Review

Những Người Vay Mượn Tí Hon

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Mary Norton
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 203
Ngày xuất bản 04-2015
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Biết bao câu chuyện về người tí hon đã từng làm say đắm cả thế giới. Nhưng chẳng phải ai cũng biết rằng họ thực sự tồn tại. Và trong câu chuyện này họ lại là những người vay mượn sinh sống bên dưới thế giới con người.

Bên dưới sàn nhà căn bếp của một tòa lâu đài cổ có gia đình Clock tí hon, gồm ông Pod, bà Homily và con gái họ, Arrietty. Hễ cần cái gì, ông Pod chỉ việc lên “mượn” con người. Nhưng chỉ mình ông được ngao du lên trên, bởi luôn còn đó nguy cơ người vay mượn bị “nhìn thấy” và không thể trở về nhà. Cuộc sống của nhà Clock dễ dàng, nhưng lại quá buồn tẻ với một đứa trẻ như Arrietty. Cô chỉ có thể nhìn trời xanh qua ô lưới sắt, hít thở từ khe ván gỗ, lủi thủi chơi một mình. Arrietty đang vô cùng khao khát được kết bạn Trong khi ở trên kia có mây rợp bay, cây cối mát rượi, những cánh đồng hoa bát ngát. Và có cả một cậu bé tốt bụng…

[taq_review]

Trích dẫn

Đó là một con mắt. Hay nó trông giống như một con mắt. Trong veo và sáng ngời như màu trời. Một con mắt như mắt của cô bé nhưng thật khổng lồ. Một con mắt trừng trừng. Nín thở vì sợ hãi, cô bé ngồi dậy. Và con mắt chớp. Một giàn lông mi vĩ đại cong xuống rồi lại bay lên vượt khỏi tầm mắt. Một cách thận trọng, Arrietty nhúc nhích đôi chân: cô bé khẽ khàng trượt vào giữa những cọng cỏ và tuột xuống bờ cỏ.

“Đừng nhúc nhích!” một giọng nói vang lên, và giọng nói, như con mắt, thật to nhưng vì lý do nào đó bị nén xuống – và khàn khàn như cơn gió ùa qua lưới sắt trong một đêm bão tháng Ba.

Arrietty cứng đờ người. “Thế ra chuyện này là vậy,” cô bé nghĩ, “điều tệ nhất và kinh khủng nhất của mọi điều: mình đã bị ‘nhìn thấy’! Chuyện gì đã xảy ra với Eggletina giờ gần như chắc chắn sẽ xảy ra với mình.”

Có một quãng ngừng và Arrietty, tim đập thình thịch trong tai, nghe thấy hơi thở hít nhanh trở vào cái phổi lớn. “Nếu không,” giọng đó nói, vẫn thì thầm, “tôi sẽ đánh cậu bằng chiếc gậy gỗ tần bì của tôi.”

Chợt Arrietty trở nên bình tĩnh. “Tại sao?” cô bé hỏi. Tiếng nói của cô bé nghe mới lạ làm sao! Mong manh như pha lê và rõ ràng như hoa chuông, nó lanh canh trong không khí.

“Nếu,” cuối cùng giọng thì thầm ngạc nhiên vang lên, “cậu chạy về phía tôi, nhanh, qua cỏ… nếu,” nó tiếp tục, hơi run run, “cậu đến và cào tôi bằng đôi bàn tay nhỏ tí bẩn thỉu của cậu.”

Arrietty nhìn chằm chằm vào con mắt; cô bé vẫn khá bình tĩnh. “Tại sao?” cô bé lại hỏi, và một lần nữa câu nói lại lanh canh – lần này lạnh như đá, và sắc như kim.

“Mọi thứ đều làm thế,” giọng nói bảo. “Tôi đã thấy chúng. Ở Ấn Độ.”

Arrietty nghĩ đến bộ sách Từ điển Địa lý Thế giới của mình. “Giờ cậu không ở Ấn Độ,” cô bé nói.

“Cậu vừa đi từ nhà ra ngoài phải không?”

“Phải,” Arrietty nói.

“Từ đâu trong nhà?”

Arrietty nhìn con mắt. “Tôi sẽ không kể cho cậu biết đâu,” cuối cùng cô bé dũng cảm nói.

“Thế thì tôi sẽ đánh cậu bằng chiếc gậy gỗ tần bì của tôi!”

“Được,” Arrietty nói, “đánh tôi đi!”

“Tôi sẽ tóm cậu lên và bẻ cậu ra làm đôi!”

Arrietty đứng dậy. “Được,” cô bé nói và tiến lên hai bước.

Có một tiếng thảng thốt và một cơn động đất trong cỏ: cậu bé quay đi và ngồi dậy, một ngọn núi khổng lồ trong cái áo len chui đầu màu xanh lục. Tóc cậu thẳng, màu vàng và lông mi màu ánh kim. “Dừng lại đó!” cậu bé kêu lên.

