Review

Nói Nhiều Không Bằng Nói Đúng

Thể loại Sách kỹ năng
Tác giả 2.1/2 Bạn Tốt
NXB NXB Dân Trí
Công ty phát hành Minh Long
Số trang 128
Ngày tái bản 05-2012
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Quyển sách cung cấp 36 bí quyết để chiếm được cảm tình của người khác.

Muốn có mối quan hệ xã hội tốt, hãy bắt đầu từ những lời nói làm đẹp lòng mọi người. Trong giao tiếp, hãy luôn nhớ các nguyên tác: Im lặng – Quan sát – Lắng nghe.

Đừng nói quá thẳng thắn, khiến người nghe thấy khó chịu!

Nói chuyện không dễ nghe sẽ khiến mọi người phản cảm và xa cách bạn, đồng thời dẫn đến việc bạn trở thành người có ấn tượng xấu.

Lời nói hay như những giai điệu đẹp, ai cũng muốn nghe.

[taq_review]

Review

Nguyễn Hồng Anh

Cuốn sách trình bày khá thú vị, bản lớn, có nhiều hình và ví dụ minh họa có thể áp dụng trong nhiều trường hợp : giao tiếp với bạn bè, trong công việc, khi nói chuyện với người lạ, lúc nói chuyện với người thân,… Những bí quyết được trình bày dưới dạng những lời khuyên, dẫn dắt từ từ và hợp lý. Đây là cuốn sách rất hữu ích cho những bạn trẻ, trong đó có mình để có thể giao tiếp tự tin, hiệu quả hơn trong công việc, học tập cũng như trong cuộc sống thường ngày.

Linh Lan Gọimặttrời

Trong cuộc sống ta đều đã từng gặp những người rất nhiệt tình và sôi nổi đưa ra ý kiến của mình, thể hiện quan điểm của mình một cách rất nhanh chóng và nói rất to. Tự nghĩ trong đầu những người này ba hoa bốc phét và thích thể hiện mình. Nhưng thực chất có thể họ chỉ muốn trình bày quan điểm của mình thôi chứ không có dụng ý khoe mẽ nào khác. Cuốn sách cho chúng ta nhận ra những cách giao tiếp “quá lố”, biết tiết chế bản thân, biết nên nói gì, điều gì chưa phải lúc thông qua hình ảnh minh họa đẹp và những tình huống dí dỏm

COOL SUNNY

Nói Nhiều Không Bằng Nói Đúng (Tác giả 2.1/2 Bạn Tốt) là một người bạn, người anh hướng dẫn bạn giao tiếp một cách tốt hơn và hiệu quả hơn thông qua 3 cách rất rất đơn giản “IM LẶNG, QUAN SÁT, LẮNG NGHE” để bạn có thể lấy được tình cảm của mọi người xung quanh. Nhưng cần rất nhiều ở mọi người sự rằng luyện, thực hành để trở nên thành thục. Cách trình bày với rất nhiều hình ảnh minh học và màu sắc rất thu hút cho bạn đọc. Một cuốn sách hữu ích bạn không cần nói nhiều hãy nói đúng.

Vũ Minh Công

Cuốn sách này khá mỏng, bìa trang trí đẹp. Và khi đọc cuốn này, mình cũng học hỏi thêm 1 vài ý tưởng, hướng suy nghĩ ở các khía cạnh của giao tiếp. Với 1 người mới, đang muốn cải thiện mình, thì cuốn này cung cấp chưa đủ toàn diện các kỹ năng nền tảng về giao tiếp.

Theo mình, nó chỉ cung cấp các kỹ thuật và được sử dụng trong 1 số trường hợp trong giao tiếp thôi. Với người hay giao tiếp với khách hàng như mình, thì cuốn sách này, giúp mình tham khảo thêm 1 vài trường hợp giao tiếp.

Bạn nên đọc cuốn Nghệ Thuật Giao Tiếp Để Thành Công – leil lowndes, để xây dựng nền tảng cơ bản giao tiếp.

