Review

Những Ông Trùm Tài Chính

Thể loại Sách kinh doanh
Tác giả Liaquat Ahamed
NXB NXB Thế Giới
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 576
Ngày tái bản 09-2012
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Những Ông Trùm Tài Chính đưa ra một cái nhìn mới về bản chất của cuộc khủng khoảng toàn cầu và còn là lời nhắc nhở chúng ta về những tác động to lớn tiềm ẩn từ các quyết định của một số ít chủ ngân hàng, sai lầm của họ và về những hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra ảnh hưởng đến cả nhân loại.

Mọi người đều cho rằng cuộc Đại Khủng Hoảng 1929 là kết quả của rất nhiều biến cố vượt ngoài tầm kiểm soát của các cá nhân cũng như chính phủ.

Tuy nhiên, Liaquat Ahamed đã chỉ ra rằng quyền lực tập trung trong tay một số chủ ngân hàng là nguyên nhân chính gây ra cuộc Đại Khủng Hoảng 1929. Hậu quả của nó kéo dài trong nhiều thập kỷ và là tiền đề của Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Quãng thời gian khủng hoảng đó đã gợi lên nhiều cảm hứng trong các bài báo. Lords of Finance – Những ông trùm tài chính đưa ra một cái nhìn mới về bản chất của cuộc khủng khoảng toàn cầu và còn là lời nhắc nhở chúng ta về những tác động to lớn tiềm ẩn từ các quyết định của một số ít chủ ngân hàng, sai lầm của họ, và về những hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra ảnh hưởng đến cả nhân loại.

Những lời khen dành cho tác phẩm:

“Ahamed có lẽ đã không biết rằng tác phẩm của mình ra đời đúng lúc như thế nào. Không giống như hầu hết các tác phẩm viết về nguyên nhân của cuộc Đại Khủng hoảng 1929, Lords of Finance được đông đảo độc giả đón nhận bởi tình tiết lịch sử có thực nhưng vẫn mang đậm tính văn chương” – Niall Ferguson, Financial Times

“Tác phẩm là công trình nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về nhóm các Giám đốc Ngân hàng Trung ương, nó không chỉ khơi dậy niềm hứng khởi, trí tò mò của độc giả mà còn rất thức thời” – The Economist

Về Tác Giả:

Liaquat Ahamed từng là nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp tại Ngân hàng Thế giới ở Washington, D.C, đồng thời là giám đốc điều hành của hãng quản lý đầu tư cá nhân Fischer Francis Trees and Watts.

Hiện tại ông là cố vấn cho một số quỹ bảo hiểm, chẳng hạn như Rock Creek Group và Rohatyn Group. Ông cũng là giám đốc của hãng bảo hiểm Aspen, và là thành viên Hội đồng Quản trị của hãng Brookings. Ông tốt nghiệp khoa kinh tế trường Đại học Harvard và Cambridge.

[taq_review]

Trích đoạn sách

SỰ HUYỄN TƯỞNG

Các thống đốc ngân hàng Trung ương có thể được ví với nhân vật Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp. Ông bị các thần phạt bắt phải đẩy một tảng đá khổng lồ ngược lên một con dốc cao, chỉ để thấy nó lăn xuống đất và rồi phải tiếp tục lặp lại cái nhiệm vụ khổ sở kia đến muôn kiếp. Những con người gánh vác các ngân hàng Trung ương dường như cũng phải đương đầu với một số phận bất hạnh chẳng kém – mặc dù không phải trong muôn kiếp – đó là phải nhìn những thành tựu của họ thành ra công cốc. Mục tiêu của họ là một nền kinh tế khỏe mạnh và giá cả ổn định. Tuy nhiên, đó lại chính là mảnh đất màu mỡ giúp dung dưỡng tâm lý lạc quan thái quá và các mưu toan đầu cơ cuối cùng sẽ đẩy nền kinh tế vào trạng thái bất ổn. Tại nước Mỹ trong suốt nửa cuối của thập niên 1920, thế lực gây bất ổn chính là thị trường chứng khoán phát triển bùng nổ. Tại Đức, nó lại là các khoản vay từ nước ngoài.