Arrietty chăm chú nhìn lên cậu. Thế ra đây là “cậu bé”! Cô bé cảm thấy chết lặng và hơi sợ hãi. “Tôi đoán cậu khoảng chín tuổi,” cô bé thốt lên sau giây lát.

Cậu bé đỏ mặt. “Không phải, cậu nhầm rồi, tôi mười tuổi.” Cậu nhìn xuống cô bé, hít sâu. “Cậu bao nhiêu tuổi?”

“Mười bốn,” Arrietty nói. “Tháng Sáu tới,” cô vừa nói thêm vừa nhìn cậu.

Sự im lặng bao trùm trong khi Arrietty chờ đợi, hơi run run. “Cậu có biết đọc không?” cuối cùng cậu bé hỏi.

“Tất nhiên,” Arrietty nói. “Thế cậu thì không à?”

“Không,” cậu bé ngập ngừng nói. “Ý tôi là – có. Ý tôi là tôi vừa từ Ấn Độ tới.”

“Chuyện đó thì liên quan gì?” Arrietty hỏi.

“Ừ thì, nếu được sinh ra ở Ấn Độ, cậu sẽ nói hai thứ tiếng. Và nếu nói hai thứ tiếng thì cậu không biết đọc. Không thạo lắm.”

Arrietty nhìn chằm chằm lên cậu bé: thật là một con quỷ, cô bé nghĩ, đen tối trước bầu trời.

“Thế rồi khi lớn thì có thay đổi không?”

Cậu bé hơi nhúc nhích và cô bé cảm thấy cái lạnh trong bóng râm của cậu.

“Có chứ,” cậu bé nói, “điều đó sẽ mất dần đi. Các chị tôi đều biết hai thứ tiếng; bây giờ thì không còn biết hai thứ tiếng tí nào nữa. Họ có thể đọc được bất cứ cuốn sách nào trên phòng học.”

“Tôi cũng thế,” Arrietty nhanh nhảu, “nếu có ai cầm được các cuốn sách, và lật sang trang mới. Tôi không biết hai thứ tiếng. Tôi có thể đọc được bất cứ cái gì.”

“Cậu có biết đọc to lên không?”

“Tất nhiên,” Arrietty nói.

“Bây giờ cậu có thể đợi ở đây trong khi tôi chạy lên tầng trên và lấy một cuốn sách không?”

“Ừ,” Arrietty nói; cô bé đang mong muốn được khoe tài năng của mình; rồi vẻ hoảng hốt hiện ra trong mắt cô bé. “Ôi…” cô bé ngập ngừng nói.

“Có chuyện gì vậy?” Giờ cậu bé đã đứng lên. Cậu vút lên như một ngọn tháp phía trên cô bé.

“Ngôi nhà này có bao nhiêu cửa?” cô bé nheo mắt lại khi nhìn lên cậu bé trước ánh sáng mặt trời. Cậu bé quỳ một đầu gối xuống.

“Cửa?” cậu bé nói. “Cửa ra vào?”

“Phải.”

“Ừ thì, có cửa chính, cửa sau nhà, cửa phòng để súng, cửa phòng bếp, cửa phòng rửa bát… và những cái cửa sổ kiểu Pháp ở phòng khách nhỏ.”

“Ừ, cậu biết đấy,” Arrietty nói, “bố tôi đang ở hành lang, chỗ cửa chính, đang làm việc. Bố tôi… bố tôi sẽ không muốn bị quấy rầy.”

“Đang làm việc?” cậu bé nói. “Việc gì?”

“Kiếm vật liệu,” Arrietty nói, “cho một cái bàn chải.”

“Thế thì tôi sẽ vào bằng cửa bên”; cậu bé dợm bước rời khỏi nhưng chợt quay người và trở lại phía cô bé. Cậu đứng một lúc, như thể ngượng ngùng, và rồi nói, “cậu có biết bay không?”

“Không,” Arrietty nói, ngạc nhiên, “thế còn cậu?”

Mặt cậu bé càng đỏ hơn. “Tất nhiên không,” cậu cáu cẳn, “tôi không phải là tiên!”

“Ừ, tôi cũng thế,” Arrietty nói, “cũng tuyệt chẳng ai như thế. Tôi không tin là có tiên.”

Cậu bé nhìn cô bé với ánh mắt kỳ lạ. “Cậu không tin là có họ?”

“Không,” Arrietty nói, “thế còn cậu?”

“Tất nhiên là không!”