Đinh Công Hợp

36 bí quyết xuyên suốt từ im lặng đến quan sát và cuối cùng là lắng nghe. Cuốn sách tuy mỏng nhưng tóm gọn và khá nhiều trường hợp cụ thể được đưa ra ví dụ mà ta có thể áp dụng cho thực tiễn. Ngoài ra cuốn sách được in màu với những nhân vật vui mắt nên đọc khá thú vị. Mình mua gần hết sách về kỹ năng nói chuyện của nhà sách Minh Long, ngoài cuốn sức hút của kỹ năng nói chuyện dành cho phái đẹp ra thì cuốn này trình bày sinh động giúp mình dễ nắm bắt vấn đề hơn, lâu lâu đổi khẩu vị đọc sách một chút sẽ khiến mình thoải mái hơn.

Trích đoạn

LỜI NÓI ĐẦU

NÓI HAY, NÓI NHỮNG LỜI LỌT TAI LÀ BƯỚC KHỞI ĐẦU DẪN BẠN ĐẾN THÀNH CÔNG TRONG GIAO TIẾP

Khi khả năng giao tiếp của bạn có vấn đề, ngoài việc không thể truyền đạt chính xác nội dung thông tin, bạn còn có thể mắc lỗi với người khác. Vì nói những lời không nên nói, sẽ khiến đối phương cảm thấy phản cảm và xa lánh bạn, dần dần, quan hệ xã hội của bạn sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm, bạn có thể bị mọi người xếp vào danh sách tránh tiếp xúc.

Vi vậy, học nghệ thuật nói chuyện là một việc rất quan trọng, nó là nhịp cầu rút ngắn khoảng cách giữa bạn với mọi người, đồng thời, cũng là vũ khí tàng hình giúp bạn được mọi người yêu mến.

Nhưng, để nói đúng nói đủ, và thành công trong nói chuyện, ngoài việc tránh nói những câu không có nội dung, còn cần nắm được một số bí quyết khác.

Chúng ta thấy rằng, các nhà diễn thuyết, các nhà bình luận chuyên nghiệp, sở dĩ họ thu hút được sự lắng nghe của công chúng, thành công trong việc nói chuyện, chủ yếu là vì có một điểm chung, đó là “kiên trì lắng nghe và khả năng diễn thuyết bền bỉ”, cộng với sự rèn luyện ngày này qua ngày khác, nên việc nói chuyện đối với họ trở nên đơn giản như ăn cơm và hít thở hàng ngày.

Vi lẽ đó, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn – những ai đang mong muốn trở thành người dễ mến cuốn sách này. Nội dung cơ bản của cuốn sách là “im lặng, quan sát, lắng nghe – 36 bí quyết để chiếm được cảm tình của người khác”. Với một vài “chiêu” cơ bản, cuốn sách sẽ đồng hành cùng bạn đọc thực hành các kỹ xảo khi nói chuyện, chỉ cần bạn chú ý luyện tập, thì vào một ngày không xa, bạn cũng sẽ trở thành người có khướu ăn nói. Như vậy, dù trong hoàn cảnh nào, dù đối diện với ai, bạn đều có thể tự tin trong mọi lời ăn tiếng nói, khiến mọi người cảm thấy vui vẻ, bổ ích khi được nói chuyện với bạn, có ấn tượng tốt đẹp về bạn, từ đó, mối quan hệ xã hội của bạn trở nên rộng rãi, và bạn sẽ trở thành nhân vật được mọi người yêu quý.

Phần một

NGHỆ THUẬT NÓI CHUYỆN: IM LẶNG

1. Lắng nghe nhiều hơn phát ngôn

2. Cách giới thiệu

3. Khi được giới thiệu và khi không được giới thiệu

4. Bắt đầu cuộc nói chuyện một cách vui vẻ (Sự khởi đầu câu chuyện một cách vui vẻ)

5. Đừng chỉ trích lỗi lầm của người khác

6. Hãy tạo cơ hội cho người khác nói nhiều về bản thân họ

7. Các phép lịch sự khi nói chuyện

8. Cách thể hiện ý kiến đối lập

9. Cấm kỵ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

10. “Sự thật” chưa chắc đã “mất lòng”

11. Đối phó với sự khắt khe và chỉ trích

12. Phân tích khả năng nói chuyện của bản thân

Nghe nhiều nói ít

“Họa từ miệng ra”, câu nói này không phải là không có căn cứ, lý do là nếu bạn nói quá nhiều, nguy cơ phạm lỗi ắt sẽ tăng lên. Vì vậy, trước khi tìm hiểu nghệ thuật nói chuyện, điều quan trọng nhất là phải biết cách nói ít, đây là một bài học vô cùng quan trọng.