Đến đầu năm 1927, nước Đức dường như đã hồi phục hoàn toàn từ những năm tháng ác mộng của siêu lạm phát. Schacht giờ đã vững vàng ngự ở vị trí nắm toàn quyền sinh sát tại Ngân hàng Trung ương Đức. Sau Kế hoạch Dawes, ông đã được bổ nhiệm giữ chức thống đốc trong nhiệm kỳ bốn năm, và với bộ luật ngân hàng mới, ông được hưởng quyền bất khả xâm phạm trong phạm vi nhiệm kỳ của mình và được hoạt động độc lập với chính phủ. Ông đã củng cố thêm địa vị của mình trong Ngân hàng Trung ương Đức bằng cách loại bỏ những nhân sự cũ từ thời Von Havenstein, những người đã phản đối quyết định bổ nhiệm ông, và đưa người của mình vào thế chỗ. Thêm nữa, mặc dù một Hội đồng toàn thể bao gồm sáu viên chức ngành ngân hàng người Đức và bảy người nước ngoài nữa chịu trách nhiệm giám sát ông, song hội đồng này chỉ họp một lần mỗi quý, nhờ đó ông được thỏa sức hành động mà không gặp bất kỳ một trở ngại nào. Một chính trị gia cấp cao người Đức thời đó khi nhớ lại đã nhận xét rằng, ông vận dụng “thủ thuật tham vấn ý kiến của tất cả mọi người và rồi thực hiện chính xác những gì mình muốn.”

Do bản chất của vị trí ông nắm giữ cũng như tính cách của ông, Schacht chi phối hầu hết các cuộc thảo luận xoay quanh chính sách kinh tế bên trong nước Đức. Nhà kinh tế học có tư tưởng tự do Moritz Bonn, một cố vấn của Ngân hàng Trung ương Đức, đã viết về Schacht trong những năm tháng đó như sau, “Ông coi thế giới như là giang sơn của riêng Hjalmar Schacht, và vô cùng nhạy cảm trước mọi sự chỉ trích công khai. Đã từng va chạm với rất nhiều cá tính mạnh mẽ và tham vọng trong ngành ngân hàng Đức cũng như thế giới doanh thương, ông ôm ấp nỗi oán hờn đối với các đồng nghiệp đã có lúc vượt mặt mình. Một khi leo lên được vị trí thống lĩnh ngân hàng Trung ương, ông tỏ ra vô cùng hãnh diện vì được là sếp của bọn họ.”

Trong mắt công chúng, Schacht vẫn là “Thầy phù thủy,” là người đã cứu vớt đồng mark. Cuộc viếng thăm của Strong và Norman hồi tháng Sáu năm 1925, chuyến đi của riêng ông sang Mỹ vào mùa thu năm đó, và việc ông được thâu nạp vào bộ ba quyền lực bao gồm các thống đốc ngân hàng Trung ương mạnh nhất giữ trọng trách điều hành nền tài chính của toàn thế giới đã đưa uy tín của ông lên cao. Trong vòng ba năm kể từ cuộc gặp gỡ đầu tiên, ông đã xây dựng một mối giao tình sâu sắc với Norman – họ gặp nhau năm lần vào năm 1924, ba lần vào năm 1925, và bốn lần vào năm 1926. Norman thừa nhận rằng Schacht là kiểu người khó làm việc cùng, rằng một trong những nét lập dị của ông ta chính là lòng đam mê danh tiếng và thói quen phát biểu quá nhiều. Song ông cũng từng nói “bàn về tài chính với Schacht quả là một niềm vui tuyệt vời.” Lòng ngưỡng mộ ông dành cho ông bạn người Đức lớn lao đến mức ngài Robert Vansittart, về sau là trưởng ban ngoại giao Anh, đã phải than phiền rằng Norman “bị Tiến sĩ Schacht bỏ bùa mất rồi.”