“Mẹ tôi tin vào họ,” cô bé nói, cố gắng làm cậu bé nguôi giận. “Mẹ tôi cho rằng đã có lần nhìn thấy một nàng tiên. Đó là hồi mẹ tôi còn bé và sống với bố mẹ của bà ở đằng sau cái đống cát trong kho để chậu hoa.” Thực sự, cô bé nghĩ, cậu này là một kiểu con trai rất cáu kỉnh.

Cậu bé ngồi xổm xuống và cô bé cảm thấy hơi thở của cậu trên má mình. “Thế nó như thế nào?” cậu bé hỏi.

“To khoảng bằng con đom đóm với những chiếc cánh như cánh bướm. Và nó có khuôn mặt nhỏ xíu, mẹ tôi nói, sáng rực và di chuyển như tia sáng lóe còn những bàn tay tí hon thì luôn động đậy. Khuôn mặt của nó luôn thay đổi, mẹ tôi nói, luôn cười và như là ánh sáng lung linh. Nó có vẻ như đang nói chuyện, mẹ tôi nói, rất nhanh nhảu – nhưng ta không nghe được một lời nào cả…”

“Ồ,” cậu bé nói, vẻ thích thú. Một lúc sau cậu hỏi, “Nó đi đâu?”

“Nó chỉ đi,” Arrietty nói. “Khi mẹ tôi nhìn thấy nó, nó có vẻ như đang bị mắc vào một cái mạng nhện. Lúc đó trời đã tối. Khoảng năm giờ vào một chiều đông. Sau bữa trà.”

“Ồ,” cậu bé lại nói và cầm lên hai cánh hoa anh đào mà cậu gập vào nhau như một chiếc bánh kẹp rồi từ từ ăn. “Giả dụ,” cậu vừa nói vừa nhìn chằm chằm qua cô bé về phía bức tường ngôi nhà, “cậu nhìn thấy một người đàn ông nhỏ bé, cao bằng khoảng cái bút chì, với một miếng vải xanh lơ vá trên quần, trèo lưng chừng rèm cửa sổ, đang bê một tách trà búp bê – cậu có nghĩ đó là ông tiên không?”

“Không,” Arrietty nói. “Tôi sẽ nghĩ đó là bố tôi.”

“Ồ,” cậu bé lên tiếng rồi chợt nghĩ ra, “bố cậu có miếng vải xanh vá trên quần không?”

“Quần đẹp nhất của ông thì không. Quần ông mặc khi đi mượn thì có.”

“Ồ,” cậu bé lại nói. Giống một luật sư trong tình huống này, cậu dường như thấy câu nói đó tạo cảm giác tin tưởng. “Có nhiều người như cậu không?”

“Không,” Arrietty nói. “Chẳng có ai cả. Chúng tôi đều khác nhau.”

“Ý tôi là bé nhỏ như cậu ấy?”

Arrietty cười. “Ồ, đừng ngớ ngẩn như thế!” cô bé nói. “Cậu chắc hẳn không nghĩ trên thế giới này có nhiều người to bằng cậu đâu nhỉ?”

“Có nhiều người cỡ tôi hơn là người cỡ cậu,” cậu bé đáp lại.

“Thật tình…” Arrietty mở lời với vẻ bất lực rồi lại cười. “Cậu có thật sự tin – ý tôi là, một thế giới như thế thì sẽ thế nào? Những chiếc ghế khổng lồ… tôi đã thấy chúng. Thử nghĩ xem nếu phải làm những chiếc ghế cỡ to như thế cho mọi người? Và vật liệu cho quần áo của họ… hàng dặm và hàng dặm vải… hàng rạp vải… và phải khâu nữa chứ! Và những ngôi nhà khổng lồ của họ, cao đến nỗi ta gần như không nhìn thấy trần nhà… những cái giường khổng lồ của họ… những thực phẩm họ ăn… những núi đồ ăn khổng lồ bốc khói, những chiếc ao đầy đồ ninh và xúp và đủ thứ.”

“Cậu không ăn xúp à?” cậu bé hỏi.

“Tất nhiên là chúng tôi có ăn xúp,” Arrietty cười. “Bố tôi có ông bác có một chiếc thuyền nhỏ dùng để chèo vòng quanh trong nồi hầm xương và vớt những miếng trôi nổi. Ông ấy cũng câu xuống dưới đáy để lấy những miếng tủy xương cho đến khi đầu bếp trở nên nghi ngờ khi tìm thấy những cây kim uốn cong ở trong xúp. Có lần ông ấy suýt bị đắm thuyền vì đâm phải một cục xương ống ngầm. Ông ấy bị mất mái chèo và thuyền bị thủng khiến nước vào trong nhưng ông đã quăng được một sợi dây lên quai nồi và kéo mình lên dọc miệng nồi. Nhưng cả chỗ nước hầm đó – phải tới hàng sải nước hầm! Và cỡ của cái nồi! Ý tôi là, một chút nữa thì đã chẳng có đủ đồ trên thế giới này để nấu! Vì thế bố tôi nói may là họ đang dần tuyệt chủng… chỉ còn một vài người, bố tôi nói, đó là tất cả những gì chúng tôi cần – để nuôi chúng tôi. Nếu không, bố tôi nói, tất cả mọi thứ sẽ” – Arrietty ngập ngừng, cố gắng nhớ lại từ ngữ – “phóng đại lên quá đáng, bố tôi nói…”

“Ý cậu là gì,” cậu bé hỏi, “ ‘để nuôi chúng tôi’ là sao?”