Một phóng viên người Mĩ từng phỏng vấn Einstein: “Công thức của thành công là gì?”, Einstein suy nghĩ giây lát rồi nói: “Nếu A thành công thì công thức của thành công là: A=X+Y+Z, trong đó X là công việc, Y là trò chơi”.

Phóng viên hỏi tiếp một cách đắy nghi vấn: “Vậy thì Z là cái gì, thưa ngài?”.

Einstein trả lời: “Z chính là: hãy khóa miệng lại, nói ít và làm nhiều”.

Tự cổ chí kim, các vĩ nhân của chúng ta đều nhắc nhở người đời sau hãy “nói ít, làm nhiều”, nói nhiều sẽ khiến nguy cơ phạm lỗi tăng lên, vì vậy, phải học tập tinh thần “người khôn mà như ngốc nghếch”. Hãy làm người có học thức, biết nói năng chừng mực, không được làm người đầu rỗng tuếch mà lại thích ba hoa, thà im lặng khiến người khác hoài nghi về năng lực bản thân, còn hơn nói nhưng lại khiến người khác nhìn thấy sự nông cạn của mình.

Vì thế, trước khi tìm hiểu nghệ thuật nói chuyện, bước đầu tiên cần nắm được là hạn chế phát ngôn.

Nói ít được coi là một đức tính tốt, nhưng con người vốn thuộc về tập thể, hàng ngày, đi học hay đi làm đều phải giao tiếp với mọi người, vì thế, chúng ta chỉ có thể chọn lựa nói ít, chứ không thể hoàn toàn im lặng. Phải luôn nhớ nguyên tắc quan trọng sau đây: dù trong hoàn cảnh nào, tốt nhất đều cần hạn chế phát ngôn, trường hợp bất đắc đĩ không thể không nói, thì phải luôn luôn chú ý, cảnh báo bản thân về nội dung, ý nghĩa của câu chuyện, câu chữ, giọng điệu và tư thế khi nói chuyện.

Hạn chế phát ngôn, không tranh lời người khác, hãy dừng lại để tâm và lắng nghe nội dung câu chuyện của người khác

Nên nói gì, trong trường hợp nào, cách nói ra sao… đều là các vấn đề đáng để chúng ta quan tâm tìm hiểu. Bất kể là thảo luận chuyên môn, đàm phán kinh doanh, chiêu đãi tiếp khách hay vui chơi giải trí, mỗi lời nói chúng ta phát ra đều phải lọt tai, khiến người khác cảm thấy hứng thú, như vậy mới được coi là nói chuyện thành công. Hãy lấy nguyên tắc “Không nói thì thôi, nhưng đã nói là mọi người phải nể phục” làm mục tiêu học tập và rèn luyện.

Để những lời mình nói ra được mọi người coi trọng và yêu thích, không gây cảm giác chán ghét thì bí quyết duy nhất là nói ít, chỉ có nói ít mới có thể khiến ta chú tâm lắng nghe nội dung nói chuyện của người khác, đồng thời tĩnh tâm suy ngẫm ý nghĩa trong lời nói của họ, mới có thể khiến bạn đối đáp với đối phương một cách sâu sắc hơn.

Chú tâm lắng nghe lời nói của người khác, là một điều kiện quan trọng trong nghệ thuật nói chuyện, bởi người biết lắng nghe ý kiến của người khác, chắc chắn sẽ là một người điềm đạm, sâu sắc và khiêm tốn. Có thể, kiểu người như vậy ban đầu không được chú ý trong đám đông, nhưng cuối cùng, bao giờ cũng là người được kính nể nhất. Được mọi người yêu mến vì khiêm tốn, được mọi người kính nể vì biết suy nghĩ, quan hệ xã hội của người đó tất nhiên sẽ rất thành công.

Hãy là một người biết lắng nghe, đưa ra ý kiến vào lúc thích hợp!

