Thể loại | Văn Học Việt Nam |
Tác giả | Đinh Phương |
NXB | NXB Hội Nhà Văn |
Công ty phát hành | Tao Đàn |
Số trang | 208 |
Ngày tái bản | 05-2016 |
Giá bán | Xem giá bán |
Nội dung
Với văn phong đẹp đẽ, bình đạm, Nhụy Khúc đã đưa người đọc len vào những ngõ ngách của lịch sử, bạn đọc sẽ tiệm cận những khúc quanh của một thành phố mờ mịt, đưa tay phủi đi lớp bụi thời gian, lật giở từng trang ký ức tưởng chừng như đã chìm sâu vào dĩ vãng. Với hiện thực đan xen huyền ảo, lịch sử đan xen hiện tại, Nhụy Khúc là một tác phẩm văn học đương đại sẽ không làm bạn thất vọng.
[taq_review]
Review

Thụy Oanh
Vũ và Trang là hai nhân vật chính của Nhụy khúc. Những chàng trai cô gái tuổi hai mươi, nhưng mang trong mình đầy ắp những tâm sự u uất bởi những tổn thương trong quá khứ. Họ gặp nhau tại một tiệm sách cũ, nơi Trang là nhân viên còn Vũ là khách hàng. Cả hai dần trở thành bạn. Một ngày kia, Vũ bất ngờ tự tử. Trước khi chết cậu nhờ Trang đi tìm một người đàn ông. Trang thực hiện lời hứa với người đã khuất, bắt đầu bước vào một hành trình khám phá, từ từ lật mở những trang sử tưởng như đã chìm vào dĩ vãng.
Nhụy khúc không phải là một cuốn tiểu thuyết thiên về việc kể và xây dựng cốt truyện. Câu chuyện của Vũ, hay của Trang dường như chỉ là một cái cớ để tác giả giãi bày những suy nghĩ và chiêm nghiệm của bản thân về cuộc sống, nhân sinh và sự xoay vần, biến động của thời cuộc thể hiện rõ nét bằng những câu chuyện đã trở thành một phần của lịch sử.
Khai thác mạnh kỹ thuật “dòng ý thức”, tiểu thuyết của Đinh Phương rất ít sử dụng các đoạn hội thoại, mâu thuẫn, hay diễn tả quá nhiều chuỗi hành động của nhân vật. Xuyên suốt cuốn tác phẩm là những dòng suy tưởng miên man của cái tôi cá nhân.
Nhụy khúc còn là hành trình đi tìm lại “phố Chìa” một địa danh dường như đã biến mất bởi sự hoen mờ của tháng năm lịch sử. Những gì còn sót lại khiến nhân vật Trang nửa tin, nửa ngờ, ngỡ lạc vào mê cung. Sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại cùng những suy niệm không ngừng từ nhân vật khiến không gian của cuốn tiểu thuyết hư hư, thực thực mà đậm chất thơ.
Trở đi trở lại trong tiểu thuyết là hình ảnh của “cỏ nhụy khúc” , một thứ cỏ mọc lên từ những nấm mộ, hoang dại và tràn đây sức sống. Loài cây mà thoáng qua ta cứ ngỡ nó chỉ là thứ cỏ dại mỏng manh. Nhưng bên trong vẻ yếu ớt đó là sức sống mãnh liệt, khiến cho con người không thể xóa bỏ một cách triệt để. Đây là cách để tác giả đưa ra một ẩn dụ về lịch sử. Lịch sử đôi khi không còn tồn tại trong sử sách, nó chỉ mơ hồ trong những câu chuyện kể mà đôi lúc con người ta vô tình lãng quên, nhưng lịch sử không bao giờ bị xóa bỏ hoàn toàn, nếu nó đã từng tồn tại.
Đinh Phương đã khéo léo đưa những câu chuyện lịch sử như khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học, hay cuộc di cư diễn ra ở miền Bắc vào năm 1954 được biết đến với cái tên “Hành trình tự do” đan cài khéo léo vào trong tác phẩm của mình. Nhưng cuốn sách “lạ” ở chỗ anh không kể lại câu chuyện lịch sử như cách mà nhiều nhà văn đi trước đã làm. Tác giả đã đưa những quan điểm và góc nhìn cá nhân của một con người đang sống ở hiện tại vào sự kiện đã qua. Đó cũng là cách mang lại cho lịch sử một đời sống mới.