Bạn đọc cảm nhận

Hân Phạm

“Arrietty”, một tuyệt tác do bàn tay chuyên nghiệp của Studio Ghibli uốn nắn nên, chính là dựa trên câu chuyện kinh điển này! Mary Norton đã giúp độc giả phiêu du trong một thế giới rộng lớn & khác lạ, dưới cái nhìn & lối sống của những “người vay mượn tí hon”. Tất cả được miêu tả một cách vừa ma mị, vừa sống động và tinh tế, mới mẻ. Cuộc đời của những kẻ nhỏ bé, sống bằng những đồ vay mượn từ con người cứ diễn ra trong niềm lo sợ, hồi hộp. Ông Pod, được coi là người vay mượn giỏi nhất & là trụ cột duy nhất giúp cho gia đình ông duy trì được qua ngày. Bà Homily, một người vợ & người mẹ kì lạ, rối rắm, khó hiểu như chính mái tóc của mình. Cho đến khi một sự thay đổi ập đến, từ chính quyết định táo bạo & liều lĩnh của cô con gái Arrietty tinh nghịch, lém lỉnh, sau khi bị “nhìn thấy” trong lần đầu đi vay mượn đầu tiên: cô đã nói chuyện với một cậu bé người. Rồi sau đó, những con người khác sinh sống trong ngôi nhà ấy cũng dần tiến gần vào cuộc sống của gia đình tí hon. Những diễn biến tiếp theo, hứa hẹn vô cùng li kì & đáng theo dõi, đang chờ đợi những cá nhân yêu thích sự KINH ĐIỂN! Hãy chọn quyển sách này 🙂

Chập Chúm Chím

Bìa cuốn sách khiến mình muốn mua ngay vì dễ thương quá. Còn khi mở cuốn sách ra bạn sẽ lập tức bước vào thế giới người tí hon sinh động, đáng yêu, một tình bạn đẹp không bị ngăn cách bởi giống loài. Mình nghe nói sách này đã được chuyển thể thành phim hoạt hình nhưng chưa được xem. Có lẽ sẽ rất dễ thương. Đọc sách thì được quyền tha hồ tưởng tượng, xem phim thì sẽ như đến với thế giới mà bạn đã tưởng tượng ra. Cuốn sách này hợp với trẻ con nhưng người lớn cũng nên đọc để đến gần hơn với thế giới mà mình đã trải qua.

Mỳ Ly

Tôi rất thích tí hon. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những mảng tưởng tượng đầy màu sắc về thế giới tí hon, những ngôi nhà bằng nấm, những chiếc dù bằng cánh hoa, chiếc tách trà có thể trở thành bồn tắm,… Đó là một thế giới yên bình, ảo diệu và khiến tim reo leng keng sung sướng. Đọc “Những người vay mượn tí hon” của Mary Norton, thế giới đó sống lại, và sinh động hơn muôn phần. Đó là lý do tôi cảm tình với cuốn sách.

Một điểm ưng ý nữa là kiểu nữ chính lanh lẹ, khôn ngoan, ham thích khám phá như Arriety là mẫu tôi khá thích.

Bìa sách cũng đẹp, hình minh họa đặc chất Tây cổ.

Nhưng, lý do mình cho 3 sao là vì phần văn phong. Xếp bên hàng truyện thiếu nhi yêu thích, cuốn sách này có phần xuề xòa trong cách viết. Câu cú hơi lủng củng. Cũng có thể đó là lỗi của biên tập/ người dịch chăng? Quả thật là đọc không mượt và nhiều khi phải nhăn trán.

Một phần nữa là khi mang truyện ra đối chiếu với bộ phim hoạt hình phóng tác cùng tên (chuyển sang bối cảnh Nhật Bản) thì thú thật tôi thích phim hơn nhiều. Rất khó để có thể yêu thích phim hơn truyện chữ, vì thông thường thế giới truyện chữ giải phóng trí tưởng tượng cao hơn, nhiều màu sắc hơn. Nhưng với tác phẩm này thì phim hoạt hình cực kỳ ấn tượng, cũng mang cái kết tạo ấn tượng nhân văn và tươi sáng hơn.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button