Làm thế nào để trở thành một người biết lắng nghe? Yêu cầu đầu tiên là “chân thành”. Khi người khác nói chuyện với bạn, bạn không được giành lời của họ một cách nóng vội, điều quan trọng nhất, là bạn phải chăm chú nhìn vào họ, thể hiện rằng mình đang lắng nghe họ nói một cách chân thành. Bất kể người nói chuyện với bạn là ai, địa vị cao hơn hay thấp hơn, thì hành động này đều là biểu hiện của phép lịch sự. Ngược lại, khi người khác đang nói chuyện với bạn, bạn lại luôn đưa mắt nhìn ra xung quanh, hoặc vừa nói chuyện vừa làm các việc khác, thì sẽ khiến họ có cảm giác thiếu lịch sự hoặc thiếu tôn trọng. Đặc biệt, làm như vậy sẽ khiến bạn không thể chú tâm lắng nghe nội dung câu chuyện của người khác, khi người khác hỏi ý kiến bạn, bạn cũng không thể trả lời bởi đã không chú ý lắng nghe, điều này thật thất lễ.

Khi nghe người khác nói chuyện, thỉnh thoảng thêm vào một hai câu biểu thị sự đồng tình là điều rất tốt, ngoài ra, khi bạn không hiểu ý trong lời nói của đối phương, việc đưa ra thắc mắc vào thời điểm thích hợp cũng vô cùng quan trọng, vì nó biểu thị sự quan tâm của bạn đối với nội dung lời nói của đối phương. Tuy nhiên, không được áp đảo đối phương, tránh việc tước đoạt quyền phát ngôn của đối phương, rồi thao thao bất tuyệt những suy nghĩ của mình.

Ngoài ra, còn một việc vô cùng quan trọng, đó là: cho dù đối phương nói gì thì cũng không được sửa lỗi của họ một cách bừa bãi, bởi điều đó làm họ thấy phản cảm, thì bạn cũng không được coi là người biết lắng nghe. Ví dụ, khi bạn gặp một người suốt ngày chỉ lặp đi lặp lại một chủ đề câu chuyện, tuyệt đối không được “sửa” họ ngay tại chỗ với câu nói: “vấn đề này anh đã nói nhiều lần lắm rồi!”, làm như vậy sẽ khiến đối phương bối rối, mất mặt.

Gặp trường hợp này, bạn nên kiên nhẫn lắng nghe họ nói xong, đồng thời thông cảm rằng, hoặc họ rất quan tâm đến vấn đề này, hoặc họ rất muốn nghe ý kiến của mình, nên mới làm như vậy, khi bạn đưa ra ý kiến hồi đáp cho đối phương vào thời điểm thích hợp, có nghĩa là bạn đã hóa giải thành công tình huống khó xử này.

Trường hợp nội dung nói chuyện của đối phương quá vô vị, nhạt nhẽo, bạn cũng nên khéo léo dẫn dắt câu chuyện sang một chủ đề mà cả hai cùng hứng thú, giúp cho hai người có cơ hội phát ngôn, tránh kiểu nói chuyện “độc diễn”, khiến cho “kẻ bị bỏ rơi” cảm thấy mất hứng.

NGHỆ THUẬT NÓI CHUYỆN THÀNH CÔNG

1. Cố gắng nói ít làm nhiều trong bất cứ trường hdp nào.

2. Là một người biết lắng nghe.

CÁCH GIỚI THIỆU

Khi bắt đầu một cuộc nói chuyện, nếu không có phương thức giới thiệu hợp lý, sẽ khiến nhân vật thú 3 cảm thấy bối rối, lạc lõng, khi đó, dù người chủ câu chuyện nói chuyện vui vẻ đến đâu, thì không khí của cuộc nói chuyện cũng trở nên thiếu hài hòa. Vì vậy, để có được cuộc nói chuyện như ý, thì màn giới thiệu mở đầu thành công luôn là một bước quan trọng.

Màn mở đầu cho một cuộc nói chuyện giữa hai người lạ mặt vừa được giới thiệu với nhau, bao giờ cũng là khó khăn nhất.

Có lẽ, ai trong số chúng ta cũng đều từng trải qua tình huống này; khi bạn đến thăm bạn bè hoặc khi bạn bè giới thiệu với bạn một người bạn mới, bạn sẽ cảm thấy không khí căng thẳng, bởi không biết phải nói chuyện gì lúc bắt đầu. Lúc này, người trung gian là bạn của hai bên nên chủ động đứng ra giới thiệu, và bắt đầu câu chuyện với chủ đề mà cả hai đều hứng thú, ví dụ:

A nói với B và C: “Đây là B bạn mình, cậu ấy rất thích xem những bộ phim kinh điển, C cũng thế phải không?”.

C: “Đúng thế, tôi thích nhất là xem Casablanca”.