Tuy nhiên, Strong lại không trọng vọng Schacht như vậy. “Hiển nhiên ông ta là kẻ quá mức tự phụ. Điều này không hẳn bộc lộ bản tính ưa huênh hoang khoác lác, mà thật ra lại phản ánh một sự tự tin ngây ngô nhất định,” ông đã từng viết như vậy. Tuy nhiên, ông rất ấn tượng trước cách Schacht lèo lái Ngân hàng Trung ương Đức. “Ông đảm nhiệm vai trò của mình bằng một bàn tay sắt. Ông làm việc hoàn toàn công khai, chính trực và can đảm, và có vẻ như ông nhận được sự tiếp sức từ phía chính phủ, điều mà họ chắc chắn sẽ không làm nếu đó là nước Mỹ… Ông không cố gắng che đậy mọi việc, thậm chí dường như cảm thấy thích thú khi được nếm trải những khó khăn.”

Quyền lực có vẻ hợp với Schacht. Cả gia đình đã rời khỏi biệt thự tại Zehlendorf sang nơi ở chính thức dành cho thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức đặt ở tầng thượng của tòa nhà trụ sở Ngân hàng trên Jagerstrasse. Ông chẳng phải bận tâm mấy về vấn đề tài chính – lương của ông có giá trị tương đương 50.000 đô-la và ông còn co kéo thêm được 75.000 đô-la tiền trợ cấp nữa từ Danatbank. Để đánh dấu sự hiện diện của mình, ông đã mua một ngôi nhà tráng lệ cách Berlin chừng bốn mươi dặm về phía Bắc, nơi đây đã từng là khu săn bắn và điền sản của Bá tước Friedrich Eulenberg.

Khi ở thành phố, gia đình Schacht thường xuyên lui tới các chốn tiêu khiển. Với “bản mặt tựa như đeo một chiếc mặt nạ hề xấu xí, vừa sinh động lại vừa cuốn hút đến kỳ lạ,” Schacht, cùng “trang sức” là một điếu xì gà to và người bạn đồng hành là bà vợ đoan trang, Luise, bà thường nhìn ông với “ánh mắt dè chừng” – người ta nói ông có tia nhìn rất mông lung ‒ đã trở thành một hình ảnh quen thuộc tại những chốn xa hoa sang trọng. Ông có thói quen khoa trương là thích phô bày một cách hết sức lộ liễu những tư tưởng, thị hiếu của mình giữa nơi công cộng, có người tỏ ra khó chịu, lại có người thậm thụt chế giễu thái độ tự phụ kiểu nhà giàu mới của ông – một người quen đã có lần nhận xét rằng “ở ông toát lên phong thái của một gã thầy ký mới phất.” Tuy nhiên, ông là một khách hàng nổi tiếng, một “con cá sộp” trứ danh bởi “óc hài hước cay độc và thâm thúy.” Aga Khan vẫn nhớ về Schacht của những năm tháng đó như một trong những người bạn ăn tối lôi cuốn nhất, người có thể “khiến cả bàn ăn phải mê mệt” với cách nói chuyện duyên dáng sinh động của mình. Ông luôn hãnh diện tự phong mình là một thi sĩ, và những lúc hứng lên lại ứng khẩu vài mẩu thơ để góp vui cho các bạn mình.