Nhụy khúc là sản phẩm sáng tạo đầy mới lạ của Đinh Phương. Cái mới, cái lạ và cá tính của tác giả được thể hiện từ cấu trúc tiểu thuyết, giọng điệu đến cách xây dựng nhân vật. Ta có thể gọi Nhụy khúc là một “siêu tiểu thuyết” (metafiction) bởi trong khuôn khổ hơn 200 trang nó mang tới nhiều câu chuyện và thông điệp. Chúng đan cài vào nhau tạo nên một bản giao hưởng của ngôn từ. Cuốn sách không dành cho người đọc vội, tác phẩm đòi hỏi ở người đọc sự suy ngẫm để bóc tách ý nghĩa trong từng lớp ngôn từ ấy.
Bạch Tử
“Nhụy khúc” là một quyển tiểu thuyết mờ ảo như sương, dành cho những người kiên nhẫn, bởi vì khá khó đọc với những người không quen với cách viết huyền hoặc này. Người đọc có thể bị rối khi mới bắt đầu, nhưng từ từ mọi thứ sẽ trở nên mạch lạc và dễ theo dõi hơn. Sự mơ hồ của tiểu thuyết không chỉ nằm ở cách hành văn như thơ, mà còn bởi bố cục truyện và cốt truyện.
Ý tưởng về cái chết, giấc mơ, sự sai lệch của trí nhớ, lịch sử viết lại từ thiên kiến mỗi người nên không toàn vẹn, có thể được xem là chủ đề chính của sách.
Nếu ai đã quen với phân tâm học thì sẽ thấy những ý tưởng này không mới. Tuy nhiên, với chủ đề không mới, nhưng viết có đầu tư, thì vẫn có thể thu hút người đọc. Hơn nữa, đây là tiểu thuyết đầu tay của một tác giả trẻ, nên cũng phải châm chước và đừng đòi hỏi quá nhiều.
Nội dung truyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại, dẫn truyện hơn một góc nhìn, mạch truyện có thể chia thành 3 tuyến: (1) Tuyến truyện của Trang, (2) Tuyến truyện của Vũ, (3) Tuyến truyện của lịch sử thành phố. 3 tuyến truyện này kết nối với nhau bằng nhân vật nữ chính – Trang. Nhưng tôi cảm thấy sự liền mạch của cốt truyện chưa được thuyết phục lắm.
Bởi vì 3 tuyến truyện đan xen vào nhau, lại viết đan xen giữa quá khứ và hiện tại, nên dễ làm người đọc bị rối, cộng với cái không khí “phân tâm học” của truyện, thì lại càng dễ rối hơn.
Bản thân tôi, thích tuyến truyện (2) và (3), không thích (1), mặc dù (1) chiếm hơn một nửa nội dung tiểu thuyết. Bởi vì, tôi không thích những câu chuyện gia đình lằng nhằng.
“Từ ký ức của mình đến ký ức của người khác” – các nhân vật “bước từ thực tại này qua những giấc mơ để đến một thực tại khác”
Với tuyến (1) Cha mẹ ly hôn, gia đình tan vỡ ám ảnh tuổi thơ của Trang, được nhai đi nhai lại một cách nhàm chán bằng hình ảnh “tấm giấy ly hôn trên bàn, ba mẹ ngồi đối diện nhau, trong một ngày hè nóng nực”. Sau đó, là sự vật vã của Trang với quá khứ, kiểu “buồn chênh vênh” của đám trẻ trâu bây giờ, nên tôi không có cảm tình lắm. Tuy nhiên, tuyến (1) có những hình ảnh ẩn dụ rất đắt giá là nhụy khúc, ngôi mộ trên đồi và những chiếc màn, khiến cho tuyến (1) bớt hiện thực, và mang tính fantasy hơn.
Nếu tuyến (2) và (3) được khai thác riêng thành một tiểu thuyết, khai thác triệt để hơn thì chúng ta sẽ có một truyện fantasy vô cùng thú vị.
Tuyến (2) của Vũ, cái chết luôn hiện hữu, thật ra cái chết hiện hữu mọi nơi trong truyện, ở tuyến (1) cũng có nhưng bị bi kịch gia đình của Trang làm mờ đi. Cái chết ở tuyến (2) rất trực tiếp và rõ ràng. Gắn với Vũ còn có hình ảnh của sách và vấn đề đấu tố cùng đốt sách, gây ra bởi phe thắng cuộc, đây có thể xem là một trong những đoạn đáng đọc nhất tiểu thuyết. Tôi thích hình ảnh chim Choi Choi và sự giải thích về thời gian ở phần này.