B: “Vậy sao? Tôi cũng vậy! Hay quá! Lần sau mình cùng đi xem nhé!”.

Cách bắt đầu câu chuyện như vậy, có thể sẽ xua tan không khí căng thẳng, cũng tránh được việc bị bỏ rơi, không tham gia được câu chuyện vì không quen biết. Nhất là trong các buổi gặp mặt đông người hoặc tiệc tùng cưới hỏi, nguy cơ phải đối diện với người lạ là rất cao, cách giới thiệu do vậy càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Sắp xếp những người bạn có tính chất công việc gần giống nhau ngồi với nhau, sẽ dễ tìm được mối quan tâm chung và thu hẹp khoảng cách

Giả sử bạn là người chủ trì cuộc họp mặt hôm nay, bạn sẽ làm gì để giới thiệu cho các khách tham gia quen nhau? Nếu số lượng khách quá đông, tất nhiên sẽ không thể giới thiệu từng người một, lúc này, bạn có thể giúp mọi người tự làm quen bằng cách xếp chỗ theo nhóm. Khi bố trí chỗ ngồi bàn tiệc hoặc nói chuyện, cố gắng sắp xếp những vị khách có tính chất công việc gần giống nhau ngồi cùng nhau, giúp họ tìm được chủ đề chung khi nói chuyện, khi đó, việc thiết lập mối quan hệ cũng trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ: giới thiệu người bạn thuộc giới nghệ thuật với nhạc sĩ, giới thiệu nhà sản xuất mỹ phẩm với nhà hóa học, giới thiệu nhà báo với nhân vật thuộc giới chính trị, quân sự,… việc ghép đôi căn cứ vào tính chất công việc tương tự thường đem lại hiệu quả rất cao.

Ngược lại, nếu bạn của bạn giới thiệu cho bạn một người có tính chất công việc không hề liên quan, khi tiếp xúc sẽ chỉ có thể nói vài câu xã giao thông thường, hoặc những câu chuyện chẳng đi đến đâu, như vậy, buổi họp mặt này bỗng trở nên khổ sở đối với bạn, bạn chỉ mong mau chóng thoát khỏi. Vì vậy, những người trung gian nhạy bén, thông minh nhất định không được bỏ qua điều này.

Chú ý từng tiểu tiết lễ nghi khi giới thiệu người khác, khiến người được giới thiệu có cảm giác được tôn trọng

Theo nghi thức quốc tế, giới thiệu với người khác một cách lịch sự, là phải giới thiệu người ít tuổi với người lớn tuổi hơn, phải thể hiện sự tôn trọng đối với khách nữ và người cao tuổi. Hơn nữa, ngoài việc phải nói rõ tên của người được giới thiệu, người trung gian giỏi còn nên giới thiệu qua về nghề nghiệp, sở thích của hai bên, giúp hai người vốn xa lạ có thể xích lại gần nhau một cách nhanh nhất.

Ngoài ra, nếu sợ không nhớ đầy đủ họ tên của đối phương, khi giới thiệu, chỉ cần nhắc tới tên hoặc biệt danh cũng là một biện pháp hay. Ví dụ: “Đây là bạn tôi – anh Dũng… Anh ấy đang làm việc cho một công ty mạng…”, “Đây là bạn tôi – Chị Lan… Chị ấy là chủ shop thời trang Mốt… thích mua quần áo cứ gặp chị ấy sẽ được giảm giá đấy!” Với cách giới thiệu này, có thể tăng thêm ấn tượng về hai bên, không khí của buổi gặp gỡ cũng không bị gượng gạo, dè dặt.

Cuối cùng, cần chú ý một vài điểm quan trọng sau đây:

(1) Khi giới thiệu người thân của mình với bạn bè, phải nhớ nói rõ quan hệ của họ với mình. Ví dụ:” Em Hà đây là em tớ.” điều này sẽ khiến đối phương biết rõ quan hệ giữa các bạn.

(2) Khi giới thiệu một người đến muộn với những người bạn đang có mặt: thứ tự thường là giới thiệu từ trái qua phải, ví dụ: “Đây là Minh Hà, đây là Trung Dũng, đây là Tú Anh, đây là Huy Giáp…”. Cuối cùng, mới giới thiệu người vừa đến với tất cả mọi người: “Đây là Quỳnh Trang”.

