Review

Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận

Thể loại Kỹ Năng – Chuyên Ngành
Tác giả Trịnh Tiểu Lan
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Minh Long
Số trang 272
Ngày xuất bản 08-2014
Giá bánXem giá bán

Chúng ta đang sống trong một xã hội “mở”, mỗi cá nhân đều không thể tồn tại độc lập, đều phải giao tiếp với nhau, cho dù là lao động trí óc, lao động chân tay hay nghành nghề khác trong xã hội.

Nhưng chúng ta cũng đang sống trong một xã hội “thờ ơ lạnh nhạt”, giữa con người với con người càng ngày càng khó giao lưu với nhau, người ta lúc nào cũng đề phòng, dùng lớp vỏ ngoài dày đặc để bao bọc tâm hồn của mình.

Vậy là, giao tiếp trở thành một lĩnh vực đòi hỏi có kỹ thuật cao. Những người không hiểu bí quyết ẩn chứa trong đó, sẽ khó tránh khỏi việc gặp trở ngại, khó được người khác tiếp nhận; nhưng có những người lại biết dựa vào kỹ năng vốn có của mình để có được sự thuận lợi trong mọi việc, dễ dàng được người khác chào đón. Vì vậy, muốn có quan hệ tốt đẹp thì chúng ta phải học cách giao lưu, phải nắm được phương pháp nói chuyện và làm việc.

Cuốn sách Nói thế nào để được chào đón, làm thế nào để được ghi nhận cung cấp cho các độc giả những phương pháp thực tiễn và hữu ích. Đọc cuốn sách này bạn sẽ biết: làm thế nào để thể hiện ưu điểm của mình thông qua cách nói chuyện, làm việc khéo léo; làm thế nào để gây ấn tượng tốt với người khác chỉ qua lần gặp gỡ ban đầu; làm thế nào để vượt qua cuộc phỏng vấn lắt léo; làm thế nào để khiến người khác giới cảm mến bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên… Có vô số những tuyệt chiêu trong cuốn sách sẽ dạy bạn những điều này.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sách dạy về kỹ năng sống, sách dạy cách nói và thực hành cũng khá nhiều, nhưng chỉ có một vài cuốn là có phương pháp và kỹ năng thực tế thực sự, cuốn sách này nằm trong số ít ỏi đó. Cuốn sách đã hoàn toàn vứt bỏ những lý luận sáo rỗng, giáo điều để trực tiếp truyền thụ cho bạn những kỹ năng thực tế.

Nói chuyện dường như không hề khó, hầu như ai cũng biết nói. Tuy nhiên, có những người nói năng vô cùng trí tuệ và hoạt bát, trong khi lại có những người nói năng thiếu chuẩn mực, gây khó chịu cho người khác. Biết ăn nói và không biết ăn nói, giữa chúng có một sự khác biệt rất lớn.

Bạn không tin ư? Hãy xem hai ví dụ dưới đây:

Mùa đông, cửa sổ mở, từng cơn gió lạnh không ngừng lùa vào phòng. Gặp tình huống này, có anh chồng sẽ trách móc vợ: “Em làm gì vậy? Lẽ nào em không thấy lạnh sao? Vì sao không đóng cửa sổ lại?”

Cũng có anh chồng nói với vợ rằng: “Vợ ơi, anh sợ em lạnh, anh đi đóng cửa sổ nhé!”

Nếu bạn là chồng, bạn sẽ chọn câu nào để nói với vợ? Kết quả sẽ như ra sao? Tôi nghĩ chắc chắn bạn sẽ tưởng tượng được.

Trên xe có người bạn muốn hút thuốc. Người A cùng xe nói: “Anh dập thuốc đi được không? Tôi không chịu được.” Người B cùng xe nói: “Cậu hút ít thôi! Đặc biệt là hút thuốc trong xe, không tốt cho sức khỏe của cậu.” Bạn cho rằng người hút thuốc sẽ muốn nghe ai?

Qua đó có thể thấy, biết ăn nói và không biết ăn nói là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, kết quả nhận được cũng hoàn toàn khác nhau. Khi nội dung nói chuyện của bạn hàm chứa những tình cảm mà bạn nghĩ cho đối phương, đối phương sẽ biết tâm ý của bạn, muốn nghe lời bạn nói, từ đó càng thích bạn hơn. Ngược lại, nếu bạn nói năng không suy nghĩ, không chú ý ngữ khí thì rất dễ đắc tội với người khác.