Tuyến (3) đặc biệt thu hút và thú vị, có rất nhiều thứ gắn với lịch sử được đề cập đến ở đây. Sự mất tích bí ẩn của một toán lính Pháp vào màn sương mù trong ngõ hẻm nào đó, đã khơi lại lịch sử của một cảng biển, nơi tham dự vào một trong những bi kịch lớn nhất trong lịch sử dân tộc – sự chia cắt đất nước. Và sự biến thiên của thời cuộc, sự lãng quên hay sai lạc của quá khứ, nhiều khi chỉ vì một nguyên nhân rất đơn giản, ít ai ngờ đến. Mặc dù tuyến (3) được viết khá ngắn, đến 1 phần 3 cuối sách mới xuất hiện, nhưng làm cho sách hấp dẫn hẳn lên.
“Có lịch sử nằm trong lịch sử mà chúng ta không bao giờ biết đến” có thể xem là câu văn thể hiện hết cái hồn của tuyến (3).
Tiểu thuyết có những đoạn rất đắt giá, khiến tôi vô cùng thích:
“Rất nhiều con tàu Noah xuất hiện năm 1954 trên bến cảng, hệt như sách Sáng thế trong Kinh Thánh. Cơn đại hồng thủy là sự giận dữ, cào xé trong linh hồn mỗi người khi phải đối diện với thực tại chứ không phải cái chết. Chết bao giờ cũng dễ dàng hơn lay lắt sống tiếp. Đám người đi và đám người ở lại cuống cuồng nhặt nhạnh, lãng quên các hồi ức cần phải quên. Chẳng có con bồ câu nào được thả ra từ các vòng tay oặt èo mỏi mệt bay trở về ngậm cành ô liu. Tất cả chỉ là mặt nước chùng chùng tìm không thấy đáy”
Cũng có đoạn viết về lịch sử mang tính triết lý, thể hiện một góc nhìn rất hợp lý, kiểu lý thuyết khoa học hậu hiện đại:
“Mình không dám chắc ký ức của mình đúng hay lịch sử đúng, khi cái nào cũng có vẻ rất thật, đều như chắc chắn đã diễn ra; ký ức cá nhân trộn vào nhiều thứ: từ những câu chuyện diễn ra hàng ngày đến các câu chuyện trên báo, các giấc mơ, việc cãi cọ của hàng xóm, cuốn sách đang độc, mùi vị thoảng trong gió, thời tiết bên ngoài cửa sổ…, từ những cái tưởng không liên quan xây nên niềm tin về cái có thật xảy ra trong lịch sử, đôi khi trái ngược với lịch sử, kể về cái không hề có thật mà người tạo ra là mình vẫn tin nó có thật, nó phải như thế.
Lịch sử chính thống đơn giản với các sự kiện ghi trong sách vở truyền từ đời này sang đời khác. Người đời sau chỉ việc tin nó đã xảy ra thế, việc kiểm chứng là không thể khi thời gian đã qua hàng trăm nghìn năm, trải qua bao binh biến, phục hồi, tàn phá. Tùy theo quan điểm người chép sử mà lịch sử chính thống cũng chỉ là thứ lịch sử cá nhân thấm đẫm chủ quan.”
Và những trang cuối sách, là những đoạn thú vị nhất.
Tóm lại, đây là một tiểu thuyết thú vị, nếu bỏ qua sự nhàm chán của bi kịch gia đình mà nhân vật Trang thể hiện, chỉ quan tâm đến những yếu tố fantasy. Tiểu thuyết ít nhiều làm tôi nhớ đến những fiction đầy chất fantasy của các tác giả mạng, kiểu light-novel trẻ trung và ấn tượng.

Yên San
Nửa đầu năm 2016, tiểu thuyết Nhụy khúc và tập truyện ngắn Đợi đến lượt lần lượt xuất hiện đã đưa cái tên Đinh Phương đến gần hơn với độc giả văn học Việt Nam đương đại, sau tập truyện ngắn đầu tay Những đứa con của chúa trời xuất bản năm 2014. Sự hiện diện ấy tiếp tục định hình và khẳng định một tiếng nói lạ.