Khi được giới thiệu và khi không được giới thiệu

Rất có thể, chúng ta rơi vào vị trí của người được giới thiệu khi người khác giới thiệu xong, nên tiếp tục cuộc nói chuyện như thế nào để tránh khỏi không khí gượng gạo? Ngoài ra, khi người giới thiệu sơ ý quên không giới thiệu bạn, phải làm gì để hóa giải tình huống khó xử này? Phần này, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn một số phương pháp để ứng phó với hai tình huống trên, giúp bạn chủ động kiểm soát không khí vui vẻ của cuộc nói chuyện.

Ở phần trước, chúng tôi đã nêu ra vai trò quan trọng của người giới thiệu, nếu lúc đầu, người giới thiệu thực hiện tốt vai trò của mình, thì cuộc nói chuyện sẽ diễn ra rất nhẹ nhàng suôn sẻ, nhưng nếu chúng ta đổi sang vị trí của người được giới thiệu, thì sẽ phải có động thái như thế nào để duy trì không khí vui vẻ đó? Những tình huống sau đây đều là những điểm quan trọng mà bạn không thể bỏ qua.

BẠN SẼ PHẢI LÀM THẾ NÀO ĐÂY?

Khi đối diện với tình huống trên, bạn hoàn toàn có thể xử lý theo cách như sau. Nếu bạn không nghe rõ họ tên của đối phương, bạn có thể mạnh dạn hỏi lại người giới thiệu hoặc người được giới thiệu một cách lịch sự, như thế sẽ tốt hơn là giữ kín sự thắc mắc trong lòng, cũng tránh được tình trạng: vì suy nghĩ mông lung mà ảnh hưởng đến không khí của cả buổi nói chuyện, thậm chí, làm mất đi cơ hội nảy mầm cho một tình bạn tốt đẹp.

Sau khi bạn hỏi một cách kĩ càng về cách viết, cách đọc tên của đối phương, bạn hoàn toàn có thể tự tin gọi tên của đối phương, ví dụ: “anh Trường”, “chị Dao”, “bác Vì”, điều đó không những làm cho không khí cuộc nói chuyện tự nhiên hơn, mà còn khiến cho đối phương cảm nhận được sự tôn trọng của bạn đối với họ.

Một số người, khi giới thiệu hai người lạ quen nhau, thường có thói quen dùng tay chỉ một cách qua loa: “đây là Hà…”, “đây là bạn học phổ thông của tôi…”, khiến cho người được giới thiệu không nghe rõ được đầu đuôi, nhưng vì lịch sự nên ngại không hỏi lại. Vì thế, rất nhiều người gặp phải tình cảnh này, đều chỉ biết gật đầu một cách miễn cưỡng, nói với nhau vài câu vô thưởng vô phạt, rồi nhanh chóng tìm cách thoát thân. Trường hợp này hoàn toàn không có lợi, thậm chí còn gây tổn hại đáng tiếc cho việc mở rộng quan hệ xã hội. Bởi lẽ, trong quan hệ ngoại giao, ta có cơ hội làm quen với những nhân vật có năng lực, có vị trí nhất định trong các lĩnh vực khác nhau, cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích và sự trợ giúp quý báu khi cần thiết. Có người, lẽ ra có thể trở thành tri kỷ của bạn vì nói chuyện tâm đầu ý hợp, nhưng cuối cùng lại mất đi cơ hội tốt, cũng chỉ vì sự cẩu thả của người giới thiệu.

Khi chủ nhân bữa tiệc thản nhiên bắt đầu cuộc nói chuyện, mà không giới thiệu sự có mặt của bạn

Trong buổi nói chuyện, tình huống gay go nhất là người chủ bữa tiệc tiếp chuyện với bạn của anh ta, nhưng lại quên giới thiệu về sự có mặt của bạn, khiến bạn bị bỏ quên không biết phải làm gì. Lúc này, đừng bi quan nghĩ rằng, mình không được giới thiệu là mất mặt và có thái độ giận dỗi phản ứng, hoặc lỳ mặt không nói câu gì suốt cả buổi, làm như vậy chỉ khiến người khác thấy bạn mất lịch sự, càng khiến họ không muốn làm quen, giao thiệp với bạn, để lại ấn tượng không tốt về bạn.