“Một câu nói khiến người ta cười, nhưng một câu nói cũng khiến người ta khó chịu.” Cho dù sự việc lớn hay nhỏ, biết ăn nói sẽ giúp bạn thành công, hoặc sẽ khiến thành công của bạn đến nhanh hơn, thậm chí còn đóng vai trò mang tính quyết định trong những thời khắc quan trọng.

Trong xã hội hiện nay, những người tỏ ra nhút nhát, sợ sệt, hiền lành thật thà thường sẽ rơi vào tình huống khó xử trong giao tiếp. Một số người kiến thức uyên thâm, nhưng vì thiếu kỹ năng giao tiếp nên không được mọi người yêu mến. Một số người biểu hiện rất xuất sắc trong công việc nhưng không diễn tả được thành lời hoặc không thuyết trình được ý tưởng của mình với cấp trên và đồng nghiệp, từ đó mất đi rất nhiều cơ hội thăng tiến. Vì vậy, cho dù thế nào bạn cũng phải học được cách “nói năng”.

Tiếp theo, chúng ta phải học cách làm việc, bởi vì làm tốt mới được người khác khẳng định. Vậy, để làm tốt chúng ta phải lưu ý những gì?

Đầu tiên, chúng ta phải có mục tiêu làm việc rõ ràng, có mục tiêu rõ ràng rồi sẽ có phương hướng đúng đắn. Thứ hai, chúng ta phải có tư duy mạch lạc, từ tư duy mạch lạc để xây dựng nên một kế hoạch hành động khoa học và thực tiễn. Khi những thứ này đều rõ ràng rồi thì chúng ta phải tự tin, tin tưởng rằng bản thân có thể làm tốt. Khi đối mặt với chuyện không như ý, chúng ta không được chán nản nhụt chí, không được “ngã ở đâu thì nằm ở đó”. Mỗi một lần phạm lỗi đều là bài học để chúng ta rút kinh nghiệm, tích lũy thêm kinh nghiệm. Chúng ta phải biết phát huy sức mạnh vốn có, biến những chuyện không thể thành có thể.

Muốn làm được việc gì đó trong xã hội, thì nói năng làm việc chính là một bài học mà chúng ta phải tu luyện đầu tiên. Tuy nhiên, những người khác nhau thì “thành tích” sẽ khác nhau một trời một vực. Những người giỏi nói giỏi làm thì mọi việc có thể như diều gặp gió, như cá gặp nước, mọi sự như ý; ngược lại sẽ như gió ngược chiều, như thuyền mắc trên cạn, mọi sự khó khăn vô cùng.

Xã hội vô cùng phức tạp, muốn có được thành công không đơn giản như chúng ta tưởng tượng. Vì sao có người học rộng tài cao nhưng lại gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc sống; vì sao có người tư chất bình thường nhưng lại có một sự nghiệp lẫy lừng. Một phần rất lớn phụ thuộc vào bản lĩnh ăn nói của bạn. Đối nhân xử thế và cách giao tiếp trong công việc đều cần kỹ xảo. Đây cũng chính là bài học để mỗi người khi bước ra xã hội có thể giành lấy thành công.

Tóm lại, chỉ khi bạn hiểu được ý nghĩa của việc đối nhân xử thế, nắm được kỹ năng giao tiếp, làm việc thì mới có thể khiến bạn bè yêu quý, lãnh đạo coi trọng, nhân viên kính trọng, khách hàng tin tưởng, xã hội công nhận và khiến thành công gần bạn hơn! Chúng tôi cũng tin rằng, tất cả những bạn đọc xong cuốn sách này thì khả năng giao tiếp, làm việc sẽ càng ngày càng được nâng cao, sự thành công cũng sẽ đến dễ dàng hơn.