Nếu đúng như Milan Kundera nói, khi đối mặt với sự quên, tiểu thuyết là một lâu đài có “hệ thống phòng vệ vô cùng thảm hại” thì có lẽ Đinh Phương đang cố gắng chống lại điều đó bằng cách từ bỏ nỗ lực xây dựng hệ thống phòng vệ ấy.
Lược khỏi bề mặt câu chuyện tầng tầng lớp lớp những chi tiết, sự kiện, điểm mốc thời gian, mô tả cụ thể về không gian, phác họa về tiểu sử nhân vật, Nhụy khúc chỉ còn lại vài mẩu dữ kiện phân mảnh gây khó khăn cho việc tóm lược, nếu cố gắng tóm lược cũng thành ra một cái gì rất tẻ nhạt, đơn điệu. Vài mẩu dữ kiện ấy về phần mình lại bị che phủ bởi màn sương dày đặc của kí ức, nỗi đau cá thể, các mối liên hệ rời rạc và không ngừng bị xoáy vào lực hút của sự quên.
Mưa, sương mù, tờ giấy trắng trên bàn, cỏ nhụy khúc, ngôi mộ người vô danh trên núi, tên những cuốn sách, tên một bản nhạc, tên một địa danh đã lùi vào quá vãng, mê cung những con ngõ không tên trở thành những đinh ghim của diễn tiến câu chuyện và kí ức. Chúng chối bỏ mối liên hệ với một thực tại khách quan, đồng thời trở thành những thực thể sống động trong đời sống của kí ức, thậm chí trong “đời sống này”.
Có bốn cái tên nhân vật xuất hiện trong câu chuyện: Trang và Vũ, Hà – tên bố Vũ, Yến – tên mẹ Vũ, nhưng hai cái tên ấy gần như treo lơ lửng trong câu chuyện, không có dòng chảy, cũng không có diễn tiến. Cả câu chuyện, Vũ chỉ là một hình hài đã chết qua kí ức của Trang. Cái chết của Vũ và kí ức của Vũ sống trong kí ức của Trang, nhờ kí ức đó mà nương náu. Câu chuyện của Trang là một chuỗi những câu hỏi: Vì sao Vũ chết? Người đàn ông Vũ nhờ Trang đi tìm là ai? Trong mê cũng những con ngõ của phố, những người lính Pháp và người dân năm xưa đã biến mất như thế nào, bây giờ họ đi đâu? Người nằm dưới ngôi mộ mẹ vẫn dẫn Trang lên thăm mỗi đầu thu là ai? Cỏ nhụy khúc là loài cỏ gì?
Tên địa danh duy nhất – phố Chìa – hóa ra là một cái tên dân gian. Lịch sử của phố Chìa, cảng Chìa cũng đã biến mất vào cõi tăm tối của sự lãng quên. Kí ức về nó gắn liền với không là gì khác ngoài sự mơ hồ, huyền hoặc, với phảng phất cảm nhận về nỗi đau mất mát và chia li. Ngay cả nỗi đau đó cũng trở nên mơ mơ hồ hồ, như có như không.
Cho đến cuối cùng, Nhụy khúc hồ như không có câu trả lời chung cục, tức là không có cái kết. Ngay cả con đường lên núi mà nhân vật nữ tưởng mình vẫn nhớ nằm lòng, rút cùng lại để cho sự quên nuốt mất. Ngoài một sự kiện thực tế ít ỏi là nhân vật nữ mãi mãi rời bỏ thị trấn quê nhà, nơi giờ đây có người bố đã hóa điên, thì những câu hỏi ấy vẫn bám riết lấy nhân vật và rồi bám riết cả người đọc.
Có lẽ nào, việc từ chối trả lời những câu hỏi là một phương cách để người viết khiến câu chuyện trở thành ám ảnh?! Ở điểm này, tác giả Nhụy khúc đã có một sự tinh tế riêng. Một kiểu bố cục giải “bố cục”, một sự khuyết thiếu khiến kí ức bộn bề của độc giả phải lưu giữ giữa ngồn ngộn những dòng chảy sự kiện, những câu chuyện đầu cuối tươm tất, đẹp đẽ.
Nhưng nếu vậy thì rút cùng, Nhụy khúc có gì?