LÚC NÀY BẠN PHẢI LÀM NHƯ SAU

Khi gặp phải tình huống này, bạn hoàn toàn có thể chủ động gật đầu một cách tự nhiên với đối phương, để biểu thị sự làm quen, khi đối phương đưa mắt nhìn bạn, bạn có thể chủ động đến gần, tự giới thiệu bản thân và tạo cơ hội làm quen với người khác. Nếu bạn thực sự e ngại, có thể hỏi chủ nhân bữa tiệc biết tên của đối phương và nhờ anh ấy giới thiệu về bạn.

Tóm lại, tự nhiên, nhiệt thành là yếu tố vô cùng quan trọng cần phải có trong giao tiếp xã hội. So với người luôn e dè, ngại ngần, những người mạnh dạn bắt chuyện với người lạ một cách tự nhiên mới là người được mọi người yêu thích, vì họ khiến mọi người cảm thấy dễ gần. Tất nhiên, họ sẽ trở thành “hot girl, hot boy” trong lòng mọi người.

Bắt đầu cuộc nói chuyện một cách vui vẻ

Khi nói chuyện với một người không quen biết, câu đầu tiên phải nói gì? Làm thế nào để tránh được sự gượng gạo? Lúc này, nội dung câu chuyện trở nên vô cùng quan trọng, tuyệt đối không được để cập những chủ đề mà bạn không hiểu rõ, điều đó sẽ làm lộ ra những khiếm khuyết của bạn, đồng thời cũng khiến đối phương cảm thấy nhàm chán khi nói chuyện với bạn.

Có thể nói rằng, sau khi giới thiệu xong họ tên của hai bên, câu nói đầu tiên tiếp theo có vai trò vô cùng quan trọng. Vi đối tượng nói chuyện không thân thuộc, nên rất khó để nắm bắt trọng tâm của nội dung câu chuyện, lúc này, tuyệt đối không nên tự tin thái quá đi vào một chủ đề mình không hiểu biết hoặc vượt quá phạm vi, đẩy mình vào tình huống khó xử, không thể tiếp tục câu chuyện được.

Ví dụ: Khi cùng bạn thân đến tham dự buổi họp lớp của anh ấy, anh ấy giới thiệu bạn với một người cùng sở thích đánh bóng giống bạn, sau khi hai bên tự giới thiệu, bạn liền ra vẻ thân mật, nói đùa rằng: “Lần sau đánh bóng nhớ rủ tôi, để tôi dạy cậu mấy chiêu, cái bụng cá ngừ của cậu sẽ được làm bé rất hiệu quả đấy”. Câu nói này sẽ khiến đối phương mất mặt, khó xử, nếu không có người đứng ra hòa giải, chắc chắn không khí sẽ căng thẳng, khiến chính bạn cũng thấy bị tổn thương. Mặt khác, người bên cạnh còn thầm trách bạn thiếu lịch sự, và đưa bạn vào danh sách đen những người nói năng bừa bãi.

Vì thế, nếu không muốn trở thành người khiến mọi người mất vui, việc nghiêm túc rèn luyện để bắt đầu cuộc nói chuyện thú vị, là một điều vô cùng quan trọng, về vấn đề rèn luyện như thế nào, bạn có thể tham khảo một số cách sau:

Tận dụng bối cảnh trước mắt

“Tận dụng hoàn cảnh trước mắt”, có nghĩa là tìm kiếm chủ đề câu chuyện căn cứ vào hoàn cảnh hiện thực. Nếu địa điểm buổi gặp mặt là nhà hoặc tiệc cưới của bạn bè, có thể lấy quan hệ giữa đối phương với chủ bữa tiệc làm chủ đề của câu nói đầu tiên: “Anh với anh Đức là bạn học hay đồng nghiệp?”, những câu hỏi như trên dù đúng hay sai, cũng đều có thể thu hút sự chú ý của đối phương. Nếu hỏi đúng thì câu chuyện sẽ được tiếp tục theo chủ đề của câu hỏi, nếu không đúng thì bạn có thể tìm chủ đề mới căn cứ vào câu trả lời của đối phương.

Ngoài ra, bạn còn có thể bắt đầu câu chuyện với một câu hỏi rất an toàn, ví dụ: “Khách hôm nay đông thật đấy!”, “Hội trường hôm nay được trang hoàng thật là lộng lẫy!”…Với những câu khởi đầu đầy tính chất khen ngợi như vậy, không khí của cuộc nói chuyện sẽ nhẹ nhàng thoải mái hơn, đây cũng được coi là một trong các cách mở đầu an toàn, lịch sự.

