Review

Nước Mỹ Những Ngày Xê Dịch

Thể loạiSách du ký
Tác giảNguyễn Hữu Tài
NXBVăn Hóa – Văn Nghệ
Số trang348
Năm2016
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Nước Mỹ những ngày xê dịch là tập du ký gồm 2 phần. Phần 1, Giấc mơ & vẻ đẹp Mỹ được viết một cách “trần trụi”, chân chất, tái hiện lại những mặt trái và góc khuất của con người lẫn bao cám dỗ trong xã hội hiện đại bậc nhất hành tinh. Là gáo nước lạnh cho những ai luôn tưởng Mỹ là miền đất hứa, dễ sống và dễ kiếm tiền. Có những mẩu ký ức làm người ta xót xa, có những câu chuyện lại mang đến nụ cười sảng khoái, ngỡ ngàng với sự sòng phẳng luôn hiện diện trong các mối quan hệ xứ này. Và nỗi xót xa càng dâng cao khi Tài trở lại với hình bóng mẹ – cha trong Mùa hè dài và buồn nhất, một đề tài không bao giờ là cũ, ray rứt của đứa con xa quê không kịp về nhìn mặt và cầm tay cha lần cuối, như giọt nước mắt tủi buồn làm mặn cả trang sách, mặn cả lòng người.

Đến phần 2, Dọc ngang nước Mỹ, Nguyễn Hữu Tài đưa bạn đọc qua những cơn mưa và mùa thu nhuộm lá vàng bay ở New England cổ kính, ghé Newport – thiên đường nghỉ dưỡng mùa hè, cùng xuống Florida nắng ấm, đi Homestead ăn nhãn, ăn xoài…Phải nói, cách Hữu Tài giới thiệu về những nơi anh đã đi qua vô cùng kích thích bởi kiến thức về địa lý, lịch sử, khảo cổ, địa chất đan xen làm người đọc không thể cưỡng lại suy nghĩ, giá mà mình cũng được đến đấy thử một lần.

Tác giả Nguyễn Hữu Tài sinh năm 1981 tại Khánh Hoà và định cư ở Mỹ từ năm 2000 đến nay, anh có những tác phẩm đã được xuất bản gây dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc như: Những chuyến thiên di (2012), Nỗi buồn rực rỡ (2012), Cô đơn thằng đứng (2013), Chồm hổm giữa chợ quê (2013), Nước Mỹ có gì vui (2014), Sài Gòn yêu đi em! (2015), Còn lại gì cho nhau (2015).

[taq_review]

Review

Phương Uyên

Bản thân mình vốn rất thích đọc các thể loại du ký, và mình đặc biệt rất thích nước Mỹ nên mình mua ngay không chần chừ. Quyển sách được chia làm 2 phần : phần 1 tác giả viết về cuộc sống ở Mỹ ( về công việc, cách sinh hoạt, lối sống..) đem đến khá nhiều kiến thức bổ ích. Phần 2 là các chuỗi ngày rong ruổi của tác giả đi khám phá các thành phố ở Mỹ, từ bờ Đông đến bờ Tây, mỗi một chương là một cuộc hành trình đầy thú vị. Giọng văn của tác giả khá hài hước và gần gũi. Đây là một cuốn sách hay rất đáng đọc.

Trích đoạn

Hôm rồi bạn Teppi qua Mỹ du lịch, ghé thăm tôi ít ngày. Sau khi dẫn bạn tham quan Hoa Thịnh Đốn, hai đứa ngồi megabus ê cả mông năm tiếng đi New York. Tôi dắt Teppi vô quán Saigon 48 trên đường 48, ngay Times Square, ăn tối với món sườn heo ướp sả nướng BBQ ngon nhất thế giới. Đang cắm cúi ăn đã đời, thì Teppi khều khều chỉ qua bàn kế bên, có hai bạn châu Á rất dễ thương, vừa ăn, vừa thì thầm trò chuyện. Thỉnh thoảng lại nắm chặt tay nhau ra chiều hạnh phúc lắm. Làm hai đứa bên này, dẫu là bạn bè thân thiết, cũng thấy bồi hồi chen lẫn chút tị ghen. Tới lúc bill mang ra, mỗi bạn tự móc thẻ credit, đặt vô khay, để trả phần mình một cách rất tự nhiên, không gượng gạo. Chờ hai bạn ấy bỏ đi, Teppi mới nói nhỏ với tôi, ủa kỳ dạ, hai đứa nó nắm tay tình tứ lắm mà, sao share bill đều hết vậy. Tôi cười như một thằng điên trước sự ngạc nhiên của Teppi. Ôi dào, chuyện thường ngày xứ Mỹ!