Thực ra, Nhụy khúc là một câu chuyện chối bỏ diễn tiến của sự kiện. Mang trên mình định danh tiểu thuyết, song Nhụy khúc hướng tới hình thức của một bài thơ trữ tình. Trong đó đầy những lặp lại, biến tấu, ám chỉ, tượng trưng, đẩy những chi tiết nhỏ được đẩy lên thành những điểm quan trọng, đẩy lùi sự ngạo mạn của những sự kiện ngày tháng chính xác hay những cái tên được đi vào lịch sử.
Không phải một câu chuyện có hồi kết là mục đích rốt ráo của sự kể, mà chính là kí ức. Nhụy khúc có lẽ là một cuộc điều tra về kí ức và sự quên. Kí ức về cảnh đốt sách của người hàng xóm sống trong Vũ. Kí ức về bố mẹ sống trong Trang. Kí ức thuộc về Vũ sống trong kí ức của Trang. Kí ức về lịch sử sống trong dân gian. Kí ức về lịch sử trong những nhân chứng sống. Đi đến cùng, kí ức hóa ra cũng chơi trò chơi hoán vị và dị bản. Dị bản kí ức của Vũ về cảnh đốt sách nhuốm màu bi tráng khác với dị bản kí ức nhuốm màu bi hài kịch đời sống của Trang.
Tra vấn quá khứ của một con người song hành với tra vấn một lịch sử, sự biến mất của một lịch sử cùng sự biến mất của một con người, Nhụy khúc đồng thời tra vấn mức độ đáng tin cậy của kí ức. Kí ức, thay vì là một đám tro tàn, nó là một thực thể sống, một hình hài không chết cứng trong những sự kiện lịch sử mà phả hơi thở vào đời sống cá nhân. Và cùng với hấp lực của sự quên, kí ức cũng chỉ là một ảo ảnh do cá thể tạo dựng, đồng thời là một biến tấu do lịch sử viết nên.
Kí ức vốn có về thể loại cũng trở nên mờ hồ trong Nhụy khúc. Người viết mượn một chút hiện thực huyền ảo, một chút dòng ý thức, lại phản trinh thám, nhưng cuối cùng vẫn không thể đặt tác phẩm vào một ngăn phân loại nào. Nhụy khúc chối bỏ sự định danh thể loại.
Chối bỏ nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ của tiểu thuyết chống lại sự lãng quên, nhưng đồng thời Nhụy khúc lại mượn hình thức của thơ – “một pháo đài của kí ức”, có lẽ khát vọng của người viết không chỉ là đem đến một tiếng nói lạ, mà là một tiếng nói đủ sức âm vang, đủ sức định hình “một kí ức” trong tâm trí độc giả.
Văn chương của cuốn tiểu thuyết đẹp và giàu nhạc điệu như một bài thơ. Chỉ xét riêng ở góc độ này, Nhụy khúc cũng đã thỏa mãn khoái cảm của việc đắm chìm vào những con chữ, một cách thuần túy và tinh khiết, không tính toán, không vụ lợi, không truy tìm nghĩa lí sâu xa.
Một tác giả trẻ đăng đàn, có lẽ không có mong muốn gì hơn ngoài việc khiến cho độc giả đương đại nhớ đến tên mình, đọc và ghi nhớ câu chuyện của mình. Và câu chuyện ấy có thể lưu lại trong kí ức độc giả về sau lâu bền chừng nào hay chừng ấy.
Cho đến lúc này, không lâu sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời, có thể khó để đi đến một kết luận chung cục. Nhưng hi vọng vào một sự khơi gợi, kiếm tìm, háo hức đi vào và khám phá thế giới nghệ thuật của Đinh Phương là một điều có thật. Điều ấy đang diễn ra. Ở một bên, người viết cũng đang âm thầm thêu dệt những câu chuyện mới với nỗ lực không mệt mỏi của mình.
Trích đoạn
“Mày cứ nôn đi, nôn hết đi con ạ. Cảm giác nôn là cảm giác chân thật nhất của con người. Người ta có thể che giấu nụ cười hay nước mắt nhưng không thể che giấu sự kinh tởm. Bao năm nay tao đã đợi mày trở về để nhìn thấy tao trong vai một người bố tử tế, nguyên vẹn, mày đã không về. Thành phố có gì tốt cơ chứ? Nhụy khúc cứ xanh ngằn ngặt mùa này nối sang mùa khác. Nhụy khúc tàn đi, đời tao tàn đi, nhưng rồi nhụy khúc lại xanh. Mùa xanh nhụy khúc phía bên kia núi đẹp như một giấc mơ nhiều tầng sắc.”