừng nhắc đến những chuyện ấy nữa. Hình như đúng là thế đấy, nói nhiều cũng chẳng ích gì… Được, được, ta về thôi.

***

Thu và đông trôi qua không có việc gì xảy ra. Arthur học rất chăm nên chẳng mấy lúc rỗi. Tuy vậy, mỗi tuần một hoặc vài lần, anh vẫn cố tìm thời giờ đến thăm cha Montanelli dù chỉ là ít phút. Đôi khi anh còn mang cả cuốn sách khó đọc nào đó đến nhờ cha giảng giúp, nhưng ngay cả những lúc ấy câu chuyện cũng chỉ xoáy vào chủ đề học tập mà thôi. Tuy không quan sát được, mà chỉ cảm thấy có một hàng rào mong manh, không thể nắm bắt, đã ngăn cách họ, Montanelli cố tránh mọi điều gì tỏ ra mình muốn níu kéo lại mối quan hệ khăng khít xưa kia. Những lần Arthur đến thăm bây giờ chỉ đem lại cho Montanelli nhiều cay đắng hơn là ngọt bùi, cho nên tình trạng thường xuyên phải cố gắng làm ra vẻ thanh thản và đối xử y như không có việc gì xảy ra, quả thật là gay go. Về phần mình, Arthur cũng đã nhận thấy có sự thay đổi tế nhị trong cung cách đối xử của Padre[1] và, tuy vị tất anh đã hiểu, mà mới phảng phất cảm thấy rằng điều này có liên quan gì đó tới câu chuyện cấn cá về “những tư tưởng mới”, nên anh cũng hết sức tránh đả động đến nội dung mà mình vẫn hằng suy nghĩ ấy. Nhưng dù sao Arthur vẫn chưa bao giờ yêu Montaneli một cách sâu sắc như bây giờ. Trước kia, mỗi khi mờ mờ và khắc khoải cảm thấy không hài lòng và trống rỗng trong tâm hồn thì anh lại dốc sức miệt mài nghiên cứu khoa thần học, và chú tâm phụng sự mọi nghi lễ Giáo hội để khỏa lấp cảm giác ấy. Nhưng từ khi tiếp xúc với “Nước Ý trẻ”[2], cảm giác ấy đã tan biến không để lại dấu vết. Mọi ảo giác ốm yếu phát sinh từ nỗi cô đơn và những đêm săn sóc mẹ bên giường bệnh nay đều đã qua đi, cả đến những mối hoài nghi, trước kia anh thường dùng cầu nguyện để xua đuổi, nay cũng đã mất dạng không phải dùng đến phép trừ tà nào cả. Cùng một lúc với sự bừng tỉnh của niềm hăng say mới, của một lý tưởng mạch lạc hơn và tươi tắn hơn về tôn giáo (vì theo anh phong trào sinh viên đã xuất hiện trong ánh sáng ấy nhiều hơn là ánh sáng phát triển của tình hình chính trị), Arthur còn thấy có một cảm giác thư thái và viên mãn về hòa bình trên trái đất và thiện chí với con người. Và trong tâm trạng hoang lạc vừa nghiêm lại vừa dịu dàng này, anh thấy dường như thế giới chan hòa ánh ánh sáng mới. Anh đã tìm thấy một nhân tố mới rất đáng yêu nào đó trong con người, ngay cả ở những người mà trước kia anh thấy khó ưa nhất. Bởi vậy, nếu như năm năm qua, Montanelli đối với anh đã là một đấng anh hùng lý tưởng, thì ngày nay, trong con mắt anh, ông đã có thêm một vòng hào quang mới trên đầu, vòng hào quang của nhà tiên tri tiềm ẩn cho đức tin mới. Anh háo hức say mê nghe các bài giảng của Padre, cố tìm ra dấu vết mối liên quan huyết mạch giữa những bài giảng ấy với lý tưởng cộng hòa. Anh cố công nghiền ngẫm các sách Phúc âm[3] và hân hoan với những khuynh hướng dân chủ đạo Cơ đốc[4] lúc mới khởi nguồn.