2.

Trước khi bàn chuyện xứ này, tôi thỏ thẻ chuyện bên nhà một tí. Ở quê tôi (quê tôi thôi nhen, chỗ khác thì hổng biết), mỗi lần có ai đi xa về, bất kể Nha Trang, Hà Nội, Sài Gòn, đặc biệt là ở Tây ở Mỹ, khi đi ăn uống, sẽ có hai trường hợp xảy ra:

– Vì bạn ở xa về, được người ta yêu thương, quý trọng nên không tốn xu teng nào hết. Đi ăn đi uống, bạn cứ ngồi yên đó, sẽ được bao lòi họng. Mặc cho bạn lắc đầu từ chối, bảo thôi để mình trả, hoặc share cho vui chứ làm vậy hoài kỳ chết. Bạn bè, người thân sẽ nhảy lên đong đỏng, lắc đầu nguầy nguậy. Ồn ào này nọ, ý kiến con cò con vạc là bị chửi liền. Anh/ chị/ ông/ bà khinh tụi tui không có tiền bao bữa ăn này hả? Vài chục triệu hổng có chứ nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ này. Có lần tôi mém dính vào một trận tranh cãi nảy lửa, khi đòi trả không thì share. Cậu bạn sừng sộ, ở đây không có vụ se siếc gì hết. Anh em với nhau, ông ở xa, lâu lâu về một lần, cứ để tụi tui bao cho đã. Chứ ở đây hoài, không có chuyện đó đâu ha. Một hai lần không sao, nhưng được bao hoài ngại thí mồ, nên phải lắc đầu trước những lời mời chân tình ấy.

– Vì bạn ở xa về, bất kể bạn giàu hay nghèo, xài iPhone hay Nokia, đi xe đạp điện hay tay ga, mặc jean hay đùi, áo thun hay ở trần, xài bóp Eo Vì (LV) hay Gu Chì (Gucci), khi đi ăn, tất tần tật bạn đều phải… trả. Từ bữa ăn vài triệu, tới chầu nhậu ít trăm ngàn, bữa sáng vài chục bạc, thậm chí ly cà phê mười mấy ngàn đồng, bạn cũng phải chịu. Mặc dù suốt bữa, bạn nghe người ta khoe lương tao mỗi tháng mười triệu, mới trúng lúa đầy bồ, ớt phơi đỏ sân, nhà mới xây vài trăm chai, gà vịt ôi thôi lượm trứng còng lưng, mới tậu iPhone 6 ếch, 6 ếch pờ lết, mua đồ xách tay mệt nghỉ… Nhưng khi hóa đơn mang ra, người ta sẽ ngồi nhìn bạn rồi cười giả lả, hay quay qua nói chuyện với đứa kia. Còn không, ê, tao mắc tè quá, có điện thoại xíu nhen, tao chạy ra kia tí rồi vô. Và bạn tự biết phải làm gì. Bị hoài, đâm ra… ngại.

