Review

Những Lời Bộc Bạch

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Rousseau
NXB NXB Tri Thức
Công ty phát hành NXB Tri Thức
Số trang 770
Ngày xuất bản 03-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Những Lời Bộc Bạch là cuốn tự truyện của Rousseau, được chia thành hai phần khác biệt nhau rõ rệt. Như tác giả nói rõ, phần Một dành cho ba mươi năm của tuổi thanh xuân với những hồi ức tươi mát và êm đềm, với “muôn ngàn ấn tượng thú vị”, phần Hai thuật lại quãng thời gian tương tự, đầy những biến động trong cuộc chiến đấu với bản thân, với xã hội: vinh quang, danh tiếng, khổ đau, tai họa…

Kết cấu phần Một cân đối, các quyển có số trang tương đương, tuy bao trùm những khoảng thời gian không đều nhau, có khi mười mấy năm có khi chỉ mấy tháng. Mỗi hồi tưởng là một lạc thú mới mẻ, được tác giả trở đi trở lại “và có thể sửa sang không ngại ngùng sự diễn tả cho đến khi hài lòng”.

Phần hai, viết nhanh trong trạng thái “lo sợ và đãng trí, bị những kẻ rình mò và canh gác đầy cảnh giác đầy ác ý vây bọc”, có kết cấu lỏng lẻo hơn. Cuộc đối đầu liên miên với những trở ngại, những sự ngược đãi, các tài liệu, thư từ được viện dẫn, khiến số trang của mỗi quyển tăng lên.

[taq_review]

Bạn đọc cảm nhận

Bùi Văn Nam Sơn

Chúng ta từng biết đến Rousseau của Khế ước xã hội, một tên tuổi “Lư Thoa” như ngọn cờ hiệu triệu, vẫy gọi khát vọng “tự do – bình đẳng – bác ái” của phong trào Duy Tân 100 năm trước đây ngay trong đêm tối của chế độ thuộc địa. Chúng ta lại được biết đến một Rousseau của Emille, người tiền phong của nền “tân–giáo dục” hiện đại, khai phóng và nhân bản. Và hôm nay, cũng nhờ GS. Lê Hồng Sâm, chúng ta được biết thêm một Rousseau của Những lời bộc bạch, người khai sinh thể loại tự truyện “sâu”, cha đẻ của trào lưu lãng mạn trong nền văn nghệ thế giới. Quá nhiều tài hoa, quá nhiều công đức dồn tụ lại nơi một con người! Nhưng, “con người” ấy – qua những lời bộc bạch – lại là một kẻ đa sầu, đa cảm, đa đoan, đa mang và cả đa sự nữa!

Có thế ta mới được đọc ngót 800 trang tâm sự lai láng của ông: “chẳng ỉm đi một điều gì xấu, cũng chẳng thêm một điều gì tốt”, kể “điều hay và điều dở cùng trung thực như nhau”, “có thế nào phô bày thế ấy; hèn hạ đáng khinh khi hèn hạ đáng khinh; nhân hậu, hào hiệp, cao thượng khi là như vậy”. Vâng, “cái tôi là đáng ghét”, nếu cái tôi ấy tự tô vẽ để lòe đời, lòe người. Nhưng cái tôi ấy cũng có thể rất đáng thương, đáng trọng, đáng chia sẻ, đáng kết bạn. Rousseau đã dũng cảm đi một mình trên đường đời, được yêu thương đôi bận, nhưng cũng bị bủa vây lớp lớp bởi những nghi ngờ, ngộ nhận, xua đuổi, truy bức. Ông đã chọn một cách chống trả thật độc đáo: không ẩn nấp, tránh né, biện hộ, trái lại, tự bộc lộ chính mình, không khác gì dám phơi trần ngực áo, đón nhận mọi mũi tên, hòn đạn để… vô hiệu hóa chúng!

Cách chọn lựa ấy, thiết tưởng, không phải ngẫu nhiên. Hãy thử so sánh Những lời bộc bạch của Rousseau với tác phẩm cùng tên cũng nổi tiếng không kém của một bậc tiền bối: Thánh Augustino trước đó ngót 13 thế kỷ. Tự thú của Augustino (354 – 430) là hành trình “tâm linh”, nhưng cũng chủ yếu là một phương tiện, một cỗ xe hướng đến mục tiêu cao vời là vinh danh lòng lành đầy tha thứ của Chúa Trời. Augustino quả đã khai mào cho truyền thống tự phê phán của Tây phương, nhưng trong Tự thú, ta chưa thấy nổi bật sự “tự trị” của con người hiện đại, dám phơi bày chân tướng của một tạo vật yếu đuối, đồng thời cũng dám “tôn vinh” những giá trị tự tại của bản thân. Nơi Rousseau thì đã khác nhiều! Mục đích của ông là thế tục, chứ không phải tôn giáo. Rousseau theo đuổi hai điều: tự giải thoát mình khỏi những nỗi tủi hổ bằng cách phơi bày sự yếu đuối, đồng thời sáng tạo nên một cái “tự ngã” để khẳng định trước chính mình, trước những người khác và trước trật tự xã hội thù địch. Michel Foucault, trong Lịch sử của tính dục đã giải thích thật tinh tế hiện tượng lịch sử ấy: “cần có một lao động khổng lồ (…) để tạo ra được tính chủ thể của con người: sự cấu tạo nên chủ thể (“sujet”) theo cả hai nghĩa của từ này”. “Sujet/subject” vừa là con người tự trị, vừa là kẻ phải biết phục tùng những sức mạnh xã hội. “Con người hiện đại đã trở nên sinh vật biết bộc bạch (…) Bộc bạch là một nghi thức diễn ngôn, trong đó “chủ thể” (subject) phát ngôn cũng đồng thời là “đối tượng” (subject) được phát ngôn”. Biết phân đôi là khởi điểm của hành trình hiện đại: giữa trí óc và con tim, giữa lý trí và cảm xúc, giữa tự nhiên và xã hội, giữa ta và người. Đúng như Rousseau đã viết: ông bộc bạch chính ông như một nhà thực vật học, còn làm gì với cái cây ấy, cái lá ấy là chuyện của nhà dược học! Con người hiện đại đích thực không có thói quen “vừa đá bóng, vừa thổi còi”! Nói khác đi, biết phân ly, biết giữ khoảng cách với chính mình, đồng thời biết đặt mình trước sự phán xét công khai của xã hội, của người khác không chỉ là sự “phục tùng”, mà còn là kháng cự lại sự “phục tùng” ấy, hướng đến sự giải phóng, giải thoát của “chủ thể” tự do.

J. J. Rousseau không triết lý chỉ bằng đầu óc mà còn bằng con tim: “Tôi xúc động, vậy tôi tồn tại”, chứ không chỉ: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”. Tư tưởng của ông hình thành từ những cơn “chấn động tâm tư”, hơn là từ nọa tính của giáo điều. Kỳ cùng, tinh thần đích thực của Rousseau là ngọn lửa tự do và bình đẳng bất diệt của Đại cách mạng Pháp. Vượt qua khoảng cách 300 năm, Những lời bộc bạch đưa Rousseau đến gần với chúng ta hơn bao giờ hết.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button