Một ngày tháng giêng, Arthur đến chủng viện để trả cuốn sách đã mượn. Nghe nói cha Giám đốc đi vắng, anh bèn lên thư phòng của Montanelli. Anh đặt sách lên giá, sắp bước ra, thì bỗng nhác thấy tên một quyển sách nằm trên bàn giấy. Đó là cuốn “De Monarchia”[5] của Đantê. Anh cầm lên đọc và phút chốc đã mê mải đến nỗi cửa phòng mở ra rồi đóng lại mà anh vẫn không hay. Chỉ mãi tới khi sau lưng vang lên tiếng Montanelli thì anh mới sực tỉnh và thôi đọc.

Padre liếc nhìn tên sách rồi nói:

– Không ngờ hôm nay con lại đến. Cha vừa định cho người đi hỏi xem tối nay con có đến đây được không.

– Có gì quan trọng, thưa cha? Tối nay con đã có hẹn rồi, nhưng con sẽ thôi không đi, nếu…

– Thôi, mai cũng được. Cha muốn được gặp con vì thứ ba này cha đi rồi. Cha được triệu về Roma[9].

– Về Roma ư? Có lâu không ạ?

– Trong thư chỉ nói là “cho tới sau lễ Phục sinh”[10] thôi. Thư từ Vatican. Cha đã định cho con biết ngay, nhưng cha quá bận, lúc thì bận sắp đặt công việc của chủng viện, lúc lại bận thu xếp đón cha Giám đốc mới.

Bạn đọc cảm nhận


Quinn

Một câu truyện tuyệt vời. Vừa đọc vừa khóc là trạng thái của tôi. Athur, một con người kiên đinh, ông đã có kế hoạch gì thì chắc chắn ông sẽ thực hiện kế hoạch đó. Một con người một lòng trắc ẩn xuyên suốt tác phẩm. Tôi cũng là người theo quan niệm vô thần nên khi đọc tác phẩm này thì tôi có tư tưởng khá tương đồng với nhân vật.

Những mảnh ghép tình cảm buồn làm nên con người luôn có sức cuốn hút. Một câu chuyện tình yêu buồn cùng cô Giema, tình phụ tử bị chia cắt, một con người trung thành theo con đường cách mạng chỉ bởi một nguyên nhân sâu xa: Tôn giáo.

Quangsumi

Đúng là thời thế xuất anh hùng, chiến tranh, loạn lạc xảy ra là y rằng hào kiệt xuất hiện. Sách viết về toàn người như vậy không thôi. Đọc những cuốn sách như này ngoài mở mang kiến thức lịch sự mà còn tiếp thu tinh thần quả cảm, sống hết lòng theo lý tưởng của các nhân vật.

Lại một cuốn sách hay viết về đề tài chiến tranh mà mỗi khi gấp sách lại ta còn đọng chút lưu luyến về tình yêu trong thời loạn. Một cuốn sách đáng xếp vào hàng ngũ những cuốn sách kinh điển của thế giới. Qủa có vậy, chính Ostrovsky còn phải trầm trồ, khen ngợi trong cuốn “Thép đã tôi thế đấy” đó sao?

Huỳnh Bảo Danh

Một trong những điều khiến tôi bị cuốn hút bởi nhân vật ruồi trâu chính là sự lạc quan vào cuộc sống, khi ruồi trâu nói với Ngài hồng y rằng anh ta chính là Athur, cách anh ta nói về những ngày sống gian khổ của mình…ban đầu đã làm cho tôi phải rơi nước mắt, nhưng sau những giọt nước mắt ấy lại là một nụ người, một nụ cười vì tôi thấy rằng nghị lực sống của con người phi thường như thế nào.
Cuối tác phẩm, Voynich đã gây ấn tượng với một đoạn thơ mà Ruồi trâu đã để lại cho Giemme:
Vẫn là ta
Chú ruồi sung sướng
Sống xứng đáng chết
Chẳng vấn vương
Khi đọc đến đoạn này lại có thêm một nụ cười nữa nở trên môi tôi, chẳng biết có phải vì quá buồn cười với sự “điên” của Ruồi trâu- một kẻ sắp chết hay vì tôi cũng đang có cảm giác của ruồi trâu lúc ấy – cái chết vì chính nghĩa là cái chết đáng tự hào nhất, cái chết vì quê hương là cái chết đẹp nhất.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button