Review

Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống

Thể loại Sách kỹ năng sống
Tác giả Dale Carnegie
NXB NXB Tổng hợp TP.HCM
Công ty phát hành First News – Trí Việt
Số trang 311
Ngày tái bản 06-2016
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống là cuốn sách mà cái tên đã nói lên tất cả nội dung chuyển tải trên những trang giấy.

Bất kỳ ai đang sống đều sẽ có những lo lắng thường trực về học hành, công việc, những hoá đơn, chuyện nhà cửa,… Cuộc sống không dễ dàng giải thoát bạn khỏi căng thẳng, ngược lại, nếu quá lo lắng, bạn có thể mắc bệnh trầm cảm. Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống khuyên bạn hãy khóa chặt dĩ vãng và tương lai lại để sống trong cái phòng kín mít của ngày hôm nay. Mọi vấn đề đều có thể được giải quyết, chỉ cần bạn bình tĩnh và xác định đúng hành động cần làm vào đúng thời điểm.

Nói thì có vẻ dễ nhưng những vấn đề liên quan đến các trạng thái tinh thần chẳng bao giờ dễ giải quyết. Chấm dứt lo lắng là điều không thể nhưng bớt đi sự lo lắng thì có thể, chỉ cần bạn đủ quyết tâm.

Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống khuyên bạn những cách để giảm thiểu lo lắng rất đơn giản như chia sẻ nó với người khác, tìm cách giải quyết vấn đề, quên tất cả những điều lo lắng nằm ngoài tầm tay,… Cố gắng thực tập điều này hàng ngày và trong cuộc sống chắc hẳn bạn sẽ thành công, có thể, không được như bạn muốn, nhưng chỉ cần bớt đi một chút phiền muộn thì cuộc sống của bạn đã có thêm một niềm vui.

[taq_review]

Review

Nguyễn Thị Yến Nhi

Với độ nổi tiếng và sức hút của quyển sách mà rất nhiều người sở hữu và được dịch ra rất nhiều thứ tiếng,và là cuốn sách #1 International bestseller. Đây là cuốn sách thật sự bổ ích mà bạn nên có một cuốn trong thế giới sách của mình. Đối với thể loại Self-Help, người ta chỉ thường đọc cho biết rồi không có áp dụng vào thực tế, chỉ dừng lại ở lý thuyết suông. Nhưng với cuốn sách ngày, cách lập luận chặt chẽ, ví dụ minh họa rõ ràng, thực tế, dễ áp dụng vào thực tế. Nếu chúng ta muốn nghiêm túc thay đổi bản thân, cần đọc kĩ mỗi chương và đọc lại nó như lời Dale Carnegie đã nói trong mục ‘Lời tựa của tác giả’. Nhờ các phương pháp của ông, hàng triệu người đọc đã xây dựng được thái độ sống tích cực, an tâm cảm nhận hạnh phúc và mãi mãi loại bỏ thói quen lo lắng:
– Hãy đóng chắt cánh cửa sắt dẫn đến quá khứ và tương lại. Chỉ sống trong những vách ngăn của hiện tại.
– Nhìn nhận những mặt tích cực của cuộc sống.
– Khi làm việc đến quên mình, chúng ta cũng quên đi mọi lo lắng.
– Thử kiểm tra theo luật bình quân, xác xuất xảy ra điều bạn lo lắng là bao nhiêu phần trăm?
– Luôn nỗ lực hết mình.
– Hãy nghĩ đến những may mắn bạn có được- chứ không phải là những rắc rối.
– Hãy quên đi bản thân bằng cách quan tâm đến người khác. Mỗi ngày làm một điều tốt có thể khiến ai đó mỉm cười.

Qua cuốn sách này, bạn có thể học được rất nhiều điều thú vị và bổ ích mà nó khiến bạn rất bất ngờ…

Nguyễn Thị Cúc

Lần đầu tiên đến với phong cách viết của Dale là cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống, toi thực sự rất ấn tượng và bị lôi cuốn bởi những cau chuyện đời thực ý nghĩa và sau sắc. Bạn sẽ cảm nhận dc sự thay đổi của bản thân khi đọc cuốn sách lại lần 2. Sẽ cảm nhiều hơn để thế chỗ cho sự lo lắng lãng phí thường ngày vì luôn có một lối đi khác cho mọi vấn đề (quan trọng là cách mà chúng ta suy nghĩ thôi). Cuộc sống là muôn màu muôn vẻ chứ ko đơn thuần là màu đen xám xịt. Triết lý có vẻ đơn giản mà ai cũng biết nhưng dường như chúng ta sẽ quen khi gặp những rắc rối trong cuộc sống. Nhưng Dale đã nhắc nhở chúng ta sẽ nen áp dụng những quy tắc nào để có thể vượt qua những lúc khó khăn để yêu cuộc sống bạn chọn.