Thăm dò

Nếu là lần đầu tiên gặp đối phương, không biết chút gì về họ, tuyệt đối không được có những câu hỏi mang tính nhạy cảm, động chạm đến đời sống cá nhân của họ, như: “Anh làm việc ở đâu?”, “thu nhập hàng tháng của anh bao nhiêu?”. Nếu thời điểm đó, chẳng may đối phương vừa bị thất nghiệp, thì câu hỏi này đã đẩy họ vào tình cảnh khó nói, từ đó, họ sẽ khó chịu vì sự tò mò của bạn.

Trong tình huống này, tốt nhất là bạn nên bắt đầu cuộc nói chuyện một cách thăm dò, trước tiên, hãy tìm hiểu đối phương bằng những câu hỏi với phạm vi rộng, sau đó, tiếp tục câu chuyện từ nội dung vừa khai thác được, ví dụ: “Anh có hay chơi thể thao không?”, nếu câu trả lời của đối phương là “không” thì bạn có thể hỏi tiếp: “chắc là vì công việc hàng ngày quá bận nên không có thời gian?”. Từ câu trả lời của đối phương, có thể xác định được thái độ của họ và biết nên tiếp tục câu chuyện như thế nào, đây cũng là một cách nói chuyện khá ổn.

Đừng chỉ trích lỗi lầm của người khác

Khi nói chuyện, nếu quan điểm của bạn và người khác có nhiều chỗ bất đồng, bạn sẽ dùng mọi lý lẽ để họ thay đổi quan điểm, hay giữ kín suy nghĩ trong lòng và hưởng ứng theo họ chỉ vì giữ hòa khí? Thái độ của bạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí của cuộc nói chuyện, vì vậy, bạn nên chú ý điều chỉnh từng lời nói, hành động của mình.

Hà Anh vừa chuyển đến nhà mới, cô mời một số bạn thân đến tham quan nhà mới để chia vui. Khi cô phấn khởi khoe với mọi người về các sản phẩm nghệ thuật đang bày trong nhà được mua từ nước ngoài, thì Phương Thảo nhanh mồm nhanh miệng phát biểu luôn: “Xin nàng, cậu mua đắt rồi! Tớ đã từng xem sản phẩm này ở trên mạng, nhưng thấy không đáng giá đó nên không mua!”.

Hà Anh nghe thế ngượng đỏ mặt, trả lời: “Sao lại có thể đắt được nhỉ! Đây là tác phẩm của nghệ nhân nổi tiếng đấy! Cậu có biết nhìn đồ không! Sản phẩm này còn được đăng lên tạp chí nghệ thuật đấy”.

Chúng ta thường xuyên bắt gặp những tình huống mất mặt, vì bị phủ nhận khi nói chuyện như trên, từ đó, khiến cho không khí cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng. Đó là bởi, hiếm ai có thể chấp nhận bị người khác đánh giá thấp năng lực của bản thân, vì thế, để biện hộ cho chính mình, họ ra sức tranh luận đến cùng nhằm giữ thể diện, cho dù có làm mất hòa khí.

Kết quả là ngày hôm sau, một người bạn khác của Hà Anh – Thanh An cũng ghé thăm nhà mới, Thanh An nhìn thấy sản phẩm nghệ thuật đó thì ca ngợi hết lời về con mắt biết nhìn đồ của Hà Anh, đồng thời còn nói, khi nào ra nước ngoài cũng phải tìm mua một món giống thế. Không ngờ, Hà Anh nói với bạn: “Thực ra, cậu không cần phải đi đâu xa xôi, trên mạng cũng có bán, thậm chí giá còn rẻ hơn…”.

Cùng một đồ vật, thái độ của người nói khác nhau, sẽ tạo ra phản ứng khác nhau. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi khi chúng ta phạm sai lầm, nếu đối phương giải quyết với thái độ ôn hòa, chúng ta sẽ dễ dàng thừa nhận, nhưng nếu đối phương chỉ trích một cách gay gắt, thì chúng ta cũng sẽ quyết tranh luận cho bằng được, để giữ thể diện cho bản thân. Tuy vậy, bất kể là chỉ trích người khác hay dùng lời lẽ phản kháng lại, thì cũng đều không phải là biện pháp hay.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button