[taq_review]

Trích đoạn

Thanh niên ngày nay luôn đòi hỏi giải phóng cá tính, coi trọng sự bình đẳng, coi thường phép tắc trên dưới mà tổ tiên truyền lại. Người Phương Đông từ xưa tới nay coi trọng bổn phận, làm theo quy tắc, chỉ cần biết vị trí của mình là gì trong xã hội là sẽ ngoan ngoãn chấp nhận, bởi họ sợ gây rắc rối. Điều này nhìn qua thì thấy có vẻ như mang tính cách hiền lành nhút nhát nhưng thực chất là thông minh, thỏa đáng. Trong phim cổ trang thường có cảnh tượng như thế này: Một thường dân chạy đến chỗ quan phủ, chỉ vào mặt quan chửi quan hồ đồ, mặc dù nhìn thì có vẻ dũng cảm, khí thế nhưng rốt cuộc đều bị lôi ra ngoài, đánh cho một trận nhớ đời. Hoặc ví như trong quán trọ có khách đến, nếu là một thư sinh chất phác, tiểu nhị sẽ nói: “Khách quan đi đường vất vả rồi, ở đây chúng tôi có hai món rau dưa với một bình rượu nhỏ, xin mời uống cho ấm người!” Nếu là một ông chủ vừa nhìn đã biết giàu có, tiểu nhị sẽ nói: “Lão gia, quán trọ mới có hải sản, có rượu hảo hạng dành cho ngài đấy ạ!” Quán có một tiểu nhị khéo léo như vậy, việc kinh doanh không tốt mới là lạ. Nếu đổi đối tượng, nói ngược lại hai câu nói này thì thư sinh sẽ cảm thấy bị bới móc, còn lão gia sẽ cảm thấy quán trọ nghèo nàn, không xứng với mình. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Nằm ở chỗ trước khi nói cần xác định rõ thân phận địa vị của đối phương.

Những người trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm có thể nghĩ rằng điểm này không quan trọng. Thực tế là, khi chúng ta nói chuyện, nếu biết căn cứ vào thân phận địa vị của đối phương thì không những sẽ phù hợp với lễ nghi xã giao cơ bản mà còn phù hợp với nhu cầu tâm lý của con người. Một khi lời bạn nói thỏa mãn nhu cầu tâm lý của người khác thì dĩ nhiên sẽ hỗ trợ cải thiện và tăng cường quan hệ giữa chúng ta với những người xung quanh. Nói một cách cụ thể, trong quá trình giao tiếp, nhìn vào thân phận địa vị của đối phương để nói chủ yếu sẽ có những tác dụng dưới đây:

  1. Tăng cường sự đồng thuận của đối phương với thân phận địa vị của mình

Trong nội dung lý luận tháp nhu cầu, Maslow – nhà tâm lý học người Mỹ cho rằng: Nhu cầu tự thể hiện bản thân là một nhu cầu khá cao, biểu hiện thông thường của nó là cảm thấy vinh dự và thành công, nó không giống với “sĩ diện” mà là điều kiện cần thiết để một người nào đó khẳng định được vị trí và vai trò của mình. Vì vậy, câu nói “Binh sĩ không muốn làm tướng quân thì không phải binh sĩ tốt” cũng có lý do của nó. Mục đích của nó là để thể hiện giá trị của bản thân, đồng thời cảm nhận được sự uy nghiêm và vinh dự từ địa vị của mình.

Ai cũng có lòng hư vinh, nếu bạn cảm thấy điều này là thô tục, thì bạn có thể lánh thân ở nơi chùa chiền không dính bụi trần. Nhưng bạn cần biết rằng, trong chốn tu hành cũng có phân biệt về đẳng cấp, thân phận, địa vị; tu sáu bảy mươi năm đổi lấy một tiếng “sư tổ” của chúng đệ tử, và cũng ngần ấy năm để đổi lấy một câu “đại sư” trên giang hồ.

  1. Đôi bên cùng có lợi

Tâm lý học xã hội cho rằng, lời nói và hành vi của mỗi thành viên trong xã hội đều nên phù hợp với quy phạm hành vi và chuẩn mực đạo đức về vai trò và địa vị của người đó. Trong giao tiếp xã hội, do mỗi người có vai trò địa vị khác nhau nên sẽ quyết định các phương thức khác nhau khi con người giao tiếp. Căn cứ vào thân phận địa vị của người khác để vận dụng cách nói chuyện tương ứng, có thể duy trì khoảng cách qua lại thích hợp giữa bạn và đối phương, đồng thời cũng khiến quan hệ giữa bạn và đối phương ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Khái niệm “vai diễn xã hội” do từ chuyên môn là vai diễn trong phim và kịch diễn tiến mà thành. Các nhà xã hội học, trong quá trình phân tích tương tác xã hội đã phát hiện, sân khấu xã hội và sân khấu trong phim có một số điểm tương đồng, vì vậy người ta liền mượn khái niệm “vai diễn” trong phim để áp dụng trong tâm lý học và xã hội học.