Nguyễn Thanh Cận

“Quẳng gánh lo đi và vui sống” – Một cuốn sách đáng đọc để tâm hồn được thoải mái hơn, đặc biệt là những khi bạn cảm thấy bế tắc, tuyệt vong, gặp những khó khăn trong cuộc sống. Những bài học trong cuốn sách này rất hay và dễ áp dụng. Nhiều điều khi ta đọc vào sẽ nhận ra nó rất đỗi bình thường nhưng có lẽ chúng ta đã vô tình đi ngang qua mà không để ý đến. Hãy đọc và cảm nhận, nếu chưa hiểu thì đừng ngần ngại đọc lại, vì đôi khi tôi cũng vậy.

Trích đoạn

“Tốp” lo lại

Bạn có muốn biết cách kiếm tiền ở thị trường chứng khoán không? Có ư? Thì cả triệu người khác cũng muốn như bạn và nếu tôi chỉ được cách ấy, cuốn sách này sẽ bán với một giá phi thường. Nhưng tôi có thể cho bạn biết một mánh lới rất kỳ diệu mà nhiều người đầu cơ thường dùng có kết quả. Xin bạn hãy đọc câu chuyện dưới đây do ông Charles Robert, một nhà cố vấn tài chánh kể lại:

“Tôi quê quán ở Texas, đến Nữu Ước với 20.000 Mỹ kim của các bạn giao cho để đầu cơ chứng khoán. Tôi tưởng mình đã biết hết các mánh khoé và đầu cơ thì sẽ lời, vậy mà rồi lỗ, không còn một xu. Thiệt ra tôi cũng có lời trong một vài vụ, nhưng rút cục vẫn là thua thiệt.

Nếu là tiền của tôi thì tôi không cần, nhưng tai họa là tiền của các bạn, mặc dầu số tiền đó đối với họ không là bao. Vì thế tôi ngại không muốn gặp mặt anh em, nhưng lạ lùng thay, họ chẳng những không phiền hà gì tôi hết, lại còn như mắc một thứ bệnh lạc quan bất trị nữa, vẫn tiếp tục xuất vốn cho tôi.

Tôi đã chơi lối ‘sấp ngửa’ một là được hết, hai là thua tận với sự chỉ trông ở vận mạng của mình và tin ở những lời mách bảo của kẻ khác. Như ông H. T. Phillips nói, tôi đã ‘đầu cơ bằng tai’, ai nói làm sao tin ngay làm vậy.

Tôi bắt đầu suy nghĩ về lỗi lầm của tôi và quyết định trước khi đầu cơ, sẽ ráng tìm ra bí quyết của nghề ấy. Và tôi làm quen với ông Burton S.Castles, một trong những nhà đầu cơ đã thành công nhất từ trước tới giờ. Tôi tin có thể học ông ta được nhiều điều hay vì ông ta nổi danh là thành công năm này qua năm khác. Thành công liên tiếp như vậy, nào đâu phải chuyện rủi may!

Ông ấy hỏi vài câu về những vụ đầu cơ trước của tôi và dạy tôi một thuật mà tôi tin rằng quan trọng nhất trong nghề đầu cơ. Ông nói: ‘Mỗi khi mua một chứng khoán văn tự nào tôi cũng quyết định ‘tốp’ số lỗ lại. Ví dụ tôi mua một chứng khoán giá 50 Mỹ kim, thì tôi ‘tốp lỗ’ khi giá nó hạ tới 45 Mỹ kim; nghĩa là khi giá bán chứng khoán đó sụt xuống dưới giá mua 5 Mỹ kim thì tôi bán liền, hạn chế số lỗ, không chịu thiệt quá 5 mỹ kim’.

Ông thầy già đó tiếp: ‘Trong những công việc mua bán đầu tiên, khéo đặt vốn một cách thông minh, bạn lời trung bình 10, 25 có khi 50 Mỹ kim nữa. Vậy nếu hạn chế số lỗ là 5 Mỹ kim, thì có thể lời khá lắm vì trong 12 lần chỉ có độ năm lần bị lỗ’.

Tôi theo quy tắc đó liền và luôn từ bấy tới nay. Quy tắc ấy đã giúp các bạn xuất vốn và tôi, đỡ lỗ cả ngàn Mỹ kim.