Ở Sài Gòn, bạn bè tôi khá đông. Đủ thứ tuổi tác và thành phần. Quá thân, hơi thân, ít thân, độc giả, fan hâm mộ, xã giao, hay lần đầu hội ngộ. Lúc nào về cũng chén tạc chén thù, cà phê, nhậu nhẹt, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, ăn sang, ăn ít sang, ăn nhà hàng, ăn vỉa hè, có đủ. Đa phần các bạn sống kiểu Tây. Trừ mấy lần tôi bảo, tối nay tao bao, thì hầu như ăn xong là móc điện thoại, cộng trừ nhân chia, mỗi đứa vài chục, vài trăm, không sót xu nào. Có khi tôi gom tiền, các bạn mỗi người một trăm, hai trăm, còn thiếu nhiêu tôi trả. Sòng phẳng nhưng vui, hổng ai nợ ai. Dính dáng tới tiền, cảm giác nợ nần đeo đẳng.

Tuy nhiên cũng có vài thành phần là chuyên viên đi trễ (mình quan trọng mà), nhưng lại về sớm (cũng quan trọng mà). Má gọi đi có chuyện, tí tao quay lại nhen. Bồ tao nó nhờ chở về, xíu tao trở lại. Rồi bóng chim tăm cá, sủi bọt đi luôn. Chờ hoài chờ mãi hổng thấy bóng dáng đâu. Lần thứ nhất thì, ờ, chắc nó có việc thiệt nên đi. Lần thứ hai thì, ờ, chắc nó bận bịu nên về sớm. Tới lần thì ba thì… miễn. Ngu hai lần thôi, đâu có ngu nhiều. Muốn về thì ói tiền ra trước, hai ba trăm gì đó, lời ăn lỗ chịu. Còn không đừng hòng có lần thứ bốn.

3.

Quay lại với nước Mỹ. Đây là đất nước thực dụng, có thể gọi là thực dụng nhất thế giới. Hầu như mọi giá trị đạo đức, văn hóa, chính trị ở xứ này, chỉ quẩn quanh ở mỗi chữ “tiền”. Bạn muốn làm tổng thống, ngoài việc có tài thiên bẩm và khả năng diễn thuyết hùng hồn, phải có tiền để thực hiện chiến dịch tranh cử tốn kém vài trăm triệu đến cả tỷ đô. Bạn muốn đi chơi xa, chụp hình cho đẹp, thì cũng phải có tiền dằn túi. Lỡ ốm đau, vô bệnh viện, bạn có bảo hiểm sẽ được đối xử kiểu khác, không có bảo hiểm, thẻ credit, hay tiền mặt thì cũng đừng trách sao người ta lạnh nhạt với mình. Mà cũng chả trách người ta như vậy khi bạn không có tiền, nghĩa là bạn sẽ nợ tiền nhà lẫn tiền xe, nghĩa là không có tiền mua áo quần, thức ăn hay nước uống, nghĩa là trước sau gì bạn cũng sẽ ra đường mà ở rồi ngủm củ tỏi cũng chẳng ai hay. (Cũng có nhiều người sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ, nhưng những khoản này chẳng là bao. Không mấy ai có thể sống suốt đời bằng số tiền ít ỏi ấy). Người có sức làm nhiều, sẽ có nhiều tiền. Người ít sức làm ít, sẽ có ít tiền. Thế thôi. Mỗi tháng mở mắt, bạn sẽ thấy đủ thứ các loại bill bọng. Từ hóa đơn nhà, tới xe, bảo hiểm, điện thoại, thức ăn, credit card, chi tiêu lặt vặt. Nợ nần tự lo, chứ chẳng mấy ai ký trả giùm, kể cả họ hàng, ruột thịt.

Sống xứ này mọi người đều ý thức cái sự thật hiển nhiên đó. Vì thế, đa số đều cố làm việc, lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng nếu không muốn vỡ nợ, ra đường mà ở.