Trong cuộc sống, có một số người khi nói chuyện với người khác không phân biệt già trẻ lớn bé, không phân biệt trước sau trên dưới, không hiểu rõ mối quan hệ giữa mình và những người xung quanh. Những người như thế này nói chuyện, chứ đương nhiên người khác sẽ không bao giờ muốn nghe, đừng nói đến chuyện thông qua giao tiếp để kéo gần mối quan hệ với người xung quanh. Nói tóm lại, cuộc đời giống như một bộ bài, địa vị xã hội là số trên quân bài, cùng là quân bài nhưng tác dụng không giống nhau. Bạn là số 5 thì không thể thắng được số 6, đây là thứ tự. Nếu bạn đảo lộn thì khó có thể tiếp tục chơi được. Vì thế, hãy đánh bài theo lẽ thường, bạn có thể là một con số 5 vui vẻ, nhưng hãy nhớ còn con số 6 lớn hơn bạn.

  1. Tăng cường sự tôn trọng của người khác đối với bạn

Nếu bạn có thể căn cứ vào thân phận địa vị của đối tượng giao tiếp để áp dụng các phương thức nói chuyện khác nhau, đặc biệt là với những người cần tôn trọng đặc biệt, yêu cầu cách nói và thái độ có sự chú trọng cần có thì điều này là vô cùng quan trọng. Như thế vừa có thể thỏa mãn nhu cầu tâm lý của đối phương, lại vừa thể hiện được tố chất và sự tu dưỡng của bản thân, từ đó cũng khiến người khác báo đáp lại bạn sự tôn trọng tương tự. Sự tôn trọng và quan tâm của con người luôn là sự tương tác qua lại với nhau, điều này vừa phù hợp với sự miêu tả của định luật hấp dẫn trong tâm lý học, vừa phù hợp với tâm lý thiếu hụt nội tại của con người – cho dù là trong giao tiếp hay là những lúc khác, con người thường nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng tâm lý, khi bạn tôn trọng và đối xử trọng hậu với người khác, người khác sẽ nghĩ mọi cách đáp lại sự đãi ngộ tương tự với bạn trong thái độ hoặc hành vi.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Tục ngữ có câu: “Liệu cơm gắp mắm”, chúng ta cần căn cứ vào sự khác biệt về thân phận, địa vị của đối phương để áp dụng các phương thức nói chuyện khác nhau. Vậy, khi nói chuyện chúng ta cần lưu ý những gì?

(1) Hiểu rõ thân phận địa vị của mình

Bất cứ khi nào nói chuyện, chúng ta cũng đều phải hiểu rõ thân phận và địa vị của mình. Điều cần đặc biệt chú ý là: Trong các trường hợp khác nhau, trước những đối tượng khác nhau, thì bạn sẽ có những thân phận và địa vị khác nhau. Ví dụ ở nhà, bạn có thể là phụ huynh nghiêm khắc, nhưng trong công việc, địa vị của bạn lại được quyết định bởi chức vụ hoặc mức độ coi trọng của mọi người trong cơ quan.

(2) Hiểu được sự khác biệt về địa vị của mình và đối phương

Vai trò hay địa vị của mỗi người trong xã hội chỉ mang tính tương đối, khi chúng ta nói chuyện với người khác, phải hiểu địa vị của bản thân và địa vị của đối phương có sự khác biệt hay không. Nếu có thì sự khác biệt ấy là lớn hay nhỏ, phải hiểu rõ điểm này thì khi nói chuyện với người khác chúng ta mới không nhầm lẫn và phạm lỗi được.

Bài 2: Căn cứ vào biểu cảm khuôn mặt của đối phương để nói chuyện

Đắm chìm trong tình yêu, cô gái với tâm trạng rối bời khi cãi nhau với bạn trai, thường khóc lóc chất vấn: “Rốt cuộc anh có yêu em không?” Sau đó vì một câu nói “Anh yêu em” khô khan từ bạn trai, sẽ lập tức tin tưởng và tha thứ cho đối phương; bạn bị mất tự tin trong công việc, đối mặt với giám đốc khó tính, thỉnh thoảng cũng căng thẳng tới mức không biết phải nói thế nào.