Ít lâu sau, tôi nhận thấy rằng quy tắc ‘tốp lỗ’ đó có thể áp dụng vào nhiều việc khác, ngoài việc đầu cơ. Tôi bèn bắt đầu ‘tốp lo’ mỗi khi gặp điều gì ưu phiền bất mãn. Kết quả rất thần hiệu.

Chẳng hạn, tôi thường ăn trưa với một anh bạn ít khi tới đúng giờ. Trước kia nhiều phen tôi mất thì giờ đợi anh ta tới nửa bữa. Sau cùng tôi ‘tốp đợi’. Tôi nói: ‘Anh Bill này, tôi chỉ đợi anh mười phút thôi, rồi thì ‘tốp’. Nếu anh tới trễ quá mười phút thì lời hẹn ăn chung bàn của chúng ta sẽ quẳng xuống biển. Nghĩa là tôi dông đa!’”

Trời hỡi! Phải chi trước kia tôi có đủ lương tri để ‘tốp’ tính nóng nảy, tính dễ giận dữ, tính hay tự bào chữa, hay hối hận và tất cả những kích thích về cảm xúc và tinh thần! Tại sao tôi ngu như lừa, không nhận thức những tình thế có hại cho sự bình tĩnh của tâm hồn mà tự nhủ rằng ‘Này Dale Carnegie, tình thế này chỉ đáng làm cho anh lo âu đến thế là cùng; thôi đấy, hết rồi đấy, đừng lo thêm nữa, nghe chưa?’ Tại sao tôi đã không hành động như vậy?

Nhưng tôi cũng phải nhận, ít nhất là một lần, tôi đã có chút lương tri. Lần đó – một lần quan trọng lắm, một cơn khủng hoảng trong đời tôi – tôi thấy những cơn mơ mộng, dự định về tương lai và những việc làm trong nhiều năm của tôi tan ra như mây khói. Việc xảy ra như vầy:

Hồi 30 tuổi, tôi quyết chuyên viết tiểu thuyết. Tôi sắp thành một Frank Norris hoặc Jack London hoặc Thomas Hardy thứ nhì. Tôi hăng hái tới nỗi qua ở Châu Âu hai năm. Tại đó tôi sống dễ dàng với vài Mỹ kim mỗi tháng, vì sau chiến tranh thứ nhất, ở đây có sự lạm phát giấy bạc. Trong hai năm ấy, tôi viết một kiệt tác nhan đề là “Blizzard” (Dông tuyết), nhan đề ấy hợp quá vì bản thảo được các nhà xuất bản tiếp một cách lạnh lùng không khác chi những cơn dông tuyết thổi trên cách đồng Dakota cả. Khi nhà xuất bản nói thẳng vào mặt tôi rằng cuốn ấy là đồ bỏ, rằng tôi không tài, không khiếu về tiểu thuyết, thì tim tôi muốn ngừng đập. Tôi quay gót ra, như kẻ mất hồn. Có ai đập mạnh vào đầu tôi cũng không làm cho tôi choáng váng hơn. Tôi đê mê, rụng rời. Tôi thấy tôi đương đứng ở ngã tư đường đời và tôi phải lựa lấy một quyết định quan trọng. Làm gì bây giờ? Đi ngả nào đây? Tôi mê mẩn hàng tuần như vậy. Nhớ lại lúc ấy chưa được ai khuyên “tốp nỗi lo lại”, nhưng tôi đã hành động đúng như vậy. Tôi cho hai năm khó nhọc viết tiểu thuyết có cái giá trị vừa phải của nó, cái giá trị của một thí nghiệm cao thượng, có vậy thôi. Rồi tôi bỏ không nghĩ tới nữa. Tôi trở lại công việc là tổ chức và dạy những lớp cho người lớn. Lúc nào rảnh thì viết tiểu sử các danh nhân hoặc những loại sách thiết thực như cuốn bạn đương đọc đây.

Bây giờ, nghĩ lại, tôi có thấy sung sướng đã quyết định như vậy không?

Sung sướng mà thôi ư? Tôi còn thấy muốn nhảy múa điên cuồng lên nữa chứ? Tôi có thể thiệt thà nói rằng không bao giờ tôi phí thời giờ để tiếc và than thở rằng sao mình không phải là một Thomas Hardy thứ nhì.