Trước chiến tranh, đời sống xã hội tại Berlin cực kỳ tẻ nhạt. Dưới hệ thống đẳng cấp ngột ngạt do nhóm địa chủ quý tộc bâu xâu quanh triều đình áp đặt lên, gần như không một mối tương tác nào giữa các hội nhóm trong thành phố có thể tồn tại nổi. Tuy nhiên, sự sụp đổ của giai cấp quý tộc Phổ cũ và tác động hủy diệt mà lạm phát gây nên với tầng lớp trung lưu đã biến đổi Berlin hoàn toàn, trở thành một xã hội không gốc rễ, không nền tảng, bao gồm toàn những chính trị gia và bọn đầu cơ trục lợi, các nhà quý tộc cũ và các nhà ngoại giao nước ngoài. Giá kể mà thiếu sự góp mặt của những nghệ sĩ lang thang thì đó đã trở thành một chốn cằn cỗi, tầm thường rồi. Giờ đây khi quá khứ đã bị quét sạch, thành phố bỗng mang trong mình một thứ sinh lực sôi nổi, một thứ cá tính khác thường mà không một thành phố nào khác ở châu Âu có thể sánh bằng, nhờ vậy nó đã cuốn về đây những con người tiên phong trên nhiều lĩnh vực: các nhà văn, họa sĩ, kiến trúc sư, nhạc sĩ, và nhà viết kịch. William Shirer, nhà báo sau này sẽ ghi lại toàn bộ quá trình hình thành của chủ nghĩa phát xít Đức, tới Berlin lần đầu vào đúng những năm đó và đã lập tức bị mê hoặc. “Cuộc sống dường như tự do hơn, hiện đại hơn và lý thú hơn bất kỳ nơi nào tôi từng biết.”

Bạn đọc cảm nhận

Nguyễn Hải Sơn

Cuốn sách đưa người đọc vào 1 câu chuyện gay cấn hồi hộp của thời đại khủng hoảng, 1 chuỗi lịch sử với những thước phim kinh hoàng nhất của những ông trùm tài chính. Gấp lại cuốn sách, người đọc có thể vẫn còn đọng lại những nỗi hoang mang khi nghĩ đến những vấn đề về tài chính và chiến tranh trong thế giới ngày nay. Lối văn đơn giản, đôi khi hài hước cộng với lập luận và cách dẫn dắt linh hoạt cũng góp phần làm nên thành công của cuốn sách. Với những ai là dân tài chính, kinh tế, đọc cuốn sách này, bạn có cơ hội hiểu thêm hơn những tác động của chính trị, quân sự, luật pháp… vào thế giới tài chính như thế nào. 1 cuốn sách rất đáng để đọc.

Dũng Minh

Viết dạng tiểu thuyết, nhưng Những ông trùm tài chính không đơn thuần là tiểu thuyết giải trí như chúng ta thường thấy. Sách đoạn đầu hơi khô khan, khó đọc, khó nuốt, nhưng càng về sau càng hay. Mọi vấn đề vĩ mô như tiền tệ trong cả một quốc gia (thậm chí châu lục) dần dần được tái hiện một cách rõ ràng và dễ hiểu qua những mạch truyện hấp dẫn, đôi lúc gay cấn. Rất tuyệt vời để đọc cùng những cuốn sách tài chính khác như “Đồng tiền lên ngôi” hay “Những cuộc chiến tranh tiền tệ”

Nguyễn Mai Phương Anh

Là một quyển sách kinh tế nổi tiếng và luôn nằm trong danh sách những cuốn sách cần phải đọc của dân tài chính, những ông trùm tài chính sẻ đem lại cho bạn một loạt những kiến thức mới cũng như vô vàn những hiểu biêt sâu sắc về cuộc các cuộc khủng hoảng tài chính. Không chỉ dừng lại để diễn giải về quá khứ quyển sách còn có thể là một tiền để vô cùng vững chắc để bản phân tích và nhìn rõ được bản chất của các cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây mà toàn thế giới đang phải hứng chịu bong bóng dot com 2000, sụp đổ của thị trường nhà ở 2008 và khủng hoảng nợ công…. vì trên cơ bản tất cả các cuộc khủng hoảng ít nhiều điều có một điểm chung nhất định sự cuồng loạn mất kiểm soát của con người. Tóm lại quyển sách sẽ giống như một cuốn kinh thánh khai sáng cho đầu óc bạn và giúp nó tỉnh táo hơn, thức thời hơn.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button