Vậy là do bạn trai quá giỏi ngụy trang hay giám đốc quá khó tính đã khiến bạn lâm vào tình cảnh như vậy? Đều không phải, tất cả bắt nguồn từ chính bạn: Để trở thành một người sáng suốt, có tình yêu đẹp đẽ, làm nhân viên được ưu ái, chuẩn bị cho việc thăng chức, tất cả đều cần bắt đầu từ vai trò của tâm lý học.

Tục ngữ có câu: “Biết người biết mặt mà không biết lòng”, trái tim con người ẩn sâu, chỉ có bạn mới hiểu được chính nó mà thôi. Tâm lý học dạy bạn “biết mặt”, “mặt” ở đây chỉ biểu cảm khuôn mặt. Xét từ góc độ khoa học, chính là giải mã tâm lý qua khuôn mặt.

Bạn có biết thương nhân Ba Tư cổ đại khi định giá cho đá quý đã có mánh khóe gì không? Họ dựa vào mức độ giãn nở đồng tử của khách hàng khi nhìn thấy đá quý để định giá, đồng tử giãn nở càng lớn, chứng tỏ khách hàng càng thích đá quý. Cho nên chúng ta mới thường nghe thấy khách hàng than phiền thế này: “Vì sao càng là những thứ mình thích thì lại càng đắt nhỉ?”

Nhìn ví dụ nhỏ ở trên, có phải bạn đã hiểu ra điều gì rồi không? Làm ăn buôn bán cần dựa vào biểu cảm khuôn mặt của người khác để suy đoán tâm tư trong lòng đối phương. Bình thường, khi chúng ta giao lưu nói chuyện với người khác, cũng cần phải kết hợp với biểu cảm khuôn mặt của đối phương. Ví dụ, muốn biết điều mình nói có phải là điều mà đối phương thật sự muốn nghe không, vậy thì khi nói chuyện, bạn hãy chú ý quan sát ánh mắt của đối phương. Người giỏi nói dối thế nào cũng có một đôi đồng tử thành thực. Các nhà tâm lý học thông qua nghiên cứu đã phát hiện, đồng tử có thể phản ánh chân thực biến đổi nội tâm của một người. Khi người ta nhìn thấy hoặc nghe thấy người hay sự vật mà mình thích, đồng tử sẽ nhanh chóng giãn nở; ngược lại, đồng tử sẽ thu nhỏ. Vì thế, lần sau nói chuyện với bạn bè, bạn nhất định không được chỉ biết ngồi đó nói những chuyện mình cho là thú vị, mà nên nói ra chủ đề với mục đích thăm dò, sau đó quan sát biểu cảm khuôn mặt của mọi người, nếu họ đều tỏ ra không quan tâm tới mình, biểu lộ vẻ mặt không quan tâm thì tốt nhất bạn nên chuyển chủ đề nói chuyện.

Nhà tâm lý học nổi tiếng, chuyên gia nhận biết nói dối nổi tiếng trên thế giới – Paul Ekman nói: “Chúng ta dùng thanh quản để nói chuyện, nhưng chúng ta dùng biểu cảm khuôn mặt, thanh điệu, thậm chí toàn bộ cơ thể để biểu đạt và truyền tình cảm. Khuôn mặt rất trung thực, hơn nữa thường xuyên biểu lộ tâm trạng của con người. Con người không thể khống chế biểu cảm khuôn mặt của mình một cách có ý thức.”

Paul Ekman (15 tháng 2 năm 1934 – ) là nhà tâm lý học người Mỹ, sinh ra ở Washington, Mỹ. Ông chủ yếu nghiên cứu sự biểu đạt của cảm xúc và hoạt động sinh lý của nó, những biểu hiện của nét mặt thể hiện sự lừa gạt trong giao tiếp. Ông là người đi đầu trong việc nghiên cứu cảm xúc và biểu cảm khuôn mặt. Năm 1991, ông giảnh giải thưởng cống hiến khoa học xuất sắc do hiệp hội tâm lý học của Mỹ trao tặng. Ông là nguyên mẫu của nam diễn viên chính Cal Lightman trong bộ phim Lie to me (Dối trá) của Mỹ.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button