Một đêm, cách đây một thế kỷ, khi cú kêu trong rừng bên bờ hồ Walden, ông Henry Thoreau chấm cây bút lông ngỗng vô bình mực tự tay chế lấy và chép vào nhật ký: “Muốn biết giá trị của một vật là bao nhiêu thì cứ xét xem bây giờ hoặc sau này phải đem bao nhiêu đời sống để đổi lấy vật ấy”.

Nói một cách khác: Lo lắng về một việc gì để hại đời sống ta, tức là đánh giá việc đó đắt quá, có khác gì điên không?

Chính Gilbert và Sullivan điên như vậy. Họ biết soạn những điệu nhạc và lời ca vui vẻ mà họ không biết chút gì về cách gây hạnh phúc cho đời họ. Họ đã soạn mấy bản ca nhẹ nhàng du dương nhất để làm vui cho người đời như bản: Patience, Pinafore, The Mikado. Nhưng họ không tự chủ được. Họ đầu độc đời họ chỉ vì cái giá tiền một tấm thảm. Sullivan mua một tấm thảm rạp hát của hai người mới lập. Gilbert thấy đắt tiền quá, nổi xung lên. Thế rồi họ kiện nhau và cho tới chết không thèm nói với nhau nửa lời. Khi Sullivan đã soạn xong điệu nhạc cho một tác phẩm mới thì tự chép lại gởi cho Gilbert; và khi Gilbert viết rồi lời ca cũng chép lại gởi cho Sullivan. Có lần họ phải ra sân khấu cùng một lúc thì mỗi người đứng một đầu, người quay mặt ra phía này để chào khán giả, người ngó ra phía kia để khỏi trông thấy mặt nhau. Họ không biết “tốp” nỗi giận của họ lại, như Lincoln.

Một lần, trong trận Nam Bắc chiến tranh, khi nghe bạn thân tố cáo những kẻ thù cay độc nhất của mình, ông nói: “Các anh còn giận dai hơn tôi nữa. Có lẽ tôi dễ làm lành quá, nhưng không bao giờ tôi nghĩ rằng giận nhau là có lợi. Chúng ta đâu có thì giờ để gây lộn suốt nửa đời người. Nếu có người nào thôi không kích tôi nữa thì tôi quên hẳn chuyện cũ đi liền”.

Tôi ước gì một bà cô của tôi – bà Edith – cũng dễ quên giận như Lincoln nhỉ! Bà và ông chồng tên là Frank sống tại một khu trại đã cầm cố rồi. Chung quanh là đất cằn và hầm hố mà trong nhà thì xó nào cũng đầy những con gián. Hai ông bà làm việc cực nhọc và chắt bóp từng xu. Nhưng bà muốn sắm màn và ít đồ trang hoàng khác cho nhà cửa được sáng sủa nên đã đi mua chịu những món ấy ở tiệm tạp hóa Dan Eversole.

Ông thấy bà công nợ thì sinh lo lắng. Vả lại, cũng như các chủ trại khác, có tính rất ghét sự mua chịu, ông ngầm bảo Dan Eversole đừng bán chịu cho bà nữa. Khi hay tin, bà nổi giận đùng đùng – và 50 năm sau, bà vẫn chưa nguôi. Tôi nghe bà kể lại chuyện ấy cả chục lần rồi. Lần cuối cùng gặp tôi, bà đã 70 tuổi. Thưa với bà: “Thưa cô, dượng làm mất mặt cô như vậy, quả là dượng có lỗi; nhưng thành tâm xét, đã gần nửa thế kỷ mà cô vẫn càu nhàu về chuyện đó hoài, thì cô còn vô lý hơn dượng lắm nữa”. Nhưng lời khuyên của tôi như nước đổ lá khoai. Bà đã mất hẳn bình tĩnh trong tâm hồn và như thế là trả giá rất đắt nỗi oán giận ấp ủ hoài trong lòng vậy.

Benjamin Franklin hồi bảy tuổi, lỡ làm một việc mà 70 năm sau ông còn nhớ tới. Thuở ấy ông mê một chiếc còi (tu-huýt), mê tới nỗi, chẳng hỏi giá chi hết, đã dốc ráo tiền trong túi ra mua. Bảy chục năm sau, ông viết thư cho bạn: “Rồi tôi về nhà, vừa đi, vừa thổi, thích chí lắm. Nhưng các anh chị tôi thấy trả hớ quá, chế giễu tôi, khiến tôi xấu hổ quá, oà lên khóc”.

Về sau, khi Franklin đã nổi danh khắp hoàn cầu, làm Đại sứ ở Pháp, ông còn nhớ rằng nỗi buồn vì mua hớ mạnh hơn nỗi vui được chiếc còi, và trước khi làm việc gì, ông cũng tự nhủ: “Coi chừng kẻo hớ như mua còi, nhé!”.