Người Việt sống ở Mỹ ít nhiều vẫn còn thói quen cộng đồng thân thiết. Mỗi lần gặp mặt, đi ăn nhà hàng, ngoài việc nhường nhau từng miếng ăn, chén nước, tới khi bill ra lại chí chóe giành nhau. Bọn con nít đẻ bên đây, tụi nó Mỹ lắm rồi, nên ăn uống xong, hồn ai nấy lo, tiền ai nấy trả. Nhiều lúc thấy cái cảnh ông bà cha mẹ giành nhau, đứa nào đứa nấy cũng mở tròn mắt ngạc nhiên, cứ như từ trên trời rớt xuống. Có lần đi chơi với gia đình kia, cả bọn vô Starbucks mua cà phê. Mạnh anh anh trả, mạnh em em trả, chứ chẳng ai bao ai. Mà có nhiều nhõi chi đâu, ly nước mấy đồng bạc.

Cha mẹ Mỹ thường tập con cái cái tính tự lập. Mười tám tuổi khuyến khích ra riêng, trả cho vài tháng tiền nhà, đi làm có đồng ra đồng vô, tự bươn chải cho cứng cáp. Sinh viên Mỹ, lẫn gốc Việt, thích đi học xa vô cùng (dù học phí gấp đôi gấp ba), để được tự do, bay nhảy, ăn chơi, đàn đúm thâu đêm suốt sáng. Không có tiền hả, lo gì, cứ mượn chính phủ xài thả ga, mai sau ra trường ôm cục nợ cả trăm ngàn đô, trả méo mặt. Riêng cha mẹ Việt thường thương con, hổng muốn con mắc nợ nần. Làm lụng bao nhiêu cứ lận lưng, đưa đóng học phí. Cứ nghĩ tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi lão, hy vọng về già tụi nó nuôi lại mình. Nhưng đôi khi, cuộc đời không như họ nghĩ. Buồn ghê.

4.

Phần lớn người Á châu và Việt Nam mình có khái niệm khá buồn cười, khi yêu nhau, đi ăn, đi chơi, trai thường bao và tặng quà cho gái (còn gái với gái, trai với trai thì tôi hổng biết). Thậm chí mới quen nhau qua mạng, chưa gặp mặt, chả cầm tay, môi chưa kịp chạm, cũng lỏn lẻn, bóng gió, nhỏ to, mai mốt anh về, nhớ mua quà tặng em nhen. Không bao, không tặng, trước hoặc sau, sớm hay muộn, cũng bị chửi là đồ rẻ tiền, keo kiệt, thôi bo xì bò cho sớm.

Hồi thanh xuân, tôi có hẹn hò với một bạn Mỹ gốc Ấn Độ. Quen nhau hơn tháng, hai đứa đi ăn nhà hàng, chuyện trò rôm rả. Tới lúc bill mang ra, tôi kéo lại tính hổng cho bạn xem. Bạn ấy cứ No, no. Dutch, Dutch, please! Lúc đó tôi chả hiểu Dutch là cái giống quỷ gì. Thầm chửi, con khùng, ăn xong ngồi im đi để người ta trả tiền, lại đòi Dutch Dutch. Hay nó đang thèm… sữa Cô gái Hà Lan cũng không chừng. Sau này mới biết, Going Dutchlà tiếng lóng của bọn Âu Mỹ, nghĩa là share đều bill nhà hàng khi hò hẹn (hoặc theo tỷ lệ 75:25 bàn sẵn).

Vợ chồng cũng thế, có cặp thì xài chung tài khoản, lương bổng đổ vào rồi tính toán chi tiêu, để khỏi mắc công mang nợ. Có gia đình, mỗi người một tài khoản, rồi vạch ra từng khoản một. Chồng trả tiền nhà, tiền xe, vợ lãnh phần con cái, ăn uống. Cho nên có vài cô bạn đi lấy chồng hay có bạn trai Tây, lúc yêu đương không nói gì, tới khi dọn vô sống chung mới ngả ngửa rồi điện thoại khóc than, tao không ngờ thằng chồng (hay bồ) tính toán chi li, thấy gớm quá.

5.

Đồng tiền liền với khúc ruột. Nghe có vẻ đắng cay. Nhưng ở xứ Mỹ này, tiền không phải lá mà mọc trên cây, cũng đâu phải cứ nằm ngửa ra là từ trên trời rơi xuống để xài. Khổ cực làm ra, phải biết quý.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button