Nhưng nghĩ kỹ bài học còn rất rẻ. Ông nói: “Khi lớn lên, suy xét những hành động của người đời, tôi tưởng có rất nhiều người lớn hơn đã “mua hớ chiếc còi”. Tóm lại, tôi nhận thấy rằng họ mua chuốc hầu hết những nổi khổ sở của họ vì đã định sai những vật trên đời và đã “mua hớ những chiếc còi”.

Gilbert và Sullivan đã mua hớ chiếc còi của mình. Bà cô Edith cũng vậy. Theo bộ Bách khoa tự điển của Anh, thì ông Léon Tolstoi trong 20 năm cuối đời có lẽ là người được ngưỡng mộ nhất thế giới. Trong hai chục năm ấy từ 1890 tới 1910, không lúc nào ngớt người đến nhà ông – như tín đồ hành hương ở đất Thánh – để được ngó dung nhan, nghe tiếng nói, hoặc rờ vạt áo của ông. Mỗi lời ông thốt, được người ta chép liền vào sổ tay, gần như lời thiên khải vậy. Nhưng về đời sống, đời sống hằng ngày của ông, thì Tolstoi 70 tuổi không khôn hơn Franklin hồi 7 tuổi chút nào.

Tôi xin giảng bạn nghe. Ông cưới một cô gái mà ông yêu lắm, tên là Thietra. Đời sống chung của cặp vợ chồng sung sướng quá đến nỗi ông bà thường quỳ gối cầu trời cho được sống hoài cảnh thần tiên ấy. Nhưng tính bà cả ghen. Bà thường ăn mặc giả người nhà quê, mà dò thám cử chỉ của ông cả khi ông đi chơi trong rừng. Rồi thì giông tố ghê gớm nổi lên. Bà lăn lộn trên sàn, đưa một ve nha phiến lên môi và dọa tự tử khiến con cái hoảng sợ, nép vào góc phòng mà la hét.

Còn ông thì làm gì? Ta đừng trách ông, ông đập chén đập đĩa không phải là vô cớ. Nhưng còn làm tệ hơn vậy nữa kia. Ông chép những chuyện đó vào nhật ký để trút cả lỗi lên đầu bà! Đó “cái còi” của ông đó! Ông nhất định kiếm cách tỏ cho hậu thế biết rằng không phải ông mà là do bà có lỗi. Và bà làm gì để đáp lại? Tất nhiên bà đã xé phăng hết rồi cũng viết nhật ký để mạt sát ông. Bà còn viết một tiểu thuyết nhan đề là: Lỗi tại ai? Trong đó bà tả ông như một con quỷ còn bà thì như một người chịu cực hình vậy.

Rồi tấn bi kịch kết cục ra sao? Tại sao hai ông bà nhất định biến gia đình của mình thành một “nhà thương điên” như ông đã nói? Đã đành có nhiều nguyên nhân lắm, nhưng nguyên nhân chính là cả hai ông bà đều nhiệt tâm muốn làm cho chúng ta, bạn và tôi cảm động. Phải, chúng ta là đàn hậu sinh mà ông bà lo âu về lời bình phẩm khen chê của hậu thế lắm. Nhưng bạn có mảy may quan tâm về sự ông bà có lỗi không? Không. Chúng ta đều lo đến chuyện riêng của chúng ta, có thì giờ đâu để phí vào chuyện gia đình Tolstoi. Cặp vợ chồng khốn khổ ấy đã trả mắc “chiếc còi” của họ biết bao! Năm chục năm sống trong cảnh địa ngục – chỉ vì không một người nào có đủ lương tri để nói “Tốp lại đi”, hoặc có đủ sáng suốt nhận giá trị của mỗi sự, mà rằng: “Thôi chúng ta tốp chuyện đó ngay bây giờ nhé. Chúng ta phí đời chúng ta quá. Thôi đi, đã kéo dài quá rồi”.

Tôi thành thực tin rằng có một trí sáng suốt biết nhận chân giá trị của mỗi sự vật là nắm được bí quyết mầu nhiệm nhất để cho tâm hồn hoàn toàn bình tĩnh. Và tôi cũng tin rằng có thể dẹp được tức thì 50% những ưu phiền trong lòng nếu chúng ta lập được một thứ kim bản vị riêng cho chúng ta, một thứ kim bản vị để đánh giá xem mỗi sự vật quan trọng tới bực nào đối với đời sống.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button